Giới thứ bốn mươi mốt: CHẲNG ĐẶNG ĂN BÚNG MÁ
Vị tỳ kheo khi ăn uống không được cố ăn cho đầy miệng, cho hai má bùng ra giống in như khỉ đột ăn, không nên cơm ăn trong miệng còn mà lại và thêm, phải nhai nuốt cho hết rồi mới và miếng khác.
Ăn uống ngốn ngấu đầy miệng và vội vàng thì đó không phải là đức hạnh của người tu sĩ, mà là người thế gian thiếu giáo dục đạo đức về ăn uống, thường những người ở ngoài đời có giáo dục đạo đức còn không ăn uống như vậy, huống là chúng ta, những tu sĩ Phật Giáo mà còn vi phạm giới luật dạy về ăn uống như vậy được sao?
Người tu sĩ phải có đạo đức hơn người ngoài đời, cớ sao lại còn vi phạm những điều vô đạo đức thông thường như vậy, thì làm sao xứng đáng là người gương hạnh đạo đức cho tín đồ. Ăn uống như khỉ đột thì sao gọi là người tu, người tu mà làm trò hề cho người xem thì thật là sỉ nhục.
Trong cuộc đời tu hành của chúng tôi, chúng tôi có gặp một vị tỳ kheo Tăng ôm đầu gối, giả làm cây đờn cò kéo “ò, e” khiến cho thiên hạ cười “vỡ bụng”, hay là cười người tu sĩ Phật Giáo tu hành “đời chẳng ra đời, đạo chẳng ra đạo”.
Bởi giới luật không nghiêm túc nên mới sản xuất những loại tu sĩ ca hát như vậy, thật là trái với giới luật của Đức Phật đã dạy, khiến cho Phật Pháp càng ngày càng suy đồi, chánh pháp càng ngày càng mất, chỉ còn lại một thứ giáo pháp tà ngoại, phi đạo đức của Đại Thừa Giáo và Thiền Tông.
Nếu vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật tìm cầu sự giải thoát thì cần nên tránh xa những hành động ăn uống phi phạm hạnh, phi đạo đức như vậy, nó làm mất oai nghi tế hạnh của người tu sĩ Đạo Phật và giết chết con đường tu giải thoát của vị ấy.
Hỡi các vị tỳ kheo Tăng và các vị tỳ kheo Ni! Các vị có tin một trăm giới chúng học này tội nhẹ hay không? Điều này chúng ta tự xét, khi chúng ta phạm vào những giới luật này thì Phật Pháp có suy đồi không? có bị mọi người khinh chê Phật Giáo không? Nếu có tức là tội rất nặng. Vả lại, những hành động của giới luật này dạy toàn là đạo đức thiện của một người có giáo dục trong những gia đình Phật Giáo.
Chúng ta là những người tu tập làm theo hạnh của Thánh Hiền, cớ sao lại còn sai phạm những lỗi lầm này? Những lời Phật dạy năm xưa còn ghi khắc mãi trong tâm của những bậc chân tu, thạc đức, đến giờ này thì không còn nữa, và cũng không biết đi tìm nơi đâu ra một bậc chơn tu giới đức của Đạo Phật. Thật là khó khăn vô cùng trong giai đoạn hiện tại của Phật Giáo ngày nay.
Thà không làm vị tỳ kheo, mà đã làm vị tỳ kheo thì phải hết sức giữ gìn những giới luật đạo đức trong một trăm giới chúng học này để vừa làm tốt đạo, đẹp đời.