Giới thứ hai mươi: KHÔNG ĐƯỢC LIẾC NGÓ HAI BÊN KHI ĐI VÀO NHÀ CƯ SĨ
Vị tỳ kheo khi đi đường cũng như đi vào nhà người cư sĩ không nên liếc ngó trước sau và xung quanh. Phạm hạnh của người tu sĩ là phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình, để không bị dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc và pháp, vì thế, không được ngó qua, ngó lại, chỉ ngó xuống hoặc ngó ngay phía trước chừng một du dà, (một du dà dài bằng bốn cánh chỏ), không nên ngó một bên mà cũng không nên ngó ngoái lại đàng sau lưng, cứ thẳng mà ngó ngay tới phía trước và bước chậm rãi mà đi, nhưng phải dự phòng loài trâu, ngựa, chó dữ, v.v... không nên đi gần nó lắm.
Vị tỳ kheo không nên gục đầu như ngựa đi, như kiểu người khiêng kiệu, không được xem ngó đông tây, nếu khi muốn nhìn ngó chỗ nào thì phải xoay hết mình qua hướng đó rồi mới xem.
Tất cả những lời dạy trên đây đều nằm trong giới luật của Phật, vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật cần nên lưu ý và cố gắng giữ gìn, đừng để cho sai phạm. Chính không cho sai phạm những oai nghi tế hạnh này tức là đã góp phần vào sự xây dựng và chấn hưng Phật Giáo, chứ không phải cất chùa to Phật lớn làm cảnh quang đẹp đẽ; mà cũng chính không cho sai phạm những giới luật này là để tâm ly dục ly ác pháp; có ly dục ly ác pháp thì đời sống tu sĩ mới có sự giải thoát.
Những giới luật này chúng ta phải hiểu, nó giúp cho sự tu tập của chúng ta rất lớn về sự phòng hộ sáu căn, có phòng hộ sáu căn thì tâm chúng ta mới dễ ly dục ly ác pháp, chính ly dục ly ác pháp là pháp môn “Độc cư” nội tâm của chúng ta. Mục đích giới luật là để thực hiện tâm “không phóng dật”.
Nhờ tâm có ly dục ly ác pháp thì giới luật mới thanh tịnh, giới luật có thanh tịnh thì tâm mới thanh tịnh, tâm có thanh tịnh thì tâm mới nhập được các Thánh Định, còn tâm chưa thanh tịnh mà tu thiền định là tu tà thiền. Do vậy, ta mới biết rõ cần phải sống và tu tập giới luật cho nghiêm túc, không hề được vi phạm một lỗi nhỏ, thì mới mong nhập được các chánh định của Đạo Phật.
Hành động đi không ngó qua, ngó lại là những hành động phòng hộ sáu căn của người mới tu theo Đạo Phật, nhưng phải hiểu đó là những hành động đạo đức và đạo hạnh của những bậc Thánh Nhân, người đời không thể có những hành động này được, vì tâm họ còn tham đắm quá nhiều vật chất, nên dễ bị lôi cuốn vào các pháp thế gian, mắt luôn luôn nhìn ngó hai bên, tai luôn luôn thường nghe ngóng không có thứ gì bên ngoài mà họ bỏ xót, mọi sự việc xảy ra họ đều bị dính mắc trong tâm cả.
Đi không ngó qua, ngó lại là một việc làm rất khó, chứ không phải dễ, nếu không có nhiệt tâm tu giải thoát theo đường lối của Đạo Phật đã dạy: “Cách thức phòng hộ sáu căn” thì không bao giờ có ai giữ gìn được.
Chỉ có những hàng Thánh Nhân mới có những hành động đi ngó xuống và không bao giờ ngó qua, ngó lại, liếc tới, liếc lui, đó là các Ngài đã quét sạch lòng ham muốn và ác pháp trong tâm của mình, nên nhờ đó đi nhìn xuống mà rất tự nhiên, không có một chút gò ép và ức chế tâm mình.
Hàng phàm phu tục tử không thể nào có những hành động này được, dù có cố gắng cách nào cũng không giữ được nhìn xuống một cách tự nhiên. Tại sao vậy?
Vì tâm của họ còn ham muốn quá nhiều. Cho nên đây là những Thánh hạnh, đạo đức của bậc Thánh, không thể phàm phu mà thực hiện được. Trong một trăm giới chúng học này rất là cao quý, không những chỉ dạy trau dồi, tu tập đạo đức làm người, mà còn chỉ dạy những hành động đạo đức của bậc Thánh Nhân, nhưng đây chỉ là một trong hai giới luật gạch nối, từ đạo đức làm người đến đạo đức Thánh Nhân.
Vậy các vị tỳ kheo Tăng và tỳ kheo Ni muốn trở thành những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni, thì chỉ có nghiêm trì giới luật nghiêm túc, trước tiên mới xứng đáng là đệ tử của Đức Phật, là những bậc Thánh Tăng và Thánh Ni; sau cùng quý vị là những gương hạnh đạo đức tốt cho tín đồ soi, và còn giữ gìn mạng mạch của Phật Giáo được trường tồn mãi mãi muôn đời.