Giới thứ mười lăm: CHẲNG ĐẶNG LẮC MÌNH NGỒI TRONG NHÀ CƯ SĨ
Thầy tỳ kheo khi đến nhà người cư sĩ phải sửa sang oai nghi, đi, đứng, ngồi phải đúng cách. Ngồi phải nghiêm trang không được lắc qua, lắc lại, không được xoay thân ngó ngoái lại đàng sau hoặc lắc mình ngó qua bên nây, ngó lại bên kia, trông vật này đến vật khác, tỏ ra rất ưa thích giống như một kẻ bất lương. Đó là những hành động thiếu nghiêm trang, tề chỉnh, mất oai nghi tế hạnh của một người tu sĩ đệ tử Phật.
Ngồi mà lắc qua lắc lại, lúc nào cũng nhúc nhích thân, động địa thân, đó là tiền căn của một loài khỉ vượn, người nào bị chứng trạng này phải cố gắng khắc phục, thân tâm phải bất động, để khi ngồi phải giữ gìn cho được tề chỉnh, nghiêm trang, nếu thân muốn lúc lắc thì nhớ hướng tâm và nhắc: “Thân tâm bất động không được lắc qua lắc lại, phải nghiêm trang, tề chỉnh, mới xứng đáng là một vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật”.
Từ loài khỉ, vượn, người ta tập luyện mãi nó cũng thành thói quen không lúc lắc, không nhảy nhót cũng giống như con người. Đó là cách thức tập và rèn luyện loài khỉ vượn để làm xiếc cho mọi người xem. Hiện giờ chúng ta tu tập và rèn luyện những hành động đạo đức thân, miệng, ý của mình để làm người có đạo đức không làm khổ mình khổ người, và nhờ sự luyện tập ấy sau này chúng ta mới mong trở thành những bậc Thánh Nhân thoát trần, áp dụng và thực hành theo đúng như trong những giới luật Phật đã dạy, thì chắc chắn mỗi người trong chúng ta sẽ tìm thấy một chân trời giải thoát.
Sự tu tập rèn luyện thân, miệng, ý của chúng ta về đạo đức và đạo hạnh trong giới luật của Đức Phật, chúng ta cũng giống như nhà huấn luyện khỉ, vượn để làm trò xiếc. Họ đã thành công thì chúng ta cũng thành công, không có khó khăn gì.
Vậy, nếu hằng ngày chúng ta chuyên cần “như lý tác ý” để hướng tâm, dẫn tâm ghi khắc mãi những hành động thân, miệng, ý toàn thiện thì chúng ta sẽ trở thành những con người có đạo đức đầy đủ, đạo đức ấy đã giúp chúng ta thoát khổ, mà người đời gọi chúng ta là những bậc Thánh Tăng.
Những oai nghi tế hạnh mà trong một trăm giới chúng học đã dạy chúng ta, là những hành động của một con người có đầy đủ đạo đức làm người, chớ chưa phải là những hành động đạo đức của bậc Thánh Nhân. Nếu chúng ta có đủ duyên học và tu tập tiếp những giới luật dạy về “Đạo Đức Làm Thánh Nhân”, thì chúng ta sẽ thích thú vô cùng, vì được sống trong những hành động giải thoát hoàn toàn, không còn lo lắng, sợ hãi, khổ đau trong bốn nỗi khổ của kiếp làm người: “sanh, già, bịnh, chết”.
Người tu sĩ Đạo Phật ngày nay lại có những hành động ngồi lúc lắc bất an, thì làm sao bằng một người bình thường thế tục có đạo đức ở ngoài đời. Hành động này là hành động của loài khỉ, vượn còn sót lại trong chúng ta, chớ con người thì phải tề chỉnh, nghiêm trang. Nếu những ai còn có những hành động này là nghiệp lực duy trì của loài khỉ vượn còn sót lại ở kiếp trước mà kiếp này chưa quên.
Cho nên, vị tỳ kheo đệ tử của Đức Phật cần phải lưu ý và giữ gìn những oai nghi tế hạnh này, để không bao giờ vi phạm, vì vi phạm sẻ làm mất giá trị chung cho các tu sĩ Đạo Phật chân chánh khác, và tội ấy phải chịu khổ đau muôn kiếp, muôn đời.