Skip directly to content

DÙNG MỘT HAY NHIỀU CÂU PHÁP HƯỚNG TRONG MỘT THỜI TU

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi: Sách ĐVXP IItrang 145 (cũ). Hỏi xin các pháp hướng tu về Định Vô Lậu thì trong sách rất nhiều câu:

- Tâm phải ly dục ly ác pháp.

- Tâm phải đoạn diệt lòng ham muốn và sân si.

- Tâm phải gom vô hơi thở.

- Tâm phải tịnh chỉ tầm tứ hoàn toàn.

- Tâm phải tỉnh thức hoàn toàn, thân ngủ tâm không được ngủ.

Con thấy nhiều câu quá. Vậy ta nên dùng một câu suốt giờ tu hay dùng nhieu câu trong thời gian tu đó?

Đáp:Thầy cho nhiều câu pháp hướng tâm như vậy là để cho các con lựa chọn câu nào cho xứng hợp với đặc tướng của mình, hoặc đang tu ở pháp môn nào, giai đoạn nào thì nên chọn câu pháp hướng tâm ở giai đoạn đó, pháp môn đó cho phù hợp với sự vô lậu của pháp môn giai đoạn đó.

Điều quan trọng là khi dùng pháp hướng tâm là dùng một câu pháp hướng có hiệu quả hơn là nhiều câu hướng một lượt.

Ví dụ: Tháng thứ nhất, người mới bắt đầu tu Định Niệm Hơi Thở thì câu pháp hướng đầu tiên của nó là: “Ý Thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô rõ ràng”,và khi hơi thở thở đều tâm chú ý vào hơi thở thì thỉnh thoảng lại nhắc một câu pháp hướng khác như: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.

Sau hơn một tháng tu tập, hơi thở đã thuần thục, thời gian có tăng lên từ 1 phút đến 30 phút thì những câu pháp hướng cũng được thay đổi hoàn toàn chỉ còn giữ câu pháp hướng đầu tiên của Định Niệm Hơi Thở và không còn sử dụng những câu pháp hướng cũ.

Ví dụ: Tháng thứ hai, khi ngồi kiết già lưng thẳng xong thân tâm cảm giác được yên ổn thì dùng pháp hướng tâm: “Ý thức phải biết hơi thở ra và hơi thở vô một cách rõ ràng”,khi tâm đã chú ý hơi thở ra vô đều đều thì con thỉnh thoảng khoảng 5 hoặc 10 hơi thở lại hướng tâm một lần: “Cảm giác toàn thân tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn thân tôi biết tôi thở ra”, hoặc“Cảm giác toàn tâm tôi biết tôi hít vô, cảm giác toàn tâm tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ ba con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu: “Cảm giác thân hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác thân hành tôi biết tôi thở ra”hoặc “Cảm giác tâm hành tôi biết tôi hít vô, cảm giác tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ tư con thay đổi câu pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”.hoặc“An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ năm con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm hân hoan tôi biết tôi hít vô, với tâm hân hoan tôi biết tôi thở ra”,hoặc “Với tâm giải thoát tôi biết tôi hít vô, với tâm giải thoát tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ sáu khi tâm con cảm thấy có sức định tỉnh con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ bảy khi tâm có sức định tỉnh pháp hướng tâm có hiệu quả hơn thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”,hoặc “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra”, hoặc “Quán ly si tôi biết tôi hít vô quán ly si tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ tám khi con cảm thấy tâm mình đã ly tham, sân, si, mạn, nghi thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác như: “Quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt lậu hoặc tôi biết tôi thở ra”.

Tháng thứ chín khi con cảm thấy tâm con không phóng dật tâm thường định trên hơi thở một cách tự nhiên thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Bất Động Tâm Định”.

Tháng thứ mười nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Bất Động Tâm Định thì con ở trong trạng thái Bất Động Tâm Định đó con nương vào hơi thở ra và hơi thở vô liền thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”.

Tháng thứ mười một nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Sơ Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Sơ Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ tầm, tứ nhập Nhị Thiền”.

Tháng thứ mười hai, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Nhị Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Nhị Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm ly 18 loại hỷ tưởng nhập Tam Thiền”.

Tháng thứ mười ba, nếu con cảm thấy tâm con đã nhập được Tam Thiền thì con xuất ra khỏi trạng thái Tam Thiền, tâm con trụ trên hơi thở ra và hơi thở vô thì con thay đổi pháp hướng tâm trên bằng câu pháp hướng khác và thỉnh thoảng hướng tâm như: “Tâm phải tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền”.

Đây là những pháp hướng tâm để tu tập về Định Niệm Hơi Thở còn tu tất cả các loại định khác lần lượt Thầy sẽ dạy các con trạch pháp và dùng pháp hướng tâm cho đúng cách, trước kia Thầy chỉ kê ra cho các con biết về pháp hướng tâm chứ chưa soạn thảo một giáo trình tu tập cho các con. Tại sao Thầy không biên soạn giáo trình tu tập cho các con trước?

Tại vì, giáo pháp của kinh sách phát triển đã dìm mất giáo pháp của đức Phật, nên lúc này cần làm rõ để cho mọi người thấy đâu là chánh pháp của đức Phật và đâu là tà pháp của ngoại đạo, cho nên sự hỏi đạo của Phật tử hiện giờ là một điều cần thiết hơn là tu tập. Sau khi hỏi đạo thấu rõ chánh pháp và tà pháp thì giáo trình tu tập sẽ được ra đời, thì sự tu tập của các con không còn khó khăn nữa, nghĩa là các con được Thầy hướng dẫn từng bước tu tập, còn bây giờ các con hỏi thì Thầy chỉ dạy lõm bõm mà thôi.

Sau này các con sẽ có một giáo trình tu học theo đúng chương trình giáo dục đào tạo những bậc tu chứng của Bát Chánh Đạo.