ĐỨC PHẬT TU TẬP PHÁP MÔN NÀO TRONG 49 NGÀY CHỨNG ĐẠO?
Câu hỏi của Diệu Quang
Hỏi:Kính thưa Thầy! Sáu năm khổ hạnh, đức Phật tu tập theo pháp môn của ngoại đạo thì không nói, chỉ nói đến 49 ngày tu tập mà đức Phật đã chứng đạo. Vậy đức Phật tu pháp môn gì? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp:Đức Phật cắt ái xuất gia tu hành trong thời kỳ Bà La Môn Giáo chia làm sáu bộ phái, lấy kinh Vệ Đà làm tiêu chuẩn pháp môn tu tập, nhưng theo tưởng giải riêng biệt của sáu vị Đại sư mà người đương thời gọi là Lục sư, nhưng sáu bộ phái này được xem là một giai cấp Bà La Môn lãnh đạo tinh thần quần chúng lúc bấy giờ.
Sáu năm tu khổ hạnh, đức Phật đã thực hành tất cả những pháp môn khổ hạnh của sáu phái này, nhưng kết quả chẳng tìm thấy sự giải thoát, thậm chí như đức Phật đã nhập đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ Định mà vẫn không tìm thấy sự giải thoát, nên đức Phật ném bỏ các pháp môn này như ném bó những chiếc giày rách, thế mà đời sau này các Tổ dám cả gan đem bốn loại thiền tưởng vô sắc này ghép vào pháp môn của Phật để lừa đảo tín đồ, sau này có dịp chúng tôi sẽ nói rõ về bốn loại thiền vô sắc này để quý vị thấy rõ dã tâm của các vị sư Bà La Môn lồng giáo pháp của mình vào giáo pháp của đức Phật để đánh lừa phật tử. Vì thế, sau này đức Phật gọi các pháp môn của sáu vị Sư này là ngoại đạo, nên trong kinh Nguyên Thủy thường có danh từ: “Lục sư ngoại đạo”, là để chỉ cho pháp tu hành không giải thoát.
Vậy đức Phật đã tu pháp môn nào chứng đạo? Trong khi các pháp môn của ngoại đạo đức Phật đã thực hành không có một pháp môn nào mà Ngài không tu tập.
Như vậy, được xem đức Phật đã không còn pháp môn tu tập. Vậy chúng ta trở lại bài kinh Đại Saccaka trong kinh Trung Bộ tập 1. Sau khi đức Phật khổ hạnh tận cùng bằng sự ức chế thân để thoát khổ, nhưng cuối cùng vì tiết thực ăn quá ít cơ thể kiệt quệ đến nỗi không đứng dậy được, lúc bấy giờ Ngài hồi tưởng lại lúc còn bé, khi theo vua cha đến làm lễ hạ điền: “Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Ta biết, Trong khi phụ thân Ta, thuộc dòng Sakka (Thích Ca) đang cày ruộng và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây (jambu) diêm phù đề (hồng táo), Ta ly dục ly pháp bất thiện chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ”. Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: “Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?”. Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: “Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ”. Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta có sợ chăng lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly pháp bất thiện?” Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: “Ta không sợ lạc thọ này, một lạc thọ ly dục ly pháp bất thiện”.
Rồi này Aggivessana, Ta suy nghĩ: “Nay thật không dễ gì chứng đạt lạc thọ ấy, với thân thể ốm yếu kinh khủng như thế này. Ta hãy ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại”. Rồi này Aggivessana, Ta ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại thì lúc bấy giờ, này Aggivessana, năm vị Tỳ kheo đang hầu hạ Ta suy nghĩ: “Khi nào Sa Môn Gotama chứng pháp, vị ấy sẽ nói cho chúng ta biết”. Này Aggivessana, khi thấy Ta ăn thô thực, ăn cơm chua trở lại, các vị ấy chán ghét Ta, bỏ đi và nói: “Sa Môn Gotama nay sống đầy đủ vật chất, từ bỏ tinh tấn, trở lui đời sống sung túc”.
Và này Agivessana, sau khi Ta ăn thô thực và được sức lực trở lại, Ta ly dục ly bất thiện pháp, chứng và trú Thiền Thứ Nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm có tứ. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Diệt tầm tứ chứng và trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ nội tĩnh nhất tâm. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền Thứ Ba. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Xả lạc xả khổ diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền Thứ Tư, không khổ, không lạc xả niệm thanh tịnh. Này Agivessana, như vậy lạc thọ khởi lên nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bình tĩnh như vậy. Ta dẫn tâm, hướng tâm đến Túc Mạng Minh, Ta nhớ đến các đời sống quá khứ như một đời, hai đời, ba đời, bốn đời, năm đời, mười đời, hai mươi đời, ba mươi đời, bốn mươi đời, năm mươi đời, một trăm đời, một ngàn đời, một trăm ngàn đời, nhiều hoại kiếp, nhiều thành kiếp, nhiều hoại và nhiều thành kiếp. Ta nhớ rằng: “Tại chỗ kia Ta có tên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấp như thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này. Sau khi chết tại chỗ kia, Ta được sanh ra tại chỗ nọ. Tại chỗ ấy, Ta cótên như thế này, dòng họ như thế này, giai cấpnhư thế này, thọ khổ lạc như thế này, tuổi thọ đến mức như thế này”. Như vậy Ta nhớ đến nhiều đời sống quá khứ cùng với các nét đại cương và các chi tiết. Này Agivessana, đó là Minh thứ nhất Ta đã chứng được trong đêm canh một, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy, này Agivessana lạc thọ sanh nơi Ta được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh, thuần tịnh trong sáng không cấu nhiễm, không phiền não nhu nhuyễn, dễ sử dụng, vững chắc, bìnhtĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến trí tuệ về sanh tử của chúng sanh. Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Những chúng sanh là ác hạnh về thân và ý, phỉ báng các bậc Thánh, theo tà kiến tạo các nghiệp theo tà kiến; những người này sau khi thân hoại mạng chung, phải sanh vào cõi dữ ác thú đọa xứ địa ngục. Còn những chúng sanh làm những thiện hạnh về thân, lời và ý, không phỉ báng các bậc Thánh, theo chánh kiến tạo các nghiệp theo chánh kiến; những vị này sau khi thân hoại mạng chung được sanh lên các thiện thú cõi Trời, trên đời này. Như vậy Ta với thiên nhãn thuần tịnh siêu nhân, thấy sự sống chết của chúng sanh. Ta biết rõ rằng chúng sanh, người hạ liệt kẻ cao sang, người đẹp đẽ kẻ thô xấu, người may mắn kẻ bất hạnh đều do hạnh nghiệp của họ. Này Agivessana, đó là Minh thứ hai Ta đã chứng được trong đêm canh giữa, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do ta sống không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy này Agivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta.
Với tâm định tĩnh thuần tịnh trong sáng, không cấu nhiễm, không phiền não, nhu nhuyễn, dễ sử dụng vững chắc, bìnhtĩnh như vậy, Ta dẫn tâm hướng tâm đến lậu tận trí. Ta biết như thật: “Đây là khổ”, biết như thật: “Đây là nguyên nhân của khổ”, biết như thật: “Đây là sự diệt khổ”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến diệt khổ”, biết như thật: “Đây là những lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là sự diệt trừ các lậu hoặc”, biết như thật: “Đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc”, nhờ hiểu biết như vậy, nhận thức như vậy, tâm của Ta thoát khỏi dục lậu, thoát khỏi hữu lậu, thoát khỏi vô minh lậu. Đối với tự thân đã giải thoát như vậy, Ta khởi lên sự hiểu biết: “Ta đã giải thoát”. Ta đã biết: “Sanh đã diệt, phạm hạnh đã thành, việc cần làm đã làm, sau đời hiện tại không có đời sống nào khác nữa”. Này Agivessana, đó là Minh thứ ba mà Ta chứng được trong đêm canh cuối, vô minh diệt, minh sanh, ám diệt, ánh sáng sanh, do Ta không phóng dật, nhiệt tâm tinh cần. Như vậy, này Agivessana, lạc thọ sanh nơi Ta, được tồn tại nhưng không chi phối tâm Ta”.
Trên đây là một đoạn kinh xác định rõ ràng pháp môn mà đức Phật đã tu tập chứng đạo trong 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề, thế mà thầy Tổ không dạy chúng ta tu học pháp môn này mà lại dạy chúng ta ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh, bái sám, niệm chú, kiến tánh thành Phật v.v.. như vậy có trái với pháp môn của Phật chăng? Nếu đức Phật tu tập một pháp môn đã được chứng đạo mà lại dạy chúng ta tu những pháp khác không phải là pháp chứng đạo của Phật, chắc chắn nếu điều này khi đức Phật còn tại thế Ngài không dạy chúng ta như vậy. Vậy ai đã làm điều này xin quý vị suy ngẫm?
Bởi đức Phật đã rõ tâm danh lợi của người sau, nên trước khi vào Niết Bàn Ngàidi chúc: “Này các tỳ kheo, hãy lấy giới luật và giáo pháp của Ta mà làm Thầy, làm chỗ nương tựa tu hành vững chắc”. Lời di chúc này còn đó, nhưng đệ tử của Người đã đi theo vết chân danh lợi của các Tổ mà chôn vùi giáo pháp chân chánh của Ngài dưới lớp tà giáo mê tín, phi đạo đức, trừu tượng, mơ hồ, lừa đảo, dụ dỗ, dối gạt, hù dọa tín đồ.
Bây giờ quý vị đã rõ 49 ngày dưới cội cây Bồ Đề đức Phật đã tu tập Tứ Thánh Định. Trong suốt 49 ngày đêm đức Phật đã tinh cần năng nổ tu tập Sơ Thiền, nghĩa là 49 ngày đêm ấy Ngài giữ gìn tâm mình không cho phóng dật, nên Ngài thường nhắc đi nhắc lại câu nói này với chúng tỳ kheo: “Do Ta nhiệt tâm tinh cần sống không phóng dật mà chứng được như vậy”(kinh Trung Bộ), và lời di chúc saucùng của Ngài trước khi nhắm mắt lìa đời: “Này các Thầy tỳ kheo, chớ có phóng dật. Ta chính nhờ không phóng dật mà thành Chánh Giác, vô lượng điều lành đều nhờ không phóng dật mà có được.
Tất cả vạn vật đều vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.(kinh Trường A Hàm).
Cho nên trong 49 ngày đêm tinh cần tu tập tâm không phóng dật Ngài đã thành Chánh Giác. Tâm không phóng dật tức là tâm ly dục ly ác pháp, tâm ly dục ly ác pháp là tâm nhập Bất Động, từ bất động liền nhập Sơ Thiền.
Như vậy trong suốt 49 ngày đêm đức Phật chuyên cần, năng nổ, tu tậpđẩy lui các chướng ngại pháp trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp, nhờ có tu tập như vậy nên tâm không phóng dật, tâm không phóng dật là tâm có đủ năng lực nhập các loại định khác và dẫn tâm đến Tam Minh một cách dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc.
Vì thế ngày thứ 49 và đêm đó Ngài đã hoàn tất Tam Minh chứng quả giải thoát hoàn toàn.
Bây giờ, quý vị đã rõ pháp môn nào đức Phật tu tập đã thành Chánh Giác, vậy quý vị hãy cố gắng tu tập không còn sợ sai lạc pháp, Ngài đã tu được thì chúng ta cũng tu được như Ngài, chứ đâu thua gì Ngài. Hãy cố gắng lên quý vị chớ có chểnh mảng, mất thân rồi khó kiếm được thân sau.