RÈN LUYỆN NGHỊ LỰC, BỀN CHÍ, KIÊN NHẪN
Thạch, Kim, Tú thưa hỏi
Hỏi:Chúng con theo thời khóa tu tập mà Thầy chỉ dạy trong ĐVXP VIII, nhưng thay vì thức dậy từ 2 giờ sáng, chúng con thức dậy lúc ba giờ, có khi làm biếng dậy lúc 3h30, hoặc 4 giờ (thật xấu hổ, ham ngủ mà đòi tu thiền và mong được giải thoát!). Thay vì ngồi kiết già thở 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành, chúng con làm biếng (trong lòng thì nghĩ rằng 5 hơi thở quá dễ, đứng lên ngồi xuống hoài mỏi giò quá) tụi con ngồi thở vài chục hơi mới đứng dậy kinh hành. Chúng con tu tập như thế có được không?
Đáp:Hành giả tu hành phải theo đặc tướng của mình, cho nên thời khóa của người này thì không nên áp dụng cho người kia. Vì thế đức Phật dạy khi tu hành phải thiện xảo, phải khéo léo trong sự tu tập cũng giống như người lên dây đàn, căng dây quá thì không đúng âm, chùng quá thì không thành âm, chỉ có căng dây vừa thì phát âm đúng. Người mới tu tập thì phải tu tập thọ Bát Quan Trai tức là tập sống như Phật để ly dục ly ác pháp. Ly dục ly ác pháp là để tập tâm không phóng dật, tập tâm không phóng dật có nhiều cách:
1/ Tập sống đúng tám giới (Thầy có gửi băng cho các con tu tập thọ Bát Quan Trai Giới hãy nghe theo đó mà tu cho đúng).
2/ Sống đơn giản.
3/ Sống một mình.
4/ Tập tỉnh thức đi hoặc ngồi.
5/ Tập xả chướng ngại pháp.
6/ Tập phá hôn trầm.
Dựa theo thời khóa tu tập trong tập 8 Đường Về Xứ Phật con nên sửa lại cho phù hợp với đặc tướng của mình.
Con không hiểu mục đích tu 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành một vòng, đó là sự rèn luyện nghị lực, bền chí, kiên cường và sự tinh cần. Nếu người tu mà không có nghị lực, không có bền chí, không có kiên cường và không có tinh cần thì khó mà thành tựu con đường giải thoát của đạo Phật. Nó không phải dùng để ức chế vọng tưởng mà để phá tâm lười biếng. Nếu không tu tập 5 hơi thở cho quen như vậy thì sau này gặp hôn trầm thùy miên rất khó phá, còn tu tập 5 hơi thở đi kinh hành một vòng đã thành thói quen thì hôn trầm thùy miên đến dẹp rất dễ dàng. Đây là pháp hành để phá tâm si mê của các con, giúp các con tỉnh thức.
Đối với tâm tham, sân người ta không sợ, mà chỉ sợ tâm si, trạng thái của tâm si là hôn trầm, thùy miên.
Ăn, ngủ, độc cư, ăn ngày một bữa người ta có thể ăn được, nhưng ngủ không phải dễ, mọi người đều bỏ cuộc tu hành do không phá được hôn trầm thùy miên, còn nói đến độc cư thì chưa có ai làm được. Phá được tâm si để có tâm tỉnh thức đâu phải dễ, có tâm tỉnh thức mới sống độc cư được, còn tâm chưa tỉnh thức mà nói sống độc cư là người nói không thật.
Tỉnh thức trên hành động thân hoặc trên hành động hơi thở thì không khó chứ tỉnh thức trên các chướng ngại pháp thì khó khăn vô cùng, nếu không tập 5 hơi thở rồi đi kinh hành thì khó có tỉnh thức, cho nên phương pháp tu năm hơi thở đi kinh hành một vòng là một pháp môn rèn luyện nghị lực, bền chí, kiên cường và sự tinh cần đệ nhất.
Nghị lực giúp chúng ta vượt qua và diệt ác pháp trong tâm; tinh cần giúp chúng ta ngăn các ác pháp, bền chí, kiên cường giúp chúng ta gặp khó không lui.
Ví dụ: Khi một cơn sân nổi lên dữ dội, nếu không có nghị lực chúng ta không thể nào dập tắt cơn sân được tức là diệt ác pháp, còn nếu không có chịu khó tinh cần thì ác pháp sẽ xâm chiếm tâm ta và như vậy chúng ta phải chịu khổ đau, cho nên tinh cần là pháp ngăn ác pháp và nghị lực là pháp diệt ác pháp đệ nhất như trên Thầy đã dạy.
Tóm lại 5 hơi thở đi kinh hành 1 vòng là một pháp môn căn bản sơ khởi cho người mới tu để rèn luyện thân tâm có một sức lực bền bỉ dẻo dai để tiến tu trên đường đạo mà không sợ chùng bước trước mọi sự khó khăn, gian khổ, v.v..