KHÔNG CÓ CẢNH GIỚI NIẾT BÀN, TU RỒI VỀ ĐÂU?
Câu hỏi của cháu Dũng
Hỏi:Kính bạch Thầy! Người tu giải thoát trong kiếp này thì về đâu thưa Thầy? Vì Thầy nói là không có cả cảnh giới Niết bàn, vậy nơi đó gọi là gì?
Đáp:Thầy đã xác định không có cảnh giới Niết Bàn mà có trạng thái Niết Bàn, trạng thái Niết Bàn như đức Phật đã dạy trong kinh Tứ Diệu Đế, nó được gọi là “Diệt Đế”. “Diệt Đế”là một trạng thái lìa xa và đoạn dứt tâm ái dục và các ác pháp. Khi người tu hành xong thì lúc nào họ cũng ở trong trạng thái đó, như đức Phật thường dạy ở trong trạng thái đó là nhập vào Bất Động Tâm Định. Nhập vào Bất Động Tâm Định là nhập vào Niết Bàn. Niết Bàn là một trạng thái thanh thản, an lạc và vô sự của thân tâm, dù cho bất cứ các cảm thọ hay các ác pháp nào đến cũng không làm cho họ dao động tâm được.
Chúng ta hãy lắng nghe đức Phật xác định Niết Bàn:“Này Bà La Môn, khi vị ấy cảm thọ tham ái được đoạn tận, không có dư tàn, cảm thọ sân đoạn tận không có dư tàn, cảm thọ si được đoạn tận không có dư tàn. Như vậy này Bà La Môn Niết Bàn là thiết thực hiện tại, không có thời gian đến để mà thấy, có khả năng hướng thượng, được người trí giác hiểu”. (Tăng Chi tập 1 trang 285).
Như vậy Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm không còn tham, sân, si nữa phải không quý vị?
Cho nên Niết Bàn là một trạng thái của tâm mình, khi người tu chứng có về đâu? Ngay chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chỗ về. Chỗ trạng thái tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là Niết Bàn, chứ đâu có cảnh giới Niết Bàn để về. Khi tu xong tâm không còn tham, sân, si nữa, thì chỗ tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi chính là Niết Bàn, chứ không còn chỗ nào khác gọi là Niết Bàn như trên đã nói. Còn có chỗ nào khác gọi là Niết Bàn thì chỗ ấy là cõi tưởng, cõi không có thật.
Niết Bàn cũng như một bàn tay có mặt và trái, trái là tham, sân, si, mạn nghi; mặt là không tham, sân, si, mạn, nghi. Vậy trái và mặt của một bàn tay có phải là một bàn tay hay là hai bàn tay? Chỉ có một bàn tay mà thôi, nhưng mặt trái của bàn tay thì không giống mặt phải của bàn tay. Mặt trái là sự khổ đau, mặt phải là sự hết khổ đau. Do đó chúng ta suy ra Niết Bàn không phải là một cảnh giới mà là một trạng thái của tâm mình không còn tham, sân, si, mạn nghi nữa.
Niết Bàn là một danh từ để chỉ cho một trạng thái của tâm, chứ không phải Niết Bàn là một cảnh giới theo kiểu củacác nhà học giả dựa theo kinh sách phát triển giàu tưởng tượng bịa đặt ra để lừa đảo con người.
Vì thế người tu chứng đạo khi bỏ thân tứ đại này thì không có về cõi Niết Bàn mà họ đang ở trong Niết Bàn, vì ngay khi còn sống họ tu chứng thì luôn luôn sống trong trạng thái Niết Bàn của tâm họ, mà ở trên Thầy đã dạy: “Bất Động Tâm Định”.
Nếu chúng ta không gọi nó là Niết bàn mà gọi nó là “TÂM KHÔNG THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI”hay gọi cách khác nữa là “TÂM THANH THẢN, AN LẠC VÀ VÔ SỰ”hay gọi khác nữa là “DIỆT ĐẾ” như trong kinh TỨ DIỆU ĐẾ hay gọi là “ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN – NHÂN QUẢ SỐNG KHÔNG LÀM KHỔ MÌNH, KHỔ NGƯỜI VÀ KHỔ CẢ HAI”thì có gì là khác đâu.