KHI NÀO MỚI BẮT ĐẦU HƯỚNG TÂM
Câu hỏi của Diệu Tâm
Hỏi: Kính Bạch Thầy! Khi nào mới bắt đầu hướng tâm?
Đáp: Trước khi đi kinh hành phải huớng tâm rồi mới bước đi và đi được 10 bước lại hướng tâm một lần nữa và cứ tiếp tục 10 bước là hướng tâm một câu. Hướng tâm như vậy có nghĩa là nhắc tâm đừng quên xa lìa lòng ham muốn và các ác pháp, chứ pháp hướng tâm chưa có hiệu quả gì chỉ giúp cho chúng ta nhớ được lòng ham muốn và ác pháp để xả, đó là hiệu quả đầu tiên của pháp hướng tâm.
Ngồi tu Định Niệm Hơi Thở, sau khi tréo chân ngồi xếp bằng, lưng thẳng và toàn thân cảm giác được an ổn, bất động thì mới bắt đầu hướng tâm, sau khi hướng tâm xong, tâm chú ý vào hơi thở thì bắt đầu hít vô và thở ra, đúng 5 hơi thở hoặc 10 hơi thở rồi dừng lại tác ý hướng tâm một lần nữa như câu trên, tu tập cho đến khi xả Định Niệm Hơi Thở mới thôi.
Tóm lại, cách thức dùng pháp hướng tâm trước khi đi kinh hành rồi từ đó về sau cứ mỗi 5 bước hoặc 10 bước là hướng tâm một lần, Định Niệm Hơi Thở cũng vậy, tu tập như vậy phải siêng năng chuyên cần hằng ngày, đừng tu theo kiểu một nắng hai sương thì không có kết quả.
Pháp hướng tâm là một phương pháp dẫn tâm vào đạo. Trong kinh Pháp Cú Phật dạy:
“Tâm dẫn đầu các pháp
Tâm làm chủ tâm tạo tác...”
Pháp hướng tâm là một pháp môn rất đặc biệt, người nào siêng năng tu tập thì có đủ khả năng điều khiển làm chủ thân tâm một cách cụ thể rõ ràng. Vì thế đức Phật nói:
“Thiên thượng thiên hạ
Duy ngã độc tôn
Nhất thiết thế gian
Sanh, lão, bệnh, tử”
Chỉ có “Tác ý một tướng khác của tướng kia thì tướng kia sẽ bị diệt sạch”,đó là lời dạy của Phật để chúng ta theo pháp môn này tập luyện mới có đủ nội lực ngăn và diệt các ác pháp và các cảm thọ rất tuyệt vời. Kính mong quý vị đặt trọn lòng tin áp dụng vào đời sống hằng ngày sẽ thấy kết quả ngay liền “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy...”,đúng như lời đức Phật đã xác định.
Pháp Phật rất đơn giản và tu hành dễ dàng không có khó khăn, không có mệt nhọc như người ta tưởng, vì nó là thiện pháp, là đạo đức của mỗi con người nên con người chỉ cần có nhiệt tâm sống như lời Phật dạy là đã chứng đạt chân lý. Chỉ có những người không chịu hiểu nên tu sai, nhất là không nhận ra pháp thiện pháp, không chấp nhận sống đời đạo đức làm người thì không thể chứng đạt chân lý được. Vì chân lý là một sự thật của loài người mà ai cũng có nơi thân tâm, nó không riêng của một người nào cả.