Skip directly to content

ĐỨC PHẬT KHÔNG CÓ DẠY PHÁP MÔN ĐẬP PHÁ

Câu hỏi của Liễu Tâm

Đáp:Trong kinh Nguyên Thủy có bài kinh “Khu Rừng”đức Phật dạy: “Chỗ nào có cơm ăn áo mặc, nhà ở đầy đủ tiện nghi sống một đời sống sung sướng mà tu hành tâm tham, sân, si, và các ác pháp khác không từ bỏ được, không xa lìa được thì nên bỏ đi dù có mời thỉnh ở cũng không ở lại”.

“Chỗ nào không có cơm ăn áo mặc nhà ở đầy đủ tiện nghi và không có đời sống sung sướng mà tu hành ly tham, sân, si và đoạn diệt các ác pháp thì dù ở đó có đói khát, có khổ sở, có đánh đập, có chửi mắng, có đuổi đi, có bỏ đói thì nhất định cũng không đi”.

Chúng ta học theo đạo Phật ai cũng biết “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”.Và trong mọi thời gian lúc nào cũng cảnh giác đẩy lui các chướng ngại pháp, đó là những pháp tu hành của đạo Phật, cho nên, chỗ không có cơm ăn áo mặc thì đó không phải là chướng ngại pháp sao? Mà chướng ngại pháp thì không phải là ác pháp sao?

Nếu biết diệt ác pháp, đẩy lui chướng ngại pháp thì tâm có an vui, thanh thản không?

Câu kế đức Phật dạy: “Dù có chửi mắng đuổi đi”câu này có phải là ác pháp không?

Nếu người không có kinh nghiệm tu hành thì sẽ hiểu bài kinh Khu Rừng là một bài kinh yếm thế tránh né ác pháp. Theo đạo Phật tu hành mà tránh né ác pháp tức là ức chế tâm chứ không phải xả tâm, ức chế tâm thì tu hành không bao giờ có giải thoát.

Đọc bài kinh Khu Rừng này, rõ ràng đức Phật không có dạy chúng ta tu hành đi tìm cảnh thuận theo ý muốn của mình mà hãy tìm nghịch cảnh để xả chướng ngại pháp trong tâm.

Cô Diệu Quang tạo cảnh chướng ngại pháp trong tâm giúp cho quý vị tu hành xả tâm chướng ngại để được giải thoát thì quý vị bảo rằng trong kinh sách Phật không có dạy như cô Diệu Quang.

May mắn thay! Trong kinh Nguyên Thủy còn có những bài kinh như: kinh Song Tầm, kinh An Trú Tầm, kinh Khu Rừng, kinh Tứ Chánh Cần, kinh Pháp Cú và Thời Khóa Tu Tập Trong thời Đức Phật, đủ để xác chứng, nếu không có những lời đức Phật dạy này thì chắc chắn quý vị bảo cô Diệu Quang dạy không đúng.

Chính ngày xưa khi đức Phật còn tại thế, Ngài đã dạy: “Chớ có tin những lời Ta nói... mà hãy tin những gì Ta dạy tu tập có kết quả lợi ích cho mình, cho người”.Lời dạy này chúng ta nghiệm thấy rất rõ khi cô Út Diệu Quang đập phá mà chúng ta xả được tâm, tâm như đất thì đó không phải là lợi ích lớn cho chúng ta sao? Chỗ tu hành có lợi ích thiết thực như vậy, cho nên đức Phật bảo: “đuổi cũng không đi”.

Nếu quý vị đã nghe lời cô Út Diệu Quang dạy từ lúc đầu thì bây giờ quý vị đã giải thoát từ lâu, tâm quý vị bất động như đất, chỉ vì quý vị không tin người thiện hữu tri thức của mình, người thân cận, người luôn tạo ra nghịch cảnh để cho quý vị xả tâm, mong cho quý vị tu hành sớm giải thoát, cô hết sức tận lực giúp đỡ cơm ăn áo mặc và còn chọc tức quý vị để quý vị xả tâm mà không hề sợ quý vị thù ghét, tai tiếng, nói xấu của quý vị, miễn sao quý vị tu hành tâm bất động như đất là thắp sáng lại ngọn đèn chánh pháp của Phật, đó là điều mơ ước của cô Diệu Quang, cô quyết tâm lấy thân tâm mình lót đường cho quý vị đi, để thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, cô không hề mơ ước danh và lợi, chỉ làm sao mà giúp cho mọi người xả tâm ác pháp để đi đến giải thoát hoàn toàn, dù cho ai có khen hay chê cô cũng chẳng màng, ngược lại quý vị không hiểu tâm ý tốt của cô nên sanh ra hờn giận căm ghét và còn đặt ra nhiều điều nói xấu người bạn thân cận tốt nhất của mình, vì vậy đến giờ này quý vị còn phải chịu lận đận trên đường tu tập và mang đầy một tâm trạng hoang mang về sự tu hành của mình.

Ở đời, người ta ai cũng thích những lời ngon ngọt, nịnh hót, a dua, còn những lời thẳng thừng nghịch ý trái lòng thì ai cũng không ưa, nhưng người tu theo đạo Phật với mục đích là phải đạt được tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, do đó gặp chướng ngại pháp như gió mùa hè khiến cho tâm hồn mát mẻ vô cùng, trái lại quý vị tu theo đạo Phật mà gặp chướng ngại pháp thì tâm quý vị như lửa cháy mà đổ thêm dầu khiến cho lòng quý vị sôi sục căm tức nên mới có những điều nói xấu theo tưởng tượng đặt ra. Những điều này được đặt ra chứng tỏ quý vị không có xả tâm mà chính quý vị đã mở cửa địa ngục cho mình bước vào, còn ngược lại quý vị thấy cô Diệu Quang có thù oán ghét quý vị không? Mặc dù cô biết rất rõ mọi người nói xấu cô như thế nào, nhưng khi quý vị trở lại tu viện thì cô Diệu Quang vẫn tiếp tục dạy bảo và phân tich tỉ mỉ cách thức xả tâm để cho quý vị tu cho bằng được, để tìm thấy sự giải thoát nơi thân tâm của quý vị, một người như cô Diệu Quang không biết thù giận ai cả mà chỉ biết giúp cho người tu bằng được sự giải thoát.

Quý vị có nhớ không? Nếu không có duyên Liễu Tâm hỏi những câu này thì muôn đời quý vị mãi còn ôm ấp sự nghi ngờ đối với cô Diệu Quang. Có hỏi Thầy mới nói ra, còn không hỏi thì chẳng bao giờ các con được nghe những điều này, những lời đức Phật đã dạy từ ngàn xưa mà cô Diệu Quang đã dạy lại các con.

Trong thời khóa biểu ngày xưa của đức Phật, Ngài dạy chúng ta tu tập đẩy lui các chướng ngại pháp, nếu quý vị tránh né trốn chạy các chướng ngại pháp thì quý vị lấy pháp gì chướng ngại ở đâu mà tu tập đẩy lui? Cho nên, niệm Phật, ngồi thiền tụng kinh, bái sám, niệm chú, luyện tập Yoga, v.v.. làm sao đẩy lui các chướng ngại pháp trong tâm được, đó là quý vị đã bị kinh sách phát triển lừa đảo, ảnh hưởng tu tập những điều sai này đã thành thói quen nhiều đời, từ các Tổ ngày xưa cho đến các Thầy của chúng ta ngày nay, rồi đến các bạn bè thân hữu của chúng ta cùng với những cư sĩ hằng ngày đến chùa cúng dường tứ sự cho tu sĩ, họ đều nỗ lực tu hành hết sức, nhưng kết quả thời gian mấy chục năm nay đối với chúng ta, còn Thầy Tổ của chúng ta biết bao nhiêu người tu hành có cả trăm năm, ngàn năm mà chẳng có người nào làm chủ được sự sống chết, hình thức tu hành thì có nhưng kết quả thì không.

Vậy, hiện giờ ai là người tu tập theo Tịnh Độ, Mật Tông, Thiền Tông mà tâm đã hết tham, sân, si tức là tâm bất động làm chủ được tâm mình? ai là người tu tập theo ba tông phái này làm chủ được bệnh hay phải đi bác sĩ, bệnh viện trị bệnh? ai là người tu tập theo ba tông phái này làm chủ được sự chết hay phải chịu chết trong sự bất lực đối với nó?

Bởi ảnh hưởng của ba tông phái này, nên nói đến tu là người ta nghĩ ngay đến nhập thất, tránh duyên, tìm cảnh tịnh để luyện bùa, ngồi thiền, nhập định, hoặc luyện tập Yoga, v.v.. Sự thật tu luyện theo kiểu này tức là ức chế tâm và thân, tự làm khổ mình nhiều hơn.

Ví dụ: Ngồi thiền hai chân đau, tê, nóng mà phải cố gắng cắn răng chịu đau cho hết giờ, thật là tự mình làm khổ mình, tu là phải có giải thoát ngay liền như đức Phật đã dạy: “Pháp thiết thực, cụ thể, hiện tại không có thời gian”,còn bây giờ Tổ dạy tu sao mà khổ quá vậy? Đời đã khổ vì sanh, già, bệnh, chết thế mà đi tu là làm cho mình lại bệnh khổ hơn, nhưng thói quen tu tập này đã thành nghiệp nên rất khó bỏ. Từ đó người ta tu tập nói xả tâm chứ kỳ thật mọi người đang tu tập ức chế tâm. Do sự tu sai này, chúng ta kiểm điểm lại tất cả huynh đệ của chúng ta, hiện giờ có người tu trên bốn năm chục năm có người được Giáo hội Phật giáo tấn phong làm Hòa Thượng, Thượng Tọa, Viện Chủ, Viện Trưởng, Trụ Trì v.v.. nhưng nhìn lại Thầy nào cũng bệnh đau, sống bằng thuốc, bằng gạo lức muối mè, ngồi thiền thì hai ba tiếng đồng hồ, lần chuỗi niệm Phật suốt ngày đêm lúc nào tay cũng không rời xâu chuỗi thế mà không tịnh chỉ được hơi thở thì làm sao làm chủ sự sống chết được. Nói chung tín đồ Phật giáo hiện giờ gồm chung tăng, ni và cư sĩ nam nữ đang tu theo giáo pháp kinh sách phát triển hướng dẫn, nếu không tỉnh giác sớm trở về con đường giáo pháp Nguyên Thủy của đức Phật thì phí cả một cuộc đời tu hành của mình chẳng đi về đâu, đến đâu cả.

Cô Diệu Quang đã hết sức tạn tình tạo mọi phương tiện để giúp cho quý vị tu tập đúng như lời đức Phật đã dạy: “Đẩy lui các chướng ngại pháp”, “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp”, “Chư ác mạc tác chúng thiện phụng hành”, “Biết chuyện mình đừng nên biết chuyện người”, “Đứng lại thì chìm xuống, tiến tới thì trôi dạt, chỉ có vượt qua v.v..”.

Quý vị hãy bỏ những lối tu theo kiểu kinh sách phát triển dạy, thì ngay đó quý vị tìm thấy sự giải thoát liền, tâm quý vị thanh thản, an lạc và vô sự.

Bây giờ quý vị đã rõ đức Phật dạy đẩy lui các “chướng ngại pháp”và phương tiện cô Diệu Quang tạo “chướng ngại pháp”để cho quý vị đẩy lui thì có khác gì đức Phật dạy đâu, nếu không tạo chướng ngại pháp như vậy thì quý vị tu tập sẽ bị ức chế tâm theo kiểu kinh sách phát triển và như vậy tu suốt đời quý vị chẳng tìm được sự giải thoát.

Thời gian quá dài gần bảy tám năm trời quý cô đã chịu ảnh hưởng của các hệ phái trên nên không nhìn thấy sự tu tập sai của mình, tới giờ này quý cô chẳng biết tu cái gì, tâm quý cô dao động và bất an, theo quý cô nghĩ đi tu là xuất gia cạo tóc mặc áo cà sa ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh, sám hối, ức chế tâm không vọng tưởng, chừng nào hết vọng tưởng là xong, nghĩ như vậy là sai, tu như vậy không có giải thoát mà còn sanh bệnh, cho nên quý cô và quý thầy tu sai mà thành bệnh.

Cô Diệu Quang tạo các chướng ngại pháp như Thầy đã nói ở trên để các cô tu tập hạnh nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng làm tấm gương sáng cho quý phật tử soi nhưng các cô không biết lấy đó làm đối tượng tu tập tâm mình để được giải thoát, ngược lại lấy đó làm oán hận sanh ra đặt điều nói xấu nào là mua cá cho chó mèo ăn, nào là gây chướng ngại làm động, Phật không có dạy như vậy, nào là các cô ăn phi thời, nào là lấy bột sắn của phật tử cúng dường cho chó uống, v.v..  Khi nói như vậy phật tử không hiểu tin theo và căm ghét cô Diệu Quang chứ phật tử đâu biết rằng khi những con chó bị đau cô mới lấy một ít bột sắn làm thuốc trị bệnh cho chúng, những việc làm của cô Diệu Quang đều thể hiện một lòng yêu thương bình đẳng, từ con người đến con vật, cô làm với tánh cách tự nhiên ước nguyện đời trước của mình, không có tính toán danh lợi, khen chê nên không làm bề mặt khéo che khéo đậy phật tử. Vì thế cô không ghét, không thù, không oán ai hết, mặc dù mọi người đang oán ghét dùng những lời lẽ thêm bớt nói xấu, làm mất uy tín cô, quý cô còn lại khiến cháu Ngọc giả điên dùng những lời lẽ của các cô để sỉ mạ cô Diệu Quang một cách thậm tệ, nhưng cô vẫn thản nhiên, chính sự thản nhiên này mà cháu Ngọc thành điên thật, khiến cả gia đình và mẹ của cháu phải khổ sở vô cùng, gần như hạt giống Phật đã bị ung thúi nếu mẹ cháu Ngọc đời trước không gieo duyên sâu dày thì hôm nay chắc không còn tu hành gì cả.

Hoàn cảnh đưa cô Diệu Quang vào vị trí hướng dẫn quý cô tu tập chứ cô chẳng cầu, cũng chẳng mong điều này.

Luật nhân quả hết sức công bằng và công lý, quý cô và quý thầy tu hành không vì sự nghiệp giải thoát mà vì tự ái, bản ngã của mình quyết hạ nhục cô Diệu Quang là một thiện hữu tri thức thân cận giúp đỡ mình từ cơm ăn áo mặc đến những pháp tu hành xả tâm để được giải thoát ra khỏi nhà sanh tử, ơn không có mà oán lại chất đầy vì thế, nên phải trả một giá quá đắt, lận đận trên đường tu và mất hướng tu giải thoát.

Người tu theo đạo Phật hiện giờ đang chịu ảnh hưởng và thường dính mắc kiến chấp của ngoại đạo, nhất là tu thiền ức chế tâm mong cho hết vọng tưởng nên đã thành một thói quen khó bỏ.

 Cho nên việc thưa hỏi của các con là một điều rất cần thiết để hiểu đúng giáo pháp của đức Phật nhờ có thưa hỏi các con mới biết giáo pháp đúng sai để tu tập mới có kết quả, nếu không thưa hỏi thì những điều quý cô cũng như quý thầy đã có cái nhìn lệch lạc đưa ra những điều nghi vấn và còn tưởng ra những điều không đúng chánh pháp, bóp méo sự thật giáo pháp của đức Phật như cô Diệu Tịnh đã nói: Kinh sách Nguyên Thủy đức Phật không có dạy đập phá bản ngã. Nhưng trong kinh Nguyên Thủy đức Phật chẳng những dạy đập phá bản ngã mà còn dạy phải diệt bản ngã nữa. Đó là lối đưa ra lý luận nuôi bản ngã của các cô mà chính những điều này đã làm lệch hướng của đạo Phật khiến tâm mọi người dao động nghi ngờ giáo pháp mà cô Diệu Quang đã dạy là sai không đúng lời Phật dạy, cũng như Thầy Chơn Đức đặt ra câu nghi vấn khiến cho mọi người dao động: “Coi chừng Thầy Thông Lạc lấy đệ tử làm thí nghiệm pháp môn của mình”.

Này các con! Xưa đức Phật đã dạy: “Xuất gia sống không nhà cửa, không gia đình, chỉ còn ba y một bát”.Lời dạy này có phải của Thầy hay của đức Phật? Nếu ai thấy được đời sống như vậy là giải thoát thì nên theo đạo Phật tu hành, còn thấy bỏ nhà cửa, xa vợ con không được thì có ai ép buộc đâu, mà đi tu rồi lại cảnh giác bằng lời nói phi Phật giáo như vậy! Lời dạy này đức Phật dạy chứ không phải Thầy dạy. Thầy dạy những gì mà đức Phật đã dạy, Thầy đâu có bảo họ bỏ gia đình, vợ con, nhà cửa, của cải, tài sản đi tu, mà Thầy bảo phải sống có đạo đức không làm khổ mình, khổ người, phải giải quyết mọi mặt cho hết bổn phận đạo đức làm người thì mới đủ duyên tu theo đạo Phật, chứ đừng vào chùa ngồi tu mà nhớ vợ con, tiếc của cải, tài sản thì không đúng. Lời Phật dạy rõ ràng như vậy mà Thầy Chơn Đức bảo “phải coi chừng pháp môn của Thầy thí nghiệm đệ tử”,làm như thầy mới chế ra một thứ thuốc để thí nghiệm bệnh nhân, cũng giống như cô Diệu Tịnh nói: “Trong kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy không có đập phá ngã”mà Thầy đã nói ở trên: - Vậy câu: “Diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp” là ai đã dạy lời này? Không phải ở trong kinh Nguyên Thủy sao? Cô Diệu Quang đập ngã là còn ít, đức Phật dạy diệt ngã mới là nhiều.

Đã đi tu theo đạo Phật mục đích là phải đập phá diệt ngã và xả bỏ tất cả mọi thứ trói buộc là chính, đức Phật đã dạy như vậy và còn nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, thế mà quý Thầy và quý cô đặt ra nghi vấn để làm cho mọi người thối tâm, nếu Liễu Tâm không thưa hỏi thì Thầy không bao giờ đem sự việc này ra dạy bảo, mặc dù Thầy biết rất rõ những điều quý cô nói về cô Diệu Quang. Thầy nghĩ rằng nếu con người không đủ phước thì dù có muốn giúp cho họ tu hành giải thoát thì cũng chẳng bao giờ được, mọi pháp trên thế gian này đều do duyên, duyên của mọi người đã gieo trong tà pháp thì dù có muốn lôi họ vào chánh pháp cũng phải chịu nhọc nhằn và vô cùng khó khăn. Vì lợi ích cho loài người và thắp sáng lại ngọn đèn Phật giáo, nên Thầy và cô Diệu Quang phải đem hết sức ra làm việc để mong sao ngày nào đó tuy đốm lửa nhỏ nhưng sẽ toả sáng ngày một rộng hơn.

Nếu có điều gì nghi ngờ thắc mắc thì các con nên thưa hỏi, hỏi để không còn nghi ngờ, hỏi để thấu rõ con đường mình đang đi có đúng hay sai, hỏi để tránh khỏi những sự lừa đảo của những người đã vì tự ái mặc cảm với tâm ích kỷ nhỏ mọn và vì danh, vì lợi mà bẻ cong giáo pháp của đức Phật. Hỏi để biết mà tránh sự lừa đảo của các tôn giáo, vì chính những người đang lãnh đạo tôn giáo đó họ vẫn bị tôn giáo của họ lừa đảo như thường, mà chẳng bao giờ họ biết.

Chính Thầy trả lời những câu hỏi của các con là đã làm sáng tỏ nhiều vấn đề thuộc về tôn giáo, nhất là đạo Phật. Bộ sách Đường Về Xứ Phật có một sự lợi ích rất lớn cho các con nói riêng và lợi ích cho mọi người nói chung. Các con đừng sợ Thầy mệt nhọc mà sợ đời sau không ai dám trả lời như Thầy thì lấy gì các con hiểu để tránh những cạm bẫy của những kẻ manh tâm gian ác dùng lý luận giết Phật giáo như Ngài Long Thọ, Ngài Thế Thân, Ngài Vô Trước, v.v.. Hiện giờ còn biết bao nhiêu người khác nữa, tu theo đạo Phật mà không chịu diệt ngã xả tâm, đạo thì muốn tu mà đời không chịu bỏ rồi sanh ra những lý luận giết Phật giáo như các Tổ, nhất là Tổ Long Thọ đã làm và bây giờ cũng có một số người vô tình lý luận bóp méo sự thật để diệt Phật giáo.

Đạo Phật ra đời vốn không ép buộc cũng không cám dỗ ai theo đạo mình, chỉ có những người nào ý thức được đời là khổ và biết khổ như thật thì xả bỏ hết các pháp thế gian để tìm đường giải thoát thì mới mong thấy được sự giải thoát. Người nào tu hành chẳng biết buông xả tâm mình, thì đời chẳng ra đời mà đạo chẳng ra đạo, vì thế làm gì thấy được sự giải thoát của đạo Phật. Sự giải thoát của đạo Phật rất đơn giản, chỉ cần ngăn ác diệt ác pháp, sống thiện tăng trưởng thiện pháp là có giải thoát ngay liền.

Ai biết ngăn ác pháp, ai biết diệt ác pháp thì người ấy là Phật tại thế gian, chứ đâu phải Phật ngồi thiền, niệm chú, tụng kinh bái sám, v.v..

Quý cô và quý thầy tu hành chẳng ngăn ác pháp, chẳng diệt ác pháp mà tu theo đạo Phật thì chỉ phí công mà thôi, lại còn mang nợ của đàn na thí chủ, sống trong địa ngục của miệng lưỡi mà không hay biết, thật là đáng thương.