Skip directly to content

LY HỶ TRÚ XẢ CÓ PHẢI LÀ PHÁP HƯỚNG TÂM KHÔNG?

Câu hỏi của Diệu Tâm

Hỏi:Kính bạch Thầy! ly hỷ trú xả có phải là pháp hướng tâm không? Xin Thầy chỉ dạy lại ý này.

Đáp: Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, ly hỷ trú xả là những danh từ chỉ cho chúng ta muốn nhập Tam Thiền thì phải lìa xa 18 loại hỷ tưởng, mà muốn lìa xa 18 loại hỷ tưởng thì phải trú trong pháp xả, pháp xả gồm có có hai phần:

1-        Định Niệm Hơi Thở.

2-        Pháp hướng tâm như lý tác ý.

Khi muốn ly các loại hỷ tưởng thì phải trú tâm vào hơi thở và khéo tác ý xả nó, do đó đức Phật gọi tắt: “Ly hỷ trú xả”,có nghĩa là muốn ly trạng thái hỷ thì phải trú ở trong hơi thở ra, hơi thở vô thì sẽ ly trạng thái hỷ rất dễ dàng, không mấy khó khăn và không có mệt nhọc.

Khi tu tập vừa thấy hay cảm nhận một trạng thái tưởng nào thì mau mau xả pháp môn đang tu tập không được tiếp tục tu tập nữa. Khi xả pháp môn xong thì nên tiếp tục dùng pháp tác ý. Tác ý ngay trạng thái tưởng đó bảo nó phải diệt ngay liền và nương vào tâm thanh thản, an lạc và vô sự và thỉnh thoảng tác ý trạng thái tưởng đó phải dừng lại, cơ thể và tâm phải bình thường. Tác ý đến chừng nào trạng thái tưởng đó không còn nữa mới thôi.

Ly hỷ trú xả không phải là pháp hướng tâm, nó là ngôn ngữ để chúng ta nói cho người khác thông hiểu cách thức lìa xa trạng thái hỷ tưởng. Còn pháp như lý tác ý là phải tác ý đúng trạng thái tưởng đó, đúng tên của nó, chứ không thể nói chung chung được “Ly hỷ” là danh từ chỉ chung thì tâm biết trạng thái hỷ gì mà ly.

Ví dụ: Sắc tưởng hiện ra khiến chúng ta thấy ánh sáng như hào quang hoặc thinh tưởng hiện ra tai tiếng nói của các Tổ hay chư Thiên nói pháp hay tiếng tụng kinh niệm Phật thì phải tác ý đúng tên đúng của nó như:: “Ánh sáng hào quang này là sắc tưởng hãy đi đi, Ta không chấp nhận ngươi”hoặc “Tiếng nói của Tổ hay chư Thiên là thinh tưởng, là Ma hãy đi đi Ta không chấp nhận ngươi”.