Skip directly to content

MUỐN NHẬP ĐỊNH THÌ PHẢI SIÊNG NĂNG LỄ PHẬT

Thạch, Kim, Tú thưa hỏi

Hỏi:Kính bạch Thầy! Thầy Chơn Quang bảo rằng ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước, phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn. Chúng con nhớ lời Thầy dạy: “ly dục ly bất thiện pháp, diệt ngã xả tâm quét sạch ngũ triền cái và dứt bỏ thất kiết sử thì tâm được thanh tịnh và tâm nhập Vô Tướng Tâm Định (Bất động Tâm Định)”.

Chúng con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác và Định Vô Lậu thì thấy vọng tưởng thưa dần. Như vậy có đúng không? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Có người bảo rằng: “Ngồi thiền mà còn nhiều vọng tưởng là còn thiếu phước, nên phải chịu khó siêng năng lễ Phật, một thời gian sau sẽ nhập định dễ dàng hơn”. Lời dạy này chúng ta thấy rất mơ hồ, chỉ tưởng giải theo chữ nghĩa của câu kinh: “Năng lễ sở lễ tánh không tịch”, đây là một câu kinh của kinh sách phát triển do tưởng tri của các Tổ viết ra để lừa đảo con người, để dựng lên tánh không mà Thiền Tông đã lấy đó làm Phật tánh. Kinh sách phát triển đã là sai, mà người lấy câu kinh này tưởng ra thì lại còn sai hơn là chỗ vọng tưởng và phước báo.

Chữ phước ở đây là phước vô lậu hay phước hữu lậu, không xác định rõ. Nếu bảo rằng có phước hữu lậu thì nhập định dễ dàng, nếu vậy thì những nhà giàu có, vua, quan v.v.. đều là những người nhập định dễ dàng. Vậy họ có hết vọng tưởng không và có nhập định dễ dàng không? Lý này không thể có được. Còn nếu bảo rằng phước vô lậu do siêng năng lễ Phật mà có thì điều này là vọng ngữ sống trong tưởng tri mà nói ra. Đức Phật dạy phước vô lậu là do “ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện” sanh thiện tăng trưởng thiện không phải là phước vô lậu sao? Đức Phật đâu có dạy lễ Phật mà có phước vô lậu, cho nên đức Phật dạy rõ ràng không có mơ hồ, trừu tượng như nhà học giả này. Còn bảo rằng lễ Phật sau một thời gian nhập định dễ dàng thì các người tu theo Tịnh Độ Tông là những nguời siêng năng lễ Phật nhất thế gian mà họ có hết vọng tưởng và nhập định được đâu.

Ở đây chúng ta nên phân biệt phước hữu lậu và phước vô lậu tu như thế nào để có được hai loại phước này?

Người biết cúng dường bố thí đúng chánh pháp, tức là đem của cải tài sản bố thí cho người bất hạnh trong xã hội, nhưng những người này không có tham lam, trôm cắp, cướp của, giết người thì mới có phước hữu lậu, còn ngược lại thì chẳng được phước gì cả, nhiều khi còn phải thọ khổ, cho nên có nhiều người làm từ thiện mà trong nhà không thiện chút nào.

Đem cơm, thực phẩm, y áo, giường nằm và thuốc thang dâng lên cúng dường cho những bậc chân tu giới luật đức hạnh thanh tịnh, thiền định sâu mầu thì được phước hữu lậu bằng ngược lại phi công đức nghĩa là cúng dường cho những người phá giới phạm giới thì không được phước mà còn có tội thêm.

Chúng tôi chưa từng thấy trong Kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy siêng năng lễ Phật sẽ nhập định dễ dàng bao giờ. Bởi vậy người sau thường hay dựng lên những sự tưởng tượng trong khi mình chưa thực hiện được những điều mình dựng lên mà dám dạy người, may mà sự lễ Phật không có tai hại chứ còn nhiều thứ khác rất tai hại như thiền Đông Độ và thiền Minh Sát Tuệ ức chế tâm nhất là tham công án, khiến cho hành giả tu căng mặt, tức ngực, căng thần kinh, đau đầu, v.v..

Người dạy nhập thiền định kiểu này là người chưa bao giờ biết thiền định, chỉ dựa theo kinh sách phát triển dạy ức chế tâm, khi nào tâm hết vọng tưởng là nhập định, dạy kiểu này là dạy thiền điên, đức Phật dạy: “Tịnh chỉ ngôn ngữ nhập Sơ Thiền, tịnh chỉ tầm tứ nhập Nhị Thiền, ly hỷ tưởng nhập Tam Thiền, tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền, hoặc ly dục ly ác pháp hoặc tâm không phóng dật nhập Sơ Thiền”, chứ đức Phật đâu có dạy hết vọng tưởng là nhập định.

Đây là một loại thiền định mới của những nhà học giả đẻ ra trong thế kỷ thứ 21.

Lễ Phật để chư Phật gia hộ cho hết vọng tưởng, nhập định dễ dàng mà đời sống ăn uống phi thời chạy theo danh lợi tham tiền, tham bạc, tham xe cộ chùa to Phật lớn, v.v.. thì dù có lễ mòn đầu gối cũng chẳng hết vọng tưởng. Còn các con tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định và Định Vô Lậu để ly dục ly ác pháp diệt ngã xả tâm... Thấy vọng tưởng thưa dần là tu đúng cách.

Mục đích ở đây tu hành là để tâm thanh tịnh (không tham, sân, si) chứ không phải diệt vọng tưởng mà vọng tưởng thưa dần là triệu chứng tâm ít phóng dật.