Skip directly to content

NỖI ĐAU VỀ THỂ XÁC

Câu hỏi của Thiện Đức

Hỏi: Kính thưa Thầy! Con có bà ngoại năm nay ngoài 70 tuổi đang bị bệnh ung thư, sự sống không còn bao lâu nữa, tuy ở xa nhưng con có cảm tưởng hiện giờ ngoại đang chịu nỗi đau về thể xác (sự hoành hành của bệnh) và nỗi đau về tinh thần (lo sợ cái chết). Con là trong những đứa cháu được ngoại yêu quí. Trong tình cảm này con rất muốn làm một việc gì đó thiết thực giúp cho ngoại. Thầy có thể chỉ dạy cho con được không?

Đáp:Trước tiên con nên về gặp bà ngoại con và an ủi người, để cho người đừng dao động tâm khi cơn bệnh hoành hành và khuyên ngoại con: “Đây là nhân quả của bà ngoại do tiền kiếp ngoại có biết không?”.

“Nhân là hạt, quả là trái. Khi vô tình hay hữu ý mình đã gieo hạt giống xấu (hành động ác) thì ngay trong hiện tại mình phải gặt lấy tai họa hay bệnh tật khổ đau. Ngoại bệnh đau cũng vậy, đời trước hay trong kiếp này vì thươngchồng,thương con vô tình ngoại đã gieo một hạt giống xấu bây giờ ngoại phải chịu bệnh một mình như vậy. Ngoại đừng buồn khổ nghe ngoại? Ngoại không buồn khổ là ngoại sẽ hết bệnh mau”.

Ví dụ 1: Ngay trong đời sống hiện tại mình lái xe không cẩn thận, lạng lách, vượt qua mặt, chạy ẩu sang lề khác, phạm vào luật lệ giao thông, đó là nhân. Nên tai nạn xảy ra làm cụt tay gãy chân, có khi mất mạng, đó là quả.

Ví dụ 2: Ngay trong đời sống hiện tại mình không giữ vệ sinh chung, quăng rác bẩn thừa thải khắp nơi; hoặc ăn uống không vệ sinh, đụng đâu ăn đó, không biết dơ sạch, đó là nhân. Khi bị bệnh đau phải tốn tiền đi bác sĩ, đến bệnh viện có khi bị chết, đó là quả.

Ví dụ 3: Ăn thịt chúng sanh, đụng con gì ăn con vật nấy, không biết trong thịt chúng sanh có nhiều chất độc tố, đó là nhân. Đến khi bị bệnh đau, gặp những bệnh nan y khó trị, phải chịu khổ sở đau nhức, lăn lộn trên giường bệnh, đó là quả.

Ví dụ 4: Ỷ quyền thế, la lối chửi mắng người, xem mọi người dưới quyền như tôi tớ người làm công không ra gì, đó là nhân. Khi bị bệnh đau hoặc tai nạn xảy ra cho mình hay những người thân trong gia đình, đó là quả.

Cho nên nhân quả thường đi song song với nhau, hễ có nhân là có quả. Vừa mở miệng nói xấu người khác, đó là nhân, thì ngay đó bị người khác xem thường mình, cho mình là người xấu ác, đó là quả.

Nhưng muốn chuyển nhân quả ấy thì phải làm sao?

Nhân quả muốn chuyển được thì phải vui vẻ chấp nhận để trả nợ nhân quả. Khi đứng trước hoàn cảnh tai nạn bệnh tật thì không nên buồn rầu, lo sợ, không nên than thân, trách phận, không nên đổ thừa cho ai cả mà hãy vui vẻ nhận chịu một cách tự nhiên đầy can đảm và dũng cảm.

Khi nhân quả đến muốn chuyển hóa nhân quả thì phải sống đúng tám giới luật của Phật tức là Thọ Bát Quan Trai. Tám giới luật của Phật là chín đức hạnh làm người. Chín đức hạnh làm người là chín pháp thiện. Nhờ sống đúng chánh pháp thiện mà chuyển tất cả quả khổ. Vậy, con hãy lắng nghe Đức Phật dạy mà hướng dẫn cho ngoại con: “Này các tỳ kheo muốn ước nguyện một điều gì, điều đó được viên mãn thì giới luật phải nghiêm chỉnh”.

Tám giới luật Phật tức là chín đức hạnh. Chín đức hạnh gồm có:

1/        Đức hiếu sinh (Lòng thương yêu sự sống của muôn loài).

2/        Đức buông xả (Không gian tham trộm cắp cướp giựt, móc túi, lấy của không cho).

3/        Đức chung thủy (Không tà dâm lấy vợ người, chồng người khác).

4/        Đức thành thật (Không nói dối).

5/        Đức sáng suốt (Không uống rượu).

6/        Đức tự nhiên (Không trang điểm, đeo vòng vàng chuỗi ngọc và thoa dầu thơm).

7/        Đức trầm lặng độc cư (Không ca hát, không nghe ca hát, không gõ mõ tụng kinh, niệm Phật, niệm chú).

8/        Đức thanh bần (Không nằm giường cao rộng lớn).

9/        Đức ly dục (Không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt, chỉ ăn ngày một bữa).

Sau khi sống đúng 9 giới luật (Bát Quan Trai) tức là những đức hạnh làm người thì con hướng dẫn Ngoại con dùng hai cánh tay đưa ra, đưa vào và tác ý.

Trước khi đưa tay ra thì bảo: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra”. Khi đưa tay ra xong thì tác ý tiếp: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô”. Khi đưa tay ra thì dùng tưởng nghĩ như bệnh theo tay mà đi ra. Cứ nhiếp tâm an trú vào cánh tay đẩy lui bệnh tật như vậy thì bệnh sẽ hết, nhưng khi đưa tay vô thì dùng tưởng thân không bệnh đi vô.

Đây không phải là phương pháp trị bệnh mà đây là phương pháp chuyển nghiệp. Do chuyển nghiệp nên phải sống đúng giới luật.

Phương pháp chuyển bệnh này mà trong kinh Tứ Niệm Xứ gọi là “Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu”.

Nếu Ngoại con tin tưởng nơi Phật pháp là pháp mầu nhiệm cứu Ngoại con thoát bệnh khổ thì Ngoại con nên yên tâm ôm pháp chuyển bệnh thì không bao lâu Ngoại con sẽ hết bệnh khổ.

Không biết con có nhận được một bức thư của Thầy gởi cho ngoại con không? Nếu được bức thư ấy mà ngoại con nương vào đó giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự cho đến khi bỏ thân tứ đại thì chấm dứt tái sanh luân hồi.