Skip directly to content

20091011 - NHƯ LÝ TÁC Ý

20091011 - NHƯ LÝ TÁC Ý

NHƯ LÝ TÁC Ý

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Tu sinh

Thời gian: 11/10/2009

1- ĐẠO PHẬT KHÔNG DẠY ỨC CHẾ Ý THỨC

(00:04) Trưởng lão: Nay Thầy gặp các con để xem lại sự tu tập của các con có đúng không, bởi vì thường thường chúng ta có hiểu lầm rất lớn trong sự tu tập của các hệ phái, của các giáo phái khác ví dụ như Mật tông, Thiền tông. Các giáo phái khác này tu là ức chế ý thức của chúng ta, làm cho cái ý thức của chúng ta không còn khởi niệm. Đó là cái mà chúng ta cần phải cân nhắc. Ở đây cái mục đích của đạo Phật dạy chúng ta là ly dục, ly ác pháp, chứ không phải ức chế ý thức. Các con nhớ kỹ cái điều đó. Chứ không khéo chúng ta bị lạc, đi lạc rồi mà chúng ta cứ cho là hết vọng tưởng rồi là được thì không phải vậy.

Ở đây không có diệt ý thức của chúng ta, mà để tự nhiên nó không niệm. Khi nó ly dục, ly ác pháp rồi, tự nhiên nó không niệm, chứ không phải ngồi cố gắng giữ tâm bất động để cho nó không niệm. Dù chúng ta giữ một cái đối tượng nào thì chúng ta cũng bị ức chế ý thức hết. Cho nên ở đây chúng ta ngồi tu ở trong thất thì mục đích là chúng ta giữ gìn giới phòng hộ. Cái giới phòng hộ là giới độc cư, chúng ta không tiếp duyên với người nào hết, chúng ta sống một mình. Đó là giới luật cần thiết cho chúng ta tu, cho nên đức Phật nói: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Còn mình ngồi đây, mà mình phóng tâm nghĩ cái này, nghĩ cái kia, hoặc là đi lang thang ở bên ngoài, tâm nó nhớ người này, nhớ người khác thì cái đó là ác pháp. Cho nên ở đây mình không ức chế cái ý thức của mình, nhưng mình rèn luyện cho mình ý thức. Đó là pháp Như Lý Tác Ý, tạo cho nó thành một cái lực. Cái lực đó gọi là Ý Thức Lực. Người tu hành không bao giờ diệt ý thức, mà tập luyện cái ý thức lực để chúng ta có Tứ Thần Túc - bốn lực như thần.

  • (02:37) Dục Như Ý Túc, tức là chúng ta muốn cái gì thân tâm chúng ta làm theo cái đó.

  • Định Như Lý Túc, thì ta muốn nhập cái định nào thì thân ta nhập cái định đó, không thể sai. Đó là Định Như Ý Túc

  • Tuệ Như Ý Túc, tức là ta muốn biết cái gì ý bất cứ ở thời gian nào chúng ta điều biết. Đó gọi là Tuệ Như Ý Túc.

  • Và Tinh Tấn Như Ý Túc, là lúc nào chúng ta cũng ở trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, hay là chúng ta muốn là nó sanh.

(3:09) Ví dụ bây giờ chúng ta muốn gì, muốn tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì chúng ta tác ý. Nhưng mà nó nghe theo mấy con đâu, mấy con thấy nó không nghe, nó sẽ không bất động, thì mấy con lại dùng phương pháp ức chế ý thức để cho nó không sanh. Các con cứ để tự nhiên, để tự nhiên cho nó khởi niệm, không dùng một cái đối tượng nào, không dùng hơi thở, không dùng một cái phương pháp nào ức chế ý thức, để cho ý thức tự nhiên. Mà nó càng khởi nhiều thì càng tốt, mà mỗi một niệm khởi thì tác ý, mà càng tác ý nhiều thì nó càng thành Ý Thức Lực chứ sao. Các con có thấy cánh tay chúng ta nó có cơ bắp, mà chúng ta cứ co cánh tay ra vô như thế này thì cơ bắp nó phải mạnh chứ sao, phải không?

Còn ý thức của chúng ta, mà chúng ta cứ tác ý hoài thì nó phải càng mạnh chứ sao. Các con không chịu tác ý, cứ dừng (ý thức) để mình giữ cái tâm mình bất động chứ gì thì nó hại, bởi vì ở trong từng tâm niệm của chúng ta khởi ra thì nó có dục và ác pháp.

PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý

Cái đầu tiên, chúng ta lắng nghe ác pháp là như thế nào? Nó làm cho tâm chúng ta lo lắng, nghĩ ngợi, thương ghét, nhớ gia đình nọ này kia. Rồi còn lo sự mình tu tập còn thiếu sót, chưa có làm xong điều này, thế kia, thôi để về giải quyết bằng cách này cách kia. Các điều đó đều là ác pháp, nó làm cho tâm chúng ta động. Cho nên chúng ta phải ly nó, lìa nó ra bằng phương pháp Như Lý Tác Ý, chứ không phải ngồi ráng cho hết vọng tưởng. Các con phải biết vọng tưởng, bởi vì tất cả những niệm khởi là vọng tưởng, nó là cái ý thức của chúng ta, nó là cái trí tuệ của chúng ta, cho nên chúng ta không diệt nó.

(05:00) Mà khi mà cái tâm của chúng ta bất động tâm thanh thản, thì cái đó nó trở thành Tuệ Như Ý Túc, trí tuệ Tam Minh. Mình diệt hết cái ý thức của mình thì mình trở thành không, cây đá. Nó đâu có hoạt động, nó đâu có suy nghĩ, nó đâu có biết gì đâu. Cho nên hàng ngày mình tác ý để trở thành cái ý thức lực. Khi cái ý thức của chúng ta trở thành cái Ý Thức Lực rồi, thì bắt đầu chúng ta muốn biết cái gì, thì cái tuệ của chúng ta sẽ biết hết. Đó là cái ý thức lực của chúng ta. Còn nếu mà chúng ta sai thì chúng ta tu tập không tới đâu. Nội cái ức chế ý thức mà không vọng tưởng thì mấy con thấy cũng vất vả lắm, nói gì khi mà nó lọt vô tưởng thì nó đi tới đâu? Khi ý thức không làm việc thì Tưởng thức của mấy con sẽ làm việc. Rồi có một chút ít điều kỳ lạ, những cái lạ lùng thì mấy con coi đó là thần thông do Tưởng nó lưu xuất ra đó mà. Thì cái đó không phải là cứu cánh của mấy con. Cái cứu cánh của mấy con là mấy con muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống. Bệnh đến trên thân thì mấy con đẩy lui, tác ý đuổi đi bằng Ý Thức Lực.

(06:16) Trong cái số mấy con hiện giờ có một số người có thân đau nhức chỗ này, các con chỉ cần tác ý, thì thấy cái cơn đau nó giảm xuống, nó giảm. Đó là có Ý Thức Lực, nhưng mà nó có một chút xíu lực, nó đẩy lui được bệnh. Chứ còn bây giờ mấy con bảo nó tịnh chỉ hơi thở, bỏ thân này đi, nó chưa làm được. Cho nên trong cái sự tu tập, Thầy nhắc nhở mấy con phải dùng pháp Như Lý Tác Ý hàng ngày, chứ không được ức chế tâm. Có như vậy, tu tập mới không sai, chứ không khéo cứ theo cái hơi thở nhiếp tâm như thế này, nhiếp tâm như thế khác, tu tập như vậy thì chết rồi sao.

Thầy đọc bức thơ, Thầy thấy mấy con tu, trình bày lại sự tu tập của mấy con hoàn toàn là sai, tu như vậy là chết. Đợi mà mấy con tu tới khi ý thức hoàn toàn không làm việc, mấy con lọt vào trong Không Tưởng rồi sao. Nó không phải nằm ở trong cái không ngơ đâu mấy con, nó lọt ở trong Tưởng rồi, thì cái Tưởng của mấy con sẽ hoạt động, chừng đó mấy con không còn bình thường, như mấy người khùng không còn bình thường.

i. TÁC Ý LY DỤC LY ÁC PHÁP

(7:37) Vì vậy, nếu không cảnh giác, không cẩn thận, một số người tu lọt vào Không Tưởng, rồi phát nói tùm lum, nói như là mình thông suốt hữu lậu. Đó là cái bệnh mấy con. Thỉnh thoảng, Thầy nhận được một bức thư của mấy con, Thầy nói: “Chết rồi! Tu kiểu này, mấy con hiểu như thế này thì làm sao mà tu?”. Thầy dạy mấy con ly dục ly ác pháp.

Ly dục, ly ác pháp là như thế nào? Bây giờ ngồi đây chơi này, ngồi bán già, ngồi kiết già như Thầy, rồi ngồi bình thường dựa lưng trên ghế này, rồi nằm này, rồi đi này, cứ luôn luôn quan sát ở trên cái tâm của mình, để coi xem nó nghĩ cái gì, nó phóng cái gì. Nhưng không phải xem nó phóng rồi, mà nó vừa chớp một cái rồi mấy con bỏ qua, như vậy là không được.

“Biết vọng liền buông”, nghĩa là vọng khởi lên cái là mấy con buông, nghĩa là ngay đó mấy con thấy nó lặng mất rồi thì cần gì mấy con làm gì nữa. Nhưng mà nó hiện hoài, không bao giờ nó hết, buông hoài không hết. Nhưng khi mà nó chớp khởi ra thì nó mất rồi, nhưng mấy con vẫn tác ý: “Chỗ này là chỗ tâm Bất Động, không phải chỗ mày đến mà mày nhảy vô đây”. Mặc dù nó không có niệm gì hết, nó chỉ chớp thôi, vẫn phải tác ý mấy con. Bởi vì nó đã chớp, cái niệm của nó chưa thành hình, nhưng mà nó vẫn động tâm mấy con rồi. Mục đích là mấy con phải dẹp, không được cho nó nhảy vô. Đó là cái mấy con cần tu.

ii. ĐỂ TÂM BẤT ĐỘNG TỰ NHIÊN

(09:17) Còn bây giờ mấy con tu tới cái giai đoạn khác cao hơn, mấy con ngồi thấy yên lặng chừng ba mươi phút, nó tự nhiên yên lặng. Đó là mấy con đã nắm được cái chỗ Bất Động Tâm. Ở chỗ Bất Động Tâm này thì mấy con đừng có mong để kéo dài cái thời gian, cố gắng để làm cho nó bất động. Bây giờ được ba mươi phút, rồi ráng một giờ, rồi ráng hai giờ, không phải vậy.

Chỗ Bất Động Tâm này, mấy con để tự nhiên nó thôi. Nó được bao nhiêu hay bấy nhiêu, nó được ba mươi phút cũng tốt. Bữa nay nó được ba mươi phút, nhưng ngày mai nó chỉ có mười phút cũng được, không cần thiết. Không cần thiết thời gian phải cố định, thời khóa phải cố định, mình tu tập để đạt được thời gian đó. Nếu mình muốn đạt được cái thời gian đó là mình bị ức chế tâm. Bởi vì mình muốn đạt được thời gian đó thì mình phải cố gắng ức chế mới đạt được chứ sao.

(10:10) Còn ở đây thì mình không cần. Bữa nay nó được năm phút, tự nó được năm phút chứ mình không có bắt buộc, hay ép buộc gì nó hết. Nhưng mà ngày mai nó được ba mươi phút chẳng hạn, mình cũng không bắt buộc nó. Bữa nay nó được một giờ, mà ngày mai nó được một phút cũng không sao. Sao hôm qua được một giờ, mà hôm nay được có một phút, mới ngồi đã có niệm rồi? Tại vì tâm của mình nó ly dục, ly ác pháp chưa hết nên nó phải còn niệm.

Đừng sợ, mình cứ đi đứng nằm ngồi, trong các oai nghi để xem xét. Nếu các con tu đúng, thời gian trong vòng sáu tháng, bảy tháng là xong, không cần hơn nữa. Chỉ biết xả tâm thôi bởi vì ly dục ly ác pháp mà. Mà trong suốt thời gian đó, mấy con giam mình trong thất, xác định nó, độc cư. Đâu phải thành Phật mà da của chúng ta trở thành vàng ròng đâu. Lúc bấy giờ đó, nếu mà da chúng ta trở thành vàng ròng thì chỉ còn vô nhà thương mới biết cái bệnh gì kỳ cục. Rồi mấy ông thợ làm nữ trang nó tới lấy đụt hết rồi.

Con người mình bình thường, không có gì hết, nhưng mà không có ác pháp nào mà lọt vào cái tri kiến hiểu biết của mình để làm mình không giải thoát. Nó vừa tác ý, nó vừa ở ngoài nó xâm chiếm vô, thì ý thức của mình, nghĩa là mình biết rất rõ nó là ác pháp, mình không để cho tâm mình bị động. Giận hờn, phiền não, thương, ghét, nhớ, tất cả đều bị cái tri kiến, cái sự hiểu biết đó chận lại ở ngoài cổng hết rồi, nó không cho vô mà, bởi vậy cái tri kiến đó gọi là tri kiến ý thức giải thoát.

Cái ý thức giải thoát, kèm theo cái pháp Như Ý Tác Ý, khi nó vô đó, nó đã bị cái sự hiểu biết đó chận đứng ở bên ngoài rồi, có phải không? Nó không vô xâm chiếm được. Tâm mình nó yên lặng chứ, nó đâu có việc gì. Có đúng không? Cho dù người ta chửi ào ào, nhưng mà cái tri kiến nó đã chận ở bên ngoài rồi, nó chận bằng cách hiểu nhân quả. Người ta chửi mình - không phải nhân quả sao người ta chửi mình? Người ta chửi mình mà mình không giận; nó hiểu rồi. Lúc bấy giờ, nó đã chận ngoài cổng rồi, nó đã hiểu nhân quả là nó chận cái ác pháp đó rồi, nó không cho xâm chiếm vô tâm nó. Thì bắt đầu có tác ý chúng ta lại quét nó đi. Các con thấy không? Chứ không phải là, thấy nó chận ngoài cổng rồi coi mình ngon. Không phải đâu! Nó ngầm, rồi nó sẽ xâm chiếm vô. Nhưng mà mấy con tác ý tạo thành một cái lực, Ý Thức Lực.

iii. CỐ GẮNG GIỮ HẠNH ĐỘC CƯ

(13:07) Cho nên cuối cùng khi Ý Thức Lực nó đầy đủ thì các con làm chủ được thân tâm của mình. Cố gắng tu thì sáu, bảy tháng thôi. Không có lâu đâu, bền chí, đừng có để cho một người nào đến nói chuyện với mình hết. Thí dụ như bây giờ mình ở thất này; cái số thất này người nào ở thất nấy rất khó khăn. Bởi vì cái người này, cái tâm mình nó dễ phóng lắm. Khi thấy người kia như thế này, con mắt nó dễ phóng ra lắm, nó dễ phóng ra xa. Ở bên kia làm cái “cộp” là cái lỗ tai nó nghe, nó phóng ra. Bên kia ngồi mà gục tới gục lui, bên đây mắc mớ gì mà mình ngó qua rồi thấy gục là: “Giờ này mà gục”. Nó không nói nó, chứ nó phê bình người ta đó mấy con. Cho nên điều đó là mình thấy ngay liền cái tâm mình đã bị phóng dật. Người ta tu mặc người ta, người ta gục mặc người ta. Mình không lo thân mình, mà thấy làm chi chuyện người ta.

Do đó, mấy con làm sao mà mấy con sống gần nhau như thế này mà đừng nhìn ra ngoài. Có nhiều người lấy vải, lấy này kia che, lỡ có ngủ gục tới gục lui để bên ngoài không ai biết. Đó là thêm tội dối trá. Cho nên thất của mình cứ để tự nhiên, đừng có che đậy gì cả. Còn ở trong mình cố gắng, mình khắc phục để cho mình tiến tới. Khi bị hôn trầm, thùy miên thì chúng ta có cái pháp đi kinh hành, mình siêng năng đi kinh hành, đi pháp Thân Hành Niệm, chú ý từng hành động, đó là cái pháp tu mấy con. Bởi vì nó có phương pháp hết, mình cứ ôm chặt đúng pháp thì mình sẽ bị phá được hôn trầm.

(15:04) Còn cái vọng tưởng, cái loạn tưởng thì mấy con đừng có ức chế. Mà cứ để tự nhiên, nó có khởi niệm nhiều chừng nào thì tác ý nhiều chừng nấy. Mà tác ý nhiều chừng nấy thì tác ý chung chung, chứ đừng sợ nó. Chúng ta đừng có sợ vọng tưởng mà chúng ta lấy cái đối tượng vọng tưởng của chúng ta để chúng ta rèn luyện cái Ý Thức Lực của chúng ta. Mấy con còn công việc thì mấy con ra làm. Sau khi công việc dựng bàn ghế xong xuôi rồi thì có người thay thế cho mấy con. Khi các con biết cách tu tập đúng, thì mấy con sẽ vào thất tu; để không, phí uổng cuộc đời.

2- RÈN LUYỆN Ý THỨC LỰC

(15:44) Chúng ta sinh ra được làm người, rất khổ. Các con cứ nghĩ mình sinh ra, cha mẹ nuôi lớn khôn là mình khổ, mà cha mẹ mình cũng khổ. Được thân mình bây giờ lớn lên, mà gặp được Chánh pháp thì quý vô cùng. Mấy con ráng tinh tấn lên mà tu. Thầy thấy Phật pháp không khó, mấy con. Mình đừng có cầu mong thần thông phép tắc gì, chỉ cầu mong tâm mình không ác pháp, không có dục, không sân nè, thì mình giải thoát, bao nhiêu đó đủ rồi mấy con.

Vì vậy đủ Ý Thức Lực, dùng pháp Như Lý Tác Ý để tạo thành Tứ Thần Túc, bốn cái lực như thần, cái đó là cái quan trọng. Một con người, nhìn họ ngồi trước mặt, người nào cũng có cái lực hết, nhưng mà họ không chịu rèn luyện. Đừng nghĩ rằng tôi tác ý, tâm nó bất động. Không phải vậy đâu. Ngưng tác ý nó vẫn động, cái lực chưa đủ.

Còn bây giờ mấy con ngồi bất động như thế này, vì vậy mấy con tu riết thành gốc cây, phải không? Bất động nó trở cây, thành đá, thành cái cái bao ngồi, thành cục thịt không ngó không nghĩ gì hết. Vậy tu làm cái gì? Các con hiểu chỗ Thầy muốn nói?

LÀM CHỦ THÂN TÂM

(17:10) Vì vậy chúng ta tu hoàn toàn làm chủ thân tâm. Làm chủ tâm mình: Ai nói gì cũng không giận không hờn, ai đem cái gì cám dỗ, mình không có ham muốn gì hết. Đó là làm chủ tâm.

Làm chủ thân mình: Làm chủ già thì không có run rẩy, yếu đuối, đó là làm chủ cái già, không có đau nhức chỗ này chỗ kia. Già cả thì lụm cụm, run rẩy, đi sợ té, rồi bị bệnh đau nhức chỗ này, chỗ kia, chỗ nọ. Trên thân nó đau nhức, bởi già khổ. Nhưng người già mà tu, người ta không có khổ, không có đau nhức gì ở trong thân hết. Bởi vì các con biết không, nó có thọ, cảm thọ đau nhức thì chỉ cần tác ý đuổi đi: “Cái chân này đau đi đi, ở đây tao không có chỗ cho mày đâu”, thế là cái đau nhức nó đi. Có phải mình tu tập để làm chủ bệnh, tức là làm chủ cái già, mà cái già là cái ổ bệnh nó đẻ ra. Người già thường đi không nổi, còn cái chân đi run run sợ té, các con tác ý: “Đi cho vững, đừng có đi run run. Tao đạp một cái cho mày chết luôn”. Nó sợ, nó không đi run. Chứ sự thật, mấy con cứ nhìn người già đi, đi họ sợ té lắm. Vì vậy, cái lực của ý thức nó mạnh lắm, nó bảo cái thân sao nó phải nghe vậy. Ai già không yếu, nhưng tại sao nó làm sao cái thân già của nó lại không yếu? Đi vững vàng, quắc thước, đó là cách thức để chúng ta làm chủ già.

(18:48) Làm chủ già tức là làm chủ bệnh, mà làm chủ bệnh rồi thì làm chủ sự sống chết rất dễ. Thầy bảo: “Hơi thở, tịnh chỉ, ngưng. Bảo không biết nghe, tao cho mày chết”, thì nó ngưng à. Mấy con bảo nó tịnh chỉ thử xem nó ngưng không, nó chưa ngưng được đâu, chứ Thầy bảo là nó ngưng rồi. Cho nên Thầy thấy, chính là cái thân này mình sai sao nó nghe vậy thì hạnh phúc vô cùng. Cái thân mà nó không sai được mình. Nên trong thời gian này, duy chì được chánh pháp của Phật, để cho con đường của Phật pháp, chỉ có đạo Phật có con đường này. Mấy con nhìn thấy tôn giáo rất nhiều ở trong thế gian của chúng ta, như Hồi Giáo, như Thiên Chúa Giáo, như Lạt Ma Giáo, rồi tất cả các tôn giáo rồi Đại thừa giáo, rồi Thiền tông, đâu có cái pháp nào mà làm chủ Sanh - Già - Bệnh - Chết như đạo Phật đâu. Các con thấy rất rõ, vậy mà có thật mới nói. Cho nên Thầy còn sống tại đây là duy trì cái kinh nghiệm này để giúp cho loài người làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp người.

(20:05) Chính đạo Phật mới đem giải quyết cái sự khổ của con người. Còn mấy cái tôn giáo kia, nó luyện thần thông, nó nghĩ rằng có cõi Trời này kia cho nên người nào mà làm thiện ở đây, sống thiện ấy, thì khi chết thì Chúa rước về Trời. Chúng ta ham làm thiện để về cõi Trời, chứ chúng ta đâu có cứu mình ở hiện tại, cuộc sống hiện tại của chúng ta đâu. Chúng ta liều sống chết để bảo vệ được cái tôn giáo của mình, thì Chúa sẽ rước mình về cõi Trời. Vì vậy mới có những thánh chiến, người ta dám hy sinh, người ta chết vì Chúa, vì tôn giáo. Mấy con thấy rất rõ, cái tinh thần của họ rất mạnh, nhưng nó không đúng sự giải thoát của nó mà nó chỉ mơ tưởng trong cái không đúng. Sự thực ra đức Phật nói Ba mươi ba cõi Trời chỉ là cõi Tưởng tri, không phải liễu tri. Không có cái cõi nào là thật hết. Chỉ có con người là do duyên hợp sanh ra, cho nên chúng ta sống trong bốn đại hợp duyên mà chúng ta sanh ra, cho nên nay đau, mai nhức để rồi bốn duyên rã ra, nó hợp rồi nó rã.

i. CHỌN CỬA SANH LÀ LY GIA CẮT ÁI

(21:16) Các con đọc Mười hai Nhân duyên tức là mười hai duyên hơp. Từ mười hai nhân duyên đó, mấy con sẽ vào chỗ đó, nó có bốn cái cửa vào. Cửa Sanh là mấy con đi vào cuộc sống như hôm nay mấy con trở thành tu sĩ, đó là mấy con đi vào cửa Sanh. Cho nên mấy con đi vào cửa Sanh, mà mấy con còn trở về thăm gia đình, còn thăm em út, con cái, thôi thôi cái này là ly Sanh chưa được. Nghĩa là khi ly gia cắt ái rồi thì nhất định là đến một cái chùa nào ở đến chết cũng không về thăm gia đình. Chừng nào tu xong rồi mới về gieo duyên.

Còn bây giờ, đi tới đi lui độ, rồi gia đình, cha mẹ tới thăm nuôi, kiểu này thì cắt ái không cắt nổi. Sai, nó không đúng! Cho nên đi vào đời sống của người xuất gia, đi vào cửa Sanh là cắt đứt dòng ái, không còn có Phật tử ra vô này kia tiếp duyên. “Hồi đó, tôi ở chùa, quen nhiều Phật tử, giờ tôi đến đây tu. Vài hôm, có một đoàn đến thăm, tôi ra nói chuyện chút, rồi tôi vô”. Rồi cứ như vậy thì ông thầy này cứ tiếp duyên với Phật tử, không ra gì hết, tu vậy sẽ không xong, không giải thoát được. Khi không tu thì thôi, chứ trong một ngày hay nửa ngày, một tháng hay nửa tháng, đã quyết tu thì tu cho tới nơi tới chốn. Tu cho tới nơi tới chốn rồi mới nói chuyện với gia đình của mình. Chứ không khéo, mấy con tu chưa xong mà về nói chuyện với gia đình, coi chừng nó nói “Tôi tu thanh tịnh lắm”, nhưng mà thanh tịnh gì còn về gia đình là làm sao? Mình nói là người ta xét qua đã ly gia cắt ái rồi, đã vô trong chùa tu rồi mà giờ đi ra.

(23:10) Trong khi mình đi ra thì mình phải làm chủ bốn sự sống chết thì nó mới đúng. Còn mình đi ra mà chưa làm chủ Sanh - Già - Bệnh - Chết mà đi ra nói: “Tâm mình thanh tịnh thế này, tâm mình bất động thế kia, tôi ngồi một hai giờkhông  vọng tưởng”. Cái này là ngoại đạo hết, nó không đúng.

ii. KHI NÀO DÙNG PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý

(23:32) Mấy con nhớ kỹ phải dùng pháp Như Lý Tác Ý. Càng có niệm thì tác ý càng nhiều. Hết hay không hết mình không cần, cái này rèn luyện cho tâm mình. Mấy con nhớ kỹ, nhớ kỹ điều đó. Có niệm thì tác ý, không có niệm thì thôi, nhưng không niệm đừng có trụ ở đâu hết. Trụ ở chỗ nào thì chỗ đó chỗ trụ bám dính, ức chế ý thức mà sanh.

Có một chỗ trụ mà không sanh, đó là trên - thân - quán - thân, nhưng hiện giờ mấy con để tự nhiên. Bây giờ nó im lặng, bất động, tự nhiên trong tâm mấy con thì mấy con cảm thấy như thế nào ở toàn thân, trong từng hơi thở của mấy con? Không phải nhiếp ở trong hơi thở, mà cũng không phải trụ trong thân, mà bởi vì nó không phóng dật ra ngoài, thì nó phải ở trên thân nó chứ sao. Mà trên thân thì mình phải biết thân nó chứ sao, bởi vì đó là cái ý thức của chúng ta, nó đang quay vô, nó biết thân nó mà.

(24:38) Chúng ta không phải vì trên - thân - quán - thân để mà ức chế nó, cho nên chúng ta để nó tự nhiên: “Coi thử coi mày ở trên thân mày quán mày coi đi”. Cứ để tự nhiên, nếu mà nó dài thì tốt, nếu mà nó không dài cũng tốt, không có sao hết, rồi lần lượt mình sẽ quen mình sẽ quán trên thân.

Tức là trong Bát Chánh Đạo, đức Phật đã xác định nó là Chánh Niệm, Tứ Niệm Xứ là Chánh Niệm. Cho nên tự nó mà quán thân được, là mấy con đã khép chặt cái đời sống của mấy con, nó mới quán thân thật sự. Còn mấy con chưa khép chặt mà còn nhìn ngó, còn tiếp duyên, còn phóng dật ra ngoài, còn nói chuyện với người này người kia, mà quán thân thì ức chế rồi.

Bởi vì hành động Tứ Niệm Xứ là hành động tự nhiên “trên - thân - quán - thân”, chứ không phải dùng cái thân để mà quán. Cho nên mình nói “trên - thân - quán - thân” mà bây giờ tôi không giữ gìn giới, tôi cũng quán được chứ sao, nhưng mà tôi quán tôi bị ức chế cái ý thức của tôi, lấy cái thân mà ức chế ý thức. Còn bây giờ, mình sống tự nhiên ly dục ly ác pháp thì cái tâm của mình nó sẽ không phóng dật ra ngoài, nó sẽ ở trên thân; mà ở trên thân thì nó cảm nhận sự thanh thản, an lạc của nó.

3- NHƯ LÝ TÁC Ý ĐỂ XẢ CÁC NIỆM THAM SÂN SI

(26:01)Các con thấy khi nó ở trên thân nó, thì nó bắt đầu quen cái thói của nó. Tại vì mình hay tập trung, cho nên nó sẽ tập trung trên đỉnh đầu. “Sao bữa nay tôi ngồi tu, sao đỉnh đầu tôi nóng?” thì đó là nó tập trung. Còn bây giờ, “mình ngồi tu tâm bất độngsao mình nghe nặng đầu ?” là do mình tập trung ở trán mình chứ đâu. Tập trung ở chỗ nào là chỗ đó có một hiện tượng của cảm thọ của nó, cho nên mấy con ngay đó xả ra liền: “Ah! mình đang tập trung tức là có cảm thọ vô thường” thì mình xả ra. Để nó tự nhiên.

i. CÁCH CHO NGƯỜI MỚI TU

Bây giờ nó tập trung trong hơi thở, nó biết có hơi thở, duy nhất có hơi thở - là sai, không được. Ở đây không phải tu như vậy. Mới đầu, khi mấy con vào tu thì mấy con tập Định Niệm Hơi Thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Tập một thời gian để cho mình rèn luyện trong hơi thở, để cho mình không bị rối loạn hô hấp. Thở hơi dài cũng được, thở hơi ngắn cũng được, thở hơi bình thường cũng được. Rồi tập, bởi vì mới đầu vô đó, cái tâm mình nó chưa thanh tịnh, nó còn tham, sân, si quá nhiều, cho nên mình nương vào hơi thở, mình tác ý “quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, rồi “quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra”. Đó là cho những người mới vào tu.

ii. CÁCH CHO NGƯỜI ĐÃ SỐNG ĐỘC CƯ ĐƯỢC

(27:31) Còn khi mấy con đã tu, mà đã lâu rồi, mấy con đã sống độc cư được rồi, mấy con sống một mình, tức là mấy con ly dục ly ác pháp được, thì bắt đầu lúc bấy giờ mấy con còn giữ tâm bất động và phương pháp Tác Ý. Bây giờ tu pháp Tác Ý, chứ không phải dùng pháp kia để mà tập, do không còn cái thô của cái tâm tham, sân, si. Bây giờ mình dùng pháp Tác Ý, để từng tâm niệm mình khởi ra là mình quét cái vi tế của tâm, cái tham - sân - si vi tế của chúng ta. Còn cái thô của nó là khi chúng ta mới vào tu, cái tham - sân - si của chúng ta còn dễ. Bây giờ thí dụ như người ta nói, người ta chửi mấy con ấy, mấy con thấy mình thản nhiên được, nhưng cái vi tế vẫn còn, chưa xả hết, nó sân nó còn. Cho nên mấy con ngồi mà quét nó bằng pháp Như Lý Tác Ý, quét hết cái vi tế cho nên nó mới thanh tịnh được.

PHÁP ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

Còn người mới vô mà ngồi quét sẽ không nổi đâu. Vì vậy chúng ta dùng Định Niệm Hơi Thở, đề mục đó để mà quán sát. Cho nên người mới vô mà nghe Thầy nói rồi tập trung tu là sai, coi chừng bị ức chế. Chúng ta mới vô là chúng ta phải xả cái thô của tâm chúng ta bằng cái phương pháp 19 Đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Không lâu đâu mấy con, nó có cái thứ lớp hết.

Sau khi mình tu Thiền Định 19 cái Đề mục Hơi thở rồi, thì bắt đầu mình ngồi lại, mình mới thấy tâm mình nó im, tức là nó xả được cái thô của nó đó tức là nó tiến tới Định Thư Giãn.

Cho nên có một số người sống độc cư, tu tốt, cố gắng sống độc cư, Thầy thấy không có buồn khổ, trong cái giai đoạn tu sống độc cư này thì đây là giai đoạn (chúng ta tập). Rồi tới cái đoạn kế, chúng ta xả ra, sống độc cư rồi tiếp tục xả ra. Ở đây, chú Khánh hay quý sư đây đều phải cố gắng tiếp tục để xả ra, coi như là mình ngồi, đi kinh hành, đi hoặc đứng, hoặc ngồi, hoặc nằm, đều xả ra, đều dùng pháp Như Lý Tác Ý mà xả ra. Cho nên chúng ta đừng vì một lý do gì hết mà cứ bền chí tác ý xả ra.

Đừng cố gắng giữ tâm bất động, mà để tự nhiên nó bất động, thì cứ dùng pháp tác ý. Trong môi trường mấy con sống ở trong cái khu của mình rất là yên tâm, không có ai, để rồi trong thời gian mấy con sống như vậy không có bị chạy tới, chạy lui, tức là không phá hạnh độc cư, đó là tu tập tốt.

4- CHẾT TỰ TẠI, KHÔNG CẦN ĐỂ LẠI NHỤC THÂN

(30:23) Còn mấy con sống phóng dật, vài hôm, năm, mười ngày, tuần lễ chạy ra gặp người này, kia hỏi, hỏi chừng một điều, không hỏi không nhiều, như "Bữa naykhông biết cơm nước ăn cái gì đây?”, thì cái này cũng không được. Bây giờ tới hỏi: “Không biết Thầy lúc này có khoẻ không?”, đó cũng là cái dạng phóng dật. Không hỏi gì hết, không hỏi ai hết, coi là mình vô tình, chứ sự thực ra mình đang phòng hộ tai, mắt, mũi, miệng, thân, ý của mình. Chứ mình hỏi là bị phóng dật, cho nên mình dè dặt cẩn thận. Mình bị phóng dật vì hỏi thăm đó mấy con, cho nên không hỏi.

(31:07) Thầy làm gì mà chết mà sợ mà phải hỏi thăm. Phải không, mấy con? Mấy con nghĩ đi, Thầy chết thì Thầy báo Thầy chết thôi: “Mấy con ngồi đây đi, bây giờ Thầy ngồi đây Thầy tịch, rồi lát nữa mấy con ra kia đào cái lỗ chôn Thầy cho rồi”. Rồi ba bốn người khiêng rồi để xuống, rồi lấp đất vào, có gì đâu. Thầy ngồi như thế này, đâu cần gì đâu, hai người nắm hai cái chân này khiêng đi luôn.

Còn mấy con ra kia đào cái lỗ bằng cái giường này, rồi để xuống, rồi bắt đầu lấp đất, có khỏe không? Mua hàng làm chi cho tốn. Các con hiểu chưa? Ở đây, Thầy chết tự tại lắm. Nghĩa là Thầy nói bây giờ Thầy tịch nghe. Mấy con tu được rồi, mai mốt có tịch thì cũng làm giống như Thầy vậy thôi. Còn mình muốn sướng hơn thì đào cái lỗ sẵn, rồi xuống ngồi dưới ấy, không cần ai khiêng. Mình ngồi ở dưới rồi, thì ở trên người ta lấp đất xuống. Mình tịch rồi lấp đất xuống, chứ sao chứ để làm chi?

i. ĐỂ LẠI NHỤC THÂN

Các con biết đó, khi mình để lại một cái nhục thân thì phải nhập định, chứ không nhập định thì nó thúi sao. Nhập định thì nó mới không thúi. Cái thân này khi mà nhập định, tất cả cơ thể, xương của chúng ta hoàn toàn vào trong định rồi, nó mới không thúi, nó không còn vi khuẩn ăn nó được. Còn bây giờ mấy con chết, các con ngồi ba bữa nó sình lên, tại vì vi khuẩn nó đục phá cái thân mấy con. Còn cái thiền định nó đục không được, nó không vô đục được cho nên nó không phá được. Vì vậy có ông ngồi ở trạng thái này, thiên hạ nói ổng chết mà giờ ổng ngồi đó như tượng Phật. Rồi bắt đầu ngoài kia người ta làm cái cảnh người ta lấy tiền. Rõ ràng dễ làm tiền lắm mấy con.

Cái chuyện này là cái chuyện như Thầy thấy nhục thân của ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Trường ở Hà Nội, họ vẫn làm tiền được. Mà đó là bộ xương khô thôi, chứ cỡ mà tươi rói như Thầy mà ngồi vậy thì cả cái thành phố Hồ Chí Minh này không có người nào bỏ sót, họ đến thăm, họ coi. Phải không mấy con? Đó là một cái tai hại. Nó làm cả cái xóm này động hết. Xe hơi đậu ngoài đường kêu um trời đất.

Cho nên nhất định là mình tu không để lại một di tích gì ở trên đời. Như ông Phật chết rồi, tịch rồi thì đem thiêu đốt, xong. Mình làm như ông Phật, chứ đừng có lưu lại, họ sẽ bán thân của mình để lấy tiền; làm cái chuyện đó rất là không tốt. Cho nên Thầy khuyên, các con người nào tu được, chúng ta bỏ thân này sẽ chôn cất, hoặc thiêu đốt như người bình thường, không có gì mà để lại.

Cái mà chúng ta làm được trước khi chúng ta chết là bệnh đau chúng ta đuổi, không có để sự đau khổ cho mình, không có để cho cái tâm của ta bị phiền não, giận hờn ai, hay thương nhớ ai. Đó là cái gương hạnh của chúng ta.

(34:30) Hôm nay Thầy gặp mấy con là nhắc nhở điều kiện rèn luyện pháp Như Lý Tác Ý. Có một chút nào trái ý, hoặc không thuận duyên, hoặc làm cho mấy con trái ý thì tác ý. Còn có một cái niệm nào làm cho tâm mấy con bị động, không bất động thì tác ý đuổi niệm đó đi. Chỉ có tác ý thôi, thì nó sẽ đi.

ii. PHÓNG DẬT QUA GHI CHÉP, VIẾT THƠ

(34:57) Thí dụ như bây giờ có một cái niệm khởi trong đầu, tác ý: “Đi, chỗ này là chỗ tâm bất động, không có cái niệm nào vô đây”, thì tự nó, nó cuốn gói đi à. Rồi Thầy ngồi im, một hơi có niệm khác khởi lên, đuổi nữa, cả ngày không biết đuổi bao nhiêu lần, kệ nó, không biết, không cần biết. Không có phải Thầy ghi sổ đây là lần thứ nhất, lần thứ hai, lần thứ ba, một ngày Thầy đuổi một trăm lần, hay một trăm hai chục lần. Không ghi gì hết, bao nhiêu cũng được, miễn có thì đuổi, không có thì thôi. Còn ghi chép thì mấy con biết đây là phóng dật, tức là ghi chép là phóng dật.

Các con cứ nghĩ đi, mình không đi ra ngoài kia nói chuyện, nhưng bây giờ ngồi viết bức thư. Vậy là phóng dật chứ sao, viết thơ cũng phóng dật chớ, dẹp cái tật viết thư này đi. Có gì sai hay không hiểu gì đó, thì cứ đến hỏi. Ở đây, bên nữ thì mấy con hỏi cô Trang, bên nam thì hỏi chú Mật Hạnh. “Không biết con tu có đúng hay sai. Bây giờ con xin phép gặp Thầy lúc nào giờ nào nhu vầy nè, thì Thầy sẽ cho biết giờ đó sẽ gặp Thầy ở trong thất". Rồi Thầy sẽ kiểm tra lại mấy con. Các con hiểu không?

5- TÂM TƯ CỦA THẦY

(36:12) Cho nên Thầy sẽ dẫn dắt cho mấy con đi tới nơi tới chốn. Như vậy thì mấy con tu sẽ không sai, không khó, không sợ sai, không sợ tự mình nghĩ ra. Chứ không khéo, như hồi nãy khi mà Thầy đi đến đây, Thầy rất sợ. Như mấy con thấy, khi mình đi tu thì xung quanh mình đã có nhiều cái hệ phái khác nhau, tôn giáo khác nhau. Người mà mình biết, tu rồi thì cũng muốn tu là được giải thoát, nghe pháp nào người ta cũng nói pháp đó hay, chứ người ta có nói pháp nào dở bao giờ.

i. TỪNG TRẢI TU TẬP QUA NHIỀU HỆ PHÁI

(36:50) Cho nên vì vậy người ta không tập cái này thì cũng tập cái khác, vì vậy mà bị ảnh hưởng. Do đó, Thầy cứ lo là các pháp khác Thầy đã từng trải qua, như pháp môn Niệm Phật, Thầy cũng đã từng trải qua, rồi niệm Thần chú, Mật Tông, Thầy cũng trải qua. Ông thân Thầy là một nhà sư Mật Tông mà làm sao Thầy không biết bùa chú. Đó là những cái điều kiện mà các giáo phái khác ở trên đất nước Việt Nam, từ Mật Tông rồi Tịnh Độ Tông, rồi Thiền tông.

Thiền tông thì Thầy theo Hòa thượng Thanh Từ, Thầy tu cũng dữ lắm chứ đâu, cũng chết người chứ đâu. Còn Tịnh Độ Tông thì Thầy theo Hoà thượng Thiện Hòa. Mấy con có biết Hoà thượng Thiện Hòa là viện chủ chùa Ấn Quang ở thành phố Hồ Chí Minh này chứ đâu. Hòa thượng là Thầy của Thầy mà, cho nên Thầy cũng nỗ lực thực hiện như là Hòa thượng, niệm Phật nhiếp tâm đàng hoàng chứ đâu phải không đâu. Không phải là Thầy niệm chơi đâu. Còn Mật Tông thì coi như cái vùng Tây Ninh là cái vùng liên hệ, gần kề ranh giới với Campuchia, cho nên bùa chú thường ở trên đó xuống đây, mà người ở Việt Nam rèn luyện bùa chú đều là rèn luyện ở đấy cả.

ii. ĐỊA LINH

Vị trí của cái tỉnh Tây Ninh có cái núi Bà và núi Cậu. Núi Bà thì họ đi trẩy hội Bà cho nên nó lành lặn, cho nên mấy ông thầy luyện Mật Tông đều qua núi Cậu này luyện hết. Nó có cái vị trí, mà đất Tây Ninh thật ra nó là cái nơi địa linh nhân kiệt chứ không phải không. Nó có cái vị trí để cho người ta tu, mà Thầy tu xả được tâm thì Thầy cũng ở Tỉnh Tây Ninh chứ ở tỉnh khác đâu. Đất này là đất địa linh. Con thấy bão tố ở đâu chứ ở Tây Ninh không thấy nó tới. Ở đây nó bình yên, thật bình yên. Cái đất kỳ cục, nó rất là an ổn, nó không có ngập lụt, gió bão cũng không có nữa, có ở đâu chứ đất này nó không có. Từ hồi mà cha sinh mẹ đẻ ở Tây Ninh này, Thầy thấy Tây Ninh này, tỉnh này là cái tỉnh bình yên nhất, không có khổ, dân bình yên sinh sống. Nó là vùng đất có vị trí của nó không phải cao, mà sao lũ lụt không tới đây được. Con thấy có mưa gió vừa rồi đúng không, con nhìn thấy những nơi khác, trời nước ngập, thấy ớn luôn, cuồn cuộn. Còn đường xá tỉnh Tây Ninh này mấy con có thấy hư không, cái đó là cái bình yên.

(39:43) Cho nên là ở đây, người mà có duyên phước về cái tỉnh này tu tập thì Thầy thấy rất là an ổn, cho nên đừng bỏ phí một đời người. Đâu phải người nào cũng về tỉnh Tây Ninh hết đâu. Bao nhiêu người, hàng vạn người ở chỗ khổ sở mà người ta cứ bám mà ở. Lẽ ra lũ lụt như miền Trung ấy, người ta dẹp, bỏ đi hết, vô trong miền Nam tìm chỗ nào không lũ lụt mà ở. Không, cái tình cảm nó kỳ cục, nó trói buộc, nó là ái kiết sử với cái địa phương. Bây giờ có đi hết đi nữa, cũng còn để một hai người, bởi vì khổ quá họ phải đi thôi, thì họ cho những con cháu đi thôi, chứ người già họ không dám đi, làm như thương mến cái đất đó quá. Chứ sự thật ra đó là ái kiết sử. Mình thương đất, thương yêu của mình cũng là ái kiết sử.

Tình cảm của Thầy đối với tỉnh Tây Ninh tốt chứ không phải không, nhưng mà Thầy lên Hòn Sơn thì Thầy bỏ Thầy đi thôi. Thầy ra Bà Rịa, Vũng Tàu Thầy ở như thường, chẳng nhớ nó chút nào. Các con thấy đó, tình cảm của Thầy đối với quê hương là cả đất nước này, chỗ nào cũng là quê hương của Thầy, nhưng mà chỗ nào sống khổ là Thầy đi chỗ khác. Thầy không để tình cảm chi phối.

(41:13) Bây giờ Thầy thấy ở đây yên, Thầy ở đây để Thầy dạy cho các con thôi. Tâm chúng ta còn yếu, gặp những cảnh lũ lụt hoặc là thiên tai thì đừng tới. Cho nên ở đây mấy con yên tâm mà lo tu tập.

6- PHÁT TRIỂN PHƯƠNG PHÁP TU TÂM BẤT ĐỘNG KHÔNG VỌNG TƯỞNG

i. VÍ DỤ PHÓNG DẬT THƯỜNG GẶP

(41:30) Pháp Như Lý là cái phương pháp để giúp cho mấy con tạo thành cái Ý Thức Lực. Còn những người mới vào tu, thì mấy con phải cho Thầy biết để Thầy dạy mấy con đi từ căn bản của 19 đề mục của Định Niệm Hơi Thở. Phải rèn luyện đó mấy con để cho cái tâm mình tập nhiếp tâm và an trú tâm, và nó xả tâm bằng phương pháp của Định Niệm Hơi Thở. Sau đó, qua giai đoạn đó rồi, thì mới bắt đầu tu tập các định

(42:05) Chứ còn bây giờ, mấy con dụng tâm mấy con vô thất, mấy con tu ngồi, mấy con sẽ bị ức chế đó. Tại sao? Mấy con ngồi tu, mấy con ra khép cửa, đóng cửa. Ngồi một hồi, nó sai con luôn à, đi ra hốt một mớ gạch để vô. Rồi nó sai mấy con nữa, đâu phải chỉ có vậy. Đi ra kiếm cái gì đó kê lên. Cứ nghĩ làm như vậy là tu. Không phải, nó là phóng dật, nó sanh ra nhiều chuyện mà, nó không để cho mấy con ngồi yên đâu. Cho nên trong thất của mình đến đó, cái giường để sao thì mấy con để vậy, đừng có đẩy tới, đẩy lui, chứ không khéo đẩy tới, đẩy lui. Bây giờ mấy con không tin, chứ ở ngoài cái giường để chỗ này, một lát kéo lại chỗ kia. Ở một bữa hai bữa, xách dời nó. Nó thay đổi. Còn cây quạt để đó nếu mà xách được chắc mang qua bên đây. Nếu không thấy nó ngộp. Cái tâm nó không chịu cố định, không chịu yên một chỗ, nó cứ bắt mình phải làm. Đó là ác pháp.

(43:08) Cho nên trong cái sự tu tập, mình thấy cái tâm như vậy là mình biết liền, dừng lại: “Ở đây, nhà này là Tu viện đã trang trí như thế nào, thì phải ở như thế đấy, không được xích qua xích lại”. Chứ không khéo, mấy con biết không, nó nghĩ “Bây giờ có cái này đi không có được, đem cái này sát vô đây cho có khoảng rộng để đi”. Cái nhà dường như bàn ghế, giường nó dẹp hết, nó dẹp vô một góc đó mấy con. Đó là cách thức nó nghĩ, nó nghĩ để nó làm động thân nó, chứ không có gì. Cho nên thỉnh thoảng Thầy đi ngang thấy thay đổi, cái nhà này trang trí thì cái bàn phải để chỗ nào, cái giường phải để chỗ nào. Các con cứ nghĩ đi, một cái tủ và một cái giường, mà cái tủ nó nhìn lại cái giường, cái giường nó nhìn lại cái tủ, hai cái này nó chửi lộn thì cái nhà này ở nguy. Có phải hai người cứ nhìn mặt nhau thì có ngày chửi lộn nhau không. Cái vật mà chúng ta trang trí như vậy cũng là điều kiện nói lên người trang trí không đúng. Cũng như cái ghế này mà có cái bàn nữa, thì cái bàn ít ra cũng ngó mặt lại chỗ đó, chứ không phải cái bàn ngó mặt vào chỗ này. Cái ghế này và cái bàn này nó nhìn nhau thì ít bữa nó sẽ xúi mấy con chửi lộn đó. Nó trật đó, nó làm động.

Nói chung về mỹ thuật trang trí nhà cửa, thì người ta cũng có đại khái cách thức trang trí. Thầy muốn nói cái ý muốn của mình không có theo cái nghệ thuật. Còn nghệ thuật trang trí phòng ốc như thế nào để cho mọi người đều nhìn thấy nó đẹp. Còn riêng mình thì nó đẹp, nhưng thật ra nó đẹp đối với mình. Nhưng thật sự ra người ta nhìn vô người ta biết, người ta bảo cái đầu óc mình không có mỹ thuật, không biết cách trang trí. Cho nên khi vào thất, cái giường để đâu thì mấy con cứ để nguyên đấy, chứ đừng có xê dịch, đừng có đẩy qua đẩy lại, nó không phóng dật mấy con.

(45:29) Hôm nay, thì mấy con có người nào tu sai cái gì không thì mấy con trình Thầy. Theo Thầy thấy, mấy con tu thì đừng có ghi vào, bữa nay tu được một giờ, hai giờ, ba giờ. Đừng có ghi, ghi nó cũng là phóng dật. Dĩ nhiên, mình tu tập là có khó khăn thì mình xin phép để gặp Thầy, để hỏi sự tu tập của mình, thì Thầy sẽ cho giờ mấy con để trình bày cho Thầy các thức tu như thế nào chứ đừng có ghi chép.

Trong khi mấy con nghi chép, đều là mấy con bị phóng dật. Khi mình thấy có cái gì sai thì không cần ghi chép gì hết, đến đây gặp Thầy, rồi Thầy xác định cho về tu, chứ đừng có ghi. Đừng viết thư đừng ghi gì hết, đó là điều kiện để phóng dật. Mấy con muốn làm nhà văn, nhà báo không hà, chứ không phải đi tu. Ghi chép là làm văn, làm báo, làm thơ.

(46:52) Còn có người viết thơ, Thầy đọc sao mà hồi xưa chưa tu thì không làm thơ được, mà tu rồi thì làm thơ quá. Bây giờ nó đổ ra (Thầy cười). Thật sự ra mấy con, hoàn toàn nó là một cái bệnh mà lại thích chứ, trời đất ơi. Có người làm cả tập như vầy rồi gửi cho Thầy. Trời đất ơi Thầy đâu có thời giờ đâu mà đọc, Thầy nói ba cái thơ điên này, mà tại vì thành Tố Hữu rồi thì còn nói gì. Huy Cận, Tố Hữu làm thơ thì mấy người đó là nhà thơ, còn mình là người tu rồi còn làm thơ nữa, tu gì mà kỳ lạ vậy.

Còn mấy con để tập này kia ra viết, thành nhà văn hết. Có quý thầy ở bên kia ít bữa gởi Thầy một tập, Thầy nói văn hay quá, riết Thầy hết dám đọc. Đọc gì nổi, lảm nhảm ba cái tu không ra gì hết mà cứ viết không. Cứ đọc ở trong kinh sách, cứ những gì mà Thầy dạy, nhớ được rồi viết ra, làm như là của mình vậy, mà những ý đó hoàn toàn là của người khác. Sao mình không nói bây giờ tôi nhập Tứ Thiền bằng cách này hay cách khác. Tôi nói khác ông Phật một chút coi, tịnh chỉ hơi thở bằng cách này, bằng cách khác, cái kinh nghiệm của tôi, tôi nói khác đi, đừng có nói lại, nhai lại chuyện của người khác. Như vậy mới nói là của mình chứ. Còn ở đây thì không, lặp đi lặp lại, ba cái ý cũ, xưa rích. Thầy thấy không đúng, người tu thì không nên làm điều gì hết, không viết thơ văn gì hết, không có viết cái gì hết, chỉ xả bỏ hết.

Nhớ, hôm nay mấy con phải ráng mấy con. Thầy nghĩ rằng cái số người của mấy con ít nhưng tu tập thuần. Không cần phải nhiều. Nhiều mà tu không kết quả. Ít mà tu được kết quả. Thầy không biết thời gian nào mình đi mà thời gian nào mình ở. Không phải không biết, nhưng mà chờ không biết người nào tu xong thì làm sao mà Thầy đi được. Kiểu này Thầy chờ mỏi mòn. Thực sự ra, Thầy chờ mấy con hoài, bây giờ mấy con tóc bạc rồi, giờ mà Thầy chờ con chắc là mấy con chết trước Thầy rồi. Có phải không mấy con? Chờ riết mỏi mòn, chờ cho mấy con tu chứng đặng mình đi. Các con cứ nghĩ đi, thật sự ra mấy con ở đời còn phải ăn, chứ người tu như Thầy ngồi nhai không cũng mệt, nuốt thôi cũng thấy mệt, cực lắm. Không làm gì hết, để miếng đồ ăn bộ nó chạy tuột xuống cổ được sao. Đâu phải như để cái phễu mà chế vô được đâu.

(50:00) Cho nên rất là vất vả, ăn cũng vất vả, thà là ngồi bất động, thanh thản, an lạc, vô sự suốt ngày, không mệt. Mà tiếp duyên với mấy con thì cái cơ thể nó bị hao mòn, còn ngồi nó bất động nó không hao, nó không tiêu phí, còn Thầy ngồi nói chuyện như vầy nó tiêu, cũng như vác cuốc ra kia nó tiêu, cơm gạo mau tiêu. Cho nên nông dân ăn nhiều là nhờ cuốc đất. Còn Thầy mà nói nhiều thì phải ăn nhiều. Vì vậy, Thầy không dám nói nhiều, lâu lâu nói lần. Coi như nó vẫn bị tiêu hao sức khỏe của mình. Đến bữa ăn, nó là cái hành cái niệm xả đối với người tu. Ăn là niệm xả, chứ không phải là cái ngon. Tức là tới bữa ăn, Thầy Mật Hạnh, cô Trang nấu cái gì Thầy ăn được thì ăn chứ mà xớt xớt Thầy ăn không hết.

Cơ thể của người tu thanh tịnh, nó không có đắm chìm ở trong thực phẩm. Còn mấy con thấy, cơ thể của mình chưa tới giờ ăn mà đòi ăn là cơ thể mấy con chưa thanh tịnh. Cho nên có người hỏi Thầy: “Mình tu rồi, thân tâm thanh tịnh rồi thì mình còn bất tịnh không?” Đã thanh tịnh thì làm sao còn bất tịnh. Bây giờ con còn là người phụ nữ, thì con vẫn còn cái bất tịnh chứ con. Vậy con tu rồi, nó còn không? Đã thanh tịnh rồi thì làm sao nó còn. Mấy con cứ nghĩ đi, thân tâm thanh tịnh rồi, không còn bất tịnh, nghĩa là rất sạch sẽ.

(51:58) Cái thân của mấy con còn bất tịnh, là do cái tâm của mấy con chưa ly dục, nó mới bất tịnh. Chứ nó ly dục rồi làm sao nó còn. Nó thanh tịnh hoàn toàn rồi thì nó không còn cái chỗ nào nữa. Cho nên bao lớn mấy con tu rồi, thân tâm mấy con thanh tịnh là mấy con thanh tịnh. Nó trong sạch nên đến cái ăn nó cũng không bị ô nhiễm. Mấy con chưa tới giờ ăn mà thấy đói bụng, muốn ăn rồi, thì tâm mấy con chưa thanh tịnh. Nó còn muốn tiếp nhận cái sự sống của nó, cái tứ đại của nó.

ii. KHI THÂN TÂM ĐÃ THANH TỊNH

Còn tu được rồi, nó thanh tịnh, nó tiếp nhận cái sự sống của mình, nó tiếp nhận sự bình an. Cứ thế nó ngồi, nó không ăn uống gì hết, nó không chết. Chẳng hạn như bây giờ Thầy nói với mấy con, suốt từ ngày này tới ngày khác, từ năm này đến năm khác, Thầy cứ ngồi ở trong định, Thầy không hao một chút. Tại sao nó sống được mấy con? Chân lông nó hấp thụ không khí, nó sống. “Thiền duyệt vị thực, pháp hỷ sung mãn” mà, nó tuyệt thực mà nó hấp thụ sự sống ở trong không khí; nó vi diệu như vậy. Nhưng mà chúng ta chưa nhập định được thì thôi, làm ơn đi ăn đi chứ còn nhịn ăn thì Thầy đuổi đó. Ở đây không có pháp nhịn ăn, cho nên mình ăn thôi, đừng có tập nhịn ăn. Nó phải tiếp thực, không phải nhịn ăn mà nó làm chủ cái ăn.

Tự thân của mình thanh tịnh, thì nó sẽ không tiếp nhận những cái bất tịnh ở bên ngoài. Thì nó sẽ tiếp nhận cái thanh tịnh, chừng đó nó rất là thanh tịnh. Cho nên thiền định rất là thanh tịnh, nhất là cái định Tứ Thiền, nó ngồi nó không thở, mà nó còn hơi ấm. Nó chỉ giữ cái thân sống bằng cái sức của nó, bằng cái nhiệt của nó chứ nó không có thở. Máu nó không đặc là do nó còn lưu thông. Nó không lưu thông khi nó đặc, hơi thở không thở. Thân nó lạnh, rờ cũng còn nghe ấm ấm bình thường như một người bình thường. Đó là định của Tứ Thiền.

Còn chúng ta chưa nhập được Tứ Thiền thì đừng, vì chỉ có pháp Tứ Thiền mới tịnh chỉ được hơi thở, còn tất cả các phương pháp khác thì chưa tịnh chỉ được. Cho nên chúng ta tu, làm sao chúng ta có được Định Như Lý Túc, thì chúng ta cố gắng ở trên Bất Động Tâm. Nhờ phương pháp tác ý hàng ngày, thì nó sẽ ở trên chỗ Bất Động Tâm. Ở trên Bất Động Tâm, nó kéo dài bảy ngày đêm ở trên Tứ Niệm Xứ, thì nó có đủ Tứ Thần Túc, có Định Như Ý Túc. Có bây nhiêu đó thôi.

(55:10) Cho nên Thầy nói các con nỗ lực tu và tác ý, tác ý hoài cho đến đủ bảy tháng của nó. Trong thời gian, mấy con sống ở trong thất đủ bảy tháng thì nó thể hiện ra cái thân bất động hoàn toàn. Đuổi hết, đuổi hết thì tới chừng nó hết hoàn toàn, thanh tịnh rồi, thì nó bất động. Có niệm thì đuổi, có niệm thì đuổi, chứ không ức chế nó.

Đuổi riết suốt bảy tháng liền, tới tháng cuối cùng, nó thanh tịnh thật sự thì nó có Tứ Thần Túc liền. Chứ không phải từ khi nó bất động, rồi chúng ta kéo dài cái sự bất động đó. Không phải vậy. Không phải kéo dài cái trạng thái bất động bảy ngày, mà bây giờ nó còn động mà chúng ta tác ý hoài, tác ý hoài, cho đến khi nó bất động. Mà từ cái bất động, mấy con kéo dài bảy tháng thì nó cũng bất động, nó không còn động nữa. Các con hiểu chưa?

Còn bây giờ, nó vừa bất động là nó ở trên cái trạng thái bất động, nó sống trong trạng thái Bất Động, cho nên nó có đủ Thần Túc rồi. Bây giờ, suốt cuộc đời tu tập của mấy con, từ chỗ bất động đúng của nó rồi thì mấy con không cần bảy tháng mới bất động. Từ năm này tới năm khác, bao nhiêu năm nó cũng vẫn bất động, nó bất động là nó bất động luôn. Cho nên chúng ta là người tu, kệ nó, ngồi chơi suốt ngày không làm gì hết, làm người vô sự.

Thầy nói thật sự mấy con là người muốn hết vô sự, mà hầu như tâm chưa có vô sự, còn lung tung. Có phải không? Mấy con còn chưa vô sự. Chừng nào mà thật sự vô sự rồi, thì mấy con sẽ thấy nó bất động. Cho nên mấy con cố gắng xả tâm, tác ý, cho cái giai đoạn của mấy con được trọn vẹn.

iii. CƯ SĨ TU SĨ GIẢI THOÁT NHƯ NHAU

(56:58) Người cư sĩ tu cũng như người tu sĩ cũng được giải thoát y như nhau. Không phải người cư sĩ tu không có kết quả, mà người tu sĩ có kết quả. Có điều, người cư sĩ phải tu giống như người cư sĩ, còn người tu sĩ phải giữ cho đúng hạnh của người tu sĩ. Chứ không khéo, chúng ta tu sĩ chỉ khoác chiếc áo thôi thì không được. Tâm cứ phóng ra, phóng vô, chạy tới chạy lui. Có nhiều vị tu sĩ lẽ ra phải ly gia cắt ái, xuất gia rồi thì ly gia cắt ái, không còn có gì hết, ở suốt trong một tu viện, hay chùa nào đó, nổ lực tu. Coi như mình cắt đứt hết cái sự liên hệ, thì cái người tu sĩ ấy thực sự là người tu.

Cho nên gần đây, Thầy có làm giấy để chứng nhận cho những đệ tử của Thầy. Thầy mong rằng những người đó khi nhận được giấy Thầy cấp là phải sống như Phật, như Thầy, nghĩa là phải sống đúng như người tu. Thầy cấp cho các tu sinh của mình có giấy đó không phải để đi ra trình giấy đó với chính quyền, với Nhà nước một điều gì cả, mà để chứng tỏ mấy con được Thầy chấp nhận là người đệ tử. Mà được Thầy chứng nhận cho mình là người đệ tử, thì phải thực hiện được sự giải thoát như Thầy, như vậy mới xứng đáng là đệ tử của Thầy. Cầm cái giấy vừa gọn vừa nhẹ, có hình ảnh mấy con ở trong đó, và Thầy là người chứng nhận. Thầy mong mấy con được cái giấy như vậy thì mấy con sẽ nỗ lực tu tập.

Rồi đây Thầy sẽ làm cái giấy chứng nhận cho những người cư sĩ, đệ tử của Phật. Chứ Thầy không bỏ cư sĩ đâu, mà những người nào Thầy thấy họ giữ hạnh tốt, tu tập đúng là Thầy sẽ cấp họ cho cái giấy là đệ tử cư sĩ của Thầy. Những người này khi mà có thẻ rồi, nỗ lực tu chứng đạo, coi như là đệ tử của Thầy cũng chứng đạo được như Thầy, tức là Thầy muốn cấp cho mấy con cái giấy để cho mấy con thấy rằng Thầy rất quan tâm mấy con, chứ không phải cái giấy để đem ra trình, để khoe mình là đệ tử trình của Thầy Thông Lạc, không phải vậy. Mà để mấy con tự thấy mình là một người tu sĩ được Thầy chấp nhận như vậy, mình phải làm sao cho xứng đáng.

Đó là cái mục đích, để khích lệ tinh thần của mấy con, để khi mấy con cầm cái giấy là mấy con tu phải làm sao, tu như thế nào mới xứng đáng là đệ tử của Thầy. Mấy con phải nỗ lực tu, đời không có gì hết, bữa nay sống hay chết nhưng hiện giờ chúng ta còn sống thì quyết liệt để làm chủ được bốn sự đau khổ của chúng ta.

iv. CÓ PHÁP TÁC Ý KHÔNG SỢ NIỆM KHỞI

(01:00:22) Đến đây mấy con còn hỏi gì Thầy không? Nhớ pháp Như Lý Tác Ý. Bữa nay là Thầy nhắc nhở mấy con pháp Như Lý Tác Ý, còn tất cả những tâm gì thì đừng có dùng cái pháp nào ức chế tâm hết. Nghĩa là mấy con cố gắng ức chế cái tâm của mình được ba mươi phút, một giờ cho không vọng tưởng thì Thầy không chấp nhận. Có vọng tưởng thì phải tác ý, có vọng tưởng thì tác ý, dù ngồi đây mới có một phút, nó lại có niệm rồi. Cái người đó tu tốt đó, bởi vì ý thức còn có vọng tưởng. Vậy thì làm việc với ý thức, chứ có gì đâu. Ý thức khởi ra thì dẹp! Cứ dẹp như vậy, thì từ một phút nó có, hai phút nó có, ba phút nó có, rồi năm phút nó có, mười phút nó có, thì tác ý hoài, ý thức này khởi ra thì ý thức khác đánh xuống, ý thức đánh ý thức, ý thức dẹp ý thức.

(01:01:18) Bởi vì cái ý ở trong đầu của chúng ta nó khởi được cái niệm, nhưng mà cái niệm tự động nó khởi ra là do cái tham, sân, si, mạn, nghi - dục, nên mới sinh ra cái niệm. Do đó, tác ý là cái ý của chúng ta làm chủ cái niệm đó, không cho nó làm cái tham, sân, si nữa. Cho nên chúng ta tác ý, lấy ý diệt ý và cuối cùng chúng ta còn ý toàn thiện. Hôm nay Thầy nhắc mấy con cái điều này, chứ không phải dùng ức chế cái ý đừng cho khởi niệm, cầu cho nó khởi niệm nhiều thì mình tác ý cho nhiều. Hàng ngày ngồi không mà tác ý, thấy nó yên lặng thì hướng vô. Chúng ta có công chuyện làm chứ có phải ngồi chơi không đâu.

v. ĐUỔI BỆNH, PHÁ HÔN TRẦM

Ngồi tỉnh táo, mà khi có hôn trầm thùy miên thì đi kinh hành. Nó không buồn ngủ, đừng sợ mấy con. “Sao bữa nay tôi mất ngủ?”, nằm lăn qua, trở lại, không hiểu sao. “Thôi, không có sợ. Mày không ngủ thì càng tốt”. Ngủ là si, là mê, là ham ngủ, là mê muội, ngủ không được sanh ra nó lừ đừ, mệt. “Tao cầu cho mày tỉnh thức càng tốt” - Lúc bấy giờ, nó tỉnh, nó mệt thì nó mệt, nhưng mấy con cứ ôm chặt tâm bất động, thanh thản, ăn lạc vô sự - “Cho mày thức thì càng tốt”. Có vậy cứ ôm chặt tu hoài, thức thì càng tu, tu riết một hồi tỉnh bơ, không có còn mệt.

(1:02:48) Bệnh đau mình còn đuổi được, huống gì mất ngủ, lo cái gì. Chứ đừng bảo nó ngủ lại, ngủ lại thì không được, ngủ lại là bảo mình si thêm, si thêm là không được, không ngủ lại là càng tốt, đừng có sợ mất ngủ. Thầy nói thật sự ra, suốt đêm Thầy không ngủ Thầy có chết đâu, có đêm nào Thầy thèm ngủ đâu, tại vì nó không ngủ, thì ngủ làm chi, mà Thầy đâu có muốn ngủ. Ở đời, người ta ngủ vì người ta ham, chứ Thầy không buồn ngủ, ai làm gì Thầy cũng biết. Nằm đây “ngủ”, chứ Thầy luôn luôn thấy tâm mình bất động. Còn mấy con không biết, ngủ mất tiêu. Có phải mình ngu si không? Cho nên không ngủ được là tốt. Đừng có thấy “Tao mất ngủ. Đêm nay sao nó ngủ không được. Khổ quá! Không biết bị bệnh gì? Đừng có sợ bệnh, tao cho mày chết”. Cho nên không ngủ là tốt, nó càng tỉnh càng tốt, ngủ ít tốt, ngủ nhiều càng si.

Thầy dặn mấy con, đừng có sợ, người lớn tuổi ít ngủ là tốt. Bây giờ cơ thể nó không ham ngủ nữa rồi, là tốt rồi. Vậy thì mày ráng tu, mày ít ngủ là mầy sắp chết. Mấy đứa còn trẻ, còn ham ngủ tức là nó còn dài, nó còn ham ngủ, nó mê ngủ. Vì vậy mấy người lớn tuổi ít ngủ rồi thì mấy con có điều kiện để mình tu tập tốt hơn. Nó không ngủ, thì thôi, mình thức tu.

Mấy con còn tuổi trẻ mà nó ngủ thì ngủ ít thôi nghe, “tao cho ngủ giờ đó nhe, giờ nào ngủ là ngủ, mà giờ nào không ngủ là tao đi kinh hành cho mày té mày chết. Mày giỏi thì mày ngủ đi, tao đi cho mày té”. Nó mà ngủ là nó té, là nó sợ. Nó sợ thì nó không dám ngủ. Cho nên ráng tập, đừng có sợ mất ngủ, mà sợ mình còn ham ngủ. Nó không có chết được đâu.

(1:04:47) Thầy già mà Thầy mất ngủ, nó không có chết Thầy đâu. Con hỏi mấy thầy này xem, Thầy có chết đâu. Nhưng mà không tu, nó mất ngủ là sắp sửa nó chết đó. Mấy người già ít ngủ rồi là sắp sửa chết. Thầy nói thực sự đó mấy con, nó không ngủ là nó sắp chết. Nếu không tu là nó sẽ chết, còn tu rồi thì không chết, chỉ có vậy. Thầy nói cái hiện tượng trong cái cơ thể của chúng ta. Khi nó đi đến chỗ không ngủ là nó sắp chết, bởi vì nó không ngủ, mà nó không tu, cơ thể của cái người già làm sao nó chống lại. Nó ngủ là nó phục hồi lại sức khỏe của nó, mà nó không ngủ là cái sức khỏe của nó kém, sức khỏe càng kém thì bệnh tật đổ ra, cái ổ bệnh tới rồi. Nó không ngủ là cái ổ bệnh tới, mà mấy con không giữ được cái tâm bất động, không giữ được cái pháp Như Lý Tác Ý, thì mấy con đuổi không đuổi được bệnh. Lúc đó, cơ thể của mấy con nó càng bệnh, nó càng suy yếu, mà càng suy yếu thì càng bệnh. Mấy con phải hiểu điều đó.

Cho nên thấy tuổi trẻ thì nó ham ngủ, vậy chứ nó phục hồi cơ thể của nó, nên nó không có bệnh. Còn mấy con không ngủ là bệnh nó đổ tới, là cái ổ bệnh sẽ xảy ra. Cho nên cố gắng tu, không có để cho nó bệnh nào hoạt động trong thân chúng ta. Các con cố gắng tu tập làm chủ.

vi. LẤY Ý THỨC THIỆN DIỆT Ý THỨC ÁC

Hôm nay thì mấy con nghe Thầy dạy pháp Như Lý Tác Ý. Thầy sợ mấy con bị ức chế. Nhớ đừng ức chế, tu tập gì cũng đừng ức chế ý thức. Ý thức quan trong. Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp. Trong kinh Pháp Cú đức Phật nói điều đó.

Cho nên chúng ta không được diệt ý thức, đừng có bắt chước Thiền tông, đừng bắt chước Tịnh Độ tông. Tịnh Độ tông niệm Phật nhất tâm bất loạn để diệt ý thức, để nó trở thành Tưởng thức. Thiền tông biết vọng liền buông, buông riết nó hết vọng, tức là diệt ý thức thì nó cũng sai, là nó lọt vô trong không tưởng rồi.

Còn chúng ta ly dục ly ác pháp. Tâm ham muốn, giận hờn, phiền não ly hết ra, đuổi sạch ra, bằng pháp Như Lý Tác Ý, để tạo thành cái Ý Thức Lực. Lấy cái ý mà tạo ra cái lực đó. Lấy cái ý thức của chúng ta diệt cái ý thức tham, sân, si của nó ra. Cái này nó trở thành cái lực thì cái kia nó sẽ ly hết tham, sân, si. Nghĩa là lấy ý diệt ý, lấy cái ý thức này để diệt cái ý thức sai, bởi vì trong chúng ta có cái ý thức đúng, và ý thức sai, có cái ý thức thiện, mà cũng có cái ý thức ác. Các con thấy không? Ác thì diệt, diệt cái ác của ý thức ác mà tăng trưởng, sanh trưởng cái ý thức thiện, như trong Tứ Chánh Cần, đức Phật dạy cụ thể: “Ngăn ác, diệt ác. Sinh thiện, tăng trưởng thiện”*.*

(1:07:45): Chúng ta là người tu như vậy mới là đúng pháp, mà là có phương pháp Như Lý Tác Ý. Các con thấy không? Thầy dạy mấy con rất là căn bản, rất đúng Phật pháp, không có sai Phật pháp. Chỉ có siêng luyện tập mà kết quả sẽ thấy ngay.

Bây giờ mấy con nỗ lực về thất tu tập, nhà ai nấy ở, không có qua đi lại nhà ai hết. Ví dụ như, giờ này người mà ở cái thất xa dưới này thì khi người này đi khất thực về rồi là tới cái thất kế đi ra. Không có đi một lần hoặc hai người, ba người đi khất thực. Người ở xa, người ta phải đi trước. Kế đó, người ở thất đó về rồi thì tới người ở thất kế tiếp đi. Cứ như vậy tới cái người ở gần nhất với chỗ khất thực, coi như mình là người lịch sự nhất, mình nhường cho người ở xa người ta đi. Đó là cái tốt chứ sao đâu? Vì vậy mình đừng có đi hai ba người liền một lúc. Rồi mấy con còn hỏi gì nữa không?

7- ĐIỀU KIỆN TU TẬP TỨ VÔ LƯỢNG TÂM VÀ TỨ BẤT HOẠI TỊNH

i. KHI NÀO TÁC Ý

(01:09:02) Phật tử: Khi tâm nó có niệm thì con nên tác ý tâm thanh thản, an lạc vô sự hay để nó có niệm?

Trưởng Lão: Nó có niệm thì mình tác ý, mình không có niệm thì thôi. Mình ngồi yên lặng chơi. Mình không có dùng cái phương pháp gì ức chế nó, thì nó sẽ có niệm. Không có niệm thì mình để cho nó tự nhiên, nhưng khi nó không có niệm thì mình coi cái tâm mình sẽ ở đâu. Cái biết là nó sẽ ở chỗ nào, nó bám ở chỗ nào. Nếu nó bám trên thân con là đúng, mà nó bám ở chỗ khác là không đúng. Ví dụ như nó bám ở trên đỉnh đầu con, bám ở trán con, bám ở vàng tai, nó bám ở hơi thở, biết hơi thở đi ra vô thì không đúng. Mà nó bám toàn thân nó, nó chạy từ chân lên đầu, từ đầu đến chân, đó là nó bám trên Tứ Niệm Xứ. Các con lưu ý điều cái đó con

Phật tử: Dạ bạch Thầy, khi mình có niệm thì mình kéo nó về, con dùng câu tác ý “tâm thanh thản, an lạc, vô sự” phải không Thầy, hay là dùng cái tri kiến của mình

Trưởng Lão: Nó có phần đầu khi con mới vào tu, thì con tu Định Vô Lậu. Mỗi một cái niệm ra thì con phải tư duy quán xét cái niệm. Sau cái thời gian đó thì con không có dùng nó nữa, mà chỉ dùng pháp tác ý thôi. Bây giờ nó có cái niệm lăng xăng, con tác ý “Đây chỉ chỗ bất động, không có đến đây lăng xăng”. Con chỉ cần tác ý như vậy thì nó sẽ đi mất. Nó có cái nữa thì tác ý, có nữa thì tác ý. Có như vậy thì cái tâm con sẽ bất động.

(01:10:33) Phật tử: Dạ bạch Thầy, quán Từ Bi là như thế nào?

ii. TỨ VÔ LƯỢNG TÂM

Trưởng Lão: Quán Từ Bi là những người còn đang sống tiếp duyên với mọi người, chứ không phải người vô thất. Chứ vô thất thì không quán từ bi nữa đâu bởi vì vô thất là sống độc cư, sống một mình rồi. Ở đây, mình đối cái tâm của mình, chứ không phải triển khai cái tâm từ bi. Mình sống chung đụng như bây giờ mấy con sống chung với mọi người, làm việc chung với mọi người, người này, người nọ, người kia, người ý này, người ý khác, thì do dó con quán tâm từ bi. Khi mà họ nói trái ý, nghịch lòng con thì con quán họ sống trong nhân quả, thật đáng thương. Cho nên Tứ Vô Lượng Tâm là tu trong cảnh động chứ không phải tu trong thất. Họ nói về Tứ Vô Lượng Tâm là tu tâm từ bi.

TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Còn tu Tứ Bất Hoại Tịnh, tức là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới. Trước khi mà con muốn vào tu Định Niệm Hơi Thở thì con phải tu Tứ Bất Hoại Tịnh

  • Niệm Phật: Tức là con sẽ hiểu biết Phật sống như thế nào cho thông suốt gọi là Niệm Phật. Các con tập sống thử coi làm như Phật được không? Cũng như bây giờ con đến đây mà con ngày ba bữa, mà Phật thì ăn ngày một bữa. Rồi Phật thì bỏ hết, ly gia cắt ái, vô rừng sống, còn mình coi mình bỏ được hay còn nhớ nhà hay không. Đó cách thức sống như Phật. (01:12:15)

  • Niệm Pháp: Pháp Phật dạy như thế nào? Chúng ta thấy pháp Phật dạy “ngăn ác, diệt ác - sinh thiện, tăng trưởng thiện”. Pháp của Phật thì có giới luật. Giới luật có giới Sa di. Các giới như thế nào thì mình đều phải nghiên cứu thông suốt những điều đó hết. Do đó, con thông suốt như vậy đó gọi là Niệm Pháp.

    •  

      Niệm Tăng: Bây giờ con chọn một cái vị tăng nào mà người ta tu giới luật nghiêm chỉnh. Con thấy oai nghi tế hạnh của vị đó như thế đó đó, thì con sẽ học cái hạnh của vị tăng đó.

    •  

      Kế đó, con nghiên cứu 250 giới của người nam, của các vị Tỳ kheo. Trong bộ giới hiện giờ có 250 giới đó, thì nó chỉ là giới cấm, cho nên nó chưa phải Giới Đức. Con tìm bộ Giới Đức đọc, con sẽ thấy từng cái hành động giới của nó, những cái hành động nhỏ nhặt.

Thí dụ giới tham lam trộm cắp, mấy con muốn đến lấy của người ta, thì đó là tham lam trộm cắp. Đằng này, con không lấy của người ta, con chỉ khởi một cái ý thôi là đã có tham lam ở trong đó rồi. Đó là cái hạnh mà cái ý của con đã phạm vào cái giới rồi, rất là nhiều.

Thí dụ như bây giờ về cái giới là không sát sanh, cấm sát sanh. Nó thực hiện Đức Hiếu Sinh, nhưng mà các con bước đi mà con quên chú ý dưới cái bước chân đi là con phạm giới rồi. Vì cái oai nghi tế hạnh của một vị tăng là phải tỉnh táo đến cái mức độ bước đi là không phạm giới, là phải tỉnh táo trên bước đi, chứ còn phạm giới là không được. Con phải đọc cái bộ Giới Đức của bộ 250 giới của Tỳ kheo mà Thầy đã soạn để xin phép. Nhà nước cho phép rồi mới in, chứ còn phổ biến ra chưa có giấy phép thì mình có lỗi, là phạm lỗi, cho nên chờ xin phép rồi mới in.

(01:14:25) Đạo Phật mà, nó đầy đủ oai nghi tế hạnh của Giới Đức của nó thì mình học cái đó. Những cái đó gọi là Niệm Phật, Niệm Pháp, Niệm Tăng, Niệm Giới. Cho nên tu Tứ Bất Hoại Tịnh là con còn ở đời, chứ không phải con vô trong chùa mà tu Tứ Bất Hoại Tịnh. Tu Tứ Bất Hoại Tịnh trong chùa là sai pháp.

Con còn ở ngoài đời, con sẽ tu Tứ Vô Lượng Tâm, Tứ Bất Hoại Tịnh. Con còn sống ở ngoài đời thì con tu mấy cái này. Sau khi con nhập vô chùa thì con …​? Chứ không khéo con không biết tu Tứ Bật Hoại Tịnh, Tứ Vô Lượng Tâm là tu lúc nào. Vô trong này mà con còn phải khởi tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả, thì nó không đúng đâu, bởi vì giới luật của đạo Phật ở chỗ nào, thì phải tu đúng cái pháp ở chỗ nấy. Chứ còn vô đây thì mấy con chỉ còn có sống độc cư, rồi dùng pháp Như Lý Tác Ý để xả cái nội tâm của mình, chứ không phải là hoàn cảnh. Còn những cái pháp đó là những cái pháp để tu ngoại cảnh chứ không phải là tu ở trong này.

8- CÁCH CẢM NHẬN TOÀN THÂN KHI TU TẬP ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ

(01:15:48) Phật tử: Dạ thưa Thầy, như trong Định Niệm Hơi Thở - định thứ tư là cảm giác toàn thân - con ngồi, con cảm giác từ bàn chân lên đầu. Con làm sao cảm giác từ chân?

Trưởng Lão: Mình cảm nhận, thí dụ con cảm nhận được từ cái bàn chân con, con cảm nhận

Phật tử: Con ngồi nhìn thấy hơi thở trở lên?

Trưởng Lão: Bắt đầu con cảm nhận, Thầy chỉ cho cảm nhận. Con chịu khó con ngó cái bàn chân con coi. Con thấy nó không? Con thấy là cảm nhận.

Bây giờ con cảm nhận cái cảm nhận - bây giờ con ngồi con cảm nhận, không biết cái bàn chân của mình đâu? Bây giờ con ngó xuống cái bàn chân coi. “À bàn chân mình đây, thấy rồi”. Phải tập nó mấy con. Rồi sau đó rồi con lại cảm nhận xem có mấy ngón chân ở đó không. Nó có cái tưởng của nó, nó cảm nhận ra cái hình dáng của cái bàn chân con.

Phật tử: Nhưng mà nó không có sự rung động hả Thầy?

Trưởng Lão: Nó không có sự rung động.

Phật tử: Hơi thở ở trên có sự rung động chứ ở dưới này không có sự rung động nào

Trưởng lão: Lẽ đương nhiên là không có sự rung động, mà cảm nhận cái sự rung động trên thân của con. Bây giờ con hít vô, con thở ra, con cảm nhận cái sự rung động từ trong cái bụng của con trở lên phải không? Nhưng ở dưới này, con cảm nhận tới dưới chân con không, mà nó chưa cảm nhận được thì con lật cái bàn chân, con nhìn xuống cái bàn chân con để cho mắt con thấy cái bàn chân cái đã, rồi chừng đó con tập cảm nhận nó. Tức là hình dáng của cái tưởng nó sẽ thấy. Mặc dù con biết hết nhưng con vẫn phải thấy cái bàn chân, nó qua cái tưởng. Tức là cảm nhận qua cái tưởng, để rồi mình cảm nhận qua cái sự cảm nhận đó. Phải tập từ từ.

Phật tử: Ban đầu phải thấy nó

Trưởng Lão: Phải dùng Tưởng. Con thấy Đạo Phật dạy mình dùng Tưởng quán bất tịnh, quán thực phẩm bất tịnh. Bây giờ đã có thực phẩm đâu, mình quán nó bất tịnh là nó bị thiu nó thúi. Ai mà đem đồ thiu đến để đó đâu, nhưng mình quán tưởng nó mốc meo, nó hôi thúi. Đó là quán thực phẩm bất tịnh. Nó tưởng không hà con, nhưng mà không để bị Tưởng Lực. Chúng ta dùng Tưởng để đối trị cái tâm tham dục của chúng ta, chứ không để Tưởng lôi chúng ta đi vào cái thế giới siêu hình của nó. Biết dùng Tưởng chứ không phải không biết.

Cho nên phương pháp của Phật nó dùng Tưởng chứ không để Tưởng dùng mình, Tưởng sử dụng lại mình. Mình dùng cái tưởng của mình để mình tu, tạo cái ý thức của mình nhàm chán nó. Cũng như quán thân bất tịnh để nhàm chán cái thân. Chứ bây giờ con ngồi đây con có nghe cái thân con hôi thối đâu, mà con tưởng tượng thân như cái thây ma chết, nó sình lên, nó bầm xanh ra đó. Con có thấy cái chỗ Phật dạy dùng cái tưởng quán thây ma làm cho chúng ta thấy cái thân chúng ta ghê quá, chứ hở ra chút gì là mình muốn đánh người ta để bảo vệ cái thân này. Do đó, con nhớ đó là dùng Tưởng để mà tu.

9- NHƯ LÝ TÁC Ý TRONG TU TẬP ĐỊNH THƯ GIÃN

(1:18:50) Phật tử: Thưa Thầy, trong Định Thư Giãn, con đang ngồi tự nhiên âm thanh hiện lên, con tác ý tâm bất động qua hơi thở thì toàn thân bất động, và hơi thở thì còn. Khi đó con nghe hết tất cả những gì xung quanh, nhưng mà nó không có chạy ra, con không có phóng dật ra ngoài.

Trưởng lão: Trong khi đó là con thư giãn, phải không? Thư giãn chứ không phải trong giờ con tu, con phải nhắc: “Bây giờ không phải là giờ mày tu. Bây giờ là giờ thư giãn mà mày tập trung nơi đây, lát nữa mày tu không có chất lượng à”. Con hiểu không? Đến giờ tu nó phải gom vô, phải không? Mà tới giờ thư giãn nó lại nhìn cái thân nó.

Phật tử: Con ngồi yên lặng một hồi tự nhiên nó gom vô.

Trưởng Lão: Khi nó yên lặng, bất động thì con tác ý: “Đây là thư giãn, là phải sống thanh thản, không có tập trung chỗ nào hết, để cho cái thời tu và cái thời thư giãn nó khác nhau, chứ không thể nó giống nhau”. Con mà thấy thời thư giãn giống như thời tu thì không được.

(1:19:47) Cho nên mình dùng pháp tác ý để cho mình muốn thực hiện pháp nào thì ra pháp nấy. Thư giãn là ra thư giãn, mà tu thì ra tu, hơi thở là ra hơi thở, bất động tâm thì ra bất động tâm chứ không, nó lầm lạc đó con. Nó bất động là nó ở trong hơi thở, nó làm kiểu như vậy đó. Giờ thư giãn mà nó không chịu thư giãn, nó làm cho mình mệt. Nó gạt con, không phải tốt đâu. Nó không có tốt đâu. Cái đó là sai, bởi vì khi nào tu học theo đạo Phật cái nào ra cái nấy, pháp nào ra pháp nấy, không có được lẫn lộn thì mới được. Cho nên nhờ pháp tác ý mà con lôi nó trở ra. Bây giờ con cứ để ngồi yên thì nó vô, có phải không? Hễ con tác ý thì bị động, nó không có vô. Rồi bắt đầu con im, là nó vô. Con tác ý nữa, bởi vì thư giãn mà. Con nhắc riết là nó thư giãn.

Phật tử: Như vậy mình thư giãn cũng cần tác ý?

Trưởng Lão: Mình cũng tác ý thư giãn, bởi vì nó không chịu thư giãn thì phải tác ý thư giãn chứ sao.

Phật tử: con nghĩ giờ thư giãn là không tác ý

Trưởng Lão: Mình tác ý cho nó thư giãn cho được.

Phật tử: Thưa Thầy, khi con đi kinh hành, nhiều khi con cảm nhận bước chân, nhưng tai vẫn nghe thấy tiếng gì nó kêu.

Trưởng Lão: Khi bắt đầu, con bảo con tập trung vào cái bước chân của con, con đừng để nó phân tâm biết hai ba cái ở trong cái thân động của con, như vậy thì không được. Thí dụ như nó vừa biết bước chân, mà nó vừa biết cái tay con nhúc nhích, nó vừa biết cái thân nó động, con nhắc: “Biết cái chân nó thôi, chứ không biết cái gì hết” để làm cho tâm con tập trung vô bước chân. Hễ mà con yên lặng thì nó biết toàn thân của con, thì con bảo “Biết bước chân đi”. Con cứ tác ý vậy thì nó sẽ mất cái cảm nhận toàn thân của con, tai của con; thì nó chỉ còn biết bước chân đi. Rồi con im lặng, nó sẽ trở lại cái cũ, vì cái đó là cái thói quen của con lâu rồi.

Muốn cho nó đừng có trở về cái thói quen đó, chỉ còn biết bước chân con đi thôi đó, thì con tập trung trong pháp đi kinh hành. Như vậy mới đúng pháp Chánh Niệm tỉnh giác trên thân hành của con là trên bước đi. Con tác ý riết thì nó chỉ còn biết bước đi, mà không biết cái khác. Như vậy nó mới trọn vẹn chứ, chứ không khéo nó biết tùm lum. Đi mà nó biết đánh đồng xa, nó biết thân nó đưa tới ngã lui, rồi này kia, nó biết đủ thứ ở trên thân con hết, thì tức là nó bị phân tâm chứ không phải tốt đâu. Nó không tốt đâu. Con cứ nghĩ tưởng là nó đừng có vọng tưởng, nó chỉ biết cái hành động của thân như vậy là tốt, không phải đâu.

Tại sao mà Thầy lại dạy mấy con cái pháp Thân Hành Niệm “Chân trái bước, dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới”, để làm gì? Để nó tập trung từng cái hành động mà nó không phải cảm nhận hết tất cả sự rung động trong thân nó. Để nó tập trung từng cái hành động của nó cho nó cụ thể rõ ràng, nó gom lại chỗ đó mà. Mình truyền lệnh cho cái ý thức của mình gom trên cái hành động đó, chứ không được đi chỗ khác.

Con cứ như vậy, nếu mà nó không chịu nghe thì cứ tác ý. Tác ý riết thì bắt đầu nó nghe. Bữa nay nó nghe, mà mai nó không nghe. Ngày mai nó không nghe, thì ngày mốt nó nghe. “Tao cho mày lỳ! - Con tác ý hoài - một tháng thì mày cũng phải nghe”. Nó lỳ cách gì đi nữa thì mình trị nó cũng được.

(01:23:09) Pháp Như Lý Tác Ý mà. “Bữa nào tao cũng tác ý, tao cũng nhắc. Mày sai, tao nhắc đó, không có chạy đâu được hết”.

10- MỤC ĐÍCH LÀM CHỦ BỐN SỰ KHỔ

(1:23:17) Pháp Như Lý Tác Ý là phương pháp rất tuyệt vời. Muốn làm cái gì đó, duy nhất làm cái chuyện đó thì dùng pháp Như Lý Tác Ý dẫn nó đi tới đó. Dẫn tâm vào đạo mà, dẫn tâm vào cái chỗ mình muốn, không cho nó đi ngoài cái chỗ mình muốn. Thầy thấy mấy con tu gì mà nó đi lung tung, cái tâm nó không chịu nghe mấy con, nó còn cứng đầu lắm, cho nên dẫn nó vô để làm chủ nó. Hễ làm chủ nó được rồi, bảo nó đâu nó đều nghe theo liền. Mấy con đã làm chủ được, mà làm chủ được cái tâm là làm chủ được thân. Mà làm chủ được cái cái thân thì mấy con muốn cái gì thì thân tâm mấy con làm theo hết.

TÁC Ý LÀM CHỦ THÂN TÂM

Mục đích của chúng ta là tập làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Cho nên có một cái gì sai là dẫn nó vô liền, dẫn tâm vào đạo, dẫn cái chỗ chúng ta biết vào cái chỗ chúng ta giải thoát, vào chỗ chúng ta muốn, chứ không được để cho nó tự động, muốn làm gì thì làm. Nó là cái phương pháp chúng ta dẫn nó đi, có phương pháp đàng hoàng. Có phương pháp mà không chịu dẫn, để cái tâm của mình đi lang thang, thấy khổ sở. Phật cho ta cái pháp, Thầy bây giờ triển khai dựng lại cái chánh pháp đó giúp cho mấy con làm chủ cái thân tâm mình, tức là dẫn cái tâm chúng ta vào đạo, vào cái chỗ giải thoát. Cố gắng mấy con. Cứ dẫn riết là nó phải vô phải nghe thôi, chứ không có cãi gì được hết. Mình có pháp mà.

(1:24:58) Bởi vì trong Kinh Lậu Hoặc, Thầy thường nhắc mấy con lời đức Phật nói một câu kinh rất hay: “Có Như Lý Tác Ý, lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt”. Câu Như Lý Tác Ý quá tuyệt vời, pháp Như Lý Tác Ý quá hay.

Lậu Hoặc là cái đau khổ của thân tâm chúng ta. Mấy con có Như Lý Tác Ý thì nó không sanh. Bây giờ nó không có đau nhức gì, mấy con tác ý “Không có bệnh gì hết, có bệnh đạp chết. Tâm bất động, thân tâm bất động, thanh thản, vô sự”. Cứ tác ý hoài, bây giờ nó không chịu đau nữa. Tôi muốn nó đau thử mà bây giờ nó không đau là do mình tác ý nó mà.

Còn bây giờ nó có đau ấy, thì mình tác ý nó sẽ hết. Ông Phật nói mà: “Có tác ý thì lậu hoặc đã sanh thì bị diệt”. Nó đau thì bị diệt, pháp nó như vậy. Thầy đã trao cho con cái pháp vô giá, mà mấy con có biết nó là cái vật vô giá thì mấy con mới biết sử dụng nó, mới quý nó. Mấy con không biết, mấy con coi thường nó. Nó là hạt xoàn hay là cái viên kim cương đi nữa, mà mấy con thấy nó là cái hạt trai thì thôi, thôi. Mấy con chỉ có ném nó ra đằng kia thôi. Cái người biết nó là họ quý nó, họ lượm, họ đem về, họ để cái chỗ rất trân trọng. Còn mấy con không biết thì mấy con coi thường. Chứ sự thật ra đức Phật đã cho một pháp vô giá. Không có một vật gì mà trên thế gian này bằng pháp Như Lý Tác Ý hết.

Nó cứu mình, giúp mình thoát ra từng tâm niệm, cứu mình thoát ra sự đau khổ trong thân tâm. Còn Thầy thì chỉ tạo điều kiện cho mấy con được cái chỗ ở yên ổn cho mấy con tu tập, chứ Thầy cũng không tu tập giùm mấy con được. Cho nên Thầy mới cất mấy cái thất cho mấy con được yên ổn mà tu, Thầy không tu giùm mấy con được, mà mấy con tự thắp đuốc lên mà đi.

(01:27:05) Nhưng có cái điều kiện mà mấy con được gần Thầy, gần từ trường của Thầy, các con nhiếp tâm ít nhưng mà nó được nhiều, tự nó cũng yên. Mấy con ở gần Thầy thấy nó sao mà ít có niệm. Còn ở xa Thầy, mấy từ trường ở ngoài kia làm mấy con động dữ lắm. Chứ mấy con gần Thầy, mấy con thấy tự nhiên nó an, nó lôi theo. Từ trường ở trong không gian của chúng ta chứa đầy tất cả những từ trường thiện và ác. Cho nên ráng tu mấy con. Thầy khích lệ mấy con. Có pháp rồi, giờ chỉ còn ráng tu. Thôi bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không?

(01:27:56) Phật tử: (thưa hỏi)

i. TU TẬP ĐÚNG PHÁP ĐÚNG HOÀN CẢNH

Trưởng Lão: Con tu Định Niệm Hơi Thở thì nó đầy đủ cái đề mục đó. Có cái gì đó thì con ở trên cái Định Niệm Hơi Thở ấy mà tu. Thí dụ như mấy con bị hôn trầm thì con ở trên để mục của Định Niệm Hơi Thở, con ngồi đó con tác ý cũng hết: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra”. Bởi vì trong Định Niệm Hơi Thở, đức Phật đã trang bị cho chúng ta đủ các pháp. Cái tâm của mấy con còn lăng xăng còn này kia thì “Quán ly tham, quán ly sân, quán ly si …​”. Tất cả những cái này đều ở trong cái đề mục các con tu tập. Khi mà tu tập Định Niệm Hơi Thở ý thì ít nhất một cái đề mục, chúng ta tu một tuần lễ, rồi mấy con mới chuyển qua một cái đề mục khác. Sau khi chuyển tới cái đề mục 19 xong rồi, thì mình trở lại xem qua cái tâm của mình nó xả như thế nào. Ngồi đây mà thấy nó yên lặng, tỉnh thức tức là nó có xả. Mình được mấy phút, ví dụ như mình được năm phút, mười phút, hai mươi phút, nửa giờ thì đó là nó đã xả.

Vậy thì bắt đầu mình tu đợt thứ hai. Mình trở lại cái đề mục thứ nhất, một tuần lễ tu một cái đề mục, rồi đến đề mục thứ hai cho đến cuối cùng, hết Mười chín cái Đề mục thì bắt đó mình mới ngồi lại con nó xả tâm như thế nào, xem tâm mình thanh tịnh được cái mức độ nào. Rồi bắt đầu tôi nó được ba mươi phút yên lặng rồi, tự nó yên lặng chứ không phải ức chế nó đâu.

Rồi tôi tu lần thứ ba, cũng bắt đầu từ đề mục thứ nhất trở lại cho đến hết Mười chín Đề mục, bởi vì mình có Mười chín cái Đề mục Định Niệm Hơi Thở thì cứ tu cho tới khi mà ngồi lại thấy nó không còn niệm nữa thì coi như là xong. Con hiểu không? Chứ bây giờ con tu pháp này, rồi tu pháp kia nó lộn xộn, cứ như vậy nó làm cho khó.

ii. KIÊN TRÌ TU TẬP MƯỜI CHÍN ĐỀ MỤC

(01:29:50) Ông Phật ổng nói tôi dạy Mười chín cái Đề mục như vậy nó đủ rồi; sao giờ thêm cái pháp Thân Hành Niệm, thêm cái pháp Tứ Niệm Xứ, tùm lum như vậy. Trời đất ơi nó lộn lung tung rồi. Con hiểu không? Vì vậy, con hãy chấp nhận Mười chín cái Đề mục cái Định Niệm Hơi Thở.

Tu đợt thứ nhất rồi thì tu đợt thứ hai, thứ ba, thứ tư, cho đến mười lần trong Mười chín cái đề mục Định Niệm Hơi Thở. Như vậy là con phải giam mình ở đây khoảng hai năm trời mấy tu tập xong Mười chín cái đề của Định Niệm Hơi Thở. Hai năm trời mà chứng đạo cũng đâu có lâu. Nhưng mà đừng lấy cây viết mà viết cái này cái kia, con bị phóng dật rồi đó. Cứ ôm pháp mà tu, đợt này rồi tới đợt khác. …​ bởi vì nó đã viết thành sách.

Con cứ đọc ở trong đó rồi tu tập lần lượt, nó có những cái điều kiện gì là do mình tu tập sai ở trên Thân Hành Niệm, còn không sai thì không bao giờ nó có những cái niệm như nó nhức chỗ này, nó nặng đầu, nó đau chỗ kia, hoặc mình thầy những hiện tượng sắc này, sắc kia. Đó là tại vì ức chế, nên nó sai, không đúng ở trên cái phương pháp Định Niệm Hơi Thở.

Định Niệm Hơi Thở dạy mình rất rõ ràng: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô thở ra. Rồi tác ý nữa, rồi hít vô thở ra. Đó là nhiếp tâm. Còn an trú là mình an trú năm hơi thở.

Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” thì đó là nhiếp tâm.

Còn “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi hít vô, thở ra được một hơi thở cho đến năm hơi thở, tức là an tịnh được cái tâm của mình trên hơi thở, không tác ý nữa. Các con hiểu không?

Bây giờ tới đề mục “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra”, thì lúc bấy giờ con hít vô thở ra năm hơi thở để cho nó tự nó ly tham. Bây giờ tới trưa nó cũng không muốn ăn nữa thì nó ly cái tham ăn của con. Mừng quá, nó đỡ tốn bữa ăn. (Thầy cười) Rõ ràng là tại con tu.

Rồi bây giờ “Quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm tham..”, chứ không phải ly tham mà còn đoạn diệt. Rồi còn phải từ bỏ: “Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra”. Biết bao nhiêu cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở, mà con tu theo đó thì nó căn bản vô cùng.

(1:32:36) Nó đâu có cái gì đâu mà khó đâu. Tự nó ly tham, sân, si, mạn, nghi, ngũ triền cái, nó ly sạch. Nó không còn lo gia đình, nó không còn nghĩ cái gì về gia đình, nó không còn ái kiết sử gì trong đó nữa, ái kiết sử nó đều bứt sạch. Mà mấy con còn nghĩ nhớ gia đình, lo làm cái gì đó là mình chưa bứt sạch. Chưa tới được sự giải thoát.

Cho nên mấy con đừng ghi chép gì hết. Con thấy cái duyên mình tu về Định Niệm Hơi Thở, ôm (tu). Định Niệm Hơi Thở thì Thầy đã nói với mấy con, tu đợt thứ nhất thấy nó giảm được cái tâm của mình, nó giảm được một số niệm thì đợt thứ hai, đợt thứ ba, đợt thứ tư, cho đến đợt thứ mười, mười lần tu Định Niệm Hơi Thở, mà mỗi lần phải đi suốt cả 19 cái đề mục của nó. Mấy con tu mà ngồi trong thất tu mà còn tu không hết chứ ở đó, nhiều quá đi. Có đâu mà mấy con tu pháp này đến pháp kia nữa.

Hễ nó buồn ngủ - mình đi Thân Hành Niệm, tác ý "với tâm định tỉnh, tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh, tôi biết tôi thở ra", rối hít vô chậm.. chậm.. chậm.. chậm, thở ra chậm.. chậm.. chậm.. chậm.. coi ông nội nó ngủ được không. Mấy con cứ tập đi, nó buồn ngủ, mấy con thở thiệt chậm coi nó có ngủ được không. Ngủ sao được! Đức Phật đã dạy: “hít vô dài, tôi biết hít vô dài, thở ra dài tôi biết tôi thở ra dài”.

Mà nó vẫn còn buồn ngủ nữa thì mấy con hít vô thở ra, hít vô thở ra làm như cái ống thổi lửa, hít lia lịa coi nó có ngủ được không. Ngủ sao được. Đức Phật đã trang bị cho chúng ta phương pháp Định Niệm Hơi Thở rất sát sao. Mấy con thấy không, nó có đủ pháp rồi, chỉ mấy con không biết tu thôi.

(01:34:28) Phật tử: (thưa hỏi)

iii. CÁCH THỨC TU CÁC ĐỀ MỤC

Trưởng Lão: Cứ một tuần lễ thì con tu một cái đề mục. Giờ này con tu cái đề mục “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra” trong ba mươi phút, xả nghỉ ba mươi phút, rồi lại tu ba mươi phút, xả nghỉ ba mươi phút cho tới chừng nào đi ngủ thì thôi. Một tuần lễ tu một đề mục đó.

Tuần sau tu qua một đề mục khác: “Hít vô dài tôi biết tôi hít vô dài thì, bắt đầu con hít vô dài”, rồi bắt đầu hít thở chậm..chậm..chậm ra; suốt tuần lễ luyện tập cái hơi thở dài. Có bây nhiêu đó thôi, chứ con không tác ý gì khác, tác ý cái đề mục đó thôi, chứ không tác ý gì cái tâm bất động gì hết. Ở đây, không tu tâm bất động nữa, mà tu các đề mục của Định Niệm Hơi Thở, bởi vì đề mục hơi thở nó tác ý ở trên đề mục của nó rồi, câu tác ý ở trên nó rồi.

Vì vậy khi con tu Mười chín Đề mục này nhiều đợt như vậy, mười đợt mà mỗi đợt tu 19 đề mục, mỗi đề mục tu trong một tuần lễ. Mười chín cái đề mục là 19 tuần lễ, mà con tu như vậy là mười đợt như vậy nhân lên là bao nhiêu tuần lễ. Như vậy khi đó thì cái Ý Thức Lực của con nó trở thành Tứ Thần Túc. Các con tác ý ở trên cái đề mục Định Niệm Hơi Thở, chứ con đâu phải tác ý tâm bất động.

Con ôm có một pháp tu mà, pháp Định Niệm Hơi Thở. Còn quý thầy người ta trực tiếp ngay về Tâm Bất Động mà tác ý, người ta giữ cái tâm bất động. Cách tu nó khác, người ta không dùng đến hơi thở. Vậy mà Thầy lo là khi người ta tác ý tâm bất động, cái tâm sẽ nhiếp trong hơi thở, nó nhiếp chỗ nào đúng, chỗ nào sai để mà Thầy chỉ cho họ, để cái tâm ở chỗ nó đúng thì nó không bị ức chế, nó ở chỗ sai thì bị ức chế. Ở chỗ sai thì nó gây ra cảm thọ, nó nặng đầu, hoặc nó nhức đầu tạo điều kiện có cảm thọ khác, cơ thể họ bất an, còn con có đề mục Định Niệm Hơi Thở rồi có gì đâu mà bất an. Nó có pháp của nó rồi.

Phật tử: (thưa hỏi)

Trưởng Lão: Tại vì con tập trung nó sai. “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”, thì hít vô thở ra, biết nó thở vô ra ở chỗ mũi đó. Ai biểu tập trung chỗ sóng mũi làm chi, ai bắt tập trung chỗ đó làm chi. Con hiểu không? Đừng có tập trung vậy, mà chỉ biết chỗ đó thôi. Hít vô, thở ra chỗ mũi của mình, chỗ nhân trung. Nó có vậy thôi.

Con thở chầm chậm con sẽ thấy từ chỗ mũi nó thở ra, hít vô. Đó là hơi thở dài. Nó chỉ có vậy thôi. Đừng có tập trung ở chỗ nào ở trên thân con hết mà chỉ biết hơi thở ra vô thôi. Cho nên nó không có gây cho con một cái trướng ngại nào hết.

(1:37:25) Ở đây không có tập trung ở chỗ nào hết, mà chỉ biết hơi thở ra vô. Chứ không phải tập trung chỗ mũi, không phải tập trung ở chỗ đầu mũi, không phải tập trung chóp mũi, không có tập trung ở trán, giữa trán, không có tập trung trên đỉnh đầu. Mà cũng không có tập trung ở cơ bụng của mình khi nó hít vô thở ra, thấy nó phình xẹp. Tu kiểu đó chỉ còn nước đi ra nghĩa địa tu với ma thôi, thấy phình xẹp. Ở đây chỉ biết hơi thở ra vô thôi chứ không có thấy cơ bụng thì như vậy mới đúng mấy con.

iv. CÔNG PHU TU TẬP NHIỀU, Ý THỨC LỰC MẠNH

Cho nên con chọn lấy cái 19 đề mục hơi thở, con tu cái đó thôi, khỏi cần cái gì, không lạc đi đâu hết, bởi vì 19 đề mục nó rõ ràng. Trên một tập sách dạy Mười Chín Đề Mục Về Hơi Thở, rồi tôi tu đề mục thứ nhất trong một tuần lễ, rồi tuần thứ hai tôi tu đề mục thứ hai, thứ ba, thứ tư tôi tu đề mục thứ ba, thứ tư. Sau khi tu 19 đề mục, kết quả rất lớn, mà mấy con tu mười lần như vậy thì con biết như thế nào, lúc nào cũng tác ý những cái đề mục đó thì cái Ý Thức Lực nó ghê gớm lắm.

Người ta ngồi đây có niệm thì người ta tác ý, nhiều khi nó không niệm người ta lấy ra một hồi người ta tác ý . Còn con thì tác ý hoài, không tác ý làm sao được, vì tu Định Niệm Hơi Thở mà không tác ý làm sao được, có phải không. Bây giờ, con "quán ly tham, tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra", rồi hít vô thở ra, hít vô năm hơi thở. Rồi con "quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra". Tu tập một cái đề mục đó ba mươi phút, xả nghỉ ba mươi phút, rồi vô lại tu ba mươi phút.

Tu ngày này qua ngày khác, một tuần lễ, mà mỗi cái đề mục đó được tuần lễ, hoặc hai ba tuần lễ. Rồi tu tới cái đề mục khác. "Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra". Một tuần lễ con cũng tu y như cái đề mục đầu. Sau khi tuần lễ hết thì bắt đầu:"Quán đoạn diệt tâm tham, tôi biết tôi hít vô, quán đoạn diệt tâm tham tôi biết tôi thở ra". Quán cái tâm tham, từ ly, tới từ bỏ, rồi đoạn diệt ba lần. Bây giờ tới tâm sân nữa, nó đâu có ít, ba lần của tâm sân, rồi si nữa, ba lần của tâm si nữa. Thì mới chuyển qua cái đề mục khác chứ đâu phải là một.

(01:39:55) Bởi vì nói ôm chặt pháp Định Niệm Hơi Thở tu là tu gớm lắm, tu không có thì giờ đâu. Tu ba mươi phút rồi xả nghỉ. Mà xả nghỉ rồi, nó quen hơi thở, nó biết hơi thở rồi con tác ý: “Nghỉ, giờ này nghỉ. Một lát cho tu.” thì mới được. Nghỉ được chút thì nó lại nhớ hơi thở vì nó quen. Vì vậy, mình tác ý xả cho đến khi mình xả nghỉ mà nó không còn bám. Chứ không khéo, nó quen, nó cứ bám.

v. CÁCH THỨC HÍT THỞ KHI TÁC Ý

(01:40:25) Phật tử: Con có dùng tưởng được không?

Trưởng Lão: Không, không có dùng tưởng! Con chỉ tác ý một câu để dùng Ý Thức Lực của con, chứ không dùng tưởng trong đó được. Ví dụ như con tác ý một cái câu dài: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra" rồi mới bắt đầu mới hít vô thở ra. Còn hồi mà con tác ý câu dài đó, nó hít vô thở ra thì không tính.

Sau khi tác ý rồi thì mới bắt đầu hít vô thở ra, hít vô thở ra năm hơi thở. Rồi tác ý lại cái câu đó nữa: "Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra". Rồi con lại hít vô thở ra năm hơi thở rồi mới tác ý nữa.

Cứ như vậy, tu hoài. Rồi đến cái đề mục khác: “Quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm tham tôi biết tôi thở ra”. Cũng vậy, cứ tác ý rồi mới hít vô thở ra.

Chứ không phải “Quán từ bỏ tâm tham tôi hít vô”, rồi bắt đầu mới hít vô; "Quán từ bỏ tâm tham tôi thở ra" rồi mới thở ra, thì không phải, nó bị tách thành hai hơi thở.

Cái hơi thở hít vô, thở ra của chúng ta chỉ là một một tức - tức là một hơi thở. Một hơi thở nó có hai cái nhịp của nó, nhịp hít vô và nhịp thở ra, gọi là một tức là một hơi thở

Cho nên mình tác ý một câu là một hơi thở, là một tức, chứ không phải nửa tức, các con hiểu không? Cho nên: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết thở ra”. Hai câu đó là một tức. Sau đó rồi con mới hít vô thở ra. Chứ không lẽ con cứ hít vô, rồi con nín thở, rồi lại tác ý nữa, rồi mới thở ra thì chuyện này nó tác động hơi thở. Không được.

vi. KHÔNG TU LỘN XỘN NHIỀU PHÁP

Phật tử: Con có đi kinh hành..

Trưởng Lão: Con dẹp hết, con tu Định Niệm Hơi Thở thôi, không có đi kinh hành, không đi pháp Thân Hành Niệm. Về buồn ngủ, con tác ý: "Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra", rồi hít vô chậm..chậm.. chậm.. chậm.., thở ra chậm..chậm.. chậm.. chậm…​ Ông nội nó cũng không buồn ngủ, con khỏi đi kinh hành. Tu Định Niệm Hơi Thở là con khoẻ khỏi đi, khỏi có đi đâu hết, ngồi đây hít vô thở ra là nó tỉnh.

Tại cái pháp đó nó đã sẵn sàng, nó có cái đề mục để giúp cho con rất tỉnh táo, không có gì phải sợ mà phải đi kinh hành. Cho nên không có tu lộn xộn các pháp khác. Con đi kinh hành để con tập trung là con bị tạp niệm trong pháp khác. Nó không đúng pháp Định Niệm Hơi Thở. Định Niệm Hơi Thở nó không có cho pháp nào vô nữa hết. Nó không có tu chung.

Phật tử: Con thưa Thầy là đi kinh hành nó là cái lệ..

Trưởng Lão: Bây giờ con tu Định Niệm Hơi Thở thì con không đi kinh hành. Có vậy thôi. Đừng có tu lộn xộn.

Phật tử: Con thưa Thầy con tu một thời khoá là hai tiếng, hai tiếng một ngày

Trưởng Lão: Còn lại ngồi nghỉ. Bây giờ ngồi nghỉ mà nó không chịu nghỉ, nó buồn ngủ thì “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra” thì nó tỉnh liền, chứ đâu cần đi kinh hành, bởi vì mình áp dụng vô hơi thở rồi.

Ví dụ bây giờ con ngồi nghỉ, thay vì ngồi nghỉ cái giờ đó thì phải tỉnh táo để tiếp tục ba mươi phút khác tu chứ gì, nhưng bây giờ nó buồn ngủ. Con đâu cần phải đi - tao cho mày cái đề mục Định Niệm Hơi Thở để mày muốn đi thì mày đi. Mà giờ con tác ý rồi, thì đâu phải cái giờ tu. Nó định tỉnh rồi, con xả ra, con ngồi chơi. Có phải không?

Phải dùng Định Niệm Hơi Thở mà phá buồn ngủ, chứ không phải tu Định Niệm Hơi Thở. Con hiểu không? Mình phải biết pháp mà áp dụng. Nó không sai. Bởi vậy, Thầy dạy là mấy con phải nghe cho nó kỹ.

Khi vô đây, thứ nhất là mấy con phải nhận cho ra được pháp Như Lý Tác Ý, chứ không phải ngồi trong thất để nhiếp tâm cho nó hết vọng tưởng. Điều đó coi chừng nó không hợp lý, nó sai. Ở đây không phải tu pháp đấy.

11- TÁC Ý KHI THƯ GIÃN VÀ KHI TU TẬP

Phật tử: (thưa hỏi)

(1:44:43)Trưởng Lão: Bây giờ về sự tu tập thì mấy con lưa ý hai phần: phần ôm pháp tu và phần thư giãn.

Thư giãn cũng phải tập thư giãn chứ không phải là thư giãn mà không tập. Không phải đơn giản. Thư giãn rất khó là bởi vì nó không có pháp. Nhưng mà trở về với tâm bình thường mà thư giãn thì mình phải tác ý dẫn cho nó vào cái thư giãn của mình. Nó thư giãn không được, nó im lặng thì mình bắt đầu tác ý: “Thư giãn ngay liền, không được biết hơi thở”. Mấy con cứ tác ý như vậy, sau này nó thư giãn rồi, nó ngồi nó nghỉ. Cho nên tập thư giãn nó rất quan trọng.

Chứ không khéo mấy con cứ ngồi yên là nó ôm vô hơi thở, tự nó ôm vô hơi thở nó tu. Mà giờ tu nó không tu, nó sinh chuyện; mà giờ không tu, giờ thư giãn, nó lại ôm tu. Coi cái tâm của mình nó cứng đầu như thế nào không! Cho nên cái mà tập để thư giãn cũng phải tập. Pháp Như Lý Tác Ý dẫn tâm vào đạo, dẫn vào chỗ thư giãn, chứ đừng để nó không thư giãn được. Mà không thư giãn được thì mấy con tu tập sẽ bị sai các pháp hết. Cho nên phải tập thư giãn. Vào giờ tu cái pháp nào thì nó phải ở pháp đó.

Pháp Bất Động Tâm thì phải luôn luôn tác ý Bất Động Tâm Định. Bây giờ thì nó chưa bất động được đâu, các con nhận ra tâm bất động, nhưng mấy con chưa sống được tâm bất động. Cho nên pháp Như Lý Tác Ý sẽ dẫn mấy con vào chỗ bất động, chứ bây giờ mấy con ngồi đây bất động không được. Vì vậy, pháp Như Lý Tác Ý cứ tác ý tâm bất động thôi, chứ sự thực mấy con chưa thực sự sống đâu.

i. LUYỆN Ý THỨC LỰC

Cho nên mấy con cứ nhớ tác ý, để cái pháp của con tác ý trở thành cái pháp Ý Thức Lực, trở thành Tứ Thần Túc, bốn lực như Thần, để rồi mấy con sẽ dùng nó để nhập các định. Mấy con tác ý để mấy con giữ cho hoàn toàn nó sẽ bất động. Có vậy thôi.

Hôm nay, mấy con tác ý không phải để cái tâm mấy con vào chỗ bất động, mà mấy con tác ý để cái tâm của mấy con, ý thức của mấy con trở thành cái lực của ý thức. Luyện ý thức chứ không phải luyện tâm bất động, mà dùng cái bất động để nhắc cái ý thức của chúng ta rèn luyện cái nghĩ, cái lực của ý thức. Cho nên tác ý càng nhiều thì lực của ý thức nó càng mạnh, càng có cái giá trị rất cao. Nếu mà không tác ý hoặc mấy con tác ý ít quá thì mấy con không có đủ lực.

Như vậy pháp tác ý rất cần thiết cho mấy con trong các giai đoạn tu tập. Khi mà nó có đủ lực rồi, thì muốn cái gì thì thân tâm mấy con sẽ làm theo cái lực của nó. Nó sai, nó khiến, bảo bắt thân tâm con phải làm y như vậy, đó là cái lực của ý thức.

(1:47:38) Cho nên hôm nay tu tập là tu cái lực của ý thức, chứ không phải tu cái tâm bất động. Có vậy thôi. Cho nên mấy con tu tâm bất động thì mấy con sẽ bị rớt trong cái ức chế, bởi vì hiện giờ mấy con chưa có đủ cái lực của ý thức.

Nếu mà có đủ thì mấy con thấy trọng lượng của cái thân mấy con như thế này, khi mấy con bảo nó “nâng lên, nâng cái thân lên một thước” thì nó sẽ nâng cái thân lên. Tức là cái lực của ý thức mạnh như vậy. Trọng lượng của Thầy mấy con thấy ít nhất 39-40 ký. Với cái lực như vậy ấy, sức hút của trái đất sẽ hút chúng ta xuống. Vậy mà cái lực của ý thức nó nâng lên, cái sức hút của trái đất không cản được nó. Đủ biết cái lực nó mạnh lắm. Cho nên bây giờ mấy con đang rèn luyện cái lực của ý thức chứ không phải rèn luyện cái tâm bất động. Mấy con nhớ điều đó, cứ tác ý thôi. Có niệm nhiều thì tác ý nhiều, mà có ít tác ý ít, còn không niệm thì ngồi yên lặng xem nó như thế nào. Ngồi yên lặng mà trong cái sự bất động của nó, ngồi yên lặng mà nó cứ ôm chặt cái pháp nào của hơi thở thì mình xả. Ngồi yên lặng thư giãn thì tốt.

Phật tử: Mình ngồi yên lặng, mình có phải tác ý không?

(01:49:16) Trưởng lão: Khỏi tác ý. Yên lặng không tác ý gì hết, nhưng mà nhìn xem coi nó bám ở đâu. Nó bám ở trên Tứ Niệm Xứ thì được, mà nếu nó bám bất cứ một chỗ gì trên thân thì không được. Thí dụ như nó bám vào trán con thì không được, nó bám ở chỗ bụng phình xẹp lên cũng không được, nó bám vào ở cái bất động trong đầu của con cũng không được.

Nghĩa là đầu tiên chúng ta quán xét để chúng ta biết cái tâm bất động thôi, chứ không phải chúng ta dùng nó để bất động. Thì bắt đầu chúng ta nhắc “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”, thì chúng ta mới ngồi yên lặng, chúng ta nhìn trong đầu thấy nó không có niệm gì, chúng ta biết là cái đầu nó đang bất động. Nhưng mà biết như vậy, chứ mình nhìn trong đầu biết hết, tu thì không được tu nhiều, nhưng mình biết mình có bất động tâm rồi đó. Bất động này không phải là tu, nhưng mà nhờ cái bất động này mà để mình rèn luyện cái ý thức lực, rèn luyện pháp Như Lý Tác Ý.

(01:50:17) Cho nên nó rất rõ ràng, chứ không khéo là mấy con thấy là mấy con nhìn trong cái đầu của mình, cố gắng tác ý để cho nó được bất động. Không phải! Tác ý để luyện ý thức lực, chứ không phải tác ý để tâm bất động. Nhưng khi mà cái lực của ý thức có rồi thì bảo bất động, nó sẽ bất động.

Mấy con thấy không, mình tu cái khác mà làm chủ được cái khác, chứ không phải là tu cái này nó có lực rồi thì làm chủ cái kia. Cái thân này có đủ cái lực của ý thức rồi, cái thân này sẽ làm chủ, đau bệnh nó đuổi chận, quét ra. Cái thân này như thế nào, nó sai làm sao nó cũng làm được vậy. Đó là mình rèn luyện cái Tứ Thần Túc, cái lực của ý thức.

Khi tu tập là mình tu tập cái lực của ý thức để mà làm chủ thân tâm chứ không phải tu cái pháp Bất Động Tâm. Nhưng mà mình dùng cái câu bất động đó để mình rèn luyện pháp Như Lý Tác Ý. Có vậy thôi, thì mấy con sẽ thành tựu. Còn nó yên lặng thì mấy con đừng tác ý nó. Nó yên lặng, nó thanh thản, nó an lạc, nó thư giãn, nó thoải mái, nó nhìn trời, nhìn gió, nhìn trăng, thì kệ nó.

ii. CHỈ TÁC Ý KHI TÂM BẮT ĐẦU BÁM DÍNH

Nó bám dính cái gì đó thì lôi nó ra liền, không có để cho nó như: Ồ! cái cây này bây giờ bị sâu rồi, đi ra để mà cứu nó. Cây này bị gió nghiêng rồi, đi ra cột dựng nó lên. Mấy con làm vậy là bị phóng dật hết. Như bây giờ đây, Thầy thấy mấy con chống cái cây lên là phóng dật rồi đó. Ai cắm, mình cứ để đó, có cái người họ có trách nhiệm sẽ làm. Còn tâm mình bắt đầu: cái cây này nó bị ngã, mình đi tìm cái cây chống nó lên. Đó là điều tốt, nhưng mà trật phương pháp tu. Mình đi tu chứ không có phải đi chống cái cây sao. Chống cây thì có người ở đây chống chứ, lo gì. Mình phải răn dạy tâm của mình cho nên nó thản nhiên, nó không đi ra nó chống cây. Ở đây, Thầy không biết ai chống, chú Mật Hạnh, cô Trang chống, hay mấy con chống? Mấy con chống là mấy con sai đó.

(1:52:35) Cho nên ở đây cái việc mấy con làm là cái tâm chứ không phải mấy việc làm ở bên ngoài. Đẹp xấu, thì kệ nó. Như mấy cái băng ghế này có người nhấc để lên trên đường, hay thấy cái bụi cỏ thì nhặt. Phóng dật hết rồi! Để người nào có trách nhiệm của người nấy họ làm. Mình cũng có trách nhiệm của mình cho nên không có chướng tai gai mắt cái gì hết. Chướng tai gai mắt thì không được. Tu mà còn chướng tai gai mắt: “Trời đất ơi cái băng này mà ai xách để bên đường, ai mà khùng điên thế này?”. Tu như vậy không được.

Tu thì phải vậy đó mấy con, không có để một cái gì dính mắc hết. Nhớ kỹ chưa? Học pháp Như Lý Tác Ý thì…​.. để khi mà nó nhớm, nó thấy chướng mắt nó, thì “nhìn thôi, không có chướng mắt. Quay vô, tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sụ”, là bắt đầu nó quay vô, nó yên là mấy con được giải thoát.

iii. CÒN NIỆM CÒN TU

Phật tử: Kính bạch Thầy mấy bữa nay sao niệm con còn ra hoài

Trưởng lão: Bởi vì nó còn trong bụng con nhiều quá, bởi vì nó chưa đi hết, nên nó mới còn ra. Thì mày còn ra tao mừng chứ sao, đặng có dục để tao tác ý chứ. Chứ không thì “À, một tuần, hai tuần nay sao nó vắng, nó không có cái niệm nào, mà sao bữa nay nó cào tao dữ vậy nè? Ồ vậy thì tốt. Vậy thì cào hết đi, có gì đâu”. Mình bảo nó cào hết đi, thì cho nó cào.. Nó cào bao nhiêu thì con tác ý bấy nhiêu. Vậy con còn tu, chứ cỡ nó ra hết rồi con lấy cái gì để con tu nữa. Có phải không? Mình còn tu là còn niệm, mà hết niệm là hết tu. Nó rõ ràng thôi. Vì vậy, còn niệm là còn tu, cứ nỗ lực tu chứ có gì đâu mà sợ. Có khi nó không còn niệm nào hết, vậy chắc bữa nay nó đi Sài Gòn hóng gió rồi. Nó đi, nó đi chơi đâu đó, vì vậy khi nó trở về, nó bắt đầu ló mặt ra. Được rồi, ló ra thì tao đuổi. Đuổi riết thì hết.

(1:54:55) Mấy con tu lúc yên, lúc không là bởi vì tâm của mình nó chưa xả ly hết, cho nên mình tiếp tục tu. Thầy nói hết niệm thì hết tu. Hết niệm rồi, còn gì nữa mà tu. Thành ra đi tìm niệm mà tu thì không có, còn lúc bấy giờ có niệm tu mà lại sợ, lo. Lo cái gì, cầu cho có niệm để mình tu nhiều, chứ có làm sao. Bây giờ, mấy con đang có niệm. Thầy đi tìm niệm để tu mà Thầy đâu còn có niệm nữa mà tu, cho nên Thầy tìm gì cũng không được. Tiếc, phải chi hồi đó mình để dành chút ít thì bây giờ còn để mà, xả hết rồi lấy gì tu (Thầy cười). Vì vậy bây giờ mấy con cứ mừng, bởi vì mình còn niệm mình còn tu. Ráng mà ở pháp tu, bởi vì nó còn niệm. Có vậy thôi.

Tu như Thầy rồi đi tìm niệm cũng không được, bởi vì nó hết tham, sân, si rồi. Bấy giờ tìm cái tham, sân, si nó không có dễ, nó khó lắm mấy con.

Còn mình từ khi cha sinh mẹ đẻ, nó mang theo cái tham - sân - si. Các con cứ nghĩ đi, cái bào thai ấy, nó có tham - sân - si trong đó thì nó mới thành bào thai, chứ cỡ không có tham - sân - si thì làm sao nó thành bào thai. Nghĩa là không có tham - sân - si là không có bào thai. Như Thầy bây giờ làm sao có bào thai. Nó có tham, sân, si đâu mà tương ưng với ông bà nào để làm con được. Các con hiểu không? Bào thai đó là tham - sân - si. Có bào thai là có tham, sân, si. Vì vậy khi nó hết thì bây giờ tìm không ra.

Bây giờ muốn giận, giận cũng không được, nó “khổ” cái nỗi vậy (Thầy cười). Chứ nó hết rồi mấy con nghĩ làm sao mà giận, ai nói gì cũng cười. Thí dụ như ở trên chùa, cô Út nói ai nói gì Thầy cũng cười, có nói gì đâu, bởi vì trong cái đầu tự nhiên nó thấy đó là nhân quả của mọi người mới có sự kiện như vậy. Cho nên người ta nói vậy là đúng với nhân quả mà, chứ đâu phải người ta nói sai đâu mà mình giận hờn người ta. Tự cái tri kiến, tự cái hiểu biết đó hóa giải được cái tâm sân, nó hiểu nên nó không có sân nữa. Chứ mình đâu còn ngu nữa đâu mà mình sân. Thật ra mấy người còn sân là mấy người ngu. Sân nó khổ, chứ đâu phải không khổ, phải không mấy con? Nhưng tại sao ở đâu người ta nói trái ý là mình sân liền? Tôi đâu có muốn sân, tại nó kéo vô nó mới sân, thì bây giờ mấy con dùng pháp Như Lý Tác Ý nó đuổi nó ra. Hiểu chưa? Cho nên tu cũng đơn giản lắm. Tu xong rồi thì nó hết.

(1:57:43) Thầy Mật Hạnh trong lúc tu ở trong chùa, ở cái thất kia. Khi mà thầy thấy tu kiểu này chắc nó hết ham muốn rồi, thầy nói:

  •  

    Xin Thầy cho con ra ít bữa. Nó hết ham muốn rồi, con không ham muốn điều gì nữa”. (Thầy cười)

  •  

    Có phải không con? Bây giờ hết ham muốn mà sao còn muốn?”

Cho nên Thầy Mật Hạnh nói: “Thôi cho con ra, cho con ra ham muốn chút chút. Nó vẫn còn ham muốn”.

Thầy thuật lại cho mấy con nghe (Thầy cười). Thực ra nếu mà nỗ lực cắt nó thì nó sẽ hết ham muốn thật, mà lại sợ hết ham muốn, bởi vì tu thì nó sẽ hết ham muốn thiệt. Mà hết ham muốn rồi, bây giờ mình ham muốn thì dễ lắm. Cho nên Mật Hạnh nói với Thầy “thôi cho con ra ham muốn chút chút, rồi con vô tu nữa, chứ để trong này chết ngạt”. Thầy Mật Hạnh làm thị giả của Thầy, nên Thầy khép vô tu, nỗ lực tu. Tu riết thấy coi bộ ham muốn muốn bứt sạch, thấy sạch rồi. Bởi vì nó sanh cái định tưởng, mấy con. Cái đó cũng là vọng tưởng. Nếu tu chứng rồi thì mình lại không muốn gì vì mình muốn cái gì được cái nấy.

Mà sự thật, nó không có ham muốn nữa, cho nên Thầy nói: “Thôi, thì cứ đi ra đi, ham muốn thì nhiếp phục!”. Ham muốn nó thì khổ lắm chứ. Đây là sự thật, vấn đề của mấy con là sự thật. Tại cái duyên như vậy, nên Thầy không cấm cản đâu. Chứ còn quyết định thì Thầy Mật Hạnh tu thành tựu lâu lắm rồi. Thầy gọi là kiểu ông A-Nan, Phật chết rồi mới tu chứng đạo.

Vì vậy mà mấy con nỗ lực tu. Không có lâu đâu. Thầy Mật Hạnh còn sợ nó mất ham muốn. Bây giờ, chúng ta còn ham muốn thì chúng ta cố gắng khắc phục thôi. Nhưng mà khi nó sắp sửa hết rồi, mấy con thấy nó thanh tịnh lắm. Kiểu này nó tiêu luôn, chắc chết (Thầy cười) Nó thấy rõ, nó biết rõ nó sẽ hết thật chứ không phải không. Mà nó hết ham muốn rồi thì bây giờ làm gì đây?

(2:00:06) Nó lo lắng nhưng mà không ngờ cái nghiệp đời trước, Thầy thấy cái nghiệp của nó còn, cái nghiệp nó phải trả, nó mới hiện ra cái nghiệp đó. Chứ không nghiệp đó, nó đi luôn rồi. Nghiệp nó dễ cản đường lắm, con; mà cái nghiệp, cái nhân quả của nó. Cho nên đứng ở gốc độ chuyển nhân quả thì cái người phải hiểu đạo, tri kiến nhiều lắm.

iv. PHÁP NHƯ LÝ TÁC Ý VÍ NHƯ CÁI PHAO

Mấy con tu chưa tới, mấy con tu tới rồi thì mấy con thấy đổ nghiệp. Cái thân mình nó bệnh quằn quại lắm con, khổ sở ghê gớm mà Thầy nói là ôm phao vượt biển đó. Khi cái thân mình không có đau thì mình thấy nó thường, ôm cái pháp Như Lý Tác Ý thường. Nhưng mà khi đau rồi nó thấy cái pháp Như Lý Tác Ý với cái bệnh của mình thật sự cần phải ôm thật chặt, chứ còn lơ lỏng là đau liền tức khắc, mấy con. Thầy nói ôm phao vượt biển mà. Các con vượt biển mà ôm cái phao hụp lên hụp xuống, uống nước hoài thì đâu được.

Thế mà khi cái thân của chúng ta không đau thì thôi, mà đã đau mà chúng ta biết pháp Như Lý Tác Ý là cái phao, cho nên ôm cho thật chặt thì mới vượt qua cái đau. Còn ôm mà lỏng lẽo thì coi như hụp xuống, nó hụp xuống thì uống vài hớp nước. Nhờ cái phao nó trồi lên, phải không? Nó trồi lên, nó thở vài hơi thở thì nó lại hụp xuống. Cứ như vậy, nó hụp lên hụp xuống, uống nước hoài, nó khổ là khổ như vậy. Cho nên ôm thì thật chặt, mà không ôm thì thôi, chứ đừng để cho nó trồi lên, hụp xuống, mà cả cái biển khổ chứ đâu phải cái biển - Ở đây nói cái biển khổ, như biển Thái Bình Dương mênh mông vậy mà được vào bờ là cái chuyện không phải dễ. Cho nên bây giờ, không đau thì cũng ôm chặt pháp Như Lý Tác ý. Cho nên khi mà đau thì cái pháp đã ôm chặt rồi, ôm phao giữ chặt thì lúc nào nó cũng nổi lên mặt biển, nó sẽ đi tới bờ.

(2:02:13) Cũng như chiếc ca-nô đi thẳng, nó không có hụp lên hụp xuống. Còn mấy con ôm không chặt, thì nó sẽ hụp lên hụp xuống. Tức là Thầy muốn nói cái trạng thái đau. Lúc ôm chặt thì nó không đau, lúc không chặt thì nó thì nó thọ đau. Các con hiểu chưa? Cho nên ôm chặt cái Tâm Bất Động thì mấy con sẽ không đau, ôm không chặt thì nó sẽ bị đau, mà nó lâu hết nữa, tức là vượt biển bị lâu. Còn mình ôm thật chặt như chiếc ca-nô chạy vẹt nước, chạy mau đến bờ. Ôm cho chặt thì nó là chiếc ca-nô vượt nước nó đi. Bởi vì ôm chặt thì nó không đau, mà không đau thì nó hết đau mau chứ, nó tới bờ giải thoát.

Còn mấy con ôm mà lỏng thì lúc nó hết, lúc nó đau, lúc nó hết đau thì coi như - Thầy nói mấy con cứ trồi lên, hụp xuống, mà Thầy bảo đưa cái tay đây Thầy lôi lên còn không chịu đưa, muốn cho nó trồi lên, hụp xuống hoài. Nó không phải dễ đâu.

Thật sự ra, không tu thôi chứ tu phải cho chắc. Đừng có viết một cái chữ nào hết ở trong thất. Ôm chặt pháp Như Lý Tác Ý, bây giờ chưa đủ lực thì tác ý hoài, vọng tưởng nhiều thì tác ý nhiều, vọng tưởng ít thì tác ý ít, không vọng tưởng nữa thì ngồi chơi. Có vậy thôi. Đừng có tiếp duyên bên ngoài, đừng có đi tới đi lui, đừng có tiếp ai nữa hết, sống một mình đi. Từ đây về sau, mấy con sẽ thấy, nó không có lâu đâu. Cứ sống một mình, nó sẽ đi tới nơi tới chốn. Có vậy thôi, không có gì hết.

Rồi mấy con còn hỏi điều gì nữa không? Gia Hạnh có hỏi điều gì nữa không con? Cố gắng ôm chặt. Con bây giờ thấy được cái bất động, cố gắng ôm cho chặt cái bất động đó.

iv. BẤT ĐỘNG TÂM ĐỊNH KHÁC TỨ THIỀN

Phật tử: Dạ thưa Thầy, con không ăn, không ngủ hai ngày

Trưởng Lão: Con bây giờ nhập vào cái định bất động tâm, thì coi như là nó cũng không ăn, không uống, nhưng mà nó không sâu. Coi như là con có thể, khi Thầy nhập vào cái Bất Động Tâm của Thầy được rồi, con có thể tới gần Thầy được. Nhưng mà Thầy nhập Tứ Thiền ấy thì nó có một cái vạch, cái từ trường của nó. Cái từ trường của Tứ Thiền, con đứng ngoài, coi như có lồng kiếng, con đứng ở ngoài chứ con không đến gần được. Nó khác. Cho nên nó không ăn, không uống là do sức thiền định của nó. Còn nhập Bất Động Tâm, nó cũng bất động, nó không đói không khát gì nữa con, nó không buồn ngủ nữa, nó ngồi yên lặng như người bình thường như mấy con vậy, mấy con không biết đâu.

(2:05:16) Phật tử:

Trưởng Lão: Ngồi thế này mà nó không ăn, bởi nó luôn luôn ở trong cái đó, nó bất động mà. Thân nó bất động. Còn mấy con còn động cho nên nó còn đói còn khát, còn Thầy bất động. Đây là tầng định của nó, mà tầng Định bất động đó là Tứ Niệm Xứ. Con mới ở trên cái Chánh Niệm của nó thôi, chứ chưa phải định đâu. Còn vô cái định của Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền thì lại khác rồi. Nó có cái vòng định, như cái lồng. Nó nhốt Thầy trong cái lồng; cái từ trường phóng ra, cái từ trường định nó phóng ra. Mấy con không có lại gần. Ví dụ như Thầy ngồi đây, mấy con mở cửa, mấy con vô không được.

Phật tử: Dạ thưa Thầy! Thầy nhìn thấy được chúng con không ạ?

Trưởng Lão: Coi như khi nhập định, ở trong định của Tứ Thánh Định, coi như là hoàn toàn Thầy ở trong cái trạng thái định. Còn cái Tâm Bất Động thì mấy con làm gì thì Thầy biết hết, mà Thầy bị không bị duyên với trần, các con ở đằng sau đứng làm gì Thầy biết hết. Không có bị cái tâm nó phân ra. Thầy thấy cái sai, cái đúng của mấy con. Các con làm gì Thầy biết hết. Như bây giờ Thầy ngồi, bất động tâm này, mấy con làm gì biết hết, mấy con ngồi đây viết viết gì Thầy cũng biết hết. Nhưng mà Thầy chẳng quan tâm vấn đề của mấy con.

Nó chỉ có ở chỗ bất động vậy thôi. Vậy mà suốt bảy ngày đêm không ăn uống. Nó ở chỗ bất động. Nó còn động, nó còn đói khát, nó còn ăn uống thì nó đâu phải là bất động. Đã nói bất động, nó ở Tứ Niệm Xứ bảy ngày đêm. Trạng thái của Tứ Niệm Xứ là Chánh Niệm của động. Nó ghê lắm. Bởi vì Thầy dẫn dắt mấy con đi vào Tứ Niệm Xứ nên bây giờ tâm mấy con bám vô hơi thở. Mà mấy con vừa dứt hơi thở mà cảm nhận toàn thân thì đó là Tứ Niệm Xứ đúng. Đó là nhờ mấy con tu Tứ Niệm Xứ mà mấy con đi vào, tức là vào cái tâm bất động của Tứ Niệm Xứ. Chứ còn vào con đường khác là trật. Cho nên, bây giờ hướng dẫn mấy con về Tâm Bất Động là vào Tứ Niệm Xứ hết.

Phật tử: Dạ thưa Thầy chúng con đều có đau ốm, mà không có phiền não

Trưởng Lão: Bởi vì nói chung, cái tâm của mình dễ ảnh hưởng đến cái thân. Phiền não giận hờn làm cho cái thân dễ bệnh đau. Còn cái tâm không phiền não giận hờn thì cái thân ít bệnh đau. Bắt đầu bây giờ nó có Lực Như Ý Túc rồi, khi cái thân nó có bệnh đau là nó ly, nó không đau. Khi mà người lớn tuổi như Thầy bị ảnh hưởng thời tiết, cũng như những người già khác, chứ Thầy không da đồng xương sắt đâu. Không phải đâu. Nó cũng y như những người già khác. Thời tiết thay đổi, thì nó cũng nhức cái đầu gối, cũng nhức cái chân, hoặc nhức cái tay, cũng y như mọi người. Thầy nói: “Thọ là vô thường, đau cái đầu gối này đi, ở đây không có chỗ mầy đau”. Nói vậy thôi, nó quải gói nó đi. Nó không có đau, tức là nó hoảng quá nó đi, cho nên đối với Thầy, đau là đuổi nó đi hết.

12- ĐỊNH KHÔNG TƯỞNG KHÁC TỨ THIỀN CỦA ĐẠO PHẬT

Phật tử 2: Dạ thưa Thầy, những người có cái định tưởng, họ cũng không ăn không ngủ như cậu bé người Nepal.

Trưởng lão: Họ không ăn, không ngủ họ lọt vào cái Không Tưởng, cái Không Tưởng có cái nguy hiểm của nó.

Một là cái chú bé đó có thể chết luôn ở trong Không Tưởng, tức là nó không có đường xuất nhập. Hồi vô thì nó vào cái chỗ ý thức không có hoạt động, chỉ ngồi nhiếp. Bây giờ nó vô trong đó rồi, nó đến cái mức độ nào đó, nó xuất ra. Mà chú này nó không xuất ra, còn ở trong Không thì bắt đầu nó quá cái thời gian của nó rồi, thì chú kẹt ở trong đó, chú ra không được, chú không có đường ra.

Còn cái định của Phật dạy mình, nó có xuất nhập đoàng hoàng. Muốn vô chỗ nào là ý thức nó dẫn vô. Ý làm chủ, ý tạo tác mà con. Nó khác. Còn cái kia mình vô là bị ức chế ý thức mà vô cho nên nó vô cái Không , cái không niệm, nhưng mà nó lọt vào cái Không Tưởng.

Cho nên cái Không Tưởng có thời gian nhất định của nó trong mấy ngày, tuần lễ, một tháng thì sau thời gian tự nó xuất ra. Mà mình mà không ra, mình muốn ở trong đó, thì bắt đầu không xuất ra được. Không xuất ra được thì cái thân nó sẽ bị chết, bởi vì nó đâu có cái lực mà xuất ra, cho nên nó chết. Nó chết rồi thì do cái thân của nó ở trong định nên không thối. Nhưng vì nó chết rồi thì lần lượt nó khô, nó khô thành bộ xương khô. Các con hiểu không?

Còn người nhập định nó không khô, bởi vì định, thiền duyệt vi thực pháp hỷ sung mãn mà. Nó nhập định nó tự hấp thụ nên cái thân của nó sống, không mất một chút da thịt nào. Nó không khô, còn cái định kia nó khô. Nó khác.

Ngài Vũ Khắc Minh, Vũ Khắc Tường nhập vào không định mà bỏ thân, để lại cái bộ xương của các ngài ở Chùa Đậu. Thầy có đến thăm, Thầy thấy đúng là cái người này tu theo Thiền Đông Độ, nên họ không biết đường ra. Vô định Không Tưởng được rồi, quá thời gian mà không chịu xuất, muốn đi tới thêm nữa, cho nên nó dính vô rồi thì đi ra không được, mà nhập vào cái định Không, để lại cái di tích. Bên Trung Quốc có nhiều vị sư Thiền tông đã để lại nhục thân, Ngài Từ Hàn, Ngài gì nữa đó cũng để lại nhục thân, Lục Tổ Huệ Năng cũng lọt vào trong Không Tưởng để lại nhục thân ở Thiều Quang. Cái này nó rõ ràng.

Còn thiền của Phật giáo thì mình có đủ cái sức xuất nhập đàng hoàng. Cho nên Thiền Đông Độ nó chê thiền Phật giáo là thiền có xuất có nhập, chê “Thiền này không xuất không nhập, vô rồi đi luôn, còn thiền này có xuất có nhập, còn dở”. Thiền Đông Độ chê Thiền Phật giáo là dở, thiền có xuất có nhập.

Xuất nhập là tại do cái ý thức làm chủ. Mình muốn nhập vô cái định nào thì nhập. Muốn vô cái Sơ Thiền thì nó vô Sơ Thiền, Nhị Thiền thì nó vô Nhị Thiền, Tam Thiền thì nó vô Tam Thiền. Vô Tam Thiền thì phải xuất ra xuất vô. Cho nên khi đức Phật nhập Niết Bàn, đức Phật nhập Sơ Thiền rồi ra Sơ Thiền, rồi mới nhập Nhị Thiền, ra khỏi Nhị Thiền, rồi mới nhập vào Tam Thiền, ra khỏi Tam Thiền, rồi mới nhập vào Tứ Thiền. Ba lần như vậy rồi mới nhập vào Tứ Thiền mới bỏ xác thân. Có phải không? Có phải đúng như trong cái kinh Niết Bàn đức Phật đã dạy như vậy không? Các con đọc kỹ lại coi có không? Cho nên mấy ông tổ này còn cao hơn ông Phật: “Thiền có xuất, có nhập. Thiền của Phật còn thấp. Còn thiền của tụi tôi đi một lèo luôn là tới, khỏi có xuất nhập gì hết”. Phật thấp hơn cả ông tổ tại vì tổ cao. (Thầy cười)

i. KHÔNG QUY ĐỊNH THỜI GIAN NHẬP TỨ THIỀN

(2:12:45) Phật tử: Dạ thưa Thầy, xin Thầy cho con biết thời gian nhập vào Sơ Thiền. Sau khi ra Sơ Thiền nhập vào Nhị Thiền, thời gian đó có quy định như thế nào không?

Trưởng lão: Nó không có qui định chút nào hết. Con muốn bao lâu nhập cũng được hết. Bởi vì con nghe nhập vô Sơ Thiền, rồi xuất ra Sơ Thiền. Vậy ra Sơ Thiền ở đâu? Từ chỗ nào mà nhập vô Sơ Thiền được? Trạng thái nào nhập vô Sơ Thiền?

Giờ như mấy con, bây giờ bảo nhập vô Sơ Thiền nhập định được không với cái tâm phàm phu của mấy con, cái trạng thái đang ở trong tâm tham, sân, si? Cho nên Tứ Niệm Xứ là Chánh Niệm của Phật, rồi mới tới Chánh Định trong Bát Chánh Đạo. Nó xác định rất rõ ràng: Chánh Niệm rồi tới Chánh Định. Có phải không?

CÁCH THỨC XUẤT NHẬP TỨ THIỀN

Vậy thì trạng thái Tứ Niệm Xứ là trạng thái Tâm Bất Động. Cho nên khi con nhập vào Sơ Thiền, thì con phải ở trạng thái Tứ Niệm Xứ Bất Động Tâm để nhập vào Sơ Thiền. Khi con xuất Sơ Thiền thì con phải ra trạng thái Bất Động Tâm. Chứ con xuất Sơ Thiền mà con ở lừng chừng rồi con mới vô Nhị Thiền sao? Đâu có cái chuyện kỳ cục vậy.

Cũng không phải con ở trong cái Sơ Thiền, còn từ cái chỗ đó con đi qua Nhị Thiền. Vậy làm sao gọi là xuất ra khỏi Sơ Thiền. Cho nên con nghe rất rõ nè:

  • Đức Phật nhập Sơ Thiền, xuất ra khỏi Sơ Thiền rồi mới nhập vào Nhị Thiền, có đúng không? Vậy thì khi nhập Sơ Thiền rồi, đức Phật ra Sơ Thiền thì đức Phật ở chỗ nào? Cái tâm nó ở chỗ nào, rồi mới vô Nhị Thiền?

Mình mới đặt thành, chứ bây giờ mình cứ đọc suông như vậy, mình không biết đức Phật ở mảnh đất nào để mà vô Nhị Thiền, vô cái Tam Thiền. Xuất ra thì phải ở đâu, rồi ở chỗ đó để vô chỗ khác. Nếu không xuất ra thì coi như là đức Phật ở trong Sơ Thiền, rồi nhập qua Nhị Thiền thì làm gì gọi là xuất ra Sơ Thiền. Có đúng không mấy con?

(2:14:58) Cho nên từ khi mà nhập vô Sơ Thiền thì đức Phật đã đạt được cái Tâm bất động - Thanh thản - An lạc - Vô sự trên Tứ Niệm Xứ rồi, trên cái Chánh Niệm rồi. Từ Chánh Niệm đó, cho nên như Thầy nói, phải bảy ngày đêm thì chúng ta có được Định Như Ý Túc, định như ý mình muốn. Cho nên cái Định Như ý Túc đó ở trên mảnh đất của Tứ Niệm Xứ này, tâm bất động này, mới tác ý thì nó sẽ vào Sơ Thiền.

Khi vào Sơ Thiền rồi, mình muốn xuất Sơ Thiền ra, thì cũng dùng cái Định Như Ý Túc, chứ vô Sơ Thiền rồi thì ý thức của mình hoàn toàn không còn làm việc được gì nữa đâu. Cũng như vô Nhị Thiền diệt tầm tứ rồi, sáu thức của chúng ta là hoàn toàn tê liệt ngưng hoạt động hết rồi. Vậy mà nó còn ra vô được. Nó ra vô được bằng cái Định Như Ý Túc của nó, định như ý muốn. Nó ra vô bằng cái lệnh của Định Như Ý Túc, nên bảo nó xuất ra khỏi Sơ Thiền thì nó sẽ trên cái tâm bất động của Tứ Niệm Xứ. Nó từ cái bất động đó, nó bảo vô Nhị Thiền, thì thân tâm sẽ vô Nhị Thiền, chứ không phải mình muốn vô Nhị Thiền là mình diệt tầm tứ để vô Nhị Thiền; không phải. Nó ra lệnh diệt tầm tứ thì nó sẽ diệt và nó nhập vào Nhị Thiền.

Bây giờ nó ra khỏi Nhị Thiền thì nó ở trên mảnh đất Tứ Niệm Xứ, nó mới ra lệnh diệt tất cả các loại Tưởng, nhập vào Tam Thiền. Mà nó ra khỏi Tam Thiền rồi, thì nó ở lại trên mảnh đất Tứ Niệm Xứ. Nó ở trong đó, nó ra lệnh vào Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở, nó ngưng hơi thở nhập vào Tứ Thiền.

Mỗi thiền đều có hỷ lạc khinh an của chi thiền ở đó. Thiền nào cũng có hỷ lạc và trạng thái an ổn. Từ Sơ Thiền nó có an ổn ít hơn Nhị thiền, Nhị Thiền an ổn nhiều hơn, nhưng không bằng cái Tam Thiền, Tam thiền nó không bằng cái Tứ Thiền.

ii. PHẬT BỎ CÁC LOẠI THIỀN NGOẠI ĐẠO

(02:17:06) Các định tưởng từ Không Vô Biên Xứ Tưởng, cho đến Phi Tưởng Phi Phi Tưởng Xứ đều là thiền của ngoại đạọ, do ức chế mà đi vào các loại tưởng này. Không phải đạo Phật không nhập được các Tưởng này. Khi mà chúng ta có được Định Như ý Túc rồi, chúng ta muốn nhập định nào ta cũng nhập được, nhập vào trong định tưởng một cách dễ dàng, không khó. Bởi vì ý thức của chúng ta diệt tất cả điều kiện cần thiết để vào cái định đó, thì nó sẽ vào được. Cho nên Không Vô Biên Xứ Tưởng, Thức Vô Biên Xứ, Phi Tưởng Phi Phi tưởng xứ, Diệt Thọ Tưởng Định, nó điều nhập được. Khi nhập Tứ Thiền được thì nhập vào được các loại định của ngoại đạo một cách rất dễ dàng.

Như mấy con đọc lại lịch sử của đức Phật, khi đức Phật tu theo ngoại đạo, nhập Không Vô Biên Xứ. Vị ngoại đạo đó dạy đức Phật nhập một cách dễ dàng. Một vị khách dạy nhập vô Phi Phi Tưởng Xứ, đức Phật nhập được như thường. Nhưng xét lại tâm tham - sân - si vẫn còn, nên đức Phật bỏ ba cái pháp ngoại đạo này.

iii. CHỈ CÓ CHÁNH ĐỊNH LÀ TỨ THIỀN

Nhập thì có, nhưng mà các pháp lần này không diệt được cái tâm tham - sân - si. Cho nên từ đó đức Phật đi tìm phương pháp ngăn ác, diệt ác pháp, sinh thiện, tăng trưởng thiện pháp, từ đó mới ly dục, ly ác pháp, thành tựu được Sơ Thiền, tức là thành tựa được Tứ Niệm Xứ mà bây giờ chúng ta có pháp Tứ Niệm Xứ.

Từ chỗ pháp ngăn ác, diệt ác đó là Tứ Chánh Cần. Khi mà ngăn ác, diệt ác hết rồi thì tâm tự tự nó bất động. Còn bây giờ Thầy dạy các con tác ý là ngăn ác diệt ác đó. Các biện pháp ở trong tác ý là ngăn diệt, ngăn diệt. Khi mà ngăn diệt hết các pháp ác, nó không còn niệm, tự nó không niệm, thì nó ở trên Tứ Niệm Xứ rồi, tâm bất động. Nó ở trong Chánh Niệm của nó rồi, Tứ Niệm Xứ rồi. Thì nó ở được trên Tứ Niệm Xứ thì nó không còn niệm nữa, thì nó có đủ Tứ Thần Túc, thì có Định Như Lý Túc. Lúc bấy giờ, mấy con nhập các định của Tứ Thiện, bốn Thiền Định của đạo Phật, thì đó các con bước qua lớp thứ 8 của đạo Phật, Chánh Định.

Chỉ có Chánh Định là Tứ Thiền thôi. Chứ còn thiền của các tổ, Thiền Đông Độ, thì không phải Chánh Định, là tà định của ngoại đạo, chứ không phải của Phật giáo. Phật giáo nó có bốn loại Thiền Định từ Sơ Thiền đến Tứ Thiền. Vì vậy các tổ mới cho thiền có xuất có nhập như là bốn thiền còn thấp, còn thiền của các tổ mới là cao. Các tổ xem pháp của Phật còn thấp, xem thiền có xuất nhập làm gì hay bằng thiền không xuất nhập. Vô rồi ở trong đó luôn, khỏi ra. (Thầy cười)

(2:20:00) Bây giờ mấy con tu tập, mình là người đệ tử của Phật thì cứ theo pháp của Phật. Còn mấy con muốn làm tổ, thì theo tổ mà tu, sau này làm tổ. Từ tổ Huệ Năng, sau này có tổ gì nữa, tự đặt ra, chứ có gì đâu. Ví dụ như Thầy Chơn Thành sau này tu thiền thành tổ Chơn Thành, chứ đâu ai làm thầy Chơn Thành. Có phải không mấy con? Hễ mình tu thiền tổ thì thành tổ thôi. Cũng như mấy con thấy, Lục Tổ Huệ Năng dạy các vị tu thiền, thì các vị tổ khác như tổ Hoàng Bá, các con thấy đều xưng tổ không hà. Mấy con mà tu Thiền Đông Độ thì sau này mấy con cũng xưng tổ à, chứ không thể nào xưng cái khác được.

Như vậy Thầy có xưng tổ không mấy con? Thầy xưng Thầy, nghe nó gần gũi, một người hướng dẫn, một người đi trước hướng dẫn cho các con, như vậy là người Thầy mình thôi, đủ giúp các con khổ qua hết. Tổ kỳ này chắc thưởng Thầy ở trên cái ghế này để thờ, chứ để làm gì. Thật sự ra Thầy không muốn làm tổ đâu mấy con, Thầy chỉ muốn làm Thầy của mấy con thôi. Bây giờ mấy con ráng tu, còn thời gian, đừng dính mắc gì.

Phật tử: Kính bạch Thầy, con đọc bộ sách viết về tịnh chỉ ngôn ngữ, tịnh chỉ thân hành, …​ ?

Trưởng Lão: Đó là tập bộ sách nói lên những hành động để đạt các Thiền Định. Sự thật thì ở đây, mấy con trực tiếp tu tập. Mấy con tu cố gắng tu tập. Cái đó là cái để mình hiểu thôi, chứ không phải là cái để tu. Khi mấy con tu rồi, mấy con chứng nghiệm qua cái điều dạy đó rất đúng, là mình tu đúng rồi. Còn bây giờ, mấy con chỉ biết ôm pháp Như Lý Tác Ý để ngăn, diệt ác tức là tu pháp Tứ Chánh Cần, có vậy thôi.

Hỏi các pháp để hiểu biết thì nó làm cho mấy con rối thêm. Còn Thầy giải thích cho mấy con để mấy trở thành nhà học giả, không phải nhà tu. Không phải hành giả, mà là học giả, cho nên nó chỉ học để hiểu. Bây giờ mình tu, mình nỗ lực mình tu. Sau này, tự nó đầy đủ trí tuệ, mấy con đọc tới đâu, mấy con sẽ hiểu, đọc ít hiểu nhiều.

Cái trí tuệ của mấy con, khi mà nó thanh tịnh rồi thì nó dễ hiểu. Khi nó hiểu qua kinh nghiệm tu hành của nó, nó hiểu không sai cái chỗ nào. Còn bây giờ, mấy con chưa có xong thì sẽ hiểu qua kiến giải. Càng đọc nó càng rối thêm. Cho nên mấy con đừng có thèm đọc kinh sách gì hết, mà chỉ khi có niệm nào thì tác ý niệm ấy, để tạo cái ý thức lực.

Hôm nay Thầy chỉ dạy cho các con pháp tu, để khỏi ức chế ý thức của chúng ta, trở thành tâm bất động không có vọng tưởng, mà không có vọng tưởng là sai pháp. Tự nhiên không vọng tưởng là đúng pháp. Bây giờ bất cứ chúng ta tập luyện cái pháp nào mà không vọng tưởng đều sai pháp. Cho nên hiện giờ là vọng tưởng nhiều càng tu tốt. Bởi vì cái ý thức lực của mấy con chưa đủ, cho nên mấy con tập luyện để cho nó có đủ ý thức lực.

13- LƯU Ý KHI KHÔNG CÓ VỌNG TƯỞNG

(02:24:00) Nhưng không phải ngồi mà tác ý liên tục, thành ra cuối cùng người ta nói: “Ông này điên nói gì lảm thảm hoài”. Vậy thì sai. Cứ nói “tâm bất động, tâm bất động, tâm bất động”, cứ nói vậy thành điên đó. Vì vậy Thầy nói có niệm thì tác ý, không niệm thì để tự nhiên. Như vậy thì đúng. Chứ mấy con lẩm bẩm hoài, thì trời đất ơi, đệ tử của Thầy điên hết rồi. Chỉ còn nước lấy roi mà quất đuổi cho nó chạy đi, không cho cho nó tập nữa, chứ không nó cứ ngồi lầm bầm tác ý hoài, để cho nó đủ ý thức lực đó. Không phải!

i. CHỈ TÁC Ý KHI CÓ ĐỐI TƯỢNG

Mình tác ý phải có cái đối tượng tác ý thì nó mới có cái lực, chứ không phải lập bập. Lập bập nó thành thói quen. Miệng mấy con không lập bập, chứ trong đầu nó cứ lập bập cứ tác ý, tác ý hoài. Trời đất ơi chắc định tưởng còn nặng nữa. Kiểu này trong đầu mấy con cứ reo vang mấy câu tác ý đó hoài là chết rồi. Mấy con coi chừng đó, sự thật nó bị bệnh đó, là bệnh tưởng, bệnh tác ý. Cho nên Thầy bảo có niệm thì tác ý, không niệm thì thôi, đừng có tác ý lia lịa. Như vậy không được.

(2:25:05) Có nhiều người ngồi trong thất tác ý lia lịa. Thầy ra Thầy nói: “Thôi, cái bệnh này quá nặng rồi. Chỉ còn nước kéo về nhà đi, để sống với gia đình cho nó đừng tác ý nữa. Chứ còn không khéo, ở đây yên tĩnh nó cứ tác ý hoài”. Mục đích tác ý lia lịa như vậy là làm cho nó đừng có vọng tưởng, cứ cách thức đó mà nó trở thành cái thói quen. Bây giờ mình không tác ý, mà cứ trong đầu nó cứ tác ý, cái đó là cái chết đó mấy con.

Cũng như người ta nói niệm Phật vô niệm. “Trời đất ơi, tôi ngồi đây mà tôi cứ nghe trong đầu câu niệm Phật. Có lẽ là tôi sắp sửa lên Cực Lạc!” Kiểu này thì Cực Lạc ở đâu không biết chứ thấy đổ bệnh. Thầy nói sự thật, cái hiểu lầm của cái người khác dạy đạo mà không chuẩn bị cho người ta biết được cái bệnh người ta sắp sửa tái phát.

Cho nên những điều kiện dạy trong kinh Tịnh Độ - Thất nhật nhất tâm bất loạn, kiên trì danh hiệu A Di Đà Phật - nghĩa là niệm Phật cho nhất tâm, cho đừng có cái niệm khác xen vào. Nhưng không ngờ, người ta mới có tu tập được chừng có 5-10 ngày thôi, niệm nó không liên tục, nó không có niệm nào, Ý thức nó bị dừng, thì Tưởng thức nó ở trong này bắt đầu hoạt động, thì ít hôm người này sẽ bị điên đó mấy con.

Họ nhìn đâu cũng cõi Cực Lạc hết, mà nhìn đâu cũng thấy Phật A Di Đà, nhìn đâu cũng thấy Bồ Tát hết. Kiểu này, họ đi đâu cũng có Cực Lạc hết. Như vậy đi ra ngoài đường, xe cộ họ không tránh, nghĩa là người mà bị bệnh như vậy rồi, xe cộ chạy ngoài đường, xe hơi chạy chạy vậy mà họ đi ngang qua như thường, họ không sợ chết. Họ đâu còn bình thường mà sợ, cõi Cực Lạc hết rồi đâu còn gì mà sợ. Đó là cái bệnh. Vì vậy, tu phải biết cách chứ. Tại sao lại hướng dẫn người ta tu đến chỗ bệnh mà mình không ngờ. Rõ ràng là cả một tập kinh như vậy, kinh Di Đà như vậy mà dám viết ra như vậy.

Nếu mà không có người có kinh nghiệm tu như Thầy thì làm sao mà vạch mặt người ta được? Ai cũng tin vào pháp này, lại còn ca ngợi pháp này nó mới phù hợp với thời đại của chúng ta. Niệm Phật là phù hợp, dễ dàng cho mọi người tu chứng đạo được hết. Ai cũng có thể niệm được. Ca ngợi như vậy làm cho tâm chúng ta ham muốn, vì đời khổ quá cho nên người ta muốn về cõi Cực Lạc để hưởng cái gì vui sướng ở đó. Vì vậy mà người ta ráng nỗ lực tu tập, nhưng cuối cùng người ta bị điên khùng.

ii. ĐỪNG HIỂU SAI LẠC VỀ PHÁP TÁC Ý

(2:27:29) Bởi vậy, Thầy rất dè dặt, cẩn thận. Hôm nay Thầy phải gặp mấy con, chứ không khéo mấy con cứ niệm riết cái kiểu này, niệm câu tác ý. Thay vì người ta niệm Phật, mấy con niệm câu tác ý! Mà đã có người rồi đó chứ không phải không đâu. Thầy nói đã có người hiểu một cách lầm lạc, đã niệm rồi. Buộc lòng Thầy phải đuổi đi, đừng có niệm nữa, đừng có tu như vậy nữa.

Một số người bên nữ mấy con, mấy sư cô mặc đồ vàng đó, vô trong chùa ở bên đó đó, có những người tu tập sai lạc, lập bập niệm hoài, niệm câu tác ý chứ không có Niệm Phật. Rồi lại nhịn ăn, rồi lại này kia, nghĩ ra để mau thành Phật. Phật không ăn uống, mình cũng không ăn. Không biết hồi xưa lúc còn sống, Đức Phật có nhịn ăn không? Chứ thật sự Thầy thấy, Phật không có nhịn ăn chút nào hết, tới trưa Phật đi khất thực. Không có bữa nào mà Phật nghỉ đi khất thực, mà bây giờ đệ tử của Phật hay hơn, không ăn nữa. Đệ tử bây giờ hay lắm, hơn Phật hết!

Thôi bây giờ, đủ rồi mấy con. Mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không? Không có thì về tu. Nhớ chưa? Tác ý là phương pháp mấy con đang tác ý. Có vọng tưởng nhiều thì tác ý nhiều, có vọng tưởng ít thì tác ý ít. Đừng có ngồi đó mà lẩm bẩm. Không có vọng tưởng gì hết mà cứ lẩm bẩm là không được. Nhớ chưa? Bây nhiêu đó đủ rồi. Không có vọng tưởng thì ngồi chơi. Còn có vọng tưởng thì đuổi.

Phật tử: (thưa hỏi)

Trưởng Lão: Mấy con còn hỏi gì nữa thì hỏi. Còn không thì bây giờ về tu tập. Thầy về, nghỉ. Đứng dậy thôi. Nhớ pháp Như Lý Tác Ý của Thầy thôi. Chào mấy con.

HẾT BĂNG