Skip directly to content

20090604 - NHÂN QUẢ VÀ NGŨ GIỚI - PT THANH HÓA

20090604 - NHÂN QUẢ VÀ NGŨ GIỚI - PT THANH HÓA

20090604 - NHÂN QUẢ VÀ NGŨ GIỚI - PHẬT TỬ THANH HÓA

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 04/06/2009

Thời lượng (54:30)

1- MỤC ĐÍCH CỦA ĐẠO PHẬT LÀ LÀM CHỦ BỐN SỰ ĐAU KHỔ

(00:00) Các con ngồi xuống hết. Hôm nay có cái duyên quý Phật tử về thăm thầy thăm tu viện. Thầy thì cũng rất bận cũng có những cái đoàn phật tử ở Hà Nội, họ đến cái khu sau để gặp thầy. Vậy cho nên Thầy nghe cô Út báo quý phật tử đến thăm Thầy, làm Thầy sắp xếp để gặp quý Phật tử và có vài lời hướng dẫn cho quý phật tử biết cách tu tập như thế nào mà để mình làm chủ sự sống chết.

Khi con người có thân là có bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết. Mục đích của đạo Phật ra đời là nhằm giải quyết vào bốn sự đau khổ bằng những cái phương pháp, chứ không phải bằng tha lực, cầu khẩn một chư Phật nào cứu khổ được bốn cái sự đau khổ này. Cho nên chúng ta đến với đạo Phật mà cầu cho mình được bình an, mạnh giỏi thì không thể được. Đó là đi sai con đường của đạo Phật.

Đạo Phật là đạo tự giác, tự nguyện, tự mình độ mình không thể người khác cứu giúp mình được. Đức Phật nói, ngày xưa tôi còn sống đức Phật nói: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, ta chỉ là người hướng đạo mà thôi’’. Cho nên đức Phật chỉ hướng dẫn chúng ta tu tập chứ không thể đi thay cho chúng ta được con đường đó.

Khi đức Phật đi tu ngài cũng khắc khoải trong nỗi khổ của kiếp người, không riêng ngài mà cả mọi người đều có bốn sự đau khổ: sanh, già, bệnh, chết. Cho nên Ngài bỏ cung vàng địa ngọc, bỏ vợ con ngài đi tu để nhắm vào cái mục đích làm sao làm chủ bốn sự đau khổ này. Cuối cùng Ngài đã làm chủ được và Ngài đã truyền dạy cho chúng ta những phương pháp rất đơn giản, không có khó khăn.

Như bây giờ quý phật tử là những người đang có gia đình, đang có hoàn cảnh phải lo lắng cơm ăn áo mặc cho những người thân trong gia đình của mình, không thể bỏ đi tu như quý thầy được, phải làm hết bổn phận đạo đức của một con người, không thể bỏ gia đình để cho vợ con hoặc chồng con mình lo lắng mọi việc nuôi con, dạy con lớn khôn thì không thể được. Vì con cần phải có cha mẹ thì quý phật tử không thể bỏ nó mà đi tu được.

Như mấy cháu bé thơ đang ngồi sau lưng quý phật tử, chúng ta nỡ lòng nào bỏ chúng được. Chúng ta phải nuôi chúng lớn khôn, chúng là những đứa trẻ đang nhờ nương tự vào sự giúp đỡ của cha mẹ rất nhiều. Cho nên chúng ta ham tu thì chúng ta phải làm hết bổn phận đạo đức của mình đối với mình.

2- CẦN PHẢI THÔNG HIỂU VỀ NHÂN QUẢ

(03:28) Như vậy trong người cư sĩ còn trong hoàn cảnh của người gia đình có tu được hay không? Được! Nghĩa là có phương pháp cho người cư sĩ tu trong gia đình. Phương pháp thứ nhất là các cư sĩ hãy học và hiểu biết về nhân quả, hễ nhân nào thì quả nấy.

Ví dụ như cây xoài thì phải ra trái xoài, là cây ớt thì cho ra trái ớt, không thể cây này cho trái kia được. Cho nên hành động chúng ta làm điều ác thì chúng ta phải thọ lãnh quả khổ đau, mà chúng ta làm điều thiện thì chúng ta được hưởng phước báo. Đó là luật nhân quả. Luật nhân quả không ai làm điều ác mà trốn khỏi những quả khổ của nó. Ví dụ chúng ta cầm dao giết con vật làm thực phẩm để sống, thì chúng ta cũng phải trả quả khổ.

Cho nên thường những điều mà chúng ta làm chúng ta vô tình, chúng ta thấy rằng không có khổ nhưng sự thật nằm trong đó chúng ta thấy có rất nhiều cái khổ. Ví dụ như một người cắt cổ gà, chúng ta tưởng rằng không có quả khổ. Nhưng sự thật một cơn đau yết hầu, một cơn đau cổ cũng là cái hành động nhân quả mà chúng ta phải trả chứ không phải tự dưng người đó muốn đau yết hầu là đau, mà do hành động chúng ta làm đau khổ nơi cổ họng của một người nào đó, của một con vật nào đó.

(05:19) Cũng như không phải vô tình mà xe đụng chúng ta gãy chân, gãy tay, mà chúng ta chính chúng ta có những hành động bẻ chân, bẻ tay của loài động vật khác. Như những người bắt ếch họ sẽ bẻ chân ếch, cho nên những nhân quả đó làm sao tránh khỏi họ tai nạn giao thông để gây cho họ trở thành những người gãy chân, gãy tay, tàn tật.

Đó là hành động trong hiện tại, nhân quả trong hiện tại mà cũng trong quá khứ. Do hành động ác mà còn tích tập cho đến hôm nay chúng ta phải thọ lấy những quả khổ. Một người sinh ra tàn tật tự nhiên chân tay co rút như thế này hoặc như thế khác, cũng như những người bị chất độc màu da cam thì cũng do nhân quả.

Tại sao chúng ta không sanh ra ở Trảng Bàng - Tây Ninh thì đâu có chất độc màu da cam mà lại sanh ở cái vùng có chất độc màu da cam để rồi cha mẹ ở đó sinh chúng ta ra bị tàn tật như vậy. Đó là đều hợp do nhân quả chiêu cảm, tương ưng để chúng ta tái sanh. Đây do một Thầy nói chúng ta phải hiểu nhân quả.

Cho nên chúng ta biết hành động của nhân quả là phải thiện ác thì chúng ta tương ưng mà nó đi tái sanh. Bởi vì trong thân của chúng ta đức Phật xác định có thân Ngũ Uẩn, chứ không có linh hồn. Nếu có linh hồn thì con người chỉ sanh ra một người, mà do nhân quả tương ưng cho nên mỗi hành động chúng ta vô tình không khéo chúng ta lại sanh ra một loài vật hoặc làm một con người.

Nó sanh trùng trùng điệp điệp, nhưng sự sanh diệt đó nó có nuôi sống được hay là không là do nhân quả ác nghiệp của nó. Cho nên con người sanh hiện giờ rất đông nhưng nếu mà hoàn toàn thiện để được sanh ra con người thì đất này không có chỗ cho con người ở. Do có ác cho nên từ khi đó con người vừa tựa hình là có thể bị bỏ rồi, bị chết ở trong bào thai rồi. Đó là nhân quả ác.

(07:28) Cho nên hôm nay Thầy nhắc đến nhân quả để quý phật tử biết rằng nhân quả không từ bỏ một người nào. Vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta có năm điều nhân bản, có năm điều kiện để chúng ta trở thành người tiếp tục. Đức Phật nói: “Được thân người là khó, khó như con rùa mù tìm bọng cây giữa biển.’’

Nhưng chúng ta được thân người chúng ta coi rẻ nó lắm, chúng ta thường đem thân người vào sự đau khổ. Mỗi lần có điều gì thì chúng ta giận hờn, phiền não. Chúng ta hay khởi sự ham muốn điều này, ham muốn điều kia để tích tập những điều mà chúng ta mong muốn, như muốn có nhà lầu, xe hơi, muốn có sự ăn sang, mặc đẹp, đó là chúng ta tự làm khổ mình.

Nếu mọi người ai cũng có muốn điều đó hết nhưng tại sao người được mà người lại không được? Đó là nhân quả chứ không phải ai muốn cũng được. Ai cũng muốn làm giàu, không ai muốn làm nghèo nhưng tại sao lại có người nghèo trong xã hội của chúng ta? Điều đó chúng ta phải thấy đó là nhân quả.

Một người sống rất nghèo mà luôn biết thương người, biết bố thí người, dù có một bát cơm mà thấy người khác đói vẫn chia sẻ nửa bát cơm cho người khác, người đó sẽ giàu, tại vì hành động đó là hành động giàu. Còn hành động bỏn xẻn, một người giàu có mà không dám bỏ một đồng xu cho một người nghèo, cho một người ăn mày, thì người đó kiếp này có duyên là do một tiền kiếp cho nên may mắn trong sanh ra trong gia đình giàu có.

Do cái tâm ích kỷ đó từ cái giàu có đó nó sẽ đi đến cái nghèo. Ví dụ đang giàu sang mà trận hỏa hoạn thiêu rụi cũng trở thành nghèo, một cơn bão lụt, nó làm sập đổ và trôi xuống sông biển thì cả gia tài sản nghiệp thì cũng trở thành người nghèo. Bởi vì nghèo sang thì do nhân quả, chúng ta phải sống thiện, sống đúng nhân quả thiện thì của cải chúng ta không giữ nó vẫn bảo vệ cho chúng ta tốt đẹp, đây là nói về cuộc sống nhân quả.

3- NƯƠNG VÀO HƠI THỞ TÁC Ý ĐỂ GIỮ CHO THÂN TÂM AN ỔN

(09:55) Còn nói về sự tu hành, tu tập để chúng ta đối trị được thân tâm của chúng ta. Tâm chúng ta thường không yên ổn, nghĩ điều này, nhớ điều kia, lo lắng điều nọ đụng chuyện thì giận đau khổ. Mà muốn cho tâm được yên ổn thì chúng ta phải làm sao? Đức Phật dạy có phương pháp.

Hiện giờ như quý phật tử ngồi lại chừng trong năm phút, mười phút sẽ thấy tâm mình nghĩ ngợi, khởi niệm nghĩ ngợi, lo lắng điều này hoặc thế kia, hoặc niệm tào lao cũng có. Không bao giờ tâm quý vị yên, mà muốn cho nó yên, muốn cho chúng ta ngồi nó yên ổn, nó không niệm, nó không phải dễ, nó cũng không phải khó.

Đức Phật dạy chúng ta có một phương pháp để giúp cho tâm chúng ta yên ổn, đức Phật dạy: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi mình hít vô thở ra, rồi mình lại cách năm hơi thở như vậy rồi mình lại tác ý: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi mình lại hít vô thở ra năm hơi thở như vậy rồi mình lại tác ý và cứ như vậy mình nhiếp tâm, vừa tác ý vừa nhiếp tâm trong hơi thở.

Mỗi một ngày mình chỉ tập luyện chừng ba mươi phút thôi. Sau ba tháng thì mình sẽ ngồi lại, mình thấy tâm mình hôm nay yên lặng không khởi niệm nghĩ lăng xăng, nó bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đó là mình đã nhiệt tình tu tập, nhiệt tình tu tập.

(11:49) Quý vị nhớ cái tâm muốn cho yên ổn thì nhớ câu: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Tâm hành là cái tâm nó nghĩ ngợi lăng xăng mà mình bảo nó an ổn, an tịnh là thanh tịnh, an là an ổn đừng có lăng xăng ý muốn như vậy mà. Cho nên câu đó là giúp cho chúng ta tập luyện cho cái tâm chúng ta ngồi lại yên ổn không có nghĩ ngợi đó là cách thứ nhất.

Cách thứ hai, thân chúng ta dễ bệnh đau bởi vì thân con người đức Phật nói giòn bỡ nay không thay đổi thì mai mốt sẽ có bệnh đau. Mà muốn cho thân không đau thì chúng ta có những phương pháp để giúp nó ngăn và diệt các bệnh tật trong thân của chúng ta. Ví dụ quý phật tử trong thân hiện giờ có một căn bệnh phải đi uống thuốc không thể không có thuốc thì nó không yên ổn được.

Cho nên quý phật tử hãy dùng câu này để làm cho cái cơ thể để đẩy lui cái bệnh đó, để làm cho cơ thể trở lại bình an không đau bệnh rất là đơn giản. Chúng ta chỉ một ngày đêm bỏ ra ba mươi phút tập luyện trong ba tháng, sáu tháng thì cái bệnh dù bệnh gì trong thân của chúng ta nó cũng đẩy lui được.

Bởi vì lời Phật dạy không dối chúng ta, Ngài dạy rất là thật, Ngài làm được rồi Ngài mới dạy gọi là làm chủ bệnh. Quý thầy hôm nay gặp lại những lời đức Phật Thầy cũng biết ơn Phật đã dạy Thầy tập để làm chủ được thân mình không có bệnh đau. Bài pháp dạy tu tập rất đơn giản, quý vị nhớ hồi nãy Thầy nhắc là : “An tịnh tâm hành ” còn bây giờ là “An tịnh thân hành ”.

(13:47) Nhớ tâm với thân khác nhau: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Lời của đức Phật dạy là để giúp chúng ta biết cách đẩy lui những bệnh tật trên thân của chúng ta. Nếu chúng ta có thân có bệnh mà cứ cố gắng mỗi ngày đêm ba mươi phút tập luyện như câu Thầy vừa dạy thì bệnh đau sẽ không còn và cơ thể trở lại bình thường. Nếu cơ thể chúng ta chưa bệnh tật mà hàng ngày chúng ta tu tập như vậy thì cơ thể chúng ta không bệnh tật.

Đức Phật nói như thế này trong bài kinh Lậu Hoặc tức là trong bài kinh Đau Khổ, đức Phật nói như thế này: “Có Như Lý Tác Ý đau khổ không sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt ”. Đau khổ ở đây có phần thuộc về tâm, có phần thuộc về thân. Như đầu tiên Thầy dạy thuộc về tâm và sau cùng cái lời dạy sau cùng thuộc về thân.

Cho nên đức Phật dạy: “Có đau khổ, có Như lý tác ý đau khổ không sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt.’’, nghĩa là bây giờ trên thân mình bây giờ không có đau, mình tác ý thì nó sẽ không đau. Đức Phật nói như vậy mà, mà nó đau thì nó bị diệt đó là cái lý của đức Phật nói. Thầy dịch ra chữ “lậu hoặc” thì nó khó hiểu mà Thầy dịch ra chữ đau khổ. Trong kinh Nguyên Văn thì đức Phật nói dịch ra Việt ngữ chúng ta như cái danh từ “lậu hoặc” sẽ làm cho quý vị khó hiểu.

(15:45) Phật dạy: “Có Như Lý Tác Ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, mà đã sanh thì bị diệt.’’ thì nó đã sanh thì nó bị diệt. Chữ “lậu hoặc” có nghĩa là đau khổ, cái nghĩa của nó là đau khổ. Thì hôm nay Thầy dịch như vậy đây là lời của Phật dạy không phải Thầy dạy.

Thầy chỉ là một người nhờ đức Phật dạy mà Thầy làm chủ được thân tâm của mình mà thôi chứ không phải của Thầy. Cho nên Thầy rất thương quý phật tử từ đường xá xa xôi về đây thăm Thầy mà không được dạy lời nào có ích lợi cho quý vị, mà thuyết giảng một bài kinh để nghe rồi không biết đường lối tu tập.

Còn ở đây mỗi buổi tối quý phật tử giành ra ba mươi phút, rồi dùng câu Như Lý Tác Ý mà Phật đã vạch ra, đã chọn ra cho chúng ta rất rõ ràng thì quý phật tử sẽ dùng những câu đó mà tu tập: “An tịnh tâm hành tôi biết tôi hít vô, An tịnh tâm hành tôi biết tôi thở ra.” Rồi câu thứ hai: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô”.

Nếu quý phật tử ráng nghiên cứu và đọc những bài pháp của đức Phật dạy thì nên xin cô Út tập sách “Định Niệm Hơi Thở” tức là dùng cái hơi thở mà tu tập để đối trị những nỗi đau khổ của thân tâm mình thì nên xin tập sách đó về nghiên cứu. Nó có 19 bài pháp để tu tập để đối trị cái đau khổ của thân tâm chúng ta. Nên xin mỗi người có một tập sách đó, tập sách đó mỏng không dày, chúng ta sẽ dễ dàng nghiên cứu, dễ dàng đọc.

Ví dụ như người nào nói tâm chúng ta trái ý, tâm chúng ta tức giận thì chúng ta muốn cơn giận đó được đẩy lui thì chúng ta dùng một câu cũng trong Định Niệm Hơi Thở thì đức Phật dạy: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.”

Bởi vì mình thấy mình đang sân muốn cho nó ly ra, nó lìa ra nó đỡ trong thân mình nữa cho nên mình tác ý ngay cái câu: “Quán ly sân tôi biết tôi hít vô, quán ly sân tôi biết tôi thở ra.” Rồi mình hít vô, thở ra năm hơi thở, rồi mình tác ý một lần thứ hai nữa, rồi hít vô năm hơi thở nữa, rồi mình ngồi lại mình nghiệm coi cái sân, tâm sân mình hết hay chưa thì thấy nó không còn sân nữa.

(18:10) Đó là cái phương pháp nó hiệu nghiệm như vậy. Còn mình muốn cho tâm mình không còn sân, tánh mình hay nóng nảy quá, ai nói gì trái ý là tức giận liền không dằn được. Mà muốn bây giờ cho nó không còn cái tánh quen, cái tánh sân nữa thì quý vị siêng năng tập ba tháng, sáu tháng với một câu: “Quán từ bỏ”, hồi nãy là quán ly mấy con vì nó đang sân mình ly, lìa nó ra.

Còn bây giờ mình đang ở trong tâm của mình, mình biết không ai động thì nó không sân, nhưng mà có người động mình là mình sân đó. Mình biết mình dễ dàng sân lắm cho nên mình: “Quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi hít vô, quán từ bỏ tâm sân tôi biết tôi thở ra.”

Rồi quý vị tập như vậy ba tháng sau người ta nói trái ý, quý vị thản nhiên, quý vị không giận tức là tâm sân đã bị từ bỏ rồi, đã bị đoạn diệt rồi quý vị.

Cho nên Phật pháp nó rất hay nhưng chúng ta không biết pháp hành cho nên chúng ta cứ đến chùa lạy Phật cầu khẩn nhưng đức Phật làm sao gia hộ cho chúng ta được. Khi những cái nghiệp của chúng ta đã mang vào thân thì có ai cứu khổ chúng ta bằng chính chúng ta. Cho nên quý vị phật tử hãy tập luyện thì sự lợi ích đó sẽ đem lại cho quý phật tử.

4- TRẠNG THÁI CỦA NGƯỜI TU CHỨNG ĐẠO

(19:33) Còn nếu chúng ta tu tập chứng đạo thì chúng ta có phương pháp chớ. Nhưng những người đó phải là người xuất gia chứ không thể người cư sĩ mà chứng đạo được. Bởi vì chúng ta phải sống buông xả chỉ còn ba y một bát như đức Phật, như các vị khất sĩ biết đi xin ăn mà thôi. Nhưng nếu chúng ta không biết mà chúng ta xuất gia cũng ba y một bát mà không biết phương pháp thì suốt đời chúng ta chỉ là một khất sĩ đi xin ăn mà không làm chủ được sinh, già, bệnh, chết rất uổng một đời.

Trái lại biết buông xả thế gian, biết sắp xếp gia đình, biết nuôi dưỡng con cái lớn khôn xong xuôi rồi mới xuất gia đi tu để mục đích chúng ta đạt được đó là muốn tự tại trong sinh tử, muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống và tâm sẽ luôn luôn ở trong cái trạng thái bất động.

Bởi vì trạng thái bất động là trạng thái Niết Bàn thì người ấy khi mà đã bỏ hết sống một đời sống xuất gia thì chỉ còn sống độc cư trọn vẹn có một mình mình mình mà thôi, không nói chuyện với một người nào khác. Cho nên phải lập hành trọn vẹn ăn thì ngày một bữa không được ăn phi thời.

Còn quý vị phật tử đang còn trong gia duyên thì ăn một ngày ba bữa hoặc hai bữa để lao động để làm nuôi con mình, để giúp đỡ gia đình mình chứ không thể ăn ngày một bữa. Còn những người xuất gia thì không nên ăn nhiều bữa mà chỉ ăn có một bữa. Bởi vì mình xuất gia mình không làm ra hạt cơm mà mình ăn nhiều là phí của đàn na thí chủ. Cho nên quý thầy mà ăn hai ba bữa thân mập như thế này tội lỗi, mang nợ đàn na thí chủ trả mãi không hết.

Cho nên một người xuất gia thì ăn ngày một bữa không được ăn phi thời và ngủ không được phi thời phải có phương pháp phá hôn trầm, thùy miên, ngồi suốt ngày đêm không có buồn ngủ thì người ấy mới thật sự là người giải thoát.

(21:38) Còn hôn trầm, thùy miên là người ấy không bao giờ tu giải thoát được. Ngồi mà cứ gục lên gục xuống làm sao mà giải thoát được. Vì vậy khi mà ăn không phi thời, ngủ không phi thời thì phải giữ gìn tâm không phóng dật, mà giữ gìn tâm không phóng dật thì phải sống độc cư không được được nói chuyện với bất cứ một người nào, phải giữ trọn vẹn ở trong một cái chiếc thất có một mình gọi là nhập thất, thì người ấy mới có thể bảo vệ và giữ gìn chứng đạo phương pháp tu tập hẳn hoi.

Tu tập đúng cách thì tâm chúng ta sẽ bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là trạng thái chứng đạo của một người tu, như bây giờ trạng thái chứng đạo mọi người phật tử chúng ta đều có.

Bởi vì chân lý của đạo Phật là sự thật, chân lý là sự thật. Đức Phật dạy cho năm anh em Kiều Trần Như là bốn chân lý, bài kinh gọi là Tứ Diệu Đế. Khổ con người chúng ta ai cũng có, sanh ra làm người ai cũng có khổ, không có người nào là không khổ cho nên đó là một chân lý của loài người. Tập là cái nguyên nhân sanh ra đau khổ thì đức Phật nói đó là do lòng ham muốn của con người.

Vậy con người có người nào không ham muốn, trừ ra có đức Phật mới không ham muốn. Cho nên chúng ta có ham muốn vì vậy đó là nguyên nhân sanh ra sự đau khổ. Xác định quá rõ ràng cụ thể đó là hai chân lý. Và chân lý thứ ba là Diệt Đế. Diệt Đế đức Phật dạy: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự”.

(23:55) Vậy thì bây giờ quý phật tử có được chứ không phải có người nào không có nhận được tâm đó. Chúng ta ngồi lại chúng ta thấy tâm bất động nghĩa là tâm không nghĩ ngợi một điều gì đó là bất động. Ai ở bên ngoài la hét, chúng ta không lưu ý có nghe la hét chứ không phải không, nhưng không lưu ý, đó là tâm bất động. Và nhìn lại tâm coi bất động như thế nào thì tâm thanh thản phải không?

Và ngồi đây thân chúng ta ngồi đây không đau nhức không mệt mỏi thì đó là an lạc. Tâm thanh thản, an lạc, thân tâm chúng ta hiện giờ qúy vị ngồi lại nghiệm coi có không, có nhưng nó chỉ có một chút xíu à, cao lắm là được năm phút, còn tệ lắm là chưa được nửa phút là có một niệm khởi trong đầu chúng ta. Mà khi một niệm khởi thì làm sao chúng ta gọi là tâm thanh thản.

Quý vị ai cũng có, mà chúng ta biết chúng ta có thì chúng ta phải biết cách thức để bảo vệ giữ gìn cái chân lý đó. Mà khi bảo vệ giữ gìn mà chúng ta sống được với nó thì lúc nào ngồi lại cũng thanh thản, an lạc, vô sự thì đó là chứng đạo, chứ không phải chứng đạo là phóng hào quang, ánh sáng, tàng hình, biến hóa như người ta tưởng tượng của một vị Phật không phải.

5- KHÔNG CÓ THẾ GIỚI SIÊU HÌNH THẦN THÁNH, MA QUỶ

(25:14) Người ta nghe nói đức Phật trước giờ chứng đạo thì ma vương đến quậy phá điều này thế kia. Chúng ta thấy ma vương đây không ngoài thân tâm chúng ta, một cơn đau của chúng ta cũng là ma vương chứ. Khi ngồi đây mà đau bụng quá ngồi tu không được thì không phải ma vương đang làm khổ chúng ta sao.

Cho nên nói ma vương có nghĩa là nói những gì trong thân tâm chúng ta đang làm cho chúng ta mất cái trạng thái thanh thản, an lạc, vô sự. Bây giờ ngồi đây có một niệm khởi ra thì đó là ma vương chứ gì, nó làm cho chúng ta mất trạng thái thanh thản. Ngồi đây mà thân đau nhức chỗ này chỗ kia đó là ma vương hiện ra làm chúng ta mất an lạc nó rõ ràng, cho nên nói ma vương không có nghĩa có ma hiện ra làm thế này, thế khác.

Ở đây đức Phật nói không có linh hồn, không có thế giới siêu hình thì làm sao có thế giới ma. Khi chứng đạo đức Phật đã dập phá tất cả ba mươi ba cõi trời. Đức Phật nói: “ba mươi ba cõi trời là cõi tưởng tri, chứ không phải là liễu tri” làm cho ngoại đạo như là giọng đầu xuống đất.

Từ xưa đến giờ tất cả các cái tôn giáo người ta dựng lại cái thế giới siêu hình: có trời, có Phật, có Thánh, có Thần, có ma, có quỷ. Thế mà đức Phật nói ba mươi ba cõi đó không có là tưởng của mấy ông chứ không có thật. Thế rồi thậm chí ngay cả thân chúng ta đức Phật cũng xác định không có linh hồn.

Vậy mà từ xưa đến giờ truyền thừa với nhau là linh hồn đi đầu thai, chết rồi linh hồn còn ở lại nên cầu, nên chúng ta lo lắng cầu siêu để cho linh hồn được bớt tội, nên mới có hình ảnh của Địa Tạng Vương Bồ Tát để cứu khổ những linh hồn đang còn ở địa ngục, điều đó là điều tưởng tưởng của chúng ta.

Không có linh hồn thì làm sao có Địa Tạng mà cứu linh hồn nơi địa ngục. Đó là những tưởng tượng của kinh sách của người, của các ngoại đạo đã lầm vào thêm Phật giáo chứ sự thật không đúng. Đạo Phật đã định không có cõi trời, không có linh hồn, thì có đâu mà lại bốn ngày làm tuần, làm tự, có đâu lại cầu siêu, cầu an.

6- TỪ TRƯỜNG THIỆN ÁC TRONG KHÔNG GIAN

(27:49) Cho nên đạo Phật đi vào con đường khoa học, khi một người sống nói điều này thế kia hoặc đang ngồi đây đều có từ trường phóng ra, từ trường đâu phải là linh hồn, một danh từ từ trường thì đó là danh từ của khoa học. Chúng ta Thầy đem một cái ví dụ: một thanh nam châm và một thanh sắt thì chúng ta sẽ thấy nam châm nó sẽ hút cái thanh sắt. Cái từ trường mà hút thanh sắt đó là từ trường.

Chúng ta vô hình nhìn không thấy nhưng mà có lực hút rất mạnh. Thầy nói những cái cần cẩu người ta dùng nam châm điện, thì người ta móc một cái kiện hàng rất lớn thì người ta chỉ cần cho một dòng điện vào một cái thanh sắt nó trở thành một cái nam châm điện một kiện hàng rất lớn nó sẽ hút rất là chặt.

Do đó cái cần cẩu đó mới từ ở dưới xe tải nó mới lôi cái kiện hàng đó lên cao và để vào tàu, hoặc từ ở dưới tàu biển nó lôi cái kiện hàng đó để lên xe tải rồi từ đó xe tải chở đi, chứ không ai vác một cái kiện hàng như cả một cái xe hơi hoặc cả một cái vật gì trong đó rất nặng. Chỉ có nam châm điện tức là có nam châm điện nó làm việc đó được.

Vậy thì cái sức hút, cái sức hút đó là cái từ trường, vậy từ trường đó rất mạnh chứ đâu phải yếu. Chúng ta ngồi đây chúng ta nói một lời nói, chúng ta tức giận, chúng ta la một tiếng, chúng ta đưa tay đánh người thì những cái hành động đó đều phóng xuất ra từ trường. Cho nên chúng ta nên nhớ rằng xung quanh chúng ta toàn là từ trường.

Vì vậy mà khéo léo những từ trường đó, một cơn sân chúng ta phóng xuất ra từ trường, từ trường đó tương ưng sẽ sanh làm một con người, một con vật hung dữ. Chúng ta vẫn còn sống, vẫn có sự tái sanh. Một cái cây xoài ra trái mà nó đâu những ra trái có một trái đâu, một con người là một cây xoài, nhân mà thì nó phải ra quả chứ sao.

(29:53) Hàng ngày chúng ta giận bao nhiêu là nó ra bao nhiêu quả sân, hàng ngày chúng ta phiền não bao nhiêu là nó sanh ra bao nhiêu quả phiền não. Chứ đâu phải rồi đợi chúng ta chết rồi mới đi sanh sao? Quý vị nói nhân quả nhìn cây xoài có phải là nhân quả không? Cây xoài còn sống mà bao nhiêu hạt và lên bao nhiêu cây, thì chúng ta vẫn còn sống vẫn còn sanh ra biết bao nhiêu người.

Do hành động thiện thì sanh những người lành, mà hành động ác thì sanh những người dữ, và nếu ác hơn nữa và ác độc hơn nữa, thì những từ trường của chúng ta sanh ra những cái loài vật khác. Cầm dao cắt cổ con gà, tưởng là cái hành động cầm dao cắt cổ con gà là xong sao, là để chờ chúng ta trả cái quả đau chừng cổ chứ sao. Còn hành động cầm dao cắt cổ con gà, con gà vừa chết thì hành động của chúng ta cũng tái sanh làm một con gà.

Do ai mới có con gà bị cắt cổ hôm nay? Do chúng ta. Cho nên nhân quả mà, để rồi con gà đó phải chịu người ta cắt cổ lại. Cái hành động ác của chúng ta phải trở thành một con gà để trở thành một con gà người khác cắt cổ lại. Mỗi lần con vật bị cắt cổ như vậy có đau đớn không quý vị? Đau đớn lắm!

7- NĂM ĐIỀU LÀNH ĐEM LẠI HẠNH PHÚC CHO CON NGƯỜI

(31:07) Cho nên hôm nay nói về nhân quả thì chúng ta phải hiểu về nhân quả rất rõ ràng để chúng ta học theo Phật giáo sống trong năm điều lành tức là năm giới của đạo Phật. Giới thứ nhất: không nên sát sanh. Giới thứ hai: không nên trộm cắp. Giới thứ ba: không nên tà dâm. Giới thứ tư: không nên vọng ngữ không nên nói dối. Giới thứ năm: không nên uống rượu, hút thuốc lá, thuốc phiện.

Quý vị thấy tất cả những cái giới đó giúp cho chúng ta hoàn toàn đem lại hạnh phúc cho bản thân và gia đình chúng ta cũng như những người xung quanh chúng ta. Đó là những cái giới luật đạo đức rất tuyệt vời. Là phật tử thì người nào đến thọ Tam quy thì đều là thọ Ngũ giới. Nhưng thọ là có thọ chứ năm giới thì chỉ sống hoặc một, hai giới còn bao nhiêu đều vi phạm.

Cho nên ráng cố gắng, đạo Phật là đạo của con người, là đạo đem lại hạnh phúc cho con người. Những gì đức Phật dạy chúng ta hãy ráng khắc phục mình, sống đúng những điều đức Phật dạy thì chúng ta tự mình đã đem lại hạnh phúc cho chính mình.

8- THIỀN ĐỊNH CỦA ĐẠO PHẬT

(32:11) Còn những người xuất gia tu hành để đạt được chứng đạo thì điều đó là phải bỏ hết, sắp xếp gia đình yên ổn, rồi mới theo một nơi nào đó. Chứ đến một ngôi chùa mà cúng bái tụng niệm thì vị sư đó cũng chỉ là một cái người bình thường mà thôi, không giải thoát được chút nào cả.

Quý vị thấy người ta xưng là thiền đường, dạy người tu thiền đường, dạy người tu thiền mà thiền gì mà người hướng dẫn dạy thiền lại đi nằm nhà thương bệnh viện. Thiền Định đâu có đau bệnh mà tại sao dạy thiền mà mình bệnh đau. Vậy thì gương hạnh đó làm sao người ta tin được mà người ta theo tu Thiền Định. Đây Thầy nhắc lại ngày xưa Hoà Thượng Như Luật dạy chúng ta tu thiền Công Án, Tham Thoại Đầu. Thế mà tai nạn giao thông xảy ra Ngài chết mà Ngài không biết.

Thiền là tâm phải thanh tịnh, tâm thanh tịnh trong như nước hồ, mọi vật đều hiện trong đáy hồ đều thấy rất rõ, tâm chúng ta thanh tịnh mà. Thiền là nhất tâm thanh tịnh vậy thì tai nạn giao thông sẽ hiện ra. Ngày mai này, giờ đó, tại ngã tư, tại chỗ nào đó tai nạn sẽ xảy ra đem đến đau khổ.

Thì cho nên người ta không gạt được mình, nhưng tại vì mình không sáng suốt. Thiền là sự thanh tịnh, nói Thiền Định là nói tâm thanh tịnh, mà mình dạy thiền cho người khác là tâm mình phải thanh tịnh, chứ tâm mình còn đục tức là còn tham, sân, si thì làm sao gọi là thiền.

(33:50) Con cứ ngồi xuống đi con, không có gì đâu, các con cứ ngồi ghế hết, các con xá Thầy thôi con, mấy con xá Thầy, mấy con ngồi ghế nghe Thầy nói để về mấy con tu tập là quý nhất mấy con. Các con cứ có ghế mấy con cứ kéo ghế ngồi đi con, rồi Thầy sẽ dạy mấy con rồi Thầy còn về. Lẽ ra thì mấy con còn hỏi Thầy những câu hỏi, nhưng vì Thầy rất bận có nhiều đoàn khách từ đoàn phật tử này đến đoàn phật tử khác họ về thăm Thầy.

Cho nên sáng sớm thầy nghe cô Út đến nói thôi Thầy nói để đến đây Thầy thăm mấy con, để thứ nhất là mấy con biết Thầy, sau đó Thầy giảng dạy cho mấy con những điều cần thiết để mấy con biết để tập, để tập luyện, để mấy con đỡ những nỗi đau khổ của mấy con.

Cho nên ở đây khi mà nói đến Thiền Định là nói đến tâm thanh tịnh, thì tâm thanh tịnh là như nước mặt hồ trong veo cho nên những gì dưới đáy hồ đều thấy tất cả. Vì thế mà người nói tu thiền là người gạn lọc tâm tham, sân, si của mình.

Hầu hết quý phật tử các con tại sao cách vách nhìn ra ngoài không thấy bên ngoài được, sau lưng không thấy vật gì sau lưng được, mà một người tu thiền cách núi, cách sông, cách vách, người ta ngồi lại một chỗ này mà người ta hiểu biết bên ngoài tất cả rõ ràng. Tại vì tâm người ta nó trong, nó thanh tịnh, nó trong nên tất cả những gì ngăn sông, cách núi đều hiện trên tâm của họ hết, khi họ muốn biết là họ biết.

Như sau lưng Thầy có ai ngồi, có ai nghe lén, có ai làm gì phía sau, Thầy ngồi nhìn mấy con, Thầy không cần phải quay mắt nhìn lại sau lưng nhưng Thầy vẫn biết. Đó là cái tâm thanh tịnh của Thầy, nó hiện ra tất cả những gì xung quanh khi Thầy muốn biết điều đó. Còn Thầy không muốn biết thì nó vẫn bình thường như mọi khi, thì các con thấy tu hành nó có lợi ích rất lớn.

Cho nên nói Thiền Định tức là nói tâm thanh tịnh, mà khi tâm thanh tịnh, bất động rồi thì không có bệnh tật nào xen vô cái thân tâm của người đó được.

(36:09) Cũng như bây giờ Thầy dạy mấy con: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Mấy con nương vào hơi thở hít vô, thở ra năm hơi thở rồi tác ý. Có nghĩa dạy mấy con nhiếp tâm trong hơi thở và an trú tâm trong hơi thở và khi mấy con nhiếp tâm an trú được ba mươi phút bệnh đau mấy con còn đẩy lui được huống hồ là người ta sống trong cái tâm bất động của người ta làm sao có bệnh đau tác động được.

Cho nên cái tâm thanh tịnh thì không có bệnh tật gì xen vào đó được, cho nên đó gọi là tâm vô lậu, tâm vô lậu có nghĩa là tâm không còn đau khổ, nghĩa là không có cái gì mà làm đau khổ được trong tâm đó. Chỉ chúng ta còn lậu hoặc, tâm chúng ta còn tham, sân, si cho nên chúng ta còn đau khổ. Còn cái tâm vô lậu có nghĩa là tâm không còn tham, sân, si.

Mục đích của đạo Phật ra đời dạy chúng ta không còn tham, sân, si. Cho nên nói Thiền Định của Phật là nói tâm không còn tham, sân, si. Cho nên chúng ta sáng suốt một chút xíu thì chúng ta nhận thấy cái pháp đó dạy chúng ta tu tập vậy có làm cho tâm chúng ta thanh tịnh hết tham, sân, si không?

Ví dụ một người kinh sách như kinh sách niệm Tịnh Độ dạy chúng ta niệm Phật Di Đà, dạy chúng ta bảy ngày đêm chuyên niệm Phật Di Đà hoặc là lời phát nguyện của đức Phật Di Đà: “Thiện nam tín nữ các người chí thành tưởng Phật niệm mười tiếng ra, ta không rước ở nước ta, thệ không làm Phật chắc đà không sai.”, lời nói ấy có đúng không quý vị? Thử quý vị niệm mười tiếng, mười câu Phật “Nam Mô A Di Đà Phật, Nam Mô A Di Đà Phật” mười tiếng như vậy tâm quý vị hết tham, sân, si chưa?

(38:18) Mà nếu chưa hết thì đức Phật Di Đà sẽ hứa rằng sẽ rước quý vị về cõi Cực Lạc Tây Phương. Thì phỏng chừng tâm chưa hết tham, sân, si thì quý vị về cảnh Cực Lạc Tây Phương thì cảnh Cực Lạc Tây Phương sẽ là địa ngục của quý vị. Nó đâu là cõi Cực Lạc nữa vì chúng ta còn tham, sân, si là vượt lên trên cảnh đó, chúng ta vẫn còn tranh giành, các con hiểu lời nói đó có đúng không?

Không lẽ một đức Phật mà hứa một lời nói như vậy sao? Chỉ có chúng ta tưởng tượng mà viết ra mà thôi. Vừa niệm mười tiếng ra ta không rước ở nước ta, thể không làm Phật chắc đà không sai. Lời nói hứa quá chắc chắn làm chúng ta ham thích mà còn bảo rằng cái pháp môn niệm Phật, phương pháp niệm Phật là phương pháp đối với cái người trong thời đại chúng ta là hợp nhất, dễ tu nhất.

Bởi vì niệm Phật có gì đâu khó, nhưng mà có ai mà được hết tham, sân, si chưa? Nếu chúng ta niệm Phật mà hết tham, sân, si thì quá tốt. Hay là đang ngồi lần chuỗi niệm Phật mà con cháu cãi cọ thì nói: “Nếu mà tao không niệm Phật thì tui bay chết à” thì như vậy có đúng câu niệm Phật không.

Cho nên ở đây chúng ta tu theo đạo Phật phải biết pháp nào của Phật dạy mà pháp nào của ngoại đạo dạy. Hiện giờ chùa biến thành những chùa của ngoại đạo đến đó cầu an, cầu siêu. Trong khi đức Phật nói: “không có linh hồn”, trong khi đức Phật nói: “tự thắp đuốc lên mà đi”, bây giờ lại cầu Phật phù hộ cho mình được bình an thì làm sao có được những điều này.

(40:04) Rồi chúng ta lại đẻ thêm một đức Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn. Bây giờ ông Phật Thích Ca cứu khổ, cứu nạn đã không đỡ rồi, lại biến ra một đức Phật Quan Âm cứu khổ, cứu nạn. Cho nên thường dựng lên cái tượng của người phụ nữ, Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ cứu nạn có không?

Quý vị thường đến chùa có đến tượng Phật Quan Thế Âm Bồ Tát khi gia đình mình có bệnh đau, tai nạn thì cứ lạy rồi cầu à, bắt đầu đức Phật Bồ Tát Quan Thế Âm Bồ Tát sẽ cứu khổ, cứu nạn mình mà. Trong khi con mình đi ăn trộm, ăn cắp bị công an bắt bỏ tù cũng lại: “Nam mô Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn cho con tôi thoát khỏi tù tội” thì như vậy xã hội chúng ta làm sao đây?

Người nào cũng ăn trộm, ăn cắp hết thì có Phật Quan Thế Âm Bồ Tát cứu khổ, cứu nạn chứ gì? Một niềm tin sai, một niềm tin làm cho đạo đức mất hết. Cho nên tất cả những này Thầy mạnh dạn đập phá tất cả những sai này, không thể có một vị Bồ Tát, có một vị Phật đi cứu khổ như vậy được.

9- LỚP HỌC ĐẠO ĐỨC NHÂN BẢN NHÂN QUẢ

(41:12) Đạo đức là đạo đức, không đạo đức là phải thọ lấy cái nhân quả do mình làm. Một người bị trộm cắp cướp của, người ta mất của người ta không đau khổ sao. Mà đạo Phật có đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Tại sao chúng ta không học đạo đức đó, đạo đức đó đâu có gì khó khăn.

Một người phật tử người nào cũng biết hết, đó là năm giới luật của Phật, thọ Tam Quy Ngũ Giới. Nhưng mà người ta lại dạy giới cấm mà người ta không dạy đức giới cho chúng ta hiểu. Thầy bây giờ Thầy nói về đức giới và cái giới cấm cấm không cho giết hại chúng sanh. Vậy mà chúng ta thọ giới rồi cũng vẫn về giết hại chúng sanh ăn thịt thì có đúng không?

Giới cấm không giết hại chúng sanh là dạy chúng ta Đức Hiếu Sinh, lòng thương yêu. Quý phật tử có đọc sách giáo án mà tu học đạo đức hiếu sinh từ tập một, tập hai, tập ba. Thầy có nêu lên một câu chuyện một cậu bé đi học trễ do cậu trên đường đi học, cậu thấy những loài sâu nó bị ngập nước cho nên nó bò lên trên mặt đường lổm ngổm. Cậu đi học, cậu đi nhặt những con sâu đó để bỏ vào một nơi khác để tránh người ta đi giẫm đạp chết những con sâu tội nghiệp.

Lòng thương yêu của cậu chỉ có bấy nhiêu đó thôi mà cậu đi học trễ. Do đó cậu đến trường cô giáo mới gọi điện thoại báo cho mẹ cậu ờ cậu bé đi học trễ như vậy và đồng thời cậu sẽ bị phạt thì người mẹ nghe nói như vậy thôi. Rồi cậu chấp hành bị cô giáo phạt mình đi học trễ, rồi cậu về thì mẹ hỏi cậu: “Sao bữa nay con đi học trễ mà cô giáo gọi cho mẹ biết vậy con?”.

Thì cậu bé mới thuật lại cho mẹ: “Con đi trên đường thấy những con sâu nó bị ngập nước, nó bò lổm ngổm vì tối qua trời mưa như vậy, cho nên con thấy nó tội nghiệp quá mẹ, con mới bắt từng con sâu đó con bỏ vào một nơi khác để người ta đi người ta không giẫm đạp chết chúng tội nghiệp”. Bà mẹ nghe con mình nói như vậy bà ôm con bà, bà không quở trách nó lời nào cả. Với một lòng thương yêu của người mẹ có được đứa con rất là hãnh diện.

(43:32) Đó là đức hiếu sinh. Một cậu bé còn làm được công việc đó huống hồ là chúng ta. Thế mà người lớn chúng ta đi ngang qua vẫn thản nhiên mấy con, chưa hẳn chúng ta làm bằng một cậu bé. Người ta lấy một cậu bé, một cái cậu bé thơ ngây mà làm được cái hành động hiếu sinh, còn chúng ta là một người lớn chưa hẳn đã làm được.

Chúng ta có thể đi vô tình mà giẫm đạp lên loài kiến chết mà chúng ta không ngờ dưới bàn chân chúng ta biết bao nhiêu loài vật đang giãy giụa đau khổ. Đức Hiếu Sinh không cho phép chúng ta làm điều đó, cho nên vì vậy mỗi lần bước chân đi là chúng ta đã nhìn dưới cái bàn chân chúng ta để tránh giẫm đạp lên loài chúng sanh gọi là Đức Hiếu Sinh cẩn thận.

Một bộ sách đạo đức hiếu sinh ba tập mà Thầy đã viết có những mẩu chuyện nói lên lòng thương yêu. Đức Hiếu Sinh rất nhiều hành động thương yêu. Chúng ta thấy một ngôi nhà cháy có một em bé kẹt trong ngôi nhà kêu khóc. Mọi người rất thương yêu chạy đến mà chỉ đứng ngoài cửa kêu mọi người cứu mà thôi chứ không giám xông vào.

Chỉ có một người khác chạy đến đạp cửa lửa đang cháy, đạp cửa xông vào ôm đứa bé chạy ra, cả người đều bị phỏng lửa thì cái Đức Hiếu Sinh đó gọi là Đức Hiếu Sinh dũng cảm. Còn những người khác đứng ở ngoài mà la làng kêu cứu thì đó cũng là Hiếu Sinh nhưng không dũng cảm.

Cho nên bộ sách dạy chúng ta biết từng hành động hiếu sinh. Nếu chúng ta không học chắc chúng ta chỉ biết nói thương mà thôi, chứ hành động thương yêu chúng ta chưa thực hiện được. Nếu không học làm sao chúng ta biết, cũng như chúng ta không đến trường học thì hôm nay chúng ta đâu biết đọc chữ, viết chữ. Nếu chúng ta không học từ những trên lớp cao học làm sao chúng ta trở thành một bác sĩ, trở thành một luật sư, một kiến trúc thì đạo đức cũng vậy cũng phải học, cũng phải hiểu.

(45:28) Nhưng đạo đức học không phải học suông. Một ông thầy dạy đạo đức, dạy học trò đạo đức: “Các con phải giữ gìn môi trường sống đừng quăng rác làm ôi nhiễm, đừng bỏ giấy, bỏ những bọc ni lông dơ bẩn, phải gom góp bỏ vào thùng rác”. Nhưng ông thầy chỉ đi ra kia, chỉ ném cái tàn thuốc xuống đường, thì như vậy ông thầy dạy đạo đức có đúng không? Dạy học trò mình thì gom rác bỏ vào thùng rác mà ông trò, ông thầy thì không bỏ điếu thuốc vào thùng rác lại ném dưới chân ở dưới đường thì như vậy có đúng không?

Một người, một đứa cháu ở ngoại quốc về thăm Việt Nam, một người cậu dẫn cháu mình đi thăm thành phố Hồ Chí Minh thì mua kẹo cho đứa cháu ăn. Lúc bấy giờ thằng bé nó chỉ gỡ cái kẹo nó ăn rồi nó cầm cái miếng giấy nó không bỏ. Người cậu thấy vậy mới bảo: “Cháu bỏ miếng giấy đi chứ cầm miếng giấy làm cái gì?”, “Cháu đi tìm cái thùng rác để bỏ nó cậu.” Một đứa bé nó dạy cái bài học cho người cậu nó.

Các con thấy thấm thía những câu chuyện thật mấy con, báo chí đăng mà, đó là câu chuyện thật. Chúng ta thấy chúng ta chưa có vệ sinh đâu mấy con. Một bảng đề văn ấp văn hóa nhưng mà dưới chân bảng các con biết bọc nilon rác rến dơ bẩn đầy dưới chân. Mình nói văn hoá mà mình không thực hành được văn hóa nữa, đó là cái đạo đức mà.

Cho nên đạo đức dạy bằng hành động chứ không thể đạo đức dạy bằng lời nói suông. Trước kia Thầy có mở một cái lớp học Chánh kiến dạy Đạo Đức Hiếu Sinh ba tháng nhưng không đủ duyên cho nên Thầy đóng cửa.

(47:26) Thầy tiếp tục dạy đạo đức ly tham, dạy đạo đức chung thủy, tức là giới luật của Phật cấm không tà dâm đó. Nó là đạo đức chung thủy dạy người ta biết chung thủy với nhau, đối xử với nhau không có còn tà dâm. Những người chồng không có nhìn người phụ nữ khác ngoài người vợ của mình, và người vợ cũng vậy. Để tạo cho gia đình mình hạnh phúc các con, nhưng không đủ duyên, có một mình Thầy chạy đông chạy tây làm sao dạy được mấy con.

Cho nên Thầy quyết định phải đào tạo một lớp đứng lớp giảng dạy, đào tạo một số người tu làm chủ được như Thầy. Rồi người ta sẽ đến lớp dạy gọi là thân giáo, thuyết giáo chứ không phải ông thầy dạy vệ sinh cho học trò mà ném tàn thuốc ở ngoài đường, không phải dạy kiểu đó. Mà dạy bằng hành động thì như vậy đạo đức mới có giá trị, Thiền Định mới có giá trị mấy con.

Đó là những điều cần thiết mà sau này Thầy mong rằng Tu Viện Chơn Như sẽ không còn sóng gió được bình an. Và những lớp học ấy sẽ được mở ra và sẽ chiêu sinh tất cả quý phật tử trong khắp nước cũng như ở nước ngoài đều về học ba tháng, sáu tháng, một năm.

Bữa nay vị Thầy này đến dạy môn đạo đức hiếu sinh, ngày mai có một vị Thầy khác đến dạy Đức Ly Tham, bữa kia có một vị Thầy khác đến dạy Đức Chung Thủy, rồi đến vị Thầy khác dạy Đức Thành Thật, và có một Thầy khác dạy Đức Minh Mẫn, và tất cả mọi Thầy đều lãnh trách nhiệm mọi người dạy một môn học.

(49:24) Như vậy trong năm giới của đức Phật sẽ trở thành năm môn học đạo đức để giúp cho quý phật tử thông suốt đạo đức và mỗi bài học đạo đức xong thì chúng ta lại áp dụng hành động đạo đức đó ngay liền để chúng ta trở thành một thói quen đạo đức.

Có như vậy xã hội chúng ta sẽ đạo đức sẽ nâng lên và không còn xuống cấp, tệ nạn xã hội sẽ chấm dứt ngay liền không còn tệ nạn xã hội. Không còn giờ này mà có những người còn ngồi trong quán rượu nhâm nhi ly này đến ly khác, không còn hình ảnh ấy.Đó là sự ước ao của Thầy đến những lớp đạo đức được ra đời.

10- CHƯƠNG TRÌNH TU HỌC THEO TÁM LỚP CỦA ĐẠO PHẬT

(50:00) Còn những lớp Thiền Định còn xa lắm quý vị. Lớp đạo đức chưa xong mà tu Thiền Định gì! Cho nên ở đây chúng ta bắt đầu đi từ đạo đức để đi vào Thiền Định. Mà đạo đức là giới luật của Phật, giới tu tập chưa xong mà tu Thiền Định là tu gì, mà Thiền Định chưa đạt được mà gọi là tuệ là tuệ gì. Cho nên Giới - Định - Tuệ của đạo Phật là căn cứ rất rõ qua lời dạy của đức Phật để hướng dẫn tám lớp học rõ ràng.

Đạo Phật rất thực tế, khi dạy đạo là chỉ cho chúng ta chương trình giáo dục đào tạo của đạo Phật để đi đến một người tu tập được làm chủ sanh, già, bệnh, chết là phải qua tám lớp học: từ lớp Chánh Kiến cho đến Chánh Định là tám lớp. Nó là cái chương trình giáo dục đào tạo chứ không phải để tự mọi người tu chứng được.

Cũng như chúng ta để tự học để đỗ đạt bác sĩ, kỹ sư trên đại học hoặc là tiến sĩ thì không thể được, phải có những vị thầy dạy từ tiểu học, trung học rồi mới lên đại học. Mà mỗi lần như vậy đều phải tốt nghiệp, gạn lọc người nào có đủ khả năng mới cho lên, mà người nào chưa đủ khả năng thì ở lại.

Thì tu học cũng như vậy mấy con. Bây giờ mấy con không hết chưa hết hôn trầm thùy miên mà cho lên cái lớp tu Thiền Định thì tu Thiền Định gì được, ngồi cứ gục tới gục lui như thế này. Các con vô Thiền đường, các con thấy người ta ngồi hàng hàng. Mà để yên một lúc thấy nó gục lia gục lịa như gà mổ thóc. Vậy là Thiền Định chỗ nào được.

Trước khi muốn ngồi thiền thì phải phá cho sạch hôn trầm, thùy miên. Đó là cách thức tu tập chứ đâu phải là muốn ngồi thiền là vô ngồi thiền à, ngồi gì cái đầu lúc lắc như vậy mà ngồi thiền? Ngồi gì mà khọm lưng như ông già khọm? Ngồi gì mà cúi cổ như thế này? Ngồi thì phải thẳng thướp, ngay thẳng.

(52:22) Tất cả những cái này đều là những người hướng dẫn sai chưa biết căn bản của người ta ở chỗ nào, phải căn cứ vào giới luật của cái người mà sắp sửa vô Thiền Định. Chứ còn chưa căn cứ vào giới luật mà cho họ tu Thiền Định là mình hướng dẫn không biết cách.

Ở đâu đâu cũng mở Thiền Định cư sĩ của mấy con như thế này cũng cho vô ngồi thiền. Thiền gì được bao nhiêu công chuyện gia duyên có đâu mà tâm rỗng rang được mà ngồi thiền. Ngồi nghĩ niệm này, nghĩ niệm kia đủ thứ niệm trong đó mà Thiền Định gì. Mấy con tu tập như vậy là sai mấy con phải không?

Đến đây Thầy xin chấm dứt vì Thầy còn phải qua tiếp quý phật tử các đoàn phật tử đang chờ đợi Thầy, chờ có dịp khác Thầy sẽ gặp lại quý phật tử. Rồi những người nào quyết tâm tu thì chúng ta sắp xếp gia đình một tháng, hay hoặc một tuần lễ, hay hoặc là nửa tháng. Rồi quý vị về Tu Viện Chơn Như, nói cho cô Út biết rồi Thầy sẽ qua, Thầy hướng dẫn cách thức tu tập.

Rồi vào thất tu tập, rồi Thầy sẽ chỉ dạy cách thức cho cái người đi gác coi thử coi trong cái đó tu tập đúng hay là sai để giúp cho quý vị tu cho đạt được kết quả? Chớ nghe nói rồi tu tập nhiều khi bảo mình đi kinh hành thì mình đi Chánh Niệm Tỉnh Giác. Nó chưa đúng cách thì người ta phải sửa lại mình.

Hoặc đi pháp Thân Hành Niệm: giở gót lên, giở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống. Mà mình giở một cái dục như thế này thì đâu có được. Nhẹ nhàng, uyển chuyển từng hành động của chúng ta và sức tập trung như thế nào và hành động như thế nào để tập trung dễ dàng. Nhanh quá thì tập trung không kịp, chậm quá thì thừa, các con hiểu không?

Cho nên cái sự hướng dẫn cặn kẽ để chúng ta lấy cái thân hành chúng ta mà trở thành cái phương pháp diệt hôn trầm, diệt vọng tưởng. Chớ không phải chúng ta dùng một cái phương pháp để diệt cái ý thức của chúng ta thì sai, không đúng. Đến đây Thầy xin chấm dứt và xin chào quý phật tử.

HẾT BĂNG