20090128 - NĂM GIỚI - THIỆN PHÁP CỦA CON NGƯỜI
20090128 - NĂM GIỚI - THIỆN PHÁP CỦA CON NGƯỜI
20090128 -NĂM GIỚI
THIỆN PHÁP CỦA CON NGƯỜI
Trưởng lão Thích Thông Lạc
Người nghe: Phật tử
Thời gian: 28/01/2009
Thời lượng: [1:37:57]
1- TAM QUY NGŨ GIỚI
(00:00) Phật tử: Kính bạch Thầy! Hôm nay là ngày mùng Ba Tết Kỷ Sửu, chúng con đến đây cũng để chúc mừng năm mới, chúc tết Thầy. Cầu xin cho Thầy được dồi dào sức khỏe và luôn luôn thanh thản, an lạc, vô sự để dìu dắt chúng con trên con đường tu tập! Và cũng đầu năm, chúng con xin Thầy hoan hỉ cho con một vài bài pháp thoại để chúng con lãnh giáo!
Trưởng lão: Cảm ơn mấy con! Nhưng một cái điều mà Thầy từng ao ước là các con được hiểu được chánh pháp của Phật, được nghe lời giảng dạy của Thầy, các con hãy cố gắng hàng ngày mình tập, để mình xả được cái tâm của mình, để đem lại sự bình an cho mình. Hàng ngày nó có nhiều ác pháp tác động đến thân, tâm của mình, chỉ duy nhất là mấy con thấy tất cả các pháp đều là nhân quả, đều là nhân quả, để làm gì?
Bởi vì đời sống trong cuộc sống của mình hiện đang bị cái quy luật của nhân quả chi phối, nó chi phối tất cả, cả vũ trụ, thời tiết cũng đều do nhân quả. Nếu nơi đâu làm một điều ác, thì cái từ trường ác đó nó sẽ trở thành một cái điều chẳng may cho những người ở cái vùng đó.
Cho nên chúng ta hãy sống thiện, sống theo năm giới của Phật đã dạy, thì nơi đâu mà sống đúng Năm giới của Phật thì nơi đó sẽ được bình an. Cho nên đạo Phật mới dạy chúng ta năm giới, tức là năm cái đức nhân bản gốc thiện của con người, cho nên nếu mà ở đâu chúng ta sống được, sống đúng năm giới luật của Phật, nói năm giới chứ sự thực nó là năm cái đức hạnh.
Đức thứ nhất đó là Đức Hiếu Sinh: Cái lòng thương yêu của chúng ta đối với bản thân mình, với mọi người và tất cả các loài vật.
Đức thứ hai là Đức Ly Tham: Do cái lòng tham lam, ham muốn mà mình thường tạo cho mình khổ, và người khác khổ. Cho nên đức thứ hai là Đức Ly Tham.
Đức thứ ba là Đức Chung Thủy: Ở đời thì ai cũng phải lập gia đình, có vợ có chồng, thì đừng có, tâm mình đừng có nghĩ đến người khác, mà chỉ nghĩ đến người vợ hoặc người chồng của mình thôi, đừng có nghĩ qua người khác để rồi tạo cái cảnh gia đình của mình bất an, hay hoặc là những bạo lực, ghen tuông trong nhà, làm cho cuộc đời, cuộc sống của chúng ta khổ, và gia đình chúng ta khổ.
Đức thứ tư đó là Thành Thật: Nếu chúng ta không khéo nói một lời nói không thật, thì tự chúng ta đã làm mất uy tín, không còn ai tin tưởng mình, cho nên rất là quan trọng. Người ta có tin tưởng mình, thì người ta mới giao những trọng trách quan trọng cho mình, người ta không tin tưởng mình, thì luôn luôn người ta nghi ngờ mình, coi như là người ta bỏ ra ngoài cuộc sống của người ta, cho nên vì vậy mà cố gắng thành thật. Có mình nói có, không mình nói không, đó là Đức Thành Thật.
Đức Minh Mẫn: Là phải sáng suốt, vì chúng ta biết như rượu, thuốc lá, những chất nghiện ngập làm cho chúng ta đau khổ, bệnh tật, thì chúng ta không nên uống, không nên hút thuốc lá, không nên nghiện ngập những thứ mà làm cho chúng ta bị bệnh ghiền. Mà do đó giới luật của Phật dạy không chỉ riêng mà dạy chúng ta đừng nên uống rượu mà tất cả những thứ nghiện ngập cũng nên tránh, để đem lại sự bình an cho bản thân của mình và gia đình của mình.
Một người nghiện rượu thì họ không còn sáng suốt, cho nên tinh thần của họ bị căng thẳng vì chất rượu, cho nên họ la lối, hoặc là dùng những lời thô lỗ, đánh đập, thành ra một cái đau khổ cho chính bản thân mình và cũng nhiều người khác. Cho nên chúng ta nên cần nên tránh những cái thứ độc đó, nó nghiện ngập nó làm chúng ta trở thành những người nghiện ngập, không tốt.
(04:28) Cho nên năm giới của đức Phật là năm điều rất cần thiết cho đời sống của mỗi con người. Chúng ta phải cố gắng khắc phục. Đầu năm Thầy chỉ ước mong sao quý Phật tử hãy cố gắng thực hiện được năm cái giới luật đức hạnh.
Như mình không đến với Phật giáo mà thôi, mà đã đến với Phật giáo là quy y Tam Bảo: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
Quy y Phật: Là mình học những cái hạnh mà đức Phật đã sống, để mình sống như Phật.
Quy y Pháp: Là mình học năm giới để mình sống đúng năm giới để đem lại hạnh phúc cho mình, cho mọi người xung quanh, cho các loài vật sống xung quanh mình.
Quy y Tăng: Là nương theo một vị Tăng có giới luật, để khi chúng ta cần thưa hỏi một điều gì, thì cái gương hạnh giới luật của người, và những đức hạnh của người, người sẽ nói là người đã làm được. Còn có nhiều vị Tăng giới luật không nghiêm chỉnh mà chúng ta nương theo, thì các vị ấy có thể làm biến thái những giới luật.
Ví dụ như giới không uống rượu thì các vị dạy chúng ta có uống rượu, nhưng đừng uống say. Thực sự Phật không dạy điều đó, mà dạy chúng ta không nên uống rượu, chứ không phải dạy chúng ta uống rượu mà uống đừng say. Thì cái điều đó là điều người ta chế ra, để người ta làm sai lệch cái giới luật của Phật.
Cũng như người ta chế ra để mà dạy chúng ta ăn uống phi thời, thì người ta nói ở trong kinh sách Đại Thừa dạy: “Phật ăn giờ ngọ” tức là Phật ăn vào đúng bữa trưa, “chúng sanh ăn sau giờ ngọ, và ngạ quỷ ăn đêm”, nghĩa là chúng ta ăn đừng ăn đêm thôi, nhưng khi ăn đêm thì đó là ngạ quỷ. Nhưng sự thật ra thì người ta dạy như vậy để người ta ăn phi thời, chứ không có giữ đúng giới luật của Phật, người ta còn bẻ vụn giới nhiều hình thức khác nữa mấy con.
2- GIỚI KHÔNG SÁT SANH - ĐỨC HIẾU SINH
(06:47) Cho nên vì vậy mà mấy giới luật thì chúng ta nên cố gắng giữ gìn trọn vẹn. Ví dụ như: Giới không sát sanh, người ta dạy mình giết tất cả chúng sanh đều được, nhưng mà đừng giết người, giết người là tội. Sự thật ra giết người thì pháp luật nhà nước sẽ bắt mình bỏ tù mình tức khắc và có thể kêu án tử hình, đó là cái pháp luật để bảo vệ sự sống của con người, mà chúng ta giết người thì chúng ta phải bị pháp luật của nhà nước trừng trị.
Còn giết con gà, con heo, con vật thì pháp luật của nhà nước không trị chúng ta, vì tất cả mọi người đều ăn thịt chúng sanh, nhưng đạo Phật thì cái giới mà cấm sát sanh, tức là không giết hại chúng sanh, tại vì chúng ta có cái đức cái lòng thương yêu, thương yêu sự sống của mình, và thương yêu sự sống của chúng sanh, mỗi loài vật đều có sự sống, mà sự sống thì rất bình đẳng với chúng ta.
Cho nên chúng ta nỡ lòng nào mà giết chúng, để rồi làm thực phẩm, để rồi ăn thịt chúng. Cho nên một cái người theo đạo Phật không có nghĩa lấy giới cấm để mà chúng ta ức chế tâm chúng ta, mà chúng ta phải thực hiện lòng thương yêu, khi lòng thương yêu chúng ta có, thì chúng ta ăn chay, chúng ta nói ráng để chịu vậy không, còn thèm. Cho nên có nhiều người ăn chay một thời gian, rồi lại thấy thèm thịt hoặc thèm cá, đó là vì chúng ta ức chế chứ chúng ta chưa có hiểu.
Vì vậy mà khi chúng ta hiểu được, hiểu được cái lòng thương yêu của chúng ta, chúng ta phát triển cái lòng thương yêu lớn lên. Cho nên vì vậy mà từng phút chúng ta đi, đứng, nằm, ngồi, hoặc làm tất cả những cái gì, chúng ta đều cẩn thận, tránh vì dưới đất của chúng ta có rất nhiều loài côn trùng, nhiều loài kiến, chúng ta vô tình, cũng làm chúng chết rất tội nghiệp.
Khi một con vật chết đi, nó cũng bỏ lại con nó, nó cũng bỏ lại chồng nó, nó cũng bỏ lại cha nó, thì rất tội! Chúng ta xét thấy khi chúng ta có gia đình, thì có vợ, có chồng, có cha mẹ, mà lỡ có người mất thì chúng ta còn đau khổ, huống hồ loài vật nó cũng có cha, có mẹ, có con cái, mà khi nó bị chết, bị mất vì sự vô tình của chúng ta, hay sự cố ý, nó cũng đau khổ lắm chứ, nó cũng đau khổ lắm.
(09:00) Khi chúng ta nghĩ như vậy, tình thương chúng ta nó sẽ tăng dần lên, tăng dần lên. Cho nên chúng ta không nỡ lòng mà giết hại chúng sanh, chúng ta không nỡ lòng ăn thịt chúng sanh, do cái lòng thương yêu chúng ta, đó mới thực sự là chúng ta giữ giới không sát sanh. Chứ còn nếu chúng ta giữ giới không sát sanh, mà không có một sự hiểu biết sâu sắc với cái tình thương yêu như vậy, thì chúng ta bị ức chế, ức chế thì một ngày nào đó chúng ta không chịu nổi cái sự ức chế đó, thì chúng ta sẽ thèm thịt, chúng ta sẽ muốn ăn thịt.
Cho nên có một người nói với Thầy: “Con ăn chay nay được ba năm, mà sao hôm nay con thèm thịt quá”, thì đó là sự ức chế, không thực hiện được Đức Hiếu Sinh mấy con, chứ còn người ta thực hiện được Đức Hiếu Sinh thì người ta không thèm thịt nữa.
Có một vị Hòa thượng mà Thầy không nói tên, đến khi bệnh đau gần chết, tức là bị bán thân mấy con, nằm trên giường nhưng mà đến giờ hấp hối sắp chết rồi, vị Hòa thượng nói với đệ tử của mình, nói với các phật tử: “Hãy cho Thầy ăn một miếng thịt rồi Thầy chết mới yên, chứ không cho Thầy ăn miếng thịt, Thầy chết không yên”, thèm đến mức độ đó mấy con.
Mà từ nhỏ chí lớn đi tu, ăn chay trường ròng rã mấy con, nghĩa là giữ gìn rất là cẩn thận, mà đến cuối cùng còn bị cái nghiệp ăn thịt chúng sanh, nó còn đeo đẳng đến khi mà chết. Thì tất cả những công phu mà từ nhỏ chí lớn, một người khi vô chùa tu hành mà giữ gìn cho đến khi mình làm một vị Hòa thượng, có uy tín trong Giáo hội, chứ không phải là một vị Hòa thượng bình thường như chúng ta đâu.
Thế mà đến giờ phút chết không thắng nổi được, không chủ động nổi được, thì còn bảo các Phật tử, các đệ tử của mình: “Hãy cho Thầy ăn một miếng thịt để mà Thầy chết”, thì mấy con thấy cái nghiệp rất là nặng, chứ không phải nhẹ. Cho nên chúng ta phải học Phật pháp mà phải học đúng gốc.
Khi giới sát sanh không phải chúng ta do cái chỗ tu tập mà chúng ta giữ gìn ăn chay, mà chúng ta ăn chay với lòng thương yêu, thì nó mới thực hiện được Đức Hiếu Sinh, mới thực hiện được Giới luật nghiêm túc của đạo Phật, đó là những điều mà rất đơn giản, nhưng chúng ta không khéo thì chúng ta lại bị ức chế. Tu ức chế, ý thức không khỏi niệm, lọt tưởng. Tưởng uẩn giao cảm từ trường hoạt động không có không gian và thời gian. Không có linh hồn.
Cũng như quý Phật tử biết rằng, ai cũng biết ngồi để mà giữ cái tâm đừng khởi niệm. Đừng khởi niệm ai cũng biết cố gắng, nhưng niệm chúng ta vẫn có, nhưng khi chúng ta cố gắng dùng một cái phương pháp nào để mà chúng ta tu tập.
(11:35) Cũng như mình niệm Phật, cố gắng dùng câu niệm Phật để tăng ý thức của mình không khởi niệm, đó là cũng một phương pháp ức chế mấy con, rồi dùng một cái phương pháp như Tham Thoại Đầu, Công Án, hoặc là hơi thở để mình tập trung tâm chúng ta vào hơi thở, để giúp chúng ta không còn vọng tưởng, nhưng tu tập như vậy đều là sai hết mấy con, đều là sai hết. Khi mà hết vọng tưởng rồi, thì chúng ta bị lọt vào trong những trạng thái của tưởng.
Thứ nhất là khi không vọng tưởng thì chúng ta cảm thấy có một trạng thái khinh an, làm cho chúng ta thấy an ổn, rất an ổn, rồi nó có một niềm hoan hỷ, gọi là hỷ lạc. Nó xảy ra khi mà vọng tưởng không còn có, cái ức chế ý thức chúng ta không có, thì nó có những trạng thái khinh an, rồi hỷ lạc. Chúng ta tưởng đó là chúng ta đã đạt được thiền định, sự thật không phải, đó là tưởng xúc tưởng hỷ lạc, cái tưởng chúng ta xuất hiện ra.
Cho nên hầu hết mấy con thấy những người mà hiện giờ, mà chúng ta thấy những vị thầy mà làm phù thủy, lên đàn nhập cốt đều là do trạng thái ức chế ý thức, để rồi lạc vào tưởng thức, mới có trạng thái nhập cốt, mới có trạng thái lên đồng, mới có làm những thầy phù thủy.
Đó là những điều mà chúng ta tu sai để rồi dẫn dắt chúng ta đi đến cái hậu quả sau này, do cái nghiệp tu tập sai mà chúng ta sẽ trở thành những người làm đồng cốt, những người làm thầy phù thủy, thầy pháp, thầy bùa, thầy ngải, đều là tất cả những người đó đều là do một kiếp tu sai. Mà cái nghiệp được do tập sai đó, mà khi tái sanh làm người, khi họ trở thành con người, họ không có luyện tập nhưng trái lại họ làm được những điều đó mấy con.
Thí dụ các con cũng nghe, như thường nghe như cô Bích Hằng là cái người đi tìm hài cốt của liệt sĩ. Tại sao người ta cũng là con người như mình, nhưng người ta nhìn dưới lòng đất, người ta biết đây có hài cốt, người ta biết? Còn mình lại nhìn không thấy? Hoặc người ta nhìn lên bàn thờ, hoặc qua một cái nghĩa địa, người ta thấy được những cái linh hồn của những người chết ngồi ở trên đồng mả, ngồi trên mả, tại sao người ta thấy được? Còn mình lại thấy không được?
Cho nên vì vậy mà người ta xây dựng cái thế giới siêu hình có linh hồn. Tại vì có những người người ta thấy, có những người người ta nói rằng cái cô A cô B đó, mà chết nhập tui bây giờ tui nói lại sao nó đúng quá, cho nên người ta thấy dường như linh hồn cô này đã nhập.
(14:10) Các con, quý Phật tử đã có đọc cái bài viết của Giáo sư Trần Phương, ngài viết cái vấn đề ngài đi tìm hài cốt em của ngài. Thì trong khi cô Bích Hằng là một cái người, được ngài chọn để mà đi tìm hài cốt. Do đó thì cô Bích Hằng coi như là thấy linh hồn em của ngài về chỉ hài cốt chỗ này, chỗ kia, đến đâu đều đúng đó, chết cách nào nói rất đúng.
Cho nên Giáo sư Trần Phương rất tin tưởng, mặc dù là một cán bộ cộng sản cao cấp thế mà vẫn phải tin mấy con. Vì qua những hiện tượng siêu hình như vậy, làm sao người ta không tin có linh hồn, nhưng người ta không biết giải thích như thế nào để cho đúng.
Sự thật ra trong thân của chúng ta đức Phật đã dạy có 5 uẩn:
Cái uẩn thứ nhất là sắc uẩn: Sắc uẩn nó hoạt động là ý thức của chúng ta, nó có 6 cái thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý thức, sáu cái thức của chúng ta, cho nên nó thuộc về sắc uẩn mấy con. Vì vậy mà chúng ta hàng ngày mình sống thì chúng ta sử dụng sắc uẩn.
Cũng như bây giờ quý Phật tử, các con ngồi đây mà nghe Thầy nói chuyện, đó là quý vị dùng ý thức tức là sắc uẩn, khi quý vị nằm chiêm bao thì lúc bấy giờ cái ý thức của chúng ta hoàn toàn nó im lặng nó không có hoạt động cho nên chúng ta ngủ, mà khi ngủ thì chúng ta đâu còn biết gì, cho nên nó thực hiện qua cái giấc mộng của chúng ta, đó là tưởng thức hoạt động trong giấc mộng mấy con, đó là tưởng thức Phật giáo gọi là tưởng uẩn, đó là tưởng thức của chúng ta.
Chúng ta cũng nghĩ rằng đó là cái linh hồn chúng ta nằm chiêm bao, chứ không phải. Trong thân chúng ta nó có cái sắc uẩn, và cái tưởng uẩn, mà khi cái tưởng uẩn nó hoạt động, thì nó mặc dù hiện giờ nó đang ở Trảng Bàng, nhưng khi mà nó hoạt động thì có thể nó nằm mộng thấy nó ở Đà Lạt, hoặc là ở thành phố, hoặc là ở bất cứ một cái nơi đâu xa, nó vẫn tiếp nhận được cái hình ảnh đó. Đó là cái tưởng nó không có cái không gian.
Cho nên một cái người mà bị tưởng hoạt động, thì họ không có không gian đâu, họ không có cái thời gian, cho nên mặt đất không còn ngăn cách họ được. Còn cái thời gian đã qua, mà giao cảm được với cái sự xảy ra của những nạn nhân, của những người mà gặp những cái bất an, cho nên họ giao cảm được những cái từ trường đó họ nói ra, giống như cái linh hồn nhập chứ sự thật ra không có cái linh hồn nào nhập.
Cho nên đức Phật nói khi thân người đã chết thì năm uẩn hoàn toàn không có một uẩn nào còn, nó hoại diệt hoàn toàn, tức là không có cái linh hồn gì trong đó cả. Như vậy rõ ràng là đức Phật xác định rất cụ thể khi đức Phật tu chứng. Thì trong thời đức Phật các con cũng biết rằng tất cả các ngoại đạo, Lục Sư trong thời đó được xây dựng cái thế giới ba mươi ba cõi siêu hình, tức là ba mươi ba cõi Trời.
Sau khi tu chứng, đức Phật không thấy có một cõi nào khác hơn là cái tưởng của con người, cho nên đức Phật nói ba mươi ba cõi Trời là ba mươi ba cõi tưởng tri, chứ không phải là liễu tri, đức Phật đã xác định, mà trong khi đó ngoại đạo đang tôn thờ ba mươi ba cõi Trời, mà người ta cho người lúc bấy giờ, người ta cũng cho rằng loài người được sanh ra ở thế gian này từ cõi Trời Quan Âm Thiên mà từ đó sanh ra.
(17:42) Các con đọc lại kinh sách Đại thừa có phải vậy không? Nó là ở trong kinh sách Đại thừa còn ghi rất rõ ràng, nhưng mà đức Phật đã xác định không có ba mươi ba cõi Trời, thì làm sao có cõi Trời Quan Âm Thiên mà loài người từ đó sanh ra đây, không có.
Con người là pháp duyên hợp của môi trường sống. Sắc do tứ đại hợp thành. Con người là đức Phật đã xác định nó là duyên hợp trong cái môi trường sống thì nó có đủ bốn chất: Đất, Nước, Gió, Lửa, các con thấy rất rõ mà Đất, Nước, Gió, Lửa, mà khi Đất, Nước, Gió, Lửa nó hợp đúng duyên nó thì nó trở thành vạn vật trong đó có con người, do Đất, Nước, Gió, Lửa, mỗi thân chúng ta đều do Đất, Nước, Gió, Lửa.
Nhưng văn minh của Trung Quốc nó cho Ngũ Hành, Âm Dương Ngũ Hành, con người chúng ta có đủ Âm Dương Ngũ Hành. Nhưng Âm Dương nó thuộc về nhân quả của Phật giáo mấy con, bởi vì nếu không có Âm, không có Dương thì làm sao mà hợp duyên để sanh ra vạn vật.
Cho nên trong nhân quả cái quy luật của nhân quả nó hợp để nó tạo thành thì nó phải hợp bằng Âm Dương, ngày thì phải có đêm chứ, nam thì phải có nữ chứ. Mà nữ là Âm mà nam là Dương, ngày là Dương, mà đêm là Âm. Rõ ràng theo cái quy luật của nhân quả, thì Âm Dương của văn minh của Trung Quốc, của Đông phương của chúng ta, thì nó chỉ thấy Âm Dương là cái lực của Âm Dương thôi, rồi nó phân chia ra Ngũ Hành, trong thân chúng ta có Ngũ Hành, sự thật ra Ngũ Hành còn thiếu mấy con, bởi vì trong Ngũ Hành Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ có khí không? Nó không có.
Còn ở trong các con thấy này, ở trong Tứ Đại của đức Phật có đủ bốn chất: Đất, Nước, Gió, Lửa. Gió là khí đúng không. Trong thân chúng ta không có hơi thở sao, thế mà Ngũ Hành có hơi thở không? Không có nói. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, mà Kim, Mộc như chỉ là một thôi, bởi vì cây và sắt nó chỉ là chất đất mà thôi. Các con hiểu không? Thành ra gồm lại có ba chất, không đủ, có ba không đủ, còn đạo Phật đủ.
Như vậy văn minh của Trung Quốc là văn minh thiếu, mặc dù các hiền triết nói ra, nhưng mà các hiền triết còn chưa bằng đức Phật. Cho nên làm sao bằng cái văn minh của Ấn Độ. Ông Phật nói quá đúng.
Trong thân chúng ta mà văn minh của Trung Quốc cho có ba chất, thì như vậy chưa thành con người, mà dám khẳng định rằng là con người. Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ, và Âm Dương là một con người chứ gì? Sự thật ra văn minh Trung Quốc nói còn sai, so sánh chúng ta mới thấy một người tu chứng người ta thấy thấu triệt. Còn những nhà hiền triết như Khổng Tử, Lão Tử là những người chưa chứng, chưa chứng đạo, chưa toàn triệt cho nên nhìn thấy còn sai.
Cụ thể rõ ràng, không! Thầy đem so sánh để thấy, chúng ta thấy. Cho nên đức Phật dạy chúng ta để chúng ta biết rằng cái đúng của đức Phật nó rất đúng: Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là tâm vô lậu, chỗ đó không có đau khổ. Cái mục đích của người tu theo đạo Phật để chứng đạo, không phải chứng thần thông, phép tắc gì cả, mà sống được trong tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Đó là giải thoát, không còn đau khổ nữa.
3- CHÂN LÝ CỦA LOÀI NGƯỜI
(21:15) Mục đích chúng ta sinh ra làm người là khổ bởi vì chân lý của đạo Phật nói: Khổ, Tập, Diệt, Đạo. Con người sinh ra thì có bốn cái khổ, phải không? Bốn cái mà chúng ta đã thấy bốn cái chân lý của chúng ta.
“Khổ” là con người sinh ra ai cũng khổ. Nguyên nhân sinh ra đau khổ đó là gì? Đó là lòng ham muốn của chúng ta, có phải không? Nếu mà không có lòng ham muốn thì không khổ, còn có lòng ham muốn thì biết bao nhiêu sự đau khổ xoay xung quanh cái trục, cái nguyên nhân đó mà tạo chúng ta rất khổ.
Mà con người sinh ra có người nào không ham muốn, không dục? Có dục, từ dục mà sinh ra có phải không? Từ dục của Âm, Dương, của nam, nữ mà sinh ra thì phải có dục chứ làm sao chúng ta trốn thoát khỏi. Nếu chúng ta không dục thì chúng ta làm sao tương ưng được với cha mẹ, đang ở trong cha mẹ phải không? Vì vậy mà đức Phật dạy chúng ta ở trong cái trạng thái Tâm Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự thì trong đó không còn dục, mà không còn dục thì không tương ưng, mà không tương ưng thì không tái sanh, đó là chấm dứt tái sanh luân hồi.
Vậy thì chúng ta sanh làm người được duyên gặp được Chánh pháp của Phật, biết được chân lý giải thoát tức là “Diệt Đế”, là cái chân lý giải thoát đó là “Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc, Vô Sự”, còn “Đạo Đế” là con đường tu tập tám cái lớp học của đạo Phật gọi là “Bát Chánh Đạo”. Có phải không?
Trong tám cái lớp học từ Chánh Kiến đến Chánh Mạng là những cái lớp học Giới Luật, cho đến Chánh Tinh Tấn mới bắt đầu tu Tứ Chánh Cần, đến Chánh Niệm tức thực hiện được cái Tâm Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự, tức là giữ gìn bảo vệ cái chân lý đó là Tứ Niệm Xứ, tức là Chánh Niệm.
Khi Chánh Niệm thực hiện được cái tâm bất động, thì tâm bất động đó cái lực của cái tâm bất động vô lậu đó sẽ xuất hiện Tứ Thần Túc, bốn cái lực như thần, thì trong bốn cái lực như thần có Định Như Ý Túc, mà Định Như Ý Túc thì mới thực hiện được các Thiền Định.
Lúc bấy giờ có Định Như Ý Túc thì chúng ta mới nhập được Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ Thiền. Còn bây giờ chưa có Định Như Ý Túc mà ngồi thiền nhập định, thì chúng ta sẽ lọt vào tà thiền, tà định vì vậy mà hầu hết một số người đang tu tập thiền định đều lọt vào tà thiền, tà định.
Do đó có người tu một thời gian sau, pháp tưởng xuất hiện, nói pháp rất hay rất đúng, nhưng người đó bị pháp tưởng, không phải thiền định mà trí tuệ của thiền định như vậy, trí tuệ của thiền định mà trong Tứ Thần Túc thì có Tuệ Như Ý Túc.
Nghĩa ngồi đây mà mặt Thầy nhìn ra trước, mà ở sau lưng đây ai ngồi sau làm gì đều biết hết. Vách, ngăn vách, ngăn sông, cách núi, Tuệ Như Ý Túc đều vượt qua khỏi, để mà nhìn thấy biết tất cả những điều kiện bên ngoài, chỗ ngăn vách, ngăn sông. Không gian không còn trải dài, mà thời gian không còn có nữa.
Một người tu chứng, người ta sẽ tâm hoàn toàn thanh tịnh cho nên người ta đủ Tuệ Như Ý Túc. Vì vậy mà người ta muốn biết đời trước họ là ai, ở nhà nào, nước nào, ở đâu, sanh ra đều biết, gọi là Túc Mạng Minh, biết được nhiều đời, nhiều kiếp chúng ta, chứ không phải biết một đời.
(24:41) Còn chúng ta hiện giờ, cái ý thức của chúng ta trải qua chỉ cái thời gian trong một kiếp hiện tại, mà nhiều khi trải qua lúc còn bé, quý Phật tử đã đi học, đã bị thầy đánh, hoặc cha mẹ rày mà đến giờ này nhiều người còn không nhớ, huống hồ là nhớ lại một kiếp, một kiếp mà chúng ta đã chết đi, để tái sanh làm một mạng người khác, một thân người khác, thì làm sao chúng ta nhớ được một kiếp trước của chúng ta.
Do sự tu tập mà nơi bộ óc của chúng ta nó hoạt động, chứ không phải cái chỗ nào khác. Cho nên mỗi người chúng ta đều có một bộ óc, mà bộ óc rất là tuyệt vời, chúng ta biết sử dụng được là do chúng ta nhờ pháp Như Lý Tác Ý của đạo Phật, cho nên pháp Như Lý Tác Ý là ý chúng ta muốn, nó sẽ làm những gì chúng ta muốn biết.
Cho nên Dục Như Ý Túc, dục như ý mình muốn, khi mà có Tứ Thần Túc thì trong Tứ Thần Túc có Dục Như Ý Túc, mà ý chúng ta muốn tức là tác ý, cái ý chúng ta khởi, muốn biết tức là tác ý, là điều khiển ngay cái chỗ cái bộ óc của chúng ta, để nó hoạt động để nó hiểu biết một điều mà chúng ta chưa hiểu biết, nó cần hiểu biết, đó là phải sự tu tập.
4- PHƯƠNG PHÁP LÀM CHỦ SANH, GIÀ, BỆNH, CHẾT CỦA ĐẠO PHẬT
(26:02) Cho nên đức Phật dạy chúng ta cái câu Như Lý Tác Ý là pháp duy nhất để chúng ta làm chủ được thân tâm, và điều khiển được đầu óc của chúng ta hoàn toàn muốn hiểu biết điều gì. Pháp Như Lý Tác Ý rất tuyệt vời, đức Phật dạy trong Kinh Vô Lậu: “Có như lý tác ý, lậu hoặc chưa sanh, sẽ không sanh và đã sanh thì bị diệt”, tại sao lậu hoặc là cái gì? Lậu hoặc là những sự đau khổ, là những sự động, không thanh tịnh.
Ngồi đây mà tâm nghĩ ngợi tức là bị động, ngồi đây mà tâm giận hờn, phiền não, ngồi đây mà thân đau nhức, tất cả những điều này đó là lậu hoặc, cái danh từ trong kinh sách Phật gọi là lậu hoặc. Như đức Phật bảo: “Có như lý tác ý lậu hoặc chưa sanh sẽ không sanh, và đã sanh thì bị diệt”, cho nên do cái chỗ hiểu biết như vậy, vì vậy mà thân chúng ta có bệnh đau chúng ta đừng sợ hãi, mà chúng ta có phương pháp để diệt trừ bệnh đau, đó là pháp Như Lý Tác Ý.
Cho nên trong Định Niệm Hơi Thở đức Phật dạy khi thân chúng ta bị bệnh đau, thì chúng ta hãy tác ý cái đề mục để cho thân chúng ta không bị bệnh đau: “An tịnh thân hành”, an tịnh là thân của mình phải an ổn, mà bây giờ nó không an ổn tức là nó đau nhức chứ gì, cho nên chúng ta tác ý bảo nó an ổn, vì vậy mà chúng ta bảo: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”.
Một người đã tu tập, đã nhiếp tâm được trong hơi thở, đã tác ý có hiệu quả, có lực, thì chúng ta tác ý là thân chúng ta hết. Còn hiện giờ chúng ta chưa dùng, tu tập chưa quen, chưa nhuần nhuyễn, cho nên khi đó chúng ta tác ý không hết. Vì vậy mà chúng ta hãy nương vào hơi thở, biết hơi thở ra, biết hơi thở vô, năm hơi thở, rồi lại tác ý một lần, rồi lại nương vào hơi thở một lần nữa, và cứ năm hơi thở tác ý như vậy đến khi mà tâm chúng ta bám được trong hơi thở, thì nó không còn thấy thân nó đau.
Bởi vì mình chưa bám được, mặc dù mình tác ý mình thở, mà mình vẫn còn thấy đau, các con hiểu, cho nên do đó là cái sự tu tập của chúng ta chưa nhiếp phục được tâm mình trong hơi thở. Còn nhiếp phục được tâm mình trong hơi thở xong, thì chúng ta chỉ cần tác ý: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”. Rồi thì mình đã tu tập nhuần nhuyễn, thì câu tác ý đó thì mình sẽ ở ngay tại, không cần phải nương hơi thở, mà chỉ cần ở trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự.
Bởi vì tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là chỗ không bệnh đau, chỗ không đau khổ, chỗ không phiền não. Ở ngay trong trạng thái đó, thì bệnh chúng ta sẽ hết liền. Nhưng chúng ta ở không được, cho nên buộc lòng chúng ta phải nương vào hơi thở, có cái đối tượng của hơi thở, chúng ta nương vào hơi thở, để biết hơi thở ra, biết hơi thở vô, gọi là tập trung trong hơi thở.
(29:04) Khi tập trung trong hơi thở lần thứ nhất năm hơi thở, chúng ta thấy còn đau, cho nên chúng ta tác ý câu thứ hai. Rồi cuối cùng chúng ta cũng ở trong hơi thở cho đến khi câu thứ ba, thứ tư, thứ năm, tới thứ mười thì chúng ta đã an trú được trong hơi thở, thì thân chúng ta không còn thấy đau nhức nữa. Đó gọi là dụng pháp để đẩy lui bệnh ra khỏi thân.
Mục đích của đạo Phật là dạy chúng ta làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
Sanh: Là tâm chúng ta hàng ngày sống trong cuộc sống, ai chửi ai mắng, ai làm gì chúng ta cũng không giận hờn, phiền não, đó gọi là làm chủ đời sống của chúng ta, gọi là Sanh.
Già: Người già mà tu theo đạo Phật thì quắc thước, khỏe mạnh, không lụm cụm, không đau ốm, đi đứng rất là vững vàng, gọi là quắc thước của cái người già, chứ không phải người tu theo đạo Phật là không già, bởi vì đức Phật nói thân chúng ta là thân vô thường, các pháp là vô thường cho nên phải có sự thay đổi.
Nhưng người tu theo đạo Phật đã làm chủ được cái già, có già nhưng rất khoẻ mạnh. Vì vậy mà các cụ lớn tuổi hôm nay mà đến đây nghe Thầy nói chuyện là các cụ còn khỏe mạnh, còn nhớ, đó là do cái phước của các cụ. Nếu thiếu phước thì các cụ không thể nào mà còn nhớ được, mà còn đi đứng vững vàng, có thể nói rằng rất là lụm khụm, đây là cái phước.
Mà cái phước đó phải do từ năm cái giới đức hạnh của đạo Phật, mà tạo ra cho các cụ có cái phước đó. Cho nên sống năm giới nó cũng lợi ích rất lớn, tạo cho cơ thể chúng ta được khỏe mạnh. Bởi vì chúng ta không ăn thịt chúng sanh, không giết hại chúng sanh, thì làm sao chúng ta huân đau khổ vào trong ta.
Mà một người mà cứ bệnh đau, thì già phải suy yếu, còn một người mà ít bệnh đau, già nó khỏe hơn là cái người bệnh đau. Đó là cụ thể thực tế mà khoa học, chứ không phải đây là mình bịa ra, để bào chữa cho pháp của Phật. Cho nên khi mà chúng ta tu theo pháp Phật, thì chúng ta biết nó làm chủ Sanh, Già, Bệnh.
Bệnh: Là đẩy lui như vừa nãy Thầy nói, cái pháp đẩy lui được bệnh của chúng ta.
Chết: Chúng ta muốn chết hồi nào chết, muốn sống hồi nào sống.
Đó là những điều kiện mà đức Phật đã dạy chúng ta để làm chủ, bởi vì con người khổ quá khổ. Lúc đời sống chúng ta hàng ngày, chuyện gì cũng dễ giận hờn, phiền não, lo lắng, sợ hãi đủ loại, đó là khổ của đời sống của chúng ta, người già lụm cụm yếu đuối, đi đứng không vững, nhớ trước quên sau, tất cả những điều này làm chúng ta không còn bình thường nữa, đó là khổ của người già. Thế mà đạo Phật dạy chúng ta không còn khổ, rồi bệnh lại đẩy lui được bệnh, làm chủ được bệnh, quá hạnh phúc.
Nếu chúng ta không tu tập theo pháp Phật, thì bệnh thì chúng ta chỉ còn nằm trên giường bệnh rên, đợi uống thuốc mà thôi, rên la, đau khổ mà uống thuốc, chứ không thể nào làm sao cho tinh thần chúng ta vững vàng được. Còn trái lại, đạo Phật: “Thọ là vô thường, bệnh đau mặc mày, tao không sợ, mày là pháp vô thường, hôm qua không đau, bữa nay đau, mặc mày, lát nữa mày sẽ hết”, mà cái tinh thần vững vàng không sợ nó, là nó hết mấy con.
Còn chúng ta rên la, chúng ta sợ, rồi chúng ta sợ chết nữa, do đó bệnh càng tăng lên. Cho nên tinh thần rất là mạnh, rất mạnh. Nhớ lời Thầy nói: Cái ý chí, cái tinh thần chúng ta dũng mãnh, là trước những nghiệp lực, chúng ta sẽ chuyển ra, chuyển hết để mà chúng ta được bình an! Các Phật tử nên nhớ kỹ: Để chúng ta giữ vững tinh thần dũng mãnh, đừng sợ hãi trước các pháp vô thường, trong đó có thân tâm của chúng ta!
Rồi chúng ta tập học những cách thức, để chúng ta làm chủ được sự sống chết, muốn chết hồi nào thì chết, muốn sống hồi nào thì sống. Phương pháp của Phật rất đơn giản mấy con, bảo thí dụ: Bây giờ muốn chết, bảo: “Tịnh chỉ hơi thở, nhập Tứ Thiền”, thân tâm chúng ta sẽ vào nhập Tứ Thiền liền tức khắc, hơi thở ngưng hoàn toàn, mà cơ thể còn ấm, chưa mất sức ấm, cho nên chưa chết.
Đến khi mà chúng ta rời khỏi Tứ Thiền bằng cái lệnh Như Lý Tác Ý, bảo: “Phải rời khỏi trạng thái Tứ Thiền, ra khỏi trạng thái Tứ Thiền, vào trạng thái bất động, tâm thanh thản”, chúng ta bảo ai ra, linh hồn phải không? Không phải.
(33:47) Từ trường ra, cái lời nói chúng ta nó sẽ ra cái hành động, ý muốn của chúng ta là cái từ trường nó sẽ vào cái trạng thái Bất Động - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự, thì thân chúng ta sẽ lạnh ngắt, không có ấm nữa, từ đó chúng ta chết. Như vậy cái phương pháp chúng ta bằng cái pháp Như Lý Tác Ý để khi vào thì bảo tịnh chỉ hơi thở, nhập Tứ Thiền, đó là cái giai đoạn đầu để chúng ta tịnh chỉ hơi thở.
Cái giai đoạn hai, thì chúng ta lại tác ý ra khỏi trạng thái Tứ Thiền, tức là cái trạng thái Tứ Thiền là trạng thái rất hỷ lạc, an lạc rất lớn. Khi tịnh chỉ hơi thở ngưng, mà không đau nhức ở trong trạng thái của định, cho nên rất là an ổn.
Cho nên khi mà ra khỏi trạng thái Tứ Thiền thì chúng ta lại vào trạng thái bất động tâm, thanh thản, an lạc, vô sự, thì lúc bấy giờ vào trạng thái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì lúc bây giờ trạng thái của Tứ Thiền bị mất, ở trong chúng ta lạnh không còn có chút hơi ấm nào cả. Đó là chúng ta đã tịch, chúng ta đã chết, và đồng thời người ta đem chôn, đem thiêu gì cũng được. Còn riêng mình, thì cái trạng thái của chúng ta đều là giờ ở trong cái bất động tâm thanh thản, an lạc, vô sự coi như chúng ta vào Niết Bàn.
Cái Niết Bàn không phải là cảnh giới Niết Bàn, là một cái trạng thái, một cái từ trường mà vũ trụ đang có, và bản thân chúng ta cũng có. Ngồi đây quý vị lắng nghe tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, thì trạng thái thanh thản, an lạc vô sự, nhìn vũ trụ bên ngoài: Cây lặng lẽ, ánh nắng chan hòa, không có một cái gì động, đó là bất động. Vì vậy mà nhìn thấy tất cả vạn vật đều đang Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự, nó không có bị rung động một chút nào hết.
Còn bây giờ gió đang thổi, cành lá đang rung động, thì không phải là an lạc, không phải là thanh thản được. Có phải không? Thì từ ở bên ngoài có trạng thái bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì nội tâm chúng ta cũng nhận thấy được, cái ý thức chúng ta còn, chúng ta nhận thấy được.Mà khi vào đó rồi, một người mà giữ được tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự thì họ có vào đó thì họ còn Tứ Thần Túc chứ.
5- VÀO NIẾT BÀN CÒN TỨ THẦN TÚC - ĐẠO PHẬT TU ĐỂ GIẢI THOÁT, CHỨ KHÔNG PHẢI BIỂU DIỄN THẦN THÔNG HAY LÀM THẦY BÓI
(35:50) Cho nên đức Phật muốn ra, lúc nào cũng sử dụng Tứ Thần Túc, bởi vì cái lực vô lậu nó phải có, nó phải có cái lực vô lậu của nó. Cũng như bây giờ chúng ta ở hữu lậu thì chúng ta phải có cái lực hữu lậu, mà lực hữu lậu thì chúng ta, Thầy thí dụ để thấy rõ ràng: Người ta vừa chửi mình, mình tức giận liền tức khắc, mặt đỏ ngay liền, thì đó là không phải cái lực hữu lậu sao? Cái lực sanh đó.
Còn cái lực vô lậu nó phải có chứ, lực vô lậu là Tứ Thần Túc, cho nên khi mà chúng ta vào Niết Bàn, thì cái lực Tứ Thần Túc chúng ta mất sao? Đâu mất được. Bởi cái lực vô lậu mà, nó làm sao mất được, ai vào Niết Bàn cũng có cái lực đó cả hết. Còn ai còn tham sân si, thì cũng phải có cái lực sanh chứ, các con thấy nó cũng giống nhau chứ.
Đó như vậy khi mà chúng ta vào Niết Bàn chúng ta đâu mất, có Tứ Thần Túc, chúng ta muốn ra muốn kết hợp, muốn tạo thành một con người khác đều là dễ dàng, không khó khăn.Nhưng khi vào Niết Bàn rồi thì có tạo ra vào một con người mới, có tốt lành đi nữa, thì chúng ta sẽ bị những con người còn tham, sân, si này sẽ diệt nó toàn bộ. Có một loại người rất tốt, mà loại người rất tốt, rất thiện, thì bị ăn hiếp. Phải không mấy con?
Đang còn tham, sân si, thì mấy con sẽ ăn hiếp những người này, người này cái nhà người ta đang ở, mấy con lại cướp, mà cái người mà thiện, toàn thiện, thì họ phải bỏ đi, rồi cuối cùng họ sống cái gì đây.
Cho nên hoàn toàn là khi vào Niết Bàn thì người ta không thực hiện con người thứ hai, con người tốt. Bởi vì chung con người xấu, thì phải từ con người xấu để sửa đi vào Niết Bàn, là giải thoát thôi, cho nên người ta có Thần Túc nhưng mà người ta không sử dụng.
Cũng như bây giờ Thầy tu xong, Thầy không sử dụng Thần Túc là tại sao? Tại vì Thầy không muốn làm nhà ảo thuật. Các con hiểu không? Làm cho mấy con coi, để mà thấy: “Trời, hay quá”! Sự thật ra cái trọng lượng như thế này, mà đưa tay dở lên như thế này, mà cái thân người lơ lửng, hoặc Thầy ngồi thế này mà bay lơ lửng, thì mấy con thấy quá tuyệt vời!
Nhưng mà không ngờ, Thầy làm trò ảo thuật cho mấy con coi, chứ có cái gì khác hơn? Thì các nhà ảo thuật nó cũng làm được chứ có gì đâu mà gọi tới Thầy. Các con hiểu không? Còn bây giờ mà Thầy nói chuyện gia đình con như thế này kia, năm nay nó sẽ tốt hoặc xấu làm cho con buồn phiền, sự thật ra con lo lắng chứ gì? Tức là biến Thầy, người tu trở thành thầy bói mất chứ còn gì. Có phải không?
Mà Thầy đi tu để giải thoát chứ đâu phải là Thầy đi làm thầy bói, để mà nói chuyện gia đình người ta, làm cho người ta sợ, làm cho người ta mừng, cái điều đó không nên! Mà biểu diễn những cái thần thông thì mấy con thấy là trò ảo thuật, mà mấy con có làm được đâu,thì không làm được, thì đó là trò ảo thuật chứ sao, có gì đâu, chứ có lợi ích gì cho mấy con đâu? Coi đã mắt thôi, chứ sự thật ra cũng có cái gì mà lợi ích cho … Chính cái điều mà Thầy dạy mấy con, giữ cái tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, chính những điều mà Thầy dạy cho mấy con để cho mấy con được giải thoát, đó mới là sự lợi ích cho mấy con.
6- NGƯỜI PHẬT TỬ TẠI GIA NÊN TU TẬP 19 ĐỀ MỤC ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ - TU TẬP YOGA SÂU LỌT TƯỞNG
(38:48) Ai chửi thì mấy con nhớ như thế này, làm mình tức giận: “Quán ly tham, tôi biết tôi hít vô, quán ly tham, tôi biết tôi thở ra”, hoặc là tức giận thì mấy con: “Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô, quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”. Thì mấy con hít vô, thở ra năm hơi thở, mà tập trung trong năm hơi thở, thì mấy con không có thở nữa thì mấy con thấy mấy cái sân nó chạy đâu mất rồi.
Tại vì hồi đó nó đang tức giận, mà giờ hễ nếu mình để tức giận, thì mình phải tức quá, mình chịu không nổi, mình phải chửi mắng lại người ta, hay hoặc mình đập đầu vô gối, hoặc mình đập đầu trong đá, mình chết đi.
Bởi vì mình tức quá, bây giờ mình không làm cái điều đó, thì mình phải mau mau nhớ lời Thầy dạy: “Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô, quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con hít vô, thở ra năm hơi thở, mấy con ngồi lại im, mấy con nhìn lại cái sân mình còn không? Nó diệt đâu mất, nó biến mất, có phải không? Mấy con thấy bởi vì khi nào đang sân mà mấy con nhớ, mấy con làm một cái gì khác, thì cái sân của mấy con sẽ hết.
Cho nên có một người như thế này, khi mà tâm họ buồn phiền, sân hận gì đó, cái họ hát nghêu ngao hơi họ quên hết mất, còn mình cứ để, mình làm thinh đó, thì cái tâm sân nó cứ nằm ngự trị trong tâm của chúng ta rất là khó, rất là khó bỏ. Cho nên vì vậy mà Thầy khuyên mấy con về Định Niệm Hơi Thở, mấy con còn đang sống, ở trong cái cuộc sống của xã hội chung đụng với mọi người, trong gia đình của mình, thì nên tập mười chín cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở.
Cái tâm mình nó ngồi đây mà nó nghĩ lăng xăng, lo lắng quá, mà cái công chuyện làm ăn nó buộc mình phải lo chứ gì, mà nó không có chịu để cho mình nghỉ, thì mấy con nhắc, mấy con nhắc nhiều thì nó sẽ yên lặng trở lại: “An tịnh tâm hành”, hồi nãy thân hành là bị đau, còn cái tâm mình nó lăng xăng nó là cái bệnh tâm rồi đó, thì: “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra”.
Rồi mấy con hít vô, thở ra, thì cái tâm của mấy con nó sẽ an trở lại, nó không có niệm lăng xăng nữa. Các con hiểu không? Nó giúp cho mấy con đừng có nghĩ ngợi nhiều, mà ngủ không được, mà cứ nghĩ ngợi, thì mấy con nhắc nó vậy, rồi mấy con sẽ nằm một chút xíu mấy con ngủ được, chứ không thức suốt đêm mà nó lo nghĩ, thì nó lại sinh cái bệnh mất ngủ, nó không tốt. Cho nên ở đây có những phương pháp mà mấy con cần phải đọc, nghiên cứu về Định Niệm Hơi Thở, để giúp cho mấy con có đau, để cho mấy con giữ vững cái tâm của mấy con.
Chứ vào bệnh viện, mặc dù uống thuốc nhưng mà nó vẫn đau nhức, thì mấy con muốn cái tâm mình cho an ổn: “An tịnh thân hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành, tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con nương vào hơi thở, mấy con hít vô, thở ra, cái bệnh của mấy con thay vì uống thuốc nó phải tốn một trăm ngàn, thì mấy con sẽ chỉ uống thuốc cần năm, mười, hai chục ngàn là hết bệnh. Tại sao? Tại vì cái tinh thần nó vững vàng, cho nên cái bệnh nó mau hết.
(41:32) Còn mấy con mà cứ tập trung trong cái bệnh, lo lắng nó như thế này rồi bỏ vợ, bỏ chồng, bỏ con, bỏ vợ con thôi lo lắng đủ thứ, thì cái bệnh lại tăng thêm mấy con. Đừng có nghĩ lo gì hết, mà chỉ tác ý cái câu đó, rồi ở trong hơi thở thở ra, thở vô thì cái thân bệnh của mấy con nó mau lành lắm mấy con! Nhớ đừng có để cho cái tâm nó tập trung cái đau, rồi nó tập trung cái đau thì nó lo lắng, sợ chết, bỏ gia đình, chưa làm xong cái chuyện này, chuyện kia mà chết thì mấy con sẽ bị động, và bị động thì cái bệnh nó tăng lên, nó không có giảm dễ dàng.
Nhớ lời Thầy, thì mấy con sẽ tự cứu lấy mình một cách dễ dàng, và nhớ nghiên cứu kỹ những cái bài Định Niệm Hơi Thở. Đó là cái pháp mà đức Phật dạy để chúng ta ngăn ác diệt ác, để sinh thiện, tăng trưởng thiện. Đó là cái pháp của Định Niệm Hơi Thở, cái phương pháp đó để giúp cho những người tu pháp Tứ Chánh Cần, thường Tứ Chánh Cần thì nó ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện.
Nhưng chúng ta không biết ta lấy cái gì mà chúng ta ngăn ác, diệt ác, sinh thiện, tăng trưởng thiện đây, cho nên nó phải có phương pháp, mà phương pháp đó gọi là mười chín cái đề mục hơi thở. Vậy thì quý Phật tử muốn đem lại sự bình an cho mình, trong cuộc sống hàng ngày chung đụng với mọi người, thì nên sử dụng Định Niệm Hơi Thở, đó là cái phương pháp để cứu mình.
Còn đi xa nữa, thì không phải dùng Định Niệm Hơi Thở. Nghĩa là muốn chứng đạt được cái tâm vô lậu, để làm như Phật, như Thầy, thì mấy con phải sống độc cư trọn vẹn trong một cái thất không nói chuyện, không tiếp duyên ai, phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, rồi mới dạy mấy con cái phương pháp trên thân quán thân, Tứ Chánh Cần ở Tứ Niệm Xứ, từ đó mấy con mới thực hiện được tâm vô lậu hoàn toàn, có Tứ Thần Túc, chứ không khéo nó không có. Các con hiểu chưa?
Nó có phương pháp, nó có đường lối hẳn hòi, chứ đâu phải muốn tu, tu đại đâu. Đâu phải niệm Phật cái nó thành Phật được liền, hoặc là niệm Phật thì nó được vãng sanh liền, đâu có chuyện đó đâu, hoặc là mấy con ngồi thiền, mấy con nhập thiền định được liền, đâu có đâu chuyện đó. Không có nhập thiền định Tưởng, nó nhập thiền định tà thiền, tà định, nó làm cho mấy con lệch đường, sai hướng.
Khi Thầy nói mấy con thấy, cái phương pháp Yoga nó rất hay, nó giúp cho mấy con nếu mấy con tập cái giai đoạn đầu, cái giai đoạn đầu của pháp Yoga thì nó giúp cho cơ thể của mấy con thấy khỏe mạnh, nhưng mấy con tập hơn, thì nó sẽ lọt trong tưởng. Đó là mấy con đã dự phòng cho kiếp sau mình sẽ làm thầy pháp, thầy phù thủy, đồng bóng chứ không có gì hết, đó là mấy người tập Yoga đó.
Thầy nói thực sự mấy người tập sai là mấy người sẽ làm là các ông Lạt Ma nè, các thầy phù thủy nè, chuyên môn niệm bùa, niệm chú hoặc là…Bởi vì nó lọt trong tưởng rồi thì nó chuẩn bị cho cái nhân nào, thì quả nấy.
7- NHẬP THẤT TU TẬP GIẢI THOÁT, KHÔNG LÀM NÔNG DÂN, PHÓNG VIÊN, NHÀ VĂN, NHÀ BÁO
(44:21) Cũng như bây giờ Thầy cho mỗi người một cái thất tu tập, là ở trong thất mình cố gắng hàng ngày nhìn lại cái tâm mình để gạn lọc, để tác ý, để xả từng tâm niệm, để xả từng cảm thọ trên thân tâm của mình. Thế mà các cô, các thầy lại lấy cuốc đi dẫy cỏ, thấy chỗ này dẫy, chỗ kia dẫy, thôi trồng một cái cây này, trồng cây kia cho nó vui. Thì Thầy đi ngang qua Thầy nói chắc có lẽ các con tạo cái nghiệp nông dân mất rồi.
Thầy bảo các con tạo cái nghiệp giải thoát mà không làm, bây giờ đi ra nhổ cỏ, dẫy cỏ, làm cái chuyện này là mấy con đã tạo cái nghiệp làm nông dân. Có phải không? Mặc dù bây giờ mấy con là trí thức, mấy con là những người đứng lớp dạy học, làm giáo viên, giáo sư đi, nhưng mấy con vô thất, mấy con thấy buồn bã quá, ngồi mình thôi lấy cuốc dẫy cho nó vui chứ gì?
Nhưng không ngờ là mấy con tạo cái nghiệp, cái hành động làm đó, đó là cái nghiệp nông dân. Bây giờ mấy con chưa thực thụ nông dân, nhưng bỏ cái thân này thì mấy con sẽ tái sanh vào cái gia đình con nông dân kia, làm con của ổng thì mấy mẫu ruộng, thì phải ra cày ruộng chứ sao. Đó, mấy con thấy không? Đó là mấy con tạo cái nghiệp hiện tại, cái nghiệp của mấy con tạo thì quá khứ, tương lai của mấy con phải thành cái nghiệp đó chứ.
Còn mấy con ngồi trong thất cứ ghi nhật ký tui tu vậy vậy, Thầy đi ngang qua, Thầy thấy thôi rồi. Mấy con muốn làm phóng viên, nhà báo nhà văn chứ gì, cái kiểu mà tạo cái nghiệp này thì làm sao chạy được, hàng ngày cứ phải ngồi viết báo, bài báo đặng đưa cho đăng, thì nó là phóng viên nhà báo chứ gì? Nó không thành Phật, mà thành phóng viên nhà báo, nó phải chạy đầu này săn tin, chạy đầu kia săn tin tức. Có khổ không mấy con?
Còn không thì ngồi viết văn, để rồi viết tác phẩm, rồi đem bán. Trời đất ơi! Bộ nhà văn sướng lắm sao mấy con? Mà chỉ được cái, nếu mà một tác phẩm mình hay, mọi người người ta tập trung, thì người ta ca ngợi nhà văn này viết hay thiệt, đúng thiệt! Nhưng mà được những gì? Hay là nặn cái đầu óc của mình ra làm khổ mình thôi! Không bằng ngồi đây thanh thản, an lạc, vô sự, nó thấy nó không khổ chút nào, nó không suy tư chút nào trong đó hết, không phải sướng sao.
(46:30) Cái sướng không chịu làm, đi làm cái chuyện ngồi đây mà ghi chép, rồi xin giấy ghi chép hoài. Thầy thấy thôi, cái kiểu này làm nhà văn, nhà báo rồi, mấy con đã tạo cái nghiệp này thì chứ sao mấy con phải làm thôi. Bây giờ mấy con làm cái gì Thầy biết hết, mà mấy con làm thì mấy con sẽ tạo cái nghiệp đó, thì mấy con phải trở thành cái nghề nghiệp đó, chứ làm sao mấy con chạy khỏi. Các con hiểu chưa?
Cho nên trong cái sự tu tập chúng ta nhìn cái hiện tại, mà chúng ta biết cái tương lai của mấy con. Cái hiện tại mấy con làm, mà Thầy dạy cái hiện tại của mấy con là làm Phật, tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự, mà mấy con không chịu làm, mấy con làm cái chuyện khác, thì mấy con tạo cái nghiệp khác rồi, mấy con nhớ chưa?
Cho nên về ráng tu mấy con, ráng tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự, đó là cái nghiệp làm Phật, cái nghiệp không tái sanh luân hồi, còn cái nghiệp kia, phải đi tái sanh luân hồi.
8- RÁNG TU CHẤM DỨT ĐAU KHỔ LÀ ĐỀN ĐÁP ƠN PHẬT, THẦY
(47:24) Mà sanh ra làm đứa bé khổ lắm mấy con, lớn hơn lập gia đình khổ tiếp tục khổ, cho đến khi già, bệnh, chết khổ lắm mấy con! Các con có gia đình, các con có cuộc sống của cái đời sống của mấy con rồi, mấy con thấy khổ lắm mấy con, không có lúc nào không khổ! Có con nó đâu phải mạnh khỏe hoài hoài đâu, ít bữa nóng đầu, ít bữa sổ mũi, ít bữa kinh phong giật nó. Trời ơi! Mấy con chạy muốn đuối chân, không lẽ con mình bỏ nó chết sao.
Cho nên mấy con rất khổ, chứ đâu phải sung sướng gì đâu! Đó là con cái của mình, rồi vợ, rồi con nó bộ nó mạnh hoài sao? Nó cũng đau, mà mỗi lần đau thì phải đi nhà thương, đi bác sĩ, đi đủ thứ hết. Cái người mạnh thì lo cho người bệnh, mà người bệnh thì rên la, mà người mạnh thì không yên, các con thấy không? Khổ lắm mấy con, chứ đâu phải!
Rồi đói, tiền bạc không có, nó đủ cách, phải lo làm cách này, cách kia cho có tiền bạc trong cuộc sống, nó không bằng ai, ít ra mình cũng có cơm ăn, áo mặc đầy đủ, chứ mà thiếu thực sự ra khổ! Có con mà không cho nó ăn học được tới nơi, tới chốn, mấy con thấy cái trách nhiệm mấy con chưa đủ. Bao nhiêu nó thôi thúc trong tâm của mấy con rất khổ mấy con!
Còn không con cái, mấy con có thấy ai thúc đẩy mấy con lo đâu. Có phải không? Bây giờ nó đóng tiền, mà giờ năm nay tiền trường lên vậy rồi, trời đất ơi! Không biết cái lương của mình như vậy mà giờ làm sao đây cho đủ? Nó lo lắng đủ cách mấy con, rất là khổ, khổ đủ mọi thứ khổ! Cho nên hãy ráng tu mấy con, để chấm dứt một đời nay, đời sau đừng sinh làm người nữa mấy con, đừng sinh làm người khổ lắm mấy con.
Cho nên nghe lời Thầy: Bỏ hết đi, các pháp đều vô thường, vợ chồng, con cái đều là nhân quả trả vay mà thôi mấy con, có gì đâu? Cho nên buông xuống hết, buông xuống hết đi, rồi chúng ta nỗ lực dụng tâm bất động,thanh thản, an lạc, vô sự. Các con chưa có gia đình, đừng mấy con! Bước vô gia đình là mấy con bước vô cái khổ đó, cảnh giới địa ngục mở cửa mấy con bước vô đó, không chạy đi đâu khỏi hết, cho nên Thầy khuyên mấy con!
Còn mấy con đã lỡ có gia đình rồi, phải làm xong trách nhiệm gia đình của mình, phải làm xong trách nhiệm gia đình. Có con rồi phải lo cho nó ăn học tới nơi, tới chốn, rồi khuyên lơn nó: “Phải ráng tu các con, đời khổ quá, ba, mẹ khổ rồi, mà bây giờ các con lại khổ nữa. Bây giờ mấy con lập gia đình, mấy con sẽ sanh cháu ra nữa, nó lại còn khổ nữa, cái dòng khổ này không phải là cái dòng giải thoát mấy con”.
Cho nên đừng nghĩ rằng nối dõi tông đường, tông đường của chúng ta nối dõi lên sự đau khổ, chứ đâu phải là nối dõi cái kiểu mà không đau khổ, cho nên chúng ta biết đau khổ thì chúng ta hãy chấm dứt.
Nhưng đức Phật Thích Ca mấy con thấy, cái dòng dõi của đức Phật Thích Ca, chỉ có mỗi đứa con, mà đứa con tu chứng quả A La Hán thì dòng dõi ông mất chứ gì? Nhưng mà bây giờ mấy con cứ nghĩ, mình vô chùa mình xin xuất gia theo Phật rồi, thì mình có cái họ Thích rồi mấy con, rồi bây giờ Thích Ca sao nay đông quá trời vậy!
Cả một thế giới đều là dòng họ Thích hết, như vậy là rõ ràng là cái dòng giải thoát này, nó đông hơn là cái dòng không giải thoát mấy con. Cái dòng không giải thoát, mấy con thí dụ như: Họ Lê, họ Nguyễn, này kia, thì nó bao nhiêu người? Các con thấy chưa?
Thí dụ như mình có năm người, mười người con thôi, cao hơn đâu còn nữa, có phải không? Còn cái dòng họ Thích này mấy con có thấy khi không bước vào đạo Phật thì thôi, mà bước vào đạo Phật thì người ta sẽ cho mấy con cái tên, cái họ Thích, cái pháp danh. Rồi Thích gì đó, thì người ta cho mấy con.
Cho nên Thầy nói cái dòng họ Thích này là dòng giải thoát, mà nghĩ ra đức Phật chỉ có đứa con trai, mà đứa con trai còn nhỏ lại đi tu, cho nên ông Phật không có dòng giống nữa, mà bây giờ lại dòng giống họ Phật rất là nhiều. Có phải không mấy con? Cho nên Thầy thấy đúng là chúng ta đang đi vào dòng họ Thích, dòng họ Thích, rất là rộng lớn cả thế giới, ở đâu có Phật giáo là ở đó có dòng họ Thích.
(51:11) Cho nên hôm nay được nghe Thầy nói chuyện, thì mấy con hãy cố gắng mấy con! Thầy chỉ mong mấy con đền đáp công ơn Phật, đền đáp những lời Thầy nãy giờ nói, mấy con chỉ thực hiện, người ta chửi mấy con đừng giận, là mấy con đã đền đáp công ơn Thầy, công ơn Phật rồi mấy con. Chứ chưa nói mấy con làm cái gì lớn đâu. Còn mấy con giữ được một phút, một giây tâm bất động, thanh thản là mấy con đã đền đáp công ơn Phật, công ơn Thầy rồi.
Thầy đã dạy, Phật đã dạy điều đó, mà mấy con giữ được cái tâm của mình, ngồi lại để giữ tâm mình, là mấy con đã không phụ công ơn của người dạy mình và mấy con đã đền đáp. Chứ không phải là đền đáp, mấy con đem cúng dường Thầy cái này, kia. Một mình Thầy ăn ngày có một bữa, Thầy làm gì ăn hết đâu mà cúng dường. Có phải không?
Mà mấy con cúng Phật bây giờ đem chuối, đem bánh để đầy ngập lên bàn Phật, không thấy mất một cái nào hết, như vậy rõ ràng là Phật không có ăn cái nào hết. Mà chính mấy con muốn tỏ lòng cúng dường, là bắt đầu mấy con cúng dường bằng cái tâm giải thoát của mấy con, bằng cái tâm không phiền não, đau khổ của mấy con, mấy con dâng lên. Cho nên đức Phật nói các con hãy dâng lên cái tâm, năm cái tâm giải thoát đó là: Giới hương, Định hương, Dữ huệ hương, Giải thoát, Giải thoát tri kiến hương.
Đó là năm cây hương giải thoát dâng lên cúng Phật, chứ không phải là đốt những cây hương cắm lên bàn Phật. Cho nên ở đây Thầy không có lư hương cắm nhang, mà chỉ có bàn tay của mấy con dâng lên năm cây hương giải thoát trong lòng của mấy con. Là mấy con giữ được tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự, đó là năm cây hương giải thoát mà mấy con đã dâng lên cúng Phật, cúng Thầy, các con hiểu điều đó chưa?
Hôm nay Thầy nói như vậy, bây giờ mấy con còn hỏi Thầy gì nữa không? Không thì Thầy sẽ về, mấy con có ai hỏi gì không con?
9- HỌC TẬP ĐẠO ĐỨC LỚP NGŨ GIỚI
(52:53) Phật tử: Bạch Thầy…?
Trưởng lão: Cái giới là mình học năm cái giới này, sau khi mình học được năm cái giới: Cái giới không sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không uống rượu. Thì mình bắt đầu học năm cái đức mà mỗi một cái lớp giới luật.
Ví dụ như: Cái giới không sát sanh thì mình học về cái Đức Hiếu Sinh. Vì hiếu sinh nó không phải nó có lòng thương yêu nó đơn giản vậy đâu, lòng thương yêu có nhiều cấp độ mấy con, Thầy nói đây để cho mấy con hiểu về cái lòng thương yêu.
Thí dụ như đầu tiên Thầy cho một cái thí dụ: Thường như một cái ngôi nhà mà đang cháy, có một em bé nó ở trong đó, nó kẹt ở trong đó, mà chưa ai đem nó ra. Thì mọi người nghe tiếng khóc của em bé chạy đến, chỉ có kêu la, cầu cứu mọi người để chạy đến thôi. Nhưng những người chạy rất đông đến, đứng ở ngoài, chứ không dám xông vào lửa, cũng thương yêu đó mấy con, thương yêu mới chạy đến, để mà mong cứu được hay không.
Rồi mình thấy cái khả năng mình làm không được, cho nên mình kêu người khác nữa. Thì có một người họ chạy đến, thì họ lại đạp cửa họ xông vô lửa, họ mới chạy họ ôm em bé ra, họ đi ra khỏi. Họ cứu em bé xong thì mình mẩy họ bị phỏng lửa.
Như cái người đó lại thương yêu dũng cảm mấy con, cái đức thương yêu nó có, lòng thương yêu của mấy người đó có, nhưng mà không dũng cảm, còn cái cấp độ thương yêu của cái người này, dám xông vô lửa đỏ mà cứa em bé, đó là thương yêu dũng cảm mấy con.
Các con hiểu chỗ đó chưa? Nó cao hơn mấy người kia, chứ đâu có bằng mấy người kia, nếu bằng thì đứng ngoài la làng thôi, còn cái này nó cao hơn, thì dám xông vô, mà người xông vô ít lắm mấy con. Phải không?
Thấy người ta chết đuối chứ mình không dám nhào xuống sông cứu đâu, ở đó la làng thôi. Thì có người ở trên này nhảy xuống sông, ôm cái người kia vớt lên, thì người đó là dũng cảm. Các con hiểu không? Mà người đó biết lội, chứ còn mình mà không biết lội, mà mình nhảy xuống là cả hai đều chết hết. Phải không?
Đó là dũng cảm mà biết cách, chứ còn dũng cảm mà không biết cách, cho nên Thầy muốn nói đến Đức Hiếu Sinh là phải học để cho mình biết. Cũng chẳng hạn bây giờ, Đức Hiếu Sinh cẩn thận mấy con đi, mấy con cẩn thận, thì mấy con không đá, hoặc là cây, thì chân mấy con không đau, đó là cẩn thận, còn mấy con không cẩn thận, đi mặt thì ngó, hoặc lo nói chuyện gì đó, đá cái bộp vào chân mình: “Trời ơi, đau quá!” Có phải không?
Đó là thiếu Đức Hiếu Sinh cẩn thận, thì mình phải học để mình biết Đức Hiếu Sinh nó ở cái mức độ nào? Nó làm cái gì, thì nó có một cái tên của nó mấy con. Để mình học như vậy, mấy con học cái giới mà sát sanh, thì mấy con học cái đức của nó là Đức Hiếu Sinh, mà Đức Hiếu Sinh thì mấy con học nhiều cấp độ hiếu sinh, nhiều lớp hiếu sinh, nhiều hành động hiếu sinh, chứ không phải có một hành động hiếu sinh.
Các con hiểu chưa? Như vậy mấy con phải học ít ra nó phải ba tháng, nội cái Đức Hiếu Sinh ít ra ba tháng mà mỗi ngày đều đi học hết, chứ không phải là, còn nếu mà một tuần lễ mà học một ngày thì một năm chưa rồi, các con hiểu chưa? Đó là một cái Đức Hiếu Sinh thôi.
(55:54) Mà cái giới không tham lam trộm cắp tức là Đức Ly Tham. Đức Ly Tham mấy con còn học sáu tháng mới ly được, mới biết cách, chứ đâu phải mà nói ly tham đơn giản cái danh từ đâu. Cách thức người ta dạy, rồi cách thức người ta dạy cho mình tập luyện, để cho mình lìa được cái tâm tham, phải hàng ngày tác ý như thế nào để ly được cái lòng tham muốn của mình, chứ đâu phải dễ! Cho nên các con phải học ba tháng, hoặc ít nhất cũng phải hai tháng của cái lớp này.
Còn giới mà không tà dâm, tức là Đức Chung Thủy mấy con, cái lòng chung thủy, nói tà dâm tức là các con sẽ hiểu đây là cái vấn đề vợ chồng, một gia đình rồi, thì cái đạo đức gia đình mấy con cũng phải học, ít ra cũng phải là hai tháng, về cái đạo đức gia đình, để sự đối xử với nhau để vợ chồng, phải biết tôn trọng cung kính nhau, thiếu tôn trọng cung kính nhau cho nên thường cãi cọ.
Mới đầu thì chúng ta còn tôn trọng cung kính nhau, mới về mà, nhưng mà thời gian quen mặt rồi, thì coi như là hết cung kính, hết tôn trọng, cho nên hở chút nào là cãi cọ. Nhiều khi bạo lực gia đình xảy ra có thể thể đánh vợ, hoặc là có thể xảy ra điều kiện có thể giết vợ, con của mình nữa là khác, đó là phải học về cái đức này, ít ra các con cũng phải học hai, ba tháng nó không ít.
Còn nói dối khó lắm mấy con, hở ra chút, là chúng ta không khéo là nói không thật. Cho nên cái lớp mà để học, để huấn luyện cho mấy con trở thành một người thành thật, cả một vấn đề phải học tập. Người ta sẽ đưa ra tất cả những cái hình thức dối gạt, hình thức nói dối từ cái chỗ, mà chúng ta vô tình nói dối thôi, sau đó nó trở thành lúc bấy giờ chúng ta thành một cái thói quen rồi, đụng cái gì cũng có thể nói dối được hết.
Người ta biết nhưng mà thấy cái điều nói dối mất uy tín như vậy nhưng mà người ta vẫn làm mấy con, người ta không sợ, nó đã quen rồi. Cho nên nói ra cái biết nói dối liền, cái thời đại ngày xưa nói dối thì người ta khó biết, nhưng cái thời đại ngày nay nó dễ lắm mấy con. Nghe cái ông đó nói vậy đó cái mình không tin, lấy điện thoại ra mình gọi ông kia coi có không? Ở kia trả lời nói: “Không có”, thì biết cái người này đang nói dối liền. Còn hồi xưa thì nói dối mình, thời gian sau lâu, gặp ông kia rồi mới có biết được.
Còn đằng này nói rồi tưởng người ta không biết, ai dè người ta móc điện thoại, người ta gọi cái, ở đây người ta biết: “Ông này xạo thiệt, dám gạt mình”. Có phải không mấy con? Cho nên thời nay, nói dối là khó đó mấy con, coi chừng người ta có điện thoại, người ta móc ra cái mình lòi ra rồi, đó là làm cho mất uy tín.
Còn về giới mà không uống rượu, thì mình cũng phải được học, ít ra cũng phải một tháng, để mình biết những chất nào độc mà nó làm tai hại cho cơ thể. Thường thường báo chí nó hay viết về uống rượu bệnh tật như thế nào, rồi hút thuốc nó bệnh tật như thế nào, nó có viết đăng, nhưng mà chưa đủ mấy con, mình phải học. Cho nên trong năm cái giới luật của Phật, điều kiện là mình phải học năm cái đức của nó là mới được năm cái đức, mà năm cái đức thì phải học hẳn hòi hoàn toàn.
10- GIỮ GÌN BA HẠNH ĂN, NGỦ, ĐỘC CƯ KHI NHẬP THẤT TU TẬP
(58:50) Còn về cái giới hạnh: Ăn, Ngủ, Độc Cư, là cái người, người ta vào trong thất người ta nhập thất để người ta tu, chứ không phải là cái người cư sĩ của mấy con mà giữ mấy cái giới này làm gì mấy con. Đang lao động vậy mà bắt mấy con ăn ngày một bữa, chắc mấy con lao động không nổi đâu. Có phải không mấy con?
Còn mấy người, người ta vào thất, người ta ngồi không, người ta không làm gì hết, thì người ta phải ăn một bữa chứ, mấy ông ngồi chơi mà mấy ông ăn nhiều quá, tui làm sao làm đủ mấy ông ăn. Có phải không? Còn ngủ không được phi thời, ăn ngủ không được phi thời, nên ăn có giờ giấc đàng hoàng!
Một người mấy con mới tập luyện, mấy con đến đây, người ta cho mấy con ăn hai bữa ăn, ba bữa ăn thì người ta tập cho mấy con. Sáng người ta cho mấy con ăn tiểu thực cái gì đó, rồi trưa người ta cho mấy con ăn một bữa cơm, chiều người ta cho mấy con uống sữa, uống cái ly nước gì đó thôi.
Rồi tập dần người ta sẽ bỏ bữa chiều, không cho mấy con uống, mà chỉ còn cho ăn sáng thôi, thì thay vì ăn sáng thì người ta thay vào đó một cái ly sữa, rồi trưa người ta cho ăn. Sau khi mấy con được thấm nhuần rồi, người ta hướng dẫn về cách thức ăn, uống nó lợi ích như thế nào. Do đó mấy con thấy, mấy con ăn được, người ta tập dần cho mấy con ăn, là không ăn phi thời.
Tức là người ta cho mấy con ăn, thí dụ: Một tháng, người ta cho mấy con ăn chừng hai ngày, ăn ngọ thôi, ăn một bữa thôi, rồi được dần người ta cho tăng dần, tăng dần lên, cuối cùng mấy con ăn được, cái người ta dứt người ta không cho mấy con ăn hai bữa kia nữa. Thì do đó mấy con ăn không phi thời rồi, còn chỉ có ăn có một bữa, phải tập chứ đâu phải muốn.
Mấy con đang ăn ba bữa vậy, vô ép mấy con ăn có bữa “Trời đất ơi, đói muốn chết như thế này! Thôi ba, bốn bữa tui xin về cho rồi, chứ ở kiểu này chắc tui tiêu”.
Mà khi mà mình ăn ba, bốn bữa rồi, mình ăn một bữa nó sụt cân mấy con, Thầy nói sụt cân mới thấy hết hồn: “Bây giờ sao tôi còn, hồi đó tôi bốn chục kg mà nay còn có ba mươi lăm kg, trời đất ơi! Mất 5 ký, kiểu này chắc sắp bệnh rồi”. Phải không? Mấy con thấy không vững tinh thần rồi!
Do đó cái tâm của mấy con sẽ bị thối chuyển liền tức khắc. Người ta tập dần dần, cho nên nó không bị sụt cân con khi mà các con ăn ngày một bữa, mà nó không bị mất cân. Chứ không phải, bởi vì mình cũng ăn vậy nhưng cơ thể nó quen đi rồi, thì nó không bị đột ngột, nó bị sụt, còn chúng ta làm cái đột ngột quá, thì nó bị sụt cân.
Ngủ cũng vậy mấy con, cũng phải tập chứ nó hôn trầm, thùy miên nó lười biếng một cách ghê gớm lắm mấy con, chứ không phải dễ. Cái ăn nó dễ đó, mà tới cái ngủ còn khó hơn, cho nên vì vậy ngủ nó phải có cái phương pháp để mà đối trị cái ngủ, đó là cái Pháp Thân Hành Niệm.
Giờ này sao mà nó gục tới gục lui, nó đi kiếm cái hốc nào nó ngồi nó ngủ, hoặc nó đi kiếm cái giường nào nó nằm nó ngủ, chứ nó không có muốn đi nữa. Nhưng mà mình phải gan dạ, mình phải chiến đấu với nó, là mình bắt buộc phải đi pháp Thân Hành Niệm. Tác ý từng hành động, thí dụ như tác ý từng hành động: “Dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống”, rồi chân này “Dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống”.
(1:01:46) Làm hơi nó hoảng hồn, nó chạy đâu mất, nó bị mình bắt buộc nó phải chú ý, cái mà bị la nữa, la phải chú ý, cho nên cái buồn ngủ, cái lười biếng nó lại mất đi, mà nó mất đi thì mình ngồi mình nghỉ, chứ ai mà tập hoài chắc là rục giò, rục chân thì sao. Cho nên có nhiều người nghe pháp Thân Hành Niệm hay quá, tập suốt đêm, trời đất ơi, mấy người bộ điên sao! Tập để phá hôn trầm, chứ đâu phải tập suốt đêm, nó thành Phật là do cái pháp Tứ Niệm Xứ, chứ không phải thành Phật do cái pháp Thân Hành Niệm.
Nhưng pháp Thân Hành Niệm mà mình tác ý như vậy, nó tạo ra một cái lực vô hình, mấy con bảo: “Dở chân lên”, cái nó đẩy cái chân mấy con lên, bảo: “Đưa chân tới”, nó đưa thế này nè, nó đẩy chứ mình không có đưa như vậy mà nó đẩy mình, đó là cái lực vô hình của tưởng.
Khi mình nhiếp tâm ở trong cái thân hành mình được rồi đó, nó không còn vọng tưởng nữa chứ gì, cái lực tưởng nó phải hiện ra, nó hiện ra. Nó theo cái hành động mà dở chân lên, đưa chân tới, nó đẩy mình đi, nó đẩy mình có nhiều khi vừa bước, vừa dở chân, nhưng nó đẩy mình té ra, té nằm xuống mấy con, cái lực nó mạnh đến đỗi vậy đó, đó là cái lực tưởng.
Đó là cái phần ăn ngủ, là của cái người mà người ta sẽ vào thất, người ta tu tập, chứ không phải là cái người mà còn cư sĩ như mấy con, mà tập cái này được, đừng có tập, tập như vậy là mấy con tự làm mình ngao ngán, mình sợ.
Rồi còn độc cư là phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Còn tiếp duyên là ý mình phải nghĩ, mình phải trả lời. Cho nên khi mà vào thất mình tu tập rồi, thì người ta mới giữ trọn, là không nói chuyện với ai hết, một mình, để làm gì? Để cho một mình mình, mình mới ngồi mình lắng tâm, mình thấy nó muốn cái gì? Muốn vui, muốn buồn cái gì đó, nó khởi ra, để mình dùng pháp Như Lý Tác Ý để mình quét ra, để còn lại một cái tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự.
Khi mà giữ ba cái hạnh này được, Thầy mới cho vào thất mà giữ chưa được ba hạnh này, vô trong thất thì thất này lén lén buồn buồn lại thất kia nói chuyện. Thì rốt cuộc rồi, vừa mình tu không được, mà lại phá người khác tu không được.
(1:03:49) Còn ăn mà chưa có tập được, thì mấy con thấy những cái thất mà nó ở gần bìa rào, rồi này kia, cứ nhìn nhìn coi có ai ở ngoài rào làm gì đó: ”Cô ơi” hay hoặc là: “Chú ơi, chú mua dùm tôi gói mì”. Các con thấy để ăn thêm chứ gì. Có phải không? Đó là mình ăn không nỗi, mình thấy nó khổ quá, nó chóng mặt, hoặc nó đói quá rồi, thành ra tìm. Bởi vì đã được Thầy cho vô thất rồi, còn đâu có dám đi ra, mà đâu có dám lại nhà bếp xin.
Chỉ còn nước coi hàng rào có bà con nào trồng tỉa gì lại, hay hoặc là ở bên đường đó: “Cô ơi, cô đi chợ cô mua giùm tôi vài gói mì”. Có phải không? Đó là những cái bệnh của mấy con. Do đó, vì vậy mà Thầy biết trong cái vấn đề này, cho nên độc cư là khi nào mà Thầy thấy cái người này sống được, Thầy mới cho.
Cả một cái Tăng đoàn mười mấy người, mà Thầy tuyển chọn được ba người họ sống độc cư, và ăn ngủ không phi thời. Mới qua Thầy hướng dẫn cho họ tu Tứ Niệm Xứ mấy con, chứ đâu phải Tứ Niệm Xứ mà còn ăn phi thời, mà tu được. Còn ngủ phi thời, còn buồn ngủ mà vô Tứ Niệm Xứ sao được. Tứ Niệm Xứ là trên thân quán thân mấy con.
Ngồi đây không tu tập pháp gì hết, mà tự tâm nó quay vô, nó nhìn cái thân nó, nó quán thân. Mà nó không buồn ngủ, mà nó buồn ngủ rồi, còn quán được không? Mấy con thấy không, cho nên nó phải không còn buồn ngủ, mà cái người mà đi ra, mà nói chuyện rồi, thì quán thân làm sao mà quán được nữa.
Cho nên ba cái hạnh này xong, thì mới cho người đó tu Tứ Niệm Xứ. Còn chưa xong thì chưa cho vô thất tu Tứ Niệm Xứ, mà những người chưa xong, chưa cho vào thất mà tu Tứ Niệm Xứ, chưa giữ được trọn, thì Thầy không cho theo Thầy được. Ở ngoài này mà tập luyện, tập luyện chừng nào mình giữ được, thì chừng đó sẽ chọn mình vào, cho nên vào Thầy, thì tu Tứ Niệm Xứ để chứng đạt Tâm Vô Lậu.
11- THẦY TỔ CHỨC LẠI KỶ LUẬT CỦA TU VIỆN, TRÁNH ĐỂ TU SINH PHẠM GIỚI, LỌT TƯỞNG
(1:05:29) Cho nên những người nào mà vào, Thầy đều có thể hy vọng một ngày gần đây họ sẽ chứng đạo, họ làm chủ được sự sống chết đó mấy con. Còn ở bên mấy cô, mười một cô ở bên Ni đoàn, thì mười một cô Thầy cũng đưa qua bên đó, nhưng Thầy chọn lựa người nào được, người nào không được, là Thầy đẩy lui ra khỏi cái vùng của Thầy đã huấn luyện.
Chứ không khéo một người mà phạm giới, phá giới, mà không độc cư trọn vẹn, họ nói chuyện người này họ nói chuyện người kia. thì làm động cả những người khác tu mấy con, do đó mà phải trọn vẹn thì mới được.
Nhưng bây giờ qua bên đó, Thầy chưa, bên Ni Thầy chưa có trọn vẹn, mà cô Út cho đi hết qua bên đó, được rồi Thầy sẽ trọn vẹn. Người nào mà Thầy qua bên đó mà Thầy kiểm tra, mà không đúng, một lần, hai lần, nhắc nhở ba lần mà làm không đúng, thì tức là Thầy sẽ mời ra là cho đi về, chứ không có còn ở tu được nữa. Thà về đời, mình sống còn hơn để mình ở đây mà mình ngồi không, mình ăn của đàn na thí chủ, mình sống ở trong những ngôi nhà của Phật tử cúng dường như thế này, mà mình làm không đúng là mình sẽ nợ, cho nên mời cái người đó ra khỏi.
Bởi vì mình không chịu khắc phục, bảo phải phá hôn trầm, thùy miên mà cứ lén chui chỗ này ngủ, chỗ kia ngủ, thì mấy người này mời ra đi, chứ làm sao mà để ngồi đấy ngủ. Phải không mấy con? Mà người này ngủ được, người kia bộ họ điên sao họ không đi ngủ, họ cũng buồn ngủ muốn chết rồi chứ gì. Mà thấy ai cũng tu tập, ai cũng ráng khắc phục được cái hôn trầm, thì người nào cũng ráng, thì người ta ráng với nhau.
Còn có người chui ngủ, họ thấy chứ, bởi vậy nhà ở gần chứ đâu phải xa, họ thấy được: “Trời ơi! Cái bà đó bà ngủ được, mà mình không ngủ, thì mình dại quá, thôi mình cũng kiếm cái hốc mình vô ngủ”. Cho nên nó bị cái sự phân bì, bị cái sự thúc đẩy của cái dục, nó làm cho sai hết cả đám. Các con hiểu chưa? Cho nên buộc lòng Thầy rất thương họ, chứ không phải ghét, nhưng mà làm sao mà dung dưỡng được, khi một lần, hai lần, ba lần cảnh cáo như vậy rồi mà còn, thì phải mời đi chứ.
Các con thấy cái vấn đề của người dạy đạo rất là cực, chứ đâu phải. Phải thức đêm, thức khuya, phải đi canh gác, mà như vậy bên nữ Thầy đâu có dám đi ban đêm. Bởi vì nhiều khi người ta hô hoán lên, người ta nói này, nói kia, thì ảnh hưởng rất là tệ, thế nên đâu có dám đi. Thầy phải sai một cái cô người nữ, đi coi giúp giùm Thầy, khuyên lơn họ.
Cả một vấn đề khổ cho người khác, mà trong khi người ta cũng đang tu chứ đâu phải người ta ở không, mà người ta phải thay Thầy giúp cho người nữ. Bên nam nó dễ lắm, Thầy muốn đi hồi nào cũng được, ai dám la Thầy được cái điều đó. Mà bên nữ thì rất nguy hiểm mấy con, Thầy phải dè dặt chứ đâu phải, mình cẩn thận là hơn. Cái gì mình cũng phải cẩn thận, để không khéo người ta, vậy mà người ta còn nói xấu mình được chứ, đâu phải dễ đâu mấy con.
Cho nên vì vậy mà Thầy quyết tất cả mọi sự việc có thể nó xảy ra, cho nên vì vậy mà phải cẩn thận. Và cũng nhờ những người biết thương Thầy, họ giúp đỡ Thầy, họ cũng đến sách tấn, và cuối cùng bên Ni đoàn vẫn Thầy phải đưa đi đó mấy con, Thầy vẫn đuổi chứ. Kỷ luật phải nghiêm chỉnh, một cái lớp học mà không kỷ luật, thì học sinh không bao giờ tiến bộ. Các con hiểu không?
Một cái trường tu mà không kỷ luật, là cái trường tu sẽ không đạt, không có người chứng đạo. Từ lâu cái Tu viện chúng ta Thầy thấy thương yêu lắm, Thầy để chung chung, người nào cũng thấy mình học cái lớp chung nhau chứ gì. Họ không thấy cái lớp cao, lớp thấp, cho nên người mới vô họ cũng thấy mình cũng ngon rồi, được lớp tu chứ gì, cũng vào thất được cái nhà ở chứ gì, ai cũng thấy vậy.
Cho nên cuối cùng mấy con thấy, cả một thời gian dài, mà Thầy có đào tạo được người nào đâu. Cái người mới vô thì chưa biết gì hết, thì lại lôi những cái người lâu đó lại, trở thành những cái phá những cái hạnh. Mấy con thấy không? Cho nên buộc lòng, bây giờ Thầy phải có cái sự tổ chức kỹ lưỡng, kỷ luật hẳn hòi hoàn toàn.
Ai không được, mình không lấy lòng từ bi của mình để thương xót như vậy được. Mà phải thương xót Phật giáo, dựng lại bằng người tu chứng, chứ không thể thương con người mà phạm giới, phá giới thì nó làm hư Phật pháp hết.
(1:09:23) Cho nên từ đây về sau, cái trường lớp tổ chức của Thầy, thì nó phải có trường lớp, nó phải có khu chứ mấy con. Cái khu này là phải tập luyện như thế nào, cái khu kia phải tập luyện như thế nào, và cái khu đến rốt ráo nó phải như thế nào, và cái khu tập rốt ráo là phải được Thầy trực tiếp hướng dẫn.
Khi một cái tâm của mình nó không còn vọng tưởng, nó luôn luôn nó bất động, thanh thản, nó đâu phải nằm yên một cái chỗ bất động, thanh thản đó được. Mà chỉ có một người Thầy, người ta kiểm tra, người ta thấy đây là lọt vào Tưởng Không. Bởi vì mình ngồi không, mình cứ ngỡ là mình ly dục, không niệm rồi thì ngồi chứ gì? Nhưng mà nó lọt vào Không Tưởng mấy con, đâu phải dễ.
(1:11:26) Rồi bắt đầu bây giờ có người đó họ ngồi vậy, mà họ gục tới gục lui vậy, mà họ biết rất rõ mà họ biết ở trong cái tưởng, hoặc là lúc lắc như thế này. Ôi thôi! Thầy nói chung là Thầy đã hướng dẫn người, nó đủ các bệnh hết mấy con, đủ cái bệnh tưởng hết mấy con. Gọi là hành tưởng, họ rớt vào trong cái Thức Vô Biên Xứ, mấy con có nghe cái Thức Vô Biên Xứ?
Cái thức mà biết phủ trùm đó, như bên Thiền Tông hay nói đó, cái biết mà phủ trùm vạn hữu đó, đó là cái Thức Vô Biên Xứ mấy con. Chứ không phải cái định gì cả, mà khi mà cái định mà vô Thức Vô Biên Xứ này, thì họ đâu có ngồi yên như thế này mấy con, họ lọt trong đó rồi. Cái đầu họ vậy nè, họ lắc qua, lắc lại vậy nè, hoặc họ làm vậy nè, trời đất ơi, Thầy nói y như lên đồng, nhập cốt rồi còn gì!
Cho nên bắt đầu Thầy gõ cửa, thì họ biết họ dừng lại, mà không gõ cửa họ, thì chút yên lắm thì họ lại lắc nữa, họ thấy lắc cái thích thú lắm. Cho nên cái kiểu lắc là kiểu thích thú của họ, nó an lạc chứ không có gì, cho nên vì vậy mà Thầy biết, đây là nó rơi vào trong những cái tà thiền.
Còn có người tập thích ngồi lâu mấy con, ngồi lâu mà không định, thì nó phải thụng, khòm vậy mấy con, có người ngồi lâu rồi cúi vậy họ thấy nó an quá. Cho nên trời ơi ông Phật gì, mà cái tướng gì, mà cúi kỳ cục vậy! Tướng phước điền mà trời đất ơi, phước mà sao nó khòm, nó thụng, mà nó cúi vậy! Còn có người vậy mấy con, nó nghiêng vậy, trời đất ơi! Có cái tượng nào mà nghiêng vậy, có ông Phật nào mà cái tượng đặt nghiêng bao giờ, ông Phật mấy con thấy ngồi thẳng. Mấy con thấy không?
Mình phải nhìn cái tượng Phật, là cái tướng phước điền, cái tướng ruộng phước cho mọi người. Ngồi ngay ngắn vậy người ta mới: “Trời, ông này tu tốt thiệt!”, còn mình ngồi nghiêng vậy: “Trời ơi! Ai dám bắt chước ông? Cái kiểu này bữa nào té chết”. Đó là những cái mà thầy đang hướng dẫn, họ đang gặp phải mấy con, rất là đau khổ. Mà sửa, khi mà bị cái tật vậy rồi, sửa rất khó.
Thậm chí như có người mấy con Thầy phải cho họ cái kiếng, miếng kiếng bây lớn vậy, để cho họ ngồi, họ nhìn thấy họ nghiêng, để cho họ biết, hoặc là cúi, khòm họ biết, để cho họ phản ảnh được, cho nên nhờ đó mà họ cũng cố gắng họ khắc phục. Bởi vì ngồi cái thấy nó thụng xuống, là biết mình bị thụng rồi, cố gắng nhống lên, chứ còn Thầy cứ sửa họ hoài, Thầy cực quá.
Cứ lại vỗ vai họ thì họ sửa thẳng, mà Thầy đi ra, thì họ thụng xuống, do đó cứ sửa hoài không được. Thôi để cái gương đó, tự họ sửa, chịu khó cho cái gương.
12- BA ĐỨC NHẪN NHỤC, TÙY THUẬN, BẰNG LÒNG TRONG CUỘC SỐNG NGƯỜI CƯ SĨ
(1:12:42) Còn cái Đức Nhẫn Nhục, Tùy Thuận, Bằng Lòng đó là cái cuộc sống hàng ngày của quý Phật tử. Biết nhẫn nhục, mà biết nhẫn nhục có phương pháp, tức là mấy con tác ý đó. Thí dụ như bây giờ có người nào nói gì mình tức: “Quán ly sân, tôi biết tôi hít vô, quán ly sân, tôi biết tôi thở ra”, rồi hít vô, thở ra. Đó là mấy con nhẫn nhục bằng cái phương pháp mấy con, đó là cách thức. Mình tùy thuận, mặc dù tùy thuận mà không bị lôi cuốn mấy con.
Tùy thuận, bằng lòng nhưng mà không bị lôi cuốn. Nghĩa là cái người đó làm điều ác, bây giờ người ta mời mình ly rượu, mình tùy thuận mình bưng ly rượu của họ, mà mình để xuống, mình không uống mấy con. Mà mình uống là mình bị lôi cuốn vào ác pháp đó, mấy con biết, đó là cách thức mình đối xử với nhau ở trong ba cái đức này. Nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng đó để làm cho họ vui lòng, nhưng khi mình để ly, mình nhận ly rượu họ mời, nhưng mình để xuống: “Bữa nay bị gì, tui thấy trong người nó bất an!”
Chứ mình đừng nói mình bệnh đau, rồi thành nói láo mấy con, bất an thì điều đó tốt. Bởi vì mình thấy cái chuyện cho mình ly rượu là thấy bất an rồi. Có phải không? Thành ra mình nói đúng, chứ không khéo mấy con nói hôm nay tui bị đau bụng, hay gì đó. Thành ra mấy con nói láo, chứ không đau bụng, thành ra vậy là nói láo, cho nên mình nói bất an là được. Các con hiểu không?
Không, Thầy dạy cái gì cũng cặn kẽ, chứ không khéo mấy con sẽ muốn để ly rượu, mà mình muốn tùy thuận, bằng lòng để cho cái người đó vui vẻ mà. Cho nên vì vậy mà coi chừng mình bị nói láo, cho nên khéo, đây là một cái trường hợp mà Thầy nói thôi, còn biết bao nhiêu trường hợp mà coi chừng mà mình bị nói láo đó, khó lắm cho nên vì vậy trong cái vấn đề nhẫn nhục, tùy thuận là phải thiện xảo khéo léo mấy con.
Đây là cái đức của cái người cư sĩ của mấy con đang sống trong cuộc sống chung đụng với mọi người.
13- GIỚI HÀNH: ĐỊNH CHÁNH NIỆM TỈNH GIÁC, ĐỊNH SÁNG SUỐT, ĐỊNH NIỆM HƠI THỞ, ĐỊNH VÔ LẬU
(1:14:22) Còn cái giới hành, trong cái giới hành tức là tất cả những cái giới luật, năm cái giới của Phật thì nó sẽ có những cái giới hành. Mà cái giới hành nó là phương pháp tu của đạo Phật, chứ không có gì khác hơn hết. Nó là cái giới hành, là phương pháp tu. Như pháp Chánh Niệm Tỉnh Giác tức là pháp đi kinh hành, các con hiểu không? Để cho mình tỉnh thức để cho mình biết, rồi mình không bị hôn trầm, thùy miên, mình không bị phạm vào những cái giới, để mình tỉnh thức, thì mình không phạm vào.
Cho nên cái pháp mà Chánh Niệm Tỉnh Giác đó là cái phương pháp tu tập định để cho mình không có bị mờ mịt, đó là mình không bị phạm giới, đó gọi là giới hành. Cho nên có cái giới hành thứ nhất, mà con ghi đây đó là cái Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.
Cái giới thứ hai là cái giới khi mà đi kinh hành rồi, thì con phải thư giãn đó chứ, phải ngồi nghỉ đó chứ, nhưng mà ngồi nghỉ đâu có để cho nó ngủ, cho nên nó phải sáng suốt chứ gì? Đó là cái Định Thư Giãn, tức là Định Sáng Suốt.
Cho nên con đi một vòng, hai vòng rồi, thì thấy nó không có buồn ngủ nữa. Do đó mình ngồi lại nhưng mà ngồi lại trong cái sự sáng suốt, mà trong sự sáng suốt thì tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự. Mà nó có niệm gì thì mấy con sáng suốt mà, có niệm gì thì tác ý đuổi đi, do đó mình ngồi một hơi mà thấy có cái dạng buồn ngủ tới rồi, thì mấy con đứng dậy đi. Chỉ có buồn ngủ đứng dậy đi, còn tất cả các niệm khác mà khởi trong đầu thì mấy con dùng pháp Như Lý Tác Ý mà đuổi. Các con hiểu chưa?
Cho nên nó áp dụng với nhau cả cái Định Chánh Niệm Tỉnh Giác thì áp dụng với cái Định Sáng Suốt, mà bây giờ trong cái Định Sáng Suốt đó, thì thấy nó luôn luôn ở trên cái hơi thở, thì nó ít vọng tưởng. Mà nó không ở trên hơi thở thì nó niệm này nó hết, rồi nó niệm kia, mà bây giờ sao nó tuôn trào nhiều quá, cứ cái niệm này rồi nối đuôi niệm kia, nó khởi niệm hoài, mà nó lo nghĩ cái này nghĩ tới cái khác. Thì bắt đầu bây giờ, con sẽ dùng Định Niệm Hơi Thở. Phải không?
Con sẽ tác ý: “An tịnh tâm hành, tôi biết tôi hít vô, an tịnh tâm hành, tôi biết tôi thở ra” Rồi thở ra, thở vô theo cái hơi thở, rồi tác ý nữa. Như vậy là những cái niệm mà nó tuôn trào này, nó sẽ dừng lại, nó không còn tuôn trào nữa. Một, hai niệm thì con ngồi yên được, con tác ý đuổi được, mà bây giờ nó nhiều quá rồi, thôi bây giờ ta dùng hơi thở ta quét mày ra, chứ không để. Có phải không? Đó là cách thức biết áp dụng hơi thở. Nhưng mà trong khi đó, mình thấy cái tâm mình nó cũng còn dính mắc thế này, thế kia, cho nên vì vậy mình phải dùng triển khai cái tri kiến của mình để hiểu biết.
(1:16:55) Do đó thì mình dùng Định Vô Lậu, vô lậu là dùng cái tri kiến, cái hiểu biết của mình, tư duy quán xét, gọi là vô lậu, gọi là quán đó. Thì lúc bây giờ mình quán, bây giờ mình thấy cái tâm mình ngồi đây, mình thấy con người mình cái tâm sắc dục còn, thì mình quán thân bất tịnh mấy con. Con hiểu không?
Rồi mình thấy sao mình còn thèm ăn, thì quán thực phẩm bất tịnh cho nó nhàm chán đi, nó đừng có thèm ăn. Do đó thì mấy con do cái Định Vô Lậu rồi mấy con quán, các pháp vô thường, quán nhân quả, tư duy suy nghĩ về nhân quả như thế này, thế khác, đủ loại, làm cho cái tri kiến mấy con hiểu biết. Cho nên mọi pháp nó đến với mấy con thì nhờ cái tri kiến hiểu biết này, nó tự nó ngăn và nó diệt, nó xả ra ngoài mà nó không bị tác động vào thân tâm mấy con.
Đó thì hôm nay Thầy giải thích bốn cái định, tức là bốn cái pháp hành của giới luật của Phật. Thì mấy con về mà mấy con tu tập những cái này, thì mấy con sẽ được giải thoát, không có gì hết, nhớ chưa? Đó là Thầy trả lời cái bài, mấy câu hỏi này. Rồi mấy con còn hỏi gì nữa không?
14- PHÁP MÔN TỊNH ĐỘ - NIỆM PHẬT NHẤT TÂM NGHE MÙI HƯƠNG: HƯƠNG TƯỞNG - CHÚNG SANH CÒN DUYÊN NÊN THẦY DỰNG LẠI CHÁNH PHÁP
(1:17:56) Phật tử: Bạch Thầy …
Trưởng lão: Chết nghe … có nghe được hương không?
Trưởng lão: Mấy con, thuộc về niệm Phật… Nó chết nghe mùi hương? … Đúng là khi chúng ta tu tập mà nhiếp tâm thì trong cái tưởng đó nó có sáu hương, chúng ta nghe được mùi hương đó là hương tưởng, từ cái thân mà nhiếp, thì nó có cái mùi hương nó tỏa ra, thì không phải là gì, mà là hương tưởng. Chứ không phải là cõi Cực Lạc, mà cũng là cái tưởng của người ta viết ra, của những nhà khoa họ viết ra. Con mà lại tham vàng, vàng đó lót đường. Có phải không mấy con?
Cái cõi Cực Lạc, cái cõi Bất Động Tâm - Thanh Thản - An Lạc - Vô Sự, nó không có một cái gì ở trong đó, chẳng qua là mấy ông tưởng tượng theo kiểu sống vua chúa. Có phải không?
Vọng tưởng của con người tưởng ra, chứ đâu phải có! Và vì vậy mà chúng ta thích trang điểm không? Có đúng không mấy con? Giới luật của ông Phật Thích Ca thì ông Phật Di Đà là phạm hết, cái hình Phật Di Đà, thôi ông này ông phạm giới quá độ rồi. Để giúp cho quý vị, vậy mà tu thêm pháp môn Tịnh Độ cho đạt nhất tâm, ông tu thiền ông được nhất tâm, cho nên bây giờ đẻ ra pháp môn Tịnh Độ, để cho được nhất tâm.
Cho nên ông nói người nào mà tu thiền, mà niệm Phật thì như cọp mọc sừng. Có phải không? Cái câu nói của ngài Huệ Viễn mà, thì mấy con thấy. Tại vì mấy con hỏi Thầy về cái vấn đề, mà mùi hương của khi người chết mà niệm Phật? Thì Thầy biết đó là hương tưởng, còn mấy con thấy hiển nhiên người ta cũng không nói nữa.
Bởi vì tại sao mà Thầy nói Đại Thừa sai, là tại vì Thầy thấy trong cái số mấy con Phật tử hầu hết, là có những người có duyên với Chánh pháp của Phật, buộc lòng Thầy phải nói, chứ không khéo Thầy đã nhập Niết Bàn lâu rồi.
Khi mà Thầy tu xong rồi, Thầy quan sát Thầy thấy chúng sanh có còn duyên với Chánh pháp của Phật, phải triển khai, phải dựng lại cái nền đạo đức của Phật, thì giúp cho loài người, người ta thoát khổ, người ta không làm khổ mình, khổ người. Chứ bây giờ cái nền đạo đức của Phật giáo bị kinh sách của Đại Thừa, Thiền Tông phủ chụp hết rồi. Cái nền đạo đức, đâu có ai mà nói cái đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người bao giờ.
Kinh sách này không bao giờ nói cái nền đạo đức đó, mà chỉ nói giới luật của Phật, chứ không nói đạo đức của đạo Phật. Thành ra làm sao người ta biết cái đạo đức nhân bản của đạo Phật ở đâu. Cho nên Thầy thấy, nhìn chúng sanh thấy có phước, còn có phước với Chánh pháp của Phật. Buộc lòng Thầy phải nói thẳng, nói thật, không sợ mếch lòng người nào hết.
Chứ thầy Tổ của Thầy toàn là Tịnh Độ, toàn là Đại Thừa không, chứ có ai vô đây. Mà nói thì đụng chạm, mà đụng chạm mà vì lợi ích chúng sanh mới dám nói, chứ không nếu mà không vì lợi ích chúng sanh, không có người mà tu chứng chắc chắn Thầy không nói.
Cho nên hôm nay mà Thầy đến cái giai đoạn này, mà Thầy tạo cái lớp chuyên tu, để hướng dẫn một số người đã chọn lấy được để chứng đạo, để làm cái nòng cốt của Phật giáo sau này. Còn bây giờ Thầy có nói thiên kinh, vạn điển mà không có người tu chứng, thì khi mà Thầy tịch rồi thì hoàn toàn người ta sẽ phủ lên hết.
Còn có người tu chứng không ai dám phủ, đường lối có người tu chứng hẳn hoi, người ta làm chủ sự sống chết người ta đàng hoàng. Còn mình nói bao nhiêu kinh sách, mà nói có ai làm chủ được không? Thì do đó là cái điều quan trọng mà Thầy đang làm. Đó là một cái tác phẩm bằng xương, bằng thịt, chứng đạo đàng hoàng.
(1:21:26) Bây giờ mấy con đến thăm Thầy, mấy con cũng mong để mà thấy được người chứng đạo ở đây chứ! Đó là cái niềm tin sâu sắc của mấy con hơn chứ. Mà bây giờ nghe được ở đây hai người, ba người, năm người, bên nữ có người chứng đạo nữa, thì mấy con: “Ồ! Bên nữ tu cũng có người chứng đạo chứ đâu phải không? Tui phải ráng”. Phải không mấy con?
Bên nữ phải ráng, còn bên nam nghe chứng đạo được, đó là cái niềm tin phấn khởi cho mấy con, và từng đó mấy con thấy đời còn có gì nữa, phải nỗ lực! Tại sao người ta làm được, mình không làm được? Còn nói Thầy làm được, mà thực sự, qua cái quá trình tu của Thầy mấy con thấy mấy con có làm nổi được như Thầy không? Khó quá!
Nhưng mà quý thầy bây giờ, mọi người đều là sống như mấy con, chứ có khổ hạnh như Thầy đâu. Tại vì trong khi đó Thầy tu không có người hướng dẫn mấy con, nó phải khổ sở vô cùng, mà làm chủ được sự sống chết là phải trả những cái giá quá đắt.
Còn bây giờ có người hướng dẫn, thì mấy con đâu có phải để cho mấy con quá khổ vậy đâu, các con hiểu điều đó. Cho nên Thầy đâu có để cho mấy con, Thầy có nhà, có cửa ở đàng hoàng, chứ đâu phải như Thầy ở gốc cây, ở trong hang, trong hốc như vậy đâu, rồi ăn lá cây mà sống thì đâu phải vậy.
Đâu phải chỗ ăn lá cây mà thành Phật, các con hiểu điều đó. Cho nên Thầy biết rất rõ khổ hạnh không có phải. Nhưng mà vì mình không biết đường, cho nên mình phải đi vào cái đường đó để cho mình thực hiện, cuối cùng thì mình biết rõ con đường tu như thế nào rồi. Bây giờ Thầy dạy mấy con, mấy con tu chứng thì là một điều phấn khởi chung cho các con đó.
Đó, thì hôm nay mấy con được về đây, mấy con thấy cái mục đích của Thầy đang nhắm vào một, hai thầy, chứ không phải nhiều. Một, hai thầy chứng đạo rồi thì tất cả các thầy khác, người ta giữ giới như vậy, mới được vậy. Còn mình: Ăn, ngủ, phi thời, rồi lại nói chuyện này kia, cho nên tới bây giờ không được Thầy chọn. Còn người ta chỉ thấy có mấy người này được Thầy chọn.
Vậy thì mình thấy người ta tu được rồi, thì mình phải khích lệ cho mình, mình phải ráng chứ, mình phải sống đúng giới. Thì chừng đó Thầy không nói, chứ họ giữ giới nghiêm chỉnh mấy con, tại thấy cái người này tu được rồi, phải ráng chứ, không lẽ mình tu chơi vậy hoài sao?
Cho nên họ không biết, còn bây giờ họ cũng chưa chắc biết có được tu không? Thầy tu khổ chỉ có mình Thầy thôi, cho nên có nhiều người nói: “Ở trên đời này chỉ có mình Thầy làm được, chứ tụi con mà làm theo kiểu Thầy chắc không nổi, gì mà ăn lá cây chín tháng mà Thầy sống được, còn tụi này thì đâu có làm cái kiểu này nổi phải không? Ở trong hang Thầy ở được, chứ tụi này ở trong hang nổi sao”.
Do đó thì người ta cứ lấy cái Thầy người ta nói, thì người ta thấy cái chỗ mà tiến tới, để mà họ vượt lên, thì họ không có đủ ý chí nghị lực. Nhưng mà bây giờ có người mà bình thường mà tu được, thì họ nói: “Những người này bình thường như mình mà tại sao mình tu không được?”.
Thành ra cái ý chí họ lại mạnh mẽ hơn, cho nên vì vậy tạo cái người tu chứng là quan trọng lắm mấy con, là khích lệ rất lớn đối với mấy con. Không riêng gì mấy con ở đây, mà bao người ở trên thế giới này, họ đang nhìn, và đang ngó cái sự tổ chức, cái sự hướng dẫn của Thầy.
(1:24:14) Có người tu chứng là cả thế giới đều là rúng động hết mấy con, rúng động hết chứ đâu phải riêng chúng ta đâu. Nó sẽ là một ánh sáng rất lớn, một ánh hào quang để soi cả thế giới loài người của chúng ta. Con đường tu tập mà làm chủ sự sống chết như vậy, quá tuyệt vời, lợi ích quá lớn cho loài người chúng ta, chắc chắn ai cũng ham tu hết.
Cho nên hôm nay mấy con được về đây nghe Thầy nói và Thầy trả lời cái câu hỏi của con: Mùi hương tỏa ra, đó là hương tưởng, không có gì hết mấy con. Cho nên mấy người niệm Phật, mấy con tu nhất tâm thì mấy con sẽ được pháp tưởng này, sẽ được hương tưởng này, mấy con sẽ biết được chuyện quá khứ, vị lai nữa mấy con.
Bởi vì tưởng nó giao cảm nó nói chuyện người ta chết đúng mấy con. Mấy con thấy mấy người lên đồng, lên cốt nói chuyện gia đình người ta đâu có sai đâu, đó là những cái hiện tượng của tưởng chứ đâu có gì đâu.
Thậm chí như cô Bích Hằng dùng cái tưởng mà nhìn xuống lòng đất, thấy được hài cốt chôn dưới mà chỉ cho người ta đào lên. Có hài cốt liệt sĩ đó, rõ ràng là cái tưởng, chứ cái gì, chứ cô có cái gì khác ở trong đầu của cô đâu. Nó có Sắc tưởng nè, rồi có Tưởng Thức nè, Sắc Thức nè, rồi Thức Thức nè, nó có ba cái Thức trong thân con người chúng ta chứ gì. Mà năm cái uẩn tức là năm cái điều kiện trong thân của chúng ta là: Sắc, thọ, tưởng, hành, thức đó mấy con thấy không?
Cái tưởng này, với cái ý thức của chúng ta là hai cái này, cái này dừng thì cái này làm việc chứ gì. Mà cái cô này lại hai cái đang hoạt động được tốt, khi mà ý thức cô vừa dừng, thì cô dùng cái tưởng cô quan sát lòng đất cô đã thấy rồi, chứ cái ý thức cô thấy được sao? Nếu mà cô thấy được thì mấy con cũng thấy được chứ gì. Phải không? Cho nên cô có khác là cái tưởng thức của cô hoạt động thôi. Cho nên đừng có lừa đảo nói là linh hồn nhập. Vậy Thầy nói hoàn toàn thế gian này không có linh hồn.
Chết là hết không còn cái gì hết. Chỉ có cái nghiệp chúng ta đi tái sanh luân hồi mà thôi. Cũng như hồi nãy Thầy nói mà, tu hành ngồi trong đó giữ tâm bất động mà cứ ra dẫy, thì mai mốt thì tái sanh luân hồi làm nông dân chứ sao. Đó là cái luật, quy luật của nhân quả rồi, không có chạy đâu khỏi. Cái nhân nào, cái nghiệp nào, thì nó phải tái sanh cái nghiệp nấy mà thôi. Cũng như bây giờ mấy con còn tham, sân, si, thì mấy con bảo chấm dứt tái sanh, làm sao được!
Bởi vì còn tham, sân, si thì còn tương ưng với những người khác tham, sân, si, thì phải làm con họ thôi, không thể nào tránh khỏi. Mà Thầy hết tham sân, sân, si thì xung quanh đây Thầy không, người nào cũng còn tham, sân, si, làm sao Thầy làm con họ được. Con hiểu chưa?
(1:26:34) Cho nên tâm bất động - thanh thản - an lạc - vô sự là làm sao còn tham, sân, si, nó hết tham, sân, si rồi mấy con. Cho nên Thầy chỉ cho mấy con thấy, hiểu biết rất rõ rồi. Thì bây giờ chỉ còn có mấy con mà thôi, mấy con phải tự lực cứu lấy, “Các con tự thắp đuốc lên mà đi”, đạo Phật đã nói vậy mà. Còn bây giờ các con phải tự lực cứu, chứ còn Thầy đã dạy hết rồi, đó là cái phần của mấy con, còn cái phần của Thầy là xong.
Đối với chúng sanh Thầy dạy như vậy là xong hết rồi, không còn gì hết. Còn cái phần của mấy con thì mấy con phải ráng cứu mình, cái gì không hiểu, Thầy sẵn sàng dạy, sẵn sàng chỉ cho mấy con. Ví dụ mấy con tu gặp cái trường hợp nào đó, mấy con phải mau mau hỏi Thầy, Thầy sẽ giúp đỡ mấy con.
Chứ còn mấy con đừng thấy nó lạ lạ, rồi mấy con cứ ôm mấy con đi tới, thì không được. Nó còn nhiều cái khúc mắc, còn nhiều cái khó khăn, cho nên vì vậy khi mà tâm mình bất động, thì nó có nhiều cái hiện tượng của tưởng, mà chỉ có người tu chứng thì người ta mới biết mà thôi.
15- ƯỚC NGUYỆN TRONG NGÀY GIỖ, TẾT
(1:27:24) Trưởng lão: Có gì đó con? Con đưa Thầy!
Phật tử: Dạ! Kính thưa Thầy!
Trưởng lão: Cha mẹ mình mất, mình thấy mình buồn, hay hoặc mình đau khổ quá, bởi vì cái mà mình lại thương khổ như thế này? Mình hãy lo cứu mình, khi thấy cái mất của cha, mẹ thấy cái nhân quả. Mấy con không thấy nó sự vô thường, thì cái phiền não của mấy con, nó sẽ làm cho mấy con khổ đau.
Đó, nhớ khi nào mà bị phiền não trước cái cảnh như gia đình của mình, gia duyên của mình có sự bệnh tật, thì do đó mình phải nói: “Tất cả các pháp đều vô thường. Bệnh tật là sự vô thường của thân, có gì đâu mà phải lo lắng, phải sợ hãi”. Mà có người mất thì mình cũng thấy đây là vô thường, không thể nào mà người nào mà không chết, do đó mình phải có sự tư duy, suy nghĩ, và sự tư duy, suy nghĩ đó, nó sẽ làm cho con ly phiền não.
Cái phương pháp mà cúng trong ngày Tết, ngày giỗ, đều do cái lòng thành. Bởi vì cái phong tục là cái ngày Tết, hoặc cái ngày giỗ là cái ngày mất, mất người thân của mình, thì cái cách thức cúng không có nghĩa là mình đến đó mình cúng cho cái mâm cao cỗ đầy, để cho linh hồn về hưởng cái thực phẩm đó, không phải, mà ở đây, cái lòng biết ơn.
Mình đứng trước bàn thờ: “Hôm nay, con về đây là cái ngày giỗ, ngày mất cha, mất mẹ, con xin nhớ ơn người đã sanh con, con sẽ làm tốt, con sống đạo đức không để mang tiếng cha mẹ, mang tiếng dòng họ chúng ta là con người thiếu văn hóa, thiếu đạo đức”. Đứng trước bàn thờ con xin hứa những lời đó, làm cho con cuộc sống của con càng ngày càng sống có đạo đức, thì cái đó là cái tốt, cái đó là cái đúng của ngày giỗ.
Khi mà đến trước bàn thờ chắp tay lạy, mà mình hướng đến cái hình ảnh của cái người mất, là mình hứa những cái lời đó, để cho mình giữ gìn cái gia phong của mình, cho nó có đạo đức tốt đẹp, nó không bị ảnh hưởng xấu.
Ví dụ: Bây giờ trong gia đình mình có một người cháu, một người con đi ăn trộm cắp, ai bắt được: “Cháu ông đó, con ông đó vậy!” Thì thật sự nó có tiếng xấu của cái gia đình đó, mấy con. Cho nên mình cố gắng mình khắc phục, đừng có để mang tiếng cho dòng họ của mình. Thì như vậy ngày tư ngày giỗ để nhắc nhở cho mình, là con cháu, thì mình phải cố gắng khắc phục, làm tốt, sống có văn hóa, có đạo đức. Đó là cách thức mình đứng trước bàn thờ, cũng như ngày Tết.
Hôm nay là ngày mùng một Tết, đứng trước bàn thờ mình chắp tay lên: Mình xin hứa với tổ tiên, ông bà của mình, sẽ là mình trở thành những đứa con tốt, siêng năng học tập nếu còn nhỏ, để trở thành người có công ăn việc làm lương thiện hẳn hòi, và sống không làm những điều gì xấu. Và như vậy mọi người đứng trước bàn thờ, tổ tiên mà phát nguyện những cái lời ước nguyện như vậy, thì xã hội này sẽ không bao giờ có một cái người xấu mấy con, không bao giờ có những tệ nạn xã hội mấy con, không bao giờ có một người xấu.
(1:30:32) Cho nên vì vậy đó là những cái điều kiện cần thiết trong ngày tư, ngày giỗ, ngày Tết. Mà chúng ta biết cho con cháu hoàn nguyện, và hướng dẫn cách thức cho đúng thì càng ngày càng tốt.
Còn trái lại mấy con dạy con cháu của mình, đứng trước chắp tay thắp hương, lạy ông bà: “Hôm nay ông bà về chứng giám cái ngày Tết, ngày giỗ để phù hộ cho con cháu được mạnh giỏi bình an”, điều đó không bao giờ có mấy con, cái điều đó là điều mê tín, điều sai.
Mà hoàn nguyện để ước nguyện, mình phải làm tốt để cho gia đình, để cho gia phong mình được tiếng tốt, đừng để tiếng xấu, thì như vậy nó thúc đẩy cái trách nhiệm bổn phận của một người con, người cháu là phải giữ gìn đạo đức văn hóa đàng hoàng. Đó là cái tốt, cũng là cái ngày mà giỗ, ngày Tết, mà biến mình trở thành một người tốt mấy con, cũng ngày giỗ, ngày tết mà biến mình thành mê tín, lạc hậu.
Mấy con nhớ, cũng đứng trước bàn thờ mà hoàn nguyện ông bà, tổ tiên mình, mà mê tín, mà đứng trước bàn thờ, mà hoàn nguyện mà lại là xây dựng một cái nền đạo đức cho gia đình của mình, đó là cái tốt.
Hôm nay mấy con nhớ Thầy dạy là dạy đúng. Mấy con đừng làm sai, làm sai thì mấy con bị lọt vào mê tín, dị đoan, lạc hậu. Mà nó, từ xưa đến giờ người ta hay đứng trước bàn thờ, để ngày giỗ, ngày Tết, thì người ta thường hay hoàn nguyện để ông bà về phù hộ cho gia đình mình mạnh giỏi.
16- THẦY NHẬN MỌI NGƯỜI VÀO TU VIỆN TU TẬP ĐỂ HỌ GIEO DUYÊN GIẢI THOÁT VỚI CHÁNH PHÁP
(1:31:57) Trưởng lão: Có gì không con?
Phật tử: …
Trưởng lão: Được rồi Thầy xem.
Tất cả mọi người đều vào Tu viện, Thầy đều biết người nào tu được, người nào không tu được. Nhưng mà khi vào Tu viện xin, không thể từ chối. Bởi vì họ đến với cái thiện lành, gieo một cái duyên thiện, mặc dù kiếp này họ tu chưa xong, nhưng mà có gieo được cái duyên đó, thì đời sau họ còn được gặp mấy con, không thể xua đuổi họ. Đó mấy con thấy không?
Họ đến đây với một ngày họ tu tập, họ không đạt, nhưng họ lại gieo được cái duyên giải thoát, cho nên không xua đuổi. Còn cái người mới về, hàng vạn người đến đây, Thầy biết họ tu không chứng, nhưng mà vẫn nhận là muốn cho họ gieo duyên giải thoát mấy con, không thể nỡ bỏ họ mấy con, họ chỉ cần một bữa ăn cơm ở đây.
Đây bây giờ thí dụ như mấy con đến đây một buổi nghe Thầy thuyết pháp, cũng là một cái duyên rồi, nó không mất đâu mấy con, đó là cái duyên, cái nghiệp. Để tạo cho mấy con có cái duyên sau này, kiếp này mấy con chưa thực hiện trọn vẹn, kiếp sau mấy con sẽ gặp được Chánh Pháp của Phật lần nữa, và biết đâu kiếp sau mấy con, mấy con sẽ trở thành những người tu siêu thoát, đó là cái duyên, gieo duyên trước.
Cho nên Thầy không từ chối, biết rằng Thầy phải chịu cực khổ. Mặc dù Thầy biết rằng từ bao nhiêu năm nay, Thầy biết mọi người đến đây, Thầy biết họ không bao giờ tu chứng, nhưng không từ chối mấy con, nhận hết. Mặc dù Thầy biết có nhiều người họ phản sư, phản Thầy dám nói, cho nên mấy con nghe cái lời mà Thầy viết trong sách:
“Những buổi chiều tà mưa phủ trắng,
Thầy cười tha thứ kẻ vong ân”.
Họ đến đây họ học với Thầy, Thầy dạy họ giải thoát, nhưng họ ra, họ nói xấu Thầy. Thầy hiểu biết cái người mới bước vô, chứ không phải không hiểu biết. Bởi vì một người tu chứng, người ta mới dám lãnh đạo cả một cái Tu viện, người ta không vì danh lợi, mà người ta biết từng người đến, người ta chọn lấy để dựng lại Chánh pháp. Ta biết cái thời điểm nữa, thời điểm cái người đó ở đâu mà đến đây, để mà tu chứng người ta biết.
Cho nên tại sao lúc trước mà Thầy để ở Tu viện tu như vậy, mấy con biết không? Không có phân ra từng lớp, còn hôm nay lại có từng lớp lang, và người được theo Thầy, và người không được theo Thầy, nó rõ ràng. Để cho mấy con thấy từng lớp thấp, lớp cao, để cho mấy con đừng tưởng mình tu chung chung. Người nào vô, như hồi nãy Thầy nói, mấy con hãnh diện lắm mới vô đây, người tu mới, người tu cũ như nhau, không có người nào cũng bằng nhau.
Bây giờ khác rồi mấy con, thay đổi để chứng tỏ rằng đạo Phật có từng lớp, từ lớp Chánh Kiến cho đến lớp Chánh Định nó tám lớp người ta.
(1:36:06) Bây giờ mấy con chưa thấy rõ ràng, nhưng chừng ba năm nữa thì mấy con thấy ở Tu viện nó có tám lớp đàng hoàng. Mấy con vô mới nghe, là mấy con vào được nghe Thầy thuyết giảng, đó là sơ khởi của lớp Chánh kiến, chưa có được vào cái gì hết. Cũng như bây giờ mấy con được vào nghe Thầy thuyết giảng, đó là khởi sự cho mấy con thấy cái đường đi của Phật giáo, tức là Chánh Kiến chứ không còn Tà Kiến.
Rồi từ đó, mấy con có đủ duyên mấy con mới vào cái lớp, mấy con học về cái lớp Chánh Kiến, Thầy dạy từ cái Chánh Kiến của mấy con. Chứ còn bây giờ để cho mấy con hiểu chung chung, đây là Chánh Kiến của Phật giáo, còn đây là Tà Kiến của ngoại đạo, mấy con hiểu chỗ đó.
Như mấy con được nghe hôm nay, tức là nghe Chánh Kiến, chứ chưa có học, chưa có tu gì được, đâu phải tu mà nghe, về mấy con tu được liền đâu. Không phải đâu, nó phải đi từng lớp lang, chứ nó không phải vậy. Nhưng mà Thầy sẽ giúp đỡ lần lượt, cho nên tất cả những cái điều người mới, người vào tu, người nào tu chứng Thầy biết hết, không qua đôi mắt của Thầy đâu mấy con.
Bởi vì Thầy đâu có cực khổ mà Thầy đi cho mấy con vô đó, mà Thầy chịu cực đâu, cho nên mấy con hồi giờ ở đây, mấy con cũng vô thất, mấy con ở, chứ sự thật Thầy chỉ dạy mấy con chung chung thôi. Bây giờ mấy con phải tu vậy, như vậy, chứ Thầy coi ba cái hạnh, như hồi nãy Thầy nói ba hạnh: Ăn, Ngủ, Độc Cư chưa trọn vẹn, Thầy nói bấy lâu vào … lưng của Thầy, Thầy mới hướng dẫn được, Thầy mới chịu cực với những người này, chăm sóc những người này để cho những người thành đạt. Đó, mấy con thấy chưa?
Phật tử: … thầy Mật Hạnh đến gọi Thầy về.
Trưởng lão: … Thầy sẽ về, bởi vì bên đó có khách.
Như vậy rồi, để có dịp gặp Thầy nữa mấy con, mấy con sẽ ở lại, mấy con dùng cơm, xong rồi mấy con về, Thầy xin thành thật cám ơn mấy con đến hôm nay trong dịp Tết để chúc Thầy. Thầy sẽ mạnh khỏe, chứ không sao đâu. Thôi, Thầy về mấy con.
HẾT BĂNG