Skip directly to content

20090215 - THANH NIÊN HÀ NỘI GIẢI ĐÁP PHÁP TU

20090215 - THANH NIÊN HÀ NỘI GIẢI ĐÁP PHÁP TU

20090215-1-THANH NIÊN HÀ NỘI-GIẢI ĐÁP-PHÁP TU

Trưởng lão Thích Thông Lạc

Người nghe: Phật tử

Thời gian: 15/02/2009

Thời lượng: [02:15:46]

1- HỎI VỀ XỬ LÝ KINH SÁCH PHÁT TRIỂN, ĐIỆP PHÁI ĐÃ QUY Y ĐẠI THỪA

(00:00) Trưởng lão: Hôm nay, Thầy sẽ trả lời những câu hỏi của mấy con ở trong thư đó con. Còn cái này con sẽ phát cho một người một tờ. Cái này là tâm thư Thầy gởi đến những người thân, mà các con muốn đi tu, gia đình không đồng ý. Do đó cứ gởi bức thư này về, để rồi gia đình đọc. Cha mẹ hay là chồng vợ gì đọc thì họ sẽ bằng lòng cho các con đi tu.

Phật tử: Dạ con cảm ơn Thầy!

Trưởng lão: Cái này là cái điệp phái mà Thầy đã quy y cho pháp danh ở trong này rồi con. Con gởi cho họ. Ở trong thư mấy con có những câu hỏi mà cần phải trả lời chung. Thì câu hỏi đó nó rất lợi ích chung cho nhau, cho nên Thầy sẽ trả lời những câu hỏi để giúp cho các con hiểu cho nó rõ ràng, nó cụ thể về Phật pháp.

(01:08) Trưởng lão: (đọc) Câu hỏi một của con Nguyễn Thị Yến, con hỏi Trưởng lão: “Tất cả những băng đĩa kinh sách phát triển con mua rất nhiều và các chủng loại này con không biết làm sao?”

Trưởng lão: Bây giờ thì nói chung là con không có thể mà tu theo những cái lời giảng dạy băng đĩa của kinh phát triển, vì có tu nó cũng không tới đâu. Mà có nghe thì nó cũng mất thì giờ, có đọc nó cũng mất thì giờ của mấy con. Tốt hơn mấy con dành cái thì giờ đó thì mấy con tu. Còn những kinh sách đó, thì thứ nhất là: Mấy con cũng đừng cho ai. Bởi vì cho người ta nó cũng ảnh hưởng cho người ta. Người ta cũng chưa có hiểu đó, người ta thấy đọc rồi người ta sẽ có những cái điều kiện cái loại mê tín, dạy cúng bái này kia nữa. Thì do đó mấy con nên cất giữ lại, hoặc là mấy con đem đốt hết đi cũng được, không có tội lỗi gì hết.

(02:00) Cái đó là không phải kinh sách Phật mà kinh sách phát triển của các Thầy, các Tổ. Người ta nghĩ tưởng ra, người ta viết ra như vậy, chứ sự thật ra nó không phải đem ích lợi. Trừ ra mấy con đừng đốt những kinh sách Nguyên Thủy lời của Phật dạy thì rất uổng. Vì lời Phật dạy nhiều khi chúng ta đọc chúng ta chưa hiểu. Cho nên nhờ những vị thầy, người ta tu hành, người ta chứng đạo được. Người ta hiểu, người ta mới giải thích cho mình thôi.

Cũng như mấy con đọc Những Lời Gốc Phật Dạy, do sự tu chứng mà Thầy mới hiểu được cái lời của Phật dạy. Chứ cỡ không có tu được làm chủ sự sống chết thì chắc cũng không hiểu nổi những cái lời đó đâu. Nó rất khó là tại vì phải qua một cái kinh nghiệm tu hành. Rồi cái lời của đức Phật dạy, nó thực tế, nó cụ thể. Nhưng vì chúng ta chưa có kinh nghiệm, cho nên chúng ta hiểu cái cách thức mà chưa có kinh nghiệm làm chủ thì chúng ta lại hiểu khác. Cho nên nó sai lạc là ở chỗ mà chúng ta chưa tu, chưa chứng thì chúng ta đâu biết được cái nghĩa lý của cái chữ đó, cái câu đó là phải dạy như vậy.

Cho nên những cái kinh sách này để thì mấy con thấy cũng chật nhà cửa, mà đem cho người khác thì cũng không nên. Thì do đó, mấy con có thể đốt bỏ cũng được, không tội lỗi gì hết. Bởi vì đó là những kinh sách nó không đúng của Phật, cho nên bỏ. Còn nếu mấy con có chỗ thì mấy con cứ để, cất giữ để làm cái di tích lịch sử, một giai đoạn của Phật giáo. Sau này, những kinh sách đó đó, được sau một thời gian: 5 năm, hay là 100 năm, hay 200 năm, hoặc là trên 500 năm, Phật giáo sẽ chấn chỉnh được cái con đường của đạo Phật. Thì những cái kinh sách này, mấy con sẽ gởi vào một cái Cổ Tàng Viện, để người ta cất giữ. Đó là cái di tích lịch sử của Phật giáo. Chứ nó cũng không nên bỏ.

(03:52) Bởi vì mấy con cứ giữ lại đi, sau này nó là những cái điều kiện để chứng tích cho một cái giai đoạn của Phật giáo. Cho nên nếu mà nhà cửa mình chật không có chỗ đựng thì mấy con đốt bỏ. Còn nếu không có chỗ thì mấy con dồn nó vào trong một cái tủ hay một cái bàn hay một cái hộc bàn nào đó, mấy con cất giữ nó đi. Sau này, mấy con gởi cho thư viện của Phật giáo, cái Cổ Tàng Viện của Phật giáo, cái di tích của Phật giáo. Người ta vẫn giữ lại một cái giai đoạn của Phật giáo, nó đi sai lạc như vậy đó. Nó sẽ trở thành lịch sử, nó không có gì đâu.

(04:32) Những cái lá phái mà các con đã quy y theo bên Đại thừa rồi, theo quy y theo các thầy rồi. Bây giờ, muốn quy y với Thầy để chọn lấy một vị thầy, tức là quy y Phật là nó không sai rồi. Quy y pháp thì pháp Đại thừa nó không đúng rồi. Cho nên vì vậy mà cái điệp phái mà mấy con được ở bên Đại thừa cấp thì mấy con đốt không có sao hết. Tại vì, mấy con phải chọn lấy một vị thầy xứng đáng, giới luật nghiêm chỉnh, có cái tu tập kinh nghiệm làm chủ được sự sống chết. Vị thầy đó sẽ là vị thầy của mấy con, sẽ từ cái thân giáo, từ cái thuyết giáo đó mà giúp cho mấy con tu tập cho nó tốt. Cho nên những cái điệp phái đó thì mấy con cứ đốt bỏ đi chứ không có gì hết.

Sau khi được Thầy quy y lại cho pháp danh thì mấy con cứ đốt bỏ những cái điệp phái đó, chứ đừng để. Khi mà Thầy cho mấy con cái pháp danh, mà khi cái pháp danh, mấy con đọc cái tên của mình, mấy con hiểu cái nghĩa của nó thì thôi. Mà không hiểu thì Thầy giải thích cho hiểu cái nghĩa của cái pháp danh, cái tên của mình. Cái tên của mình nó phải hợp với cái đặc tướng của mình. Hoặc mình có cái duyên với cái pháp đó mà chưa thực hiện được, cho nên Thầy cũng đặt cho cái pháp danh. Để cho mình nhớ cái tên của mình mà mình thực hiện được cái tâm của mình, cho nó tốt như cái tên của mình. Đó là cái pháp danh chứ không phải là như cha mẹ đặt tên con, con mình như thế nào, không biết.

(06:06) Thí dụ như: Người con cả đặt tên đó, rồi liên hệ với cái tên đó để đặt cái đứa kế thứ hai, kế, kế nhau. Chứ còn không nghĩ rằng đặt tên con là phải đặt cho nó phù hợp với cái bản chất của nó. Nhưng cha mẹ mình làm sao hiểu. Vì vậy, ví dụ như đứa con đầu đặt tên Đức, thì đứa con sau đặt tên Hạnh là Đức Hạnh. Thì thay vì con đầu mình đặt Đức thì con sau đặt Hạnh rồi cứ kế nữa thì Đức Hạnh gì, Nhẫn, Nhục, hay hoặc này kia. Cho nên cuối cùng một loạt đặt vậy, cứ theo cái danh từ cho con mình. Hoặc là tìm cái tên gì cho nó đẹp đẽ để mà đặt tên con mình, để cho nó có cái tên cho đẹp thôi. Chứ còn cha mẹ mình đâu có nghĩ rằng con của mình phải đặt cái tên cho nó phù hợp. Nó mang cái tên đó, nó phải nhớ mãi. Nó phải làm cho đúng những cái đức hạnh của cái tên đó. Để cho xứng đáng nó mang cái tên đó, thì cha mẹ mình đâu có nghĩ điều đó. Chỉ có Thầy nghĩ đến điều đó. Cho nên vì vậy, đặt mấy con một cái tên. Khi đó mấy con cứ nhớ cái tên của mình, mà mình làm sai thì nó không đúng.

Ví dụ như Thầy đặt con cái tên Hạnh Thiện thì mấy con nhớ rằng, mấy con làm một cái hành động ác thì cái đó là nó không đúng cái tên của mình rồi, thôi không nên làm. Các con hiểu điều đó. Cho nên cái tên nó ảnh hưởng đến mình lắm. Nhớ cái tên mình. Tên mình cái hành động tốt, mà tại sao giờ mình làm hành động người khác đau khổ? Cho nên dừng lại ngay liền! Không được làm cái điều này!

Ví dụ như con to tiếng với một người nào đó, thì cái hành động mà lớn tiếng, thì như vậy nó không phải là cái hành động thiện. Mà cái hành động đó, lời nói đó là hành động ác. Cho nên chúng ta dừng lại, phải ôn tồn, nhã nhặn, nói lời nói ái ngữ, không được nói to tiếng. Nhờ cái tên đó mà mình nhắc mình, cho nên mình không có làm cái hành động ác. Mà như vậy nó đem lại sự bình an cho mình mà cũng là cho người.

Đó thì mấy con ở đây, Thầy trả lời mấy con nhớ, những cái gì mà của kinh sách Đại thừa dồn lại. Sau này có một cái Cổ Tàng Viện của Phật giáo thì mấy con sẽ gởi những kinh sách phát triển, những băng đĩa, gởi vào đó để làm một cái di tích lịch sử. Sau này, nó sẽ có một cái nơi để nó chứng tích cho một cái giai đoạn của Phật giáo chúng ta, đã phát triển đi sai trên con đường của Phật giáo. Nó trở thành những di tích lịch sử mà thôi. Còn những lá phái thì mấy con nên đốt bỏ. Mấy con nhận cái điệp phái mới, tên của mấy con để cho mấy con thực hiện cái đức hạnh qua cái tên của mấy con đã mang suốt đời của mình khi được đặt cái tên.

2- PHÁP THIỀN VẤN ĐẠO

(09:06) Trưởng lão: (Đọc) Đây là bức thơ của con. Câu hỏi thứ nhất của con. Tên con là Hoàng Hải, pháp danh là Pháp Thiền.

Con hỏi: “Kính thưa Thầy, con hỏi cái pháp danh của con nghĩa là gì? Con cũng mới được quy y theo Thầy, được Thầy ban cho pháp danh là Thích Pháp Thiền. Kính thưa Thầy, xin Thầy giải đáp cho con hiểu thêm về ý nghĩa của pháp danh này để con cố gắng tu tập”.

Trưởng lão: Chữ Pháp Thiền, chữ Thiền ở đây có nghĩa là ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện. Con mang cái pháp danh là Pháp Thiền, tức là pháp tu. Tức là phải hiểu cái nghĩa đó là pháp tu thiền, có nghĩa là ngăn và diệt ác pháp. Cho nên khi mà đức Phật dạy tu thiền, không có nghĩa là ngồi ức chế tâm, mà tu thiền thì nó là cái pháp Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần, mà pháp đó gọi là Định Tư Cụ, cái pháp tu thiền định. Cho nên vì vậy đặt cho con cái pháp danh là Pháp Thiền. Tức là nhớ lúc nào con cũng ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện, tức là Định Tư Cụ.

(10:32) Thiền định của Phật pháp là pháp ngăn ác diệt ác, chứ không phải thiền định của Phật mà làm ức chế tâm của mình. Cho nên nó còn có danh từ gọi là Định Tư Cụ, dụng cụ để tu thiền định. Thì Pháp Thiền tức là thiền định, mà thiền định thì ngăn ác diệt ác. Cho nên hàng ngày khi mang pháp danh này, có một điều gì làm cho mình buồn phiền, làm cho người khác buồn phiền thì ngay đó ngăn và diệt tức khắc, bởi vì ngăn diệt mà. Cho nên mang cái pháp danh này, cái tên này thì luôn lúc nào mấy con cũng luôn ngăn và diệt ác pháp. Trừ ra có những pháp thiền làm vui mình, vui lòng người thì không diệt mà thôi. Còn hễ tất cả những pháp gì mà có sự buồn khổ, thì mấy con ngăn và diệt liền tức khắc, không để ở trong tâm của mình.

Nhớ mang cái pháp danh này là mang cái pháp danh để mà tu tập bốn sự. Hàng ngày siêng năng tu tập bốn sự đau khổ, ngăn ác diệt ác, sanh thiện tăng trưởng thiện. Lúc nào cũng tăng trưởng cái điều thiện pháp mà diệt trừ ác pháp, đó là cái pháp danh của con. Phải nhớ, phải nhớ kĩ Pháp Thiền tức là Định Tư Cụ. Mà Định Tư Cụ tức là Tứ Chánh Cần, pháp Tứ Chánh Cần mấy con. Nhớ chưa? Mấy con ghi cho nhớ cái tên của cái pháp danh của mấy con. Cái nghĩa của nó, nó như vậy, nó sâu xa như vậy, cho nên Thầy đặt. Tùy cái đặc tướng của con mà Thầy đặt cho con để hằng ngày con ngăn diệt các ác pháp, để đem lại một tâm hồn thanh thản, bình an cho con được giải thoát. Đó là pháp danh Pháp Thiền.

3- BỆNH U NÃO VÀ NHÂN QUẢ

(12:13) Trưởng lão: Câu hai - về chứng bệnh mà con muốn trị bệnh. Đừng sợ hãi bởi vì tất cả các pháp đều vô thường. Bệnh cũng là một pháp vô thường, cho nên đừng sợ bất cứ một pháp gì.

Ở đây: “Con bị bệnh, bị mụt u lành trong não bộ. Và con đã mổ hai lần để lấy ra, nhưng chỉ lấy được một phần. Cái u đã chèn ép làm con bị hỏng một bên mắt trái và ảnh hưởng bên mắt phải. Kính xin Thầy giải đáp cho con. Duyên nghiệp gì mà con lại bệnh trên ạ? Xin Thầy chỉ dạy cho con cách dùng pháp nào để đối trị bệnh này.”

Trưởng lão: Cái về nhân quả. Trong thân chúng ta mà có mang một cái bệnh gì, tất cả những cái bệnh gì thì đó cũng là do nhân quả. Đời trước, chúng ta đã làm một cái điều gì nó ảnh hưởng đến nhân nào thì quả nấy. Khi mà chúng ta làm một điều gì, bất cứ một cái người nào hoặc là một cái loài vật nào, mà chúng ta vô tình hoặc là hữu ý, chúng ta làm ảnh hưởng đến não bộ. Làm cho chúng nhức đầu, làm cho chúng đau hoặc là mạch bị ảnh hưởng, làm cho mắt mờ. Hoặc là những cái điều mà vô tình cũng như cố ý, chúng ta làm đối với con vật cũng như đối với người khác. Thì hiện giờ, chúng ta phải trả những cái bệnh, như cái bệnh khối u của con. Nó đã làm cho mắt trái con bị mờ, rồi mắt phải.

(13:55) Thì như vậy, con hãy sống đúng năm giới luật của Phật, tức là năm giới căn bản. Rồi hằng ngày, con tập luyện với một cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Vì thân mình có bệnh thì mình biết là do duyên nghiệp đời trước. Mình chẳng biết đời trước mình làm cái tội ác gì với con vật hoặc là với ai, mà bây giờ mình phải trả những cái bệnh đó. Thì nếu mà ở trên đầu, mắt tai mũi miệng thì mình cũng gây ảnh hưởng trong cái nhân quả đời trước. Mình cũng tạo cho cái người nào đó, hoặc là một con vật nào đó ảnh hưởng đến đầu óc của người đó, hoặc là của con vật. Cho nên bây giờ mình phải bị đau ở trên đầu của mình như vậy.

(14:45) Suy luận qua nhân quả thì chúng ta thấy nhân nào quả nấy. Cho nên hiện kiếp này chúng ta chẳng sợ. Bởi vì, nhiều khi mình không hiểu thì mình phải tạo ra những cái nhân không lành. Mà cái nhân không lành thì hiện giờ mình phải trả cái quả không tốt chứ sao. Cho nên vui vẻ chấp nhận, không vì vậy mà chúng ta sợ hãi. Và từ đây về sau, chúng ta biết pháp Phật, chúng ta thường sống trong thiện pháp, mà đừng sống trong ác pháp. Đừng làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh thì chúng ta sẽ hưởng được phước báu trong tương lai. Trong tương lai, tức là bắt đầu từ đây mà biết được Phật pháp thì về sau chúng ta sẽ được bình an, mạnh giỏi. Trong khi đó, chúng ta sống đúng năm giới, đó là chuyển, lấy thiện chuyển ác. Và chúng ta biết pháp tu tập, cho nên chúng ta chuyển nó bẳng hiện tượng. Chúng ta phải trả cái quả thì chúng ta chuyển nó sẽ hết bệnh.

Do đó thì hiện giờ, con nên ôm ngay cái pháp. Thân mình có bệnh là mình phải biết ôm cái pháp để đối trị bệnh. Tức là đặc tướng của mình, cái nghiệp của mình nó hiện ra cái đặc tướng là mình đang bệnh. Thì do đó mình phải ôm pháp, mình đẩy lui bệnh. Thì hằng ngày cứ nỗ lực tu tập, chừng nào bệnh hết mới thôi, mà bệnh còn thì cứ ôm chặt pháp mà đi tới. Vì chỉ có pháp mới đối trị được bệnh của chúng ta, diệt sạch hoàn toàn.

Còn chúng ta đi trị bệnh bằng thuốc thang, thì khi mà bệnh này hết thì bệnh khác nó tới, chứ không bao giờ nó hết vĩnh viễn. Còn một cái người mà tu tập đúng pháp thì thân chúng ta sẽ không còn bệnh. Và có bệnh thì chúng ta cũng dễ dàng đuổi. Và bây giờ là lúc mà rất khó là đầu tiên, vì chúng ta nhiếp tâm và an trú chưa trọn vẹn cho nên sự đuổi bệnh cũng rất khó. Nhưng chúng ta bền chí, chúng ta sẽ tập, và chúng ta sẽ nhiếp tâm và an trú.

(16:38) Vậy thì nhiếp tâm như thế nào? “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô” Đó là cái câu tác ý để đuổi bệnh. Bảo cái thân chúng ta phải thanh tịnh, phải an ổn, không có bệnh tật nữa. Phải không? Do đó, đó là cái câu tác ý để đuổi bệnh. Kế đó thì chúng ta nhiếp tâm: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô”, hít vô tức là mình nhiếp vô hơi thở. “An tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là hít vô, thở ra.

Rồi bây giờ, cách thức nhiếp tâm. Thì bây giờ, chúng ta hít vô, thở ra năm hơi thở, đó là nhiếp tâm trong hơi thở. Nhưng cái câu tác ý là cái câu để đuổi bệnh, còn cái hít thở là nhiếp tâm. Mà bây giờ, chúng ta ngồi lại chúng ta nhiếp tâm một loạt mà từ ba mươi phút thì không bao giờ đạt được cái chất lượng nhiếp tâm. Cho nên vì vậy, thân chúng ta chưa có đuổi được bệnh vì nó chưa an trú thật sự. Nhưng chúng ta mới tác ý an trú mà thôi. Do đó chúng ta bền chí tập luyện suốt thời gian nhiếp tâm trong hơi thở và dùng câu tác ý. Cứ như vậy cho đến khi mà câu tác ý nó trở thành một cái lực, trở thành một cái lực, tâm chúng ta sẽ không còn niệm. Mà không còn niệm tức là an trú, mà nó an trú thì tức là bệnh hết, không còn bệnh.

Bởi vì “An tịnh thân hành”, cái thân nó đã an ổn được thì nó không còn bệnh. Vì chúng ta chưa an trú được cho nên nó còn bệnh. Vì chúng ta chưa nhiếp tâm được, cho nên chúng ta chưa được an trú. Các con hiểu không? Bây giờ nhiếp có năm hơi thở mà nhiều khi hít vô, thở ra còn một niệm vọng tưởng khởi ra thì làm sao mà chúng ta an trú được? Đó, mấy con nhớ kỹ. Nhưng chúng ta tập lần năm hơi thở rồi lên mười hơi thở, hai mươi hơi thở, cho đến ba mươi phút, chúng ta chỉ tác ý một câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi mấy con hít vô, thở ra suốt năm hơi thở mà không có một niệm nào hết.

(18:38) Suốt thời gian tu ba mươi phút không có niệm thì mấy con tăng lên mười hơi thở. Rồi tăng lên hai mười hơi thở rồi bắt đầu tăng lên ba mươi hơi thở, một trăm hơi thở. Cuối cùng chúng ta không cần đếm hơi thở nữa, mà chỉ biết hơi thở ra, hơi thở vô suốt ba mươi phút. Mà khi ba mươi phút mà chỉ cần biết hơi thở ra vô đó là “An tịnh thân hành”, tức là nhiếp tâm được rồi. Mà hễ nhiếp tâm được thì nó an tịnh được. Mà an tịnh được thì thân hết đau. Con nhớ chưa? Thân hết đau. Đừng sợ bệnh mà chúng ta hãy tập.

Bởi vì có bệnh mà mình tập, tức là mình cứu cho mình thoát khổ. Mà muốn thoát khổ, thì mình phải siêng năng tập, mình tập chỉ thời gian trong một tháng con sẽ nhiếp tâm được. Mà nhiếp tâm được thì nó sẽ an trú được. Mà nó an trú được thì bệnh con sẽ hết, không có bệnh gì mà không hết. Thầy nói thật sự, bất cứ bệnh gì mấy con bền chí mấy con tập trong vòng một tháng, mà nhiếp tâm được thì sẽ an trú được. Mà chính mình đang bị bệnh thì mình phải cố gắng, mình phải siêng năng, mình tập để cho được, để cho nhiếp tâm cho được. Mà khi nhiếp tâm được rồi thì nó sẽ an trú. Mà nó an trú được thì thân không bệnh. Đó là cái phương pháp của Phật như vậy. Nhiếp tâm, an trú được thì mới đuổi bệnh. Mà giờ mình nhiếp tâm, an trú được thì bệnh đâu còn. Nhớ cố gắng nghe lời Thầy dạy, mà về cứ ôm pháp.

(20:02) Một ngày chúng ta tu tập. Nếu mà ban ngày chúng ta bận công việc thì buổi tối và buổi khuya chúng ta dành ba mươi phút chúng ta tập. Mà suốt một tháng mà tập như vậy, nó rất là thuần thục, nó rất là an trú được. Mà an trú được chỉ có ba mươi phút, chứ đâu có cần nhiều. Mà ba mươi phút thì sẽ đuổi bệnh được, cố gắng tu tập con!

Sự thật ra Thầy thương, Thầy dạy để rồi tự mình cứu lấy mình chứ không thể nào mà Thầy tập cho con được. Mà con phải tự cứu lấy con, bởi vì cũng lớn tuổi rồi. Phải ráng cố gắng để cứu mình, để khi mình chết thân mình không có một chút bệnh đau nào cả, như vậy mới là hạnh phúc, mới là hạnh phúc con. Có bệnh phải cố gắng tập, đừng có để chểnh mảng. Khi đó cái bệnh nó sẽ phát nặng hơn hoặc là cái cơ thể già nó sẽ còn có nhiều cái thứ bệnh nó đổ ra nữa. Phải ráng cố gắng con, ráng cố gắng để mà làm chủ được bệnh!

Các con nên nhớ rằng cái đặc tướng của các con, là mấy con đang ở trong cái thân nghiệp của mấy con. Cái tướng đang ở trong thân nghiệp, gọi là cái đặc tướng. Cho nên ví dụ như mấy con đang bệnh, thì mấy con phải thấy rằng cái đặc tướng của mấy con là phải dùng cái phương pháp để đối trị cái thân bệnh của mình. Đó là nó sẽ đúng với cái đặc tướng của mấy con. Thì mấy con nỗ lực, mấy con sẽ tu tập, nó sẽ kết quả. Còn bây giờ một người mà người ta không có bệnh, mà giờ người ta cũng tập để mà cho người ta trị bệnh, để chờ rồi có bệnh đến. Sau này có đến thì trong khi đó người ta tập như vậy chứ nó không có đúng cái đặc tướng, cho nên nó chểnh mảng. Còn bây giờ mình đang sắp sửa chết rồi, mình không lo mình tu thì còn ai tu cho mình? Cho nên nó là cái đặc tướng, nó thúc bách, nó làm cho mình siêng năng, nó làm cho mình phải cố gắng hơn.

(21:52) Cho nên đó là cái đặc tướng. Cho nên vì vậy mà các con mạnh khỏe trong người, không bệnh đau thì sẽ tu cái khác mấy con, cho nó hợp với đặc tướng của mấy con. Còn bây giờ, các con đang bị bệnh đau rồi mà mấy con không tu cái pháp để đối trị bệnh. Mà mấy con tu những cái pháp khác thì nó lại không có nhắm vào cái đối tượng đang đau khổ trên thân của các con. Mà mấy con tu thì nó không hợp với cái đặc tướng của mấy con. Tức là cái nghiệp lực trên thân của chúng ta, ở trên tâm của chúng ta. Vì vậy cho nên pháp Phật thì nó nhắm vào cái đặc tướng của mọi người mà nó hướng dẫn, để chúng ta năng nổ, chúng ta ráng cố gắng. Để mà chúng ta vượt qua những cái nghiệp báo đó, những cái khổ đau đó. Để mà chúng ta trở thành được sự bình an, được sự giải thoát cho chính mình.

4- DIỆU PHONG VẤN ĐẠO

(22:40) Trưởng lão: (đọc) À, bây giờ cái bức thư này thì con hỏi Thầy là Diệu Phong: “Thầy có cho con cái pháp danh là Diệu Phong, pháp danh này ý nghĩa là gì?”.

Trưởng lão: Các con nghe: Phong là gió, Diệu là vi diệu, gió vi diệu, gió mát mẻ. Gió đem lại cái sự an ổn, thoải mái, dễ chịu, an ổn cho tinh thần của mình. Đó gọi là Diệu Phong. Nghĩa là lúc nào mình cũng nghĩ ngợi hoặc làm tất cả những hành động gì, nó như là cái cơn gió mát mẻ, không có nên làm một cái điều ác mấy con. Bởi vì làm một điều ác thì không phải tên của mình. Coi như là Thầy đặt cho con, coi như là cái tên của con là một cơn gió thoải mái dễ chịu, mát mẻ, đem lại cho mình được an vui và người khác an vui. Đó là từng lời nói, từng hành động của con như là những cái gió vi diệu, cái gió mát mẻ, cái gió thoải mái. Đó là chữ Phong là gió, chữ Diệu là vi diệu, nhẹ nhàng, êm dịu, ôn tồn. Đó là Diệu.

Cho nên vì vậy, cái pháp danh đó phải hợp với con, để lúc nào con cũng làm những cái hành động gì, nói hoặc làm một cái điều kiện gì hay suy nghĩ một cái điều kiện gì thì nên suy nghĩ những cái điều kiện hiền lành, cái điều kiện đem lại không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Thì đó là Diệu Phong. Đó là cái gió thoải mái, gió vi diệu. Con nhớ cái tên của mấy con để nó hợp với cái con người của mấy con. Mà mấy con cố gắng khắc phục những cái lỗi lầm của mình từ lâu tới giờ mình đã không làm cho mình được bình an, đã không làm cho người khác bình an. Thì cố gắng khắc phục, để cho mình xứng đáng cái tên của mình, cái pháp danh của mình. Các con nhớ điều này, thì do đó thì con sẽ được hạnh phúc, sẽ được giải thoát.

(24:40) Ở đây thì nói chung là cái tên của mấy con thì nó cũng tùy theo nhân quả mà đặt. Bởi vì, nhân quả là cái nghiệp của mấy con đang lãnh. Ví dụ như bây giờ, mấy con đang thọ cái bệnh thì tức là nhân quả rồi. Mà Thầy đặt cái tên cũng tùy theo nhân quả thì đúng chứ không sai.

Trưởng lão: (đọc) “Nhưng con cũng mơ hồ nghĩ rằng pháp danh của mình là do duyên nhân quả gì đó?”

Trưởng lão: Đúng vậy! Đúng vậy chứ không sai. Bởi vì nếu mà mình mang cái thân này là thân nhân quả rồi. Mà đặt cho cái tên của mình phải phù hợp với cái nhân quả của mình, để cho mình làm chủ nó. Để cho mình được giải thoát, cái thân tâm của mình được bình an không còn đau khổ nữa. Đó là tùy theo cái nhân quả của mình. Tức là nói đặc tướng, tức là nói về nhân quả của mình mà người ta đặt cho mình cái pháp danh. Và chính cái tên đó để nhắc nhở cho mình hàng ngày mình phải sống đúng cái pháp để đem lại sự bình an cho mình, cho người và cho mọi loài chúng sanh. Đó thì con nhớ cái tên của con là như vậy.

5- PHÁP PHƯỚC VẤN ĐẠO

(25:45) Trưởng lão: Thích Pháp Phước. Được! Con sẽ thực hiện theo cái thời khóa, ráng tu tập. Bởi vì cái pháp danh của con là Thích Pháp Phước, luôn luôn tạo phước cho mình, cho mọi người nha con. Cho nên ráng tu tập. Tức là con xứng đáng với cái pháp danh của con là con luôn luôn phải thực hiện mình cho đạt được những cái kết quả tu tập. Để rồi mình làm ruộng phước cho thiên hạ, ruộng phước cho thiên hạ. Tức là Pháp Phước là ruộng phước đó mấy con. Cho nên cố gắng! Nếu mà sắp xếp được, con hãy vào trong này ở gần bên Thầy. Thầy sẽ hướng dẫn cho cách thức tu tập cho đạt được cái kết quả này mấy con, nhớ kỹ mấy con. Đây là phải tu tập, chứ không có tu tập thì không được.

Trưởng lão: (đọc) Con thì nói “thực hiện theo cái thời khóa sáng một trăm hai mươi phút. Khuya thì sáu mươi phút, mong Thầy hoan hỷ cho con biết đặc tướng và phương pháp tu hành cho hợp đặc tướng của con”.

Trưởng lão: Trong thân con hiện giờ có bệnh đau gì không con?

Mạnh khỏe không có gì. À, như vậy thì con nên tập tu cái Định Niệm Hơi Thở con. Bắt đầu nhiếp tâm trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”.

Trưởng lão: Con có tập hít vô, thở ra chưa?

Pháp Phước: Dạ con đang tập.

Trưởng lão: Con đang tập hả? Con có thấy tức ngực không con?

Pháp Phước: Dạ vẫn chưa thấy tức ngực.

Trưởng lão: Chưa có gì hết hả con? Như vậy là con đã có duyên với hơi thở rồi. Nếu mà con tập, đầu tiên mà con tập hơi thở, mà con thấy tức ngực là mình chưa có đủ duyên với hơi thở thì mình phải tu pháp khác. Mình tu Chánh Niệm Tĩnh Giác, tức là đi kinh hành. Hoặc là đưa cánh tay ra vô, tức là tu pháp Thân Hành Ngoại, chứ không được tu pháp Thân Hành Nội.

(27:39) Mà bây giờ, con lại tập hơi thở mà không thấy tức ngực, không thấy gì hết đó, thì đó là cái duyên tu được hơi thở. Thì con sẽ nương vào cái tập sách mà dạy Mười Chín Cái Đề Mục Của Hơi Thở đó. Con sẽ tập nó, để hỏi kỹ từ cái đề mục thứ nhất cho đến đề mục cuối cùng của nó. Thì tu tập đề mục thứ nhất xong rồi, tu tập đề mục thứ hai, rồi thứ ba, rồi lần lượt mới tu tập hết những cái đề mục. Bởi vì đó là cái phương pháp để ngăn ác diệt ác pháp. Mà ngay trên đặc tướng của con là thân con không có bệnh đau, cho nên con phải tập đi từng bước, từng bước như vậy.

Trưởng lão: Con tập được không con?

Pháp Phước: Dạ con sẽ cố gắng.

Trưởng lão: Con ráng tập đi con! Để rồi sau này, con phải làm xứng đáng với cái tên, cái pháp danh của con là Pháp Phước. Pháp mà đem lại được bình an cho mọi người đó là cái phước báu đó. Cho nên con phải tu tập để mình làm cái điều tốt cho thiên hạ. Mà nếu mình tu tập thì mình mới làm tốt được, còn mình không tu tập thì làm sao mình làm tốt được. Mình lý thuyết suông thì ai tin, cho nên mình phải hành, mình phải làm được thì người ta mới tin. Đó thì nhớ kỹ con. Nhớ cái đặc tướng của con, thì con phải đi từ cái pháp Định Niệm Hơi Thở đó con.

6- NGỌC LIÊN VẤN ĐẠO

(28:54) Trưởng lão: Ngọc Liên con! Con nhớ về tu tập con. Trong khi đó con cố gắng. Về đặc tướng của con thì nên tập cái pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác, chuyên nó con. Con tu có Thọ Bát Quan Trai rồi. Con biết Chánh Niệm Tĩnh Giác là cái phương pháp đi kinh hành con. À, con đi hai cái pháp, con kèm theo hai pháp.

Một là con đi kinh hành rất bình thường, chứ không phải là con đi pháp Thân Hành Niệm, con. Con biết đi Chánh Niệm Tĩnh Giác, đi mình biết mình đi thôi. Rồi sau đó mình đi, ví dụ như cái nhà này mình đi ba vòng vầy. Bắt đầu từ cửa đó mình đi một vòng, rồi đây một vòng, tới ba vòng thì con ngồi lại. Con chỉ ngồi lại nhắc tâm mình thư giãn, tức là pháp Thư Giãn đó con. Con biết pháp đó.

Thì tức là chuẩn bị cho con bước vào Tứ Niệm Xứ đó, là tập thư giãn thôi. Cho nên khi ngồi lại thì tất cả các cơ đều buông xuống hết, đừng tập trung gì hết, để ngồi chơi thanh thản thôi, thì đó là pháp Thư Giãn. Con biết pháp đó chưa? Thì thân tâm con nó tu nhẹ nhàng như vậy thì con sẽ rất tỉnh. Và đồng thời khi mà cái tâm con nó bất động được thì chừng đó thì sẽ tiến vào pháp Tứ Niệm Xứ mà tu tập trên thân quán thân. Còn bây giờ thì cứ ôm pháp đó sẽ đi vào Tứ Niệm Xứ rất dễ. Vì đặc tướng của con, Chánh Niệm Tĩnh Giác với cái pháp Thư Giãn thôi, phải không? Con nhớ kỹ hai cái pháp đó.

(30:27) Còn tên con là Ngọc Liên. Liên có nghĩa là sen, cây sen. Mà cây sen nó ở dưới bùn, nhưng mà nó không hôi tanh mùi bùn. Con hiểu chưa? Mà Ngọc Liên tức là cái viên ngọc mà không hôi tanh mùi bùn. Tên con tức là không bao giờ để cho nhiễm những ác pháp, là những ác pháp đó con! Người ta nói gì nói, người ta làm gì làm, nhất định là mình không bị ô nhiễm. Cũng như là cây sen ở dưới bùn lầy mà không hôi tanh mùi bùn.

Con ở trong một cái gia đình, ví dụ như người này to tiếng, người kia to tiếng nhưng lúc nào con cũng giữ mình ngọt ngào với cái lời ái ngữ. Không nên vì ảnh hưởng những lời nói to tiếng mà con lại bắt chước, con nói to tiếng thì không đúng với tên con. Con mang cái tên này thì tức là sống trong cái khung đầy ác pháp, nhưng luôn luôn lúc nào con giữ trọn con, là một người rất trong sạch không bị nhiễm những ác pháp đó. Đó là như vậy mới xứng đáng cái tên của con, gọi là Ngọc Liên, phải không?

Con cố gắng con giữ gìn, con cố gắng bảo vệ cho mình xứng đáng với cái tên mình đã mang, cái tên của mình thì như vậy nó mới hợp. Và pháp tu về đặc tướng của con thì Chánh Niệm Tĩnh Giác. Vì tĩnh giác cho nên mình mới bảo vệ được cái tâm của mình không bị ác pháp lôi cuốn. Cho nên phải tập cái pháp Tĩnh Giác và Thư Giãn để ngồi nghỉ mà thôi. Phải không? Con nhớ không?

Nghĩa là thư giãn là mình ngồi nghỉ, để rồi cái chính là mình đi kinh hành Chánh Niệm Tĩnh Giác. Con như vậy thôi, để bảo vệ. Tập cái pháp đó để bảo vệ cái tên của con luôn luôn trong sạch, thanh tịnh, không ô nhiễm ác pháp. Cố gắng giữ gìn con!

7- XUẤT GIA CẦN CHẤP THUẬN CỦA CHA MẸ, VỢ CHỒNG, CHÍNH QUYỀN

(32:15) Trưởng lão: Nguyễn Bá Thành con. Gia đình, cha mẹ không có đồng ý cho con đi tu. Con sẽ đem một bức thư của Thầy gởi, thì mấy con sẽ về đưa cho cha mẹ đọc. Rồi cha mẹ sẽ vui lòng mà cho mấy con, cho con đi tu, chứ không có gì hết. Chừng nào mà, khi mà con quyết tâm mà con theo Thầy xuất gia tu hành, thì Thầy sẽ cho con cái đơn xin xuất gia. Để rồi cha mẹ hay hoặc vợ con đều ký tên trong đó, chấp nhận cho con đã xuất gia đi tu. Và đồng thời chính quyền địa phương ở đó họ cũng sẽ chứng nhận, bằng cách là Thầy sẽ cho một cái bức thư, phải kèm theo một bức thư. Chứ để không họ nói về vấn đề tôn giáo họ không biết, thì không phải.

Ở đây chúng ta về tôn giáo, chúng ta tự do tín ngưỡng trong pháp luật nhà nước chứ không phải chúng ta tự do tín ngưỡng ngoài pháp luật của nhà nước. Cho nên nhiệm vụ của chính quyền là phải chấp nhận, bởi vì nhà nước chấp nhận cho có Phật giáo. Thì hôm nay, tôi quyết định tôi theo Phật giáo thì nhà nước phải chứng nhận cho tôi là một người dân tại địa phương đó. Tại vì tại địa phương đó thì chính quyền phải biết người đó tốt xấu chớ? Để báo cho cái người, người ta lãnh đạo tôn giáo người ta biết cái người dân đó là người tốt. Người ta mới chấp nhận cho mình đi tu.

Cho nên vì vậy mà con mang cái đơn xin xuất gia mà Thầy trao cho đó, thì con sẽ đưa vào gia đình của mình. Cha mẹ hay là vợ con sẽ ký tên vào đó chấp nhận cho con xuất gia, xuất gia tu hành. Rồi đồng thời con sẽ đưa một cái đơn, một cái thơ mà Thầy gởi cho chính quyền tại địa phương con. Để họ đọc, họ thấy cái trách nhiệm của họ là con là cái người địa phương ở đó, thì họ sẽ đọc cái thơ của Thầy rồi, thì họ sẽ chứng vào đó, họ đóng dấu đàng hoàng. Đây là cái người dân tại địa phương tôi là người tốt, xin xuất gia chúng tôi chấp nhận và đồng ý. Thì như vậy mấy con trọn vẹn, mấy con đến đây, mấy con tu, không ai mà làm khó dễ mấy con. Rồi từ đó mấy con sẽ có giấy phép đàng hoàng, từ ở trong một cái Giáo hội mà được nhà nước chúng ta chấp nhận, đã chấp nhận cho thành lập cái Giáo hội Phật giáo mà. Con hiểu chưa?

(34:32) Cho nên chúng ta tu tập là chúng ta theo một cái tôn giáo nào cũng phải ở trong cái pháp luật của nhà nước, chứ không phải ngoài pháp luật. Có nhiều cái tôn giáo không có cần pháp luật nhà nước, đến tổ chức này nọ kia. Rồi đồng thời nhà nước thấy không được, người ta phải dẹp mình đi. Cái đó là làm sai pháp luật của nhà nước. Cho nên mình tự do tín ngưỡng trong pháp luật nhà nước, chứ không phải ngoài pháp luật nhà nước.

Vì chúng ta là một công dân trong một đất nước, không thể nào mà chúng ta làm cho đất nước của chúng ta bị xáo động thế này thế khác. Một tôn giáo nó cũng ảnh hưởng rất lớn. Các con thấy tự do tín ngưỡng theo kiểu mà Nhật Bổn, theo kiểu Mỹ đồng thời một loạt vậy đó. Cái tôn giáo nó tuyên bố rằng năm 2000 này là sẽ năm tận thế, trái đất này sẽ nổ tung đi. Bao nhiêu cái người theo tôn giáo đó tự tử chết hết. Các con thấy cái đó, một cái tai hại mà năm 2000 qua rồi, có bao giờ mà tận diệt bao giờ không? Đó là một cái sai.

(35:29) Ở đây thật sự ra, nhà nước mình rất là kỹ, rất tốt. Bây giờ pháp luật của nhà nước cho mình tự do tín ngưỡng. Nhưng mà nhà nước mình sẽ thấy cái tôn giáo đó được như thế nào mới cho phép, mà không được đâu cho phép. Bởi gì nhà nước nói tôn giáo nó phải có một cái gì lợi ích gì cho dân tộc.

Ví dụ như Thầy dạy đạo đức sống không làm khổ mình, khổ người. Nhà nước thấy đây là lợi ích cho dân tộc mà. Đem lại cái sự bình an cho mọi người, thì người ta chấp nhận liền. Cho nên vì vậy, mình là một công dân của một đất nước, phải bảo vệ đất nước đó, không được đi ra ngoài pháp luật của nhà nước. Bởi vì, pháp luật là bảo vệ cái sự an ninh cho Tổ quốc của chúng ta. Cho nên cái người lãnh đạo mà được một cái tôn giáo cùng nhau để mà xây dựng cái quê hương, làm tốt cho cái dân tộc đó thì rất là tuyệt vời. Rất là tuyệt vời mấy con.

Cho nên ở đây, khi mà Thầy làm một cái công việc này, đều là Thầy đặt thành một cái vấn đề hết. Khi mà đi họp ở Ban tôn giáo, ở Mặt trận đều là gợi ý, góp ý và đưa những cái ý kiến đó cho nhà nước, người ta hiểu biết được tôn giáo làm công việc gì. Cho nên phần nhiều mà Thầy đi họp, là phần nhiều là Thầy gợi ý cái lợi ích cho đất nước. Trách nhiệm của một người tu, của một tôn giáo như Phật giáo là phải đem lợi ích cho cái đất nước đó. Giúp cho những người trị nước dễ dàng hơn, chứ đâu phải làm cho khó khăn hơn. Nhất là những điều mà làm mê tín, gây tổn hao cho đồng bào Phật tử, điều đó là một cái điều sai. Mà nhà nước dẹp không được, mà Thầy ở đây, Thầy quét sạch ra hết.

(37:05) Bởi vì Thầy đứng trong góc độ tôn giáo, Thầy dễ nói. Mà nhà nước nói thì đụng chạm đến tôn giáo. Bởi vì mình nói tự do tín ngưỡng, bây giờ người ta làm cái gì cũng không dám nói hết. Nó rất khó mấy con. Mà hễ làm căng thẳng thì nó ảnh hưởng đến chính trị của đất nước. Nói bây giờ nhà nước đàn áp tôn giáo, cách rất khó. Tội cho những người lãnh đạo đất nước, mấy con. Mà trong khi đó mình làm sai, mình làm hại cho dân tộc mình rất nhiều.

Cái tôn giáo, con thấy nó mê tín là nó dạy cho người ta đốt giấy tiền vàng mã. Con ở ngoài Hà Nội, mấy con biết, cái phố Hàng Mã nó bán biết bao nhiêu tiền đốt. Mà lợi ích gì? Mà tốn tiền như vậy, hàng tỷ bạc, mấy con biết không? Tại sao chúng ta phải thấy được cái điều này? Rồi đủ thứ cách, nó mê mờ, nó không đúng Chánh tín của Phật. Nó mê tín một cách rất lạc hậu, mà nhà nước không dám động.

Động sao được? Bởi vì tôn giáo mà. Động, thì vừa dẹp nó thì nó sẽ chống đối lại, nó nói mình đàn áp tôn giáo rồi. Cho nên rất khó, đối với cái người lãnh đạo rất khó. Nhưng Thầy nói sai là Thầy chỉ cho cái sai, nó làm hao tài, tốn của, tốn công. Cho nên nhiều khi những cái hệ phái tôn giáo mà làm sai đó thì họ cũng không nói được Thầy. Bởi vì, Thầy đứng ở trong góc độ của Phật giáo, những lời của Phật dạy đâu có dạy làm cái điều đó.

(38:27) Cho nên hôm nay thì mấy con nhớ là khi nào mà quyết tâm mà tu, thì Thầy sẽ cho một cái đơn. Rồi đồng thời ở tại quê, mấy con làm xong những thủ tục đó rồi, cầm cái đơn đó đi vào đây. Thầy sẽ gởi cho Ban Đại diện của huyện này và Ban Trị sự Tỉnh hội của tỉnh này chứng nhận hoàn toàn. Sau đó thì Giáo hội Phật giáo Việt Nam chúng ta sẽ cấp giấy tờ đàng hoàng. Mặc dù, các con biết rằng Giáo hội Phật giáo của chúng ta hiện giờ cũng đang đi ở trên một cái nẻo sai chứ không phải đúng. Nhưng họ biết rằng Thầy dạy rất đúng. Bởi vì, họ bây giờ vẫn cúng bái, tụng niệm, cầu siêu, cầu an trong các chùa, mặc dù là các chùa rất lớn.

Như mấy con ở Hà Nội, như chùa Quán Sứ chẳng hạn, đâu phải là nhỏ. Đó thì mấy con, chùa Trấn Quốc đều là cúng bái không à. Thậm chí như còn giết gà để cúng cô hồn các đảng gì nữa. Tất cả những cái đó là một cái đau lòng, mà tại vì cái ảnh hưởng nó truyền thừa quá lâu ở trong Phật giáo rồi. Cho nên khi mà Thầy đi ra Hà Nội thăm, trong một cái dịp đó đi ngang qua chùa Trấn Quốc, Thầy thấy bày cái vấn đề mà cúng bái. Thầy nói: “Trời đất ơi! Bây giờ không sửa, còn chừng nào nữa?”.

Cho nên những sách vở của Thầy là chỉnh đốn lại Phật giáo, để đem lại một cái sự tốt đẹp cho Phật giáo và cái tinh thần. Nếu mà cái tốt đẹp của Phật giáo là cái tinh thần dân tộc của mình. Bởi vì, Phật giáo nó truyền thừa vào dân tộc của mình rất lâu đời, cho nên những cái tư tưởng của chúng ta sống hàng ngày đều là tư tưởng chịu ảnh hưởng rất sâu của Phật giáo. Mà nếu nó sai thì nó cũng ảnh hưởng rất lớn cho dân tộc chúng ta. Mà nó đúng là nó đem lại hạnh phúc cho dân tộc chúng ta rất lớn.

(40:18) Cho nên cái nhiệm vụ của những người tu sĩ không phải là một cái chuyện thường, mà trong một cái giai đoạn chuyển biến như thế này là Thầy một người phải gánh vác rất lớn mấy con. Đem lại hạnh phúc cho dân, cho nước, đem lại sự bình an và đem lại một cái tư tưởng tốt đẹp là Phật giáo cho dân tộc này. Đó là cách thức Thầy cố gắng Thầy làm. Vì vậy cho nên con quyết tâm được mà tu tập, thì gia đình không chấp nhận thì có những cái bức thư Thầy sẽ gửi cho gia đình, cha mẹ, vợ con về đọc.

Bởi vì, trong bức thư đó Thầy có nói: “Khi mà bệnh đau thì cha mẹ có thương con chắc cha mẹ cũng không bệnh thế được. Mà khi mà con chết, cha mẹ có thương con, cha mẹ cũng không chết thế được. Vậy con đi tu để làm chủ được sự bệnh tật, làm chủ được cái sự sống chết của con. Sao cha mẹ lại không cho con đi? Cũng như con bây giờ, nếu mà cha mẹ không cho con học thì hôm nay làm sao con biết chữ, mà con biết nghề nghiệp mà con làm sống? Ít ra cha mẹ cũng thấy được cái sự nỗi khổ của mỗi con người. Sanh lên làm người thì bệnh là khổ, mà chết là nỗi khổ mà không ai thay thế được. Vậy cha mẹ hãy thương con mà hãy cho con đi tu, đó mới là thương con. Rồi con đi tu được, con đâu phải đi tu mà vô đó phải khổ hạnh như thế này thế khác đâu. Ở đây tu tập không phải là ép xác, không phải làm cho mình khổ, mà tu tập chỉ có phương pháp tập luyện. Ba mẹ đừng nghĩ rằng đi vô chùa tu là khổ, ăn chay là khổ. Không phải đâu! Không phải đâu! Đó là cách thức để tập làm chủ chứ không phải là cái gì khác”.

(42:05) Cho nên những cái bức thư Thầy trình bày cho gia đình, cho vợ con, cho chồng con biết cái tu tập là một cái lợi ích, cái lợi ích rất lớn. Cho nên không thể ai thay thế nỗi khổ bằng chính mình phải làm chủ lấy nỗi khổ của mình, không người nào mà chịu thay hết. Cho nên con chuẩn bị xong xuôi rồi, vào đây Thầy sẽ nếu mà cần thì Thầy sẽ gởi cho một cái đơn xin xuất gia, con sẽ mang về ngoài đó. Xong xuôi rồi thì con sẽ trở vào, con sẽ mang cái đơn xin xuất gia trở vào đây. Thầy sẽ giúp đỡ trên con đường tu tập đầy đủ giấy tờ pháp lý đúng pháp luật của nhà nước, không sai một chỗ nào, đi ra không ai nói.

Chứ nhiều khi mấy con xuất gia, mấy con chưa có giấy tờ gì hết, mấy con đi, lỡ công an hỏi mấy con, thì người ta nói ông thầy này ông thầy tu giả nè, giấy tờ không đủ nè. Các con hiểu điều đó không? Không! Ở đây, chúng tôi là những người theo tôn giáo trong pháp luật của nhà nước cho nên chúng tôi đầy đủ giấy tờ, giấy gì chúng tôi cũng có đủ. Ở đây, Thầy làm đầy đủ mấy con. Chứ không có thể mà làm gian, làm dối gì hết. Không thể muốn cạo đầu cái vô cạo đầu, muốn vô chùa nào vô chùa mà không giấy tờ gì hết. Vô nó thành ra cái chùa này chứa bao nhiêu người gian dối. Không có đúng, không đúng pháp luật.

Cho nên một cái người mà xuất gia các con biết người ta nắm lý lịch rất kỹ. Thầy cho mấy con xuất gia chứ Thầy gởi về địa phương Thầy hỏi. Hỏi coi con ở ngoài đó có tiền án, tiền sự gì không? Có nhiều người làm có tiền án, tiền sự trốn vô trong này tu. Thì hỏi ra thì ở ngoài đó nào là cướp giật, giết người ngoài đó. Cuối cùng là ai chịu tội? Nếu mà Thầy ở đây mà Thầy giữ cho những người mà có tội ác đó thì Thầy có phạm tội, chứ đâu phải không.

(43:51) Ví dụ như mấy con bán thuốc phiện đi, mấy con ở đâu ngoài Hà Nội đi. Mấy con vào đây mà Thầy cho mấy con ở đây, Thầy có tội khi mà công an nó truy ra được thì Thầy có tội chứ. Chứ đâu phải không đâu. Cho nên tất cả những cái sự tu tập này đều là nằm ở trong pháp luật của nhà nước. Họ kiểm điểm rất kỹ những người thật tu, chứ mà như người tu giả thì không thể vô nổi.

Thầy ví dụ như mấy con tu giả, mấy con vô đây ăn ngày một bữa không nổi. Mà Thầy bắt sống độc cư, mấy con sống một mình, mấy con chịu không có nổi nữa. Thì bây giờ có muốn hay không, như thế nào mấy con cũng phải gói đi thôi, chứ không thể nào sống được. Đó là cái kỷ luật, cái giới luật của cái Tu viện nó khắt khe như vậy, mà nó liên hệ rất là chặt chịa.

Bây giờ mấy con ở Hà Nội, khi mấy con xuất gia thì mấy con phải có địa chỉ này kia. Thầy liên hệ tất cả mọi mặt để mà xem thử coi con là người tốt hay xấu. Mà nếu con thật sự là một người tốt quyết tâm xuất gia, Thầy giúp đỡ tận tình. Còn bây giờ có cái gì mà gian dối, Thầy mời ra Thầy nói chuyện: “Bây giờ như vậy nó không thật, mà không thật mà cái Tu viện của Thầy mà giữ những người không thật thì nó ảnh hưởng rất lớn cho những người khác. Người ta là những người tốt thì người ta cũng mang tiếng, các con hiểu điều đó”. Cho nên ở đây, Thầy làm cái gì là rất là chắc. Rất là chặt chịa, rất là chắc chắn, bảo đảm cho cái sự tu tập cũng như mọi người mà đang ở đây.

(45:10) Đó mấy con thấy chưa? Đó là một cách thức phải làm việc đúng. Vậy con yên tâm con, con cứ về, cố gắng con, Thầy sẽ giúp đỡ cho. Thầy, khi mà không theo Thầy thì thôi, mà đã theo Thầy thì mấy con nhớ là nỗ lực tu, Thầy dạy đâu thì mấy con tập đó. Thì trong cái thời gian mấy con sẽ làm chủ được sự sống chết đàng hoàng mấy con. Mấy con sẽ không còn sợ bệnh đau gì hết. Tất cả những bệnh đau gì đến thì mấy con đuổi đi hết, không còn cái bệnh đau gì trên thân của con mà để con phải khổ sở.

8- PHÁP TU PHÙ HỢP VỚI ĐẶC TƯỚNG

(45:46) Phật tử: Ninh Thị Thành. Câu thứ nhất: “Con xin Thầy một pháp tu cho phù hợp với đặc tướng của con.”

Trưởng lão: À, bây giờ về cái tướng của con thì Thầy thấy bản thân con có mang bệnh gì không con?

À, có bệnh hả con? Như vậy thì con sẽ về, con tập một cái đề mục của Định Niệm Hơi Thở: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Thì con sẽ tập cái đề mục đó, để nó tác ý cái câu đó. Để giúp cho thân con bình phục trở lại, không còn một cái bệnh tật gì hết. Thì sau đó, thì con sẽ tu cái pháp Thân Hành Niệm.

Nghĩa là đầu tiên, thì con phải tu cái pháp tu này để thân con nó không còn bệnh đau gì. Thì lúc sau khi mà tu tập xong rồi thì con sẽ tu cái pháp Thân Hành Niệm. Thân Hành Niệm tức là cái pháp đi kinh hành mà tác ý từng hành động, thì các con sẽ đọc lại sách Thầy trên cái pháp đó. Rồi sau khi tu tới cái pháp đó thì Thầy sẽ kiểm kiểm lại, coi thử coi đi có đúng không. Coi đưa tay, đưa chân có đúng không? Để cho tu đúng.

Còn về cái pháp Định Niệm Hơi Thở thì hiện giờ trước tiên con nên tác ý: “Cơ thể phải bình phục, phải mạnh khỏe. Không có còn một bệnh đau gì trong thân này nữa”. Con tác ý như vậy rồi thì con tác ý cái câu: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Và cứ như vậy, con sẽ tu tập trong ba mươi phút rồi xả nghỉ. Một ngày, nếu mà ban ngày con mắc bận công việc thì ban đêm con sẽ tu tập trong buổi tối và buổi khuya. Chỉ mỗi buổi tu tập ba mươi phút thôi, đừng tu nhiều con. Sau khi tu tập, thấy cơ thể con không còn một bệnh đau gì hết thì lúc bây giờ con sẽ tiếp tục, con tu cái pháp Thân Hành Niệm.

(47:50) Thân Hành Niệm tức là cái pháp đó thì chân trái bước đi, cách thức bước đi đó: “Chân trái dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống”. Một bước nó có nhiều cái động tác. Mình bước đi, cái chân mình bước mình dở lên, mình để xuống. Nhưng mà mình không ngờ: “Mình dở gót lên, dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống”. Tất cả những cái bước của mình nó nhiều cái động tác, mình chia ra làm nhiều động tác gọi là Thân Hành Niệm.

Cho nên sau đó thì con sẽ tập cái pháp Thân Hành Niệm. Là khi cái thân của con nó đã ổn định thì con sẽ tập. Và khi mà tập pháp Thân Hành Niệm rồi, thì lúc nào có dịp, thì mấy con vào đây Thầy kiểm tra lại coi đi đúng hay không đúng, đi chậm hay là đi nhanh. Nhiều khi chậm quá nó cũng không đúng, mà nhanh quá cũng không đúng. Nó phải vừa với cái nhịp nhàng của cái thân hành. Cái hành động này thì nó kế hành động kia, nó nhịp nhàng. Cho nên nói là: “Cỗ xe Thân Hành Niệm, cỗ xe kiên cố Thân Hành Niệm”. Khi chúng ta tập các hành động nó liên hệ nhau, mà nó kiên cố được rồi thì nó trở thành một bánh xe chạy. Và tất cả những chướng ngại pháp nó đều cán nát hết. Chướng ngại pháp nó như thế nào? Đó là hôn trầm, thùy miên, đó là các niệm vọng tưởng trong đầu của mấy con, nó sẽ cán mà không cần phải tác ý.

Nghĩa là ví dụ như bây giờ Thầy đưa tay ra như thế này. Thì khi đưa tay ra như thế này thì có một cái vọng tưởng khởi ra trong đầu Thầy thì Thầy sẽ đưa tay này ra liền. Thì cái hành động đưa tay này ra nó sẽ cán nát cái niệm vọng tưởng đó đi. Bởi vì đó là cái pháp Thân Hành Niệm. Nó không cần phải dùng cái pháp tác ý để đuổi cái niệm mà nó sẽ cán.

Bây giờ hôn trầm, thùy miên thì chúng ta mạnh dạn tác ý: “Đưa tay ra” thì nó còn lừ đừ, thì chúng ta tác ý: “Đưa tay này ra nữa”, rồi chúng ta sẽ hạ hai chân ngồi xuống. Thì liên tục những cái hành động đó, nó làm cho chúng ta tỉnh trở lại. Không còn bị lừ đừ, không còn bị hôn trầm, thùy miên. Gọi là bánh xe Thân Hành Niệm, cán nát những chướng ngại pháp khi nó chạy.

(50:03) Cũng như cái xe mà nó chạy, mấy con đổ một đống đá, nó sẽ vượt lên trên nó đi, chứ nó không bao giờ một cái xe mà nó đủ cái sức kiên cố thì nó vượt lên trên đống đá nó đi luôn qua, chứ nó không bao giờ nó bị dừng lại. Còn cái xe mà không kiên cố khi gặp một đống đá thì nó không vượt lên được, nó phải dừng lại. Còn cái xe mà Thân Hành Niệm nó kiên cố rồi, đổ một đống đá hoặc là một cái cây đổ ngã cản đường, nó vẫn vượt qua, nó đi luôn qua. Đó là pháp Thân Hành Niệm. Tất cả ác pháp, chướng ngại pháp mà nếu một người tu pháp Thân Hành Niệm thì không có chướng ngại pháp nào mà còn ở trong tâm của họ được. Họ sẽ dùng cái pháp đó mà cán nát. Vậy con phải cố gắng, con phải tu. Nhớ canh cái đề mục, nhớ cái đề mục Định Niệm Hơi Thở để nó phục hồi cơ thể con mạnh khỏe.

9- PHÁP TÁNH VẤN ĐẠO - TỈNH GIÁC

(50:55) Pháp Tánh: Thích Pháp Tánh có gởi một bức thư, thì trong đó có những câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất hỏi: “Pháp danh của con là Pháp Tánh như thế nào?”.

Trưởng lão: Chữ Tánh đây là tánh thiện chớ không phải là tánh ác. Chớ không phải tánh là Phật tánh, mà đây là cái tâm lành của con, cái tâm thiện của con. Pháp Tánh tức là pháp thiện, cái tâm thiện của con. Cho nên khi thiện nó như thế nào để chúng ta biết thiện. Thiện là không làm khổ mình, khổ người và khổ cả hai, hoặc là tất cả chúng sanh đó là pháp thiện. Pháp Tánh tức là pháp thiện. Bởi vì con người sanh ra, mà nếu không giữ được năm giới của Phật tức là cái Đức Hiếu Sinh; Đức Ly Tham; Đức Chung Thủy; Đức Thành Thật; Đức Minh Mẫn thì nó sẽ không có pháp thiện.

Mà pháp thiện ở đây tức là năm cái đức của năm giới. Mà năm cái đức của năm giới tức là pháp thiện. Mà pháp thiện thì sẽ không làm khổ mình, khổ người, khổ cả hai, tức là không làm khổ cho mình. Mà hễ có làm khổ tức là không thiện, có to tiếng không thiện, có hành động làm cho người ta buồn phiền là không thiện. Nghĩ một điều mà có ảnh hưởng đến người khác là không nên nghĩ. Tức là luôn luôn nhớ cái pháp danh của con là Pháp Tánh, tức là pháp thiện. Là luôn luôn lúc nào cũng giữ cái tâm mình tốt, cái tâm mình không có làm đau khổ ai cả, chính bản thân mình cũng vậy. Đó là cái tên của con, cái pháp danh của con Pháp Tánh, Thích Pháp Tánh. Chữ Tánh có nghĩa là tánh thiện, tánh lành chứ không phải tánh ác. Nghe không? Con nhớ chưa?

(52:50) Pháp Tánh: Con hỏi câu hỏi thứ hai: “Trong cuộc sống con còn nhiều lầm lỗi và mất tĩnh giác hoài. Con nghe thấy một bài hát, con hay bị lôi cuốn theo. Con chưa biết yêu thương mọi người đồng đều như nhau. Con yêu trẻ thơ và người già hơn những đối tượng khác. Tinh thần con mềm yếu, thiếu quyết tâm. Tâm con còn chưa được nhuần thiện trong mọi lúc mọi nơi, làm con thấy hối lỗi và lo lắng”.

Trưởng lão: Sự thật ra thì do những cái điều mà con thiếu tĩnh giác, cho nên con bị những cái bài hát lôi cuốn. Hoặc là cái tình cảm con thương những trẻ thơ, người già đều là, đó là đúng. Nhưng có nhiều điều con chưa có thương hết được mà chỉ có thương như vậy. Cho nên đó là cái sự tĩnh giác con chưa đủ. Tĩnh giác tức là làm cho mình tỉnh táo và mình nhận định nó không sai gọi là tĩnh giác. Vậy thì con muốn được tĩnh giác mà không bị những cái sự lôi cuốn khác thì con nên tu tập pháp môn Chánh Niệm Tĩnh Giác. Tức là đi kinh hành.

Đầu tiên mình tác ý: “Tôi đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành”, rồi tập trung. Tập trung trong bước đi của mình. Sau đó, con sẽ tập trung tất cả hành động, làm cái gì biết hành động đó đang làm. Người ta nói tu trong tất cả hành động, tức là tu Chánh Niệm Tĩnh Giác. Các con nhớ cái đó là cái pháp tu Chánh Niệm Tĩnh Giác.

Để làm gì? Để chúng ta không bị sự lôi cuốn của ác pháp nào, của sự cám dỗ nào ở trong xung quanh chúng ta. Chúng ta thực hiện Đức Hiếu Sinh thì chúng ta không những thương trẻ thơ, người già mà còn thương tất cả những người. Thậm chí như người đó làm hại mình, chửi mắng mình vẫn thương người đó được. Đó là chúng ta phải tu tập tĩnh giác. Mà tu tập tĩnh giác thì tu trong tất cả hành động.

(55:02) Bây giờ đầu tiên thì chúng ta tu trên bước đi của chúng ta để tập làm quen: “Tôi đi kinh hành, tôi biết tôi đi kinh hành. Chân trái bước, chân phải bước, bước, bước, bước”. Chúng ta từng nhắc, từng câu tác ý nhắc để rồi chân này bước, chúng ta chú ý cái bàn chân này bước. Chân này bước xong rồi, chúng ta chú ý tới chân khác. Và cứ như vậy tập, bắt đầu tập hai chân của chúng ta trước. Sau đó, chúng ta sẽ tập làm quen với tất cả mọi điều kiện chúng ta làm, tức là tu trong các hành động. Bây giờ, mấy con cầm cái cuốc, cuốc đất cũng chú ý trong cái hành động đang cuốc đất. Mấy con cầm cái dao, cái rựa cắt một cái gì đều chú ý trong cái hành động làm. Đó là tập tỉnh thức trong tất cả hành động. Nhớ như vậy. Tại vì câu hỏi của con, do cái đặc tính của con như vậy cho nên con phải tu tập pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác. Chứ không thể nào tu tập khác hơn.

Đó thì qua cái sự mà trình bày của con thì Thầy đã hiểu được đặc tướng của con. Cho nên con phải tu tập như vậy để ác pháp không còn lôi con, kéo con được qua cái sự tĩnh giác. Tập như vậy mấy con sẽ siêng năng tập trong một tháng hoặc là hai tháng, cao lắm là ba tháng thì mấy con sẽ có sự tĩnh giác. Mỗi lần làm một cái gì đều là có cẩn thận cả, cẩn thận hết. Bởi vì tĩnh giác tức là Đức Cẩn Thận. Mà Đức Cẩn Thận tức là Đức Hiếu Sinh mấy con. Bởi vì, mình có thương yêu mình, thương yêu chúng sanh, thương yêu mọi người thì cái Đức Hiếu Sinh của chúng ta, nó thực hiện qua Đức Cẩn Thận. Mà Đức Cẩn Thận là tĩnh giác, chứ có gì đâu. Là phương pháp tu tập tĩnh giác để rồi chúng ta mới có Đức Cẩn Thận.

(56:44) Khi mà chúng ta nói "tôi cẩn thận", nhưng mà sự thật mấy con cẩn thận có một chút xíu rồi mấy con quên. Còn cái người mà được tu tập pháp tĩnh giác thì họ sẽ quen đi, cho nên họ trở thành một con người cẩn thận. Là họ làm một cái gì đều họ chú ý cái chuyện làm của họ, cái hành động của họ, gọi là Đức Cẩn Thận. Nhưng người ta gọi nó là phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác là tại vì mình chưa có cẩn thận. Cho nên mình phải tập cái phương pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác để cho hành động mình làm cái gì đều mình tĩnh giác trên hành động.

Thì đầu tiên mấy con tập đi kinh hành tức là tĩnh giác ở trên bước đi của mình, chứ có gì đâu. Cho nên gọi là Chánh Niệm Tĩnh Giác Định. Cái định làm cho chúng ta định tĩnh trên cái thân hành của chúng ta. Đó là cái tên của nó như vậy. Vì vậy muốn tu tập cho nó cuối cùng, thì mấy con trở thành một con người có Đức Cẩn Thận. Hễ tĩnh giác mà đầy đủ thì đó là Đức Cẩn Thận, chứ không phải gì khác.

10- ĐỂ MANG SÁCH ĐẠO ĐỨC ĐẾN VÙNG XA XÔI

(57:43) Trưởng lão: Trong cái vấn đề mà muốn đem những cái đạo đức nhân bản - nhân quả đến với những người dân vùng đất miền Tây Bắc, không khó mấy con. Đầu tiên, mấy con sẽ đem những cái tập sách mỏng để giúp đỡ, bởi vì dày quá người ta đọc, người ta ngán lắm. Tìm những cái tập sách mỏng chừng khoảng độ ba chục trang, bốn chục trang hay cao lắm là bảy, tám chục trang thôi. Những cái tập sách mỏng như thế này, mấy con sẽ đem cái nền đạo đức đến với họ.

Mấy con sẽ đem photo hay hoặc là xin phép, mấy con sẽ in ra một cái số. Hay hoặc là nơi đâu đó người ta đã xin phép, người ta in ra. Mấy con đến đó, mấy con chịu khó mấy con xin. Xin năm, sáu bảy chục tập, hay hoặc một trăm, hai trăm tập không chừng. Mấy con sẽ xin một cái số lượng, rồi mấy con đem về cái vùng đó. Mấy con đến thăm các bác, thứ nhất là gởi quà, mấy con giúp đỡ cho họ một món quà, một hộp bánh, một cái gì đó rồi mình kèm theo một cái tập sách đó. “Xin gởi bác. Đây là một cái tập sách dạy đạo đức nhân bản-nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Nếu có dịp bác hay là anh chị ở trong gia đình có rảnh rang đọc những cái tập sách này”. Đó là mình phổ biến được cái nền đạo đức đến với mọi người, bằng cách đem tình thương đến với họ.

Cái gói quà nhỏ, một cái gói bánh nhỏ nhưng mà cái tình của con ở trong đó nó rất là sâu đậm. Và đồng thời lại ban cho họ một cái pháp đạo đức, để cho họ đọc, họ thấy những cái hành động. Như những cái tập sách mà dạy về Đạo Đức Hiếu Sinh; dạy về Đạo Đức Chung Thủy; Đạo Đức Gia Đình. Những cái tập sách đó mà nếu đem về những cái vùng đó thì họ đọc, họ thấy được cái đạo đức thì gia đình họ hạnh phúc. Không có cãi cọ, không có xung đột, không có bạo lực trong gia đình thì đó là rất là tuyệt vời. Nhưng mà mình phải, một mình mình thì mình không thể nào mình đem cái số sách vở mà nhiều được. Và mình kết hợp với một số bè bạn, người ít, người ít, chúng ta góp nhau lại một cái số tiền rồi chúng ta đem photo cái số sách đó ra.

(59:55) Sách đã được xin phép rồi bây giờ mình photo cái số này ra năm chục hay ba chục tập mình mang đến cái vùng đó, mình cho. Thì cái đó là một cái làm của mình mà thiết thực và cụ thể đem lại cái lợi ích cho họ. Chứ còn mình đừng đến đó mình nói họ không có nghe đâu. Mình đến, mình đem những cái tình thương của mình đến bằng cái cách là một cái món quà nhỏ, một gói bánh hoặc là trái cây, hoặc là gì đó, rồi kèm theo đó là cuốn sách đạo đức. Sự thật ra thì muốn đem ban cho họ cái nền đạo đức, nhưng mà mình nói lên cái tình của mình qua cái món quà. Chứ còn ban cuốn sách không, họ không biết. Họ nghĩ rằng: “Đây là không biết tuyên truyền cái gì đây, thôi dẹp đi đừng có thèm đọc ba cái thứ này”. Thì như vậy nó không hay bằng cách là mình đem món quà biếu, trong khi đó mình sẽ biếu cho họ cái tập sách đó.

Thì như vậy là con sẽ phổ biến được cái vùng Tây Bắc. Họ sẽ, người dân có nhiều khó khăn, có nhiều thiệt thòi đó. Hoặc là con sẽ mua một ít gạo con kèm theo với tập sách đó. Con gởi gạo, muối đồ ăn con dùng cho những dân miền núi, dân miền Tây Bắc đó thì họ sẽ đạt được những cái tình cảm với con. Cho nên họ thấy cuốn sách đó, họ sẽ đọc. Và họ đọc thì nó đem lại sự hiểu biết của họ, giúp đỡ họ rất nhiều. Đó là biết cách mình phổ biến cái nền đạo đức để đem lại sự bình an cho mọi người là nên làm như vậy.

11- CÔNG VIỆC VÀ THỜI GIAN

(01:01:22) Trưởng lão: Theo Thầy thấy về cái câu bốn mà con hỏi: “Vì công việc của con làm mất nhiều thời gian, không có nhiều thời gian”.

Sự thật ra thì có thể mình chuyển cái nghề khác để cho mình còn có thời gian. Bởi vì thời gian của mấy con hiện giờ nó rất là quý. Nếu mình cứ tập trung vào một cái công việc làm để cho mình có tiền, có bạc nhiều mà rốt cuộc rồi mình không được bồi dưỡng một cái tinh thần mình. Thì mình sẽ thấy cái cuộc đời của mình nó chỉ quay quần ở trên sự sống đó, thì nó cũng không có nghĩa lý. Cho nên mình phải cần bồi dưỡng cái tinh thần của mình trên cái nền đạo đức. Nó làm cho mỗi ngày mình tiến lên, mình tiến lên. Còn cái sự sống của mình có thể một cái nghề, mình chỉ kiếm đủ cơm ăn, áo mặc là đủ, đừng chạy theo giàu sang làm gì. Đời chúng ta sẽ chết không mang theo của cải, tiền bạc gì cả.

Cho nên vì vậy mà chúng ta tư duy suy nghĩ chỉ làm đủ sống mà bồi dưỡng tinh thần của chúng ta càng thoải mái. Để cho đời sống của chúng ta vừa đủ, mà chúng ta thấy cuộc đời rất là an ổn. Mà không bị vật chất, không bị tiền bạc sai sử chúng ta nữa. Đó là cách thức mà theo Thầy thấy cần. Nếu mà cái nghề con, nó làm mất thì giờ con quá nhiều. Thậm chí như không có thì giờ để đọc sách nữa thì như vậy rõ ràng là con chỉ bị say vào cái công việc làm ăn về cái vấn đề sống thôi. Còn hoàn toàn về tinh thần của con thì lúc bấy giờ không còn lại gì nữa hết.

(01:02:53) Cho nên các con thấy những sinh viên, trong cái hoàn cảnh nghèo đó, họ phải đi làm thêm. Nhưng mà họ vẫn lấy cái học làm chính chứ không phải làm thêm đó mà bỏ học. Cho nên có nhiều cháu rất ham học, nhà nghèo nhưng cố gắng đi làm thêm nhưng lúc nào cũng là lấy cái học làm chính. Cho nên cuối cùng các cháu đó sẽ đỗ đại học, sẽ tốt nghiệp ra trường hẳn hòi hoàn toàn. Nhưng mà đòi hỏi phải gian khổ, nhưng không bỏ sự học, lấy sự học là chính. Cho nên ở đây chúng ta không phải vì cái nghề nghiệp sống đó, mà chúng ta lấy cái sự triển khai cái tinh thần hiểu biết của chúng ta càng rộng lớn. Thì lúc bấy giờ sự sống của chúng ta mới thật sự là bình an, mới thật sự là hạnh phúc.

Như Thầy đã nói mình biết sử dụng được cái thời gian để triển khai cái tinh thần của chúng ta hiểu biết. Bởi vì sự hiểu biết về đạo đức nó còn nhiều lắm, nhất là cái đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo. Nói về nhân quả nhiều khi chúng ta cũng chưa có thông suốt hết đâu. Cho nên chúng ta cần phải học và hiểu về nhân quả. Rồi cần phải tập luyện để chúng ta thành một cái thói quen của đạo đức hằng ngày chúng ta sống. Cho nên mấy con cần phải dành cái thời gian đó.

(01:04:14) Và khi mấy con tạo được cái nghiệp đạo đức đó, thì mấy con có mất. Nghĩa là bỏ thân này thì cái nghiệp lực đó nó sẽ tương ưng, nó sanh vào một cái nơi mà chúng ta sẽ trở thành một con người thứ hai, thứ ba hay thứ tư, thứ năm đều là sống trong hạnh phúc, trong an vui. Sanh lên thì nó được đầy đủ những cái điều kiện đạo đức, nó không thiếu.

Còn sanh lên làm con người mà nó thiếu đạo đức thì trong nhà nó xung đột. Cha mẹ cãi cọ, hoặc là xảy ra cha mẹ ly thân như thế này, thế khác. Làm chúng ta là những đứa bé mà chỉ biết khóc thôi. Thấy cha mẹ mình đánh lộn là mình chỉ biết khóc, chứ không cách nào khác hơn hết. Khi ông cha mà đi uống rượu say về đánh mẹ mình, gây thương tích cho mẹ mình thì đứa con chỉ còn biết rút ở trong cái hốc nào đó mà khóc thôi, chứ không làm cách gì khác hết. Cho nên chúng ta hãy sống thiện pháp để khi chúng ta tương ưng, để mà chúng ta sanh ra làm người thì ngay đó cha mẹ chúng ta là những người gương mẫu, đạo đức. Để chúng ta sống trong sự an vui của tình thương cha mẹ bao bọc chúng ta trọn vẹn.

(01:05:18) Cho nên chúng ta hiện giờ phải đặt nặng về cái vấn đề thời gian của chúng ta là nhắm vào để triển khai cái nền đạo đức của Phật giáo cho bản thân của mình. Để cho mình sống mà mình còn nghĩ đến những người khác, như Thầy vừa nói. Như con trình bày, vùng Tây Bắc người ta khó khăn, và người ta không có cái ánh sáng nền đạo đức nhân bản. Vì vậy mà mình nên giúp đỡ họ gạo, thực phẩm, dành dụm “một miếng khi đói bằng một gói khi no”. Mặc dù trong cảnh họ khó khăn, một bát gạo của chúng ta vẫn an ủi được họ. Một cuốn sách mỏng vẫn đem đến tinh thần đạo đức cho họ. Đó là hạnh phúc vô cùng mấy con, hãy làm những điều đó đi.

Cho nên vì vậy mà Thầy mong rằng mấy con đặt những câu hỏi này thì mấy con phải cố gắng khắc phục. Cố gắng khắc phục mình làm tốt, tốt mình mà tốt người nữa. Đó là hạnh phúc chung cho con người của chúng ta, rất là quý. Đó là những lời Thầy khuyên mấy con nhớ kỹ để mà con làm. Ở đây không phải khuyên một mình con mà cả cái lớp của chúng ta đang ngồi nghe. Các con có duyên để giúp được người hiểu đạo đức để sống thì mấy con cố gắng mấy con, mấy con cố gắng. Cho nên nói là trả lời cho một người, nhưng mà sự thật Thầy trả lời cho bao nhiêu người hiện có mặt trước Thầy, mấy con phải cố gắng.

12- CHẾT AN ỔN - VỢ CHỒNG ĐỀU GẶP CHÁNH PHÁP

(01:06:43) Trưởng lão: Trong cái bức thư này thì con Trần Đông Thành, con cũng lớn tuổi rồi mà con muốn chết được nhẹ nhàng, an ổn thì rất dễ dàng, không khó gì đâu con! Bởi vì con giữ được cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” như Thầy nói thì con sẽ chết nhẹ nhàng, an ổn mà không đau đớn gì cả. “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” và ngồi im lặng. Có niệm thì tác ý đuổi mà không niệm thì ngồi im đó. Thì cứ ngày ngày mình sống như vậy, đến khi mình chết rất nhẹ nhàng con. Con nếu mà con chuyên con sống như vậy trong sáu tháng thì bây giờ tới chết con rất là nhẹ nhàng.

Nghĩa là đi rất nhẹ nhàng, không đau bệnh, không khổ sở gì hết. Nằm xuống coi như là mình tỉnh, coi như là hơi thở nó ngừng lại rồi chết. Cũng như người ta thấy mình không có bệnh đau gì cả, nhưng mà phải giữ được cái tâm bất động đó. Cái tâm đó là cái tâm đi vào cái Niết Bàn, cái tâm vô lậu nó không còn đau khổ nữa. Mà con cố gắng, hôm nay biết pháp rồi, thì con hãy tu tập pháp đó thì nó sẽ dễ dàng cho con.

Còn về cái người bạn đời của con mà đã chết rồi thì con sẽ giữ gìn năm giới. Con sẽ giữ gìn năm giới, con ước nguyện. Bởi vì con muốn hỏi là vợ con sẽ ở đâu? Sanh ở đâu? Vào cảnh giới nào? Sự thật ra chưa biết Phật pháp thì làm sao chúng ta vào cái trạng thái "bất động, thanh thản, an lạc" được. Chúng ta còn phiền não, còn thương, còn ghét đủ thứ thì tức là khi chết rồi thì cái nghiệp lực đó đi tái sanh luân hồi. Mà đi tái sanh luân hồi thì hiện giờ là thành ra những đứa con, đứa bé, những con người, hoặc là những con thú vật. Nếu mà mình làm ác, từ lâu giờ mình giết hại chúng sanh, mình ăn thịt thì mình làm sao tránh khỏi không làm thân chúng sanh.

(01:08:47) Cho nên vì vậy con giữ gìn, con vì với một cái người bạn đời của mình đã qua phần rồi. Thì bắt đầu bây giờ mình muốn chuyển để cho người bạn đời của mình được gặp cái duyên may, được gặp chánh pháp của Phật thì con giữ gìn năm giới. Trong một tháng con chọn lấy một ngày nào đó mà con giữ trọn năm giới, con ước nguyện cái người bạn đời của con sẽ gặp được năm giới luật của Phật, sẽ gặp được chánh pháp của Phật. Bất cứ một cái người đó sanh ở đâu cũng sẽ gặp được chánh pháp của Phật. Và gặp được chánh pháp của Phật, thì có con đường mới giải thoát được. Đó là vì cái tình thương của con với cái người đã mất thì không thể nào làm gì khác hơn được, cho nên vì vậy mà con giữ giới.

Mà nếu con giữ giới năm giới con tu tập thì con cũng sẽ ước nguyện rằng: “Hôm nay, con sẽ được năm giới tu hành như thế này, con ước nguyện rằng người bạn đời của con đã chết đi sẽ gặp được chánh pháp này cũng tu tập như con”. Thì cái người bạn đời của con sẽ gặp chánh pháp của Phật và đồng thời người cũng sẽ học hiểu và nỗ lực tu tập như con đang tu tập.

Nghĩa là bây giờ chết đây sanh kia thì hiện giờ chết năm năm, mười năm thì cũng thành một đứa trẻ rồi. Mà thành mười năm, hai chục năm thì cũng là lớn rồi. Thì do đó, cho nên khi mà con ước nguyện thì chánh pháp sẽ đến với bàn tay của những người đó, bởi vì vợ chồng đều là có cái duyên nhân quả. Ở đây, cái tình con thương yêu thì nó sẽ cảm nhận được cái người đó, sẽ cảm nhận được cái đứa bé đó và vì vậy mà nó sẽ gặp được chánh pháp của Phật. Để giúp cho những người cùng nhân quả với mình được giải thoát, đó là con nhớ cố gắng làm điều này.

13- BẢO CHÂU VẤN ĐẠO TU THÂN HÀNH NIỆM

(01:10:34) Trưởng lão: Lê Trần Bảo Châu. Trong cái vấn đề mà con làm việc thì con đã hứa là một năm nữa, thì con nên làm một năm nữa cho đúng với cái lời hứa của mình. Và đồng thời sau đó thì con tìm công việc khác làm, để cho nó phù hợp với con đường tu tập của mình thì hay hơn. Để mình cố gắng mình xả tâm theo đúng pháp của Phật dạy như Thầy đã dạy thì nó rất là hợp. Bởi vì con còn phải lo. Bởi vì hôm nay mình sống chứ ngày mai mình chết, mình biết được đâu. Đó là cái sự vô thường.

Hôm nay mình mạnh nhưng mà ngày mai mình sẽ đau. Đó là sự vô thường của các pháp. Cho nên vì vậy mà con không nên chểnh mảng mà phải lo cứu mình. Phải dành tất cả những cái thời gian để cho mình tu tập, để giữ “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Để sau khi mình có bỏ thân này thì mình vẫn ở trong cái trạng thái bất động đó, thì nó làm sao còn tái sanh luân hồi được. Còn nếu mà cứ luôn luôn mình cứ tiếp xúc với đời thì nó tạo ra cái nghiệp. Cái nghiệp nó nằm luẩn quẩn ở trong cái sự tham, sân, si của mình. Cuối cùng phải đi tái sanh mà thôi, không có thể nào chấm dứt được.

(01:11:50) Bảo Châu: Xin cho con biết cái pháp tu với đặc tướng của con.

Trưởng Lão: Lê Trần Bảo Châu đâu con? Con ở đâu?

Cái đặc tướng của con. Con chỉ giải quyết cho đúng cái lời hứa của con thôi. Tức là con làm khoảng một năm nữa thôi, đó là về giải quyết về vấn đề trong cái việc làm của con. Và cuối cùng thì con sẽ dành tất cả những cái thì giờ để con tu vào cái pháp cho nó phù hợp với con. Hiện giờ theo Thầy thấy nếu mà bệnh đau thì con nên tu pháp “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Còn nếu mà thân con khỏe mạnh không bệnh đau thì con nên tu tập pháp Thân Hành Niệm. Con biết pháp Thân Hành Niệm không?

(01:12:40) Con chưa biết hả con? À, con sẽ đọc lại rồi ngày mai, ngày mốt. Mấy con bữa nào về? Ngày mai về phải không con? Hay là mốt?

Bảo Châu: Dạ bạch Thầy là ba rưỡi sáng ngày mốt là tụi con về ạ.

Trưởng lão: Mốt mới về hả con? Vậy thì có lẽ là ngày mai Thầy sẽ đến, Thầy hướng dẫn cho mấy con tập cái pháp Thân Hành Niệm mấy con. Để cho mấy con biết cái pháp Thân Hành Niệm, pháp rất tuyệt vời con, để tập. Đó là cái đặc tướng để cho mình tạo cho mình cái sức tỉnh, đầy đủ cái sức tỉnh đó con. Để cho mình tiến tới cái chỗ mình giữ cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự” mà không bị lười biếng, không bị hôn trầm, thùy miên con. Đó là Thầy sẽ hướng dẫn cho cái pháp đó. Để rồi mấy con mà tu cái pháp Thân Hành Niệm đó là cái đặc tướng của mấy con. Nó có những cái chướng ngại, nó có những cái khó.

Cũng như bây giờ cái Pháp Thân Hành Niệm mà các con đang bị nhức cái đầu đi. Hay hoặc là đang đau một cái gì ở trong thân của mấy con, mà mấy con ôm pháp Thân Hành Niệm là mấy con cũng sẽ mạnh đó mấy con. Nó hay lắm. Bởi vì khi mà cứ ôm nó, đau mặc đau cứ tiến tới, cứ bước đi, rồi ngồi xuống đưa tay chân, rồi xếp chân lại để tay, rồi thẳng xương sống hít thở năm hơi thở, rồi đứng dậy co tay, duỗi chân. Mỗi mỗi hành động đều liên tục với nhau thành một cái cỗ xe kiên cố. Đau mặc đau, cứ ôm pháp Thân Hành Niệm. Con tu tập ba mươi phút như vậy đau hết đau luôn.

(01:14:02) Cái pháp đó nó hay lắm nhưng mà có điều kiện. Bởi vì nó cán nát tất cả những chướng ngại pháp mà. Cái thân mình đau là có chướng ngại pháp rồi. Mà biết ôm pháp đó, là mình tu tập nó nhuần nhuyễn rồi. Khi mà đau rồi mấy con đừng có nằm ở trên giường mà rên. Bước xuống đi đi, không có rên, không có chết chóc gì đau mà sợ. “Cho mày chết, tao cho xe Thân Hành Niệm chạy cho mày chết”. Thì mấy con cứ cho nó chạy đi, nó chạy trong một tiếng hay nửa tiếng đồng hồ coi, bệnh không có còn. Nó cán nát hết. Bởi vì đó là đức Phật đã nói trong cái pháp Thân Hành Niệm, nó là cổ xe kiên cố, nó cán nát tất cả những chướng ngại pháp ở trước mặt của mình. Thân đau là một chướng ngại pháp mấy con, nó sẽ diệt mất đi, nó không còn có nữa. Cho nên nó có những cái phương pháp rất là tuyệt vời.

Còn cái phương pháp mà như hơi thở “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là cái phương pháp để nhiếp tâm và an trú, để làm cho thân chúng ta không đau. Các con thấy chưa? Còn cái này nó cán nát, nó không có sợ chết, nó không sợ bệnh, đau mặc đau. Bây giờ cái đầu nó đau nè hay hoặc chóng mặt đi: “Kệ mày chóng mặt gì, tao cứ. Miễn là bước còn bước được, còn đưa tay đưa chân được là tao ngồi đưa tay đưa chân. Tao cứ ngọ nguậy riết cho mày biết, coi mày chết không?”. Chết! Nó cán nát hết à.

Bây giờ, mấy con đi không được là mấy con bị chóng mặt chứ gì? Thì mấy con cứ ngồi đưa tay, đưa chân, duỗi tay, duỗi chân vậy nè. Chân này duỗi ra rồi co lại, chân này duỗi ra co lại, tay này đưa ra, đưa vô. Ta làm như thằng điên vậy đó thì nó bệnh hết à mấy con. Phải không? Người ta nhìn ở ngoài thấy .“Sao cái ông này, ổng làm kỳ cục, ổng đưa tay, đưa chân với duỗi ra, duỗi vô hoài vậy đó. Cả tiếng đồng hồ vậy đó”. Mà không ngờ là ổng trị bệnh, ổng dùng pháp Thân Hành Niệm.

Còn nếu mấy mà mấy con bệnh gì đi nữa, như bây giờ nó không phải bệnh chóng mặt, thì mấy con cứ ôm pháp mấy con đi kinh hành đi. Rồi mấy con cứ bước đi từng hành động của nó thì nó kết hợp với ngồi, với hơi thở mấy con. Mấy con cứ ôm pháp chặt, mấy con cứ tu đi. Nó đau cái đầu mấy con cách gì như búa bổ thì kệ nó. Nhưng mà ôm khoảng độ ba mươi phút, ôm cái pháp nó chạy ba mươi phút rồi thì cái bệnh cũng hết mấy con. Đó là cái pháp Thân Hành Niệm. Nó hay lắm. Nhưng mà tại vì chúng ta chưa biết pháp thôi, chứ biết pháp rồi các con thấy Phật pháp rất là tuyệt vời.

(01:16:12) Bởi vì đạo Phật ra đời là dạy chúng ta những pháp làm chủ bệnh. Có bệnh chứ đâu phải không bệnh, nhưng mà làm chủ bệnh. Đạo Phật ra đời là giúp chúng ta có một cái đời sống không làm cho tâm chúng ta phiền não đau khổ. Nó có pháp không làm cho tâm chúng ta phiền não đau khổ. Khi mà gặp phiền não đau khổ thì ôm ngay pháp liền. Mà pháp Thân Hành Niệm, bây giờ tâm nó rầu rĩ, nó buồn khổ, ôi thôi đủ thứ chuyện. Bây giờ có người thân mình mất, nó khổ sở vô cùng. Ôm pháp Thân Hành Niệm chạy một hơi, không khổ nữa, hết. Nó dẹp sạch đó mấy con. Đó là cái pháp rất tuyệt vời, phải ôm cái pháp đó tu tập mấy con!

Cho nên vì vậy mấy con cần phải có cái thời gian để mà tu nhiều nữa. Bây giờ, trong cái giai đoạn này là cái giai đoạn mấy con nếu mà không tu như vậy thì các pháp vô thường, thân mấy con đến vô thường rồi mấy con sẽ không kịp. Bây giờ, mình mạnh giỏi như vậy chứ mình chết mình có biết chắc không? Bữa nay mạnh chứ ngày mai chết mình chắc được sao? Cho nên ôm chặt pháp tu tập được rồi, thì ngày mai làm chủ được sự sống chết rồi, thì không còn lo nữa. Phải lo lắng cái vấn đề các pháp vô thường, nó nhắc nhở chúng ta rất lớn. Và chúng ta nhìn thấy rằng không có người nào mà sống hoài được, họ đều đã ra đồng mã hết. Và khi, trước khi ra đồng mả nằm thì người ta đau khổ lắm, rồi người ta mới ra nằm, tức là người ta mới chết. Mấy con phải cố gắng để tự cứu mình mấy con.

14- THIỆN THÀNH VẤN ĐẠO - PHẬT GIÁO PHÁT TRIỂN

(01:17:38) Trưởng lão: Thiện Thành con. Về cái pháp danh của con là Thiện Thành. Thiện là những pháp thiện, Thành là làm nên những pháp thiện, Thành là nên đó con. Cho nên con phải làm cho trọn vẹn, nên tất cả cuộc sống của con hằng ngày đều là trong thiện pháp. Nãy giờ hoàn toàn những cái pháp danh của mấy con dù đặt cái tên nào nghe hay, nghe dở gì, toàn là nằm trong thiện pháp hết. Các con hiểu chỗ mà Thầy đặt không?

Tên thì có khác nhau, người này không trùng với tên người kia. Nhưng mà điều kiện nó quay chung quanh một cái trục của thiện pháp mấy con. Không có rời thiện pháp, nhưng mà tên người nào nó cũng khác nhau. À! Nói người đó Thiện Thành, người kia tên gì gì, nó không có trùng nhau. Nhưng mà cái ý của nó thì nó nằm ở trong cái thiện pháp hết mấy con.

À, về cái phần của con thì con hãy tập cái pháp Thân Hành Niệm con, cái đặc tướng của con. Bởi vì, con dùng cái pháp đó mà gặp những chướng ngại, con đều cán nát nó hết để mà cứu mình, để thoát cái khổ con. Phải không? Con nhớ kỹ trong cái vấn đề mà tập pháp Thân Hành Niệm. Chỉ ôm một pháp đó thôi. Nhưng mà khi ôm pháp đó thì nó kèm có cái pháp Thư Giãn. Đi chầm chậm, mình tập ba mươi phút thì mình ngồi lại. Mình ngồi lại mình thư giãn, mình thư giãn cho nó thư thả rồi, rồi bắt đầu mình sẽ trở lại. Cho nên nó hai pháp. Một pháp Thư Giãn.

Một pháp Thư Giãn nó tức là chuẩn bị cho các con để sau này đi vào Tứ Niệm Xứ. Cái pháp Thư Giãn tức là tiền thân của Tứ Niệm Xứ. Cho nên sau này nó ở trên thân quán thân. Tức là mình ngồi đây mình thư giãn, mình không có làm cái gì, không có tu tập cái gì hết là thư giãn. Nhưng mà không ngờ đó là cái trạng thái của Tứ Niệm Xứ mấy con, Tứ Niệm Xứ. Sau này, mấy con sẽ đứng ở ngoài mà nhìn nó, quán thân trên thân. Đó là Tứ Niệm Xứ, nó là thư giãn đó.

(01:19:27) Trưởng lão: Thật sự ra thì cái Phật giáo phát triển là cái Phật giáo nó đưa một cái chánh pháp nó phủ lên một cái giáo pháp của đức Phật, nó làm mất đi cái nền đạo đức nhân bản của đạo Phật. Cho nên từ đó chúng ta cũng thấy còn Phật giáo là cái tên Phật giáo, nhưng nó có một cái điều. Cỡ sức mà đừng có Phật giáo phát triển, mà để y Phật giáo mà từ khi đức Phật truyền thừa cho đến giờ là 2553 năm. Mà đừng có một cái lớp phủ lên của Phật giáo phát triển, thì bây giờ người ta đã sống có đạo đức. Con người ở trên cái hành tinh này, họ sẽ không còn xung đột và chiến tranh.

Bởi vì Phật giáo nó có cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình, khổ người. Mà đã không làm khổ mình khổ người thì làm sao có xung đột. Tại vì cái Phật giáo phát triển nó phủ lên nó làm mất cái nền đạo đức nhân bản của Phật giáo. Mà khi đức Phật đã truyền thừa như vậy mà nó phủ lên, nó theo ảnh hưởng. Cho nên hiện giờ nói Phật giáo mà còn, chúng ta biết bây giờ mà còn là nhờ còn Phật giáo phát triển. Cỡ sức mà Phật giáo phát triển mà không có Thầy triển khai ra thì người ta sẽ đi vào Phật giáo phát triển bằng cách cúng bái, cầu khẩn thôi. Nó quá tai hại.

Tại vì nếu mà không có Phật giáo mà phát triển nó phủ lên cái lớp giáo lý của nó, thì Phật giáo Nguyên Thủy nó vẫn còn nguyên vẹn. Mà còn nguyên vẹn từ cái ngày mà đức Phật nhập diệt cho đến bây giờ thì không có phủ những cái kiến giải của các Tổ, các thầy Tổ như vậy đó, thì bây giờ người ta đã giải thoát được bao nhiêu rồi.

Như bây giờ chúng ta nhìn thấy xã hội của chúng ta, đất nước Việt Nam này truyền thừa từ khi mà Phật giáo ở phương Bắc mà truyền vào thì chúng ta biết nó ảnh hưởng rất là lâu, rất là lâu chứ không phải mới đây. Thế mà nó truyền thừa cái Phật giáo sai, cho nên dân tộc chúng ta đến ngày nay mà chúng ta thấy cái tệ nạn xã hội, cái nền đạo đức xuống cấp đến cái mức độ nào không? Đau lòng lắm mấy con.

(01:21:29) Cỡ mà nó truyền thừa đúng cái chánh pháp của Phật, nó đừng phủ lên kiến giải đó mà truyền thừa đất nước Việt Nam của chúng ta hôm nay. Mà tất cả mọi người dân chúng ta sống cái nền đạo đức nhân bản - nhân quả không làm khổ mình, khổ người thì bây giờ làm sao mà con người mà thiếu đạo đức như thế này? Làm sao có trộm cắp, cướp giật, cướp của, giết người như thế này? Các con thấy không? Làm sao có những tai nạn giao thông mà cướp đi biết bao nhiêu sinh mạng của chúng ta hàng ngày trên quê hương chúng ta?

Nếu đạo Phật mà đã đừng có phủ cái kiến giải đó thì đạo Phật vẫn là đạo Phật, đâu có mất đạo Phật. Còn bây giờ phủ lên, hiện giờ chúng ta biết đạo Phật, mà đạo Phật lại là đạo Phật của Phát triển rồi. Mà đạo Phật Phát triển rồi thì cái tên còn cái tên. Mà nếu chẳng có Thầy thì chắc chắn mấy con cũng chỉ đi lòng vòng ở trên cái sự cầu cúng mà thôi chứ không khác gì nữa hết. May là Thầy vạch ra. Còn cỡ mà không có cái Phật giáo phát triển này thì Phật giáo Nguyên Thủy của nó vẫn còn nguyên vẹn, thì có cần gì mà phải Thầy dựng. Các con hiểu chưa? Cho nên ba cái Phật giáo phát triển này cái tai hại ghê gớm lắm.

Phật giáo đã có từ lúc đức Phật ra đời tu tập chứng đạo đem lại bốn cái chân lý cho loài người, thì từ đó tới giờ đừng ai phủ nó lên thì nó hạnh phúc biết bao nhiêu loài người. Nó cũng vẫn Phật giáo không mất. Chứ đâu phải đợi có Phật giáo phát triển mình mới biết Phật giáo. Tại vì cái ông Phật giáo này, ổng phát triển, ông phủ lên, rồi ổng mang cái tên của Phật giáo. Tại vì ông khôn lắm, ổng dán cái nhãn hiệu, đồ giả mà ổng dán nhãn hiệu của Phật mà. Thành ra do bây giờ chúng ta hoàn toàn chúng ta xài đồ giả mà không biết. Phải không?

Nếu mà không có Thầy vạch, nói: “Đồ này đồ giả nè, đồ này là uống vô là bệnh chết nè, hoặc ăn vô là bệnh đó”. Thì do đó bây giờ chúng ta mới giật mình. Chứ còn cỡ mà không có Thầy thì chắc chắn là mấy con cũng sẽ đi Phật giáo theo kiểu này. Cho nên cái Phật giáo này tai hại vô cùng. Cho nên có Phật giáo đã lâu rồi, chứ không phải đợi có Phật giáo phát triển mới là chúng ta mới biết Phật giáo. Con hiểu chỗ Thầy muốn nói không? Đó.

15- HAM MUỐN DỤC VÀ HAM MUỐN GIẢI THOÁT

(01:23:39) Trưởng lão: Câu 4: Về vấn đề câu bốn con hỏi, con phải hiểu nó có hai cách. Một cái tâm mà nó ham muốn giải thoát. Một cái tâm mà nó ham muốn dục vọng. Bởi vì chúng ta đi từ một cái tâm dục mà dục tốt hoặc là dục xấu. Dục xấu tức là chúng ta chạy theo ác pháp mấy con. Còn dục tốt, chúng ta xây dựng mình trở thành một con người tốt, thành ra nó là thiện pháp. Con hiểu không?

Bởi vì nếu mà chúng ta không có ham muốn gì hết thì như cây đá sao? Không! Ham muốn. Cho nên đức Phật nói, đức Phật dạy chúng ta từ cái ý thức của chúng ta nó phải triển khai để chúng ta phải hiểu qua một góc độ khác thì chúng ta mới không đau khổ. Còn bây giờ cứ hiểu theo cái sự truyền thừa của từ xưa đến giờ thì đụng đâu chúng ta giận hờn đó, thì đó là đau khổ.

Cho nên ở đây, chúng ta nghĩ rằng cái tâm ham muốn của chúng ta, thì nó ham muốn cái gì nó xấu, mà ham muốn cái tu tập giải thoát cũng là ham muốn. Nhưng mà khi ham muốn đến cái chỗ mà bất động tâm thanh thản thì đâu còn ham muốn trong đó. Các con hiểu chỗ đó không? Còn bây giờ nếu mà chúng ta không ham muốn thì coi như chúng ta không cần tu nữa, thì chúng ta đâu có vào, làm sao chúng ta đi vào cái chỗ đó được?

Cũng như bây giờ con biết rằng nó có hai cái nẻo đường mà đi đạt đến cái mục đích. Cái nẻo đường này đi đạt đến cái chỗ danh lợi, tuyệt đỉnh là làm vua, tiền bạc nhiều. Còn một con đường này đi đến cái chỗ xả bỏ hoàn toàn, có cái mục đích là hoàn toàn không còn gì hết mà được sống an ổn. Mà con đường này đạt đến cái mục đích đầy đủ uy quyền, tiền bạc, giàu sang đầy đủ nhưng rất khổ đau. Ông vua ông cũng khổ mấy con, phải không?

(01:25:28) Đó là cái mục đích mà chúng ta từ cái chỗ này ham muốn. Chúng ta khởi ham muốn cái mục đích gì? Chúng ta phải cân nhắc cái tâm của chúng ta. Bây giờ, tôi ham muốn làm vua có uy quyền, có thế lực, có danh vọng, có phải không? Đó là cái mục đích tôi sẽ đạt. Mà tôi đạt mục đích này tôi hoàn toàn là khổ đau. Có phải không? Mấy con thấy không? Rồi bây giờ cái mục đích này, tôi cũng sẽ hướng đến để mà tôi đạt. Là mục đích này phải buông xả sạch và đồng thời chỉ còn một “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Cho nên theo Phật giáo nói cái thế gian của chúng ta nó có hai cái điều kiện. Một cái điều kiện mà mọi người đang sống đó là tâm hữu lậu. Một cái điều kiện mà mọi người đang chứng đạo là tâm vô lậu.

Bây giờ người ta vạch ra hai cái lộ trình cho mình thấy, tâm hữu lậu hay là tâm vô lậu. Bây giờ từ cái lòng ham muốn này, ham muốn đi hữu lậu hay là ham muốn đi vô lậu? Phải có ham muốn chứ. Còn không có ham muốn, tôi đứng ở chỗ này, tôi không dám đi đâu hết thì như vậy là tôi không có ham muốn, thì tôi đứng cái chỗ này thì tôi thành cái gì đây?

Nghĩa là con người sanh ra là có mang cái nghiệp. Cái nghiệp của nó, mang cái nghiệp. Mà mang cái nghiệp nó mới có thân. Mà có thân là có đau khổ rồi. Con hiểu không? Mà bây giờ chính tôi, tôi biết rằng đi con đường này là tạo thêm cái nghiệp đau khổ và liên tục, tiếp tục tái sanh luân hồi về cái hướng đau khổ đó. Và đi con đường này thì nó sẽ là hết đau khổ và chấm dứt đau khổ và vào Niết Bàn. Bây giờ, cái lòng ham muốn tôi ham muốn cái nào? Ham muốn con đường hữu lậu này hay ham muốn con đường vô lậu? Bây giờ mình phải vạch ra.

Con người của mình sinh ra là có trí tuệ và có nghiệp. Vậy thì đứng ở trên cái nghiệp và cái trí hiểu biết này chúng tôi sẽ vạch ra. Mà khi mà sinh ra con người thì do cái lòng ham muốn mà chúng ta mới có con người. Cho nên con người, cái lòng ham muốn mà đức Phật gọi là một cái chơn lý, một cái sự thật: “Khổ tập”. Cái nơi mà tập hợp những cái sự đau khổ đó chính là cái lòng ham muốn. Vậy con người nào mà sanh ra không lòng ham muốn?

(01:27:35) Nội bây giờ con bảo: “Đừng ham muốn”. Thì như vậy đâu có làm được. Đã sanh ra là mang theo cái nghiệp ham muốn rồi. Phải không? Vậy thì tôi sẽ ham muốn cái gì? Ham muốn hữu lậu hay là ham muốn vô lậu? Bây giờ, mấy con đến đây, mấy con nghe Thầy nói là mấy con có cái ham muốn đi tìm vô lậu. Có phải đúng không? Lấy từ ham muốn. Chứ bỏ ham muốn là mấy con chắc không đi đến đây đâu. Có phải không?

“Bây giờ tôi sanh ra sao tôi ở vậy, tôi khổ đau kệ tôi, tôi không cần ham muốn gì nữa hết, sao cũng được”, thì mấy con phải khổ thôi. Mặc dù có nhiều người, người ta chưa biết, người ta vẫn đang đau khổ mà người ta vẫn thấy vui mấy con. Nhưng mà trên đau khổ họ cũng rên la, họ cũng khóc lóc, chứ đâu phải họ nói là họ khổ, họ không khóc đâu. Sự thật ra nói là một lẽ, chứ họ đau khổ là họ khổ lắm.

Còn chúng ta hiện giờ là chọn, chúng ta có trí tuệ chúng ta chọn. Cho nên vì vậy mà từ cái ham muốn của chúng ta, chúng ta phải chọn đi vào con đường thiện. Mà con đường thiện mà ham muốn thiện thì lần lượt nó sẽ đem đến sự bình an cho chúng ta cho đến khi chúng ta chấm dứt luân hồi. Nó không còn tái sanh nữa.

Đó, cũng từ cái ham muốn. Mà khi đến cái chỗ mà bất động tâm vô lậu hoàn toàn thì ham muốn này nó cũng tiêu luôn. Bởi vì nó không còn ham muốn thì đâu còn tái sanh. Cái nguyên nhân của nó mà giờ mình đi con đường này là nó diệt cái ham muốn. Mà nếu không có ham muốn thì mình sanh ra làm người làm gì đây? Có ham muốn.

Cho nên từ đó tôi ham muốn, tôi đi con đường này, cho đến cuối cùng ham muốn nó cũng mất luôn. Mà ham muốn mất thì cái nguyên nhân sanh ra con người đâu còn. Thì tức là phải đi con đường này nó mới hết ham muốn. Các con hiểu không? Chứ bây giờ mình đã con người lỡ rồi, tôi con người rồi, tôi sanh ra con người rồi, thì bây giờ nói tôi không ham muốn thì không được. Nó phải có ham muốn đó. Cho nên vì vậy mình phải nỗ lực mình đi cái ngõ này thì mình sẽ đi đến cái chỗ không ham muốn.

(01:29:20) Trưởng lão: Còn con hỏi Mười Hai Nhân Duyên thì do đó Thầy cũng đã soạn cái tập sách Mười Hai Nhân Duyên. Tuy rằng nó chưa đủ, bởi vì duyên hợp trùng trùng. Mà Thầy nói có Mười Hai Nhân Duyên, cũng như Phật nói Mười Hai Nhân Duyên đại khái cho chúng ta thấy mười hai duyên đó nó hợp như vậy. Nhưng mà sự thật ra nếu mà nói về nhân duyên thì nó trùng trùng duyên khởi và trùng trùng duyên sanh.

Cho nên có dịp Thầy sẽ giảng về Mười Hai Nhân Duyên trong một cái lớp học Chánh Kiến để cho mấy con hiểu về nhân duyên. Mấy con thấy nó hợp nhau cái nó thành ra vật này, thành ra vật kia. Nó hợp nhau nó thành ra những loài động vật. Nó hợp nhau nó thành ra con người. Mà trong khi đó chỉ cô đọng nó lại mười hai duyên. Nhưng mà Thầy sẽ dạy, mấy con sẽ thấy nó không phải mười hai duyên mà nó còn nhiều duyên nữa, nó không phải. Nhưng mà mười hai cái duyên đó, từ mỗi cái duyên đó nó sanh ra những cái duyên khác. Nó trùng trùng duyên khởi mà, chứ đâu phải là có một duyên. Con hiểu chưa? Cho nên trong cái học về Phật giáo mà Mười Hai Nhân Duyên, mấy con còn phải học nhiều nữa. Đến đây là những câu hỏi con hết rồi.

16- VÌ SAO CÁI TƯỞNG NÓI TRÚNG ĐƯỢC?

(01:30:30) Trưởng lão: Có gì không con? À, con có muốn hỏi không con?

Phật tử: Dạ xin phép Thầy con muốn hỏi một số câu hỏi để con có thể tu tập được tốt hơn và có lòng tin hơn nữa vào các cái giáo pháp của Thầy ạ.

Con muốn hỏi là: Dạ thưa Thầy, thứ nhất là cách đây khoảng gần một năm thì con có duyên được đến Phật Đản ạ. Lễ Phật Đản con có đọc cuốn sách của thầy Huyền Diệu. Thì trong đấy thì thầy có nói chuyện, thầy có kể lại cuộc đời của thầy từ nhỏ cho đến lớn. Thì trong quá trình hồi nhỏ thì thầy rất là vất vả và rất là khổ. Và bố mẹ, trong đó thì mẹ đánh đập rất nhiều đến một lúc là thầy phải bỏ nhà ra đi. Trên đường thầy đi thì thầy có niệm Bồ Tát Quán Thế Âm. Thì thầy đi đến một nơi thì thầy thấy một vị sư thầy ngồi chờ thầy. Rồi thầy ở đó nói đúng tên của thầy ra. Xong rồi bắt đầu đưa thầy đi xong rồi nuôi thầy lớn, ăn học. Sau đó thì bắt đầu thầy mới nói cũng rất nhiều chuyện và nó xảy ra đúng.

Con không nhớ tên của thầy, bởi vì hiệu hình như là Liên Nhân hay sao đấy. Thì thầy có nói rằng là chuẩn bị một tuần nữa sẽ có người ở bên Mỹ sẽ coi như là lên được mặt trăng. Và sau đó lại là cả những cái chuyện ví dụ như là nói được sau này thầy Huyền Diệu sẽ trở thành một con người như thế nào. Ví dụ như là chẳng hạn như là cái chuyện mà hai thầy trò đang ngồi đấy thì thầy bảo tuần sau sẽ có bom nó bỏ vào đấy đấy.

Con cũng thắc mắc là nếu như mà các cái pháp ví dụ như của Mật Tông đấy ạ, nó không đúng thì tại sao sư thầy của thầy Huyền Diệu có giảng về các cái mật chú. Và sau này thầy áp dụng, thầy áp dụng và sau đó thầy có xây được hai ngôi chùa, một bên là ở chỗ bên Nepal và một bên là nơi thành Ca Tỳ La Vệ đấy ạ. Thì nó đều đúng ạ. Vậy thì con muốn thắc mắc để cho nó ra vấn đề đấy ạ. Vâng ạ. Con hoang mang quá Thầy giúp con giải thích đi ạ.

(01:32:32) Trưởng lão: Con thắc mắc tại sao mà nói trúng hết? Tại sao mà như vậy?

Phật tử: Vâng ạ.

Trưởng lão: Sự thật ra trong thân của các con nó có cái ngũ uẩn con, nó có năm cái uẩn. Mà có hai cái uẩn mà con người hay làm việc đó là cái sắc uẩn, là cái ý thức của mấy con. Cái sắc uẩn nó gồm có sáu cái thức: mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Nó gồm là sắc uẩn.

Con mắt thấy nó có cái biết của con mắt. Cái tai nghe âm thanh nó có cái biết của cái nghe âm thanh. Còn cái ý thức nó chỉ suy tư, nó chỉ tư duy suy nghĩ một cái điều gì đó qua mắt, tai, mũi, miệng, thân của nó tiếp nhận. Đó là cái nhóm của nó, cái nhóm đó gọi là sắc thức.

Còn cái nhóm của cái tưởng thức nó làm việc khác mấy con. Cái tưởng thức nó ngồi đây nó giao cảm được mọi sự việc xung quanh nó. Cách đây ở quá khứ và tương lai có thể nó xảy ra trong năm năm, mười năm, hai chục năm hay hoặc một đời mình. Nó giao cảm, nó nói không sai chỗ nào hết mấy con. Nhưng mà cái người đó có tín lực hay không? Cái lòng tin hay không? Mà ông thầy Huyền Diệu là cái người mê tín, tin dữ lắm, tin cái chuyện thần thông. Cho nên vì vậy cái lòng tin của ông qua cái tưởng của ông thì có một nhà sư người ta cũng luyện tập Mật Tông. Con hiểu không?

Luyện tập Mật Tông là luyện tưởng. Cho nên cái tưởng nó hoạt động, nó giao tiếp được với ông. Cho nên vì vậy mà biết cái ngày đó ông thầy Huyền Diệu sẽ ở đâu đến, vì vậy mà ông sư đó ổng ngồi ổng chờ. Con hiểu không? Cái đó là lẽ đương nhiên của những người mà người ta luyện tập về tưởng của người ta thôi. Mà hầu hết là các pháp hiện bây giờ mà gọi là thần thông. Mà trên thế gian này trong đó có Mật Tông thì người ta đều luyện qua cái tưởng của chúng ta hết.

Cho nên mấy con dùng ý thức mà tu tập mấy con mới làm chủ. Mấy con dùng tưởng nó sẽ thực hiện qua những cái tưởng, thì mấy con không làm chủ được sự sống chết của mấy con đâu. Cho nên vì vậy mà Phật dạy chúng ta “Ý làm chủ, ý tạo tác, ý dẫn đầu các pháp”. Mà chúng ta cứ diệt ý để mà dùng tưởng.

(01:34:38) Bây giờ Thầy nói như thế này, cái pháp Thân Hành Niệm thôi Thầy dạy sơ như thế này. Mấy con dùng, mấy con cứ dở chân lên, đưa chân tới, hạ chân xuống, hạ gót xuống. Mấy con cứ dùng cái tưởng là nó sẽ dở gót lên, là nó đẩy gót mấy con lên, đưa chân tới, nó đẩy tới. Mấy con cứ nghĩ tưởng cái nó đẩy tới vậy. Vậy mà nó thực hiện cái lực, nó đẩy đó mấy con.

Ai làm cái sức lực đẩy đó? Có phải cái tưởng mấy con nghĩ không? Các con hiểu cái chỗ. Đó là luyện cái tưởng của mấy con mà. Con biết chưa? Còn cái này người ta tập trung vào cái câu thần chú mà người ta nghĩ tưởng cái thần chú đó nó sẽ nâng cái thân này bay lên nè, nó sẽ thực hiện cái cầu vồng nè. Người ta cứ nghĩ tưởng đọc cái câu thần chú đó là cái cầu vồng nó sẽ hiện ra. Các con hiểu không?

Cho nên vì các vị Lạt Ma đó hay luyện cái câu thần chú cầu vồng. Cho nên vì vậy mà đọc cái thần chú cái hiện cái cầu vồng ngay liền lên. Đó, như vậy là cái tưởng của người ta làm ra. Cái tưởng của cái vị Lạt Ma đó nó thực hiện cái cầu vồng, chứ ai mà khi không, mà cầu vồng đâu mà có. Các con hiểu chưa? Cho nên vì vậy cho nên những cái điều mà con nói thật là vi diệu, nhưng mà không ngờ là nằm trong cái tưởng của chúng ta.

Cho nên cái mục đích của đạo Phật là dùng ý thức của chúng ta để tạo thành cái ý thức lực. Nó có Tứ Thần Túc, bốn cái lực như thần của ý. Dục Như Ý Túc: dục như ý mình muốn, cái ý muốn chứ không phải. Còn cái này người ta muốn cái gì đó, người ta phải dùng cái tưởng nó phải thực hiện ra. Con hiểu không?

(01:36:08) Mà cái người đó là phải tin, phải tin, đặt cái lòng tin. Mà đặt cái lòng tin ở nơi tưởng. Cho nên đặt cái lòng tin nơi bùa chú, nơi thần chú. Cho nên người đó mới niệm chú. Còn nếu mà không đặt lòng tin của thần chú thì ai mà ngồi đó niệm. Niệm lâm râm hoài mà tôi không tin thì nó đâu có thực, nó đâu có linh con. Con nhớ rằng khi nào linh là chúng ta mới đọc thần chú. Còn bây giờ chúng ta tin rằng có Quan Âm Bồ Tát thì cái tín lực của chúng ta nó sẽ thể hiện cái tưởng của chúng ta. Nó thực hiện ra cái sự vi diệu đó qua cái hình ảnh của Quan Âm Bồ Tát, chứ đâu phải có Quan Âm Bồ Tát. Con hiểu chưa? Bởi vậy không thể dối được Thầy.

Bởi vậy khi mà tu xong rồi, cái đầu tiên của Thầy là để khám phá cái thế giới siêu hình, coi linh hồn mọi người ở đâu. Đó cho nên vì vậy mà Thầy vào các Định, từng Định, Thầy đi tìm thế giới siêu hình. Nhưng mà Thầy thấy thật sự không có, không có linh hồn ai hết. Chết rồi nghiệp đi tái sanh luân hồi hết. Thế mà bây giờ đó, thế giới này lại có cái linh hồn, là vì tại sao có những người lên đồng nhập cốt? Các con hiểu không? Cho nên Thầy tìm.

Bởi vì những cái thắc mắc nó từ lâu, nó quá nhiều ở trong đầu của một người tu. Mà khi tu xong rồi thì mình đã có đủ cái sức mà quan sát cả vũ trụ nữa chứ đâu phải là ở đây, để tìm xem cái thế giới nó như thế nào. Cho nên vì vậy mà Thầy mới hiểu được đức Phật, sau khi tu chứng rồi thì đức Phật nói: “Ba mươi ba cõi trời là tưởng tri chứ không phải liễu tri”. Cái câu nói của ông Phật quá hay mà chính Thầy cũng đã nói: “Thế gian này hoàn toàn là không có linh hồn, tức là không có thế giới siêu hình”.

Thực tế là mình đi tìm với cái sức thiền định của mình đã có, mình đi tìm nó coi nó ở chỗ nào, có không? Cuối cùng không có thì phải nói nó không có chứ. Cho nên Thầy nói: “Không có linh hồn”. Còn ông Phật nói: “Ba mươi ba cõi trời là tưởng tri chứ không phải liễu tri”. Ông Phật nói cái danh từ đó rất rõ. Còn Thầy nói không có linh hồn là đó một xác quyết thôi. Chứ cái linh hồn có là có tưởng tri chứ không phải có linh hồn, chúng ta tưởng ra thôi.

(01:38:16) Cho nên những cái điều con hỏi đó Thầy biết toàn là cái bọn mê tín. Tại nó mê rồi nó tin, thành ra nó thần thông, chứ nó không có gì hết. Cho nên Thầy có đọc cái tập sách của thầy Huyền Diệu cất mấy cái chùa ở bên Ấn Độ đó. Thầy đọc rồi, Thầy có đọc cái sách, Thầy nói: “Ông già này ổng mê tín cũng ghê lắm đó chứ. Ổng viết cái quyển sách này, ổng làm cho thiên hạ cũng theo ổng đó”.

17- NHÂN QUẢ DUYÊN SANH TỪ Ý HÀNH-KHẨU HÀNH-THÂN HÀNH

(01:38:46) Trưởng lão: Trong cái vấn đề mà gia đình của các con đó thì các con sẽ đưa cái bức thư của Thầy mấy con. Các con sẽ đưa cái bức thư. Lê Trần Bảo Trân hả con?

Bảo Trân: Dạ vâng.

Trưởng lão: À, con sẽ đưa cái bức thư con. Bức thư của Thầy cho gia đình, cho mẹ con. Và đồng thời mẹ con đọc thì bà sẽ rất an vui, chứ không có gì. Và đồng thời thì về cái đặc tướng của con, thì con nên ôm cái. Một là cái Định Niệm Hơi Thở, hai là cái pháp Thân Hành Niệm để tập cho nhuần nhuyễn để đối trị những chướng ngại pháp ở trên thân con. Thì đó là cái đặc tướng của con, đang mang cái thân là cái đặc tướng, các con phải tu tập như vậy để rồi con sẽ làm chủ được thân tâm của mình. Để đến cuối cùng thì mình sẽ trở về Tứ Niệm Xứ để mình giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự mấy con. Để cứu mình thoát ra khỏi cái kiếp tái sanh luân hồi. Để mà mỗi lần tái sanh luân hồi là mỗi lần đau khổ lắm mấy con.

Còn nhân quả thì các con phải có cái thời gian phải học. Thầy đã có viết một số về nhân quả nhưng mà chưa đủ mấy con. Trong cái lớp Chánh Kiến năm đó Thầy dạy sáu, bảy tháng hơn đó, mà vì cái duyên chưa đủ. Cho nên trong sáu, bảy tháng Thầy dạy về nhân quả nhưng mà sáu, bảy tháng chưa đủ cái lớp Chánh kiến.

Chánh Kiến là gì? Chánh Kiến là cái hiểu biết đúng mà trong khi cả một cái vũ trụ như thế này đang bị quy luật của nhân quả điều khiển. Từ cây cỏ đất đá, núi sông, con người, mọi hành động. Các con không nói ra thôi, làm thinh thôi, giữ tâm bất động thôi, nó không nhân quả. Mà các con vừa khởi nói, vừa khởi nghĩ là bị nhân quả hết. Thiện ác, thiện ác trong đó liên tục, cho nên bị chi phối. Thầy nói trong tất cả mọi cây đang đứng im vậy, gió thổi là bị nhân quả rồi.

À mấy con thấy không? Trời đang nắng ráo vậy, bỗng mưa ngập thì đó là quy luật của nhân quả. Có thể nói rằng tất cả những cái loài vật mà nằm ở dưới những đất, những đường đi, những cỏ rác, mà ngập như thế này thì những con vật có còn sống được không? Đó là quy luật của nhân quả để vay trả trong cái kiếp sống của nó mà.

(01:40:54) Cho nên ngập lụt, mấy con biết loài vật nhỏ nhất như kiến, trùn làm sao mà sống nổi, đó nó sẽ chết. Còn người ta thì nó còn cái phước hơn là biết làm bè, rồi thuyền, rồi này kia, rồi đi vớt với nhau. Mấy người đó trèo lên nóc nhà ngồi, mình ở dưới này mới chèo thuyền đi cứu, thì đó là con người. Chứ còn lơ mơ nó cũng trôi dạt hết, nó cũng chết hết chứ đừng nói chuyện. Cho nên vì vậy mà qua một cái cơn bão lụt, mà nó ngập như vậy năm, mười ngày thì loài vật chết hết.

Nhưng mà cái môi trường nó sanh diệt mấy con. À, nó ngập như vậy rồi, bắt đầu nó ở trên cái môi trường mà ngập như vậy đó, nó là cái nhân quả mà, nó diệt cái loài kia rồi thì cái từ trường nó hợp lại, nó thành ra một cái loài ở trên nước. Nó sống trong nước, nó sanh đẻ ở trong nước, nó ngào ra ở trên nước hết. Nhưng mà rồi nó khô nước xuống cái ba cái loài mà trên nước nó chết sạch hết. Cá nó cũng chết nữa mấy con bởi vì nó đâu có nước đâu mà nó sống. Còn những con nòng nọc, những con này kia, nó ngập nước, cái nó đẻ, nó sanh ra láng lênh trời đất. Tới chừng nước rút xuống cái nó chết hết. Phải không? Nó chết hết thì bắt đầu nó khô lại, thì cái loài nó hợp với cái loài khô, nó mới sanh sôi nảy nở. Kiến, trùn này kia, nó bò láng lênh ra hết, con thấy không?

Trùng trùng duyên khởi, duyên tan, trùng trùng duyên hợp. Nó hợp lại nó thành loài vật mà nó duyên tan thì nó tan rã, nó làm cho tất cả các cái loài vật phải chết đi. Đó mấy con phải thấy được cái quy luật của vũ trụ, quy luật của nhân quả, nó ghê lắm mấy con. Vì vậy khi mà học nhân quả thì chúng ta cẩn thận từng hành động của chúng ta. Từ cái lời nói, từng cái suy nghĩ của chúng ta, không khéo nó sẽ tạo nhân quả đó. Nó tạo nhân quả để rồi chúng ta phải gặt lấy những cái sự đau khổ của nhân quả đó mấy con. Cho nên nó ghê lắm. Cho nên vì vậy mà muốn hiểu nhân quả thì phải học, học nhiều lắm chứ còn học lơ mơ thì mấy con ít lắm.

(01:42:47) Mấy con không ngờ là một con người, một con người như mấy con ngồi đây mà mở miệng ra nói mà không ngờ là nó đi sanh ra một con người. Cũng như mấy con thấy cái nhân quả, cái cây trái mà mấy con thấy cái cây nó còn sống kia mà tại sao nó lại sanh ra bao nhiêu quả? Rồi những cái quả đó nó lại lên, những cái hạt của nó, nó lại lên thành những cây khác. Cái cây mẹ nó còn đây mà cái cây con nó cũng sanh ra láng lênh hết. Các con thấy không? Cho nên nó nhân quả, nó không thể nó một mình mình được.

Cho nên vì vậy mấy con cứ nghĩ: Nếu mà có một cái linh hồn của một người thì sanh có một người thôi, còn bây giờ con người sanh nhiều quá như vậy, mấy con thấy nó từ nhân quả, nó sanh ra mà. Cho nên nó chưa đủ sức, chứ nó đủ sức nó không còn đất ở đó, nó sanh dữ lắm. Mà cái luật của nhà nước hạn chế sự sanh đẻ, chứ nếu không thì nhiều quá, thì chúng ta sẽ đói khổ. Mà bây giờ nó đông quá rồi tự nhiên nó cũng dịch, nó chết nữa mấy con. Mình sanh đông quá rồi tới chừng nó đói cơm, khát nước, nó không đủ ăn, nó nheo nhóc rồi bắt đầu nó sanh bệnh. Nó sanh bệnh, bây giờ dịch cúm gia cầm mấy con thấy không?

Mình cố gắng, mình nuôi cho nhiều. Thay vì một nhà nuôi một con gà, nó đẻ năm, mười con gà con thôi, thấy nó sởn sơ. Bây giờ đồng thời cái mình lập trại này kia, mình nuôi hàng trăm, hàng vạn để cung cấp cái thực phẩm cho mọi người chứ gì. Không ngờ nó dịch cúm nó ăn, nó giết sạch hết ba con gà. Mình ăn vô cái bị bệnh, mình hoảng, không ai dám ăn hết. Mấy con thấy đó là cái quy luật vô thường, cái quy luật của nhân quả, nó đâu có để cái chuyện mà mình làm những cái chuyện đó được đâu. Nó khó lắm.

Cho nên khi mà học thì chúng ta phải hiểu về cái nhân quả cho nó thấu đáo. Cho nên khi mà người tu theo đạo Phật, người ta cẩn thận lắm đó. Người ta cẩn thận từng hành động của chúng ta, không để cái nhân quả nó chi phối của chúng ta làm những cái điều ác. Bởi vì vô tình chúng ta nói tiếng nói to tiếng với người nào là cái nhân quả ác đó. Còn cái Chánh Ngữ, ái ngữ của chúng ta thì nó là nhân quả thiện. Mình suy nghĩ một cái điều đó mà có hại người nào đó, làm lợi cho mình thì cái sự suy nghĩ của mình cũng là một điều ác.

(01:44:52) Cái nhân quả nó đi trong ba cái hành động của con người: Ý hành, khẩu hành, thân hành. Nó ba cái hành động đó mà nhân quả nó đi. Còn chúng ta ngồi mà tu bất động thì nó đâu còn nhân quả mấy con. Mà không còn nhân quả thì nhân quả đâu có chi phối, tức là mình làm chủ nhân quả. Các con hiểu không? Thầy ngồi đây “tâm bất động, thanh, thản, an lạc, vô sự”. Ngồi im lặng như vậy, không nghĩ, không có gì hết, nó chỉ im lặng trong đó thì như vậy đâu còn nhân quả. Mà không còn nhân quả thì Thầy đã làm chủ nhân quả rồi.

Cho nên vì vậy mà làm chủ nhân quả phải ở từ chỗ tâm bất động đó. Mà cái thân nhân quả này đau nhức chứ gì? Các con hiểu không? Vậy Thầy làm chủ cái thân nhân quả Thầy, Thầy bảo: “Thọ là vô thường. Đi”, nó đi liền. Tại vì Thầy ở trong tâm bất động, các con hiểu không? Cho nên nó làm chủ nhân quả. Chứ sự thật ra cái mục đích là chúng ta đang ở chỗ vô lậu, chỗ bất động chứ không có gì khác. Còn mấy con chưa ở trong chỗ bất động thì tức là mấy con không làm chủ được nó, không làm chủ được nhân quả. Con hiểu chưa?

Cho nên tại sao Thầy gọi là nhiếp tâm và an trú. Nhiếp tâm và an trú được ở trong một cái hơi thở của mấy con thở ra, thở vô, chỉ có một duy nhất có hơi thở ra vô thôi. Phải không? Đó là mấy con nhiếp tâm và an trú. Mà nhiếp tâm và an trú được thì mấy con đẩy lui được bệnh.

Còn bây giờ mấy con cao hơn một tầng nữa. Mấy con không cần ở trong hơi thở, mà mấy con cần ở nhìn lại cái tâm của mình bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Nó không còn nương vào hơi thở nữa mấy con, mà nó ở chỗ trạng thái bất động tức là trạng thái vô lậu thì chỗ này còn tuyệt vời nữa. Cái gì mà xâm chiếm vô cơ thể mấy con được. Bởi vì mấy con ở cái chỗ nó không đau, không đớn, không gì hết thì nó xâm chiếm mặc nó. Mấy con ở trong đó một lát thì nó hết đau chứ khỏi cần tác ý gì nữa. Đó là cái pháp của Phật nó vi diệu đến cái mức độ như vậy đó mấy con. Cho nên ráng tu, ráng tu. Thầy đã dạy mấy con những cái điều mà Phật đã nhắc nhở từ xưa đến giờ. Mà được Thầy đã dựng lên để giúp đỡ cho mấy con làm chủ được sự sống chết, làm chủ được nhân quả.

18- XIN RA TU TẬP Ở NƠI RỪNG NÚI

(01:46:40) Phật tử: Bây giờ con xin Thầy để mà đi ra ngoài Giếng Chén để mà tu tập với Chơn Trí.

Trưởng lão: Thì sự thật ra thì Chơn Trí bây giờ cũng không còn tu tập gì, chỉ bây giờ tìm cách sống ở trong rừng núi vậy thôi, rất là tội khổ mấy con. Cho nên mấy con đến đó, mấy con không tu tập được gì đâu, mà lại làm cho mấy con còn mất cái thì giờ vô ích nữa. Bởi vì tuy rằng ở trong rừng núi mà phải có phương pháp. Chứ ở trong rừng núi mà đi cắt ba cái lá cây để đem bán, để mà người ta làm bánh thì cuối cùng mình chỉ kiếm gạo để mình sống. Thì như bây giờ Chơn Trí chẳng có biết pháp gì tu, chỉ sống cuộc đời sống cho qua vậy thôi. Rất là tội mấy con. Nhưng mà về đây thì không dám về. Chứ về đây thì Thầy sẽ sửa lại, phải tu để không phí hết một đời, không phí hết một đời của nó. Cho nên các con đừng có đến chỗ đó mà mấy con tu không được đâu.

Ở đó thì bây giờ có một cái số đệ tử của sư cô Thanh Hải. Sư cô có một số đệ tử cũng lên trên đó mà tu tập. Bây giờ kết hợp với Chơn Trí ở đó mấy con. Thành ra tất cả những cái này nó đều hoàn toàn nó ở trong cái tưởng pháp của Thanh Hải Vô Thượng Sư đó. Ngài hoàn toàn là dạy ở trên cái tưởng pháp không. Cho nên bây giờ vô đó thì mấy con ảnh hưởng ba cái này thì tội cho mấy con nữa. Cho nên trong khi đó thì thôi mấy con đừng đến đó. Và đồng thời sư Chơn Niệm ở Quy Nhơn. Nói chung là cái tịnh xá ở đó thì theo Thầy thiết nghĩ. Chơn Niệm cũng chưa có tu đến nơi, đến chốn, thành ra nó cũng không giúp đỡ được gì. Cho nên đến đó cũng chẳng biết cách thức nào mà tu tập được.

(01:48:26) Thôi tốt hơn là mấy con muốn tu thì mấy con hãy tìm một cái nơi nào mà có người tu chứng. Gần đây thì như ở Hải Phòng hoặc là ở Ninh Bình có một vài người đã tu, đã làm chủ được sự sống chết rồi mấy con. Nhưng mà Thầy chưa tuyên bố thôi, để chờ khi mà có đủ duyên Thầy sẽ tuyên bố. Mấy con đến đó thì những người đó, họ sẽ giúp đỡ cho mấy con tu tập. Chứ còn như thầy Chơn Niệm thì chưa xong. Thầy Chơn Trí cũng chưa có xong, chỉ còn chới với ở trong cái sự xả tâm của mình thôi chứ chưa hoàn tất. Thì đến đó mấy con ở, thì mấy con cũng chỉ chẳng đi tới đâu hết. Rất uổng mấy con!

Cho nên qua cái lời khuyên của Thầy thì để chờ có đủ duyên thì những người mà Thầy tuyên bố ở gần mình. Mình sẽ đến đó nương tựa vào những người mà đã tu xong, họ làm chủ được sự sống chết rồi thì họ lấy cái kinh nghiệm đó mà họ dạy lại mình thì chắc chắn là mấy con sẽ được lợi lạc rất lớn.

19- THIỆN XẢO GIỮ GIỚI

(01:49:30) Trưởng lão: Nguyễn Minh Duy con! À, cái pháp danh của con là Pháp Văn. Chữ Văn có nghĩa là nghe, Pháp Văn tức là nghe chánh pháp của Phật. Con đủ duyên, con được nghe chánh pháp của Phật, cho nên Thầy đặt con là Pháp Văn. Con nhớ cái tên Pháp Văn của con là nghe được cái chánh pháp của Phật. Từ đây về sau đã nhận được chánh pháp của Phật thì phải ráng tu tập.

Về cái pháp danh của con là nghe được chánh pháp của Phật, mà chánh pháp của Phật mà đi đến cứu cánh thì đó là Chánh Niệm Tĩnh Giác Định. Chánh Niệm Tĩnh Giác Định! Tức là con phải tu tập Tĩnh giác để rồi chuyển qua để tu tập Tứ Niệm Xứ, để đi vào cái chỗ mà giải thoát hoàn toàn. Con nhớ cái đặc tướng của con phải tu tập cái pháp Chánh Niệm Tĩnh Giác Định. Còn giới luật, còn về giới luật thì phải thiện xảo, phải được học hỏi, sống đời thường mà giữ không có sai giới luật, khéo léo.

Ví dụ như Thầy nhắc lại về giới luật. Chúng ta quyết định là không ăn thịt chúng sanh. Nhưng mà trong khi chúng ta còn giao tiếp với mọi người, còn làm việc chung với mọi người. Hoặc là còn sống với mọi người trong những cái buổi tiệc lễ, thì người ta vẫn nấu thịt chúng sanh. Nhưng mà chúng ta là người ăn chay, chúng ta làm sao bây giờ? Chúng ta cũng không bảo người khác phải nấu đồ chay cho chúng ta, làm như vậy bận lòng! Chúng ta không làm bận lòng ai cả. Chúng ta cũng lên dự tiệc đàng hoàng, nhưng mà chúng ta vẫn ăn chay đàng hoàng.

Tất cả những cái tô canh mà người ta nấu trong đó có thịt chúng sanh, thịt gà hoặc thịt heo, thịt bò gì tất cả. Trong đó thì người ta bỏ những cái củ cải, cà rốt hay hoặc rau, hay hoặc này kia, người ta bỏ lên đó. Chúng ta không bao giờ mà gắp những miếng thịt ăn, mà chúng ta chỉ ăn rau cải. Tức là người ăn chay với cái lòng thương yêu, chứ không phải ăn chay để làm Phật. Cho nên chúng ta không có nghĩa là sợ nấu chung thịt như vậy là chúng ta phạm giới, không phải đâu. Chúng ta cái trí tuệ bảo biết chúng ta, tức là chúng ta sẽ ăn những cái gì mà không có sự đau khổ.

(01:51:49) Thí dụ như bây giờ rau cải, củ cải đồ người ta nấu trong cái tô súp đó như vậy, với thịt như vậy. Mình không ăn thịt mà mình ăn những rau cải đó, đó là ăn chay. Với lòng thương yêu, chúng ta không nỡ bỏ miếng thịt vào miệng nhai nuốt. Nhưng chúng ta ăn củ cải, ăn rau được, vẫn được như thường, đâu có gì đâu. Đó là mấy con ăn chay với cái sự ăn chay.

Còn bây giờ có nhiều người khi mà ăn uống với nhau đó, thì họ lại rót rượu họ mời. Chúng ta nhận, nhưng mà chúng ta không uống. Chúng ta nhận vì người ta có cái tình, người ta mời mình mà tại sao mình tìm cách này kia từ chối: “À, tôi bệnh không uống rượu này kia”. Đừng! Mình nói như vậy là mình nói dối, không thật.

Mình nhận. Nhận nhưng mà thí dụ như bây giờ đây là ly rượu mình nhận, cụng ly với họ đàng hoàng. Nhưng mà mình kê như thế này, mình có cần gì phải uống nó đâu. Nhưng mà sự thật ra mình kê ở trong miệng vầy thì người ta cứ nghĩ: “Ủa như thế nào?” thì mình nói sự thật ra.

Cái người đó họ hỏi: “Sao nãy giờ ly rượu anh còn hoài vậy?”.

Nói: “Sự thật tôi nhận cái lòng của anh hay của bác. Đối với tôi thì vì cái vấn đề mà rượu thì tôi biết rằng nó sẽ ảnh hưởng không tốt về cơ thể, nó sẽ gây không tốt”.

Cho nên họ không hỏi thì mình vẫn nhận và đồng thời mình cũng chỉ kê lên miệng như thế này rồi mình để xuống, không uống. Họ thấy ly rượu mình còn hoài, không uống chút nào hết. Họ mới hỏi thì mình nói, còn họ không hỏi thì thôi. Con hiểu không?

Hỏi thì mình nói thẳng, nói thật: “Bởi vì một người mà biết được cái rượu là chất độc thì chắc chắn là không thể dùng chất độc để tự mình hại cho mình khổ đau. Cho nên tôi không thể nào uống rượu được. Vì vậy mà tôi nhận cái lòng tốt của anh mà thôi. Chứ sự thật ra đối với rượu thì tôi biết nó là chất độc”.

Con sẽ nói thẳng, nói thật như vậy thì con dù là cái giới luật, con giữ gìn giới luật mà con khéo léo linh động thì con không phạm giới chút nào hết. Mình khéo léo con, phải thiện xảo. Trong cái đời sống mà mình không làm chướng ngại cho họ. Mình ăn chay, rồi mình nói để cho người ta làm cho mình cái bữa cơm chay, để đồng thời mình ăn thì chướng ngại. Giờ mình ăn cơm chay, mình ngồi riêng thì coi như vậy không hòa đồng, không hòa đồng trong cái cùng nhau. Cho nên mình vẫn ngồi chung với họ nhưng mình biết cách thức ăn uống, thiện xảo trong ăn uống, thiện xảo trong cái uống của mình. Thì như vậy rõ ràng là mình ăn chay chứ không có gì hết. Đó! Nhớ chưa?

Cách thức mà giữ giới đều là phải linh động, thiện xảo và khéo léo thì mấy con sẽ thành tựu được cái sự tu tập của mấy con. Chứ còn mấy con mà không thiện xảo, khéo léo, thì coi như là mấy con cứ cố chấp một cái vấn đề nào đó, thì mấy con không đúng. Mà mấy con không cố chấp và mấy con thấy cái đó mình cần phải linh động để khéo léo, để làm cho mọi người, người ta thấy mình rất bình thường như mọi người.

20- HÀNH ĐỘNG NÀO CỨ SỐNG? HÀNH ĐỘNG NÀO PHẢI TẬP?

(01:54:40) Trưởng lão: Phạm Tất Hùng con! Trước kia thì con theo cái giáo lý của thầy Chân Quang mà tu tập và con đã quy y ở đó rồi. Cho nên đối với Thầy, thì hiện bây giờ con có duyên đến với Thầy. Thì tất cả những cái giáo pháp mà thầy Chân Quang dạy về đạo đức. Thì mấy con thấy vấn đề đạo đức, thì cái nào mà mình sống không làm khổ mình, khổ người thì những hành động đó mấy con cứ sống. Không có sao hết.

Còn về cái vấn đề mà tu tập, về vấn đề tu tập thì con đến đây, Thầy sẽ quy y cho con. Thầy có làm cái điệp phái cho con ở trong đó rồi. Cho nên vì vậy mà con hãy tu tập cho đúng cái đặc tướng của con. Bây giờ trong cái đặc tướng của con đó thì con phải tu pháp Thân Hành Niệm con. Để con cán nát tất cả những chướng ngại gì ở trong cuộc đời của con. Con sẽ dùng cái pháp đó mà con cán nát. Nhớ ôm cái pháp Thân Hành Niệm mà tu tập. Đó là để cho con thoát ra những cái tâm niệm nó đang ray rứt trong lòng của con, đang đau khổ đó, thì ôm cái pháp Thân Hành Niệm, thì nó sẽ đem lại sự bình an cho chính con.

Thời khóa thì mấy con sẽ tự đặt ra thời khóa cho phù hợp với hoàn cảnh của mình đi làm việc. Hoặc là cái thời khóa đó cho phù hợp buổi tối, buổi khuya, sáng, trưa, chiều, tùy theo cái hoàn cảnh của mấy con. Chớ Thầy đặt cho mấy con một cái thời khóa chung thì không được. Bởi vì mọi người đều có cái hoàn cảnh làm việc khác nhau, cái cuộc sống khác nhau, thì mấy con đặt cho cái thời khóa cho phù hợp. Để rồi tới cái giờ đó thì mấy con ôm cái pháp theo cái đặc tướng của mình mà mấy con tu, thì nó mới phù hợp và nó mới có kết quả mấy con.

21- “NỐI DÕI TÔNG ĐƯỜNG”

(01:56:23) Trưởng lão: À, trong khi con sẽ đưa một cái bức thơ của Thầy gởi cho mẹ con thì mẹ con sẽ thấy rất rõ. Là vì các con nghĩ rằng thường thường cái quan niệm của gia đình. Chúng ta phải lớn lên, rồi phải có gia đình, phải có con cái để nối dõi tông đường, để thừa kế với nhau. Nhưng mà sự thật cái thừa kế của mấy con, các con mà từ cha mẹ sinh mình ra rồi. Mà sinh mình ra thử hỏi các con thấy cuộc đời có khổ không? Khổ! Rồi bây giờ tiếp tục để sanh con, sanh cháu mình ra nữa. Thì như vậy con cháu mình có khổ không? Khổ! Tức là thừa kế một cái vòng đau khổ.

Cho nên ở đây chúng ta không lập gia đình tức là chúng ta chấm dứt tái sanh luân hồi. Mà chấm dứt tái sanh luân hồi, vì còn tái sanh luân hồi là còn đau khổ. Bởi vì hễ sanh con đẻ cái thì, mình đã đau khổ rồi mà muốn sanh con đẻ cái nữa, cho nó đau khổ nữa. Vậy thì mình là như người như thế nào?

À, bây giờ hỏi, ví dụ như cha mẹ bây giờ muốn con phải có vợ, có con. Bà phải có cháu, hay hoặc là ông phải có cháu này kia. Vậy những đứa cháu này, sanh nó ra, chúng ta làm gì cho nó đừng đau khổ? Nó bệnh đau chúng ta đau thế được không? Nó chết, chúng ta có chết thế được không? Mà nếu không làm được điều này, sanh nó ra để nó chịu đau khổ như thế này, chúng ta có xứng đáng là làm cha, làm mẹ, làm ông bà nó không? Hay là chúng ta sanh ra để khổ mặc nó, chúng ta đâu có trách nhiệm gì phải không? Mấy con có trách nhiệm chứ sao không mấy con. Đã sanh con mình ra phải có trách nhiệm. Nhưng tại sao nó đau bệnh, mình lại không đau thế nó được?

(01:58:01) Các con thấy cuộc đời này chúng ta có bốn cái loại sanh:

Thấp sanh là nơi ẩm ướt nó sanh ra loài vật.

Noãn sanh là loài sanh trứng mấy con, đẻ trứng ra rồi mới nở ra con.

Thai sanh là có thai rồi mới sanh ra đứa con, phải không? Đó là như con người chúng ta như loài trâu bò nó có thai rồi sanh ra cái con người.

Hóa sanh là cái loài đó hợp duyên tạo ra con người.

Vậy thì chúng ta muốn có con người trên hành tinh này, cái duyên mà để thành có con người, thì đâu phải là trong không gian chúng ta không đủ mấy cái duyên để thành con người. Đất, nước, gió, lửa đầy đủ. Vậy thì hợp cái đất, nước, gió, lửa lại thành. Thì một cái người mà người ta đã không sanh ở trong cái đường thấp sanh, noãn sanh và thai sanh, không đi vào ba con đường sanh này thì người ta sẽ đi vào con đường hóa sanh. Mà con đường hóa sanh là toàn thiện, một con người sanh ra con đường đó hoàn toàn không làm điều ác.

Còn con đường mà sanh ra trong ba cái điều sanh này từ thấp sanh, noãn sanh, thai sanh hoàn toàn nằm ở trong cái dục lạc, trong cái dục. Cho nên do từ dục mà sanh ra. Cho nên vì vậy con người nào cũng có lòng dục, lòng ham muốn. Còn cái hóa sanh không lòng dục, không lòng dục. Bởi vậy cho nên con người hóa sanh không có nghĩa là cái con người đó kẻ lùn, kẻ thấp, kẻ cao như chúng ta đã sanh trong ba cái loại sanh này. Cho nên một cái người mà người ta hóa sanh nó đồng đều, nó giống nhau cái kích thước, nó y như nhau, nó không khác. Đó là hóa sanh.

Các con thấy hóa sanh tuyệt vời. Tại sao chúng ta không đi vào hóa sanh mà lại thai sanh để làm gì đau khổ như thế này? Mấy con hóa sanh được thì cứ hóa sanh một đám con mình đi. Nó đâu cần phải ăn cơm, uống nước này đâu. Nó đâu có khổ. Còn giờ mấy con thai sanh, mấy con đẻ ra, mấy con phải chạy làm cơm cho nó ăn, chứ không cơm ăn, nó chết hết sao? Có phải không mấy con? Vậy mà mấy con cứ đẻ con ra hoài à. Đẻ ra khổ vậy mà cứ đẻ. Bộ khùng rồi sao? Có phải không mấy con?

(02:00:07) Cho nên vì vậy cha mẹ mà ép buộc mấy con phải cưới vợ, có con có cái. Có nhiều người: “Tao có một mình mày, mà dòng họ tao tiêu rồi làm sao bây giờ đây? Mày phải có vợ, có con chứ. Tao trông cho có cháu nối dòng dõi này chứ không cái dòng họ Lê, dòng họ Nguyễn này nó tiêu hết”. Sự thật ra nó tiêu, nó có tiêu đâu? Nó giải thoát chứ tiêu. Cứ đẻ ba cái dòng họ Nguyễn này nó ra bao nhiêu đời nó, đời này đến đời khác, đau khổ nó chồng lên đau khổ mấy con. Con cháu đông bộ sướng lắm sao mấy con? Nó khổ đau, đứa nào nó khổ đau.

Thử hỏi cái ông sơ, ông cẩm của nó mà còn sống, nó chít chắt của nó đau, bộ cái ông đó ổng ngồi yên à? Có yên không? Cháu chít nó đau, đâu có nghĩa là cái ông đó ngồi yên đâu. Thôi bây giờ Thầy nói ông nội thôi, mà thấy cháu nội của mình nó đau, “Sao mi bỏ nó khóc quá trời vậy? Tao chịu sao nổi? Tụi bây dỗ hay đem bác gì đi chứ để nó khóc quá!”. Có phải ông nội nó, ổng ngồi, ổng làm thinh được không? Ông cũng đau khổ chứ sao. Các con thấy không? Cứ đã đau khổ, mà cái đứa bé nó sanh ra, nó bệnh tật nè, nó phải đau khổ. Chứ mấy con có sanh ra nó đừng bệnh tật không? Có sanh ra nó đừng ăn uống không? Phải không?

(02:01:12) Cho nên vì vậy mấy con thấy, tại sao mà chúng ta điên khùng gì mà chúng ta cứ chạy theo con đường sanh ra như vậy? Mà sanh ra bao nhiêu cái thừa kế cái khổ như vậy mà cứ sanh. Tu như Thầy không vợ, không con có sanh thứ gì được. Có phải không mấy con? Mà nó giải thoát chứ. Nó giải thoát bứt gốc đó.

Con thấy ông Phật Thích Ca, ổng chỉ có một đứa con mà thôi. Có phải không? La Hầu La. Rồi thằng con này cũng đi theo tu với ổng. Bởi vì hồi tám tuổi, thì khi mà ổng về ổng thăm gia đình, thì vợ ổng mới nói, mới bảo chú La Hầu La: “Con đi theo ba con xin gia tài đi”. Tưởng đâu là ổng cho cái cung vàng, điện ngọc, không ngờ là ổng chỉ đưa cái bình bát cho thằng nhỏ.

(02:01:54) Tiêu cái cuộc đời rồi. Thì cái thằng bé này nó ôm cái bình bát, nó đi hoài, đi theo ổng, đi xin ăn, rồi cuối cùng nó chứng quả A La Hán. Cái cung vàng, điện ngọc, ông Phật ổng đâu có cần mấy con. Có phải không? Do đó ổng cho đứa con đi tu. Rồi bà vợ này thấy con mình đi tu, thôi cũng đi tu theo. Cả vợ chồng, con cái gì chứng đạo hết trơn. Con thấy cái đó một cái hoàn toàn để chấm dứt.

Mà bây giờ dòng họ Thích, mấy con thấy cả thế giới. Chúng ta là gì đây? Không phải họ Thích à? Có phải không? Cái dòng họ Thích này quá trời. Đông phải không, con cháu đông phải không? Bởi vì đó là cái sự giải thoát mà. Còn mấy con không có vào cái dòng họ Thích thì mấy con đâu có giải thoát được. Bởi vì ông bà cha mẹ của mình, ông Phật ổng là cái người mà đi trước giải thoát rồi. Bây giờ mình theo cái dòng họ này để giải thoát. Cái mục đích mình vậy mà. Còn bây giờ mấy con theo dòng họ Nguyễn, họ Lê, họ Trần, họ Trịnh gì đó thì mấy con có giải thoát không? Đẻ con cái ra nó đau khổ gần chết. Phải lo cơm, lo nước cho nó ăn. Đó mấy con thấy sung sướng gì.

Cho nên từ đây nghe Thầy chấm dứt đi, đừng có thèm sanh con, đẻ cái gì hết. Cha mẹ có nói, đưa bức thơ của Thầy: “Ba mẹ hãy đọc bức thơ này đi, chừng nào mà ba mẹ trả lời được thì con sẽ chấp nhận cưới vợ có con”. Phải không? Mấy con sẽ trả lời. Thầy biết thế nào mấy con muốn đi tu thì cha mẹ sẽ có sự cản trở.

Tưởng nó vô chùa nó tu, chắc chắn là nó gõ mõ tụng kinh, nó khổ hạnh, nó ngày ăn một bữa, chết nó. Ở nhà nó ăn cho sung sướng. Không ngờ là vô chùa nó tu sướng gần chết. Đứa một cái thất như vậy đó, nó ăn no, ở không, nó ngồi đó nó chơi, chứ nó có làm cái gì. Có phải không? Tu sướng hơn ngoài đời. Không lo đói, lo no, không lo tiền, lo bạc, không phải sướng sao? Rõ ràng là cha mẹ không hiểu. Không, Thầy nói thẳng, nói thật đó mấy con. Mấy con cứ nghĩ đi, phải không?

Vô một cái thất, người ta cho nhà cửa đàng hoàng, phòng tắm vệ sinh đàng hoàng. Nước nôi đầy đủ, đèn điện đầy đủ, không thiếu chút nào, không phải sướng sao? Ở nhà, mấy con kiếm một cái nhà như vậy không phải cực hay sao? Không phải dễ. Đó! Mấy con thấy cái nào sướng?

(02:03:49) Vô đây đâu có cần gì, mà đâu phải cái nhà này của mình. Mình chỉ đời sống của mình nó tiện nghi như vậy là đủ rồi. Cho đến khi hoàn toàn tâm mình bất động để cho mình không còn tái sanh luân hồi nữa. Chấm dứt cái lòng ham muốn của mình thôi. Thì cuối cùng mình không tái sanh luân hồi, thì mình giải thoát hoàn toàn rồi, đâu còn khổ nữa đâu? Mà đâu còn sanh con, đẻ cái đau khổ nữa đâu. Cho nên hạnh phúc vô cùng. Mình chấm dứt.

Rồi khi mà mình tu xong rồi, ai có duyên thì họ theo dòng họ Phật Thích Ca, mình cũng theo dòng họ đó. Cho nên mình sẽ dạy cái kinh nghiệm lại cho họ, để đem hết cho cả một thế gian này không còn người nào đau khổ. Đó là cái chung, lợi ích chung mà. Cho nên vì vậy mà khi thế gian này hết đau khổ rồi, mình cứ vào Niết Bàn chơi cho sướng, khỏi có ở ngoài này chi mất công. Có phải không mấy con? Mấy con hãy nỗ lực tu mấy con.

(02:04:38) Trưởng lão: Bây giờ Thầy trả lời thơ của mấy con xong hết rồi. Phải không? Mấy con còn hỏi cái gì?

22- PHÁP DANH: “PHÁP NIỆM”

(02:04:56) À, cái Pháp Niệm là con niệm cái tâm bất động. Mục đích của Thầy nói niệm cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Hằng ngày nhắc cái “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi chút có cái niệm gì xẹt vô, mấy con lại niệm cái câu đó nữa: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự. Không có niệm gì xen vô chỗ này được nghe”. Đó là Pháp Niệm. Hiểu không?

Còn cái pháp danh của con, nó là cái Pháp Niệm. Cho nên vì vậy con phải giữ gìn hằng ngày cái câu tác ý đó để rồi con đi đến cái chỗ tâm bất động, vô lậu hoàn toàn đó con. Mấy con phải nỗ lực nghe chưa? Nhớ tu nha! Thầy cho cái tên là phải nỗ lực tu cho đúng cái tên của mình đó. Tên tôi sao, tôi phải làm vậy đó. Hiểu chưa? Mấy con nhớ!

Thiện Thành: Dạ con bạch Thầy ạ! Dạ con thưa Thầy là trong đoàn của con đây còn một vài người là chưa có pháp danh. Với lại bây giờ cũng muốn xin Thầy cho pháp tu luôn, con xin Thầy cho nốt ạ.

Trưởng lão: À, được con. Con muốn xin cái pháp danh, rồi từ cái pháp danh đó là cái đặc tướng của mấy con rồi đó. Mấy con sẽ tu nó!

Thiện Thành: Ai chưa có pháp tu thì xin Thầy luôn.

Trưởng lão: Mấy con sẽ ghi tên tuổi mấy con. Thầy sẽ cho cái điệp phái đó rồi con sẽ gửi cái điệp phái đó lại cho mọi người. Con lấy ra con phát cho mọi người. Người nào không có thì mới xin Thầy, còn người nào đã có rồi thôi.

Phật tử 1: Con kính thưa Thầy cho con hỏi câu này.

Trưởng lão: Rồi con. Con cứ hỏi đi con.

Phật tử 1: Con bạch Thầy. Xin Thầy chỉ cho con cái đặc tướng là đi kinh hành. Rồi ngồi thư giãn có phải là định Chánh Niệm Tĩnh Giác là ngồi hai phút rồi đưa ra đề mục để quán?

Trưởng lão: Chánh Niệm Tĩnh Giác rồi ngồi khoảng độ hai phút. Đúng rồi, đó là Định Vô Lậu con, tức là con quán xét cái tâm con để mà tư duy mình xả tâm.

Phật tử 1: Dạ trong lúc đi con vẫn tác ý đếm bước đi phải không Thầy?

Trưởng lão: À, bước từng bước, Chánh Niệm Tĩnh Giác bước chân đi. Đó là Chánh Niệm Tĩnh Giác trong lúc đi.

23- KINH DOANH PHÁP TƯỞNG

(02:06:45) Phật tử 2: Dạ bạch Thầy cho con hỏi. Vừa rồi con có trình Thầy cái thư của con. Trước đây thì anh em chúng con cũng có tu theo thầy Chân Quang. Và hiện tại thì con cũng đang trong cơ sở kinh doanh thì tức là cũng có bán băng đĩa của thầy Chân Quang và sách của thầy Chân Quang. Thì con xin Thầy cho con hỏi là: Nếu như bây giờ mà nghiên cứu muốn trao đổi với con. Tại vì con cũng đang phân vân là nếu như con còn bán băng đĩa đó thì thế có ảnh hưởng gì đến cái sự tu tập của con không?

Trưởng lão: Có chứ con. Nó cũng ảnh hưởng lắm con. Bởi vì Thầy Chân Quang thì cũng nói về cái thế giới tưởng cũng nhiều lắm đó. Nó ảnh hưởng về cái tưởng cái mấy con tu coi chừng nó lọt vô tưởng đó. Cho nên vì vậy mà dừng lại, dùng ý thức chứ không được dùng tưởng nữa.

Phật tử 2: Không con thì con dừng lại. Con không xem băng đĩa nữa ạ. Nhưng mà tại cái công việc kinh sách kinh doanh thì.

Trưởng lão: Thôi, thôi, dẹp đi con. Đừng kinh doanh cái đó. Kinh doanh thì coi như kinh doanh cái thế giới tưởng đó con. Nghỉ đi làm cái nghề khác. Làm nghề khác.

Phật tử 2: Dạ, Việc kinh doanh của con thì con chuyển sang công việc khác.

Trưởng lão: Ừ Chuyển qua công việc khác con. Chứ đừng có kinh doanh ba cái pháp tưởng này nguy hiểm lắm. Người ta tu, người ta lọt vô tưởng đó.

24- PHẬT TỬ KHÁC VẤN ĐẠO

(02:08:07) Tâm Tịnh: Con xin bạch Thầy. Con pháp danh Thích Tâm Tịnh. Xin Thầy xem con tu theo pháp nào?

Trưởng lão: Tâm Tịnh. Tức là con nên tu theo cái pháp mà “tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Tức là tâm con tịnh đó con. Tịnh là thanh tịnh. Mà tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự là tâm tịnh đó con. Con nhớ cái pháp đó không? Nhớ cái pháp đó. Tức là cái pháp Tác Ý đó. Cái câu tác ý: “Tâm bất động, thanh thản, an lạc, vô sự”. Rồi con ngồi im, con để cho cái tâm nó yên lặng. Có niệm thì con tác ý đuổi niệm để cho giữ được cái tâm tịnh. Tức là theo đúng cái pháp danh của con. Cái đặc tướng của con là phải tu cái tâm tịnh đó con. Còn nếu không thì con đi kinh hành để phá hôn trầm thùy miên, buồn ngủ đó, khi mà con buồn ngủ.

Tâm Phúc: Thưa Thầy cho con hỏi: Pháp danh của con là Tâm Phúc. Xin Thầy cho con biết ý nghĩa. Thầy cho con xin pháp hành.

Trưởng lão: À, Tâm Phúc hả con? Phúc là có nghĩa là cái phước của con, cái phước của con. Phước thiện. Mà như vậy là luôn luôn lúc nào con cũng giữ trong cái phương pháp mà tu tập của Phật đó. Tức là pháp Tứ Chánh Cần: “Ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện”, đó là Phúc thiện. Như vậy là Tâm Phúc, cái tâm thiện của con là cái tâm hoàn toàn không có cái niệm ác. Phải không? Con như vậy là trên cái pháp danh của con, thì lúc nào con cũng ngăn diệt ác pháp, tức là Tứ Chánh Cần đó con. Phải tu tập cái Tứ Chánh Cần. Cái tên của con là phải tu tập cái pháp Tứ Chánh Cần. Gọi là Tâm Phúc, Phúc là phước đó con.

Phật tử 3: Dạ bạch Thầy, với cái thân tướng của con thì Thầy cho con ôm Pháp nào để tu? Xin Thầy cho con.

(02:09:42) Trưởng lão: À, coi như là. Thường thường hầu hết là mấy con hiện giờ đó, theo Thầy biết thì mọi người chúng ta chưa có người nào thắng được cái hôn trầm, thùy miên. Còn buồn ngủ lắm mấy con, phải không? Do đó thì mấy con nên tập về cái pháp Thân Hành Niệm hoặc là Chánh Niệm Tĩnh Giác. Có hai pháp này để phá cái hôn trầm, thùy miên. Còn luôn luôn lúc nào để mình tĩnh giác rồi mình mới xả những cái niệm ác của mình sau.

Phật tử 4: Con thưa Thầy ạ. Xin Thầy chỉ cho con cái câu là: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Thì sau khi con tác ý câu đấy thì con mới bắt đầu chú ý vào hơi thở, hay là mỗi một lần con tác ý một câu trên thì con thở vào và con tác ý xong con thở ra?

Trưởng lão: À, con sẽ tác ý rồi con sẽ hít vô, thở ra năm hơi thở rồi mấy con tác ý lại.

Ví dụ như bây giờ tác ý nè. Con ngồi xuống đi, Thầy dạy cho con: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Đó là con tác ý phải không? Rồi bắt đầu bây giờ hít vô thở ra đếm một, hít vô thở ra đếm hai, hít vô thở ra đếm ba, hít vô thở ra đếm bốn, hít vô thở ra đếm năm. Rồi bắt đầu mới tác ý lại “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Rồi mới hít vô thở ra năm hơi thở nữa. Rồi bắt đầu tác ý nữa. Cứ năm hơi chứ không phải là một hơi thở hít vô thở ra là tác ý, hít vô thở ra tác ý thì nó ngắn lắm con, ngăn lắm. Để cho nó khoảng được năm hơi thở và mình tập ở trên năm hơi thở đó. Chừng nào mình thấy thuần thục thì mình mới tăng lên mười hơi thở. Phải không? Bây giờ thì chỉ có năm hơi thở thôi. Khoan đã, tu tập năm hơi thở thôi.

(02:11:20) Khi nào mà con ở đâu bất kỳ, mà con tu tập năm hơi thở, con thấy ba mươi phút mà con tác ý như vậy tâm nó yên ổn. Nó không có một niệm gì xen vô trong năm hơi thở của con thì con sẽ gọi điện thoại hay gởi thơ về Thầy. Nghe không? “Bây giờ con muốn tăng lên mười hơi thở được chưa?”, thì con sẽ trình bày trong thơ. Thầy nói: “Được!” Thì lúc bây giờ đó, thì Thầy sẽ xem xét lại coi thử coi cái khả năng của con đúng chưa? Mà đúng thì Thầy sẽ trả lời con là được, thì con sẽ tăng lên mười hơi thở. Tức là tác ý một lần rồi đếm mười hơi thở. Sau khi không còn đếm nữa mà chỉ còn tác ý một lần, hít thở ba mươi phút mà không đếm nữa thì lúc bây giờ là tâm con đã an trú rồi đó. Tập bây giờ có năm hơi thở rồi đếm, rồi mười hơi thở đếm, hai mươi hơi thở đếm. Nhưng mà cuối cùng Thầy thấy được thì Thầy sẽ cho rằng không đếm. Thì lúc bây giờ đó là an trú rồi. Còn chưa an trú là phải đếm con.

Phật tử 4: Dạ, con ngồi là con vẫn đếm được?

Trưởng lão: Được con.

Phật tử 4: Con ở cơ quan thì con nhận thấy rằng là con đang làm trông bể bơi và có cả bãi xe đấy ạ. Thông thường thì con hay ngồi, mắt quan sát nhưng con vẫn chú tâm con thở được đấy ạ?

Trưởng lão: Được con! Vẫn nương hơi thở mà quan sát hết. Chứ không phải là chỉ còn biết hơi thở mà xung quanh không biết thì đó là mình lọt trong Không con. Lọt trong Không. Còn cái này mình ngồi đây hít thở chứ nhưng mà cái bãi xe, hay hoặc là con làm công việc gì đó ở bể bơi, hay gì đó đều là con quan sát được hết. Tỉnh táo hết. Mà chính cái hơi thở đó là giúp cho con tỉnh táo đó, sức tỉnh đó.

Phật tử 5: Con kính bạch Thầy ạ. Chúng con có bình hoa sen lụa xin dâng, kính mong Thầy hoan hỷ cho chúng con.

(02:13:10) Trưởng lão: À, như vậy là mấy con dâng hoa sen là. Tức là bông sen thì mọc dưới bùn mà không hôi tanh mùi bùn, mà con dâng như vậy là quá thanh tịnh, quá tốt rồi. Ráng mà tu tập được như hoa sen con dâng Thầy.

Phật tử 5: Dạ con xin Thầy cho con quy y pháp danh ạ.

Trưởng lão: À, được rồi con. Con sẽ ghi tên tuổi, Thầy sẽ cho cái pháp danh con. Ráng cố gắng. Hễ con là đệ tử, là con của Thầy rồi là phải đứa nào cũng phải giải thoát hết nghe. Chứ mà để cho tâm nó lộn xộn là không được đó. Nhớ kỹ chưa!?

Thiện Thành: Bạch Thầy đã đến mười giờ rồi ạ.

Trưởng lão: Mười giờ rồi hả con? Rồi mấy con ghi đi, rồi Thầy nhận, rồi Thầy sẽ trả lời cho mấy con sau. Rồi rồi. Thôi Thầy chuẩn bị Thầy ra để chờ nó ghi rồi chút sau.

Phật tử 6: Thưa Thầy cho con hỏi một câu. Dạ thưa Thầy, hai chị em con lúc trước khi biết tới đạo Phật là nhờ thầy Chân Quang. Thì sau khi tụi con đi theo thầy Chân Quang một thời gian thì cũng được nơi các thầy, các cô tin cậy và muốn tụi con về phụ ở bên thầy. Để mà, thứ nhất là phụ đưa lên những cái chánh pháp, đưa lên những cái lời giảng của thầy đến với mọi người.

Thì sau khi con biết được Thầy rồi, thì cái việc đó con cảm thấy rằng là con không muốn làm cái điều đó. Nhưng mà do con muốn trả cái ơn thầy Chân Quang đã cho con biết tới đạo Phật. Thì bây giờ con muốn là con muốn xin rút cái lời hứa của con lại thì con phải làm sao?

Trưởng lão: À, con sẽ nói, bây giờ thí dụ như con trình bày là con sẽ đang ở trong cái phương pháp tu tập Chánh Niệm Tĩnh Giác đó, để mình tỉnh thức được mình. Tỉnh thức để mình lo, mình giữ được cái tâm bất động của mình. Cho nên bây giờ không có thời gian, để xin nhờ chị em khác giúp giùm. Riêng con, con xin rút. Con tìm cái cách mà con tu tập thì đúng, con không nói dối đó. Chứ còn con nói: “Bây giờ tôi mắc này kia nọ nữa”, thì coi chừng nói dối. Mà con lấy cái chỗ tu thì con không nói dối. Con hiểu không? Thành ra mình mắc bận tu. Mà khi mà về nương tựa với Thầy là mấy con dùng hết những cái thời gian còn lại để mà tu tập mà. Con hiểu chưa? Con nên từ chối con. Để không mình phổ biến cái pháp nó không đúng con. Ráng cố gắng mấy con!

Trưởng lão: Thôi! Bây giờ Thầy xin chào mấy con.

Thiện Thành: Chúng con xin cảm tạ ơn Thầy ạ.

Trưởng lão: Mấy con ráng tu con. Thầy sẽ nhận những cái hoa của mấy con. Thầy mong mấy con tu tập như hoa sen đó mấy con. Thôi Thầy ra mấy con.

HẾT BĂNG