Skip directly to content

134-PHÁP CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU SĨ (6). TL Thích Thông Lạc

IV-1.2: Ly Bất thiện pháp (tiếp theo).

3, Bằng lòng: Đức bằng lòng tu tập rất khó. Nếu tu được đức tùy thuận, đức nhẫn nhục mà tâm chưa bao giờ bằng lòng thì tâm chẳng được an ổn, yên vui.   

1- Tâm chưa an ổn yên vui thì tâm còn trong ác pháp, trong tâm dục. Muốn tu tập đức bằng lòng thì phải lập hạnh tôn kính, kính trọng mọi người. Xưa, ngài Thường Bất Khinh Bồ Tát lập hạnh kính trọng mọi người, mỗi khi gặp ai dù già hay trẻ, giàu hay nghèo, vua hay quan, ngài cũng đều cúi đầu đảnh lễ như tôn kính Phật. Nhờ tu hạnh tôn kính nên tâm hồn ngài lúc nào cũng thanh thản, an vui, bằng lòng trước mọi cảnh, mọi việc, xa lìa các ác pháp, được giải thoát thành Phật. 

2- Muốn tu tập đức bằng lòng thì phải có chánh kiến. Muốn có chánh kiến thì tâm phải ly dục, ly ác pháp. Nhưng bây giờ tâm các con chưa ly dục, ly bất thiện pháp, còn đang tu tập đức bằng lòng để ly ác pháp thì làm sao đây? Không có chánh kiến thì làm sao phán xét mọi người, mọi việc đúng sai? Không có chánh kiến thì làm sao hiểu người, hiểu mình bằng chánh kiến được?

Do đó, muốn được chánh kiến thì ta phải can đảm, dũng mãnh nhìn nhận tất cả ý tưởng, lời nói, việc làm của người khác là đúng, là tốt, là thiện. Nhờ đó ta thực hiện đức bằng lòng dễ dàng. Dù là người hung ác, ngu khờ, đê hèn nhất trong xã hội, Thường Bất Khinh Bồ Tát vẫn kính trọng như tôn kính Đức Phật. Đó là hạnh bằng lòng để thực hiện sự giải thoát trong tâm của mình.

Khi thực hiện hạnh bằng lòng là các con ly được ác pháp trong và ngoài tâm. Ly được ác pháp trong và ngoài tâm thì mới có chánh kiến. Nên nhớ, chỉ có tâm ly dục ly bất thiện pháp ta mới hiểu được mình và người bằng chánh kiến.

Tóm lại, phải tu tập ba đức (nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng), và ba hạnh (ăn, ngủ, độc cư) để ly dục ly bất thiện pháp. Điều cần thiết và quan trọng nhất là phải triển khai trí tuệ vô sư, ly dục ly bất thiện pháp.

Trong đạo Phật có ba loại trí tuệ: văn tuệ, tư tuệ, tu tuệ.   

+ Văn Tuệ: Trí tuệ hiểu biết bằng cách tích lũy kiến giải, tưởng giải của cổ nhân trong kinh sách, hoặc nghe thuyết giảng, hay học thuộc lòng. Trí tuệ nầy là trí tuệ tránh né, trốn chạy các dục, các ác pháp. Nó còn gọi là sở tri chướng. Càng học tập càng tích lũy nhiều thì kiến chấp, ngã chấp càng thêm sâu dày (bản ngã to lớn). Trí tuệ nầy rất nguy hại cho người tu hành đạo giải thoát của đạo Phật. Xưa ông A Nan vì có trí tuệ nầy mà sự tu hành trở nên chậm chạp. 

+ Tư Tuệ: Trí tuệ suy tư, nghĩ ngợi, tìm tòi, triển khai sự hiểu biết của riêng mình, không vay mượn trong kinh sách. Nó còn gọi là trí thông minh. Tư tuệ là trí tuệ thông minh của mình để phát minh những điều chưa ai làm được để hóa giải những sân hận, tỵ hiềm, nhỏ nhen, ích kỷ, để thực hiện ba đức, ba hạnh cho rốt ráo. Bởi vậy tư tuệ là trí tuệ thông minh rất cần thiết cho sự tu tập ở giai đoạn I tu ly dục ly bất thiện pháp.

Nếu các con không chịu triển khai trí tuệ nầy thì khó mà thực hiện được ba đức, ba hạnh. Nếu không thực hiện được ba đức, ba hạnh thì làm sao ly dục ly ác pháp được? Đó là trí tuệ thông minh, vô sư trí của mọi con người nên phải động não làm việc thì mới triển khai được nó. 

+ Tu Tuệ: Là trí tuệ do tu tập thiền định mà có. Nó còn gọi là Trí Tuệ Vô Sư Tam Minh; gọi tắt là Trí Tuệ Vô Lậu. Đây là trí tuệ siêu đẳng, viên mãn, thành tựu đạo giải thoát của Đức Phật. Nó được khai mở khi nhập Tứ Thiền, nó là một loại thiền định viên mãn đủ để dẫn tâm về Tam Minh cho nên nó được xem là trí tuệ cuối cùng của đạo Phật.

Nó chứng minh rõ ràng sự làm chủ, nó chấm dứt sự khổ đau trong sanh tử luân hồi của chúng ta. Nó không giúp ích gì cho sự tu tập ly dục ly bất thiện pháp. Nó chỉ là một sự minh xác chơn thật kiểm nghiệm lại sự thành tựu tu tập của chúng ta mà thôi. 

Như trên, trong ba thứ trí tuệ Văn, Tư, Tu, chỉ có Tư Tuệ là trí tuệ cần thiết cho ta để tu tập ly dục ly ác pháp ở giai đoạn thiền thứ nhất. Nếu một người chưa ly dục ly bất thiện pháp thì không nhập định được. Nếu không nhập định được thì làm sao khai mở trí tuệ vô sư vô lậu được? Do đó Minh Cảnh hiểu lầm là tu tập thiền định, rồi từ thiền định phát ra trí tuệ vô sư, từ trí tuệ vô sư, vô lậu sẽ diệt sạch bản ngã, không còn lậu hoặc nữa, đó là kiến giải của những nhà học giả chứ không phải của hành giả, của người tu theo Phật giáo. Chỉ có Tư Tuệ là quan trọng và ích lợi cho sự tu tập của chúng ta, còn Văn Tuệ là sở tri chướng, Tu Tuệ chỉ là kết quả của sự tu tập để xác minh sự tu tập đã chứng quả rõ ràng.

Nếu một người tu tập cẩn thận, có ý tứ, thận trọng giữ gìn từng lời nói, hành động; trong việc làm biết sống hòa hợp thương yêu và tha thứ cho nhau, không tỵ hiềm ganh ghét, không tranh đua hơn thiệt, không châm biếm mỉa mai, giữ gìn kỷ luật Tu viện nghiêm túc, không vi phạm lỗi lầm, người đó là người ly dục ly bất thiện pháp.

Sống như vậy là tạo điều kiện hoàn cảnh yên tịnh, thanh nhàn để cùng nhau tu hành. Sống mà nay tạo duyên này, mai tạo cảnh khác khiến cho hoàn cảnh bất an, mất thanh tịnh thì mình tu khó, mà người khác tu cũng khó.

Đến đây Thầy xin chấm dứt bài pháp hôm nay. Các con hãy ghi nhớ và cố gắng tu tập. Có công mài sắt, có ngày nên kim. Sự giải thoát đang chờ các con ở phía trước nếu các con tu tập đúng lời Thầy dạy. Đến đây là Thầy đã giảng giai đoạn tu thiền phần thứ nhất tạm xong. Khi nào các con tu xong thì Thầy sẽ giảng giai đoạn thứ hai, thứ ba như Thầy đã hứa ở trên.

            LY BẤT THIỆN PHÁP (củng cố)  

Bây giờ Thầy trở lại bài giảng Ly Bất Thiện Pháp để bổ túc thêm cho được đầy đủ các pháp hành. Muốn tu tập ly bất thiện pháp thì ta phải dùng ba đức: Nhẫn nhục, Tùy thuận, Bằng lòng. Nghĩa là đứng trước mọi hoàn cảnh, mọi sự vật, mọi đối tượng, các con phải tu tập Pháp Hướng Tâm, còn gọi là Pháp Dẫn Tâm. Pháp hướng tâm như thế nào? Là pháp dẫn tâm vào một lý chân chính giải thoát của đạo. Lý chân chính giải thoát của đạo là chỉ thẳng vào mọi duyên, mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, mọi sự việc đều hiểu biết, để rõ nó là Vô Thường, Khổ, và Không có thực thể Bản Ngã trong đó. Tất cả đều do các duyên hợp lại mà thành, và duyên tan là mất hết không còn có cái gì tồn tại. Khi đã hiểu rõ như vậy và thấy rõ như vậy thì dùng Pháp Hướng Tâm mà nhắc tâm như vầy:

1. "Cái tâm từ đây về sau không được kiến chấp cái tâm là thật, mà phải thấy nó không phải của ta, không phải là ta, không phải bản ngã của ta, nên không còn đau khổ, phiền não trong tâm nữa."

2. "Các duyên tan hợp theo nhân quả, diễn biến luân hồi nên không có thật thể bản ngã, toàn là Vô Thường, Khổ, Vô Ngã." 

3. "Đời sống của con người là duyên tan hợp của nhân quả, cho nên không có bản ngã chân thật, toàn là vô thường và đau khổ. Từ đây cái tâm phải bỏ xuống, không được chấp cái ta nữa, vì chấp cái ta là tạo thêm đau khổ và ác pháp trong tâm."

4. "Ai theo cái duyên nhân quả, tạo ác là phải thọ lấy cái quả khổ, ta không dại gì đem khổ vào thân. Từ nay, cái tâm hãy bỏ xuống đi để được an vui, thanh thản và vô sự." 

Các con hãy cố gắng động não triển khai những trí tuệ nhân quả, duyên tan hợp để thấu rõ lý Vô Thường, Khổ, Vô Ngã của đạo giải thoát thì chừng đó các con mới nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng được. Đây là pháp dẫn tâm, lập đức nhẫn nhục vào tâm ấn của Đức Phật theo duyên tan hợp, diễn biến luân hồi của nhân quả. Khi có một niệm khởi ra trong đầu thì các con mau dẫn tâm vào lý giải thoát để tâm hồn được thanh thản, an lạc và vô sự. Muốn giữ tâm cho được thanh thản, an lạc và vô sự thì:

1, Khi có một niệm tào lao nổi lên các con phải nhắc tâm như thế nầy: "Cái tâm phải thanh thản, không được nghĩ ngợi tào lao, vì nghĩ ngợi tào lao thì tâm bị phân chia ra tan nát khó mà vào thiền định được." 

2, Khi biết tâm mình thường giận hờn, phiền não, đau khổ thì dẫn tâm như thế nầy: "Cái tâm phải thanh thản, không được giận hờn, đau khổ, phiền não nữa, vì đau khổ, phiền não là các pháp ác."

3, Khi có một niệm thương nhớ, lo sợ thì phải dẫn tâm như sau: "Cái tâm thanh thản, không được thương nhớ, lo sợ vì các pháp đều là do duyên tan hợp theo nhân quả nên không có gì là của mình. Vậy hãy bỏ xuống, đừng thương nhớ lo sợ, vì thương nhớ lo sợ là ác pháp, là pháp làm đau khổ trong tâm hồn của ta."

4, Khi tâm không có niệm khởi, đang ở trong trạng thái thanh thản thì hãy dẫn tâm như thế nầy: "Cái tâm phải thanh thản trong trạng thái thanh thản, vì có thanh thản thì tâm mới có nội lực. Tâm có nội lực thì mới nhập thiền định." 

Trên đây là pháp hướng tâm thanh thản để giữ tâm thanh thản. Muốn giữ tâm thanh thản thì phải nương vào hơi thở tùy tức, tùy tức mà không ức chế tâm mới gọi là Định Niệm Hơi Thở, thỉnh thoảng lại nhắc tâm thanh thản một lần. Đó là giữ tâm thanh thản trong hơi thở. Lúc nào, ngày nào, giờ nào, hễ có rảnh là dẫn tâm vào thanh thản. Đó là tu pháp Hỷ Lạc dẫn tâm vào trong trạng thái thanh thản, dẫn tâm vào trạng thái thanh thản là dẫn tâm nhập Sơ Thiền, dẫn tâm nhập Sơ Thiền là để lập đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng, lập đức nhẫn nhục, tùy thuận bằng lòng là để ly dục ly ác pháp.

Tâm có thanh thản thì tâm mới có bình tĩnh, sáng suốt. Tâm có bình tĩnh sáng suốt thì tâm mới có nhẫn nhục. Tâm nhẫn nhục thì tâm mới tùy thuận. Tâm có tùy thuận thì tâm mới bằng lòng. Tâm có bằng lòng thì tâm mới xả được. Tâm có xả được thì tâm mới ly dục ly ác pháp. Tâm có ly dục ly ác pháp thì tâm mới có an vui, hạnh phúc. Tâm có an vui hạnh phúc là tâm nhập Sơ Thiền. Tâm nhập Sơ Thiền là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ.

Tu trong ba nghiệp: Bây giờ Thầy dạy các con tu tập pháp ý tứ, ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.  

Đức Nhẫn Nhục

1- Bắt đầu các con nên tu tập ý tứ ý hành niệm. Khi tâm khởi lên một niệm, các con phải quan sát niệm đó, phân tích tìm ra nguyên nhân và mục đích của nó đến với các con nó có sự việc gì. Khi thấu rõ đó là pháp ác thì nó liền tan biến. Đây gọi là tu tập ý tứ ý hành niệm ly ác pháp, lập đức nhẫn nhục.

2- Khi các con muốn nói ra một lời nào đó, các con phải khởi ra một ý niệm trước. Khi ý niệm khởi xong, các con quan sát ý niệm đó tìm nguyên nhân, mục đích của nó. Khi thấu rõ ý niệm đó các con mới nói ra lời. Đây là tu tập ý tứ khẩu hành niệm để ly bất thiện pháp lập đức nhẫn nhục.  

3- Khi tâm các con muốn làm một điều gì các con phải khởi ra ý niệm của việc làm đó, rồi cũng tìm ra nguyên nhân, mục đích của nó. Khi đã tìm xong, biết nó là thiện pháp thì thân mới bắt đầu hành động. Đó là tu tập ý tứ thân hành niệm để ly các ác pháp, để lập đức nhẫn nhục.

4- Khi thân làm việc gì, phải ý tứ cẩn thận, kỹ lưỡng trong việc làm đó, không làm bừa bãi, không làm dối trá. Đây là tu tập cẩn thận ý tứ kỹ lưỡng thân hành niệm để ly bất thiện pháp, thực hiện đức nhẫn nhục.

5- Khi tu tập ý tứ ý hành niệm, khẩu hành niệm, và thân hành niệm thì dùng tư tuệ quán sát ý niệm, lời nói, việc làm, biết rõ đúng sai, thiện ác, có lỗi, không lỗi, phạm giới, không phạm giới, diệt hay nuôi ngã, xả tâm hay dính mắc, v.v... đây là tu tập triển khai tư tuệ trong ý hành niệm, khẩu hành niệm, thân hành niệm để ly dục ly ác pháp, để tu luyện đức nhẫn nhục.

Tóm lại, đức nhẫn nhục giúp cho mọi các con trở thành người hiền hòa, bình tĩnh và sáng suốt, ôn tồn, nhã nhặn và từ ái. Nó giúp cho con người từ phàm phu trở thành Thánh nhân.

Đức nhẫn nhục giúp các con xa lìa các ác pháp trong và ngoài tâm, diệt sạch bản ngã, tiêu trừ tánh hung ác, nham hiểm, tỵ hiềm, ganh ghét. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho các con niềm an vui, an lạc hạnh phúc đời đời không còn biết sợ hãi, oán thù ai cả. Đức nhẫn nhục còn mang đến cho các con những lời nói hiền hòa, những hành động nhẹ nhàng, êm ái; những ánh mắt dịu hiền, đầy lòng thương yêu đối với mọi người.

Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì chuyện lớn thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ mất tiêu và thường mang đến nguồn an vui ở đó. Đức nhẫn nhục đi đến đâu thì an lạc đi đến đó cho mọi người. 

Đức Tùy Thuận  

Đức tùy thuận là một phương tiện ly bất thiện pháp, xả ngã rốt ráo. Nếu một người còn chấp một chút ác ngã cũng không tu tập đức tùy thuận đúng cách được. Ở đời, ai cũng muốn làm thầy thiên hạ, chỉ huy thiên hạ, luôn luôn thấy mình hay, giỏi hơn thiên hạ, ít ai tùy thuận ai được.

Bởi tùy thuận là một đức hạnh cao quý để xây dựng, rèn luyện con người trở thành người khiêm hạ, luôn luôn biết làm cho người khác vui lòng. Nó cũng xây dựng, rèn luyện cho con người thành người ý tứ trong công việc làm, không để cho thất bại. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người thành người biết tôn trọng ý kiến người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người trở thành người học hỏi cái hay và biết cái dở của người khác. Nó cũng xây dựng, rèn luyện con người trở thành người sáng suốt và bình tĩnh trước mọi ý kiến của người khác.

Điều quan trọng nhất trong sự tu tập đức tùy thuận là xây dựng rèn luyện con người thành người đầy đủ nghị lực, gan dạ, chấp nhận mọi ý kiến người khác để trở thành người nhỏ nhất mà cũng là người lớn nhất.

Vậy đức tùy thuận là gì?

Tùy là dựa theo, làm theo. Thuận là hòa thuận, không chống trái nhau. Tùy thuận là dựa theo, làm hòa hợp ý kiến việc làm của người khác mà không chống trái nhau. Ở đời, vì thiếu đức tùy thuận lẫn nhau, ai cũng cố chấp ngã, chấp kiến nên mới sanh ra biết bao sự chống trái lẫn nhau, tạo nên cảnh nghịch ý trái lòng. Do đó gây ra biết bao ác pháp, khiến cho mình khổ, người khổ.

Vì thế, chúng ta là tu sĩ của đạo Phật phải cố gắng tu tập và rèn luyện đức tùy thuận. Muốn tu tập và rèn luyện đức tùy thuận để ly ác pháp và diệt bản ngã ác thì các con phải luôn luôn thực hiện:

1. Luôn luôn làm theo ý kiến người khác, bất cứ người nào, dù ở giới nào, giai cấp nào, già hay trẻ, bé hay lớn, nam hay nữ, sang hay hèn, hay vua quan trong xã hội. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã ác.

2. Không làm theo ý kiến của mình, dù ý kiến đó có đúng một trăm phần trăm. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã ác.

3. Làm theo ý muốn của thiện tri thức mà không làm theo ý muốn mọi người, đó không phải là tùy thuận, ly ác pháp. Đó là tu tâm sợ hãi (làm theo lệnh chỉ huy). Làm theo ý muốn của thiện tri thức, và cũng làm theo ý muốn mọi người mới là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã.

4. Trước khi muốn làm một việc gì thì phải hỏi ý kiến của thiện hữu tri thức và của mọi người. Nếu tùy tiện làm theo ý của mình là hành động theo bản ngã, nuôi dưỡng bản ngã và các ác pháp. Như thế thì không thể nào tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, xả ngã ác.  

5. Khi thưa hỏi xong, phải làm đúng theo ý kiến mọi người. Đó là tu tập đức tùy thuận, ly ác pháp, diệt ngã ác.

6. Khi thi hành có sơ sót, bị la rầy, liền tức khắc chuyển sự tu tập thùy thuận sang tu tập nhẫn nhục để ly ác pháp. Có như vậy mới gọi là tu tập đức tùy thuận trong đức nhẫn nhục.

7. Luôn luôn phải tôn kính ý kiến của mọi người, vì có tôn kính ý kiến của người khác ta mới tùy thuận được ý kiến người khác mà không làm theo ý kiến của mình. Đó là ly dục, ly bất thiện pháp.  

8. Luôn luôn phải hạ mình kính trọng mọi người, vì có kính trọng mọi người thì mới có tùy thuận được người.

9. Muốn ly ác pháp và diệt ngã thì phải tu tập nhận thấy mình là nhỏ nhất, kém nhất.

10. Muốn trở thành bậc Thánh hiền thì phải tu tập thấy mình nhỏ nhất, kém nhất.

Tùy thuận, nhưng không bị lôi cuốn vào ác pháp, các con nên lưu ý, có nhiều khi chúng ta tùy thuận mà thiếu trí phán xét những ý kiến ác của kẻ khác để biến chúng ta thành tòng phạm. Khi tu hạnh đức tùy thuận, đối với ác pháp ta nên tránh né và tránh xa những kẻ ác, ý kiến ác, thì tùy thuận mà không bị lôi cuốn.