Skip directly to content

139-ĐỆ NHẤT PHÁP KHÔNG PHÓNG DẬT. TL Thích Thông Lạc

GIỚI LUẬT LÀ VỊ THẦY ĐƯỢC ĐỨC PHẬT DI CHÚC.

                                                                                                                                       Viên Minh hỏi đạo

 

Hỏi: Kính thưa Thầy, Hòa Thượng chủ trương Thiền tông, Thầy chủ trương Thiền giới, định, tuệ, con đường Thầy đi là con đường ngày xưa đức Phật đã đi. Thưa Thầy, người kế vị đức Bổn Sư đầu tiên là vị tổ nào? Rồi đến thầy tổ thứ mấy? Thỉnh Thầy dạy cho con rõ?

Đáp: Tất cả đệ tử của đức Phật toàn là đạt được đạo theo khả năng chuyên môn của mình.

Ví dụ: Ngài Đại Ca Diếp chuyên về hạnh đầu đà (đệ nhất đầu đà)
            Ngài Mục Kiền Liên chuyên nhất về thiền định (đệ nhất thần thông).
            Ngài Ưu Ba Li chuyên nhất về giới luật (đệ nhất giới luật).
            Ngài Xá Lợi Phất chuyên nhất trí tuệ (đệ nhất trí tuệ).

Vì thế, đệ tử của đức Phật không có người nào toàn diện đầy đủ oai lực, thần lực, tuệ lực, v.v.. nên không đủ khả năng thừa kế Phật để nắm giềng mối đạo Phật.

Cho nên, đức Phật di chúc lại người có đủ oai thần, oai lực thừa kế Phật làm Thầy trời, người và các vị tỳ kheo sau này là: “GIỚI LUẬT”. Giới luật là vị tổ đầu tiên và cũng là vị tổ cuối cùng. Ai theo đạo Phật là phải theo sự hướng dẫn của vị tổ này, làm sai lời dạy của vị tổ này, kẻ đó không phải đệ tử của Phật.

Thầy tu theo đạo Phật là do vị tổ này hướng dẫn, con tu theo đạo Phật cũng do vị tổ này hướng dẫn, như vậy Thầy không phải là người thừa kế để làm tổ thứ mấy của đạo Phật.

Từ khi đức Phật thị tịch đến giờ chúng ta đều là học trò của vị tổ này và mai sau tất cả những người tu theo đạo Phật đều lấy vị tổ này làm Thầy. Nếu Thầy không lầm trong một bài kinh nào đó Thầy đã được đọc, chính vị tổ này cũng là Thầy của đức Phật.

Như vậy Phật và chúng ta đều nương theo vị Thầy này mà tu tập đến giải thoát. Còn 33 vị tổ sư Thiền Đông Độ là một sự truyền thuyết huyền thoại của người sau bịa đặt ra, may mà kinh sách Phật còn ghi chép lại rõ ràng lời di chúc. Nếu không thì bây giờ chúng ta phải tin mà thôi.

Giả dụ nếu có sự truyền thừa từ đức Phật đến các tổ sau này chắc chắn thì con đường của đạo Phật đã mất gốc từ lâu. Không có sự truyền thừa mà các tổ còn bịa ra được, còn thay đổi giáo lý của Phật, huống là có sự truyền thừa thì sự thay đổi ấy phải gấp trăm ngàn lần hơn, thì Phật giáo hiện giờ trở thành ma giáo.

PHÁP MÔN NHƯ LÝ TÁC Ý

Lời Phật dạy: “Này các thầy tỳ-kheo, do không Như lý Tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.

“Này các thầy tỳ-kheo, do Như lý Tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ.”

Chú giải:

Đệ nhất pháp diệt lậu là pháp môn Như lý Tác ý. Người ở đời do không biết pháp môn như lý tác ý này nên khổ đau phiền não dẫy đầy. Người tu hành theo Phật giáo nhờ pháp như lý tác ý mà tâm được an vui, thanh thản và vô sự, sống một đời sống tràn đầy hạnh phúc, không một ác pháp nào tác động được vào tâm.

Lời dạy thứ nhất đức Phật nói: “Này các tỳ-kheo, do không như lý tác ý, các sự đau khổ chưa sanh được sanh khởi và các sự đau khổ đã sanh được tăng trưởng”. Đúng vậy, nếu các bạn hằng ngày không theo pháp như lý tác ý ly tham, đoạn ác pháp thì chắc chắn các bạn sẽ không tránh khỏi sự khổ đau. Ngược lại, nếu các bạn hằng ngày theo pháp như lý tác ý ly tham, đoạn ác pháp, thì chắc chắn các bạn sẽ vượt ra khỏi mọi sự khổ đau. Đó là sự giải thoát của Phật giáo. Từ nơi đó các bạn chứng quả A-la-hán. Các bạn có tin điều này không?

Các bạn cứ thực hiện ngay liền sẽ thấy kết quả một cách cụ thể thực tế. Phật pháp không dối người. Pháp môn như lý tác ý lợi ích như vậy, xin các bạn hãy siêng năng tập luyện. Sự an vui, hạnh phúc trong tầm tay các bạn, quả A-la-hán không xa đâu các bạn ạ! Nếu các bạn xem thường nó thì cuộc sống của các bạn chắc chắn khổ nhiều, vui ít. Những lời dạy ngắn gọn nhưng kết quả giải thoát không lường được, một giá trị pháp môn tu hành cao nhất trong Phật giáo là diệt lậu hoặc hoàn toàn.

Cách đây 25 năm chúng tôi tu theo pháp môn tri vọng của Thiền Đông Độ, lạc vào định tưởng, tưởng chừng như mình muốn điên. Nhờ pháp môn như lý tác ý này mà chúng tôi xả được 18 loại hỷ tưởng, ổn định được thần kinh. Cuối cùng nhờ nó mà chúng tôi làm chủ được bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết.

ĐỆ NHẤT PHÁP CỦA PHẬT LÀ PHÁP KHÔNG PHÓNG DẬT

Lời Phật dạy: “Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, pháp không phóng dật là đệ nhất. Muốn tu pháp không phóng dật thì phải tu Tứ Ý Đoạn”.

Chú giải:

Tứ Ý Đoạn tức là Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện. Trong cuộc đời tu hành theo Phật thì lúc nào, giờ nào phải thường cảnh giác ngăn và diệt các ác pháp, không cho chúng tác động vào thân, tâm. Khiến cho thân tâm lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ thế mà tâm không bị phóng dật, nên đức Phật dạy: “Đệ nhất pháp tâm không phóng dật là Tứ Ý Đoạn”. Nhưng tâm không phóng dật là thành tựu đạo giải thoát, tức là viên mãn con đường tu tập. Trước khi vào Niết Bàn, Ngài di chúc lại: “Ta thành Chánh Giác là nhờ tâm không phóng dật”.

Trong ba mươi bảy phẩm trợ đạo mà pháp môn Tứ Chánh Cần là pháp môn đệ nhất ngăn ác diệt ác pháp khiến cho thân tâm bất động. Nhờ đó mà tiến tới các pháp cao hơn, sâu hơn. Tứ Chánh Cần là nền tảng đạo đức vững chắc nhất của Phật giáo. Cho nên muốn tu tập Tứ Chánh Cần thì đức Phật đã trang bị cho chúng ta bốn loại định:

            1. Định Sáng Suốt.
            2. Định Vô Lậu
            3. Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
            4. Định Niệm Hơi Thở

Trong Định Niệm Hơi Thở có 18 đề mục tu tập (xin đọc lại Định Niệm Hơi Thở). Định Niệm Hơi Thở là một pháp môn rất quan trọng. Nó được xem như là một chiếc “chổi thần” dùng để quét tất cả các chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm của Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ mà được viên mãn đều phải nhờ đến cây chổi thần này. Định Niệm Hơi Thở được ví như những loại vũ khí tối tân và hiện đại nhất để chiến đấu trong chiến trận sanh tử. Người tu sĩ Phật giáo tu tập Định Niệm Hơi Thở cũng giống như một binh sĩ được huấn luyện trong trường võ bị.

Sự quan trọng của Định Niệm Hơi Thở như vậy, nên khi tu tập theo Phật giáo phải tu tập rất kỹ lưỡng về Định Niệm Hơi Thở để cho nó có đủ năng lực đẩy lùi các chướng ngại pháp trên thân và tâm. Ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm trong thất chuyên quét tâm, cuối cùng chứng quả A-la-hán. Ông A Nan đi kinh hành quét tâm suốt đêm chứng quả A-la-hán. Tóm lại quét tâm có phương pháp để tâm bất động. Tâm bất động là tâm không phóng dật. Tâm không phóng dật là đạt được giải thoát.

BÍ QUYẾT GIẢI THOÁT

Lời Phật dạy:

           “Bí quyết thành tựu của đạo Phật chỉ có hai điều kiện quan trọng nhất:
            1- Giữ tâm không phóng dật.
            2- Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”.

Chú giải:

Con đường tu tập giải thoát của Phật giáo, không phải cần nhiều pháp môn, chỉ có hai pháp quan trọng nhất cho con đường tu tập này. Đó là “Giữ tâm không phóng dật và Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”. Vậy, “Giữ tâm không phóng dật và Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình” như thế nào?

1- “Giữ tâm không phóng dật”. Các bạn đều biết những pháp môn tu tập này chứ? Đó là Tứ Chánh Cần, Tứ Niệm Xứ, Thân Hành Niệm. Nhờ các pháp này tu tập tâm lần lượt sẽ không phóng dật. Vậy các bạn hãy cố gắng tu tập đừng biếng trễ.

2- “Thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình”. Chắc các bạn đều biết những pháp môn tu tập này chứ? Đó là pháp môn phòng hộ sáu căn, pháp môn như lý tác ý.

Khi tu tập, các bạn phải thiện xảo khéo léo áp dụng đúng thời, đúng lúc thì rất hữu hiệu, đạt kết quả rất cao. Người nào tu tập thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình là con đường tu tập sắp đến đích, còn ngược lại không thích sống nhàn tịch, độc cư, trầm lặng một mình, thích nói chuyện, thích tập họp thì con đường tu tập sẽ còn xa lắm, biệt mù.

Biết rõ những điều này các bạn cần lưu ý hai pháp trên đây. Vì thương xót chúng ta mà đức Phật mới nhắc nhở. Vậy chúng tôi mong các bạn cố gắng tu tập nhiều hơn nữa, để chứng minh cho các nhà Đại Thừa biết rằng chúng ta tu theo pháp thiền định của Nguyên Thủy mà kết quả rõ ràng và cụ thể.

HẠNH ĐỘC CƯ

Lời Phật dạy: “Thế Tôn nhìn chúng tỳ-kheo đang yên lặng, hết sức yên lặng, rồi hỏi các tỳ-kheo: “Ta được thỏa mãn, này các tỳ-kheo, với đạo lộ này tâm Ta được thỏa mãn, này các tỳ-kheo, với đạo lộ này hãy tinh tấn hơn nữa, để chứng đạt những gì chưa chứng đạt, để chứng đắc những gì chưa chứng đắc, để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ.

Hội chúng này không có lời thừa thãi, không có lời thừa dư đã được an trú trong lõi cây thanh tịnh. Một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”.

Chú giải:

Nhìn một số chúng đông đảo theo Phật tu hành, giữ hạnh độc cư trọn vẹn, không tụ tập nói chuyện, ai nấy cũng lo giữ gìn phòng hộ sáu căn để ly dục ly ác pháp. Nhìn thấy thế, đức Phật buột miệng ngợi khen: “Một hội chúng đáng được cung kính, đáng được tôn trọng, đáng được cúng dường, đáng được chắp tay, là phước điền vô thượng ở đời”. Nhìn lại chúng tu hành trong tu viện Chơn Như như thế nào? Chắc các bạn đều biết rất rõ.

Thưa các bạn! Tất cả tu sĩ và cư sĩ được về Chơn Như tu tập đều đến từ các chùa Đại Thừa, Thiền Tông, Tịnh Độ Tông, Khất Sĩ, Mật Tông và Nam Tông. Các tu sĩ và những cư sĩ này vốn đã quen với nếp sống tại các chùa, Tịnh xá, niệm Phật đường của họ; họ thích hội họp nói chuyện, thích ăn ngủ phi thời, thích tu ức chế tâm. Đến đây tuy có tu tập, nhưng tu tập theo kiểu của họ, phá giới luật Phật và vi phạm nội quy của tu viện Chơn Như. Chúng tôi khuyên dạy hết lời họ vẫn không nghe, chứng nào tật nấy: ăn ngủ phi thời, nhất là nói chuyện, phá hạnh độc cư...

Đem so sánh hai chúng, chúng của tu viện Chơn Như và chúng trong thời đức Phật, thì chúng trong tu viện Chơn Như chỉ là những người quá vô minh, đã vào tu viện mà không chịu bỏ ngũ dục lạc thế gian thì tu tập có ích lợi gì. Vì thế chúng tôi biết rằng chúng tu tập tại tu viện Chơn Như chỉ là những tu sĩ và cư sĩ tham ăn, tham ngủ, tham nói chuyện. Vì thế họ tu ăn, tu ngủ, tu nói chuyện, v.v... mà thôi.

Sánh với các tu sĩ và cư sĩ trong thời đức Phật, thì các bạn phải tự rất xấu hổ các bạn chưa thật xứng đáng là những tu sĩ, cư sĩ của Phật giáo. Thích hội họp, thích nói chuyện là ngoại đạo của Bà La Môn.

              Con đường tu tập theo Phật giáo còn rất xa. Phải trải qua ba giai đoạn:
              Giai đoạn thứ nhất: “Để chứng đạt những gì chưa chứng đạt. (Ly dục ly ác pháp).
              Giai đoạn thứ hai: “Để chứng đắc những gì chưa chứng đắc. (Nhập Bốn Thiền).
              Giai đoạn thứ ba: “Để chứng ngộ những gì chưa chứng ngộ. (Thông suốt Tam Minh) .

Thời nay, người tu sĩ và người cư sĩ Phật giáo chỉ tu danh, tu lợi, tu tiền, tu bạc, tu chùa to, Phật lớn… Chúng tôi chỉ mong sao tu viện Chơn Như sẽ có những người tu thật để xác định Phật giáo là ly dục ly ác pháp, chứ không phải tu ức chế tâm hết vọng tưởng như Đại Thừa, Thiền Tông, v.v...

Thưa các bậc tôn túc Hoà Thượng, Thượng Toạ, Đại đức Tăng, Ni! Sự tu tập của tu sĩ Phật giáo hiện giờ phá giới phạm giới quá lộ liễu khiến cho người cư sĩ mất hết lòng tin và họ đã cho ra đời những tác phẩm nói lên những tệ nạn rác bẩn trong Phật giáo, trong đó có một bộ sách lấy tên là “Giặc thầy chùa” ghi lại những điều dục lạc của các quí Sư, Thầy trong các hệ phái Phật giáo, thật là trơ trẽn, nhưng các Sư Thầy không biết xấu hổ. Khi được nghe và thấy như vậy không ai mà không đau lòng cho đạo Phật ngày nay. Kính mong Giáo hội Phật giáo quan tâm lưu ý để chỉnh đốn lại sự tu học của tu sĩ Phật giáo cho được tốt đẹp hơn. Nhất là giới luật phải chỉnh đốn lại ngay bây giờ.

TÂM KHÔNG PHÓNG DẬT

Lời Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, phàm có những thiện pháp nào, tất cả những pháp ấy lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp ấy.” 

Chú giải:

Một lần nữa đức Phật nói về tâm không phóng dật. Xin các bạn lưu ý: Muốn tâm không phóng dật thì các bạn phải phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý. Vậy pháp phòng hộ sáu căn là pháp nào?

            1. Thứ nhất là pháp Độc Cư;
            2. Thứ hai là pháp Tứ Chánh Cần
            3. Thứ ba là pháp Tứ Niệm Xứ;
            4. Thứ tư là pháp Thân Hành Niệm

Biết rõ tâm không phóng dật là pháp tối thượng trong các pháp thiện. Vậy thì muốn ly dục ly ác pháp thì chúng ta phải bằng mọi cách giữ gìn tâm không phóng dật. Phải không các bạn? Bằng mọi cách phải giữ tâm không phóng dật tức là phải biết lấy pháp làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc cho ta thì tâm sẽ không phóng dật. Cho nên đức Phật thường nhắc nhở chúng ta: “Hãy lấy giới luật và giáo pháp Ta làm Thầy, làm hòn đảo, làm chỗ nương tựa vững chắc…”.

Chính vì chỗ tâm không phóng dật là thiện pháp tối thượng, là sự chuyển hóa nhân quả, là đạo đức không làm khổ mình khổ người, là mục đích tâm bất động của Phật giáo, là Niết Bàn tại thế gian, là tâm thanh thản an lạc và vô sự, là bất động tâm định, là ly dục ly ác pháp...

Cho nên, người tu hành theo đạo Phật thì phải lấy tâm không phóng dật làm pháp môn tối thượng. Vậy, trên bước đường tu theo Phật giáo thì chúng ta phải khắc ghi trong lòng lời dạy này: “lấy không phóng dật làm căn bản, lấy không phóng dật làm chỗ quy tụ, không phóng dật là tối thượng trong các pháp thiện ấy”.

PHÁP VI DIỆU

Lời Phật dạy: “Này các tỳ-kheo, rồi Ta suy nghĩ như sau: “Pháp này do Ta chứng được, thật là sâu kín, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận, vi diệu, chỉ người có trí mới hiểu thấu còn quần chúng này thì ưa ái dục, khoái dục, ham thích ái dục, khó mà thấy được định lý, sự kiện này thật khó thấy. Tức là sự tịnh chỉ tất cả các hành, sự trừ bỏ tất cả sanh y, ái diệt, ly tham đoạn diệt, Niết Bàn.” 

Chú giải:

Những lời dạy trên đây, đức Phật đã xác định một cách quả quyết rằng pháp môn của mình đã tìm ra và đã tu chứng là “sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận và vi diệu”. Nếu ai đã tu tập đúng những pháp môn “Giới, Định, Tuệ” thì lời ca ngợi này là một sự thật, không có một chút gì dối người.

Khi tu tập xong, chúng tôi mới hiểu rõ lời dạy của Phật là “sâu kín, mầu nhiệm, khó thấy, khó  chứng, tịch tịnh, cao thượng, siêu lý luận và vi diệu”. Cho nên từ xưa đến nay các nhà học giả tu hành chưa tới nơi tới chốn, lại đem kinh sách Phật ra giảng thuyết làm sai lệch nghĩa lý của Phật pháp.

Hiểu sai, làm lệch ý Phật mà còn kết tập thành kinh sách thì kinh sách ấy là một mớ kiến giải chữ nghĩa, chứ tu hành làm sao đạt được cái gì? Pháp của Phật đâu phải để cho người tâm còn dục mà tu tập. Vì tâm còn dục bạn không thể nào tu theo Phật giáo được. Cho nên đức Phật nói: “quần chúng này thì ưa ái dục, khoái dục, ham thích ái dục, khó mà thấy được định lý, sự kiện này thật khó thấy.”

Thưa bạn! Khi muốn tu theo Phật giáo thì bạn có hiểu biết bạn không? Bởi vì bạn mang tâm dục đến với đạo Phật, thì bạn chỉ uổng công mà thôi. Nếu bạn xa lìa tâm dục thì sẽ không ưa ái dục, không khoái ái dục, không ham thích ái dục thì bạn mới thấy rõ định lý của Phật giáo rất là mầu nhiệm và sâu kín.

LẠC LÀ NIẾT BÀN

Lời Phật dạy: “Này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn; này các Hiền giả, lạc là Niết Bàn. Khi nghe nói vậy, Tôn giả Udàyi nói với Tôn giả Sàriputta, sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ? Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ. Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này. Thế nào là năm?

Các sắc do mắt nhận thức, khả lạc, khả hỷ, khả ý, khả ái liên hệ đến dục, hấp dẫn. Các tiếng do tai nhận thức… Các hương do mũi nhận thức… Các vị… Các xúc… hấp dẫn.

Này Hiền giả, có năm dục trưởng dưỡng này khởi lên lạc hỷ, này Hiền giả, đây gọi là dục lạc. Ở đây, này Hiền giả, tỳ-kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi tỳ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị tỳ-kheo ấy là một chứng bệnh... Ví như, này chư Hiền, với một người sung sướng, khổ đau có thể khởi lên như một chứng bệnh. Cũng vậy với tỳ-kheo ấy, các tưởng tác ý, câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy, đối với tỳ-kheo ấy là một chứng bệnh. Này chư Hiền, chứng bệnh được Thế Tôn gọi là khổ. Với pháp môn này, này chư Hiền, cần phải hiểu Niết Bàn là lạc”.

(Tăng Chi Bộ Kinh Tập IV trang 163). 

Chú giải:

Đọc đoạn kinh trên đây chúng ta cần phải hiểu cho rõ ràng, trong khi tu tập gặp những trạng thái hỷ lạc thì chúng ta cứ ôm chặt pháp mà tu, chứ đang tu tập mà lại khởi niệm: “Ta tu tập có hỷ lạc” thì đó là một chứng bệnh mà ngài Xá Lợi Phất (Sàriputta) đã xác định cho chúng ta thấy: “Ở đây, này Hiền giả, tỳ-kheo ly dục ly ác, bất thiện pháp… chứng đạt an trú Sơ Thiền. Này Hiền giả, nếu trong khi tỳ-kheo ấy trú với an trú này, các tưởng tác ý câu hữu với dục vẫn hiện hành; như vậy đối với vị tỳ-kheo ấy là một chứng bệnh...”

Ở đây chúng tôi khuyên các bạn cứ ôm pháp mà tu tập cho chính xác, đừng tu tập sai theo kiến giải, đừng để tâm chạy theo lạc thọ, khổ thọ, bất lạc bất khổ thọ. Vì chạy theo các trạng thái cảm thọ ấy là các bạn đã rơi vào các chứng bệnh thiền tưởng.

Niết Bàn là một trạng thái lạc nhưng Tôn giả Udàyi không hiểu nên hỏi: “Sao đây là lạc, khi ở đây không có cái gì được cảm thọ? Nếu còn có cảm thọ thì sự cảm thọ đó là dục lạc chứ không phải lạc của Niết Bàn.

Ngài Sàriputta xác định rất rõ ràng: “Dục lạc có năm: Sắc, thinh, hương, vị, xúc”. Còn lạc của Niết Bàn, Ngài nói: “Này Hiền giả, cái này ở đây là lạc, dù rằng lạc ấy ở đây không được cảm thọ”. Bởi thế khi tu hành có các cảm thọ, thọ lạc hay thọ khổ, chúng ta đừng nên lưu ý đến nó. Biết thì biết, nhưng phải ôm cho chặt pháp, đừng vì thọ khổ mà bỏ pháp, cũng đừng vì thọ lạc mà cho là mình chứng Đạo. Tất cả những trạng thái này là bệnh

Các bạn nên lưu ý: trạng thái Niết Bàn có “lạc” nhưng không có “cảm thọ”, còn có cảm thọ bất cứ một trạng thái nào đều là bệnh thiền.