091-DẪN TÂM VÀO ĐẠO,... PHÁP HƯỚNG TÂM. TL Thích Thông Lạc
Đừng dẫn đạo vào tâm như thế nào?
Dẫn đạo vào tâm là nghe nhiều, đọc nhiều kinh sách mà không có thực hành, hoặc có thực hành cũng chỉ là thực hành bằng hình thức lấy lệ. Càng học nhiều, càng nghe nhiều, bản ngã càng to lớn thì tâm tham danh thích lợi càng nhiều nên làm đứt mất đường lối tu tập giải thoát của họ, cho nên suốt đời họ chẳng có sự giải thoát mà chỉ có sự đam mê. Bởi vậy Thầy dạy: “Đừng dẫn đạo vào tâm” là vậy.
Cô Diệu Quang dạy không chịu giải thích cho các con mà phải tự các con tìm cách diệt ngã xả tâm ham muốn của mình. Và cũng từ đó họ tự triển khai trí tuệ thông minh vô sư của tư tuệ. Phần nhiều đời nay người ta “Dẫn đạo vào tâm” chứ ít ai biết cách “Dẫn tâm vào đạo”.
Trong kinh Nguyên thủy Phật dạy “Như lý tác ý”, đó là “dẫn tâm vào đạo”. Trong kinh Tiểu Thừa Phật dạy “Pháp hướng tâm” tức là “Pháp dẫn tâm”. Xưa đức Phật còn tại thế không có cho ghi chép kinh sách chỉ vì sợ các đệ tử của mình “Dẫn đạo vào tâm” nên đức Phật chỉ nói để cho tu tập mà không cho ghi chép lại. Đến sau này kết tập mới có kinh sách. Nhưng cũng từ khi có kinh sách thì người ta tu khó chứng đạo. Chỉ vì họ đã dẫn đạo vào tâm quá nhiều rồi phát triển những kiến giải, tưởng giải, viết rất nhiều kinh sách làm lệch lạc con đường tu của đạo Phật.
Đạo Phật bây giờ là đạo Phật triết lý, đạo Phật mê tín, đạo Phật khoa học, đạo Phật siêu việt, không có một tôn giáo nào hơn được đạo Phật. Theo Thầy thiết nghĩ đạo Phật không có triết lý, không có mê tín, không có khoa học, không có siêu việt.
Đạo Phật chỉ thuần là đạo của con người như bao nhiêu con người khác trong thế gian này. Nhưng người đó phải biết sống một đời sống an vui, sống không làm khổ mình khổ người, sống thanh thản trước mọi diễn biến của nhân quả và luôn luôn lúc nào cũng làm chủ được nhân quả. Khi nghe đến đây, các con hãy cố gắng tu tập khắc phục tâm mình cho được, chừng nào khắc phục được Thầy sẽ giảng tiếp những giai đoạn sau này.
“Này các thầy tỳ-kheo! Do không như lý tác ý các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.
“Này các thầy tỳ-kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ”.
Chú giải:
Người phàm phu tục tử và những người tu hành theo pháp môn của Đại Thừa, do không biết pháp Như Lý Tác Ý nên hằng ngày sống trong các lậu hoặc mà không biết lậu hoặc, vì thế lậu hoặc chưa sinh lại sinh khởi, lậu hoặc đã sinh lại tăng trưởng, do đó cuộc sống khổ đau lại càng khổ đau hơn. Cho nên đoạn kinh này dạy: “Này các thầy tỳ-kheo! Do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh được sanh khởi và các lậu hoặc đã sanh được tăng trưởng”.
Đời người sinh ra không gặp chánh pháp của Phật, nên phải chịu nhiều sự khổ đau của kiếp làm người trong qui luật nhân quả. Ngược lại, được sinh làm người, được gặp chánh pháp của Phật, thì người ấy là người có diễm phúc nhất trần gian, vì gặp được chánh pháp nên được nghe lời dạy này: “Này các thầy tỳ-kheo! Do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sanh không sanh khởi, các lậu hoặc đã sanh được đoạn trừ”.
Nói đến lậu hoặc là nói đến sự đau khổ của con người; nhưng muốn cho kiếp làm người không còn khổ đau để được sống yên vui, thanh thản, an lạc và vô sự thì nên y theo lời Đức Phật nhắc nhở các vị tỳ-kheo phải luôn luôn tu tập pháp hướng tâm “Như lý tác ý”. Nếu không dùng pháp hướng tâm như lý tác ý thì sự đau khổ sẽ đến với quý vị và sẽ làm cho quý vị khổ đau hơn nhiều. Nếu quý vị biết dùng pháp “như lý tác ý” hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì sự khổ đau sẽ không đến với quý vị và sẽ chấm dứt vĩnh viễn.
Qua đoạn kinh ngắn gọn như trên Đức Phật đã xác định pháp “Như Lý Tác Ý” rất là nhiệm mầu, nó giúp cho chúng ta thoát mọi sự khổ đau trong kiếp sống làm người, làm chủ được nhân quả và cả sự tái sanh luân hồi. Như thế pháp “Như Lý Tác Y” có một công năng rất lớn trên đường tu tập theo Đạo Phật để đạt được kết quả như ý muốn “làm chủ sanh già, bệnh, chết”.
Lúc còn đang nhập thất, chúng tôi ngộ được pháp “Như Lý Tác Ý” nên suốt trong sáu tháng tinh cần tu tập pháp này với câu trạch pháp: “Tâm như cục đất phải ly dục ly ác pháp nhập sơ thiền”. Chỉ có câu gắn gọn như vậy mà chúng tôi đã nhập được Sơ Thiền một cách dễ dàng không có khó khăn. Chín năm trời nhập thất, tu không đúng pháp rất là vất vả gian nan, nhưng đến khi dùng pháp “Như Lý Tác Ý” chỉ có thời gian ngắn mà chúng tôi làm chủ được thân tâm, kết quả giải thoát hoàn toàn.