123-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (14). TL Thích Thông Lạc
52- Tu tập nhiếp tâm, an trú tâm trong bao lâu?
Hỏi 1: Thầy kính mến! Từ khi tu tập thiền theo phương pháp Thầy hướng dẫn, mỗi lần đi ra đường con cảm thấy rất ngộp thở, cảm giác như là sắp tắt thở, và lúc nào cũng như là cần hơi thở lắm vậy.
Có nhiều lúc con nghĩ là phải gọi xe đưa đi bịnh viện. Khi đi mua sắm với vợ thì con cảm thấy rất mệt, và phải nằm trong xe để bà xã con đi vô trong trước. Không biết là tại sao? Con bắt đầu ngồi thiền từ lúc 15 tuổi, và bây giờ là 40 tuổi, chưa bao giờ con bị trong trạng thái này. Lúc trước con ngồi thiền là ngồi theo phương thức Yoga, có nghĩa là con ngồi với trạng thái thả lỏng, không suy nghĩ gì.
Nhưng khi đọc phương pháp của Thầy, thì con có cảm giác là phương pháp của Thầy có một cái gì đó sáng suốt và làm cho mình tự chủ bản than mình hơn, cho nên con quyết tâm hành theo phương pháp của Thầy. Nhưng con cứ bị rớt vào tình trạng này hoài. Con không làm việc và đi đâu được hết, cứ bước ra đường là bị ngộp thở, ngồi lái xe không cũng ngộp. Về nhà nằm nghỉ hoặc ngủ một giấc thì hết trạng thái bị ngộp, mà ngủ thì phải uống thuốc ngủ thì mới ngủ được, còn không để lâu không ngủ con sợ bị nguy hiểm.
Có đôi lúc con tự nhủ: “Thôi, chết đi cũng được”. Con biết những cảm giác này là tạm thời; một là do cơ thể; hai là do tâm mình, nhưng lại không biết trị bằng cách nào. Xin thầy chỉ điểm!
Thường thì khi ngủ dậy là con bắt đầu ngồi thiền; đây là thói quen từ xưa đến nay. Thiền giúp con trong công việc nhiều lắm. Thường con ngồi thiền đến khi nào thấy mỏi thì con ngưng; con không biết thời gian là bao lâu. Khi ngồi thiền từ xưa tới nay con hay nhắm mắt ngồi thiền, như vậy có đúng không thưa thầy?
Con hiện giờ như là sống trong cõi địa ngục.
Con vạn lần cầu xin thầy cứu con!
Đáp: Những trường hợp xảy ra như ngộp thở, tức ngực, nặng đầu là tu lâu một pháp. Phật có 37 pháp tu tập từ thấp đến cao, chớ đâu có tu tập một pháp mà chứng đạo được.
Nhiếp tâm và an trú chỉ là giai đoạn mới tu. Khi nhiếp tâm chừng 30 phút thì thay đổi pháp. Do con tu một pháp hơi thở nên ngộp thở là phải. Muốn hết ngộp thở thì đừng tu tập thiền nữa là hết. Mục đích của đạo Phật là tâm không phiền não, giận hờn, ham muốn, chớ không có thiền định gì cả. Vì thế, đức Phật dạy ngăn ác diệt ác, sinh thiện tăng trưởng thiện, chớ đâu có dạy chúng ta ngồi thiền nhập định. Ngồi thiền nhập định là các Tổ Trung Hoa dạy. Do dạy không đúng pháp, nên người sau tu tập thành bệnh.
Con muốn tu tập theo pháp Thầy thì ngồi chơi xem tâm mình có còn ham muốn, giận hờn gì không? Nếu không thì đó là tâm bất động, còn có niệm Tham, Sân, Si là tâm còn động, còn các niệm khác ngoài tham, sân, si là tâm không động.
Hỏi 2: Kính thưa thầy! Thầy dạy tu sinh chúng con tại Tu Viện Chơn Như tu tập giai đoạn 1 là tu tập nhiếp tâm và an trú tâm trên thân hành ngoại (đi Kinh Hành, đi Thân Hành Niệm), hoặc trên thân hành nội (19 đề mục Định Niệm Hơi Thở). Vậy thời gian tu tập bao lâu, và kết quả như thế nào mới xong giai đoạn 1? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Thời gian tu tập không phải lâu. Người nào dở thì tu tập tối đa là 3 tháng. Còn người giỏi chỉ cần 1 tuần lễ là tu tập xong giai đoạn 1. Nhưng làm sao biết người nào là giỏi; người nào là dở?
Người giỏi là khi nhiếp tâm thì tâm không phóng niệm này niệm kia lăng xăng. Còn khi tu tập nhiếp tâm mà cứ niệm này niệm kia lăng xăng thì người đó là dở.
Hỏi 3: Đối với phật tử tu tập tại gia, hoặc tu sĩ còn tiếp duyên, chưa độc cư chuyên tu miên mật thì tu tập các pháp trú tâm, gom tâm trên thân hành của giai đoạn 1 này trong thời gian bao lâu? Kính xin thầy chỉ dạy.
Đáp: Trong các pháp tu tập nhiếp tâm, an trú tâm của giai đoạn 1, có pháp Định Niệm Hơi Thở thì các con phải hết sức thận trọng. Nó là pháp tu tập trên thân hành nội, nên rất nguy hiểm nếu tu tập không đúng. Nếu các con không ở tại Tu Viện Chơn Như thì tốt nhất không nên tu tập hơi thở, vì không có vị thầy hướng dẫn, kiểm tra sự tu tập của các con.
Đối với các pháp tu tập trên thân hành ngoại như đi Kinh Hành hay đi Thân Hành Niệm, các con cũng chỉ nên tu tập tối đa là 6 tháng, không nên tu tập kéo dài thời gian cả năm. Nhất là tu tập một pháp trong nhiều năm là sai, là dính mắc vào pháp tu. Tu như vậy rất dễ lọt vào tưởng nên rất khó tiến tu sau này.
Các con nên nhớ, chỉ tu tập nhiếp tâm và an trú tâm kéo dài nhiều nhất là 6 tháng, đối với người phật tử tại gia. Thay vì người chuyên tu họ tu tập một ngày 4 thời; mỗi thời tu tập 3 tiếng, thì người tu tập tại gia nên thu xếp mỗi ngày tu tập 1 hoặc 2 thời; mỗi thời tu tập từ 30 phút đến 1 tiếng, không nên tu nhiều.
Các con nếu muốn tu tập làm chủ được các nỗi khổ đau trên thân tâm thì phải tu tập có căn bản giai đoạn 1 của người cư sĩ. Còn nếu các con tu tập cho lấy có, tu thử hay tu chơi thì chỉ uổng phí công sức và thời gian mà thôi.
53- Đắc đạo, đắc pháp, đắc quả.
Hỏi 1: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên nào?
Đáp: Muốn đắc đạo ngay trong kiếp sống này, thì cần phải hội đủ các yếu tố, điều kiện nhân duyên như sau:
1- Phải có ý chí dũng mãnh;
2- Phải có nghị lực kiên cường;
3- Phải bền lòng, không nản chí trước những khó khăn;
4- Phải gan dạ, và nhất là phải có lòng tin nơi Phật, Pháp, Tăng tuyệt đối.
Khi hội đủ các yếu tố trên, dù có đứng trước cái chết con cũng không hề nao núng bỏ pháp, do đó, chỉ trong một kiếp này con đạt được đạo.
Hỏi 2: Đắc đạo và đắc pháp có cùng nghĩa với nhau không?
Đáp: Đắc đạo khác với đắc pháp, vì đắc đạo là thành tựu sự giải thoát toàn diện, còn đắc pháp thì mới đạt được từng phần của đạo. Cho nên đắc đạo, đắc pháp không giống nhau.
Ví dụ: Con học xong chương trình Tiểu học thì phải thi tốt nghiệp Tiểu học. Khi tốt nghiệp Tiểu học xong, con phải thi vào Trung học. Khi tốt nghiệp Trung học xong, con phải thi vào Đại học. Khi tốt nghiệp xong Đại học thì con mới hoàn thành kiến thức của chương trình giáo dục.
Đắc pháp cũng giống như thi tốt nghiệp của mỗi cấp. Cho nên mới thi tốt nghiệp cấp Tiểu học mà cho rằng học hết chương trình giáo dục là sai, không đúng được. Do đó, đắc pháp không thể gọi là đắc đạo được.
Pháp của Phật có tám lớp: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định; và gồm có ba cấp: Giới, Định, Tuệ. Cho nên, học và tu tập xong lớp Chánh kiến thì mới đắc pháp lớp Chánh kiến. Đắc pháp lớp Chánh kiến thì không thể gọi là đắc đạo được. Đến đây có lẽ con đã hiểu rõ rồi chớ?
Hỏi 3: Đắc Sơ Quả có giống Sơ Thiền không?
Đáp: Sơ Quả tức là Tu Đà Hoàn; Tu Đà Hoàn là quả Nhập Lưu; Nhập Lưu tức là vào dòng Thánh; vào dòng Thánh thì phải ly dục, ly ác pháp; mà đã ly dục, ly ác pháp thì nó tương đương với Sơ thiền. Cho nên kinh dạy: “Ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền, do ly dục sanh hỷ lạc”. Vì vậy, Sơ Quả tức là Sơ Thiền.
Do tu tập Sơ Thiền mới đắc được Sơ Quả, ngoài Sơ Thiền thì không bao giờ có Sơ Quả. Trong Sơ Thiền có trạng thái Sơ Thiền Thiên. Đó là trạng thái ly dục ly ác pháp.
Hỏi 4: Trong các tích chuyện của kho tang chân lý (Dammapada), có nhắc đến một cô gái nọ trẻ đẹp, giàu có. Khi gặp Phật nghe pháp đắc Sơ Quả, mà cô đã có chồng và con. Cũng một số gia đình gặp Phật, vợ hoặc chồng đều đắc quả như: Tu Đà Hoàn, Tư Đà Hàm, v.v... mà qua Thầy dạy tiến trình tu tập để đạt Thánh quả phải sống nghiêm chỉnh giới luật... Đặc biệt, phải đoạn trừ ái kiết sử và ngũ triền cái. Vậy những thành phần có gia đình mà đắc Thánh quả đó có mâu thuẫn với lộ trình tu tập không ạ?
Đáp: Trong các chuyện tích (tiền thân Đức Phật) người cư sĩ nghe pháp đắc Sơ Quả, đó là do sự kiết tập sai của các Tổ.
Người cư sĩ nghe pháp đắc pháp nhãn thanh tịnh thì có, chứ không thể đắc Sơ Quả được. Vì Sơ Quả là quả Thánh, không thể nghe xong bài pháp mà thành Thánh được. Vì tập khí con người quá nhiều, phải nhiệt tâm, nhiệt quyết tu tập hết sức mình mới quét sạch tập khí nhiều đời, chứ không phải là một việc dễ làm như trong chuyện tích nói. Các bạn lấy kinh nghiệm tu tập của mình thì biết rất rõ. Cho nên không thể nào tin một điều nói không thực tế.
Pháp Nhãn Thanh Tịnh là gì? Pháp nhãn thanh tịnh là một tên khác của Chánh Kiến; chánh kiến tức là cái thấy biết không làm khổ mình, khổ người; có nghĩa là cái thấy biết nhẫn nhục và xả tâm. Ở đời, người ta nhẫn nhục bằng cách chịu đựng, chứ không phải nhẫn nhục bằng cách xả tâm để ly dục, ly ác pháp. Do thấu suốt lý lẽ cuộc đời, biết nhẫn nhục mà xả tâm, vì thế mới gọi là pháp nhãn thanh tịnh.
Người còn Ái Kiết Sử, Ngũ Triền Cái mà vào dòng Thánh thì làm sao vào được! Có tương ưng chỗ nào đâu mà vào. Khi đọc kinh đến đây, thì con nên tư duy suy nghĩ rằng: những bài kinh này không phải là kinh của Phật thuyết, mà là kinh của Ma thuyết.
Hỏi 5: Thưa Thầy, các sư Nam tông dạy rằng: Nếu đắc Sơ Thiền (Tu Đà Hoàn) thì vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con và được hưởng phước báo như chư Thiên, sung sướng đầy đủ, v.v... nhưng vẫn luân hồi tái sanh trong 7 kiếp, đến kiếp thứ 7 thì tu tập đắc quả A La Hán. Đúng thế không thưa Thầy?
Thưa Thầy tôn kính! Trôi lăn trong bao kiếp luân hồi, cũng như long đong, lao đao trong kiếp sống, nay được đến với Thầy, con tâm nguyện được thành tựu trên bước đường tu đạo. Đây là cơ hội và duyên lành của con. Nhưng con vẫn cảm thấy duyên và động lực chưa có thể thúc đẩy con. Con rất cần sự gia lực nơi Thầy!
Đáp: Con hãy tư duy, khi vào dòng Thánh thì làm sao còn Dâm Dục được, mà vẫn còn có gia đình chồng con, vợ con được?
Còn Dâm Dục là còn có chồng con, vợ con; còn có chồng con, vợ con là còn phàm phu; còn phàm phu thì chỉ có chứng quả Hướng Lưu, nghĩa là mới hướng về Thánh quả, chứ chưa dự vào dòng Thánh (Nhập Lưu) được. Giảng như các sư Nam tông là giảng theo chữ nghĩa kiến tưởng giải của tà kiến ngoại đạo, không đúng nghĩa của Phật dạy.
Nếu nói Phật dạy: “Chứng quả Tu Đà Hoàn còn phải bảy kiếp nữa mới chứng quả A La Hán”, lời dạy này cũng có ý đúng, nhưng chúng ta phải hiểu: Nếu một người nhập vào dòng Thánh (Tu Đà Hoàn) mà cứ giữ tâm ở tại trạng thái ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền này, để thọ hưởng cảnh giới Sơ Thiền Thiên, mà không chịu tiến lên tu tập nữa để chứng quả A La Hán, thì trạng thái này chỉ kéo dài được 7 kiếp. Trong thời gian 7 kiếp ấy, tâm không bị lui sụt thì người ấy đủ năng lực Bảy Giác Chi để nhập Tam Thiền, Tứ Thiền và thể hiện Tam Minh, chứng quả A La Hán.
Câu này còn có nghĩa là một người ly dục, ly bất thiện pháp, nhập Sơ Thiền suốt 7 ngày sẽ chứng quả A La Hán; nếu 7 ngày chưa chứng thì 7 tháng; nếu 7 tháng chưa chứng thì 7 năm.
Còn nếu lui sụt lại làm người, và làm người thì có chồng con, vợ con như những người khác là một sự thường tình của thế gian. Lúc bấy giờ không còn nhập vào dòng Thánh nữa. Nhập vào dòng Thánh tức là Thánh, mà Thánh sao lại có chồng con, vợ con giống như người thế tục vậy???!!!
Cho nên, vì những điều trên đây, mọi người chưa tu chứng quả A La Hán thì nên im lặnh như Thánh, không được giảng thuyết, làm sai ý Phật, khiến cho Phật giáo suy đồi, và như thế thì Phật giáo sẽ mất gốc, thì tội ấy về ai các bạn có biết không?
Khi nào giữ hạnh độc cư trọn vẹn, thì con đường tu tập mới đủ mọi động lực tiến tới chứng đạo. Nhưng giữ gìn độc cư thường bị hôn trầm, thuỳ miên, vô ký và loạn tưởng tấn công; nó là những tên giặc cứng đầu nhất, cần phải lưu ý để diệt trừ cho bằng được.
Khi giữ hạnh Độc Cư thì Hôn Trầm, Thuỳ Miên, Loạn Tưởng và còn bao nhiêu ác pháp cản trở sẽ tấn công tới tấp, khiến cho con đường tu tập của các bạn sẽ gặp nhiều khó khăn. Do sự khó khăn đó, các bạn thiếu ý chí sẽ bỏ cuộc tu hành. Và như vậy sẽ lỡ dở, đời chẳng ra đời; đạo chẳng ra đạo.
Chúc con tu tập xả tâm tốt, nhớ xả tâm kỹ, chóng đạt thành sự giải thoát.
54- Niệm Phật kiếp sau sinh làm người nam?
Hỏi: Có lần Thầy bảo cho chúng con biết: “Đạo Phật không có tám mươi bốn ngàn pháp môn”. Vậy con mong Thầy chỉ dạy để mọi người cùng hiểu đúng chánh pháp của đức Phật không bị 84.000 pháp môn của ngoại đạo lừa đảo. Con còn nghe người ta bảo: “Tu pháp môn niệm Phật (Tịnh Độ), kiếp sau đầu thai lên làm người nam, tiếp tục tu tập dễ hơn”. Có đúng như vậy không thưa Thầy?
Đáp: Tám mưới bốn ngàn pháp môn của Phật giáo chính là do các nhà Đại thừa tự đặt ra để lồng ghép giáo pháp của mình vào pháp môn của đạo Phật để đánh lận tín đồ Phật giáo. Pháp môn niệm Phật A Di Đà là một pháp trong 48.000 ngàn pháp của Bà La Môn, chứ Phật giáo không có dạy pháp môn này. Chính đức Phật A Di Đà cũng là một vị Phật tưởng tượng do các vị học giả nghĩ tưởng sinh ra, và dựng lên một thế giới siêu h.nh Tây Phương Cực Lạc.
Niệm Phật để sanh được làm người nam thì đều này không thể xảy ra được. Vì niệm Phật không thể tương ưng với nam tính. Tại sao vậy?
Các bạn cứ suy ngẫm: bản chất con trai thì gan dạ, hiếu động, không sợ hãi, cơ bắp khỏe mạnh, thích mạo hiểm, không rụt rè, không e thẹn, không làm duyên làm dáng, không thích trang điểm làm đẹp, giọng nói ào ào như sóng bổ, không nói thỏ thẻ như con gái, v.v... Nếu con gái muốn tái sanh làm con trai, thì phải tập sống như con trai, vì có tập sống như con trai thì sẽ tương ưng, kiếp sau sẽ làm con trai. Sự kiện này có thể xảy ra được. Còn không tập sống như con trai, thì làm sao sinh làm con trai được. Sự kiện này không thể xảy ra được, phải không các bạn?
Tối ngày cứ ngồi niệm danh hiệu A Di Đà Phật, niệm như vậy để không có niệm khởi (thất nhật nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật, dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...). Tâm không niệm khởi thì tâm tương ưng với cây đá, và như vậy khi chết sẽ tái sinh làm cây đá, chứ làm sao làm người nam được. Cho nên, lối tu tập này không thể tương ưng với cõi Tây Phương Cực Lạc, thì làm sao cầu vãng sanh về cõi ấy được, phải không các bạn? Tu tập như vậy chỉ có tương ưng với cây đá, thì sẽ sinh làm cây đá mà thôi; lí ấy logic rất khoa học, không ai phủ nhận được.
Xưa, có một ngoại đạo tu hạnh con bò, đến xin đức Phật xác định mình tu như vậy có cộng trú với Phạm thiên được không? Nghe hỏi như vậy, đức Phật bảo:
- Thôi! Thôi! Đừng có hỏi Ta như vậy.
Vị tu sĩ ngoại đạo van xin đức Phật ba lần, nhờ xác định tu hạnh con bò có đúng như vậy không?
Đức Phật mới bảo:
- Tu hạnh con bò thì sẽ thành con bò, chứ làm sao thành Phạm thiên được. Bởi vì Phạm thiên đâu có sinh hoạt, ăn ngủ giống như con bò. Phạm thiên là những người sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sanh. Do đó, hạnh con bò làm sao tương ưng với hạnh của Phạm thiên được.
Nghe dạy lời này, vị tu sĩ ngoại đạo không cầm được nước mắt, khóc nức nở và đảnh lễ Phật, xin được tu hành theo giáo pháp và giới luật.
Cho nên muốn sinh ra làm con trai thì phải tập sống như con trai; điều này có thể chấp nhận. Niệm danh hiệu Phật Di Đà là một vị Phật không có thật. Niệm một vị Phật không có thật, nên tương ưng với cái không thật, cái không thật là ảo tưởng, mà ảo tưởng thì làm sao thành người nam được. Cho nên lời dạy: “Tu pháp môn niệm Phật kiếp sau đầu thai lên làm người nam, tiếp tục tu tập dễ hơn”, đây là lời lừa đảo, lường gạt người nhẹ dạ, non lòng.
Niệm Phật như trong kinh nguyên thủy dạy tức là sống như Phật, làm như Phật, ăn như Phật, ngủ như Phật, đi như Phật, ngồi như Phật, nói như Phật, im lặng như Phật, v.v... Có sống như vậy, làm như vậy, nên mới tương ưng với Phật, vì thế sống cũng tương ưng và đến khi chết cũng tương ưng, nên thành Phật. Còn niệm Phật như Tịnh Độ tông dạy thì thành cây đá, chứ không thể làm Phật, không sinh làm người nam được.