Skip directly to content

103-NGHĨA CÁC TỪ PHẬT HỌC CHƠN NHƯ. Tỳ khưu Từ Quang

NGHĨA CÁC TỪ VÀ CÂU - PHẬT HỌC CHƠN NHƯ

(Tỳ khưu Từ Quang tổng hợp nghĩa các câu, các từ được Trưởng Lão Thích Thông Lạc giảng giải  trong tất cả các sách của Ngài biên soạn)

  GIỚI THIỆU CHỮ VIẾT TẮT CÁC ĐẦU SÁCH

(CầnBiết.1) = Người Phật Tử Cần Biết 1; (CầnBiết.2) = Người Phật Tử Cần Biết 2; (CầnBiết.3) = Người Phật Tử Cần Biết 3; (CầnBiết.4) = Người Phật Tử Cần Biết 4; (CầnBiết.5) = Người Phật Tử Cần Biết 5; (ChùaAm)  = Lịch Sử Chùa Am; (CưSĩTu) = Những Chặng Đường Tu Học Của Người Cư Sĩ; (ĐạoĐức.1) = Đạo Đức Làm Người.1; (ĐạoĐức.2) = Đạo Đức Làm Người.2; (ĐườngRiêng) = Đạo Phật Có Đường Lối Riêng; (ĐườngVề.1) = Đường Về Xứ Phật 1; (ĐườngVề.10) = Đường Về Xứ Phật 10; (ĐườngVề.2) = Đường Về Xứ Phật 2; (ĐườngVề.3) = Đường Về Xứ Phật 3; (ĐườngVề.4) = Đường Về Xứ Phật 4; (ĐườngVề.5) = Đường Về Xứ Phật 5; (ĐườngVề.6) = Đường Về Xứ Phật 6; (ĐườngVề.7) = Đường Về Xứ Phật 7; (ĐườngVề.8) = Đường Về Xứ Phật 8; (ĐườngVề.9) = Đường Về Xứ Phật 9; (GiớiĐức.1) = Giới Đức Làm Người 1; (GiớiĐức.2) = Giới Đức Làm Người 2; (LinhHồn) = Linh Hồn Không Có ; (MuốnChứngĐạo) = Muốn Chứng Đạo Phải Tu Pháp Nào; (OaiNghi) = Hỏi Đáp Oai Nghi Chánh Hạnh; (PhậtDạy.1) = Những Lời Gốc Phật Dạy 1; (PhậtDạy.2) = Những Lời Gốc Phật Dạy 2; (PhậtDạy.3) = Những Lời Gốc Phật Dạy 3; (PhậtDạy.4) = Những Lời Gốc Phật Dạy 4; (TâmThư.1) = Những Bức Tâm Thư 1; (TâmThư.2) = Những Bức Tâm Thư 2; (TạoDuyên) = Tạo Duyên Giáo Hóa Chúng Sanh; (TêNgưu) = Sống Một Mình Như Con Tê Ngưu Một Sừng; (ThanhQuy) = Thanh Quy Tu Viện Chơn Như; (ThiềnCănBản) = Thiền Căn Bản 1; (ThờiKhóa) = Thời Khóa Tu Tập; (TrợĐạo) = 37 Phẩm Trợ Đạo; (TruyềnThống.1) = Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống 1; (TruyềnThống.2) = Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống 2; (YêuThương.1) = Lòng Yêu Thương 1; (YêuThương.2) = Lòng Yêu Thương 2; (10Lành) = Hành Thập Thiện; (10Lành) = Sống 10 Điều Lành; (12Duyên) = 12 Cửa Vào Đạo ; (3Quy5Giới) = Tam Quy Ngũ Giới; (4BấtHoại) = Tứ Bất Hoại Tịnh; (8QuanTrai) = Nghi thức thọ bát quan trai.

NGHĨA CỦA CÁC CÂU, CÁC TỪ.

Vần A

A La Hán (PhậtDạy.1) (ĐườngVề.2) (ĐườngVề.4) (ĐườngVề.8) (12Duyên) (CầnBiết.3) (TâmThư.2) là học trò của Phật (đệ tử), chỉ theo lời dạy của đức Phật mà tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Phật và A La Hán không khác nhau chỗ tu hành và giải thoát vì đức Phật cũng tu từ Giới, Ðịnh, Tuệ mà được giải thoát, các bậc A La Hán cũng tu từ pháp môn Giới, Ðịnh, Tuệ mà thành tựu, cho nên đức Phật và các bậc A La Hán tu hành giải thoát giống nhau, sự viên mãn giải thoát phải giống như nhau, không ai hơn kém ai.

Khi tu hành giải thoát rồi thì người nào cũng như người nấy, nhưng Phật là vị Giáo chủ Phật giáo, người sáng lập ra Phật giáo, còn A La Hán chỉ là người theo lời dạy của Phật mà tu chứng. A La Hán là quả vị của người tu sĩ đạo Phật đã chứng đạt Bốn Thánh Ðịnh (Tứ Thiền) và Tam Minh, làm chủ sanh, già bệnh, chết và chấm dứt luân hồi sanh tử. A La Hán đồng nghĩa với Ứng Cúng, có nghĩa là giết giặc phiền não, bất sanh, mãi mãi ở trong Niết bàn, xứng đáng nhận sự cúng dường của Trời Người.

A La Hán còn gọi là “Ðức Thánh Vô Lậu” không làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Bậc A La Hán là bậc đã thoát khỏi phiền não, được tự do tự tại, hoàn mỹ về mặt đạo lý, làm chủ được tư tưởng của mình, biết hết tất cả, có đủ sáu pháp huyền diệu, không phải chịu quả báo sống chết lần thứ hai. A-La-Hán là một danh từ chỉ cho người đã tu hành làm chủ sanh, già, bệnh, chết chấm dứt tái sanh luân hồi, cũng gọi là “Chứng đạt chân lí”, tâm cũng vô lậu hoàn toàn.

“Phật” là danh từ chỉ cho người tu hành đã làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sanh luân hồi, gọi là “Chứng đạt chân lí’’, tâm vô lậu hoàn toàn. Nếu chúng ta gọi Phật là A-La-Hán vẫn đúng, vì A-La-Hán tu hành giải thoát như Phật, cũng tâm vô lậu, cũng làm chủ sanh tử luân hồi như nhau. Hai người giải thoát giống nhau, làm chủ giống nhau. Danh hiệu A La Hán này Ðại Thừa cho là còn thấp kém, chỉ là quả cao nhất của Tiểu Thừa. A La Hán là người đã bất động tâm nên thân tâm đều thanh tịnh, đều làm chủ sự sống chết chấm dứt sinh tử luân hồi, đầy đủ Tứ Thần Túc, Tam Minh Lục Thông thì không thể nào gọi A La Hán độn căn (độn căn là ngu ngốc) hay A La Hán lợi căn (lợi căn là lanh lợi) mà gọi họ là siêu căn, vì mọi A La Hán đều thông suốt tam giới, không có điều gì họ không hiểu, Phật hiểu như thế nào thì họ hiểu như thế nấy.

Hai quả A La Hán lợi căn và A La Hán độn căn này do các nhà Đại Thừa bịa đặt ra để lừa gạt Phật tử. Chỉ có ngoại đạo đắc thần thông tưởng mới không thực hiện được Tam Minh, chứ người chứng quả A La Hán đều có đủ Tam Minh Lục Thông và thực hiện được Tam Minh. A La Hán chỉ có hai: đức Phật là A La Hán Độc Giác, và A La Hán Thanh Văn, như các đệ tử của đức Phật.

A La Hán Ðộc Giác (ĐườngVề.4) là người tự mình tìm ra pháp môn tu tập đạt được tâm vô lậu hoàn toàn. Trên đời này chỉ có Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni là người duy nhất tự mình tìm ra pháp môn tu tập đạt được tâm vô lậu hoàn toàn, ngoài ra thì chúng ta không thấy có người thứ hai. Quả vị A La Hán Ðộc Giác và quả vị A La Hán Toàn Giác, không sai khác và không hơn kém nhau ở chỗ nào cả. Trong sự tu hành đến với pháp tu có duyên khác nhau nên khi chứng quả A La Hán có tên gọi là A La Hán Ðộc Giác hay A La Hán Thanh Văn khác nhau.

A La Hán Duyên Giác (CầnBiết.4) là người thấu suốt được thế giới quan của Phật giáo, không còn tham đắm và chấp trước mọi vật trên thế gian này nữa. Do sự thông hiểu tường tận thế giới quan của Phật giáo như thật, nên tâm tham đắm, dính mắc không còn, lậu hoặc được quét sạch, luân hồi được chấm dứt.

A La Hán Thanh Văn Giác (ĐườngVề.4) là người được đức Phật dạy cho tu tập theo giáo pháp của Ngài đã tu chứng, hoặc người ấy tự nghiên cứu trong kinh sách theo những lời dạy của đức Phật mà tu tập cho đến khi tâm vô lậu hoàn toàn. Người chứng quả A La Hán Thanh Văn Giác không sai khác quả vị A La Hán Toàn Giác, có nghĩa là mọi năng lực của người chứng quả A La Hán Toàn Giác và người chứng quả A La Hán Thanh Văn Giác đều giống nhau, không hơn không kém, nhưng trong sự tu hành đến với pháp tu có duyên khác nhau nên khi chứng quả A La Hán có tên gọi khác nhau.

A tu la (ĐườngVề.9) (10Lành) là trạng thái nóng giận, la hét, chửi mắng, đấm ngực, cào mặt… A Tu La là những người hay sân hận, giận dữ.

Ai quá, hiện, vị lai (PhậtDạy.1) Có nghĩa là người tu sĩ nào trong ba thời gian quá khứ, vị lai và hiện tại sống không có của cải tài sản, sống không gia đình, không nhà cửa, đời sống luôn luôn thiểu dục tri túc, chỉ có ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Ðó là Phạm hạnh của người tu sĩ Phật giáo. Người sống đúng Phạm hạnh như vậy mới được gọi là Bà La Môn.

Am tường (Tạoduyên) rất thông hiểu.

An (ĐườngVề.3) là khinh an. Khinh an do ly dục ly ác pháp sinh ra.

An Ban Thủ Ý (ĐườngVề.6) là một loại thiền ức chế tâm bằng pháp môn sổ tức.

An chỉ tất cả hành, viễn ly tất cả ý (CầnBiết.2) lúc đó trạng thái của thân không còn thở ra thở vào, tai không còn nghe thấy âm thanh bên ngoài nữa.

An cư kiết hạ - tuổi đạo (TâmThư.2) Khi thọ giới Tỳ kheo tức là thọ giới cụ túc xong, hằng năm phải về an cư kiết hạ, mỗi hạ tính là một tuổi đạo, không về an cư không tính tuổi đạo. Còn tính tuổi đạo theo kinh sách nguyên thủy, ai sống không vi phạm giới luật một năm là một tuổi đạo, bắt đầu từ khi thọ 10 giới Sa di. Nếu năm nào phạm 1 giới trong 10 giới này thì năm đó mất tuổi đạo.

An định của thiền (ĐườngVề.6) Sự an định của thiền thứ nhất (Sơ thiền) là do “tầm tứ” tịnh chỉ tâm dục và ác pháp hay nói cách khác là tịnh chỉ ngôn ngữ, tức là ly dục ly bất thiện pháp. Chúng ta phải hiểu sự an định của tầng thiền thứ nhất (Sơ thiền) “lấy tâm động, tạo tâm bất động” còn sự an định của tầng thiền thứ nhì (Nhị thiền) “lấy tâm bất động tạo định”, chứ Phật không dạy sự an định của thiền thứ nhì hơn thiền thứ nhất. Hai sự an định của hai loại thiền này không giống nhau, chỉ có hỷ lạc của thiền thứ nhì (Nhị thiền) hơn thiền thứ nhất (Sơ thiền) như đức Phật đã dạy trong bài kinh Sa Môn Quả.

An lành (TrợĐạo) tâm có an trú.

An tịnh (TruyềnThống.2) là yên ổn và thanh tịnh, trong sạch. Chữ an tịnh trong giới luật hoan hỉ sống an tịnh có nghĩa là thân an ổn và tâm thanh tịnh.

An trú (TruyềnThống.1) (MuốnChứngĐạo) là trú ẩn một nơi an ổn, một nơi được bao bọc an toàn không có pháp nào đến quấy rầy làm mất an, làm khổ đau phiền lụy. An trú có nghĩa là không một niệm nào xen vào trong khi hít thở.

An trú bất động tâm (PhậtDạy.4) không tác ý một tướng nào cả thì mới được gọi là an trú bất động tâm (nội không), mới đạt được chỗ ly dục ly ác pháp hoàn toàn, mới viễn ly trọn vẹn các ác pháp đang tác động trong giai đoạn tu tập thứ nhất, thứ nhì và mới sung mãn được Tứ Niệm Xứ.

An trú bốn niệm một lần (MuốnChứngĐạo) là tu tập Tứ Niệm Xứ. Tứ Niệm Xứ còn gọi là Chánh Niệm, tức là pháp môn tu tập thứ bảy trong Bát Chánh Đạo.

An trú chánh niệm (MuốnChứngĐạo) (TruyềnThống.1) (CữSĩTu) là ở yên ổn trong niệm chân chánh. Trong đạo Phật có bốn chỗ niệm chân chánh: 1- Niệm Thân. 2- Niệm Thọ. 3- Niệm Tâm. 4- Niệm Pháp. Chữ chánh niệm ở đây gồm chung có 4 niệm, như vậy an trú chánh niệm tức là an trú trong bốn niệm. An trú trong bốn niệm một lần là tu tập Tứ Niệm Xứ. Cho nên Tứ Niệm Xứ còn gọi là Chánh Niệm. Chánh niệm tức là pháp môn tu tập thứ bảy trong Bát Chánh Đạo. Cho nên tu tập Tứ Niệm Xứ là tu tập lớp thứ bảy trong tám lớp tu học của Phật giáo. Bài pháp đức Phật dạy La Hầu La (Kinh Giáo Giới La Hầu La) về hơi thở vô, hơi thở ra, thì phải hiểu là thân hành niệm nội, tức là hơi thở vô hơi thở ra. Vậy “an trú chánh niệm trước mặt” tức là an trú hơi thở vô, hơi thở ra ở trước mặt.

An trú niệm trước mặt (PhậtDạy.1) (Truyền Thống.1) là đặt một đề tài, rồi ở trên đề tài đó say mê quán xét và tư duy. An trú chánh niệm trước mặt nghĩa là an trú chánh niệm từ bỏ, chánh niệm thoát ly và chánh niệm gọt rửa tâm dục tham. (Sau khi đi khất thực rồi ăn cơm, nghỉ ngơi một chút cho tiêu hóa cơm và thực phẩm, đến vị trí thanh vắng, ngồi kiết già, lưng thẳng an trú chánh niệm trước mặt.)

An trú "không" (PhậtDạy.4) Chữ KHÔNG (của Phật giáo) có nghĩa không chướng ngại pháp, tức là không có dục lậu, hữu lậu và vô minh lậu. Trong lúc đức Phật đang tu tập, đức Phật cũng an trú trong "không", đến nay thành tựu được chánh pháp, tức là đức Phật đã chứng đạo, nhưng vẫn an trú thường xuyên rất nhiều trong "không" ấy.

An trú trong an trú (PhậtDạy.4) (CầnBiết.5) là tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, nó còn có nghĩa là không tánh. Khi ở trong trạng thái an trú trong an trú này, nếu đang đi kinh hành biết mình đang đi kinh hành thì không thấy có niệm nào khởi lên, nếu có niệm nào khởi lên thì sự an trú ấy không còn là an trú trong an trú nữa, đó là niệm ác, còn niệm thiện khởi thành một dòng suy tư ly tham đoạn diệt ác pháp, dòng suy tư ấy khiến cho đang an trú lại an trú nhiều hơn. Vì thế dòng suy tư ấy không được tác ý diệt nó, vì diệt nó khiến cho tri kiến giải thoát bị diệt mất.

An trú trong an trú (bất động tâm) thì những dòng suy tầm ác phải đoạn dứt bằng pháp như lý tác ý, còn những dòng suy tầm thiện thì không được diệt mà hãy tăng trưởng như trong pháp môn Tứ Chánh Cần đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp”. Khi đang an trú như vậy tâm hướng đến đứng thì liền đứng lại, chứ không phải khi tâm hướng đến đứng lại mà không đứng lại vẫn tiếp tục đi kinh hành, là tu sai pháp môn Tứ Niệm Xứ. Trong khi đứng lại cũng phải biết rõ ràng trong khi đứng lại không có một niệm nào tham, sân, si khởi lên. Ðó là đang an trú trong an trú.

Hướng tâm không phải là vọng tưởng. Cho nên, nếu an trú trong an trú tức là khi trong tâm thanh thản an lạc và vô sự, mà nếu có những niệm khởi trong tâm thì không phải toàn bộ những niệm đó đều là vọng tưởng hết. Kinh dạy: "Trong khi Ta đang đi kinh hành thời tham ưu và các bất thiện pháp không chảy vào, ở đây vị ấy ý thức rõ như vậy. Này Ananda nếu Tỳ kheo an trú trong an trú này tâm vị ấy hướng đến đứng lại vị ấy đứng lại và nghĩ rằng: Trong khi ta đang đứng lại thời tham ưu và các pháp bất thiện không chảy vào”. Nếu tâm hướng đến ngồi, liền ngồi xuống nhưng ý thức biết rất rõ ràng hành động ngồi mà không có một niệm tham ưu hay các ác pháp nào xen vào trong khi đang ngồi. Ngồi mà vẫn thấy tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

Nếu tâm hướng đến nằm thì chúng ta nằm xuống với tâm tỉnh giác an lạc, thanh thản và vô sự tức là tu tập đúng pháp, dù đang nằm nhưng vẫn an trú trong sự an trú. Trong khi an trú tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự trong bốn oai nghi đi, đứng, ngồi, nằm, đều sống trong một tâm ấy, nhưng tâm hướng đến đi chúng ta đi, tâm hướng đến đứng chúng ta ứng, tâm hướng đến ngồi chúng ta ngồi, tâm hướng đến nằm chúng ta nằm, nhưng chúng ta đều ý thức rất rõ đi, đứng, ngồi, nằm an trú trong sự an trú thanh thản, an lạc và vô sự.

Nếu trong đó niệm tham ưu và các bất thiện pháp thì phải diệt ngay liền, còn tất cả niệm khác thì không nên diệt. Đang ở trong trạng thái an trú trong sự an trú ấy tâm hướng đến độc thoại tào lao, như “Nói chuyện đời, chuyện thiên hạ, chuyện bạn bè, chuyện tình tứ trai gái, v.v...”, khởi ra trong tâm thì tác ý đình chỉ nó ngay liền. Vì tâm độc thoại như vậy là vọng tưởng. Còn ngược lại tâm hướng đến độc thoại li tham, đoạn ác pháp, xa lìa, viễn li, từ bỏ tâm tham, sân, si, và các ác pháp khác như: Thất kiết sử, ngũ triền cái, thân ngũ uẩn, thập nhị nhân duyên, v.v... thì hãy tiếp tục, đừng có dừng, vì nó không phải là vọng tưởng mà nó đang triển khai tri kiến giải thoát li tham, đoạn ác pháp. Cho nên, tâm hướng đến độc thoại thì không được nói chuyện ngoài vấn đề để ly tham đoạn ác pháp, hay vấn đề viễn ly, trừ bỏ đoạn diệt tâm tham, sân, si.

Người tu tập Tứ Niệm Xứ an trú trong sự an trú cũng giống như người sống bình thường cũng đi, đứng, ngồi, nằm, đều theo sự hướng tâm chủ động điều khiển rất tỉnh giác. Nhưng tâm hướng đến độc thoại thì không được nói chuyện ngoài vấn đề để ly tham đoạn ác pháp, hay vấn đề viễn ly, trừ bỏ đoạn diệt tâm tham, sân, si.

An trú (tâm) trong hơi thở (12Duyên) (TâmThư.1) (CữSĩTu). An trú tâm trong hơi thở là để khắc phục những tham ưu trên thân hay nói cách khác cho dễ hiểu hơn là để đẩy lui những bệnh khổ trong thân (cảm thọ) hoặc là để đẩy lui tâm tham, sân, si. (theo phương pháp Ðịnh Niệm Hơi Thở) An trú tâm trong hơi thở bằng tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Cứ tu đề mục này trong nửa tháng hoặc một tháng để thân an trú được trong hơi thở, thì lúc bấy giờ thân có cảm thọ khổ là liền dùng phương pháp này đối trị, đẩy lui cảm thọ ra khỏi thân ngay tức khắc. Ví dụ: Khi bị nhức đầu, trước tiên chúng ta nhiếp tâm trong hơi thở: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra”. Sau khi chánh niệm tỉnh thức trong hơi thở liền tiếp tục tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra”. Sau khi tâm an trú được trong hơi thở thì bệnh nhức đầu đã tan. Nương vào pháp môn ngăn ác diệt ác pháp mà lành bệnh.

An trú tâm trọn vẹn trong hơi thở (TruyềnThống.1) (MuốnChứngĐạo) tức là biết hơi thở vô, hơi thở ra một cách nhẹ nhàng, tự nhiên, thoải mái, an lạc, đó là làm cho tràn đầy sung túc, dư thừa, không thiếu về niệm hơi thở.

An trú trong yên lặng và không rơi vào vô ký (ĐườngVề.3) Cách thứ nhất: Cần tu Ðịnh diệt tầm giữ tứ cho thuần thục, luôn luôn phải giữ tứ trong câu pháp hướng: “Tâm phải gom trong hơi thở, hơi thở chậm và nhẹ” , trong khi ngồi tu luôn nhắc câu pháp hướng trên, không cần đếm. Tu như vậy tâm sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký. Cách thứ hai: là hãy đứng dậy, đi kinh hành 20 bước và ngồi xuống đếm năm hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước. Cứ thế tiếp tục tu tập mãi cho hết giờ xả nghỉ. Khi tu như vậy nên ghi nhớ không được quên thân hành trong mọi hành động khi ngồi, khi thở, khi đứng dậy, khi đi kinh hành và khi hướng tâm, nếu thấy mệt thì tu ít giờ trở lại, không được tu tập quá sức. Cách thứ ba: là lúc nào cũng đẩy lui các ác pháp trên thân thọ, tâm và pháp thì tâm tự gom vào hơi thở nên không có khó khăn, không có mệt nhọc. Ðó là tâm không phóng dật. Có tu như vậy tâm sẽ không bị bung ra và không rơi vào vô ký; tu như vậy sẽ có một sức tỉnh thức đầy đủ để xả tâm và tâm định tỉnh luôn ở trong chánh niệm tỉnh giác, vì thế, không có dục và các ác pháp nào tác động vào thân tâm được.

An trú với lòng từ (TruyềnThống.1) là an trú trong lòng thương yêu của mình đối với tất cả chúng sanh, không có loài vật nào mà không thương yêu.

Ác (ĐườngVề.2) là cõi Ðịa ngục, dục là cõi nhân gian.

Ác hữu tri thức (PhậtDạy.1) Người chỉ học hỏi kiến giải trong kinh sách, chứ chưa có tu chứng đắc. Lấy sự học ra làm thầy hoặc tu hành chỉ có hình thức, tu chưa đến đâu mà vội đem ra dạy thiên hạ tu hành, là những hạng giỏi lừa gạt người bằng khoa ngôn ngữ học lỏm của người khác. Nếu trong ba cấp này (thứ nhất là chứng Giới luật; thứ hai là chứng Thiền định; thứ ba là chứng tuệ Tam Minh) xét thấy họ không chứng được cấp nào hết thì họ là những ác tri thức.

Ác pháp (Phậtdạy.3) (ĐườngVề.6) (CầnBiết.4) (GiớiĐức.1) là tâm tham, sân, si, là những hành động thân, miệng, ý của mình làm khổ mình, khổ người và khổ tất cả chúng sanh. Ác pháp gồm chung có rất nhiều, nhưng giới cư sĩ Phật dạy chỉ có: Thập thiện và thập ác. Thập thiện và thập ác là các pháp căn bản gốc đạo đức của đạo Phật để chỉ cho luật nhân quả thiện ác, tạo ra do ba hành động thân, miệng, ý. Từ đó sanh ra vô lượng pháp ác và pháp thiện. Phật dạy: “ly dục, ly ác pháp nhập Sơ Thiền”, chứ không có dạy “ly 10 pháp ác, nhập Sơ Thiền”. Kinh điển, đức Phật đã dạy rất rõ ràng: “Mắt đắm sắc, tai đắm âm thanh, mũi đắm mùi hương, lưỡi đắm vị, thân đắm xúc, ý đắm pháp”. Ðó là pháp dạy phòng hộ sáu căn, tức là pháp giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý, không cho dính mắc sáu trần là: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp.

            Phật không có dạy đó là ác pháp, nhưng chúng ta phải hiểu khi mắt đắm sắc, tai nhiễm âm thanh, mũi thích mùi hương, lưỡi ưa thích vị, thân đắm xúc, ý chấp pháp, từ chỗ đắm, nhiễm, ưa, thích, dính mắc, chấp kiến pháp đó, mới sanh ra có thương, ghét, giận, hờn, phiền não, đau, khổ, v.v... Các pháp thương ghét, giận, hờn, phiền não đau khổ, mới chính là ác pháp, chứ không phải mắt thấy sắc, tai nghe âm thinh, mũi ngửi mùi... là ác pháp. Ác pháp có hai phần: 1- Ác pháp về thân là thân bị bệnh đau nhức chỗ này chỗ khác. 2- Ác pháp về tâm là khi có một tầm khởi lên, tầm ấy thuộc về tham, sân, si có nghĩa là tham ăn, tham ngủ và phiền não, giận hờn, buồn rầu, lo sợ, đó là hại tầm. Khi có thân bệnh hoặc có những hại tầm như trên thì phải tinh cần siêng năng đoạn tận nó, không được để trong thân tâm chúng ta, phải bằng mọi cách đoạn tận nó, không được để từ giờ này sang giờ khác.