153-SỰ SỐNG THIÊN NHIÊN (2) Tỉnh Giác
III- LỖI LẦM & SÁM HỐI
LỖI LẦM
Nhận thức vạn vật, vũ trụ là Sự Sống Thiên Nhiên, Tánh, Thể, Tướng, Dụng đồng nhất, nhưng con người mê lầm nhận thân, cảm thọ, và tư tưởng là “tôi” riêng biệt, lại mê chấp những hiện tướng, khởi tham, chiếm giữ những gì ưa thích là “của tôi”. Cái gì không hợp với “tôi”, bất lợi cho “của tôi”, thì khởi sân, gây nhiều lỗi lầm xưa nay.
Nhận thức “mê tưởng tôi” ích kỷ, muốn tồn tại, muốn chiếm hữu, ham hưởng thụ, không biết đủ, không rõ nhân quả, là chủ nhân của nghiệp. Nhận thức nghiệp do “mê tưởng tôi”, dính chấp sắc tướng âm thanh, tạo ra phiền não đau khổ. Qua thân miệng ý, mỗi người tự vẽ cho mình một hình tướng, một tầng số nghiệp, một số mạng, và tự gánh nhận tất cả hậu quả.
Nhận thức rời bỏ Sự Sống Đồng Nhất, mê chấp “cuả báu thế gian”, là bỏ nước lấy bọt, bỏ ánh sáng mặt trời lấy ánh sáng đom đóm! Những ai không đủ tỉnh thức và ý chí loại bỏ “mê tưởng tôi”, phải tự nô lệ cho tham sân, theo nghiệp dẫn thọ quả báo. Xót thương nhân loại xưa nay, vì “mê tưởng tôi” dính chấp, tham sân, bị mê tưởng điều khiển, đã rơi vào những hoàn cảnh nghiệt ngã, đến tàn sát lẫn nhau vô cùng thảm khốc!
SÁM HỐI
Con người thường không nhớ được những “nhân” đã gieo trong quá khứ lâu đời. Khi đủ duyên “quả” hiện, vì quên, không biết nên đổ cho người, cho hoàn cảnh, cho số phận hay tà ma, rồi nhờ thầy tụng chú, cúng sao, cầu xin, tụng kinh, lạy Phật sám hối cầu an v.v…
Mổi người cần tin sâu nhân quả, tự biết lỗi mình, nhận rõ nguyên nhân của mọi lỗi lầm là “mê tưởng tôi” ích kỷ, tham gian, sân hận. Dứt bỏ nguyên nhân của lỗi lầm là thực tế sám hối.
Sám hối không phải mê tín thần thoại mơ hồ, đọc tụng thần chú bí ẩn, kêu gọi trời, Phật, thờ lạy, cầu xin hết tội mà được. Không ai có thể bẻ cong nhân quả, định luật công bằng Thiên Nhiên. Sám hối thật sự là tỉnh thức, ghi nhận và ngưng dứt lỗi lầm.
Tin sâu nhân quả, tùy duyên, vui thuận nghiệp đã gieo, vui thuận đền lỗi cũ. Chấp nhận tất cả hoàn cảnh là quả do nhân duyên đã liên hệ, hỷ xả, kham nhẫn mọi lời nói, hành vi, nghịch cảnh. Trong mọi tình huống, cương quyết không tái phạm lỗi lầm, không để tư tưởng chủ động tạo tác ác nghiệp... Tinh cần nhận thức 4 lẽ thật: Khổ - Tập - Diệt - Đạo, thực hành những pháp trợ đạo, xa lánh việc ác, gieo nhân lành, giữ tâm ý trong sạch, ứng dụng 4 Niệm xứ tỉnh thức dứt: “mê tưởng tôi” gốc nghiệp chướng là thực tế sám hối.
IV- NHẬN THỨC
LỊCH SỬ
Ngài Siddhartha muốn tìm hiểu nguyên nhân và phương cách chấm dứt khổ đau, đã bỏ hoàng cung, 6 năm khổ hạnh, qua nhiều pháp như: ”dứt tư tưởng”, “không vô biên”, “thức vô biên”, “ Diệt tận định” v.v… vẫn không dứt được khổ não. Sau đó Ngài đến ngồi dưới cội bồ đề suốt 49 ngày, nhận thức 4 lẽ thật, 4 niệm xứ, 12 nhân duyên, rõ nguyên nhân của phiền não, dứt bỏ mọi dính chấp, rũ sạch “mê tưởng tôi”, và không còn sanh lại cái “mê tưởng tôi” nữa gọi là thành đạo, thật ra chẳng có gì thành, trước sau, chỉ là Sự Sống Đồng Nhất như thế.
Ngay khi thành đạo, Như Lai nhận thức toàn bộ cấu trúc vũ trụ vận hành theo nhân duyên, nhận thức nguyên nhân phiền não, khổ đau, sinh tử và phương cách dứt khổ đau. Sau đó, tùy thuận dẫn giải, làm lợi ích người vật suốt 45 năm. Giáo pháp của Ngài “thực tế”, “minh bạch”, “tự lực”, “đơn giản”, “phổ thông”, không có thần thoại, thần chú hiển linh, bí ẩn, không mê tín nương cầu tha lực, thần quyền mơ hồ. Tựu trung dẫn về tự lực, tinh cần nhận thức Sự Sống Đồng Nhất, thực tại hiện tiền, vô thường vô ngã, dứt “mê tưởng tôi”, là nguyên nhân khổ não.
Lời dạy của Như Lai ít như lá trong nắm tay, cốt chỉ nói lên giáo pháp cốt lõi, thực tế: “Nguyên nhân của phiền não, và phương cách để dứt khổ đau”. Cái hiểu biết uyên thâm chưa hết nắm lá của con người, không có gì đáng để tự cao tự đại, phóng tác, tưởng luận, lý thuyết mơ hồ. Lợi ích thực tiễn chỉ có khi thực hành những Pháp trợ đạo, không dính chấp, không tác ý điên đảo.
Bài Pháp dầu tiên là 4 Diệu Đế “Khổ - Tập - Diệt - Đạo”, hiển bày nhân quả, luật công bằng thiên nhiên. Nhận thức Đất, Nước, Lửa, Gió, theo nhân duyên, đang diễn biến là vạn vật vô thường, kinh qua càng dính chấp càng khổ não. Từ đó sinh nhàm chán, mới có thể buông dính chấp, dứt “mê tưởng tôi”. Thực hành 8 chánh đạo, lợi ích người vật, làm sáng tỏ Sự Sống Đồng Nhất, sống thanh an tự tại trong Thực Tại hiện tiền, là mục tiêu chính yếu của giáo pháp Như Lai.
TIÊU CHUẨN & ĐẶC TÍNH
Tòan bộ giáo pháp của Như Lai xây dựng trên bài pháp 4 Diệu Đế: Khổ, tập, diệt, đạo. Đây là bài pháp rốt ráo, tuyệt vời, khẳng định 3 tiêu chuẩn:
1- Hiển bày định luật Thiên Nhiên: nhân quả diễn biến, Vô thường.
2- Nhận thức nguyên nhân của khổ đau là dính chấp, là “mê tưởng tôi”.
3- Phương pháp dứt đau khổ, sống an vui: là dứt “mê tưởng tôi” là Vô ngã.
Nên nói 3 pháp ấn cùa như lai là:
- Vô thường (vạn vật luôn biến đổi)
- Khổ (Do dính chấp, “mê tưởng tôi”)
- Vô ngã (Không riêng lẻ, không tự chủ, chỉ có Sự Sống Đồng Nhất đang là thực tại hiện tiền diễn biến theo nhân duyên).
Giáo Pháp Như Lai có 5 đặc tính:
1- Thực tế: Giải quyết ngay gốc phiền não đau khổ trong cuộc sống thực tại của con người, không nói chuyện trên trời, dưới đất. Dù thuyết giảng cho ai, căn cơ, cảnh giới nào, Đức Phật cũng dạy 4 Diệu Đế dứt “mê tưởng tôi”mà thôi.
2- Minh bạch: nhân quả rõ ràng, nhận thức Thân, thọ, tâm, pháp là vô thường, ngay đây, bây giờ dứt tham sân si (mê tưởng tôi) là an vui. không tưởng tượng những cảnh trời, mơ hồ, không mê tín thần thoại, hiển linh không liên quan đến việc dứt nguyên nhân của khổ đau: “mê tưởng tôi”.
3- Tự lực: Không có thầy tổ, thần thánh nào có thể bẻ cong nhân quả, công bằng thiên nhiên, không ai có thể bỏ được “mê tưởng” của người khác. Mỗi người phải tự bỏ “mê tưởng tôi”, xa lánh việc ác, gieo trồng nhân lành, không mê tín, cầu xin, dựa dẫm.
4- Đơn giản: Thực hành ngay trên thân nầy, tỉnh thức nơi từng hơi thở, lời nói, cử chỉ động tỉnh, nơi từng cảm thọ, từng khởi động và vận hành của tư tưởng, nhận rõ vô thường. Tự kinh nghiệm dính chấp là khổ, không dính chấp là an ổn. Không tưởng luận thần thoại, rối rắm, mơ hồ.
5- Phổ thông: Bất cứ ai, ở đâu, lúc nào ứng dụng thực hành cũng có kết quả tốt, chỉ cần kiên nhẫn, tỉnh thức tự lực thực hành, xa lánh việc ác, gieo trồng nhân lành, ghi nhận và giữ tư tưởng trong sạch, nhận thức thân, thọ, tâm, pháp, không dính chấp, dứt “mê tưởng tôi” là bình an, tự tại.
Nhận thức vạn pháp duyên sinh, vô thường, vô ngã, đang diễn biến tuyệt vời. Do tư tưởng dính chấp đưa đến khổ ưu. Ứng dụng 4 lẽ thật, thực hành những pháp trợ đạo, cốt lõi là 4 niệm xứ, Không dính chấp, không tác ý phản ứng, dứt si tham sân. Dứt được “mê tưởng tôi”, thì Thực Tại hiện tiền Sự Sống Đồng Nhất đang phổ hiện tuyệt vời, tâm từ rộng mở lợi ích chúng sinh. Đây là đặc tính và tiêu chuẩn cốt lõi của Đạo, của giáo pháp Như Lai chỉ dạy.
Trong bộ Avatamsaka (Hoa Nghiêm, phẩm Thập Định), Ngài Nagar juna đã copy ý nghĩa trên, ghi nhận Sự Sống Đồng Nhất, qua mẩu chuyện phóng tác Như Lai chỉ dạy: Muốn thấy được Ngài Samanta bhadra, phải:
1) - Nhận thức vạn pháp mười phương là thân Ngài đang phổ hiện. (?)
2) - Nhận thức Sự Sống phổ hiện Thực Tại Đồng Nhất (không hai).
3) - Nhận thức thân mình đồng thân Ngài.(?)
[Quý phật tử và độc giả lưu ý: Đoạn này tác giả Tỉnh Giác dẫn kinh Hoa Nghiêm để chứng minh cho 5 đặc tính của giáo pháp Như Lai. Nhưng rất tiếc, nếu theo kinh này thì 5 đặc tính vừa nêu trên không còn nữa. Vì các kinh Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Pháp Hoa, Kim Cang… là loại kinh tưởng, không có pháp tu hành, không có 8 chánh đạo, chỉ là hý luận của các Tổ chứ không phải Phật thuyết.
GNCN xin trích dẫn một đoạn trong “LƯỢC GIẢI KINH HOA NGHIÊM” của tác giả Thích Trí Quảng để quý vị suy ngẫm:
“Theo phán giáo của Thiên Thai Trí Giả đại sư, sau khi Đức Phật thành đạo, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong 21 ngày và sau đó Ngài đến Lộc Uyển độ 5 anh em Kiều Trần Như, bắt đầu lập giáo khai tông. Trên đường hoằng truyền chánh pháp, Đức Phật giảng kinh Phương Đẳng, Bát Nhã, Pháp Hoa, Niết Bàn.
Cách phán giáo của Trí Giả đại sư được Phật giáo Đại Thừa tán đồng. Phật giáo nguyên thủy cũng ghi nhận giống ở điểm sau khi thành đạo (?), Phật ngồi tư duy ở Bồ đề đạo tràng trong 21 ngày. Theo kiến giải của Phật giáo Đại Thừa, trong 21 ngày tư duy ấy, Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm trong thiền định. (?)
Thiết lập pháp hội Hoa Nghiêm với hội chúng, hội trường có điểm khác lạ. Theo kinh Hoa Nghiêm lục thập quyển thì có 8 hội, nhưng kinh Hoa Nghiêm bát thập quyển ghi nhận có 9 hội. Đến phần kết của hội Hoa Nghiêm vẫn có mặt Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan, nhưng các Ngài không nghe được. Ý này được kinh diễn tả rằng chúng Thanh văn như người mù, người điếc dự hội…” (Kinh HN hủy báng các vị A-la-hán đại đệ tử Phật hết mức).
Nguồn: http://thuvienhoasen.org/p17a18866/chuong-i-lich-su-kinh-hoa-nghiem
Tìm hiểu thêm: http://www.chuahuenghiem.net/thu-vien/sach/luoc-giai-kinh-hoa-nghiem/vi-bo-tat-thap-dinh/
1- Trong khi thiền định tâm định trên thân, thân định trên tâm (bất động) - Ngài thuyết kinh Hoa Nghiêm bằng phương pháp nào? Khẩu thuyết, Thân thuyết hay Ý thuyết?
2- Đức Phật vừa mới chứng đạo ("Thiên thượng thiên hạ, Duy Ngã độc tôn...") mà đã sớm vội thuyết kinh Hoa Nghiêm cao siêu. Vậy trong pháp đường ai là người nghe pháp? Các ngài Xá Lợi Phất, Mục Kiền Liên, A Nan... khi ấy còn chưa gặp Ngài. (Vài sự vô lý hết sức đơn giản, dễ thấy như vậy mà...!!! Thế đủ biết các Tổ xưa rất vụng hý luận, rồi bao lớp thầy, Tổ sau cứ cúi đầu tin nghe theo rất là ngu ngốc)].
V - GIÁO PHÁP & ỨNG DỤNG
GIÁO PHÁP
Vũ trụ từ vô thủy vốn như như, vạn vật hình thành và vận hành theo nhân duyên. Do đủ duyên, đất, nước, lửa, gió tụ tán, liền có hình tướng, có Sự Sống, Tánh, Thể, Tướng, Dụng bất khả phân.
Sự Sống Đồng Nhất vốn thanh an, tự tại. Mọi bất an, phiền não, đau khổ chỉ bắt đầu từ tư tưởng.Từ một niệm mê khởi, vận hành, phân biệt danh, tướng, có 6 căn tiếp xúc với đối tượng, có cảm thọ, dính chấp, ưa ghét, nắm giữ, có “của ta”, được mất, sinh tử. 12 nhân duyên là chuỗi nhân quả liên tục không có chỗ khởi đầu, không có chỗ dứt. Từ mê tưởng có một cái “tôi” riêng biệt ngoài Sự Sống Đồng Nhất. Từ mê tưởng phân biệt, dính chấp đưa đến tham sân, lo sợ, khổ não.
Từ nguyên thuỷ, một niệm mê, tự đồng hoá với thân tâm, cảm thọ, cho là “tôi”. “Mê tưởng tôi” lại dính chấp theo hiện tướng, sinh tham sân, phiền não, khổ đau. Muốn dứt đau khổ, không thể truy tìm về quá khứ, cũng không thể mong cầu ở tương lai. Chỉ ngay đây, bây giờ, dứt bỏ dính chấp, và chủ nhân của dính chấp là “mê tưởng tôi”. Thì Thực Tại hiện tiền, đang là, nhân thế nào, hiện tướng thế ấy, duyên đâu là đó, đã có mặt tại chỗ. Đây là sáng tạo (?) tuyệt vời, tự tại vô ngại, Sự Sống Thiên Nhiên Đồng Nhất,
Thế Tôn dạy: “Các con lấy giáo pháp và giới luật làm thầy. Giáo pháp Như Lai không có điều gì mơ hồ, bí mật, không có lời nào mang ẩn ý”. Toàn thể giáo pháp Như Lai đều xây dựng trên bài pháp 4 chữ: “Khổ - Tập - Diệt - Đạo”.
*1)- Khổ: Cái khổ được phân tích cặn kẽ, để con người thấy rõ nguyên nhân của nó. Cuộc đời là Sự Sống thực tại, Đồng Nhất, theo nhân duyên diển biến, luôn đổi mới, sống động tuyệt vời. Nhưng con người thấy thân, tâm và cuộc đời đầy đau khổ, đây là “Quả” do nhân “Tập”.
*2)- Tập: là thói quen, phân biệt, ưa, ghét, dính chấp những sự kiện, những hiện tướng của Sự Sống, đưa đến tham, sân, lo, buồn, sợ hãi… Nhưng cái gì dính chấp?, cái gì tham, sân, lo, buồn, sợ hãi? Thân tâm và vạn vật mười phương, là Sự Sống Đang Là, do tư tưởng mê lầm nhận Thân tâm là “tôi” riêng biệt. Chính cái “mê tưởng tôi” nầy là chủ nhân của dính chấp, tham sân, là chánh phạm, là gốc rễ của phiền não đau khổ. Như Lai dạy: Muốn dứt khổ chỉ có một cách duy nhất là dứt “mê tưởng tôi”: Diệt.
*3)- Diệt: là dứt “mê tưởng tôi”, gốc của khổ đau. “Mê tưởng tôi” thâm căn cố đế, thiên hình vạn trạng, khó nhận thức, khó loại trừ. Không thể dựa vào đức tin, thờ lạy, cầu xin, không thể tưởng tượng mơ hồ, mà phải nhận thức rõ thực chất và kinh qua những hậu quả tai hại của nó. Vũ trụ, vạn vật đang vận hành theo nhân duyên. Dứt “mê tưởng tôi” thì tất cả hiện tướng, là Sự Sống Thực Tại hiện tiền, là sáng tạo tuyệt vời. Đây là “Quả” do nhân “Đạo”.
*4)- Đạo: Đạo ở đây là phương cách, tiến trình Như Lai mở bày để chỉ rõ từng bước thực hành. Theo đó người học đạo sẽ dứt được dính chấp, dứt được “mê tưởng tôi”, dứt khổ đau, thực tế, rõ ràng. Đạo có 8 bước gồm 37 pháp:
-- Bước 1: Bốn Nhân lành:
Mỗi người là một đơn vị, là nhân duyên hình thành của gia đình, xã hội, thế giới, vũ trụ đang diễn biến, nên cảnh giới an vui chỉ có khi tất cả ý nghĩ, lời nói, việc đang làm và sắp làm có hại cho người, vật phải dứt bỏ. Ngược lại tất cả ý nghĩ, lời nói, việc đang làm và sắp làm có lợi ích cho người vật cần phát huy. Thực hành 4 điều căn bản này, đời sống cá nhân, gia đình, xã hội, sẽ an vui, là tự độ, độ tha, là Bồ tát đạo, là duyên gặp chánh pháp.
-- Bước 2: Bốn ý nguyện:
- Ý nguyện kiên quyết bỏ việc ác, gieo nhân lành, giữ tâm ý trong sạch.
- Ý nguyện tinh tấn kiên trì, tìm học chánh pháp, dứt trừ phiền não.
- Ý nguyện quyết tâm tư duy, thấu triệt mục tiêu của giáo pháp không xao lãng.
- Ý nguyện siêng năng thực hành giáo pháp không giải đãi.
-- Bước 3: Năm Căn:
Chánh niệm nơi Mắt, tai, mủi, lưỡi, thân, khi hít thở, thấy người vật, nghe âm thanh, biết mùi, vi, xúc chạm, ghi nhận rõ ràng, ngay khi khởi đầu của những cảm thọ, hay tư tưởng v.v… như vậy chúng sẽ không có khả năng chủ động.
Hướng ý căn về 5 căn bản:
- Tin nhân quả.
- Tinh tấn thực hành 4 nhân lành, 4 ý nguyện.
- Từng niệm ghi nhận 5 căn.
- Giữ ý tưởng không loạn động.
- Nhận thức nhân quả, không mê tín tưởng luận mơ hồ.
-- Bước 4: năm Lực:
Thực hành 5 căn đưa đến 5 lực:
- Tin thực hành chánh pháp sẽ có an vui.
- Tinh tấn thực hành giáo pháp dù trở ngại.
- Ghi nhận vạn vật tùy duyên nên vô thường là tất yếu, không sợ hãi.
- Tư tưởng mất khả năng chủ động.
- Tuệ tri nguyên nhân của sầu não, khổ ưu là dính chấp, là “mê tưởng tôi”.
-- Bước 5: Nhận thức 4 Niệm xứ:
Qua 4 bước trên, con người tuy có an ổn, nhưng “mê tưởng tôi” vẫn còn đó, luôn vi tế nhập cuộc, hướng ý nguyện, tín và tấn lực vào tưởng, luận mơ hồ, mê tín. Làm lệch hướng niệm, định lực. Vô hiệu hóa tuệ lực. “Mê tưởng tôi” thâm căn cố đế, khó loại trừ, không thể thờ lạy, cầu xin, không thể tưởng tượng mơ hồ mà dứt được. Dù biết vạn pháp duyên sinh vô thường, “như huyễn”, dù miên mật vọng tưởng, “Tánh không”, “Tướng không”, ‘Chơn không”, vạn pháp vẫn hiện hữu, đang diễn biến, vẫn là Sự Sống Thiên Nhiên, Thực Tại hiện tiền. Vì:
- Thực Tánh pháp uyển chuyển tuỳ duyên.
- Thực tướng pháp, diển biến vô thuờng.
Muốn dứt “mê tưởng tôi” phải có ý chí, quyết tâm, kiên trì suy xét, thực chất và những ảnh hưởng tai hại của dính chấp. Như Lai dạy nhận thức 4 xứ: Thân, Cảm xúc, Tư tưởng và vạn vật, tất cả là Sự Sống Thiên Nhiên, liên hệ lẫn nhau trong một hệ thống nhân duyên chằng chịt, luôn đổi mới. Nếu dính chấp là phiền não, càng dính chấp càng khổ đau. Từ đó sinh nhàm chán, mới có thể buông dính chấp, từ bỏ được “mê tưởng tôi”. Đây là chỗ thiết yếu mà Như Lai đã từ bi 2 lần nhấn mạnh trong kinh 4 niệm xứ.
-- Bước 6: Bảy Tỉnh thức:
Ứng dụng 4 niệm xứ, tỉnh thức chánh niệm, dứt trừ ‘mê tưởng tôi”, sẽ đưa đến thành quả 7 tỉnh thức:
- Tuệ tri mục tiêu và đặc tính của chánh pháp, thực hành không lầm lẫn.
- Tuệ tri Sự Sống Đồng Nhất, không tưởng luận mơ hồ, mê tín.
- Tuệ tri nhân quả, tinh tấn gieo nhân lành, xa lánh những điều tội lỗi .
- Tuệ tri Sự Sống Đồng Nhất, không dính chấp.
- Tuệ tri nhân quả 3 thời, tuỳ duyên, thuận pháp.
- Tuệ tri Sự Sống Đồng Nhất, khinh an không còn bồn chồn.
- Tuệ tri Sự Sống Đồng Nhất, Buông xả, tự tại, thanh an.
-- Bước 7: Bốn vô lượng tâm:
Qua 4 niệm xứ, dứt “mê tưởng tôi”, qua 7 tỉnh thức tuệ tri Sự Sống Đồng Nhất, khởi 4 tâm: Từ, Bi, Hỉ, Xả, an vui, lợi ích người vật là cung dưởng Như Lai, thỉnh Phật trụ thế.
-- Bước 8: Bốn hồi hướng (?):
- Mười phương hồi hướng nguyện chúng sanh tỉnh thức Sự Sống Đồng Nhất.
- Mười phương hồi hướng nguyện chúng sanh nhận thức nhân quả, vô thường.
- Mười phương hồi hướng nguyện chúng sanh dứt mê lầm ngã chấp đảo điên.
- Mười phương hồi hướng nguyện chúng sanh từ bi (giới luật) lợi ích người vật .
Mười phương là mọi lúc mọi nơi, từng ý nghĩ, hơi thở, lời nói, từng động tĩnh, tỉnh thức hồi hướng về: Tam bảo và lợi ích chúng sanh.
37 pháp trợ đạo có 8 phần, người học đạo, có thể ứng dụng thực hành theo thứ tự, hay từng phần riêng cũng có kết quả an vui lợi ích. Riêng 4 niệm xứ là then chốt, cốt lõi để giải thoát “mê tưởng tôi”.
Đời lắm KHỔ là quả
Do TẬP nhân dính chấp
DIỆT tập nhân si mê
ĐẠO dứt “ngã” đời vui.
ỨNG DỤNG
Người học đạo cần tỉnh thức, quyết chí nhận thức 4 Diệu Đế, thực hành 37 pháp trợ đạo mà “4 niệm xứ” là then chốt. Đây là bài pháp vô cùng quan trọng mà Như Lai đã 2 lần nhấn mạnh khi mở đầu và kết thúc bài kinh: "Con đường độc nhất đưa đến thanh tịnh, dứt sầu não, diệt khổ ưu, thành tựu chánh trí, chứng ngộ niết bàn, là 4 niệm xứ". Đây là pháp hành thực tế, minh bạch, đơn giản.
- Nhận thức về thân, thân được kết hợp bởi 4 yếu tố: Đất, Nước, Lửa, Gió. Là một phần tử của Sự Sống Thực Tại không có gì là “tôi” riêng lẻ. Tỉnh thức ghi nhận từng hơi thở ra vào, từng cử chỉ động tỉnh, từng thân phần của thân thể, nhận biết rõ toàn thể cơ thể đang diễn biến, là vô thường. Vô thường tự nó là hiện tượng cần thiết để Sự Sống luôn tươi mới. Cái khổ chỉ có do tư tưởng phân biệt, dính chấp. Mê tưởng sắc thân là “tôi”, là tự tách rời Sự Sống đồng nhất, liền nhận sinh tử, lại dính chấp những hiện tướng của Sự Sống sinh tham sân, lo sợ, càng dính chấp, càng phiền não, khổ đau.
- Nhận thức về thọ, xúc cảm là cộng hưởng của thân tâm và đối tượng. Nhận thức từng cảm thọ khổ lạc sinh diệt, thuộc vật chất hay tinh thần, nếu không dính chấp, tác ý ưa ghét, phản ứng, thì tất cả là hiện tượng đang diễn biến của Sự Sống Thực Tại bình thường nếu dính chấp, tác ý ưa ghét, phản ứng, liền trở thành đau khổ, trầm trọng hơn.
- Nhận thức về tư tưởng. Tư tưởng là phương tiện để lợi ích Sự Sống Thực Tại, nhưng mê tưởng phản chức năng, muốn hằng hữu, muốn chủ động, muốn chiếm hửu, luôn len lỏi nhập cuộc dưới mọi hình thức, biến đổi vô thường. Tỉnh thức ghi nhận từng niệm khởi, vận hành, diễn biến, tham sân hay không tham sân, mê hay tỉnh, như thế tư tưởng sẽ mất khả năng chủ động gây sầu não, khổ ưu.
- Nhận thức từ một niệm mê, một niệm tưởng khởi, niệm nầy dứt làm duyên cho niệm khác sinh, những niệm tưởng là chúng sinh nhân, là duyên đất, nước, lửa, gió tụ-tán, biến đổi liên tục từ không ra có, từ có ra không, là chúng sinh quả. Những hiện tướng lại là duyên, nên tướng chúng sanh nầy dứt, liền biểu hiện tướng chúng sanh khác, theo luật nhân quả, duyên nghiệp, và đồng thanh tương ứng, diễn biến vô thường, vô ngã.
Trong từng hơi thở, từng bước đi, từng cảm thọ, từng sự khởi động và vận hành của tư tưởng, đến mọi diễn biến của sắc tướng, âm thanh trong thực tại. Tinh cần ghi nhận vô thường, nhận rõ càng dính chấp càng thêm phiền não khổ đau. Từ đó nhàm chán thân tâm, sợ dính chấp, mới có thể dứt được “mê tưởng tôi”. Phật, chúng sinh, vạn vật là những phần tử của Sự Sống Thiên Nhiên… Như đầu, thân, tứ chi và tất cả tế bào là những phần tử của thân người. Như tất cả ảnh trong gương, mỗi ảnh tuy khác nhau, nhưng chạm vào bất cứ ảnh nào cũng là chạm vào mặt gương, nên chăm sóc lau rửa, cho tất cả hình ảnh tươi sạch, là mặt gương trong sáng.
Ứng dụng Khổ - Tập - Diệt - Đạo, dứt “mê tưởng tôi”, thì ngay đây, bây giờ Thực Tại hiện tiền, Sự Sống Đồng Nhất, con người sẽ sống trong môi trường 8 chánh đạo: Chánh kiến, Chánh tư duy, Chánh ngữ, Chánh nghiệp, Chánh mạng, Chánh tinh tấn, Chánh niệm, Chánh định. Đây là thành quả, là định hướng của Đạo Đế, mà pháp cốt lõi là 4 niệm xứ.
Kiên quyết, kiên trì tỉnh thức là yếu tố thiết yếu để ứng dụng, thực hành giáo pháp Như Lai. Tỉnh thức được tính trong “sát na”.Từng sát na tỉnh thức ghi nhận 4 xứ, qua từng khởi động và vận hành của tư tưởng mới có thể nhận thức được nguyên thuỷ của vấn đề… Không nhận thức kịp một niệm khởi, vận hành diễn biến qua nhiều sát na để trở thành ưa, ghét, thành lời nói, hành động, mới thấy, nghe, biết là vọng, là huyễn, là không… thì e rằng đả quá trễ!.
(Còn tiếp)