Skip directly to content

018-LỐI VỀ SEN NỞ - Phương Minh

LỐI VỀ SEN NỞ

Đã hơn 2500 năm, lời Phật dạy còn đây, vẫn đầy đủ tính nguyên sơ chân thực bảo đảm cho những người con yêu thương của Ngài đi đến nơi, về đến chốn. Bâng khuâng ngơ ngác trước bao nhiêu nẻo đường lạc lõng sau khi Ngài nhập diệt chẳng bao lâu, người Phật tử như người đi trong đêm không ánh đuốc soi đường, như cuộc hải trình không la bàn dẫn lối.

Phải chăng, sau khi đức Phật Niết bàn thì đạo Phật không có người chỉ đường, không có bậc đạo sư? Không phải vậy, chúng ta bình tâm lại suy tư.    

Người chỉ đường mà đức Phật đã căn dặn lại: “- Này Ananda, nếu trong các ngươi có người nghĩ rằng: "Lời nói của bậc Ðạo Sư không còn nữa. Chúng ta không có Ðạo Sư (giáo chủ)". Này Ananda, chớ có những tư tưởng như vậy. Này Ananda, Pháp và Luật, Ta đã giảng dạy và trình bày, sau khi Ta diệt độ, chính Pháp và Luật ấy sẽ là Ðạo Sư của các Ngươi”… (Kinh Đại Bát Niết Bàn).

Trải hơn hai mươi lăm thế kỷ, Chánh pháp và Giới luật của Phật đã bị lãng quên, thay vào đó là một hệ thống triết lý đủ loại đưa vào vẫn xưng danh đạo Phật khiến người Phật tử đời sau không biết lối nào về.

May mắn thay cho toàn nhân loại nói chung, dân tộc và Phật tử Việt Nam nói riêng, ngày nay được thỏa thích tắm mát trong dòng sông Giới luật và thấm nhuần nền đạo đức Nhân bản - Nhân quả mà bậc A la hán – Trưởng lão Thích Thông Lạc gây dựng lại.

Lời dạy: “Giới luật còn là đạo Phật còn, giới luật mất là đạo Phật mất” đã chứng minh rõ ràng mấy mươi thế kỷ qua đạo Phật tuy vẫn có danh nhưng thực đạo Phật thì không còn. Ngày nay đạo Phật đã trở lại với loài người.

Hân hoan bước trên lối về sen nở, chúng ta cùng đặt vững niềm tin theo chân bậc Đạo Sư. Con đường dẫn đến đóa sen ngát hương thơm đạo đức mà đức Phật đã dạy xưa kia, ngày nay Trưởng lão Thích Thông Lạc truyền dạy lại thật không hai, không khác.

Bài pháp căn bản Tứ Diệu Đế: Khổ. Tập, Diệt, Đạo mà đức Phật đã dạy, trong đó có Đạo đế. Đạo đế chính là con đường chân chánh nhất để hành giả đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn. Một điều để chúng ta dễ nhận ra, giáo lý nào có Đạo đế là giáo lý Phật dạy dẫn người tu hành giải thoát. Giáo lý nào không có Đạo đế thì không phải là đạo Phật. Ngoài Đạo đế thì không có con đường nào khác nữa có thể dẫn đến sen thơm.

TÓM LƯỢC HÀNH TRÌNH LỐI VỀ SEN NỞ

1- Đạo đế là con đường Tám Chánh gồm: Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn, Chánh Niệm và Chánh Định. Tám Chánh của Đạo đế mà đức Phật đã dạy chính là tám lớp học, được phân thành ba cấp từ thấp đến cao là: Giới - Định - Tuệ.

            1.1- Cấp I, Giới Luật gốm 7 lớp phải tu học bảy năm.
            1.2- Cấp II, Thiền Định gồm có Bốn Thiền phải tu học bảy tháng.
            1.3- Cấp III, Trí Tuệ gồm có Tam Minh phải tu học bảy ngày.

            2- Pháp học đầu tiên của người phật tử là Tứ Diệu Đế 
            3- Pháp tu đầu tiên là Tứ Chánh Cần.
            4- Pháp tu cuối cùng là Tứ Niệm Xứ.
            5- Pháp chứng cuối cùng là Tam Minh.

6- Người tu sĩ cũng như người cư sĩ, khi tu học theo Phật giáo phải lấy sự tu tập Chánh Niệm Tỉnh Thức (cũng tức là Thân Hành Niệm hay Tứ Niệm xứ) làm đầu. Đồng thời phải nương theo bốn Định Tu Tập để tu. Các định tu tập gồm có 4:

            6.1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác.
            6.2- Định Niệm Hơi Thở.
            6.3- Định Vô Lậu.
            6.4- Định Sáng suốt (còn gọi Định Thư Giãn)

7- Trên con đường Tám Chánh phải luôn nương theo Ba Mươi Bảy phẩm trợ đạo không được lơi lỏng. Ba mươi bảy phẩm trợ đạo bao gồm: Ngũ căn; Ngũ lực, Tứ Chánh cần; Tứ Bất Hoại tịnh; Tứ Vô Lượng tâm, Tứ Niệm xứ; Bảy Giác chi; Tứ Thần túc.

            7.1- Ngũ căn: Nhãn căn; Nhĩ căn; Tỷ Căn; Thiệt căn; Thân căn.
            7.2- Ngũ lực: Tín lực; Tấn lực; Niệm lực; Định lực; Tuệ lực.
            7.3- Tứ Chánh cần: Ngăn ác; Diệt ác pháp; Sinh thiện; Tăng trưởng thiện pháp.
            7.4- Tứ Bất Hoại tịnh: Niệm Phật; Niệm Pháp; Niệm Tăng; Niệm Giới.
            7.5- Tứ Vô lượng tâm: Từ; Bi; Hỷ; Xả (vô lượng).
            7.6- Tứ Niệm xứ: Niệm Thân; Niệm Thọ; Niệm Tâm; Niệm Pháp.
            7.7- Bảy Năng lực Giác chi: Tinh tấn; Niệm; Định; Khinh an; Hỷ; Xả; Trạch pháp giác chi (bảy Năng Lực trình tự xuất hiện khác với bảy Pháp giác chi).
            7.8- Bốn Thần túc: Định như ý túc; Tinh tấn như ý túc; Tuệ như ý túc; Dục như ý túc. (11 pháp bao gồm: Bảy Năng Lực và Bốn Thần Túc là pháp thành tựu do tu Tứ Niệm Xứ mà có).   

8- Pháp môn Tứ Niệm Xứ (cũng là Chánh Niệm hay Thân Hành Niệm) là pháp môn tu tập cuối cùng để đi đến chứng đạo. Tứ Niệm Xứ tu tập trong ba giai đoạn:

            8.1- Tứ Chánh Cần trên Tứ Niệm Xứ.
            8.2- Tứ Niệm Xứ trên Tứ Niệm Xứ.
            8.3- Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ.

9- Khi hành giả tu tập Giới luật nghiêm mật (hoàn thiện cấp I) mới có thể tu pháp môn Tứ Niệm Xứ, nếu giới luật chưa xong mà tu Tứ Niệm Xứ thì dễ gặp nguy hiểm.

Tu Thân Hành Niệm trên Tứ Niệm Xứ là pháp tu cuối cùng, khi Thân Hành Niệm sung mãn thì bảy Năng lực Giác chi xuất hiện và Bốn Thần túc đầy đủ, chỉ khi ấy hành giả mới có thể nhập vào Bốn Thánh Định một cách dễ dàng. (Bốn Thánh định là định thể nhập ‘thành tựu’ chứ không phải là định tu tập). 

10- Bốn Thánh Định không phải như bốn nấc của một cây thang, mà Bốn thánh định như Bốn tòa nhà nằm thong dong, hành giả có chìa khóa Định Như Ý Túc thì muốn vào nhà nào tùy ý.

10.1- Bốn Thánh Định: Sơ, Nhị, Tam, Tứ Thiền là định Hữu Sắc, nó khác rất xa với bốn định Vô Sắc của ngoại đạo: Không Vô Biên xứ, Thức Vô Biên xứ, Vô Sở Hữu xứ, và Phi Tưởng Phi Phi Tưởng xứ.

10.2- Người tu đạt Bốn Thánh Định thì đầy đủ Lục Thông và Tam Minh, tức là đã sạch lậu hoặc, làm chủ Sanh, Lão, Bệnh, Tử, chấm dứt tái sanh luân hồi.

10.3- Người tu đạt bốn định Vô Sắc thì chỉ có Ngũ Thông (không có Lậu Tận Thông) nên không có Tam Minh. Tham, sân, si vẫn còn đủ nên không làm chủ được sanh tử và còn phải tái sanh luân hồi (như các thầy Tổ của các Tông phái chỉ đạt đến đây).

11- Khi và chỉ khi nào nhập xong Tứ Thiền thì mới hướng tâm đến Tam Minh, và khi chứng Tam Minh tức hành giả đã tu xong, đã là hoa sen ngát hương thơm, không còn phải tu thêm gì nữa.  

Trên đây là tóm lược hành trình “lối về sen nở” trên cơ sở của tạng kinh Nykàya do HT Minh Châu dịch từ tạng Pali sang Việt ngữ. Lời giảng dạy là của Trưởng lão Thích Thông Lạc, Người đã đi trọn con đường này, Ngài giảng bằng kinh nghiệm thực tu (theo giáo pháp Nguyên Thủy), thực chứng của mình nên có thể không tương ưng với những kinh sách khác.

Phật tử Việt Nam, dân tộc Việt Nam rất tự hào đã có một người tu sĩ tuyệt vời, Ngài đã đạt được tất cả những gì mà trước kia đức Phật đã đạt. Lời dạy của Ngài như thật, làm sáng lại những gì trước kia đức Phật đã dạy chứ Ngài không kiến tưởng giải như các thầy Tổ xưa nay.