092-ĐỌC SÁCH GIÙM BẠN - Quoi Phu.
Lời BBT GNCN,
Kính thưa quý Phật tử và độc giả!
Chúng tôi vừa nhận được bài viết của tác giả Quoi Phu gửi đến với chủ đề đọc sách giùm bạn. Qua những trích đoạn và bình luận của tác giả về hai tác phẩm “Bồ tát tại gia, Bồ tát xuất gia” (Thích Nhất Hạnh, NXB Lá Bối 1991) và “Chánh pháp và Hạnh phúc” (HT Thích Minh Châu, NXB Tôn giáo 2001). Nhận thấy từ một số trích đoạn và lời bình của Quoi Phu có giá trị giúp quý Phật tử và độc giả có thêm tư liệu để tư duy về “Chánh Đạo, Tà Đạo” hầu chọn lựa cho mình con đường tu học không bị lầm lạc bởi kinh sách phát triển Đại Thừa và Thiền Tông.
Trước khi tìm hiểu những lời bình của Quoi Phu, chúng tôi xin giới thiệu đến quý vị trích đoạn những lời dạy của Trưởng Lão Thích Thông Lạc có liên quan với nội dung này:
...“Đức Phật đã xác định: “Không xả tâm tham thì nhân luân hồi không dứt”. Nhờ lời dạy này chúng ta biết rõ nguyên nhân luân hồi là tâm tham. Cho nên, người nào tâm còn tham là còn luân hồi; người nào dứt tâm tham là dứt luân hồi. Do lời dạy xác định này mà trên đường tu tập chúng ta biết rõ mình còn luân hồi hay đã hết luân hồi. Tâm tham còn là còn luân hồi, tâm tham hết là hết luân hồi.
Như vậy đạo Phật không có dạy điều gì là mơ hồ trừu tượng mê tín, mà là một sự luân hồi rất cụ thể rõ ràng. Vì tâm tôi hết tham thì sẽ tương ưng nơi đâu tâm không có tham, còn tâm tôi có tham thì tôi phải tương ưng với tâm tham của mọi người trên thế gian này, vì mọi người trên thế gian này tâm đều có tham. Luân hồi là như vậy, là một điều thực tế như vậy, không thể có ai chối bỏ được thuyết luân hồi này là không có. Anh còn tham thì anh tránh đâu khỏi chỗ luân hồi; anh hết tham thì luân hồi chẳng làm gì anh được. Ví như: tâm tham của anh là một tảng đá, dù anh không muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ thì nó vẫn chìm xuống tận đáy. Còn tâm anh không tham ví như giọt dầu, dù anh muốn nó chìm xuống đáy hồ, nhưng khi ném nó xuống hồ nó vẫn nổi.
Qua ý nghĩa này chúng ta mới hiểu rõ nghĩa lời Phật dạy: “Ta chỉ còn có một kiếp này nữa mà thôi”. Như vậy một người đã tu chứng đạo thì không còn luân hồi trở lại thế gian này nữa, dù người ấy có muốn cũng không được, vì họ đã trở thành giọt dầu rồi, trong thế gian này còn chỗ nào đâu mà tương ưng họ tái sanh luân hồi? Cho nên thuyết Bồ Tát tu thành chánh quả còn trở lại độ chúng sanh là học thuyết của Bà La Môn. Khi tu tập hết tham rồi, bây giờ vì độ chúng sanh nên phải tu tập tham trở lại để luân hồi. Cũng như học thuyết Phật tánh. Đã là Phật tánh là tánh giác, mà lại còn mê muội chui vào cái đãy da hôi thối (thân tứ đại), lại còn tham chùa to Phật lớn, tham xe hơi nhà lầu, v.v… Phật tánh là tánh giác thì làm sao có điều vô lý này được. Phải không các bạn? Đúng là cái lý thuyết Phật tánh là lừa đảo mọi người. Tỏ ra lòng đại bi, Bồ Tát thương xót chúng sanh như con một. Thật ra mình tu chưa xong mà muốn làm cỗ xe lớn độ chúng sanh. Thật là một người mù dẫn đường cho một đám người mù.
Luân hồi không phải là linh hồn đi luân hồi, như mọi người tưởng, mà là nghiệp tham đi luân hồi. Cho nên người tu hành là cố tâm tu tập tạo thành nghiệp không tham nơi tâm mình. Tâm không còn nghiệp tham thì chấm dứt luân hồi. Do những lời dạy này, chúng ta biết mình tu tập đến đâu. Có làm chủ sanh tử và chấm dứt luân hồi được chưa? Tu tập có giải thoát hay chưa giải thoát đều biết rất rõ ràng. Vì tu tập đến đâu có kết quả đến đó. Cho nên đức Phật nói: “Pháp Ta không có thời gian, đến để mà thấy...”
Tu theo Phật giáo chúng ta không sợ lầm đường lạc lối, vì giới luật là một nền tảng vững chắc. Ai không sống đúng giới luật thì biết người đó tu không đúng pháp. Dù họ có nói nhập Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền mà giới luật không nghiêm chỉnh thì biết họ chưa ly dục ly bất thiện pháp. Chưa ly dục, ly bất thiện pháp thì Sơ Thiền còn chưa nhập được, huống là Tam thiền, Tứ Thiền và làm chủ sanh, tử, chấm dứt luân hồi, chỉ là vọng ngữ mà thôi. Nhờ những lời dạy này, chúng ta xét về Thiền Tông và Đại Thừa mới biết rõ giáo pháp của họ là giáo pháp lừa đảo"...
I. BỒ TÁT TẠI GIA, BỒ TÁT XUẤT GIA?
(Thích Nhất Hạnh – NXB Lá Bối 1991)
Kinh Trường Bộ tập I (kinh Đại bát Niết bàn) trang 618: “Này các tỳ kheo, có thể là vị tỳ kheo hay vị đa văn hay một vị quản chúng nói: “Nầy hiền giả, tôi tự thân nghe từ miệng Đức Phật, tự thân lãnh thọ, như vậy là pháp, như vậy là luật, như vậy là lời dạy của đạo sư. Nầy các tỳ kheo, các ngươi chớ vội tán thán, chớ vội huỷ báng…mỗi mỗi chữ, mỗi mỗi câu nghe được cần phải được học hỏi kỹ lưỡng rồi đem so sánh với kinh, đem đối chiếu với luật. Khi đem so sánh với kinh, đối chiếu với luật, nếu chúng không phù hợp với kinh, không tương ứng với luật thời các ngươi có thể kết luận: chắc chắn những lời dạy này không phải là lời dạy của đức Phật và vị tỳ kheo ấy đã thọ giáo sai lầm” (Lời dạy cuối cùng của Đức Phật trong kinh Đại-bát Niết-bàn- Trường bộ kinh Nikaya)
- Trang 4 có đoạn: “Muốn xứng đáng là Phật tử, ta phải là một vị Bồ tát, không thể là một vị Thanh văn. Thanh văn là con ghẻ, Bồ tát mới là con chính thống của Bụt”.
Lời bình: Thanh văn, Duyên giác là Tiểu Thừa mà đại diện là thập đại đệ tử của đức Phật. Bồ tát là Đại Thừa. Sư Ông chê thập đại đệ tử không xứng đáng là Phật tử. Nếu đem so với Kinh Nikaya thì câu nầy không phù hợp với kinh vì trong Kinh, thập đại đệ tử được Đức Phật tuyển chọn để phụ giúp Ngài truyền bá giáo lý, giáo pháp. Sư Ông đánh giá “Thanh văn là con ghẻ, Bồ tát là con chính thống của Bụt” cũng không phù hợp với Kinh.
- Trang 5 có đoạn: “Người Đại Thừa gọi các bậc Thanh văn, Duyên giác là Nhị thừa có nghỉa là hai cỗ xe đầu. Bồ tát thừa hay đệ Tam thừa là cỗ xe thứ ba lớn hơn, chở được nhiều người hơn. Trong thời các kinh Đại Thừa vừa xuất hiện, các đại đệ tử của Bụt như thầy Xá-lợi-phất, Mục-kiền-liên, Tu-bồ-đề v.v. đều bị xem là những người Tiểu Thừa.
Trong tiến trình công phá tư tưởng Thanh văn, kinh Duy-ma-cật đã đi một bước rất xa. Kinh đích danh chỉ trích những phương pháp hành trì và tu chứng của các đại đệ tử của Bụt. Con đường hành trì của Thanh văn là pháp nhỏ. Con đường hành trì của Đại Thừa là pháp lớn”.
Lời bình: Câu trên có những điểm không phù hợp với kinh là “thuật ngữ Tiểu Thừa và Đại Thừa không có trong Kinh Nikaya” nên cũng không có cỗ xe lớn, cỗ xe nhỏ, lại càng sai trật khi gọi thập đại đệ tử là Tiểu Thừa.
- Trang 9 có đoạn: “Tất cả những kinh Đại Thừa đợt I như kinh Bát-nhã, kinh Đại Bảo tích, kinh Hoa Nghiêm, kinh Duy-ma-cật… đều là những quả đại pháo bắn vào hàng ngũ những người Thanh-văn, đả phá đường lối tu học của họ đồng thời quảng bá tư tưởng của đạo Bụt Đại Thừa. Trong số đó, kinh Duy-ma-cật là kinh công phá trực tiếp và mạnh mẽ nhất. Kinh đã không ngần ngại đích danh chỉ trích từng vị trong thập đại đệ tử của Bụt về tư tưởng và phương cách tu trì của họ”.
Lời bình: Cụm từ “những quả đại pháo bắn vào hàng ngũ những người Thanh-văn, đả phá đường lối tu học của họ. Công phá, chỉ trích từng vị trong thập đại đệ tử” tức là công phá chỉ trích Đức Phật!
- Trang 18 có đoạn: “Kinh nầy có tính cách rất thực tế, xây dựng mẫu người lý tưởng của Bồ-tát tại gia cũng như Bồ-tát xuất gia. Kinh rất hay nhưng lâu nay được rất ít người để ý… Quy y Bụt là phải thực tâm muốn thành Bụt, I want to take refuge on you, but I also want to become like you. Con muốn thành Bụt có đủ 32 tướng trang nghiêm. Quy y như vậy mới xứng đáng…”.
- Trang 19 có đoạn: “Nếu chỉ nói: Con về nương tựa nơi Bụt và suốt vô lương kiếp con chỉ có thể và chỉ muốn nắm áo Bụt thôi thì không bao giờ con có được như Ngài. Con chỉ có thể là Thanh văn, con chỉ có thể tối đa là đắc quả A-la-hán. Thái độ ấy, hành trì ấy, theo giáo lý Đại Thừa chưa phải là quy y Bụt”.
Lời bình: Kinh phỉ báng Thập đại đệ tử của đức Phật mà Sư Ông khen rất hay. Sư Ông cần 32 tướng tốt để làm gì? Theo phần sau của sách Bồ-tát tại gia, bồ-tát xuất gia, người tu Phật có thể vào dâm phòng, tửu quán nên phải đẹp trai đẹp gái, phải thế không? Người tu Phật mà chê bai quả vị A-la-hán thì không phải là người tu Phật. Sư Ông chê bai quả vị A-la-hán nên cũng không phải là người tu Phật.
- Trang 50 có đoạn: “Giá (preventive, prohibitive) tức là ngăn ngừa, không cho mình rơi vào chỗ lầm lỗi gây đau khổ cho người và cho mình. Theo tinh thần Đại Thừa thì giới Tiểu Thừa chỉ có khả năng GIÁ thôi. Đại Thừa đi xa hơn và nói rằng một người nữ có thể dùng nhan sắc của mình dẫn dụ những chàng trai hiếu sắc để đưa họ từ từ vào con đường tu học nghỉa là dùng phương tiện quyền xảo và như là không phạm giới”.
Lời bình: Các ni làm theo chỉ dạy của Sư Ông thì phải dự trữ mặt hàng có chữ O.K. mới quyền xảo không mang bầu! Còn nếu không thì có ngày phải vào bệnh viện phụ sản khám thai!
- Trang 69-70 có đoạn: “Thầy Xá Lợi Phất nói: “Tôi thấy chỗ này là đồi núi, chỗ kia là hầm hố chông gai, sỏi đá bùn lầy làm sao mà thanh tịnh được?” Vị Phạm vương nói rằng: “Do tâm của mình mà mình thấy như vậy. Nếu tâm của mình thanh tịnh thì tự nhiên mình thấy cõi này thanh tịnh”. Lúc đó Bụt muốn chứng minh lời nói của vị Phạm vương là thật, Ngài liền đưa chân ra, dí ngón chân cái xuống mặt đất, thì tự nhiên tất cả Tam thiên Đại thiên thế giới đều biến chuyển thành ra một cõi vô cùng trang nghiêm thanh tịnh, giống như cõi Vô lượng Công đức Bảo trang nghiêm của Bụt. Những bùn lầy nước đọng, những kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạn trược đều biến mất hết và thầy Xá-lợi-phất thấy mình đang ở trong Tam thiên Đại thiên thế giới thanh tịnh. Đó mới thật là cõi tịnh độ của Phật Thích Ca. Nhưng với tâm nhị thừa, tâm của người chỉ mong trốn tránh đau khổ để đi tìm Niết bàn cho riêng mình thì không thể thấy được những trang nghiêm, những thanh tịnh đó của cõi Bụt. Tại sao chư Bụt thành công trong việc dựng lên những cõi tịnh độ đẹp như cõi cực lạc của Bụt A-di-đà? Nào là ao sen bảy báu, nào là cành vàng lá ngọc, trong khi đó thì cõi cực lạc của thầy mình lại là thế giới ta bà xấu xa như vậy? Đó là tại mình chứ không phải tại thầy mình…"
Lời bình: Đạo Phật là đạo trí tuệ lấy chánh kiến chánh tư duy làm kim chỉ nam. Sư Ông quảng bá “đạo Bụt mê tín” làm mê muội Phật tử là gây nghiệp ác. Sư Ông muốn biết bậc trí tuệ đệ nhất Xá-lợi-phất đã có công chuyển mê khai ngộ trong tăng đoàn như thế nào thì tôi sẽ trích trong kinh Nikaya cho Sư Ông đọc. Sư Ông học cao hiểu rộng sao còn mê tín thế! Bịa ra cái tâm nhị thừa để nhục mạ thập đại đệ tử là gây nghiệp ác. Bịa ra vàng ngọc châu báu ở cõi cực lạc là gây nghiệp ác. Sư Ông rành luật nhân quả sao còn gây nghiệp ác?
- Trang 83 có đoạn: “Với các vị Bồ-tát thì dâm phòng, tửu tứ cũng là đạo tràng, cũng là chỗ để mình hành đạo. Khi mình có một tâm niệm Bồ-tát thì đi vào những chỗ ấy là để mình có dịp hóa độ cho người…”
Lời bình: Dâm phòng thì có dâm nữ, đôi khi có cả dâm nam. Sư Ông định hoá độ cho dâm nữ hay cho cả hai? Dâm nam mà gặp dâm nữ thì Sư Ông định hoá độ cách nào đây? Vào dâm phòng mà bị Sida thì trời cứu. Sư Ông liệu có hoá độ nổi không? Sư Ông có đến đó hoá độ cho dâm nữ nào chưa?
- Trang 90 có đoạn: “…ông Duy-ma-cật đến và nói về phương cách thực tập thiền Đại Thừa. Rồi ông kết luận rằng Xá-lợi-phất ngồi thiền như vậy là chưa đúng…. Ngồi ngay nơi giữa thị tứ mà thân tâm không động thì mới là ngồi thiền cao”.
Lời bình: Chỉ trích Xá-lợi-phất ngồi thiền chưa đúng tức là gián tiếp chê phương pháp thiền giới-định-tuệ của đức Phật. Duy-ma-cật bảo đến chỗ thị tứ ngồi thiền. Sư Ông cũng đồng tình với Duy-ma-cật nên thích nơi thị tứ nhưng chắc Sư Ông không ra giữa chợ ngồi thiền. Ở nơi thị tứ đông vui, bá tánh rộn rịp lui tới cúng dường. Chùa nơi thị tứ giàu tiền tỷ tha hồ xài!
- Trang 91 có đoạn: “Thiền Đại Thừa thì không có trong, không có ngoài, không cần phải nói chuyện đoạn trừ phiền não để đi vào Niết-bàn.
- Trang 92 có đoạn: “…ông Duy-ma-cật đến và nói Mục-kiền-liên thuyết pháp như vậy là chưa hay. Theo ông bản chất của pháp là chân lý tuyệt đối, là thực tại tuyệt đối, ta không thể dùng khái niệm và ngôn từ để diễn tả được”.
- Trang 103 có đoạn: “Thật ra thầy Tu-bồ-đề là một vị uyên thâm về Bát-nhã, về KHÔNG. Nhưng cái KHÔNG này chưa phải là Bát-nhã mà chỉ là cái KHÔNG trong Tiểu Thừa thôi. Ý kinh muốn nói vào thời gian này thầy Tu-bồ-đề chưa phải là thầy Tu-bồ-đề của Đại Thừa, thầy đang còn là Tiểu Thừa, đang ưa thích pháp nhỏ".
- Trang 104 có đoạn: “Nầy thầy Phú-lâu-na! Thầy phải cẩn thận, thầy đã biết tâm địa của những thầy nầy ra sao không mà thầy vội vàng nói PHÁP? Có thể những người nầy đang chờ PHÁP VÔ THƯỢNG của Đại Thừa mà thầy lại đem những PHÁP nhỏ của Tiểu Thừa ra dạy cho họ thì tội nghiệp cho họ lắm…”
Lời bình: Ba đoạn văn trên dựa theo hý luận của Bát-nhã tâm kinh, nếu bạn quán chiếu được “bạn không có thân, không có tâm” thì bạn lập tức qua hết thảy khổ ách. Hý luận là kiểu “lý thuyết không đem thực hành được” nên Thiền của Đại Thừa (nếu có) cũng không đem thực hành được. Sư Ông có thực hành thiền Đại Thừa “bất lập văn tự, ngoại giáo biệt truyền” chưa? Sư Ông dùng văn tự để viết sách bán thì chắc chắn là chưa rồi. Không làm thì đừng xúi người khác làm khiến họ “thọ giáo sai lầm” là gây nghiệp ác.
Thuật ngữ “pháp nhỏ” (ám chỉ Tiểu Thừa Hĩnayãna) đã bị Đại hội liên hữu Phật giáo lần I ở Colombo (Srilanka) 1950 đề nghị xóa bỏ vì có tính nhục mạ và còn bị Hội nghị Phật giáo thế giới tại Tathmandu (Nepal) 1956 đề nghị không được dùng vì có tính xúc phạm những người bảo lưu giáo lý giáo pháp của Đức Phật Thích-ca. Sư Ông có biết không mà vẫn đem thuật ngữ nầy ra nhục mạ thập đại đệ tử Phật. Người tài cao học rộng như Sư Ông thì thừa biết, tại sao vẫn làm?
- Trang 157,158 có đoạn: “Chúng ta đã nghe nói giải thoát theo Tiểu Thừa là trốn chạy sanh tử và lo cho thân mình. Nhưng giải thoát của Bồ-tát thì như thế nào? Thế nào là bị ràng buộc, thế nào gọi là được giải thoát? Tham đắm nơi thiền vị là Bồ-tát đang bị ràng buộc. Nếu bị tham đắm trong sự yên tỉnh của thiền tập, lấy thiền tập làm chỗ trú ẩn, vì sợ cuộc đời bên ngoài thì đó là mình bị ràng buộc, không có giải thoát, chưa đích thực là một vị Bồ-tát. Câu nầy như là một lời tố cáo những vị A-la-hán hay những người đang đi trên con đường trở thành A-la-hán. Họ đi tìm sự an tịnh của riêng mình”.
Lời bình: Sư Ông tố cáo những vị A-la-hán. Trong kinh Nikaya, Đức Phật tự nhận Ngài là bậc A-la-hán. Vậy là Sư Ông tố cáo đức Phật là “lo cho riêng mình”. Sư Ông có phải là người tu Phật không vậy?
- Trang 161 có đoạn: “…thầy Xá-lợi-phất được đưa ra đại diện cho Tiểu Thừa… Khi đem một vị đại diện cho Thanh văn Thừa ra để so sánh với một vị đại diện của Bồ-tát Thừa với mục đích chứng minh rằng Thanh văn Thừa yếu kém hơn Bồ-tát Thừa thì người đọc không tránh được cảm giác thầy Xá-lợi-phất bị đem ra để nhục mạ”. Trang 187 có đoạn: “Khi thấy vị Bồ-tát ngồi trong quán rượu, vui đùa với các kỷ nữ, mình biết rằng vị Bồ-tát đó vẫn ở trong chánh đạo… Một người uống rượu rất nhiều và ăn chơi trụy lạc, người đó có thể lợi dụng câu trên và nói rằng tôi là một vị Bồ-tát”.
- Trang 190 có đoạn: "Những bậc A-la-hán giác ngộ đi vào trong Niết-bàn tịch diệt là không ích lợi gì cho ai cả. Dưới con mắt của Đại Thừa, những chúng sinh đang trôi lăn trong biển sinh tử, những người phàm phu đang đau khổ trầm luân là những người có tương lai, vì nếu họ phát tâm bồ-đề, họ đi vào con đường tu tập của giáo pháp Đại Thừa thì hạt giống bồ-đề của họ sẽ có ngày nở hoa, kết trái và họ sẽ thành bậc giác ngộ hoàn toàn. Đây là một hình thức diễn tả cùng cực về một sự kiện quan trọng: Nếu trốn tránh, nếu theo pháp Tiểu Thừa, mình sẽ đánh mất những gì quý báu nhất trong con người của mình”.
Lời bình: Nếu Sư Ông uống rượu mà có kỹ nữ mời mọc, vuốt ve ôm ấp thì liệu sư Ông có từ chối được ly rượu nào không hay là “có chi mô mà ngại, trời say trời cũng đỏ gay, đất say đất cũng lăn quay ai cười”. Sư Ông say mà “vẫn ở trong chánh đạo” thì chỉ có một mình Sư Ông làm được! Giáo lý tinh yếu của Đức Phật là “tứ diệu đế” trong đó có Bát Chánh đạo. Từ chánh kiến đến chánh định, không có chánh đạo nào cho phép vui đùa với kỹ nữ, cho phép uống rượu. Ngay trong ngũ giới đã là không cho phép uống rượu rồi. Nhục mạ Xá-lợi-phất và các đại đệ tử khác thì chỉ là “hàm huyết phún nhân tiên ô tự khẩu” [ngậm máu phun người trước dơ miệng mình].
Thanh văn là ai? Bồ-tát là ai? Chỉ là những phạm trù do Đại Thừa đặt ra chớ không có hạng người Thanh văn, Duyên giác trên đời này. Đặt ra để “chê người khen mình” thì đâu xứng đáng là bậc chân tu, chỉ là những kẻ giả tu.
Theo kẻ giả tu là thọ giáo sai lầm!
II. CHÁNH PHÁP VÀ HẠNH PHÚC
(HT Thích Minh Châu NXB Tôn giáo 2001)
- Chúng tôi dịch kinh Pàli, không vì mục đích muốn ủng hộ hay không muốn ủng hộ một học phái nào, một lập trường nào. Mục đích của chúng tôi chỉ muốn giới thiệu những kinh điển có thể được xem là Nguyên thủy hay gần Nguyên thủy nhất, để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của Đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dù Ấn Độ, Trung Hoa, hay Việt Nam.
- Chúng tôi cũng không có trách nhiệm nêu lên cho đọc giả rõ, đoạn nào là Nguyên thủy, đoạn nào không phải Nguyên thủy. Chỉ có người đọc, sau khi tự mình đọc, tự mình tìm hiểu, tự mình suy tư, tự mình quan sát, tự mình chứng nghiệm trên bản thân, mới có thể tự mình hiểu và thấy đoạn nào là thật sự nguyên thủy. Trách nhiệm tìm hiểu, chứng nghiệm cá nhân là trách nhiệm của người đọc, không phải của người dịch.
- Càng dịch, chúng tôi càng thấy rõ ác ý của các nhà Bà La Môn đã dùng danh từ Tiểu Thừa để gán vào những lời dạy thực sự Nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy. Càng dịch, càng thấy rõ dụng tâm hiểm độc của các vị Bà La Môn, đã khôn khéo xuyên tạc đạo Phật, khiến cho những giáo lý căn bản, những tinh hoa cao đẹp nhất của tư tưởng nhân loại, đã bị những tư tưởng tà giáo xen lẫn, bị ruồng bỏ, bị che dấu, không được biết đến, không được học hỏi tu hành. Nhưng chân lý bao giờ cũng là chân lý, mặt trời bao giờ cũng là mặt trời. Những lời ba hoa của Ma Vương, các cuộc đo tài của những ngọn đèn lẻ tẻ mù mờ, lời lẽ bập bẹ của những kẻ mới tập tểnh đi vào con đường Triết lý, tất cả cũng chỉ là cuồng vọng đen tối, được ánh sáng rực rỡ của chân lý quét sạch
- Bên phái Nam tông, tuy tôn thờ Tam Tạng Pàli, nhưng một số phật tử cũng rơi vào nạn tương tự, là chỉ học luật tạng và A Ty Đàm tạng, bỏ rơi Kinh tạng Pàli, vì xem A Ty Đàm tạng mới đề cập đến Đệ Nhất Nghĩa Đế, còn kinh tạng chỉ bàn đến Tục Đế mà thôi. Đây cũng là một lầm lạc hết sức ngây thơ và nguy hiểm. Vì A Ty Đàm phát xuất từ kinh tạng, và bỏ để tìm ngọn thì không khác gì kẻ đi tìm lõi cây, mà chỉ mang về cành lá.
Lời bình. Ý nghĩa của những câu chữ in nghiêng:
- Giới thiệu những kinh điển để người đọc có thể tìm hiểu lời dạy chân chính của Đức Phật, khỏi qua ống kính của một học phái nào, dù Ấn Độ, Trung Hoa, hay Việt Nam. Hiện nay, rất nhiều kinh sách truyền bá tư tưởng Bà-la-môn, mê tín tà kiến, mà bảo là lời dạy chân chính của đức Phật. Đó là sách của các tổ sư các tông phái Ấn Độ, Trung Hoa viết những điều trái với lời Phật dạy như kinh Duy-ma-cật nhục mạ thập đại đệ tử của đức Phật mà gọi là lời Phật dạy.
- Không có trách nhiệm nêu lên cho đọc giả rõ, đoạn nào là nguyên thủy, đoạn nào không phải nguyên thủy. Kinh sách Nguyên thủy ghi chép những lời dạy chân chính của đức Phật nhưng có đoạn không chân chính vì nội dung mê tín, tà kiến. Ta rất dễ dàng nhận ra, chẳng hạn như đoạn ca ngợi tướng tốt của đức Phật hoàn toàn trái với lời dạy của đức Phật: “thân nầy không phải là ta, không phải của ta”, chẳng hạn như đoạn ca ngợi kinh thành tráng lệ trong kinh Đại Thiện Kiến Vương hoàn toàn trái với việc đức Phật từ bỏ hoàng cung, từ bỏ ngôi vị Thái tử… Thử hỏi ca ngợi vàng bạc lưu ly, thủy tinh, san hô, xà cừ có phải là làm tăng thêm lòng tham dục sự Nguyên thủy của đức Phật và khiến cho các Phật tử không dám đọc, không dám học, không dám tu những pháp môn ấy.
Hiện nay, không ít Phật tử bị nhồi sọ giáo lý mê tín, tà kiến của Bà-la-môn như là lễ bái đủ thứ các thần linh, cả con khỉ Tôn Ngộ Không trong truyện Tây Du ký của Ngô Thừa Ân cũng được lễ bái vì đánh đâu thắng đó nên được tôn là Đấu Chiến Thắng Phật”.
Bồ-tát giới của Đại Thừa có hai giới đe dọa Phật tử xuất gia không dám đọc, không dám học những lời dạy chân chính của đức Phật trong Đại tạng kinh Nikaya (nếu ai cãi lại thì bị đuổi ra khỏi nhà chùa và không có chùa nào tiếp nhận). Đó là giới “không được phản bội Đại Thừa” và “không được dạy giáo lý ngoài Đại Thừa”. Bồ-tát giới còn có 2 giới ép buộc tăng ni phải tu theo pháp môn Đại Thừa như là:
- Không được không phát đại nguyện (hứa)
- Không được không phát đại thệ (thề)
Phát đại nguyện và đại thệ là hứa và thề với thần linh là chỉ trì tụng duy nhất một kinh Đại Thừa nào đó. Chẳng hạn như người tu theo tông Thiên Thai hứa và thề suốt đời trì tụng kinh Pháp Hoa. Đã hứa và thề thì phải giữ nếu không thì phạm vào ngũ giới cấm. Người tu Đại Thừa không dám tu theo Tiểu Thừa là vì Bồ-tát giới ngăn cấm.
Tỷ kheo Thích Minh Châu viết không sai.