116-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (7). TL Thích Thông Lạc
32- Hơi thở ngưng, các hành trong thân có ngưng không? Hỏi: Kính thưa Thầy, khi hơi thở ngưng, các hành ngưng theo liền hay là phải đợi một thời gian lâu các hành mới ngừng? Đáp: Các hành nội thân ngưng thì hơi thở ngưng, nhưng ở đây phải hiểu, hơi thở nhẹ và mất dần cho đến khi không thấy hơi thở nữa gọi là tịnh chỉ hơi thở. Do đó các hành trong thân còn hoạt động nhẹ nhàng chưa dứt hẳn, nhất là ý căn, ý căn tức là bộ não của chúng ta. Hơi thở tịnh chỉ tức là thân hành tịnh chỉ, thân hành tịnh chỉ tức là nhập Tứ Thiền. Nhập Tứ Thiền cơ thể chưa ngưng hoạt động hoàn toàn, chỉ có nhập Diệt Thọ Tưởng Định hay là Diệt Tận Định thì cơ thể mới hoàn toàn ngưng hoạt động, chỉ còn lại từ trường của Diệt Tận Định để bảo vệ thân không bị hoại diệt. Ở đây, giai đoạn tu hành của con chưa đến tịnh chỉ hơi thở, con hỏi về hơi thở ngưng để tìm hiểu chứ kỳ thực không thể thực hiện được. Khi tâm chưa xả ly ngũ triền cái và thất kiết sử mà tu tịnh chỉ hơi thở là tự giết mình, bằng chứng con không thấy Minh Tông sao? Tu hành không xả tâm, chỉ ức chế tâm để rồi tịnh chỉ hơi thở, do đó đứt mao phế quản, khạc ra máu gây tổn thương cho phổi. Tu hành Minh Tông bỏ vợ con không được, thường gặp vợ con và bạn bè để nói chuyện, đó là ái kiết sử làm sao đoạn diệt được. Không đoạn dứt ái kiết sử mà muốn tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền là điên đảo tưởng, điên đảo tâm. Mà tâm điên đảo thì làm sao tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền được. Khi tịnh chỉ hơi thở không được thì Minh Tông nói với mọi phật tử: “Đức Phật không có dạy tịnh chỉ hơi thở, chỉ có Thầy bịa ra mà thôi.” Khi biết được tâm niệm của Minh Tông như vậy, Thầy trao cho bộ kinh Nguyên Thủy để đọc và nghiên cứu để thấy lời Phật dạy rõ ràng như thế này: “Có ba hành: 1-Khẩu hành, 2-Thân hành, 3-Ý hành. Tịnh chỉ khẩu hành nhập Nhị Thiền. Tịnh chỉ thân hành nhập Tứ Thiền. Tịnh chỉ Ý hành là nhập Diệt Tận Định. Khẩu hành là tầm tứ; Thân hành là hơi thở; Ý hành là tưởng và thọ.” Đó là kinh sách Nguyên Thủy Phật dạy rất rõ ràng như vậy, khi nào có dịp nhắc đến Tứ Thiền Thầy sẽ trích những bài kinh đó ra để phật tử nghiên cứu và đặt trọn niềm tin hơn. Xưa, Tổ Khương Tăng Hội đã có nghiên cứu đến Tứ Thiền, Tổ thấy Phật dạy tịnh chỉ hơi thở, Tổ cũng nghĩ như Minh Tông là hơi thở không thể tịnh chỉ được nên Tổ tưởng ra hơi thở tịnh chỉ là ngưng sổ tức. Còn Minh Tông không tưởng ra được như vậy và nghiên cứu kinh sách Phật không kỹ nên cho rằng Thầy bịa ra. Một vị đã nhận ra lời Phật dạy thì tưởng ra ngưng đếm hơi thở là nhập Tứ Thiền. Còn một vị không nhận ra lời Phật dạy thì cho là Thầy bịa đặt ra “Tịnh chỉ hơi thở.” Đây là một bài kệ đức Phật dạy về Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở: Khi người ta tu không được, tịnh chỉ hơi thở không xong thì họ lại bảo Thầy đặt ra pháp tịnh chỉ hơi thở, nhưng không ngờ Thiền Thứ Tư tịnh chỉ hơi thở thật và đức Phật đã dạy rõ ràng. Ở đây, để xác định lại Thiền Thứ Tư, trong kinh Nguyên Thủy có nhiều bài kinh nói về tịnh chỉ hơi thở mà đức Phật đã dạy chứ không phải Thầy bịa ra như các Tổ Đại Thừa và Thiền Đông Độ đã bịa ra nhiều pháp làm sai lệch ý Kinh và ý Phật. Cho nên những gì Thầy dạy là của Phật dạy, người ta bác Thầy tức là người ta bác Phật Thích Ca, đó là trường hợp của Minh Tông. Có một nhà học giả bảo rằng bốn Thiền của Phật là Thiền của ngoại đạo, tu không giải thoát, đó là lời nói bài bác giáo pháp của Đức Phật Thích Ca, giống như lời của các Tổ sư Đại Thừa. Lời nói của Minh Tông và các vị học giả xưa và nay đã vô minh tu hành chưa đến đâu vội xác nhận một cách sai lệch làm cho người sau mờ mịt đối với Bốn loại Thánh Định của đạo Phật. Thiền định ngưng hơi thở đâu phải là Thiền dành cho những kẻ phàm phu tâm còn đầy dẫy uế trược, bất tịnh, tham ưu v.v… Thiền định ngưng hơi thở là Thiền định dành cho những bậc giới đức thanh tịnh, tâm hoàn toàn ly dục ly ác pháp thì mới tịnh chỉ hơi thở. Một loại Thiền định dành cho những bậc Thánh, không thể dành cho những bậc phàm phu còn ăn uống phi thời, còn phạm giới, bẻ vụn giới, còn có chùa to tháp lớn, sống trong cảnh giàu sang như cung vàng điện ngọc thì làm sao nhập được những loại định này. Một loại Thiền không thể dành cho những người còn ái kiết sử trói buộc, ngồi trong thất tu mà nhớ vợ, nhớ con, nhớ tiền tài vật chất, nhớ xe hơi nhà lầu v.v… thì làm sao nhập được loại Thiền này . Trong tu viện có một vị cư sĩ muốn nhập loại thiền này mà vợ con không bỏ nên cố nín thở để tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền khiến cho phổi bị tổn thương sanh ra bệnh, đây là một kinh nghiệm rất lớn để cảnh giác cho những ai muốn tu về Tứ Thánh Định. Chúng tôi cũng được nghe ở Quy Nhơn có một bác sĩ nghe tịnh chỉ hơi thở, ông ta không biết tu tập như thế nào mà đã chết luôn. Đây là những điều cảnh giác cho người ham tu mà tự tu là rất nguy hiểm. Tu là phải có người hướng dẫn, Minh Tông không nghe lời dạy của Thầy, không chịu sống độc cư và không xa lìa bạn bè vợ con để xả tâm, bảo rằng Phật không có dạy độc cư nên còn xin Thầy cho phép tiếp bạn bè và vợ con nếu họ đến thăm. Và còn hứa hẹn với Thầy là sẽ thực hiện tu hành chứng đạo có thần thông cho Thầy xem. Thầy chỉ cười và bảo: “Nếu được vậy Thầy sẽ tuyên bố với phật tử là con đã tìm được một còn đường khác hơn con đường của Thầy và đã chứng đạo.” Sau đó, không đầy một tháng Minh Tông đã khạc ra máu đống, đống … và đi trị bệnh. Tu là phải nhờ thiện hữu đi trước hướng dẫn chứ đừng tự mình tu là chết, đó là những hình ảnh cảnh giác cho chúng ta sau này. Minh Tông trình độ học thức trên đại học nên cho mình là người có học thông minh hiểu biết tự đọc kinh sách mà tu cãi lời Thầy mới ra nông nỗi như vậy. Bởi vậy những kiến giải của những nhà học giả là một sự nguy hiểm cho người thực hành tu tập. Vì thế mới biết loại Thiền này là loại Thánh Định như đức Phật đã gọi “Tứ Thánh Định.” Tâm còn phàm phu mà muốn nhập Thánh Định thì nhập làm sao được? Tam Minh là Thánh Tuệ của đức Phật thì người phàm phu làm sao mà có Thánh Tuệ đó được. Cho nên, nói đến bốn Thiền và Tam Minh thì hiện giờ chưa có ai thực hiện được. Tại sao vậy? Tại vì mọi người tâm còn phàm phu. Trước khi muốn nhập bốn Thiền và Tam Minh thì phải tu tập tâm Thánh, tức là tâm phải ly dục ly ác pháp, còn nếu chưa ly dục ly ác pháp thì đừng mong nhập bốn Thiền và Tam Minh. Bởi ngưng hơi thở là các hành trong thân lần lượt sẽ ngưng nghỉ, ngưng nghỉ mà thân không hoại diệt như vậy mới gọi là Thiền Định Thánh. Các hành trong thân ngưng nghỉ mà thân hoại diệt thì không phải nhập định mà là một thân người chết. Chừng nào các con đã xả tâm ly dục ly ác pháp, tâm thanh tịnh hoàn toàn nghĩa là tâm không phóng dật, tâm thường quay vào định trên thân, lúc bấy giờ Thầy sẽ chỉ cho các con tịnh chỉ hơi thở nhập Tứ Thiền. Còn bây giờ các con nên cố gắng phải xả ly tâm “như cục đất.” Đừng hỏi lung tung về hơi thở mà mất thì giờ vô ích. 33- Lúc nào hơi thở tịnh chỉ? Hỏi: Kính thưa Thầy, chỉ khi nào con buông xả sạch và không còn dính mắc, tâm con đã thanh tịnh, lúc bấy giờ hơi thở mới tịnh chỉ phải không thưa Thầy? Đáp: Đúng vậy, chỉ khi nào tâm con buông xả sạch và không còn phóng tâm theo các pháp, lúc bấy giờ hơi thở mới thật sự tịnh chỉ không còn bị tưởng thức che ngăn. Hơi thở tịnh chỉ không phải khó, khó là ở chỗ tâm thanh tịnh, cho nên sự tu tập của đạo Phật là chỗ có giới luật, chỗ có giới luật là chỗ rất khó giữ. Vì thế hiện giờ tu sĩ Phật giáo đều rơi rớt ở giới luật, mọi tu sĩ hầu hết đều phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới v.v... Giới luật giúp tâm chúng ta thanh tịnh tức là giới luật giúp chúng ta ly dục ly ác pháp. Con người sanh ra ở chỗ dục nên sống trong dục, làm việc gì cũng dục mà ở đâu có dục là ở đó có ác pháp, ở đâu có ác pháp là ở đó có đau khổ. Mục đích của đạo Phật không phải nhắm vào chỗ hơi thở tịnh chỉ mà nhắm vào chỗ tâm bất động, chỗ tâm bất động là chỗ ly dục ly ác pháp, chỗ ly dục ly ác pháp là chỗ giới luật của đức Phật; chỗ giới luật không phải là giới cấm mà là chỗ đức hạnh làm Người, không làm khổ mình khổ người và chỗ đức hạnh làm Thánh Nhân, sống một đời sống không còn ràng buộc thất kiết sử và không bị ngăn che bởi ngũ triền cái. Chỗ tâm bất động này là chỗ để quý vị tịnh chỉ các hành trong thân, nếu tâm quý vị chưa bất động thì dù quý vị có muốn tịnh chỉ tầm tứ còn không được thay huống là quý vị tịnh chỉ hơi thở. Bởi vì quý vị chưa tịnh chỉ lòng ham muốn và chướng ngại pháp trong tâm thì làm sao quý vị tịnh chỉ được hơi thở. Đó là một sự việc rất rõ ràng, nếu quý vị không lo tịnh chỉ các chướng ngại pháp trong tâm mà lo tịnh chỉ hơi thở thì đó là một việc làm hoài công vô ích. Tịnh chỉ dục và ác pháp rất dễ, chỉ cần có nhiệt tâm, nhiệt huyết là quý vị tịnh chỉ ngay liền. Như quý vị đã biết lòng ham muốn và ác pháp là những sự việc sẽ đem đến cho quý vị khổ đau. Khổ đau là quý vị không bao giờ ưa thích và khi gặp nó quý vị sợ hãi và chán chường. Thế biết như vậy cớ sao quý vị không nhiệt tâm dứt bỏ nó. Quý vị ăn cơm để sống, chớ đâu phải hút thuốc lá, uống rượu, cà phê, thuốc phiện mà quý vị sống. Tại sao quý vị không tịnh chỉ được nó, để thọ chịu sự khổ vì nó. Mục đích của đạo Phật là ở chỗ tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ chứ không phải ở chỗ tịnh chỉ hơi thở hay thần thông phép tắc, biến hóa tàng hình, kêu mây gọi gió v.v... Vì những thần thông phép tắc ngoại đạo đều tu tập có được, cũng như tịnh chỉ hơi thở như quý vị đều biết có những tu sĩ Yoga họ tịnh chỉ được hơi thở, nhưng không tịnh chỉ được lòng ham muốn và ác pháp. Mặc dù đem chôn họ trong đất, dìm trong nước họ đều không chết, nhưng tâm họ vẫn còn động trong danh lợi. Tại sao chúng ta biết được? Tại vì họ đã biểu diễn những thần thông đó cho mọi người xem, khiến cho con người trên thế giới mê mệt vì những thần thông, do đó nên chúng ta biết tâm họ lòng tham và ác pháp còn. Đạo Phật vốn ra đời là giúp cho con người thoát khổ chứ không phải ra đời để biểu diễn những trò ảo thuật huyễn hóa để lừa đảo những người khác. Cho nên sự tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp rất cần thiết để cho con người sống không làm khổ mình khổ người, mà đã không làm khổ mình khổ người thì không phải là tâm bất động sao? Thì không phải là sự lợi ích lớn cho cá nhân và xã hội sao? Còn thần thông có lợi ích gì, chỉ là một trò ảo thuật mua vui giải trí cho thiên hạ mà thôi. Người mới bắt đầu tu theo đạo Phật là phải tịnh chỉ thói hư tật xấu không còn nữa. Chúng ta tiến lên một bước nữa là tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp. Ví dụ: Ngày chúng ta ăn ba bữa, bây giờ chúng ta tu theo Phật giáo, chúng ta tịnh chỉ hai bữa còn chỉ ăn có một bữa. Và sự tịnh chỉ như vậy chúng ta có làm được không? Chắc chắn việc làm này ai cũng tịnh chỉ được. Ví dụ: Chúng ta nghiện thuốc lá, chúng ta tịnh chỉ không hút thuốc lá nữa có được không? Chắc chắn, việc làm này ai cũng làm được. Trừ ra chúng ta không muốn tịnh chỉ hút thuốc lá thì chúng ta phải nghiện mà thôi. Bởi thế trong sự tịnh chỉ không phải khó khăn trong cuộc sống hằng ngày của chúng ta. Bởi vì chúng ta biết lòng ham muốn và các ác pháp là đau khổ nên chúng ta có quyết tâm tịnh chỉ là chúng ta sẽ làm được ngay liền, chứ không phải chờ đợi một vài kiếp như kinh sách Đại Thừa dạy: “Tu hành phải vô lượng kiếp.” Cũng như người nghiện rượu, biết rượu sẽ đem đến cho chúng ta nhiều sự đau khổ. Do đó chỉ cần có sự quyết tâm là chúng ta tịnh chỉ không uống rượu nữa. Chỉ có những người không biết rượu đem đến cho họ đau khổ, hoặc có những người biết rượu sẽ đem đến tai hại cho họ, nhưng họ là những người không biết dừng, là những người chai lỳ chấp nhận, chịu đựng sự đau khổ. Họ là những người không có ý chí thoát khổ, họ là những tên nô lệ cho dục vọng chịu mọi sự đau khổ, họ là những kẻ nô lệ cho rượu, cho thuốc lá, cho cà phê, cho thuốc phiện v.v… Họ là những kẻ ngu si, u tối suốt đời sống trong đêm tối của dục vọng, họ chỉ làm nô lệ cho vật chất, cho những thứ thuốc độc. Bởi vậy, kẻ nào không tịnh chỉ lòng ham muốn, không ngăn và diệt các ác pháp, đó là những kẻ nô lệ cho ác pháp và lòng ham muốn của họ. Vì lòng ham muốn và các ác pháp thường sai bảo, khiến cho đời sống của họ khổ sở, điêu đứng, có khi gần như chết. Nhưng họ là những con trâu bị xỏ mũi bởi dục vọng nên không dám chống lại, chỉ an phận làm tôi tớ nô lệ cho nó. Vì thế cuộc đời của họ phải chịu mọi sự khổ đau từ kiếp này sang kiếp khác. Đạo Phật dạy chúng ta chiến đấu chống lại lòng ham muốn của mình và ngăn diệt các ác pháp để chúng ta giải thoát khỏi kiếp đời nô lệ tôi đòi, chứ đâu phải dạy chúng ta những thần thông phép tắc, những trò ảo thuật để lừa đảo người khác. Vì thần thông là những trò lừa đảo này đã có từ xưa mà các tôn giáo khác đã từng dạy thiên hạ để lừa đảo mọi người, chứ nó có lợi ích gì đâu cho kiếp sống của loài người. Cũng như ngồi thiền tịnh chỉ hơi thở có ích lợi gì thiết thực cho cuộc sống chúng ta đâu, nó chỉ là một trò khiến cho người khác kính nể chơi chứ có nghĩa lý gì cho đời sống. Cũng như các đạo sĩ Yoga đã biểu diễn thần thông làm cho người Tây phương mê mệt, nhưng sự thật nó ích gì đâu cho kiếp sống làm người của họ, của người khác. Họ phải bỏ ra cả cuộc đời tu tập quá vất vả và khổ sở, cuối cùng chỉ là một trò giải trí cho người khác như một trò xiếc mà thôi. (dìm trong nước chôn trong đất mà không chết). Vì thế, khi đức Phật còn sống, Ngài không có chấp nhận thần thông. Ngài dạy: “Mục đích đạo Phật không phải ở chỗ Giới Luật, Thiền Định, Tam Minh mà ở chỗ bất động tâm trước các pháp và các cảm thọ.” Cho nên, tịnh chỉ hơi thở là vấn đề phụ, chúng ta đừng nên quan tâm nó, mà hãy quan tâm đến tịnh chỉ lòng ham muốn và các ác pháp tức là ly dục ly ác pháp. Vậy con nên quan tâm điều này mà lo tu tập xả tâm, diệt ngã, ly dục ly ác pháp để cứu mình ra khỏi nghiệp nhân quả thiện ác, đó mới chính là con đường tu theo đạo Phật và chính là con đường giải thoát của con. |
|||