Skip directly to content

117-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (8). TL Thích Thông Lạc

34- Thiếu nghị lực và nhiệt tâm

Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao con buông xả quá chậm, nay được mai mất, con chưa làm chủ được gì? Con không biết tìm biện pháp nào mạnh hơn? Dùng Định Vô Lậu, tu pháp Hướng Tâm sao chưa được thấy kết quả hay con đã quán xét, tư duy chưa thấu triệt, tu tập pháp hướng chưa đúng mức?

Đáp: Đúng vậy, tất cả sự tu tập của con chưa chuyên nhất.

              1- Dùng pháp Hướng Tâm còn yếu, chưa nhạy bén.
              2- Định Vô Lậu quán triệt chưa thông suốt lý các pháp, lý nhân quả.
              3- Mức tỉnh thức chưa đủ sức.
              4- Chánh niệm còn kém (thiện pháp).
              5- Nghị lực và nhiệt tâm còn yếu kém chưa dũng mãnh.
              6- Chưa quán triệt thấu suốt kiếp sống của con người: “khổ như thật – thật khổ.”
              7- Không có sự quyết định dứt khoát mạnh mẽ.
              8- Không có sự tích cực trong sự dứt khoát xả bỏ thói quen.

Nói xả bỏ hay nói ly dục ly ác pháp là nói chứ chưa phải xả, đến khi xả là chúng ta mới thấy khó vô cùng. Buông xả là một danh từ suông, thật sự xả bỏ một điều gì không đơn giản như chúng ta nói, nếu một người không quyết tử thì khó mà xả bỏ được.

Ví dụ: như ăn ngày một bữa để xả bỏ hai bữa ăn kia, nếu một người không quyết tử thì cũng khó mà ăn một bữa được, đó là cái ăn nó dễ dàng như vậy mà nó còn khó xả huống là xả dục và các ác pháp.

Ví dụ: như một người ăn thịt cá quen, bây giờ bắt đầu ăn chay, nếu không quyết tử thì việc ăn chay cũng không dễ dàng.

Ví dụ: như một người nghiện thuốc lá nếu anh ta không quyết tử thì cũng không bao giờ bỏ được thuốc lá. Đó là những sự buông xả tầm thường mà còn phải quyết tử huống là con quyết bỏ tâm tham, sân, si thì đâu phải là một việc dễ làm.

Mỗi lần vấp ngã là mỗi lần đứng lên, dũng mãnh hơn, liều chết, cắn chặt răng, đưa lưỡi lên nóc họng quyết tử với tâm tham, sân, si của mình thì mới mong chiến thắng nó được.

Đức Phật dạy: “Thắng trăm trận không bằng thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt.” Có nghĩa lời xác định này xả tâm rất khó, khó vô cùng, khó chứ không phải dễ, nếu không xem mình là một tử thi thì không thể nào xả bỏ được tham, sân, si.

Nhất là tâm si, trạng thái tâm si là hôn trầm, thùy miên, hôn tịch, vô ký, ngoan không, khi các hiện tượng này xảy ra nếu không có một nghị lực kiên cường, một ý chí dũng mãnh thì không bao giờ thắng chúng được. Hầu hết các tu sĩ về đây tu tập đều đầu hàng giặc si này, mọi người đều cuốn cờ rút chạy dài, đầu hàng vô điều kiện.

Người ta đọc câu kinh Pháp Cú ai cũng thấy kinh này quá hay, nhưng cái hay của nó ở danh từ chứ việc làm của nó thì gần hết như con người trên hành tinh này mấy ai là người đã làm được.

Con hãy quán xét thử khắp trong thế gian này, người ta có thể tu tập có thần thông, có sự linh thiêng huyền diệu, mầu nhiệm, có sự đình chỉ hơi thở thật sự, nhưng ít ai hoặc không có người đình chỉ tâm tham, sân, si.

Đình chỉ lòng tham, sân, si tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là một đạo đức tuyệt vời của con người. Đạo đức không làm khổ mình khổ người, khổ cả hai. Thế mà một việc làm có lợi ích lớn như vậy tại sao người ta không làm được?

Người ta nói tu nhưng người ta không hiểu tu là làm gì? Phần đông người ta hiểu tu là tụng kinh, trì chú, ngồi thiền, niệm Phật hoặc làm những việc lành từ thiện, bố thí cúng dường hoặc luyện bùa, niệm chú hoặc tập luyện Yoga hơi thở bằng cách này hoặc bằng cách khác để có thần thông, những việc làm như vậy họ gọi là tu.

Đối với đạo Phật, sự tu không phải như vậy mà là một cuộc sống, một hành động sống không làm khổ mình khổ người.

Chúng ta sống như thế nào mà không làm khổ mình, khổ người thì đó là một sự tu của đạo Phật. Sự tu ấy trong đạo Phật gọi là tịnh chỉ lòng tham, sân, si; còn gọi là xả bỏ, ly tham, đoạn diệt ác pháp.

Muốn đoạn diệt lòng ham muốn và các ác pháp đang làm cho đời sống của chúng ta đau khổ, nay chuyện này mai xảy ra chuyện khác thì phải có đầy đủ nghị lực và nhiệt tâm. Nếu chúng ta biết đời là khổ mà không quyết tâm buông bỏ những sự đau khổ đó cũng như người ăn trộm cắp, biết trộm cắp là sẽ bị tù tội và sẽ bị người ta bắt được đánh đập mình và có khi còn giết mình, thế mà người ăn trộm cắp không bỏ được, không ly được thì quý vị nghĩ sao?

Biết ác pháp và lòng ham muốn là khổ mà không chịu bỏ thì có ai bỏ dùm mình được không?

Ví dụ: Biết nói chuyện là tâm không ly dục ly ác pháp, tâm không bao giờ hết phóng dật, thế mà không bỏ được sự nói chuyện thì có ly dục ly ác pháp được không? Nếu không ly dục ly ác pháp thì làm sao hết tham, sân, si. Vậy mà ngay bây giờ không chịu bỏ nói chuyện thì tu làm gì cho mất công và cũng chẳng có ích lợi gì.

Cho nên tu là buông xả chứ không phải ngồi thiền, niệm Phật, tụng kinh mà buông xả được. Chúng ta thử xem lại thời gian đã qua, các bậc thầy Tổ của chúng ta từ xưa đến giờ họ đã từng tụng kinh, niệm Phật, trì chú, ngồi thiền mà có người nào xả bỏ tham, sân, si được chưa?

Ngoài hình thức bệ vệ trong chiếc áo cà sa, thầy Tổ của chúng ta vẫn còn tham danh đắm lợi. Không tham danh đắm lợi sao họ lại xây cất chùa to Phật lớn như vậy? Không tham danh đắm lợi sao họ lại ăn uống phi thời, sống một đời vật chất quá đầy đủ như một nhà giàu có.

Phật dạy: “Ba y, một bát, sống không nhà cửa, không gia đình.” Thế mà thầy Tổ có sống được như vậy không?

Thưa các bậc tôn túc Tăng và Ni cũng như quý vị cư sĩ hãy thành thật với mình, với những tín đồ Phật giáo, có phải chúng ta đã ly tham ly ác pháp? Có phải chúng ta sống đúng Phạm hạnh của những bậc Thánh Tăng, Thánh Ni hay cuộc sống của chúng ta không khác gì với những người phàm phu, cũng danh, cũng lợi, cũng tham, cũng sân, cũng si mê dính mắc: sắc, danh, lợi, thực, thùy?

Có nghị lực, có nhiệt tâm xả bỏ, có chấp nhận một cuộc sống buông xả giải thoát; có chấp nhận Phạm hạnh giới đức của Phật giáo; có biết rõ đời sống thiểu dục tri túc là đời sống đạo của đạo Phật là đời sống giải thoát không?

Hỡi các vị tôn túc! Xin quý vị hãy nhìn lại đời sống của mình có xứng đáng là người tu sĩ đạo Phật hay không; có đầy đủ nghị lực; có nhiệt tâm xả bỏ ly tham ly ác pháp chưa? Phải thành thật với mình, với tín đồ Phật giáo để làm sáng tỏ lại Phật giáo. Đừng vì danh, vì lợi, vì cuộc sống thế tục mà dựa theo kinh sách Đại Thừa bưng bít những lỗi lầm đáng sợ, tai hại cho mình và cho Phật giáo.

Trước khi làm những gì, chúng ta hãy suy nghĩ đến hậu quả của nó. Hậu quả của những người tu, chúng ta trực tiếp đã thấy quá rõ ràng. Thầy Tổ của chúng ta trước khi chết phải thọ lấy sự đau khổ vô cùng, chỉ vì sống không đúng Phạm hạnh của đạo Phật nên phải gánh chịu sự đau khổ vô vàn. Đó là vì chúng ta không nhìn thấy sự tu hành giả dối của chúng ta, nhân giả dối lừa đảo thì quả phải khổ đau.

Thưa quý vị, quý vị nói xả chứ quý vị có xả đâu, quý vị đừng ôm thêm, ôm thêm để mà khổ quý vị ạ!

Hãy buông xả! Buông xả với một nhiệt tâm nồng cháy; với một nghị lực kiên cường; với một sự hiểu thông suốt: “Dục và ác pháp là khổ,” thì quý vị mới xả bỏ được, mới tìm thấy sự giải thoát chân thật của đạo Phật.

              “Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
               Chớ giữ làm chi có ích gì
               Thở ra chẳng lại còn chi nữa
               Vạn pháp vô thường buông xuống đi.”

               Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
               Tâm hồn thanh thản chẳng sầu bi
               Cuộc đời ngắn ngủi trong chớp mắt
               Còn có vui gì chẳng bỏ đi.

               Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
               Trò đời như mộng có còn chi
               Tứ đại trả về cho tứ đại
               Thanh nhàn an lạc lúc phân ly.”

Muốn cho có một nội lực sung mãn để khắc phục tâm tham ưu của mình; để có kết quả tâm bất động trước các pháp; để ly được dục ly được ác pháp; để tâm không phóng dật và cuối cùng tâm định trên thân thì thường xuyên con nên dùng pháp Hướng Tâm Như Lý Tác Ý, ám thị tâm con khi con muốn tâm con phải làm một điều gì như con muốn.

Ví dụ: như con muốn tâm con không còn giận hờn, thương ghét, hay không cho nó nói chuyện, để sống trầm lặng một mình thì con nên trạch pháp một câu:

Tâm như cục đất, không nên nói chuyện với ai cả để sống đúng chánh hạnh, để được an vui, thanh thản và vô sự.

Câu hướng tâm này, con phải sống với nó như bóng với hình, lúc nào, giờ nào con cũng phải nhớ ám thị, đừng nên quên thì sẽ có hiệu quả xả tâm rất tốt. Nhớ kỹ, ám thị cho đến chừng nào có hiệu quả mới thôi.

35- Trạng thái hơi thở trong bốn thiền

Hỏi: Kính bạch Thầy, xin Thầy giảng lại cho con hơi thở Sơ Thiền đến Tứ Thiền như thế nào?

Đáp:

              Sơ Thiền, hơi thở bình thường như chúng ta thở sống hằng ngày.
              Nhị Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Sơ Thiền do tầm tứ diệt tạo nên một trạng thái an ổn thích tu (siêng năng), ưa ngồi.
              Tam Thiền, hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở Nhị Thiền do ly hỷ tưởng, người đang ở trong trạng thái này cảm giác như hơi thở gần như không, thở hơi thở nhẹ nhàng tự động ra vô.
              Tứ Thiền, hơi thở tịnh chỉ, hoàn toàn không thấy hơi thở ra vô.

Hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở của tâm ly dục ly ác pháp. Ai là người đã ly dục ly ác pháp thì mới nhận ra hơi thở này. Như chúng ta hiện giờ chưa có ai ly dục ly ác pháp, tâm còn đầy dẫy sự tham ưu, còn phiền não, đau khổ và còn lo sợ, giận hờn, thù oán thì làm sao nhận ra được hơi thở của Sơ Thiền.

Nói hơi thở của Sơ Thiền là hơi thở bình thường là nói hơi thở giống như hơi thở bình thường chứ thực ra, nó không giống hơi thở bình thường. Vì tâm chúng ta hiện giờ đâu có bình thường, lúc nào cũng lăng xăng loạn động, không nghĩ việc này thì lại nghĩ việc khác.

Cho nên trong kinh sách bảo tâm chúng ta là tâm như con vượn, ý chúng ta là như con ngựa, như vậy chúng ta có hơi thở bình thường chăng? Tâm chưa bình thường thì làm sao hơi thở bình thường được.

Nhưng chúng ta phải lưu ý khi tâm chúng ta bình thường là lúc thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Lúc đó là lúc hơi thở bình thường của tâm còn ham muốn và còn chướng ngại pháp (ác pháp) thì hơi thở có bình thường, nhưng bình thường của nó mặc dù lúc đó tâm chúng ta chưa ly dục ly ác pháp hết, nhưng nó không có dục và ác pháp khởi lên nên được xem hơi thở lúc đó là bình thường.

Đến hơi thở của Nhị Thiền thì không có một hơi thở nào so sánh, khó mà giúp cho con nhận ra, chỉ khi nào nhập vào Nhị Thiền thì mới nhận ra và biết rõ ràng. Ở đây Thầy chỉ trả lời hơi thở chậm và nhẹ hơn hơi thở nhập Sơ Thiền.

Hơi thở Sơ Thiền đã không biết thì làm sao biết được hơi thở Nhị Thiền. Không khéo nghe Thầy nói hơi thở chậm và nhẹ rồi các con tưởng ra hơi thở chậm nhẹ, do đó tưởng thức sẽ hiện tướng hơi thở đó thì các con đã lọt vào định tưởng, một loại định rất nguy hiểm.

Khi đã rơi vào định này thì khó mà thoát khỏi tưởng pháp. Hầu hết các nhà Đại Thừa và Thiền Đông Độ đều đã chết trong loại định tưởng này, và kinh sách Đại Thừa để lại quá nhiều pháp hành về trạng thái tưởng pháp này.

Từ Nhị Thiền cho đến Tứ Thiền, khi nhận ra được hơi thở của nó tức là nhận ra được trạng thái của Thiền định đó. Cho nên ở đây Thầy nói để cho chúng ta biết mức độ của hơi thở các loại Thiền định của Tứ Thánh Định, nhưng chúng ta đừng quan tâm đến nó, quan tâm đến nó tức là chúng ta sẽ rơi vào tưởng thức.

Hiện giờ con nên nương vào hơi thở để tập tỉnh thức mà cố gắng xả tâm ly tham đoạn diệt khổ ưu, chừng nào tu tập đến đó thì chúng ta sẽ biết, còn hiện giờ muốn biết nó thì là một tai hại xảy đến không tốt cho đường tu tập của con.

Tu tập về hơi thở thì nên tu tập 18 đề mục Định Niệm Hơi Thở của Phật dạy, chứ đừng tu hơi thở theo pháp môn Lục Diệu của ngài Trí Khải, nó không phải của Phật giáo. Lục Diệu Pháp Môn là một loại Thiền tưởng của Trung Hoa và cũng đừng tu sổ tức quan vì nó cũng là một loại Thiền ức chế tâm do các Tổ Đại Thừa chế ra.

Hơi thở rất khó tu, nếu tu không có người hướng dẫn sẽ sinh ra rối lọan hô hấp, rối loạn thần kinh. Cho nên tu tập hơi thở phải dè dặt cẩn thận.

Tóm lại, hơi thở chỉ là một thân hành như các thân hành khác trong thân, cho tu hơi thở ra vô cũng giống như tu cánh tay đưa ra vô vậy chứ không có gì quan trọng lắm.

            36- Tu như thế nào để Tâm không phi Phạm hạnh?

Hỏi: Kính thưa Thầy, con xin sám hối về cái tội ăn thêm, đã ăn rồi mà còn ăn thêm nữa. Như vậy con phải tu Định Vô Lậu đặt niệm trước mặt quán xét tư duy như thế nào? Dùng pháp hướng như thế nào để quét sạch tội phi Phạm hạnh này?

Đáp: Muốn sống đúng Phạm hạnh không ăn uống phi thời, con nên đặt niệm thực phẩm rồi quán xét sự bất tịnh của thực phẩm. Quán xét thực phẩm bất tịnh trong lúc đi cầu.

Dùng pháp hướng tâm: “Thực phẩm là một thứ thuốc trị bệnh đói của cơ thể, ta không nên ưa thích.” “Thực phẩm là những thứ bất tịnh uế trược, để lâu mùi hôi khó chịu ta nên chừa bỏ tánh ưa thích ham ăn.

Xét ra từ cái ăn mà người ta nhận thấy và đánh giá trị được con người, Thánh nhân hay loài thú vật. Một con thú vật lúc nào gặp món ăn là nó ăn ngay, không phân biệt giờ ăn, giờ nghỉ là tại vì, con thú vật không trí tuệ, chỉ biết sống ăn và tranh đấu cho miếng ăn.

Con người thì có trí tuệ, có đạo lý hơn, ăn uống biết chia ra giờ giấc, không ăn uống phi thời, ngược lại con người mà ăn uống lặt vặt phi thời không giờ, không bữa là con người đó còn mang bản chất của loài cầm thú thích ăn. Chúng ta là con người phải có trí tuệ, nhất định ăn uống phải có giờ giấc

Còn bậc Thánh Nhân thì khác, biết rằng ăn uống là sự sống của các loài động vật, nhưng bậc Thánh Nhân không xem ăn uống là một thứ dục lạc, gây sự ưa thích ham mê như người thế gian và loài thú vật.

Mà khi sống thì phải ăn để sống, cho nên ăn để sống chứ không phải sống để ăn.

Người thế gian và loài thú vật sống để ăn chứ không phải ăn để sống. Vì thế, trong sự ăn uống của họ, chỉ cần ngon và bổ dưỡng nên họ sát hại sanh linh để họ ăn thịt chúng sinh như loài cọp beo, ăn bằng thích, ăn bằng ưa, đó là sống để ăn, nhưng họ không biết đó là họ đã đem sự đau khổ vào thân tâm của họ.

Bậc Thánh Nhân đã hiểu điều này nên họ ăn để sống, vì thế họ không ăn thịt chúng sanh và ăn ngày một bữa, không ăn uống phi thời, là vì những bậc Thánh muốn thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú sống để ăn uống; để nô lệ cho sự ăn uống.

Người ta không muốn mình làm con người mà muốn sống như loài cầm thú, chỉ biết có ăn, ăn để ngon, để mập, để béo, nên ăn uống của họ không còn có đạo lý làm người gì cả.

Người ta sống để ăn cho nên con người trở thành một con thú vật, đó là cách sống để ăn nên người ta mới giày đạp lên sự sống của nhau, giết nhau. Bằng chứng: về chủ nghĩa cá nhân thì họ cướp giựt, giết người không gớm tay; về tập thể thì nước này đánh chiếm nước kia.

Lịch sử loài người đã chứng minh điều này, đến ngày nay, không lúc nào thế giới chấm dứt chiến tranh, không nước này đánh nhau thì nước kia đánh nhau, giết nhau bằng những vũ khí tối tân và hiện đại.

Đó là bản chất của loài cầm thú còn tồn đọng trong loài người. Họ chỉ là một con thú vật sống chỉ biết tranh giành để ăn chứ không phải sống có đạo lý làm người, làm Thánh.

Bởi con người là phải khác với con thú vật, vì con người phải sống có đạo lý, có đức hạnh, phải sống không vì ăn uống, không vì vật chất của cải tài sản. Sống phải biết thương mình thương người, thương mọi sự sống trên hành tinh này, tức là sống không làm khổ mình, khổ người, khổ mọi loài, đó mới chính là con người, còn làm khổ cho nhau thì là những loài thú vật chỉ biết có ăn là trên hết chứ không biết đạo lý.

Chúng ta muốn làm người, muốn làm Thánh chứ không ai muốn làm loài thú vật. Phải không các bạn? Muốn vậy thì chúng ta ăn để sống, ăn không làm khổ mình khổ người, khổ chúng sanh thì phải ăn có giờ bữa, không được ăn uống lặt vặt phi thời và không được ăn thịt chúng sanh.

Bởi muốn làm Thánh thì ăn ngày một bữa như đức Phật ngày xưa và chúng Thánh Tăng. Cho nên sự ăn uống trong đạo Phật là sự ăn uống trong thiện pháp để không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh. Vì thế đức Phật đã dạy: “Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp.

Do thế, coi chừng trong ăn uống sẽ rơi vào ác pháp, ăn uống theo phàm phu thì sự ăn uống ấy không đúng Thánh hạnh. Ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, cơ thể dễ sanh ra nhiều bệnh tật, đó là ác pháp, là khổ đau cho mình, khi mình đau khổ còn làm khổ cho người khác nữa.

Vì thế ăn uống rất quan trọng cho đời sống của con người. Càng ăn uống đơn giản thì đời sống càng thảnh thơi, an lạc, cơ thể nhẹ nhàng ít bệnh tật, ít tai nạn. Trong cuộc đời làm người chúng ta cũng nhận thấy những pháp môn của đức Phật dạy đạo đức về ăn uống rất thực tế và cụ thể để con người sống trong đạo đức về ăn uống:

              - Thứ nhất, là không làm khổ mình, khổ người, khổ chúng sanh.
              - Thứ hai, là sống đúng đạo đức làm người, làm Thánh không còn phàm ăn uống như loài thú vật.
              - Thứ ba, là ăn uống đúng Phạm hạnh, không ăn uống phi thời, không ăn uống lặt vặt.
             - Thứ tư, là ăn uống trong sự biết tôn kính và quý trọng của mồ hôi nước mắt làm ra bằng sức lao động của mình, của người khác.
              - Thứ năm, là ăn uống để sách tấn trên đường tu tập, để được giải thoát sanh tử luân hồi, để được chấm dứt mọi sự khổ đau, chứ không phải ăn uống vì tham ăn, thích ăn v.v...
             - Thứ sáu, là ăn uống phải thực hiện lòng từ bi, thương xót tất cả loài chúng sanh và thương xót người làm ra thực phẩm cực nhọc.

Khi chúng ta tu hành theo đạo Phật mà còn thích ăn uống phi thời thì đó là chúng ta chạy theo tâm dục lạc thế gian. Còn tâm dục lạc thế gian đó là huân ác pháp vào thân, vì thế chúng ta phải hiểu cho thấu suốt lý của đạo đức làm người, làm Thánh là không nên vì ăn mà làm khổ mình, khổ người. Luôn luôn nhớ đến bốn trọng ân, thì bấy giờ chúng ta sẽ nhiệt tâm dứt khoát. Dù có chết nhứt định không còn phạm phải lỗi ăn uống phi thời, chừng đó chúng ta mới thấy có sự an vui của người sống đúng Phạm hạnh.

Các con phải cố gắng đừng để vi phạm những lỗi lầm này, những lỗi lầm này sẽ đưa con trở về đời sống loài thú vật. Các con nên nhớ kỹ đừng quên lời Thầy dạy con nhé! Dù cho thân con có tan nát nhưng đừng phạm phải lỗi ăn uống phi thời. Đó là con đường tiến đạo.