028-ĐÔI LỜI MẠN ĐÀM VỀ NGÃ CHẤP - Ronald Trương
ĐÔI LỜI MẠN ĐÀM VỀ NGÃ CHẤP
Thưa quý vị, theo Phật dạy, có 4 thủ: Dục thủ, Kiến thủ, Giới cấm thủ, Ngã chấp thủ.
Vậy NGÃ CHẤP THỦ là gì?
Trước hết, khi chúng ta xưng với nhau là anh em hay chị em, có nghĩa là chúng ta cùng đẳng cấp. Chúng ta chỉ trao đổi cho nhau để cùng sửa sai cho nhau, ngõ hầu tinh tấn trên đường tìm hiểu sự thật. Ngã chấp thủ là gì? Khi chúng ta đọc sách Phật thì điều đầu tiên phải ghi nhận trong thâm tâm rằng:
a) Phật dạy là dạy cho hàng thánh tăng, cho những hành giả quyết tâm rời bỏ đời và quyết chí tu hành cho đến chứng quả. Chứ Phật không khai sinh ra đạo Phật để sư sãi tu lè phè hầu lượm tiền bá tánh thập phương!
b) Chúng ta muốn tìm hiểu Phật pháp, thì trước tiên cần phải tìm hiểu cho rõ 4 Chân lý TỨ DIỆU ĐẾ, 8 Chánh đạo, 12 nhân duyên, 37 phẩm trợ đạo. Từ đó, nếu ta quyết định có ý niệm đi tu thì hãy tìm hiểu thêm Phật pháp. Nếu không thì ta sẽ nhàm chán và vô ích. Nhứt là kinh Phật dùng Hán ngữ quá nhiều, lai căng, cho nên hiểu theo nghĩa từng chữ thì sai ý Phật rất xa. Hơn nữa pháp Phật là pháp hành mà lấy chữ nghĩa ra bàn lại càng vô tích sự. Thả mồi bắt bóng mà thôi! Phí thời giờ. Đồng thời ta lầm lẫn là Phật dạy mâu thuẩn. Phải đứng cho đúng vị trí và nhìn cho đúng đối tượng thì sẽ thấy Phật và Alahán dạy chính xác.
c) Nếu ta đứng trên cương vị một công dân, một chuyên gia, kỹ sư, luật sư, bác sĩ... để rút từ Phật pháp những bài học đạo đức hầu tạo cơ hội nhằm hoà mình với mọi người trong sinh hoạt xã hội loài người thì thật là thú vị cho cuộc đời. Bởi vì Pháp phật không cố chấp, không kỳ thị, không tranh chấp.... Pháp của Phật dù nhìn khía cạnh nào cũng phải lấy THIỆN PHÁP LÀM CĂN BẢN, nếu là ÁC PHÁP tuyệt đối không phải là của Phật pháp.
THIỆN PHÁP là không làm khổ mình, không làm khổ người, không làm khổ chúng sanh. Thậm chí tự đầy đọa cho mình khổ cũng không phải là Phật pháp, huống gì đụng đến người khác, lại còn ăn thịt các loài hữu tình! Có nghĩa là pháp Phật ai học cũng được và ai sử dụng đều tốt. Nếu đứng trên cương vị nầy, ta nên tìm đọc VĂN HOÁ TRUYỀN THỐNG PHẬT GIÁO của Trưởng Lão Thích Thông Lạc. Khi đọc toàn bộ sách nầy, chúng ta sẽ hiểu chính xác khái niệm về NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ của Phật pháp.
Đây là sự chứng nghiệm như thật của ALAHÁN Thích Thông Lạc, khi Ngài chứng quả. Trên cương vị nầy, Ngài quyết tâm dựng lại nền đạo đức siêu đẳng của đức Phật và Ngài viết thành sách là muốn tuyên dương đến nhân loại, dùng đó làm bài học đạo đức, ngõ hầu mong chúng ta cùng sống với nhau trong tình thương yêu nồng thắm như nước với sữa.
Lịch sử ghi rõ, khi đức Phật truyền giáo, sau khi Ngài tìm ra được chân lý TỨ DIỆU ĐẾ, Ngài rao giảng để chứng minh rằng 4 chân lý nầy là chân thật hoàn hảo, bằng cách Ngài chuyên tâm đào tạo ra hàng ngàn vị Alahán để làm bằng. Ngài truyền giảng TỨ DIỆU ĐẾ cho khán thính giả. Ai tiếp nhận được và tình nguyện theo Ngài tu học tiến đến chứng quả thì phải tự mình sống biệt trú 4 tháng. Sau 4 tháng thấy mình đủ nghị lực theo Phật tu hành, ai muốn tiếp tục thì Ngài dạy để tu hành đến chứng quả. Nếu ai chỉ đến tham khảo thì Ngài mời họ về.
Thời đức Phật, chúng ta thấy có lưu lại nhiều câu hỏi, đó là lúc Ngài diển giảng TỨ DIỆU ĐẾ cho đại chúng. Cho nên những nền tảng đạo đức của Phật vào dân gian là do người ta thấy được Phật dạy đúng, Phật dạy hay, rồi người ta đem ra áp dụng vào sinh hoạt xã hội.
Ngày nay, với quy mô và hoàn hảo hơn, ngài Alahán Thích Thông Lạc viết lên dựng lại toàn bộ nền tảng đạo đức học tuyệt vời cho nhân loại, đó là nền đạo đức NHÂN BẢN-NHÂN QUẢ. Khi chứng quả, mỗi vị Alahán trở thành tấm gương soi cho nhân loại. Các Ngài luôn sống trong thiện pháp là nền đạo đức tuyệt vời nhứt thế gian.
Trong Phật sự làm việc từ thiện, thầy Thông Lạc giảng giải rằng: Những hành giả đã quyết tâm, quyết chi tu hành tiến đến chứng quả, thì hành giả không được tham gia vào làm từ thiện, đây là ác pháp làm cho tâm hành giả không thể nào thanh tịnh, bởi vì niệm khởi lên trách nhiệm. Đồng thời, hành giả đó đã không bưông bỏ đời để vào đạo vậy, tu hành làm gì cho uổng công, uổng phí đời tu? Việc từ thiện đã có xã hội và cư sĩ Phật tử gánh vác.
Ngã chấp thủ là gì? Phật dạy cho hàng thánh tăng rằng: Con người có 5 uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức. Khi con người chết đi thì không còn uẩn nào nữa, tất cả từ cát bụi đều trả về cho cát bụi. Nếu còn chút xíu thức nào thì đạo Phật không cần xuất hiện ở thế gian. Do đó đừng coi thân ta là ta, là của ta, là bản ngã của ta.
Ngã ở đây là bản ngã của ta. Chấp thủ là ghì chặt lấy, chiếm giữ lấy làm của riêng không cho ai đụng đến. Vì vậy, thánh tăng cần biết tất cả đều là vô thường, đều biến đổi không ngừng, không có cái gì là ta, là của ta, là bản ngã của ta, dù là thân ta, cho nên ta hãy buông bỏ hết đi. Buông bỏ cho sạch và không còn chấp ngã nữa thì chứng quả ALAHÁN.
Đại biểu cho pháp nầy, kinh sách còn ghi là Ngài La Hầu La, người con duy nhứt của Phật. Khi Phật dạy đến VÔ THƯỜNG, Ngài liền từ bỏ xin ăn để chuyên cần thiền quán THÂN, THỌ, TÂM, PHÁP rồi chứng quả Alahán. Cũng với lời dạy nầy, Alahán Thích Thông Lạc đã dạy cho hàng Phật tử bài pháp sau, nếu ai tu được thì chứng quả Alahán liền:
“Buông xuống đi, hãy buông xuống đi,
Chớ gìữ làm chi có ích gì?
Thở ra chẳng lại còn chi nữa,
Vạn pháp vô thường buông xuống đi”.
Đứng trên cương vị người đời, khó ai có thể chấp nhận bài học nầy, bởi vì, nền tảng cơ bản để con người sống thì tất cả đều là của riêng, là ta, là của ta, là bản ngã của ta.
Nếu không vì ta thì trời tru, đất diệt. Nếu không vì ta thì ta đâu có ham sống làm gì? Nếu không vì ta, vì vợ con ta, vì gia đình ta, vì dòng họ ta thì ta đâu có chấp nhận hi sinh đi làm nộ lệ cho ai? Nếu không vì ta thì ta học ra làm quan để làm gì? Nếu không vì gia đình ta thì dại gì ta đi làm nô lệ cho kẻ có tiền, có quyền, không những thế còn xả thân đi giết mướn cho họ chứ?
Vì vậy, lời dạy nầy Phật chỉ dạy cho người muốn tu hành đến chứng quả. Còn những tăng ni muốn ăn ngon, mặc đẹp, ngủ vùi, có tiền bọc túi thì xin đừng quan tâm đến lời dạy nầy. Khó chịu lắm đấy!