111-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (2). TL Thích Thông Lạc
10- Thiếu kinh nghiệm tu hành thì không hiểu nghĩa câu kinh
Hỏi: Kính bạch Thầy, hiện có nhiều học giả nên cũng có nhiều sự giải thích khác nhau, đôi khi trái ngược về các khái niệm:
1- Về ba uẩn: Tưởng, hành và thức, kính mong Thầy giải thích và cho ví dụ để con hiểu rõ hơn.
2- Tại sao trong kinh “Đáng Được Ăn” Tương Ưng III, trang 161 dạy: Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc. Thức chỉ là sự rõ biết các vị chua đắng ngọt cay...?
3- Thế nào là Tầm? Thế nào là Tứ? Xin Thầy cho ví dụ.
Đáp:
1- Trong Thân ngũ uẩn có: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn.
Trong câu hỏi của con chỉ hỏi tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn mà không có hỏi sắc uẩn và thọ uẩn. Người ta không nhận ra trong thân ngũ uẩn có ba cái thức làm việc, ba cái thức đó có tên là:
i. Sắc thức, gồm có sáu thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân và ý thức, hoạt động và cảm nhận tức là hành uẩn và thọ uẩn, lúc con người đang tỉnh thức và làm việc qua sắc uẩn.
ii. Tưởng thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua tưởng uẩn trong giấc ngủ (chiêm bao).
iii. Thức thức hay còn gọi là tâm thức hoạt động và cảm nhận (hành uẩn và thọ uẩn) qua thức uẩn. Muốn cho tâm thức hoạt động và cảm nhận thì phải nhập xong bốn thiền: Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Khi nhập xong Tứ Thiền thì sắc thức và tưởng thức đã ngưng nghỉ nhường chỗ cho tâm thức hoạt động.
Vì thế lúc bấy giờ Tam Minh chúng ta mới thực hiện được. Nếu sắc thức và tưởng thức chưa ngưng nghỉ thì tâm thức không bao giờ hoạt động được và vì vậy sự tu hành của ngoại đạo chưa bao giờ thực hiện được Tam minh.
Còn hành uẩn và thọ uẩn là những sự hoạt động và cảm nhận của ba thức này mà thôi.
Trên đây là nhiệm vụ của năm uẩn hoạt động trong thân ngũ uẩn, tức là sự hoạt động của một con người có tu tập theo đường lối của đạo Phật nhập bốn thiền và thực hiện Tam Minh. Còn người chưa tu tập bốn thiền và Tam Minh thì tâm thức của họ đang nghỉ ngơi chưa hoạt động.
2- Đọc trong Kinh Song Tầm, đức Phật đã xác định nghĩa của Tầm là sự suy tư (tầm thiện và tầm ác tức là suy tư thiện và ác). Đọc trong Kinh An Trú Tầm, đức Phật đã xác định nghĩa của Tứ là sự tác ý (tác ý một tướng khác của một tướng kia).
3- Đọc lại bài Kinh Đáng Được Ăn: “Này các tỳ-kheo, những Sa Môn hay Bà La Môn nào có nhớ đến các đời sống ở các kiếp trước, tất cả họ đều nhớ đến năm thủ uần hay nhớ đến một trong những thủ uẩn.”
Như vậy bài kinh này đức Phật đã dạy chúng ta về quán tưởng để tu tập năm thủ uẩn để thấy rõ năm thủ uẩn vô thường, khổ, vô ngã mà không tham đắm và không dính mắc. Ở đây con hỏi: Tưởng biết rõ màu sắc xanh, vàng, đỏ, trắng v.v… và thức rõ biết vị chua, cay, mặn, ngọt, đắng v.v… như vậy có đúng không?
Như đoạn kinh trên Thầy đã trích ra để xác minh đức Phật dạy chúng ta đang quán tưởng, nghĩa là chúng ta đang dùng tưởng thức để tư duy.
Nếu có một vật trước mắt dùng để quan sát thì đó là ý thức quan sát, còn ở đây đức Phật dạy nhớ lại quá khứ, vậy nhớ lại quá khứ một sắc tướng, hình ảnh, màu sắc, âm thanh, mùi vị, cảm giác lạc, khổ, bất lạc, bất khổ v.v… đó không phải là tưởng thức quán sát sao? Tưởng thức quán sát câu hữu với nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý thức.
Bởi mầu sắc chúng ta nhận được xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam v.v... đều do tưởng của chúng ta đặt ra để ý thức chúng ta tiếp nhận xanh, vàng, đỏ, trắng, đen, hồng, cam v.v...
Ví dụ: mầu đỏ là do tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ rối từ đó ý thức chúng ta nhận thấy màu đỏ. Nếu trước kia tưởng của chúng ta tưởng mầu đỏ là mầu xanh thì bấy giờ ý thức của chúng ta cũng cho nó màu xanh. Do đó đức Phật dạy: “Tưởng chỉ là sự nhận rõ các màu sắc”. Đúng vậy, chỉ có tưởng mới nhận ra mầu sắc. Hôm nay tất cả những mầu sắc đều do tưởng nhận rõ các mầu sắc.
“Và này các tỳ-kheo, thế nào gọi là thức? Rõ biết bằng tưởng câu hữu với vị thức đắng, cay, ngọt, mặn v.v…”
Bởi bài kinh này đức Phật dạy quán về thân ngũ uẩn ở quá khứ, chứ không phải quán thân ngũ uẩn ở hiện tại nên phải dùng tưởng câu hữu với lục thức thì mới đúng nghĩa của bài kinh. Ở đây do dịch giả dịch không đúng nghĩa, vì dịch giả không phải là hành giả hoặc về sau những nhà học giả kết tập kinh sách thiếu kinh nghiệm tu hành nên dùng chữ không chính xác khiến cho người đời sau đọc khó hiểu, chỉ có những bậc có kinh nghiệm trên đường tu tập mới xác định được nghĩa lý này.
Cho nên mầu sắc do tưởng nhận ra, đức Phật đã xác định rất đúng và thức nhận biết ra mùi vị cay, đắng, ngọt, bùi, chua, chát, mặn, lạt v.v... thì không còn chỗ nào là sai cả.
11- Chú tâm
Hỏi: Kính bạch Thầy, trước đây nhờ chú niệm khá liên tục nên:
1- Khi theo dõi hơi thở, con thường thấy nhỏ, nhẹ ngắn dần, có lúc dường như mất hẳn.
2- Khi kinh hành thấy rõ sự “nặng nhẹ” của bước chân. Các thiền sư Nam Tông khuyên cứ tiếp tục chú tâm hơn nữa vào hơi thở và bước chân, vì “hơi thở vi tế là tâm vi tế”. Nhưng vì sợ đó là kết quả của sự ức chế tâm nên con không tiếp tục hành trì mà chỉ chú ý xả tâm bằng pháp “Tứ Chánh Cần” theo Thầy chỉ dạy.
Tuy vậy hiện nay sự theo dõi, trụ tâm vào hơi thở và bước đi của con không liên tục như trước nữa. Như vậy có phải niệm căn và tấn căn của con không được phát triển đồng đều?
Đáp: Trước khi con chưa biết pháp tu hành xả tâm nên theo phương pháp tu hành ức chế tâm, vì pháp ức chế tâm dễ tu tập hơn pháp xả tâm.
Tại sao vậy? Tại vì chỉ tu tập có một đối tượng duy nhất để cột tâm vào đó. Ví dụ: như hơi thở hoặc đi kinh hành, nhờ đối tượng đó mà tâm bị ức chế nên vọng tưởng không sanh. Từ đó con cảm giác hơi thở bắt đầu nhỏ nhẹ và đôi khi không còn cảm thấy hơi thở ra vô nữa. Đó là một trạng thái của xúc tưởng xuất hiện mà con tưởng đó là niệm căn được liên tục và tấn căn được tinh cần.
Nếu trên đà này tiến tu thì con sẽ không khỏi giống như các sư Nam Tông ôm các định tướng mà chẳng giải quyết được sanh, già, bệnh, chết, chỉ tu để có tu mà thôi, chứ con đường phía trước còn mờ mịt. Vì các sư Nam Tông đã tu tập qua rồi những trạng thái này mà chẳng thấy làm chủ tâm tham, sân, si được.
Rõ ràng các sư còn tham ăn thích ngủ tức là ăn uống phi thời và còn tham danh, đắm lợi, tiền bạc xe cộ, chùa to Phật lớn, không sống được trong từ tâm, còn ăn thịt chúng sanh, cơ thể mập khỏe chứng tỏ các sư còn có nhiều tâm dục.
Nếu con không ở trên Tứ Niệm Xứ tu tập xả tâm, đẩy lui các chướng ngại trên thân, thọ, tâm, pháp để khắc phục tham ưu trên đó thì dù con có tu niệm căn, có liên tục tu tập tấn căn, dù con có tinh cần một triệu năm thì nó cũng không giải quyết được sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, vì lối tu tập này đã đi sai hướng giải thoát rồi.
Pháp xả tâm chỉ có trên Tứ niệm Xứ thỉnh thoảng tu tập định, thỉnh thoảng tu tập quán và thỉnh thoảng tu tập xả, đừng nên chuyên ròng một thứ nào cả, như trong kinh đức Phật đã dạy:
“Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng định, thì có sự kiện tâm vị ấy đi đến thụ động. Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng tinh cần, thời có sự kiện tâm vị ấy đi đến trạo cử. Tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu một chiều tác ý tướng xả, thời có sự kiện tâm vị ấy không chân chánh định tỉnh để đoạn diệt các lậu hoặc.
Nhưng nếu tỳ-kheo siêng tu tập tăng thượng tâm, này các tỳ-kheo, nếu thỉnh thoảng tác ý tướng định, thỉnh thoảng tác ý tướng tinh cần, thỉnh thoảng tác ý tướng xả, tâm vị ấy trở thành nhu nhuyến, kham nhậm, chói sáng, không bẻ vụn, chơn chánh định tỉnh để đoạn tận các lậu hoặc.”
Các sư Nam Tông chuyên ròng tu tập định, vì thế các sư bị ức chế tâm nên sự tu hành của các sư chẳng đi đến đâu cả.
Do lời Phật dạy trên đây chúng ta nên khéo léo và thiện xảo tu tập trong ba tướng này.
12- Khái niệm về Giới
Hỏi: Kính bạch Thầy, thế nào là giới cấm, giới kinh, giới hành, giới hạnh, giới đức…? Còn những khái niệm nào về giới của đạo Phật mà chúng con cần phải biết thêm?
Đáp:
Giới cấm tức là pháp luật, là thanh quy, là nội quy, là những điều lệ mà tu sĩ không được vi phạm.
Giới kinh là những lời dạy của đức Phật được kết tập thành kinh sách dạy về các pháp thiện, người tu sĩ cần phải học và tu tập hằng ngày không được biếng trễ.
Giới hành là những pháp môn tu tập rèn luyện thân tâm để thân tâm được thuần hóa trong thiện pháp như: Định Vô Lậu, Định Niệm Hơi Thở, Định Chánh Niệm Tỉnh Giác v.v…
Giới hạnh là những hành động thân, miệng, ý được rèn luyện, được tu tập không còn làm khổ mình khổ người.
Giới đức là những đạo đức làm người làm Thánh được học tập và được áp dụng vào đời sống hằng ngày.
Ngoài những giới trên đây, đạo Phật còn có nhiều giới như: giới bổn, giới luật, giới bất tử, ngũ giới, lục giới, bát giới, thập giới v.v…
Nói giới luật tức là nói đến đạo đức, nói đạo đức là nói đến những hành động vượt thoát ra khỏi bản chất của loài cầm thú; nói đạo đức là nói đến những hành động cao thượng đẹp đẽ tuyệt vời của con người đối xử nhau trong cuộc sống không làm khổ mình khổ người và khổ tất cả muôn loài vạn vật trên hành tinh này.
13- Năm giới là tiêu chuẩn được sinh làm người
Hỏi: Kính bạch Thầy, có vị giảng sư nói: “Chỉ cần giữ gìn năm giới thì kiếp sau được làm người, mười giới được làm thân chư thiên? Đúng hay sai, xin Thầy giảng cho chúng con được rõ.
Đáp: Đó là một tiêu chuẩn làm người, đức Phật đã xác định rất rõ ràng, vì thế khi quy y Tam Bảo thọ năm giới, người cư sĩ cần phải sống đúng năm giới. Nhưng mấy ai đã giữ gìn năm giới trọn vẹn, một tiêu chuẩn có năm điểm để được đậu làm thân người.
Nhưng nhìn những người xung quanh ta, tuy đã thọ năm giới nhưng mấy ai đã giữ được trọn vẹn, mặc dù có người đã thọ năm giới rất lâu, có thể từ năm năm hay mười năm. Thế mà giờ này còn có người vi phạm
Trong năm giới này gồm có: 1- Sát sanh; 2- Trộm cắp; 3- Tà dâm; 4- Vọng ngữ; 5- Uống rượu
Trong năm giới này, giới trộm cắp, tà dâm và uống rượu là dễ giữ gìn, còn giới sát sanh và giới vọng ngữ là khó giữ, nói khó không có nghĩa là giữ không được.
Người tu sĩ hiện nay năm giới này còn giữ không trọn huống là người cư sĩ. Bởi vậy “được thân người khó, khó như con rùa mù tìm bộng cây giữa biển Đông”. Nói khó được thân người tức là nói giữ gìn năm giới rất khó.
Khi mất thân rồi phải trải qua vô lượng kiếp mới làm được người, thế mà mọi người có thân chẳng mấy ai quý trọng. Mỗi phút thời gian trôi qua làm sao chúng ta cứu được thân. Nhờ có thân tu tập mới mong giải thoát luân hồi sanh tử, không có thân lấy gì tu tập giải thoát được. Phải không quý vị?
“Tấc bóng thời gian một tấc vàng,
Tấc vàng tìm được không gì khó,
Tấc bóng thời gian khó hỏi han.”
Năm giới này là năm hành động đạo đức làm người:
1- Giới thứ nhất không sát sanh, giới này xác định quý vị có được thân người hay không? Nếu quý vị phạm giới này thì không bao giờ quý vị được làm thân người nữa.
Giới này dạy: không vì sự sống của ta mà ta nỡ sống trên sự giết hại và làm đau khổ của muôn loài vật khác, trong sự đau khổ đó có con người. Giới này là một hành động đạo đức hiếu sinh, chỉ có con người mới thực hiện lòng thương yêu ấy; chỉ có con người mới tu tập rèn luyện đạo đức này.
Còn tất cả loài thú vật trên hành tinh này không thể hiểu biết và tu tập rèn luyện đạo đức này được. Con người nhờ có tri kiến hiểu biết thiện và ác, còn con thú thì không phân biệt được thiện ác.
Do biết phân biệt nên đức Phật mới dạy cho con người sống đạo đức hiếu sinh, vì có thương chúng sanh mới có thương mình, có thương mình mới không nên làm khổ chúng sanh, làm khổ chúng sanh tức là làm khổ mình.
Tại sao vậy? Vì luật nhân quả, khi làm khổ chúng sanh tức là huân sự khổ đau vào mình. Cho nên người nào ăn thịt và giết hại chúng sanh thì người ấy đã huân sự bệnh tật, tai nạn vào mình và những người thân của mình.
Đem lợi ích cho muôn loài là niềm vui hạnh phúc.”
Giới thứ nhất của Phật dạy chúng ta biết tạo nhân quả không sát hại và ăn thịt chúng sanh để không vay nợ xương máu và thân mạng chúng sanh, nhờ đó mới được thân người. Nếu giết hại và ăn thịt chúng sanh là phải trả nợ máu xương và thân mạng tức là phải làm thân chúng sanh để cho người khác giết hại và ăn thịt lại.
Điểm cao nhất của giới này là để được làm thân người, đó là đạo đức làm người thứ nhất của người cư sĩ. Đạo đức này đã không giết hại và ăn thịt chúng sanh mà còn thương yêu tất cả chúng sanh như con mình.
Muốn được làm thân người thì quý vị phải nhớ kỹ lời dạy này; phải nhớ kỹ giữ gìn đạo đức này, đạo đức hiếu sinh, đạo đức này chỉ có con người mới có, nếu không giữ gìn được đạo đức này thì chớ mong có được thân người ở kiếp mai sau.
Do đức hạnh này mà đức Phật dạy: “thân người khó được.”
Chỉ trong giới này cũng đủ xác định kiếp sau của quý vị còn có được thân người hay không? Nếu quý vị giết hại và ăn thịt chúng sanh thì chắc chắn kiếp sau quý vị không được làm thân người.
Luật nhân quả rất công bằng, vì thế kiếp sau quý vị phải làm thân chúng sanh để trả vay nợ máu xương như chúng tôi đã nói ở trên thì quý vị làm sao có thân người được.
Còn bốn giới kia để xác định đời sống của quý vị khi có thân người được hạnh phúc sang giàu hay khổ đau nghèo cùng, có tình nghĩa hay bạc tình, có thông minh hay u tối như:
2- Giới thứ hai là giới cấm trộm cướp, giới này xác định làm được thân người có giàu sang hay nghèo khổ đói rét, nếu kiếp này quý vị tham lam trộm cắp của người. Của cải trộm cắp ấy không những trong kiếp này, của cải tài sản của quý vị như để ngoài sân, nó sẽ bị tiêu tan dễ dàng như: lửa cháy, nước trôi, Nhà nước sung công, con cái trong nhà phá tán v.v…
Trong kiếp này và kiếp sau quý vị trở thành người nghèo cùng khốn khổ cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nghèo khổ đến mức không có nhà ở, phải ở hè phố, ngủ đường ngủ bụi v.v... đó là luật nhân quả rất công bằng xử phạt kẻ tham lam trộm cắp cướp giật của người khác.
Nhìn qua giới luật này, xét thấy trong cuộc sống của quý vị thì biết ngay quý vị nghèo khổ hay là giàu sang đều do nhân lấy của không cho (tham lam trộm cắp) hay bố thí.
3- Giới thứ ba là giới tà dâm, giới này xác định được quý bạn là người có đạo nghĩa hay không đạo nghĩa. Đức Phật dạy giới này là cấm dâm dục không chân chánh, dâm dục chân chánh là tình nghĩa đạo lý con người. Còn dâm dục không chân chánh, nay lấy người này, mai ở với người khác chẳng khác nào là một con thú vật không đạo nghĩa, không chung thủy.
Giới luật này chỉ rõ đạo nghĩa làm người. Làm người phải có tình, có nghĩa, có lòng chung thủy thương yêu nhau mới gọi là con người. Vì hạnh phúc của chúng ta và mọi người thì chúng ta đâu có quyền làm khổ mình, khổ người bằng cách lang chạ như loài thú vật.
Con người khác hơn con thú ở giới luật này, nếu con người không giữ gìn giới luật này thì kiếp sau khó làm người, hiện tại họ là một con người nhưng tâm tánh họ có khác gì con thú, sống không tình, không nghĩa, sống không có lòng trung trinh tiết hạnh, sống không chung thủy với nhau.
Giới luật này xác định được tình nghĩa đạo đức cao đẹp của con người với con người, nếu không có giới luật này thì đạo đức tình nghĩa của con người không có, và như vậy con người chỉ là một con thú vật mà thôi.
4- Giới thứ tư là giới vọng ngữ, tức là giới cấm nói dối, giới cấm không nói thất hứa, thất hẹn v.v… Giới luật này xác định được uy tín của con người trong cuộc sống đối với những người khác.
Giới luật này nói lên sự uy tín của con người đối với con người trong xã hội như trên đã nói, người ở đời ai phạm vào giới luật này là tự làm mất uy tín. Con người phải có uy tín, con người không uy tín là không xứng đáng làm người.
Một con thú vật mang đầy đủ tánh hung ác giết hại lẫn nhau, cướp giật ngang tàn, sống lang chạ không chung thủy, nhưng rất thành thật không dối trá.
Giới luật này nếu con người phạm vào thì còn thua loài thú vật thì làm sao xứng đáng làm người được. Người nói láo, thất hứa, thất hẹn là những người xã hội không ai dám gần.
Giới không nói dối là một giới luật rất khó giữ gìn, làm người chúng ta thường hay phạm vào giới này. Vì thế chúng ta phải luôn luôn đề cao cảnh giác khi nói chuyện bất cứ người nào.
5- Giới thứ năm là giới uống rượu. Kẻ say sưa rượu chè là người mê mờ, không sáng suốt. Người uống rượu thường tự tạo tri kiến của mình ngày càng u tối và đần độn.
Người nào hay uống rượu là người ấy tự làm khổ mình, tự giết mình, uống rượu như uống thuốc độc vào mình. Vì thế chỉ có những người không sáng suốt và mê mờ mới nuốt độc dược vào thân mà không biết.
Rượu là một chất độc kích thích và tác động thần kinh khiến cho người uống rượu giống như người điên, không còn trí tuệ thông minh nên người say rượu thường ăn nói bừa bãi, ăn nói khiếm nhã thiếu lịch sự, thiếu văn hóa, ăn nói thô lỗ cộc cằn v.v...
Người uống rượu say sưa tánh tình hung ác không khác nào như một ác quỷ, án mạng thường xảy ra phần lớn là do những người say rượu.
Tóm lại trong năm điểm này, nếu chúng ta chỉ cần thiếu một điểm thì chúng ta cũng không thể làm người được, vì đó là năm tiêu chuẩn được làm người mà đức Phật đã dạy cho mọi người để xác định muốn được thân người thì phải sống đúng năm giới luật này một cách cụ thể, rõ ràng mà không có người nào phản đối.