112-TRẢ LỜI CÂU HỎI VỀ TU TẬP (3). TL Thích Thông Lạc
14- Người đắc đạo không cần giữ giới luật
Hỏi: Kính bạch Thầy, có sự khác biệt nào giữa việc uống rượu của Tế Điên Tăng và việc tự sát bằng dao của ngài Channa trong kinh Tương Ưng tập 4 trang 99? Có vị nói, đối với người đã đắc đạo, thân có thể phạm giới nhưng tâm không bao giờ phạm, từ đó đánh đồng hai hành động nêu trên?
Đáp: Những lý luận của các nhà học giả “Người chứng đạo không cần giữ giới luật” điều đó là sai cả.
Tế Điên Tăng là một nhân vật Đại Thừa thể hiện sự phá giới phi đạo đức của đạo Phật, là một vị tăng đại diện cho giáo pháp Đại Thừa nên hành động Tế Điên Tăng thiếu oai nghi tế hạnh nghiêm trang của một tu sĩ chân chánh. Tế Điên Tăng chỉ lòe thần thông tưởng lừa đảo người mà đức Phật đã cho những thần thông đó là huyễn hóa không đáng cho chúng ta ca ngợi.
Tế Điên Tăng là một tu sĩ thiếu đức hạnh của một con người thì không đáng cho chúng ta cung kính, chỉ có những người ham mê thần thông mới cung kính, còn những tu sĩ đệ tử của đức Phật chân chánh tu hành giải thoát thì xem đó là những kẻ tà đạo bàng môn, không phải là những tu sĩ Phật giáo.
Đức Phật so sánh mũi dao của tỳ-kheo Channa và Tứ Thiền tịnh chỉ hơi thở không có khác nhau. Đọc qua bài kinh này chúng ta mới thấy rõ diệu ý của đức Phật dám đem thiền định so sánh với mũi dao thì thật là tuyệt vời. Vì đức Phật muốn bài bác thần thông một cách quyết liệt, vì thần thông chẳng đem đến ích lợi cho con người thiết thực. Mặc dù Tứ Thiền là một loại thiền định tuyệt vời và mầu nhiệm làm chủ được sự sống chết có nghĩa là người nhập được thiền định này muốn chết, muốn sống không còn khó khăn chút nào cả.
Tự tại trong sanh tử như thế mà Ngài dám đem mũi dao của tỳ-kheo Channa mà so sánh thì Thầy xin tán thán đức Phật đúng là một bậc Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn.
Sự so sánh này hay tuyệt, thần thông và Tứ Thánh Định được đức Phật xem như đồ bỏ, như một chiếc dép hư không còn dùng được nữa.
15- Tụ điểm
Hỏi: Kính thưa Thầy, khi chúng con ngồi thiền:
1- Xác định tụ điểm ở chỗ nào? Giữ nó như thế nào trong thời gian ngồi?
2- Mở mắt hay nhắm mắt, có lợi hại gì? Khi nhắm mắt con dễ gom sáu căn để niệm hơi thở hơn, vậy con có nên tiếp tục nhắm mắt?
3- Tay để bình thường hay bắt buộc bàn tay phải để trên bàn tay trái, ngón cái chạm nhau?
4- Theo sự hướng dẫn của cô Út, mỗi ngày con chỉ ngồi rất ít (khoảng 45 phút). Chủ yếu lo hướng tâm xả tâm. Thưa Thầy chúng con có nên tăng thời lượng lên không?
Đáp: Khi ngồi thiền các con cần nên lưu ý những điểm sau đây. Trong câu hỏi một có hai câu:
1- Xác định tụ điểm. Khi ngồi thiền tu Định niệm hơi thở thì nên đặt tụ điểm tại nhân trung tức là nơi hơi thở ra vào, giữa nhân trung cạnh mũi. Tu Định niệm hơi thở đặt tụ điểm tại nhân trung là chính xác và cụ thể thực tế nhất không bị tưởng. Đặt trên chóp mũi cũng được, nhưng không bằng đặt tại nhân trung, vì nơi đó trụ tâm không sanh ảnh hưởng rối loạn thần kinh.
Còn bất cứ đặt tụ điểm nơi đâu để trụ tâm đều không tốt, tại sao vậy? Vì đặt bất cứ nơi đâu trên thân mà tu hơi thở thì dễ rơi vào định tưởng, định tưởng là một loại định rất nguy hiểm. Vì vậy người tu thiền cần phải quan tâm và cảnh giác để bước đường tu tập không là bước đường cùng.
Thời gian thích nghi tu tập tụ điểm. Tu tập và giữ gìn tụ điểm, muốn tu và tạo tụ điểm phải dùng một hơi thở vô và ra chậm và nhẹ nghĩa là hít vô chậm chậm và thở ra cũng chậm chậm. Trước khi thở hơi thở này, chúng ta dùng pháp hướng để dẫn tâm vào tụ điểm: “Hai mắt phải nhìn xuống tụ điểm, tâm phải tập trung vào đó.”
Sau khi hướng tâm xong thì hai mắt phải nhìn xuống nhân trung và tâm phải tập trung chú ý biết tại nơi đó, mắt và tâm đều tập trung nơi đó. Chúng ta bắt đầu hít vô chậm chậm nương theo hơi thở vô, gom tâm tại nhân trung và khi thở ra cũng gom như vậy.
Nếu đủ sức thì chúng ta tu tập liên tục 5 hơi thở chậm rồi thở lại hơi thở bình thường, còn không đủ sức thì chỉ thở một hơi thở chậm mà thôi, rồi thở lại 10 hoặc 20 hơi thở bình thường.
Khi thở lại hơi thở bình thường thấy tâm bám chặt vào tụ điểm thì không cần thở lại hơi thở chậm. Chỉ khi nào tâm chưa bám chặt vào tụ điểm, có nghĩa là tâm còn vọng tưởng thì mới hướng tâm và thở lại một hơi thở chậm nhẹ như lúc ban đầu.
Đó là cách giữ gìn tâm bám chặt vào tụ điểm để tâm không còn khởi niệm. Nếu ai biết dùng hơi thở chậm gom tâm, người ấy ức chế tâm hết vọng tưởng dễ dàng. Nhưng đây không phải thiền định, đây chỉ là sự tập trung tâm để giúp tâm tỉnh thức chứ không phải đi vào tĩnh lặng để rồi rơi vào định tưởng. Xin quý vị lưu ý.
2- Mở mắt hay nhắm mắt trong khi tu tập còn tùy vào hai trường hợp:
- Khi loạn tưởng thì nên nhắm mắt.
- Khi bị hôn trầm thùy miên thì nên mở mắt.
Mở mắt to sanh loạn tưởng, nhắm mắt lại sanh hôn trầm, vì thế người tu hành nên tập tu không mở mắt, không nhắm mắt mà chỉ cần mắt nhìn xuống. Khi mắt nhìn xuống thì mắt chỉ mở một phần ba, mắt chỉ mở một phần ba là vừa đủ thu nhiếp tâm và không bị hôn trầm thùy miên và loạn tưởng.
Khi mới bắt đầu tu tập, nhắm mắt tu dễ gom tâm nhưng tu lâu thì không tốt, vì dễ bị ma tưởng quấy nhiễu.
Con không nên tiếp tục tu tập nhắm mắt mà phải tu đúng cách ngay từ lúc ban đầu. Người tu thiền không được nhắm mắt, không được mở mắt. Khi ngồi thiền chỉ có nhìn xuống, từ chỗ ngồi đến điểm mắt nhìn cách khoảng một thước hoặc tám tấc, không được xa hơn cũng không được gần quá.
Vì xa hơn thì đầu phải ngước lên và như vậy thì mắt phải mở to, còn gần quá thì đầu phải cúi xuống, đầu cúi xuống mà ngồi thiền thì trông tướng rất xấu, đễ bị hôn trầm thùy miên vô ký và tưởng lạc.
3- Tu thiền theo Phật giáo, hai bàn tay không bắt ấn, chỉ có người tu theo Mật Tông hai bàn tay luôn luôn lúc nào cũng bắt ấn. Khi ngồi thiền hai bàn tay để tự nhiên trên hai đầu gối như tượng Phật Nguyên Thủy hoặc hai bàn tay để chồng lên nhau một cách tự nhiên chứ không bắt buộc hai đầu ngón tay cái chạm nhau. Chúng ta tu theo Phật thì phải sống và tu tập như Phật, đừng bắt chước theo kinh điển phát triển, bởi vì thiền của Phật là chỗ tâm không còn tham, sân, si chứ không phải chỗ ngồi.
Ngồi như thế nào thoải mái dễ chịu thì ngồi, còn ngồi mà khổ đau thì không nên ngồi, vì chúng ta theo Phật là tìm sự giải thoát không còn khổ đau. Đức Phật đã xác định: “Pháp Ta không có thời gian đến để mà thấy…”, và như vậy trong khi tu tập có sự khổ đau xảy ra tức là chúng ta đã tu sai hoặc tu theo pháp môn của ngoại đạo.
Vì tu tập có khổ đau như vậy là ức chế thân tâm, là tự làm cho mình khổ, là thiếu đạo đức với mình, là pháp khổ hạnh của ngoại đạo. Ngày xưa thiếu chút nữa đức Phật đã làm vật hy sinh cho những pháp môn này.
Tóm lại, con nên ngồi xếp bằng kiết già hoặc bán già cũng đều tốt như nhau cả, hoặc ngồi bất cứ một tư thế nào mà thân tâm con an lạc thì con ngồi. Mục đích tu tập là lo xả tâm ly dục ly ác, đẩy lui tất cả chướng ngại pháp trên tứ niệm xứ của con, để tâm con không phóng dật tức là tâm thanh tịnh.
Tâm không phóng dật là tâm định chứ không phải ngồi mà có định. Ngồi chỉ là một phương tiện giúp cho tâm dễ gom, và tâm gom được thì tâm mới tỉnh giác, mới thấy được chướng ngại pháp. Ngồi chỉ là một phương tiện nhỏ mà thôi. Còn hai bàn tay thì không cần thiết phải như thế này, thế kia…
4- Cô Diệu Quang dạy rất đúng, ngồi ít mà xả tâm nhiều tức là không bị ức chế, còn lấy sự ngồi nhiều làm mốc tu tập coi chừng sẽ tu lạc hướng vào định tưởng. Chủ yếu lúc nào, giờ nào, phút nào, giây nào cũng lo xả tâm, xả tâm tốt thì tăng giờ lên, còn xả tâm chưa tốt, tăng giờ lên cũng chẳng có ích lợi gì.
Nên nhớ lúc nào cũng giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, và lúc nào cũng phòng hộ sáu căn, không bao giờ để có kẽ hở cho tâm lang thang chạy theo các pháp trần bên ngoài. Ngồi hay không ngồi đâu còn có nghĩa lý gì nữa, tu tập trong bốn oai nghi: Đi, đứng, nằm, ngồi.
16- Thân hành là gì?
Hỏi: Kính bạch Thầy, quán niệm hơi thở:
1- “An tịnh thân hành tôi biết thở vô/ra.” Thân hành ở đây là gì? Có phải là hơi thở hay thân thể, hoạt động thân nói chung?
2- Hỷ thọ khác lạc thọ như thế nào?
3- Quán vô thường, quán ly tham, tôi sẽ thở vô/ra: Khi quán cần phải có thời gian suy xét, thẩm sát…, sao lại có thể thực hiện được trong khoảnh khắc ngắn ngủi trước mỗi hơi thở? Khi quán vô thường con phải trải qua nhiều lần thở ra thở vô. Vậy có đúng không bạch Thầy?
4- Niệm hơi thở khi không có tác ý, chỉ đơn thuần biết thở vô ra khác với tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn như thế nào? Ngoài một bên là xả tâm, một bên là ức chế tâm thì Định Niệm Hơi Thở của Phật có khác với Chỉ, Quán, Hoàn, Tịnh của Lục Diệu Pháp Môn như thế nào?
Đáp:
(1) Trong kinh sách Nguyên Thủy, đức Phật thường dạy: “Thật hy hữu thay chư Hiền giả! Thân hành niệm này được tu tập, được làm cho sung mãn, thì có quả lớn, có công đức lớn.” Ở đây con hỏi thân hành là gì?
Thân hành là sự hoạt động của thân. Sự hoạt động của thân có hai phần: 1, Thân hành ngoại; 2, Thân hành nội.
Thân hành niệm ngoại là sự đi, đứng, nằm, ngồi, nói, nín hoặc làm tất cả mọi công việc dù lớn, dù nhỏ, dù nhẹ, dù nặng v.v… đều được gọi là thân hành niệm ngoại.
Thân hành niệm nội là sự hoạt động trong nội thân như: tế bào, thần kinh, tuần hoàn, hô hấp, bài tiết v.v…
Về phần thân hành niệm nội trong thân thì chúng ta chỉ có điều khiển được hơi thở tức là về phần hô hấp, còn tất cả những sự hoạt động khác thì chúng ta không thể điều hành được. Nếu chúng ta điều hành được hơi thở thì chúng ta sẽ điều hành được tất cả sự hoạt động trong nội thân.
Do đó điều khiển được hơi thở tức là điều khiển được sự sống chết. Các nhà Yoga tu tập hơi thở để đạt được sự làm chủ sống chết là do luyện tập hơi thở, họ luyện tập hơi thở chia làm ba loại hơi thở:
1, Hơi thở vô; 2, Hơi thở ra; 3, Hơi thở nín.
Sự luyện tập hơi thở này đưa đến kết quả làm chủ được hơi thở tức là làm chủ được sự sống chết, nhưng không chấm dứt được luân hồi, vì tu sĩ Yoga chưa thực hiện được Lậu Tận Minh nên nguyên nhân tái sanh luân hồi còn chưa đoạn diệt.
Vì pháp môn tu bằng tưởng tức (hơi thở tưởng) nên khi làm chủ được hơi thở, các tu sĩ Yoga tưởng mình hòa nhập vào đấng tối cao. Sự tu tập này rất khó cho nên chỉ có một số quá ít người đạt được ở mức độ cao. Phần nhiều tu tập để ngừa bệnh trị bệnh theo phương pháp dưỡng sinh. Nhưng dùng phương pháp Yoga ngừa bệnh và trị bệnh thì chỉ ngừa và trị ở ngọn chứ không trị ở gốc của bệnh tật được.
Đạo Phật cũng dùng hơi thở nhưng không luyện tập hơi thở như Yoga, chỉ nương vào hơi thở tự nhiên để tỉnh thức trong mọi pháp, nhờ có tỉnh thức nên xả tâm ly dục ly ác pháp dễ dàng.
Đạo Phật không dụng riêng hơi thở tu tập như các nhà Yoga, mà còn sử dụng mọi hoạt động của thân. Đức Phật xem hơi thở là một hành động như tất cả các hành động khác của thân.
Mục đích của đạo Phật là bất động tâm, cho nên sự tỉnh thức trong chánh niệm là một điều quan trọng trong việc tu tập xả tâm. Và khi tâm đã xả sạch tức là tâm ly tham và đoạn các ác pháp thì lúc bấy giờ tâm thanh tịnh. Tâm thanh tịnh thì tâm có đủ năng lực điều khiển các hoạt động trong thân, thậm chí như điều khiển cả bộ óc làm việc theo ý muốn của mình chứ không phải chỉ có điều khiển hơi thở mà thôi.
Còn phương pháp của Yoga luyện tập khổ công về hơi thở và còn dùng tưởng để mở các luân xa trong thân tứ đại bất tịnh, đó là một việc tu tập không giống Phật giáo chút nào.
Đức Phật dạy chỉ nương vào thân hành niệm để tu tập xả tâm ly tham đoạn ác pháp chứ không phải đi tìm thiền định trong hơi thở hoặc bất cứ một hành động nào khác trong thân. Nhưng chúng ta nên biết sự lợi ích của thân hành niệm là giúp chúng ta xả tâm tốt nhất, ngoài thân hành niệm ra chúng ta không có pháp nào giúp cho xả tâm tốt. Hơi thở là một thân hành niệm trong muôn ngàn thân hành niệm của thân chứ không lấy hơi thở làm điều quan trọng cho sự tu tập thiền định.
Thiền định của Phật giáo là chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi. Chỗ tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là mục đích của đạo Phật.
(2) Hỷ thọ thuộc về tâm; lạc thọ thuộc về thân. Thân ngồi, hay nằm, hay đi, hay đứng đều cảm thấy an lạc, đó gọi là lạc thọ, còn tâm cảm thấy thanh thản, an ổn, vô sự không phóng dật, đó là hỷ thọ.
Tóm lại, hỷ lạc là chỉ cho trạng thái thân và tâm thanh thản, an lạc, vô sự. Lúc nào tâm cũng không phóng dật, đó chính là trạng thái của tâm thanh tịnh đang hiện tiền trong cuộc sống không lúc nào mất thì người đó đang nhập Bất Động Tâm. Tâm đang ở trạng thái Bất Động, muốn nhập Sơ Thiền rất dễ dàng.
Trạng thái hỷ lạc của Sơ Thiền là do ly dục sanh nên khi nhập Sơ thiền thì có năm chi thiền hiện ra: Tầm, Tứ, Hỷ, Lạc và Nhất tâm. Năm chi thiền này là một trạng thái Sơ Thiền Thiên. Người nào nhập được Sơ Thiền là được sinh vào cảnh giới Sơ Thiền Thiên khi bỏ xác thân này.
(3) Quán vô thường, quán ly tham ở Định Niệm Hơi Thở không có nghĩa là quán xét, tư duy, suy nghĩ, nó có nghĩa là hướng tâm. Câu quán vô thường và quán ly tham tôi biết tôi hít vô, tôi biết tôi thở ra là pháp Như lý tác ý để giúp tâm huân thành một thói quen thấy các pháp vô thường, hoặc thấy các pháp liền lìa tâm tham đắm.
Pháp Như lý tác ý để giúp tâm có một năng lực vô thường, ly tham, ly sân, ly si, ly mạn, ly nghi v.v… Nếu không có kinh nghiệm tu hành thì Định Niệm Hơi Thở chỉ là một lý giải suông không thể tu tập được.
Người không có kinh nghiệm tu hành không hiểu, nên Định Niệm Hơi Thở gọi là quán niệm, ấy thật là sai lệch, vì thế Định Niệm Hơi Thở của đạo Phật đã biến thành Quán Niệm Hơi Thở của ngoại đạo.
Bài kinh Xuất Tức Nhập Tức trong kinh Trung Bộ đã dạy quá rõ ràng, thế mà người tu hiện giờ không có ai tu đúng, chỉ tưởng giải bằng cách này, bằng cách khác, thiếu kinh nghiệm thực tế, vì thế người tu hiện giờ tu không có kết quả.
Tóm lại, quán vô thường, quán ly tham là pháp dẫn tâm vào đạo chứ không phải pháp quán như con hiểu một cách sai lạc.
(4) Niệm Hơi Thở không tác ý chỉ đơn thuần biết thở vô, ra thì không khác pháp tùy tức trong Lục Diệu Pháp Môn. Pháp Tùy Tức trong Lục Diệu pháp môn là pháp ức chế tâm mà Tổ Trí Khải Đại Sư đã chế ra để người sau tu hành thiền định.
Lục Diệu pháp môn là một pháp do tưởng tri chế tác chứ không phải do kinh nghiệm tu hành theo đúng lộ trình của Phật giáo, mặc dù nó có quán, hoàn, tịnh nhưng vì nó dùng pháp sổ, tùy, chỉ để ức chế tâm trước khi quán, hoàn, tịnh. Vì vậy nó rơi vào tưởng pháp, sanh ra tưởng tuệ, đó là một sự khác biệt giữa pháp môn thiền của Phật và Tổ.
Theo Lục Diệu Pháp Môn chỉ (ức chế vọng tưởng) trước, còn quán (tư duy quan sát) sau.
Theo Phật giáo vừa tỉnh giác vừa xả, tỉnh giác đâu thì xả tâm đó, hai pháp này không lìa nhau. “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Hít vô ra là tỉnh giác còn ly tham xả ác pháp là chánh niệm chứ không phải quán như Lục Diệu Pháp Môn.
Cho nên quán, hoàn, tịnh của Lục Diệu Pháp Môn là pháp tưởng thức quán chứ không phải ý thức quán.
Phật dùng ý thức để tu, còn Tổ dùng tưởng thức để tu, do đó Phật làm chủ sanh, già, bệnh, chết là thật, vì đó là liễu tri. Còn Tổ làm chủ sanh, già, bệnh chết là không thật, vì đó là tưởng tri.