Skip directly to content

135-PHÁP CĂN BẢN CỦA NGƯỜI TU SĨ (7). TL Thích Thông Lạc

IV. NHỮNG PHÁP TU CĂN BẢN (tiếp theo).
          IV-1. NHỮNG PHÁP TU THIỀN

IV-2. NHỮNG PHÁP TU ĐỊNH

Như quý phật tử đã biết: đạo Phật là đạo đức nhân bản - nhân quả, sống không làm khổ mình khổ người và khổ chúng sanh. Vì thế giới luật là hàng đầu trong các pháp tu tập, cho nên quý phật tử phải giữ gìn tám giới nghiêm túc không được vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong tám giới này.

Nhờ có giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh thì tu tập bốn pháp định này mới có hiệu quả. Do đó quý phật tử nên biết giới luật là pháp môn quan trọng nhất cho con đường tu tập để tìm cầu sự giải thoát.

             IV-2.1. Pháp thứ nhất: Định Chánh Niệm Tỉnh Giác

               Pháp tu tập Định Chánh Niệm Tỉnh Giác gồm có hai phần:
               1, Tu tập Tỉnh thức trên bước đi.
               2, Tu tập Tỉnh thức trong những hành động sống hằng ngày. 

a) Tu tập Tỉnh Thức trên bước đi: Gồm có bốn giai đoạn tu tập

a.1) Giai đoạn thứ nhất: Đi kinh hành như người vô sự. Trước khi đi quý phật tử nên tác ý như sau: “Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Khi chân trái bước tôi đếm một; chân phải bước tôi đếm hai; chân trái bước tôi đếm ba; chân phải bước tôi đếm bốn; chân trái bước tôi đếm năm.

Và như vậy mỗi chân bước tôi đếm 6, 7, 8, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 17, 18, 19, 20. Đúng hai mươi bước tôi đứng lại tác ý: “Đi kinh hành tôi biết tôi đi kinh hành.” Rồi tiếp tục đi lại như cũ. Và cứ tu tập như vậy cho đến khi đúng 30 phút mới xả nghỉ.

a.2) Giai đoạn thứ hai: Đi kinh hành như giai đoạn thứ nhất, nhưng đi đúng 20 bước đứng lại tác ý câu: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra,” tác ý xong liền hít vô thở ra năm hơi thở. Khi hít thở năm hơi thở xong liền tác ý: “Đi kinh hành tôi biết tôi đang đi kinh hành.” Tác ý xong lại bước đi kinh hành như trước. Đi kinh hành 20 bước cộng năm hơi thở suốt thời gian 30 phút xả nghỉ. Đó là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác giai đoạn thứ hai.

a.3) Giai đoạn thứ ba: Đi kinh hành như giai đoạn thứ nhất, nhưng đi đúng 20 bước đứng lại rồi ngồi xuống theo kiểu bán già hoặc kiết già, giữ lưng thẳng, mắt nhìn chóp mũi, tác ý: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra,” tác ý xong liền hít vô thở ra năm hơi thở. Khi hít thở năm hơi thở xong đứng dậy liền tác ý: “Đi kinh hành tôi biết tôi đang đi kinh hành.

Tác ý xong lại bước đi kinh hành như trước. Đi kinh hành 20 bước cộng thêm tư thế ngồi hít thở năm hơi thở. Tu tập như vậy suốt thời gian 30 phút rồi xả nghỉ. Đó là tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác giai đoạn thứ ba.

a.4) Giai đoạn thứ tư: Đi kinh hành theo pháp môn Thân Hành Niệm. Pháp môn Thân Hành Niệm là một phương pháp tu tập tỉnh thức thứ tư. Phương pháp này tu tập theo lệnh truyền của pháp môn Như lý tác ý. 

            Xin quý phật tử lưu ý! Đây là một mẫu truyền lệnh của pháp môn Thân Hành Niệm. Thân đang đứng ngay thẳng, bắt đầu truyền lệnh:

              Co tay trái!     
              Để sau lưng!  
              Co tay mặt!    
              Để sau lưng!  

              (Một). Chân trái bước!          
               Nhón gót (lên)!             
               Nhắc chân (lên)!                    
               Đưa (chân) tới!          
               Hạ chân xuống!         
               Hạ gót xuống!

               (Hai). Chân mặt bước!
               Nhón gót (lên)!
               Nhắc chân (lên)!
               Đưa (chân) tới!
               Hạ chân xuống!
               Hạ gót xuống!

(Ba). Chân trái bước!

… (Hai mươi).            

Đến bước thứ 20 chỉ bước tới vừa phải để khi hạ gót xuống thì hai mũi bàn chân cùng trên một hàng thẳng. Khi đứng lại xong thì tiếp tục truyền lệnh cách thức ngồi.

                        Tay mặt buông xuống!
                        Tay trái buông xuống!
                        Tay trái đưa thẳng ngang mặt!
                        Tay mặt đưa thẳng ngang mặt!
                        Hai chân co ngồi xuống!
                        Tay trái chống đất sau lưng!
                        Tay mặt chống đất sau lưng!
                        Hạ thân ngồi xuống!
                        Chân mặt duỗi ra!
                        Chân trái duỗi ra!
                        Hai tay sửa áo!
                        Chân trái thu về!
                        Tay mặt kéo (chân trái) lên! (kiết già)
                        Chân mặt thu về!
                        Tay trái kéo (chân mặt) lên! (kiết già)
                        Tay trái đặt lên gối trái!
                        Tay mặt đặt lên gối mặt!
                        Lưng thẳng!
                        Hít thở năm hơi!
                        Hít! … Thở! (một)
                        Hít! … Thở! (hai)
                        Hít! … Thở! (ba)
                        Hít! … Thở! (bốn)
                        Hít! … Thở! (năm) 
                        Tay trái chống đất sau lưng!
                        Tay mặt chống đất sau lưng!
                        Chân mặt duỗi ra!
                        Chân trái duỗi ra!
                        Chân mặt co thu về!
                        Chân trái co thu về!
                        Ngồi lên!
                        Tay trái đưa thẳng ngang mặt!
                        Tay mặt đưa thẳng ngang mặt!
                        Đứng lên!

Khi đứng lên xong quý phật tử tiếp tục đi 20 bước vòng thứ 2 ... và cứ tu tập như vậy cho đúng 30 phút mới xả nghỉ. Pháp môn Thân Hành Niệm là giai đoạn tu tập tỉnh thức thứ tư có công năng tỉnh thức rất cao, phá hôn trầm, thùy miên, vô ký rất tuyệt vời.

Pháp môn này quý phật tử còn nhiều gia duyên, tâm ly dục ly ác chưa tròn đủ thì không nên tu tập nhiều, vì tu tập nhiều sẽ rơi vào các loại tưởng thì rất nguy hiểm, sẽ rối loạn thần kinh thành tẩu hỏa nhập ma, đó là một loại bệnh điên. Xin quý phật tử lưu ý: Chỉ tu tập 30 phút mà thôi!

            Căn bản khi đi kinh hành (Tỉnh Thức trên bước đi):

Đi kinh hành để Chánh niệm tỉnh giác thì mới đầu đừng nhìn xuống chân, vì nhìn xuống chân như vậy sức gom tâm mạnh quá, tập trung quá, mặc dù biết rằng cái biết bước chân đi rất rõ bởi vì mắt ta nhìn ở đâu thì ý tập trung ở đó. Mới tập luyện thì chỉ nên tập để biết bước đi.  

Nếu đếm trước khi bước đi thì số đếm đó là một lệnh. Khi ra lệnh để bước thì sức tỉnh giác cao hơn đếm sau bước đi. Tác ý: “Tôi đi tôi biết tôi đi,” rồi ra lệnh “bước!” Ra lệnh rồi mới bắt đầu đi sau lệnh đó và mắt thì nhìn tới trước độ 2 hay 3 mét nhưng ý thì lắng nghe bước đi của mình. Nên nhớ ý lắng nghe bước đi còn con mắt thì hãy nhìn ra xa để thư giãn bớt sự tập trung, nhờ thế sẽ thấy thoải mái dễ chịu nhưng ý không rời biết bước chân. Nếu gom mắt, tai, thân, ý vào bước đi thì ức chế quá.  

Đi kinh hành thì cần phải nhiếp phục tâm và an trú tâm được xong quý vị đi mới không bị hao năng lượng. Nếu chưa nhiếp phục tâm và an trú tâm thì bị hao năng lượng, vì thế lúc đầu mới tập quý vị bị hao năng lượng nên cần phải ngủ để bù đắp. Khi nhiếp phục và an trú tâm được rồi thì bắt đầu từ đó sự tập luyện sẽ phát sinh ra năng lượng cho quý vị. Lúc đó nó sẽ tự động làm giảm giờ ngủ, tăng giờ tập luyện lên, quý vị sẽ đạt được kết quả vững vàng, sung mãn và thâm sâu trong các pháp và sức tỉnh giác tăng cao.

Không phải là khi đạt được không niệm khởi trong 20 bước hay trong 10 bước và tất cả mỗi 20 bước đều không niệm khởi thì tăng số đếm bước lên. Không phải vậy. Vẫn giữ số 20 bước và tập luyện làm sao để tâm được an trú trong số bước đó, khoan tăng số bước lên. Nếu tăng số đếm bước lên thì quý vị bị hao năng lượng nhiều hơn nữa, như vậy quý vị sẽ bị hôn trầm thuỳ miên không tập luyện được.  

Tập luyện cho đến khi chỉ cần bước vài bước là quý vị đã an trú được, có sự an lạc trong bước đi, trong thân tâm nên không bị hao năng lượng. Sự an trú sẽ từ từ tăng từ thấp lên cao, càng ngày càng mạnh rõ ràng và mau đạt được. Phải hoàn toàn chủ động cho được, muốn nhiếp là nhiếp được. Tập luyện 20 bước chứ càng tập luyện quý vị càng khoẻ.

Pháp Phật tập luyện đúng rồi thì năng lượng ngày càng được sung mãn; xả tập luyện ra thấy trong người khoẻ khoắn thích thú, trong khi tập luyện thì được an vui, an lạc. Căn bản là ngay từ đầu tập luyện ta phải biết cách chế ngự cho đúng, đừng rơi vào ức chế mà cho là chế ngự. Thường sáu thức mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý bị ức chế thì tưởng thức mới hoạt động. Sự ức chế là nguyên nhân, là động lực làm tưởng thức hoạt động.

Quý vị đi, đừng đi nhanh, mà phải đi chậm, nhắc ra lệnh từng bước đi “Trái bước!” “Mặt bước!” rồi dơ chân đi và lưu ý từng bước. Quý vị tập luyện như vậy năng lực rất cao. Cái ý biết điều khiển tổng thể bước đi. Các động tác đi có sự điều khiển của ý. Ý phải tác động hành động đi nên nó phải đi trước hành động thân.

Đếm số bước là để làm sao trong số bước đó ý phải điều khiển thân để không còn vọng tưởng xen vô. Tập luyện như vậy thì chất lượng rất cao. Nếu trong 20 bước mà vọng tưởng vẫn còn thì quý vị lùi lại 15 bước; 15 bước vọng tưởng vẫn còn thì lùi lại 10 bước hay 5 bước đi. Như vậy mới tập luyện kỹ.

b) Tu tập tỉnh thức trong mọi hành động: 

Tu tập tỉnh thức trong những hành động sống hằng ngày, quý phật tử phải nhớ tu tập trọn một ngày một đêm Thọ Bát Quan Trai (Một ngày tập sống như Phật). Nhất là phải chuyên cần tu tập Chánh Niệm Tỉnh Giác Định bằng mọi hành động ngoại của thân và câu hữu với pháp môn Tứ Chánh Cần để ngăn các pháp ác và diệt trừ các pháp ác. Nghĩa là quý vị tu trong mỗi hành động thân, khẩu, ý và làm tất cả mọi công việc đều tu tập được cả, như quét sân, nấu cơm, lặt rau v.v… Quý vị nên nhớ kỹ, phải dùng pháp hướng tâm để tập tỉnh thức trong hành động. 

Thí dụ: Khi đang quét sân thì quý vị hướng tâm (tác ý): “Quét sân, tôi biết tôi đang quét sân.” Khi đang lặt rau thì quý vị hướng tâm (tác ý): “Lặt rau, tôi biết tôi đang lặt rau.” Khi đang nấu cơm thì quý vị hướng tâm (tác ý): “Nấu cơm, tôi biết tôi đang nấu cơm.” Đó là quý vị đã tu tập tỉnh thức trong hành động quét sân, lặt rau, nấu cơm. Sau đó thì quý vị dùng câu pháp hướng để xả tâm tham, sân, si, mạn, nghi của mình trong hành động quét sân, lặt rau, nấu cơm thì quý phật tử dùng ba chữ “Quán ly tham”…  

Thí dụ: Khi quý phật tử đang quét sân mà muốn tu tập lìa xa tâm tham thì hãy nhắc tâm: “Quán ly tham, tôi biết tôi đang quét sân.” Khi quý phật tử đang lặt rau mà muốn tu tập lìa xa tâm tham thì hãy nhắc tâm: “Quán ly tham, tôi biết tôi đang lặt rau.” Khi quý phật tử đang nấu cơm mà muốn tu tập lìa xa tâm tham thì hãy nhắc tâm: “Quán ly tham, tôi biết tôi đang nấu cơm.

Với tâm tham, sân, si, mạn, nghi quý phật tử đều nương vào những hành động làm việc hằng ngày của mình mà tu tập như vậy thì tâm sẽ ly dục ly ác trọn vẹn. Cho nên quý phật tử làm việc gì đều có thể tu tập được cả. Thầy sẽ cho những câu ví dụ sau đây:

                Quán ly sân, tôi biết tôi đang quét sân.
                “Quán tâm như đất, tôi biết tôi đang lặt rau. 

Hoặc lúc đang đi:

                Quán tâm ly tham, tôi biết tôi đang đi.
                “Quán tâm ly sân, tôi biết tôi đang đi.

Đó là quý vị vừa xả tâm, vừa tỉnh thức trong hành động của mình.

               Quán tâm vô thường tôi biết tôi đang nấu cơm.
               “Quán tâm vô thường tôi biết tôi đang quét sân.
               “Quán tâm vô thường tôi biết tôi đang đi.

Xin quý phật tử lưu ý: Quý vị đang làm công việc gì thì quý vị hãy tỉnh thức ngay trong hành động làm công việc đó, và quý vị luôn luôn kèm theo câu pháp hướng (vô thường, khổ, vô ngã) để xả tâm tham, sân, si của mình. Đó là pháp tu xả tâm trong thời gian tu tập thọ Bát Quan Trai. Khi đi kinh hành quý vị cũng tu tập như vậy:

               “Quán ly tham, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”
               “Quán ly sân, tôi biết tôi đang đi kinh hành.” 
               “Quán ly si, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”
               “Quán tâm như đất, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”
               “Quán tâm vô ngã, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”
               “Quán thân vô thường, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”
               “Quán thân vô ngã, tôi biết tôi đang đi kinh hành.”

Hoặc làm tất cả mọi công việc, quý vị cũng có pháp hướng xả tâm (nhắc tâm theo công việc ấy).

                Ví dụ khi đang nấu cơm thì: “Quán thân vô thường tôi biết tôi đang nấu cơm.”
                Hay là: “Quán thân vô ngã tôi biết tôi đang nấu cơm.
                Khi đang lặt rau thì: “Quán tâm vô ngã tôi biết tôi đang lặt rau.
                Hoặc “Quán pháp vô ngã tôi biết tôi đang lặt rau.

Đó là vừa tu tập tỉnh thức trên Tứ Niệm Xứ: thân, thọ, tâm, pháp trong từng hành động, theo mọi công việc làm mà lại vừa xả tâm mình.

Trên đây là pháp môn tu tập Tỉnh Thức trong mọi hành động câu hữu với pháp xả tâm ly dục ly ác pháp để diệt trừ bản ngã. Vì thế quý phật tử phải tu tập nghiêm chỉnh. Chúc quý phật tử tu tập viên mãn, đạt được tâm thanh thản, an lạc và vô sự.

IV-2.2: Pháp tu thứ hai: Định Niệm Hơi Thở  

Bây giờ quý phật tử tiếp tục tu tập pháp môn thứ hai: Định Niệm Hơi Thở. Quý vị ngồi xuống, ngồi kiết già (hoặc bán già), thẳng lưng, quay mặt vào vách, hai mắt nhìn xuống chót mũi. Quý vị bắt đầu hít vào một hơi thở chậm, dài. Khi nào hít vào hết sức thì quý vị lại thở ra cũng chậm, nhẹ và dài. Khi thở ra hết thì quý vị trở lại hơi thở bình thường, kèm theo pháp hướng tâm: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở.” Khi thở đúng 5 hơi thở thì quý vị lại nhắc tâm: “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở.” Rồi lại tiếp tục thở bình thường như trên.

Khi thấy hơi thở ra vào đều đều, tâm gom tại nhân trung thì quý vị không cần phải nhắc câu “Tôi thở, tôi biết tôi đang thở” nữa mà phải nhắc bằng câu khác để xả tâm mình trong khi đang thở.

Thí dụ nhắc tâm bằng câu: “Quán ly tham, tôi biết tôi đang thở,” rồi quý vị thở 5 hơi thở. Sau đó lại nhắc tâm: “Quán ly sân, tôi biết tôi đang thở.” Rồi thở tiếp 5 hơi, và nhắc tâm: “Quán ly si, tôi biết tôi đang thở.” Rồi quý vị cứ tiếp tục 5 hoặc 10 hơi thì một lần hướng tâm như sau:

             “Quán đoạn dứt tâm tham, tôi biết tôi đang thở.”  
             “Quán đoạn dứt tâm sân, tôi biết tôi đang thở.”
             “Quán đoạn dứt tâm si, tôi biết tôi đang thở.”

Như thế cứ cách 5 hơi thở thì một lần hướng tâm (Đừng để cho một niệm khác xen vào trong khi ta thở và tác ý). Khi tu tập định niệm hơi thở như vậy độ 10 phút thì quý vị xả nghỉ. Nếu quý vị có sức ngồi tu tập bền lâu thì nên tu tập 30 phút rồi xả nghỉ. Suốt trong ngày đêm Thọ Bát Quan Trai Giới quý vị cứ tu tập từng hành động, trong công việc làm hay lúc đi kinh hành, luôn luôn tu tập Định Niệm Hơi Thở kèm theo pháp hướng để xả tâm (Tham, Sân, Si) thì tâm hồn quý vị sẽ được thanh thản.

Tham, sân, si là gì? Tham, sân, si là lậu hoặc, nương vào hơi thở để lìa xa tham, sân, si tức là nương vào hơi thở để xa lìa lậu hoặc, vì thế do sự tu tập hai pháp kết hợp lại làm thành một pháp, nên gọi là câu hữu.

Bắt đầu học, tu tập và muốn đạt được một đời sống Giới Hành Niệm Hơi Thở Ra, Hơi Thở Vô nghiêm chỉnh thì phải thông hiểu: giới đức, giới hạnh và giới hành của nó. Vậy giới đức, giới hạnh và giới hành của giới hành niệm hơi thở ra, hơi thở vô là gì?