059-TẠI SAO TÂM LUÔN LUÔN ĐỘNG? - Phi Mạnh
A. Trong kinh "Tứ Diệu Đế" Đức Phật đã nói rõ "Bản chất của cuộc đời này là khổ đau", “Nguyên nhân khổ chính là dục”. Dục nghĩa là tham muốn. Khi sống còn có tham muốn thì tâm luôn luôn động, không bao giờ bất động. Do có quá nhiều tham muốn, tâm con người không bao giờ ngừng suy nghĩ, tính toán, lo lắng, bất an, sân giận, nghi ngờ, sợ hãi và buồn phiền.
Khi sống không còn tham muốn thì tâm sẽ bất động. Ví dụ:
1. Tâm tham muốn ăn uống món này món nọ, lúc nào cũng nghĩ đến ăn uống, thích ăn nhiều lần, thích ăn vặt, ăn phi thời, đi đâu làm gì cũng nghĩ đến ăn uống, thích đi chợ, thích nấu chế biến món ăn, thích ăn những món ăn bổ dưỡng,...
2. Tâm tham ngủ, ngủ hết giờ này đến giờ khác, ăn xong rồi ngủ, nướng qua nướng lại,... ngủ phi thời, giờ nào ngủ cũng được.
3. Tâm tham muốn có vật này vật nọ, thấy vật nào đẹp cũng thích, thấy người khác có vật gì thì cũng muốn có, thích mua sắm, để dành, tích trữ, trưng bày đầy nhà,…
4. Tâm tham muốn danh vọng, quyền lực, chức vị, bằng cấp, bằng khen, thích thi đua, thích đứng nhất, đứng đầu bảng, thích khoe khoang, muốn cả thế giới biết được những gì mình làm được, muốn có địa vị cao hơn người khác. Ham thích lãnh đạo, chỉ đạo người khác, thích người khác nghe theo ý của mình, muốn người khác nghe lời mình, làm theo ý mình, muốn người khác tôn sùng mình, tự cho mình là đúng, luôn bảo vệ ý của mình, tự cho là giỏi, là tài, là thông minh, trở nên độc tài, độc đoán, độc quyền, thích phán xét, bình luận, châm biếm, thích so sánh mình với người khác, chỉ trích người khác, kiêu căng, tự mãn, cao ngạo, xem thường người khác,....
5. Tâm tham muốn có nhiều tiền, trúng số, may mắn, buôn bán giàu có, có nhiều của cải tài sản, nhà cửa, đất đai, thích đầu tư, tích trữ, muốn giàu có hơn người khác, muốn làm giàu bằng con đường cờ bạc, đánh đề, cá độ, buôn lậu, khai gian trốn thuế, lừa gạt người khác,...
6. Tâm ham thích kiếm tiền, làm đủ mọi nghề, suốt ngày tính toán lãi lỗ, được mất, đặt mục tiêu, lên kế hoạch, lo lắng tổ chức, quản lý, kiểm tra, doanh thu, chi tiêu, đạt chỉ số đề ra,....
7. Tâm ham thích quản lý tiền bạc, kiểm tra tiền bạc.
8. Tâm tham muốn học nhiều môn, muốn hơn người khác, muốn giỏi hơn người khác, muốn thông minh, muốn hiểu biết nhiều hơn người khác.
9. Tâm muốn có người yêu, có vợ, có chồng, có con, có cháu, có gia đình, có người thân, có nhiều bạn bè, có nhiều quan hệ rộng; cha mẹ muốn quản lý con cái và phải nghe lời cha mẹ; con cái muốn tự do; vợ muốn quản lý chồng và phải nghe lời, làm theo ý vợ, bênh vực vợ, đứng về phía vợ; ngược lại chồng cũng vậy,...
10. Tâm tham muốn sắc dục, luôn mơ tưởng đến nữ sắc, bị nhục dục chi phối,...
11. Tâm muốn nuôi các loài vật, muốn trồng nhiều loại bông hoa đẹp, thích đẹp ghét xấu,...
12. Tâm muốn làm cái này, cái nọ, không thích ở yên một chổ, thích hoạt động tay chân, thích lái xe đi đây đó,…
13. Tâm ham thích sáng tạo, chế tạo, phát minh, cải tiến, nghiên cứu, viết sách, viết thơ, viết truyện, viết lách, thích chia sẻ những hiểu biết của mình,…
14. Tâm ham thích đi chơi đây đó, đi du lịch, đi dã ngoại, đi ra biển, leo núi, thích chụp hình, thích vẽ tranh, đánh đàn…
15. Tâm thích xem phim ảnh, nghe ca nhạc, thích ca hát, thích tài tử, thích ca sĩ, vào mạng internet, thích nghe tin tức, đọc báo,…
16. Tâm thích uống rượu bia nhậu nhẹt, ăn chơi, thích đời sống hưởng thụ của vua chúa,…
17. Tâm thích người khác phái, thích ghét ai đó, giận ai đó, oán hận ai đó, trách móc ai đó, lo lắng cho ai đó, nhớ thương ai đó hoặc các loài vật nào đó,…
18. Tâm nhiều chuyện, thích để ý chuyện người khác, tò mò chuyện người khác, không biết giữ kín chuyện, thích bàn chuyện thiên hạ, hay phóng đại nghe một nói hai, thích tụ họp đông người bàn chuyện thiên hạ, thích bàn chuyện kinh tế, chính trị, quốc tế, chuyện đông, chuyện tây,...
19. Tâm thích đem chuyện của người này nói cho người khác nghe.
20. Tâm thích nghe chuyện của người khác, thích hỏi về chuyện của người khác, thích nói chuyện về người khác.
21. Tâm thích xen vào chuyện của người khác, thích dạy đời người khác. Chuyện của mình là tu hành, không chịu lo, chỉ lo chuyện chùa, tu viện, chuyện quản lý, chuyện tài chánh, chuyện cơm nước, chuyện của người quản lý,...
22. Tâm thích phán xét, nhận xét người khác đúng sai, phải trái,...
23. Tâm thích tìm hiểu, moi móc chuyện quá khứ, thích tìm đáp án cho những câu hỏi "có" hay "không", "thật" hay "giả", "đúng" hay "sai", "phải" hay "trái". Dù là chuyện tốt hay xấu, hãy để quá khứ trôi đi. Chỉ cần sống trong hiện tại và chú trọng mục tiêu của mình. Dù ai nói gì, làm gì, chuyện của người khác để người khác lo, họ có lý do chính đáng để làm việc hay nói điều đó, ta không nên đứng trên lập trường của mình mà phán xét ai đúng sai, phải trái, thật giả,... Việc ta nên làm là luôn tư duy thiện, tư duy tốt và tích cực về những điều người khác nói và làm. Biết buông xuống hết thì tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn.
24. Tâm thích nghi ngờ người khác, không tin tưởng ai,...
25. Tâm thích khoe khoang những hiểu biết của mình,....
26. Tâm thích so sánh mình với người khác, luôn thấy mình hơn mọi người.
27. Tâm tham muốn có sức khỏe tốt, có thân hình đẹp, cao, nở nang, gương mặt đẹp, tướng tốt, thích trẻ mãi không già, muốn bất tử,...
28. Tâm ham thích sưu tầm những vật đẹp nhất, sang nhất, hiếm có nhất, cổ nhất, lạ nhất có giá trị nhất của những danh nhân thời cổ xưa,...
29. Tâm ham thích những chuyện tâm linh huyền bí, siêu hình, ham thích những trạng thái vắng lặng, tưởng là thiền định rồi bám vào, ham thích những khả năng siêu nhiên, những công năng đặc biệt, thần thông,...
30. Tâm ham thích những thú vui chơi, giải trí, chơi trò chơi,...
31. Tâm ham thích thờ lạy tôn thờ thần thánh,...
32. Tâm ham thích làm việc từ thiện giúp đỡ người, phóng sanh, bố thí, chăm sóc người tàn tật, trẻ em mồ côi và người lớn tuổi,...
33. Tâm ham thích những đồ vật có công nghệ cao như kỹ thuật số, công nghệ nano, công nghệ không dây wireless, TV HD 3D, laptop, ipad, iphone, smartphone, tablet, máy đọc sách, những vật điều khiển từ xa, robot,...
34. Tâm ham thích vào những trang xã hội facebook, twitter chơi, thích nhận gửi thơ điện tử email, viết blog,...
35. Tâm ham thích vào những diễn đàn để tranh luận, bàn luận, giải đáp, dạy đời người khác,...
36. Vân vân… và vân.vân…
Có tham muốn, có thích thì có ghét, không thỏa mãn những tham muốn của mình thì tâm sẽ sân giận, ganh tỵ; yêu không được thì hận hoặc trả thù; không muốn chia sẻ bố thí thì bủn xỉn, keo kiệt, gian tham, ích kỷ,... Tất cả những đức tính xấu đều bắt nguồn từ lòng tham muốn mà ra.
Từ những tham muốn trên mà con người luôn phải đấu tranh, tranh giành, chà đạp lên nhau, tự vệ, sợ hãi, lo lắng và phiền muộn. Nói đến cái sợ thì con người sợ đủ thứ trên đời: sợ nghèo, sợ đói, sợ già, sợ lúc về già không ai chăm sóc, sợ không có người thân bên cạnh, sợ bệnh, sợ đau đớn, sợ uống thuốc, sợ bác sĩ, sợ chết, sợ thất nghiệp, sợ xa nhau, sợ bị bỏ rơi, sợ chia tay, sợ bị mất người thương yêu, sợ gặp người mình không thích, sợ gặp kẻ thù, sợ bị hại, sợ bị mất của cải tài sản, sợ trộm cắp, sợ bị sát hại, sợ bị hãm hiếp, sợ thua người khác, sợ thất bại, sợ gian nan cực khổ, sợ bị mất công danh lợi lộc, sợ ma, sợ quỷ, sợ thần thánh, sợ cô đơn lẻ loi, sợ bóng tối, sợ sống một mình, sợ sự yên tĩnh, sợ người khác không làm theo ý mình, sợ đi xe, sợ độ cao, sợ tốc độ, sợ ánh sáng, sợ khổ cực, sợ mất ngủ, sợ không ăn được, sợ người khác khinh chê, sợ những lời đàm tiếu, sợ người khác nói xấu, nói cái sai, cái lỗi của mình, sợ các loài vật, ...
Khi sống trong tham muốn, sợ hãi, tâm sẽ mất lòng tin vào chính mình và người khác, luôn nghi ngờ, nghi kỵ nhau, nghĩ xấu về nhau, luôn tìm đủ mọi cách đạt được những gì mình muốn và có lợi cho mình. Sống trong những tâm tư như vậy, con người luôn phải tư duy suy nghĩ tìm đủ mọi cách để đạt được những gì mình muốn, bất chấp mọi thủ đoạn dù là giết người, trộm cắp, lường gạt, nói dối, ly gián, hãm hại nhau,...
B. Ngoài vấn đề chính như trên đã trình bày, còn thêm một nguyên nhân dẫn đến tâm luôn luôn động đó là "dính mắc". Có tham muốn là có dính mắc. Ngoài ra con người dính mắc rất nhiều thứ. Có dính mắc thì tâm sẽ động.
1. Dính mắc vào hoàn cảnh môi trường xung quanh, không vừa ý cái này, không vừa ý cái kia, sống không biết nhẫn nhục, tùy thuận và bằng lòng. Ví dụ như chổ ở có muỗi, kiến, các loài côn trùng, rắn, cuốn chiếu,... nhiều quá. Chổ ở ẩm tối, ít nắng, hoặc nắng nhiều quá,...
2. Dính mắc vào những người sống xung quanh. Ví dụ: họ làm biếng làm việc, kéo dài thời gian, chỉ ngồi chơi cho hết ngày rồi về. Hoặc người này tu như thế này là không đúng, người kia cũng vậy. Hoặc người quản lý này không có đạo đức, đức hạnh mà được làm quản lý,...
3. Dính mắc vào lời nói, việc làm của người khác. Ví dụ: cách quản lý tiền bạc của tu viện, chùa không minh bạch, việc làm của người quản lý không đúng với những gì thầy dạy,...
4. Dính mắc vào những gì nghe hoặc đọc được. Khi nghe ông A nói về ông B như thế này, thế kia là tự nhiên bị dính mắc vào những lời nói đó rồi tìm cách đi tìm hiểu có phải đúng như vậy không? đánh giá, nhận xét, phán đoán mọi việc theo ý của mình đúng sai phải trái,...
5. Dính mắc vào những thành kiến, kiến chấp của mình về người khác. Tính cách của mỗi người luôn thay đổi, không có gì là không thay đổi. Hôm qua họ keo kiệt bủn xỉn, nhưng hôm nay có thể họ đã biết mở rộng tấm lòng ra bố thí, chia sẻ,...
6. Dính mắc vào những lỗi lầm trong quá khứ của ai đó. Có thể lúc xưa người đó hay sân, nhưng hiện tại có thể họ đã thay đổi rồi, chúng ta không nên cố chấp mà phải biết mọi việc là vô thường, không có gì bất biến trên đời này cả. v.v và v.v...
Chỉ có ai biết sống đời sống như đức Phật Thích Ca, buông xuống sạch tất cả, cắt ái ly gia, ba y một bát, sống khất thực từng ngày, ít muốn biết đủ, thích sống một mình, luôn ly dục, ly ác pháp, không dính mắc vào bất cứ hoàn cảnh môi tường nào, điều gì, vật gì, người nào, lời nói hay việc làm của bất kỳ ai thì tâm sẽ tự nhiên thanh tịnh và trở nên bất động, thanh thản an lạc và vô sự. Không chịu buông xuống hết thì tự mình làm khổ mình và khổ người, tự mình đánh mất sự giải thoát, tự mình xô mình xuống địa ngục.
Sự bất động, thanh thản an lạc và vô sự của tâm là do từ bỏ những tham muốn, thích và ghét của mình chứ không phải do ngồi thiền, tụng kinh, hay niêm Phật. Đúng như lời Phật dạy trong chân lý thứ 3 của Tứ Diệu Đế - diệt dục thì tâm sẽ ở trạng thái bất động, thanh thản an lạc và vô sự. Trạng thái này gọi là Niết Bàn.
Để giúp cho tâm trở nên bất động thì phương pháp "Như Lý Tác Ý" rất quan trọng. Phương pháp này giúp cho tâm từ từ thuần phục trở về với chánh đạo, xa lìa tà đạo. Thiếu phương pháp Như lý tác ý thì tâm thường bị những ham muốn lôi kéo, không còn làm chủ mình nữa, lúc đó con người luôn sống trong nô lệ của những dục lạc tham muốn thế gian.
Ví dụ: khi tâm tham muốn ăn thêm ngoài giờ ăn chính, thì ta nhắc thầm trong đầu: "tâm phải bất động thanh thản an lạc và vô sự, không được tham ăn"
Tóm lại, muốn tâm không còn động nữa thì chỉ cần sống ly dục, ly ác pháp. Thế giới này là thế giới của tham sân si. Ai sống với tham, sân, si thì chắc chắn sẽ tương ưng với thế giới này, ai sống không tham, không sân, không si thì tương ưng với thế giới không tham sân si, không còn tái sanh luân hồi về thế giới này nữa.
Do vậy, khi chúng ta còn có tham, sân, si thì đừng mơ tưởng đến việc giải thoát khỏi thế giới tham sân si này. Do còn có tham sân si cho nên chúng ta rất dễ bị lừa gạt bởi những lý thuyết có thế giới siêu hình sau khi chết hoặc một thế giới Tây Phương Cực Lạc, thiên đàng, địa ngục. Thiên đàng, địa ngục là tại đây, chính ở thế gian này. Chỉ có chính mình cứu mình mà thôi.
(Để rõ hơn các bài liên quan, các bạn chỉ cần click vào những dòng chữ màu xanh phía trên)