Skip directly to content

Phần I: OAI NGHI CHÁNH HẠNH VỀ ĂN MẶC Y ÁO NGUYÊN THỦY

Hỏi 1: Khi người tu sĩ đã vấn y thượng trên thân hoặc vắt y thượng trên vai, khi có sự việc tập trung giáo đoàn đến lớp học, hay đi ra ngoài đại giới thì người tu sĩ có được phép đi dép và đội mũ ấm hay không? Hiện tại khi có mang y thượng trên thân, thì có người đi dép có người không đi dép, còn đội mũ thì con thấy không có ai đội, như vậy con kính mong thầy chỉ dạy cho con được rõ?

Đáp: Đây là Ni đoàn Chơn Như, chứ không phải Ni đoàn khất sĩ. Cho nên các con phải biết: “Thân là một pháp vô thường, không phải là ta, là của ta, nhưng nó rất quan trọng trong việc tu tập để làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi, nên  phải được bảo vệ để tu tập đến nơi đến chốn”. Vì thế, Phật không dạy chúng ta khổ hạnh đầu trần, chân đất. Trong giới luật Phật cho phép được mang giầy, mang dép, nhưng không được mang giầy dép đi vào chỗ thờ Phật, chỗ giảng đường. Phật cũng không có dạy ép xác ăn uống cơm canh, chè cháo trộn lộn như một thứ cháo hỗn hợp, mà dạy ăn từng món ăn, món mềm, món cứng, ăn món này xong mới ăn món khác, ăn biết ngon, biết dở, chứ không phải ăn không biết ngon biết dở. Ăn uống biết ngon biết dở, nhưng không đắm mê trong ăn uống, vì ăn uống là một thứ dục lạc trong năm thứ dục lạc: “DANH, LỢI, SẮC, THỰC, THÙY”. Đức Phật đã xác định, nếu một người có LỤC CĂN mà một căn bị hư hoại thì rất khó tu theo giáo pháp của Người.

Ví dụ: một người mù, một người điếc, một người miệng bị loét lở không thể ăn uống được, nên phải dùng ống cao su đổ thực phẩm vào bao tử để sống, những người ấy không thể tu theo Phật giáo được, chỉ vì không thấy, không nghe, không cảm giác thực phẩm ngon dở. Nghe âm thanh lời ca tiếng hát mà không nhiễm; nghe tiếng mắng chửi mà không giận, không buồn; nghe những lời khen tặng mà không mừng vui; thấy sắc mà  không sinh tâm sắc dục; ăn uống biết ngon dở mà không sinh tâm dính mắc thèm ăn uống. Đó là chỗ tu của Phật giáo, chứ không phải làm cho ăn uống không biết ngon dở.
Người nào trộn cơm canh và thực phẩm thành một thực phẩm xà ngầu rồi ăn. Đó là người tu theo ngoại đạo chứ không tu theo Phật giáo.

Trong Ni đoàn sinh hoạt ăn mặc phải giống nhau như sau:

1- Mỗi tu sĩ đều phải có đủ một y thượng, hai y trung, hai y hạ, một cái bát, một cái túi đựng bát và những vật dụng cần thiết cho đời sống như: một cái muỗng, một cái khăn tắm, một cái áo mưa, một bàn chải răng, một hộp kem đánh răng, một cái kéo, một cây kim, một ống chỉ màu vàng, một cái dao nhỏ, một cây đèn pin, v.v...

2- Một đôi dép, không được hai đôi dép, là để giữ gìn vệ sinh đôi bàn chân sạch sẽ, đi chân không dễ bị ngứa do những chất bẩn, phân của các loài vật và rác mục hoặc nhớt rắn, nhớt ốc, nhớt trùng, xác các loài vật chết bị thối rữa dễ làm cho chân lở loét ngứa ngáy, đau nhức, khổ sở, v.v...

3- Không mang dép phải mất thì giờ rửa chân, nếu không rửa chân đi vào nhà làm  nhà cửa và chỗ ăn, chỗ ngủ dơ bẩn. Đó là thiếu đức vệ sinh bản thân và môi trường sống.

4- Không mang dép, chân trần trực tiếp va chạm những chất độc dưới đất dễ đem vào cơ thể những bệnh tật khổ đau, đó là thiếu đức phòng hộ và bảo vệ cơ thể.

Hỏi 2: Thời tiết ngoài Bắc về mùa Đông lạnh rét, thì người tu sĩ đã vấn y thượng rồi, khi có duyên sự đi ra ngoài để giữ gìn thân cho ấm thì người tu sĩ có được mặc áo ấm và đội mũ ấm hay không?

Đáp: Thời tiết mùa Đông trong Nam cũng như ở ngoài Bắc đều bị rét, lạnh, người tu sĩ tuy đã vấn y thượng nhưng cũng nên mặc thêm áo và mũ ấm để chống rét, đó là bảo vệ và phòng tránh những bệnh tật có thể xảy ra trong mùa Đông. Không những ở trong tu viện ăn mặc như vậy, mà khi có duyên sự phải đi ra ngoài cũng đều phải ăn mặc như vậy. Đó là cách phòng hộ giữ gìn thân cho ấm áp là đúng hạnh của người tu sĩ, chứ không phải làm sai giới luật. Chỉ có những người tu theo ngoại đạo tu khổ hạnh mới không mặc áo và đội mũ ấm.

Hỏi 3: Người tu sĩ khi có duyên giao tiếp với người gia đình, quyến thuộc và xã hội, thì  cách xưng hô của người tu sĩ đối với mọi người như thế nào? Và ngược lại, gia đình quyến thuộc, bạn bè và xã hội khi giao tiếp với người tu sĩ bằng cách xưng danh như thế nào đúng. Con kính mong Thầy chỉ dạy?

Đáp: Khi người tu sĩ về thăm nhà gặp lại cha mẹ, anh chị em dòng họ, cô bác, dì chú, cậu mợ, v.v... đều xưng hô gọi mọi người thân một cách bình thường như từ xưa đến nay, chỉ có tự xưng mình như sau: “Thưa bố mẹ, SƯ CÔ mới về”, hoặc: “Thưa bố mẹ, ngày mai SƯ CÔ về tu viện” Đó là bên Ni giới, nên xưng mình là “SƯ CÔ”. Còn bên Tăng giới thì tự xưng hô như thế nào? Bên Tăng tự xưng mình là “THẦY”: “Thưa bố mẹ, THẦY mới về”... “Thưa bố mẹ, ngày mai THẦY sẽ về tu viện”.

Cách xưng hô với những người xa lạ trong xã hội thì người nào lớn tuổi, đáng ông bà, cha mẹ thì gọi là ông bà hay chú bác, đáng anh chị em thì gọi là anh chị em, đáng con cháu thì gọi là con cháu, không nên dùng những danh từ “PHẬT TỬ”, “THÍ CHỦ” là không đúng, vì họ có theo Phật đâu mà gọi họ là phật tử; họ có cúng dường đâu gọi là thí chủ. Gọi như vậy là sai.

Chúng ta là người Việt Nam, nên cách  xưng hô của chúng ta có tôn ti trật tự hẳn hoi. Mỗi danh từ xưng hô chỉ định người trên kẻ dưới rõ ràng và rất lễ độ, thâm tình. Qua ngôn ngữ và lời nói này, trên thế giới không có một nước nào có những danh từ xưng hô lễ độ và thâm tình như vậy.

Hỏi 4: Khi gia đình có sự việc cần thiết, mong muốn người tu sĩ phải có mặt giúp công việc, thì người tu sĩ nếu được về gia đình thời gian có phải theo quy định hoặc như thế nào? Con kính mong Thầy chỉ dạy, để biết luật chúng con hành theo cho đúng.

Đáp: Khi xuất gia đi tu thì không nên về gia đình dự đám giỗ, đám cưới, những ngày Tết, những ngày lễ hội, mà chỉ có về dự đám tang mà thôi. Khi về dự đám tang thì đề nghị gia đình nên làm lễ tang theo Phật giáo nguyên thủy, chứ không làm đám tang theo Đại thừa, nếu gia đình bằng lòng thì ở lại chỉ đạo từ cách tẩm liệm đến cách thức chôn cất, mở cửa mả, lập bàn thờ, chấm dứt không tụng niệm cầu siêu, không kèn trống, đờn ca, xướng hát, không giết trâu, bò, heo, dê, gà vịt, cá tôm cúng tế, v.v...

Nếu những người thân trong gia đình nghe theo thì ở lại cho đến khi chôn cất xong mới trở về tu viện. Khi ở lại nên dựng một chiếc  lều vải trong vườn im ắng, còn nếu ở thành phố thì nên xin ở riêng một phòng nhỏ trên gác hay trên lầu. Trong thời gian ở lại trong gia đình không nên ở quá ba ngày. Cho nên người xuất gia không được ở nhà thế tục, vì nơi đó không thanh tịnh và tràn đầy ác pháp, nên đến đi trong một ngày là tốt nhất. Vì sự nghiệp sinh tử là quan trọng nhất của người tu sĩ, vì thế không nên để những sợi dây ái kiết sử trói buộc thì sự nghiệp sinh tử không làm tròn.