Skip directly to content

TRẢ LỜI THẦY THIỆN TÂM

Hỏi 1: “Con xin cảm ơn Thầy đã giúp đỡ và chỉ dạy cho con cách ứng xử hay để ổn định lớp và giải tỏa những thắc mắc của con rất nhiều, nhờ vậy mà chúng con đã có dịp thảo luận với nhau, cùng đóng góp ý kiến xây dựng nhau, từ đó mấy Thầy thêm ra là một phần lớn cũng là do con vụng xử, cho nên mới để lớp có những tình huống như thế và đã làm phiền đến Thầy.
Tuy vậy, một yếu tố khách quan bên cạnh đó là “vạn sự khởi đầu nan”, cho nên chúng con phải trông cậy nhiều vào sự hướng dẫn lèo lái của Thầy, để từ đó mới dần tạo ra bước đi ổn định vững vàng cho mai sau.
Kính thưa Thầy, trong bức thư trả lời cho con Thầy có dạy 9 điều cần tu tập hằng  ngày”. Có phải đó là 9 điều Thầy đã dạy ở tập sách thọ bát quan trai ngày 10, 11 tháng 4- 2004, số trang 76. Có phải vậy không?

Đáp: Đúng vậy, đó là 9 điều đức Phật đã dạy cho các vị tỳ kheo đệ tử của Người tu tập hằng ngày cho đến khi chứng đạo. Vì chín điều tu tập này là thời khóa tu tập trong thời đức Phật, nếu ai tu sai thời khóa này là không tu hành đúng giáo pháp của Phật.
Thầy có trách nhiệm bổn phận gắn liền với các con để giúp cho các con sống có kỷ cương, có khuôn phép đạo đức “đi thưa về trình”, chứ không phải như những người vô kỷ luật, sống ngoài pháp luật, xa lìa đạo đức làm người. Nhất là để giúp cho các con đầy đủ những oai nghi tế hạnh xứng đáng là đệ tử của Phật, và Thầy còn tạo đủ điều kiện thuận lợi để các con tu hành chứng đạo.
Hỏi 2: Đối với lớp học, Thầy dạy là không cho dự thính, chỉ cho phép những người đăng ký trước mà thôi. Như vậy thì theo con hiểu là đối với những người hay đi tới đi lui rồi vào lớp dự thính ít hôm rồi lại đi... là những người dự thính không có quyết tâm ở lại tu học nên không cho vào lớp dự học có phải không?
Đáp: Đúng vậy, chỉ có những người không quyết tâm tu hành đến nơi đến chốn mới đến nghe chơi rồi đi. Những người ấy thường làm cho lớp học mất kỷ cương, đi không thưa, về không trình, muốn đi là đi muốn về là về, nếu tình trạng này thường xảy ở lớp học thì lớp học không có kỷ cương và những người hiểu biết sẽ xem thường thường tu viện chúng ta không biết tổ chức lớp học.
Hỏi 3: Còn đối với những người đăng ký một tuần dự học một buổi chủ nhật như cư sĩ Minh Hiển, Tâm Thiện thì được phép phải không ạ?
Đáp: Đúng vậy, Minh Hiển và Tâm Thiện đều được phép dự thính.
Hỏi 4: Hoặc có tu sinh đăng ký hoặc xin học trong một tuần lễ, một tháng, v.v... thì vẫn được phép theo học phải không thưa Thầy? Hay như vậy cũng là dự thính?
Đáp: Những tu sĩ này được xem là những tu sĩ được phép dự thính để tạo điều kiện cho những tu sĩ này gia nhập vào Tăng đoàn thứ II. Nhất là giúp đỡ họ tu tập đến nơi đến chốn. Nếu có điều kiện mở lớp bồi dưỡng giới luật đức hạnh giúp đỡ cho những tu sĩ này đang mất căn bản.
Hỏi 5: Có một số tu sinh ở nơi xa đến xin được theo học một thời gian (không có ngày cụ thể), được cô Diệu Quang giới thiệu xin phép thì có được dự học ở lớp không?
Đáp: Được, những tu sĩ được dự thính theo học, nhưng người giảng viên nên khuyên họ làm đơn xin nhập học dự thính dài hạn hay ngắn hạn, tạo điều kiện dễ dàng cho dự thính đúng nội qui của tu viện. Đó là để chuẩn bị thành lập Tăng đoàn thứ II. Những tu sĩ này được dự thính học, nhưng không được theo Tăng đoàn sinh hoạt, vì họ sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa quen nếp sống của Tăng đoàn, và như vậy Tăng đoàn lỏi chỏi mất trật tự rất khó xử. Kẻ xướng Đông, người xướng Tây không nhịp nhàng ăn khớp. Và tình trạng như vậy rất khó cho người Trưởng đoàn điều hành.
Hỏi 6: Theo con nghĩ, thì người mới đến phải trình bày rõ mục đích như tìm hiểu hay theo tu học, trong một thời gian bao lâu, cụ thể như một tuần hay vài tuần, 1 tháng, v.v...để nói lên sự xin phép của mình đúng kỷ luật của tu viện.
Đáp: Thầy cũng nghĩ như con: Người mới đến phải trình bày rõ mục đích như tìm hiểu hay theo tu học đến nơi đến chốn, trong một thời gian bao lâu, cụ thể như một tuần hay vài tuần, 1 tháng, v.v... để nói lên sự xin phép của mình. Đó là các việc mà một người tu sĩ bất cứ ở đâu, khi muốn vào tu học trong tu viện Chơn Như thì các thủ tục này cần phải làm trước khi dự vào lớp học.
Hỏi 7: Có ý kiến cho rằng, đối với các tu sinh vào lớp gần đây nên cho ra riêng thành một lớp hiếu sinh học từ đầu để có căn bản, hoặc nên có chương trình phụ để giúp họ bổ sung thêm một số bài học như nghi thức chào hỏi, ăn uống, v.v... Xin Thầy xem xét và chỉ dạy thêm về vấn đề này.
Đáp: Đúng vậy, phải tạo điều kiện thuận tiện cho những tu sĩ mới này và mở lớp bồi dưỡng kiến thức giới luật đức hạnh, vì họ đã mất căn bản của những lớp I, II, III.
Hỏi 8: Còn đối với nội quy của lớp học thì con đã phác họa gồm những ý như sau, xin trình Thầy:
1- Tu sinh xin vào lớp học phải trình bày mục đích và thời gian xin theo học của mình.
2- Không được tùy tiện vào lớp dự học mà không xin phép trước.
3- Khi có việc phải tạm nghỉ học thì phải xin phép trước một ngày. Không chấp nhận cách thức nhắc bằng miệng, mà phải viết đơn  gửi xin phép đàng hoàng, nói rõ lý do nghỉ học và số ngày dự định nghỉ, v.v...
4- Nếu tu sinh vắng mặt 3 lần không xin phép, không lý do thì phải rời khỏi lớp học.
5- Khi có người thân đến thăm thì phải chờ hết giờ học, nên quý trọng việc học của mình.
6- Trong giờ học không được quay phim, chụp hình ảnh làm phân tâm mọi người.
7- Trong giờ học nếu tu sinh nào có ý kiến thì giơ tay xin phát biểu, chứ không được nói leo, nói chuyện riêng xầm xì làm phân tâm mọi người và mất trật tự. Góp ý trên tinh thần dân chủ.
8- Tu sinh không nên đưa bạn bè hay người thân vào lớp học dự thính.
9- Khi tu sinh rời khỏi tu viện nên thông báo trước ít nhất là một ngày cho người quản lý tu viện (cô Diệu Quang) nắm rõ...
10- Ngoài ra, trong thời gian ở tu viện để tu học phải tuân thủ, chấp hành theo nội quy của tu viện như giờ giấc tu tập, sinh hoạt đồng chúng.
Kính thưa Thầy, trên đây là 10 điều con đã phác hoạ để làm nội quy lớp học, xin Thầy xem xét giúp con và điều chỉnh thêm  cho hoàn chỉnh hơn, để khỏi bị thừa hoặc thiếu hoặc quá khe khắt gì chăng? Xin Thầy xem có được không?

Đáp: Điều 3 và điều 8 trùng ý, nên Thầy sửa lại điều 8, như vậy 10 điều nội qui của lớp học cũng tạm đủ để điều hành lớp. Vậy con nên áp dụng nội qui này vào lớp học để lớp học ngày càng có kỷ cương hơn.
Một người giảng viên của Tăng đoàn đứng lớp giảng dạy phải mạnh mẽ can đảm, đủ thẩm quyền mời những tu sĩ ra khỏi lớp đừng vị tình, vì những tu sĩ này không có kỷ cương trong giờ học nói chuyện xầm xì, nhất là muốn học là học, muốn đi là đi, bỏ cả những giờ học, lại còn thêm phạm giới, phá giới nội qui của tu viện.
Hỏi 9: Sau đây con cũng xin được bổ xung thêm một số ý kiến về những điều chưa được thông suốt trong cuộc sống tu học của chúng con. Kính xin Thầy xem xét và từ bi chỉ dạy cho chúng con thêm.
Khi đọc thư của Thầy trả lời cô Liễu Ngọc, chúng con mới thấy mình còn nhiều thiếu sót trong các việc nghi thức xếp hàng và cách thức mang bát, đi khất thực, v.v...
Vậy mà trước đây lâu nay chúng con cứ ngỡ là đã hoàn hảo rồi. bây giờ mới vỡ lẽ ra.
Từ đó chúng con mới nhờ Thầy chỉ dạy thêm về nghi thức thọ trai khi dùng riêng và khi thọ trai chung nên theo trình tự như thế nào cho đúng, từ khi khất thực về cho đến lúc thọ trai xong?

Đáp: Khi đi khất thực về thất thọ trai riêng, con nên đặt bát cơm và thực phẩm hay bánh, trái cây trên bàn thọ trai nếu có, còn không bàn thì nên đặt bát ngay giữa thất rồi đi rửa tay sạch sẽ, lấy muỗng, dao, kéo và một cái khăn nhỏ dùng để ăn cơm. Khi các vật dụng bày đủ trên bàn thì con mới ngồi vào ghế hay ngồi xếp bằng bán già dưới nền gạch giữa nhà, nếu không muốn ngồi trên bàn. Lúc bấy giờ ngồi xếp bằng hay ngồi trên ghế thì bát phải để ngay trước mặt sát chân, nếu ngồi xếp bằng bán già hay kiết già đều được, dở nắp bát ra để đựng bánh và trái còn nguyện vẹn, không được bóc vỏ trái cây hay lột lá bánh, nắp bát được để phía trước bát, kế đó mở nắp hộp đựng canh để bên hông bát bên tay mặt và bên tay trái để rau, còn tất cả thực phẩm khô được bỏ vào trong bát trên cơm, không nên trộn đồ ăn và cơm lộn xộn, nên để riêng từng món ăn trong bát.
Chúng ta tu hành theo Phật giáo là diệt tâm tham ăn chứ không phải diệt ngũ căn, nên không cần trộn thực phẩm cơm canh thành  một món ăn của loài gia súc. Các thầy phải nhớ điều này, vì có một số thầy tưởng giải một cách sai lạc về ăn uống nên biến chúng ta thành những gia súc ăn một món thực phẩm hỗn tạp.
Sau khi sắp xếp thực phẩm đúng vị trí xong, bắt đầu chúng ta chắp tay lên trước ngực tụng bài “ƯỚC NGUYỆN” trước khi ăn (theo nghi thức thọ trai).
Thực hiện đúng nghi thức thọ trai xong thì bắt đầu thọ thực. Sau khi thọ thực xong thì tất cả vỏ trái cây, lá gói bánh hoặc giấy đều gom lại bỏ vào trong bát cũng như muỗng dao, kéo cũng được xếp vào bát và đậy nắp lại kín đáo, hộp canh cũng được để trên nắp bát gọn gàng. Khi đã dọn dẹp sắp xếp sạch sẽ chỗ ăn uống xong thì chắp tay lên tụng bài “NHỚ ƠN” theo nghi thức thọ trai.
Sau khi tụng xong, chắp tay xá rồi đứng lên ôm bát đi rửa.
Hỏi 10: Thưa Thầy, chúng con nên bắt đầu vào buổi thọ trai chung trong chúng như thế nào? Nên đọc bài ước nguyện trước hay là chuẩn bị thức ăn trước.
- Trái cây bánh nên gọt vỏ, lột ra trước hay để đến khi ăn mới gọt ra?
 - Có phải rót nước ra trước hay để khi nào uống hãy rót?
- Sau khi dùng ba muỗng cơm tam ma đề rồi thì người chủ lễ sẽ mời mọi người thọ trai hay là chuẩn bị thức ăn (như cắt rau), bỏ thức ăn vào bát...
Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.

Đáp: Chuẩn bị thức ăn cho vào bát xong xuôi rồi mới tụng bài “ƯỚC NGUYỆN” như trên đã dạy.
Trái cây, bánh không nên lột vỏ, lột lá gói bánh ra trước, mà hãy đợi ăn cơm xong mới đến phần trái cây và bánh thì mới lột vỏ và lá ra. Còn lột ra trước là có nghĩa cúng cho người chết ăn, nghĩ như vậy chỉ là cúng cho những linh hồn người chết đói khát về ăn uống, đó là sai lầm còn mê tín, lạc hậu.
Trước khi ăn nên rót một ly nước vì có người ăn không cần uống nước, nhưng còn có người ăn cần uống nước, vì thế trước khi ăn nên dọn sẵn một ly nước.
Sau khi tam ma đề xong, người chủ lễ bữa thọ trai mời quý thầy thọ trai thì quý thầy thọ trai, chứ không còn sửa sang bữa ăn như cắt rau hay lấy thức ăn này hay thức ăn khác bỏ vào bát. Đó là ăn uống thiếu phương pháp,  thiếu tổ chức trước sau không phân biệt rõ ràng.
Hỏi 11: Chúng con thấy trong thư trước đây dạy sư cô Liên Châu, Thầy có dạy là trong một tháng có 2 ngày thỉnh nguyện sám hối là vào ngày rằm, ngày 15 và ngày 30 hoặc 29 nếu tháng thiếu, nhưng nay trong thư Thầy trả lời cho cô Liễu Ngọc là ngày 14 và 30. Vậy nên làm theo ngày nào cho phù hợp vậy Thầy?
Đáp: Lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối là nửa tháng một kỳ, vì thế ngày 15 là ngày thỉnh nguyện đúng, còn ngày 14 là sai vì ngày 14 chỉ mới có 14 ngày chưa đúng nửa tháng, nhưng ngày ấy bên Đại thừa chọn buổi tối ngày 14 làm ngày tụng kinh Hồng Danh Sám Hối, cho nên Thầy tùy thuận theo lời thưa hỏi của sư cô Liễu Ngọc và cũng để mọi người đừng hiểu sai Thầy, hễ thấy cái gì sai của Đại thừa cũng bài bác thẳng tay, không nhân nhượng, không tha thứ.
Chỉ khi nào đủ nhân duyên có ai thưa hỏi những điều sai đó là có dịp Thầy trả lời, và trả lời cũng là để chỉ dạy thêm cho các con hiểu biết từ cái sai này đến cái sai khác mà các nhà Đại thừa đã tạo ra trong Phật giáo không phải là ít. Nhưng trước hay sau trong  một ngày mọi người cũng có thể phát lồ sám hối đều không có phạm giới, nhưng tốt hơn hết là các con chọn ngày 15 mỗi tháng làm lễ thỉnh nguyện phát lồ là tốt nhất, đúng nhất, vì đó là đúng 15 ngày nửa tháng.
Nhưng hiện giờ ngày 14 vẫn thành ngày tụng kinh sám hối của Đại thừa đã ăn sâu vào tư tưởng của mỗi người phật tử nên rất khó bỏ. Chỉ có Thầy chỉ thẳng dẹp bỏ ngày 14, chọn lấy ngày 15 làm ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối. Cho nên hiện giờ khi sinh hoạt làm lễ thỉnh nguyện phát lồ sám hối thì các con phải thông suốt để giải thích cho phật tử hiểu, còn không thông suốt phật tử sẽ cật vấn các con, thì lúc bấy giờ các con không biết đâu trả lời.
Hỏi 12: Về dép mang đi, mang lại chúng có phải đồng nhất không? Đối với người tu thì có những loại dép nào không nên mang không? Có tu sinh thắc mắc rằng dùng thêm một đôi dép để đi riêng trong nhà vệ sinh nữa là có phạm giới không? (tổng cộng là 2 đôi).
Đáp: Dép mang của người tu sĩ đơn giản, nhẹ nhàng, không cầu kỳ kiểu cách bông hoa màu mè lòe loẹt. Mục đích mang dép là để bảo vệ chân tránh được nhớt rắn và những  chất độc dưới đất làm da chân dễ bị ngứa, lỡ loét, thành ghẻ, v.v...
Theo luật Phật thì tu sĩ không nên để dành. Có một đôi dép mang đi còn có một đôi dép để dành thì phạm giới. Còn có hai đôi dép sử dụng hai cách khác nhau thì được quyền, không vi phạm giới luật.
Ví dụ: Một tu sĩ có quyền dùng hai cái khăn, một cái dùng để tắm giặt, còn một cái nhỏ dùng để ăn cơm. Như vậy không phạm giới. Nhưng chúng ta phải hiểu đời sống của tu sĩ là đời sống ít muốn biết đủ (thiểu dục tri túc), vì thế nên sử dụng một vật dụng làm hai ba việc để được gọn gàng khi di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác.
Trong một Tăng đoàn là một tổ chức tập thể, có năm người lãnh đạo chịu trách nhiệm để xây dựng Tăng đoàn thì y áo phải giống nhau, dép mang phải giống nhau không được người mang dép trắng người mang dép vàng, người mang dép xanh, kẻ mang dép đỏ, người mang dép đen, v.v... Trong một tập thể mà kẻ mang kiểu này, người mang kiểu khác trông không giống ai. Ở đây không có ý muốn cá nhân mà ý muốn của tập thể, ý muốn của tập thể là phải có kỷ cương, có pháp luật đức hạnh rõ ràng theo sự qui định  của ban điều hành Tăng đoàn. Vì thế Tăng đoàn có sai phạm điều gì thì ban điều hành phải chịu trách nhiệm trước Giáo đoàn Chơn Như.
Hỏi 13: Xung quanh thất hoặc gần thất có những cây rau như: rau càng cua, lá dang...chúng con hái ăn thêm vào bữa ăn thì có phạm giới tham ăn không? Có tu sinh cho rằng nếu để chúng già chết đi thì uổng quá.
Đáp: Không nên hái ăn, vì hái ăn có nghĩa là tâm còn tham ăn, thèm ăn. Khi đi khất thực có gì ăn nấy, đến chỗ khất thực khởi niệm thèm ăn món ngon, món dở còn phải tác ý ngăn chặn liền, huống là khi tâm khởi lên đi hái rau ăn thêm thì phải tác ý ngăn chặn. Ở đây các con đang tu học pháp xả tâm, sao lại hỏi Thầy về những thứ ăn uống quá tầm thường như vậy mà không biết tâm mình đang chạy theo dục lạc sao? Các con lại nuôi vọng tưởng tham ăn, lại còn khởi tâm tiếc rau già chết uổng, những ý nghĩa ấy thì biết ngay đó là lối lý luận che đậy sự tham ăn của các con.
Qua câu hỏi này biết ngay các con chưa thông suốt pháp xả tâm. Mục đích của các con tu hành là giữ gìn và bảo vệ tâm vô lậu, để chứng quả A La Hán giải thoát khỏi sinh  tử luân hồi, nhưng đối diện với sự ăn uống mà không làm chủ thì đừng mong làm chủ sống chết được. Những câu hỏi này thì biết ngay các con đang nuôi tâm hữu lậu và đang trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi và đang luân hồi trong LOÀI NGẠ QUỶ RAU.
Hỏi 14: Khi những thất bên cạnh có người đi về để thất trống. Còn lại xà bông thì chúng con lấy về dùng có được không? Bởi vì nếu để lâu dễ bị ẩm ước, hư hao hoặc chuột bọ chạy làm đổ đi thì uổng phí quá, còn nếu lấy thì sợ là tham lam. Vậy nên làm thế nào đây?
Đáp: Không, không nên lấy, vì lấy như vậy lương tâm sẽ cắn rứt vì lấy đồ của người khác không cho. Lịch sử còn ghi lại bên nước Trung Hoa, vào thời vua Nghiêu và vua Thuấn của người làm rơi ngoài đường dân chúng không luợm. Như vậy, con người lúc bây giờ không tham lam, còn lấy những vật dụng của người khác bỏ lại trong thất là tâm các con còn tham lam. Dù của đó có hư hao, có mục nát các con cũng đừng nên lấy, dù vật lớn hay vật nhỏ như cây kim, sợi chỉ.
Muốn tiết kiệm và bảo vệ của chung, người tu sĩ khi rời khỏi thất là mang theo tất cả những đồ dùng của mình hằng ngày, khi ra đi  chỉ còn để lại chiếc thất trống không sạch sẽ, từ cây chổi hay chiếc chiếu, mùng mền đều đem trả lại cho tu viện, còn nếu ra đi mà bỏ mặc, bỏ phế những vật cần dùng của tu viện cấp để sống hằng ngày trong thất thì những tu sĩ ấy thiếu trách nhiệm bổn phận, kém văn hóa đạo đức, không biết bảo vệ và tiết kiệm của tu viện.
Một tu sĩ Phật giáo sống thiểu dục tri túc khi đi đến đâu đều mang theo những vật dụng của mình đến đó như: mùng, mền, chăn, chiếu, xà bông giặt, xà bông tắm, kem, bàn chảy đánh răng, v.v... Khi ra đi khỏi thất thì mang theo tất cả những vật dụng đó, chỉ còn để lại một chiếc thất trống không như trên đã nói. Trước khi ra đi phải vệ sinh sạch sẽ thất, không bừa bãi, không xả rác dơ bẩn.
Nhìn vào chiếc thất người tu sĩ vừa rời khỏi mà đã giữ gìn vệ sinh sạch sẽ thì biết ngay người tu sĩ ấy có văn hóa và đạo đức. Người tu sĩ có văn hóa có đạo đức là người có giới luật nghiêm chỉnh. Còn ngược lại, người tu sĩ nào ra đi, bỏ lại thứ này, thứ khác, giấy, bọc ni lon quăng tứ tung là biết ngay tu sĩ ấy vô văn hóa, kém đạo đức vệ sinh và giới luật không nghiêm chỉnh. Đó là những con người không vệ sinh, lười biếng, những con người như vậy thì dù có tu hành cả ngàn năm cũng  chỉ hoài công vô ích. Con người ở bẩn thỉu không thua gì một loài động vật.
Những đồ đạc còn bỏ lại trong thất các con đừng lấy một vật nào đem về thất để dùng, nếu các con lấy mang về thất để dùng thì những hành động đó sẽ xác định các con là những người còn tham lam. Hãy mang những vật dụng đó vào tu viện giao cho người quản lý, rồi tùy tiện người quản lý muốn phân phát cho ai cũng được, còn các con không xà phòng thì nên đến xin, đừng đi hôi, đi mót đồ như vậy. Những việc làm đó cũng giống như những người ăn trộm đi lấy của người khi vắng mặt, mặc dù biết rằng người ấy bỏ.
Hỏi 15: Thưa Thầy, khi lạy Phật hoặc sám hối chúng con nên để hai tay sát vào nhau hay cách nhau để trán chạm đất? xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ hơn.
Đáp: Để hở hai bàn tay là lạy theo người Ấn Độ năm vóc nằm dài, nhưng khi đến Việt Nam cách lạy này đã bị đồng hóa nên năm vóc không nằm dài mà chỉ còn hai bàn tay để hở, trán đụng đất, phát ra tiếng kêu.
Chúng ta là người Việt Nam nên theo cách lạy của người Việt Nam. Cách lạy của người Việt Nam cũng đẹp đẽ, nhẹ nhàng, êm ái hơn  không phát ra tiếng động, vì khi lạy trán chạm vào hai bàn tay luôn luôn để sát vào nhau. Cách lạy này mang theo tính dân tộc, không bị ảnh hưởng của ngoại bang. Và cũng không bị người ta gọi mình là người bắt chước.
Hỏi 16: Về giờ giấc tu học ở tu viện như:
giờ học đạo đức trên lớp, giờ lao tác, giờ tu tập 4 thời thì chúng con đã được Thầy sắp xếp rồi. Vậy còn giờ giấc nào là được phép để học vi tính? Có phải là chúng con tự sắp xếp lấy phải không?

Đáp: Tự các con phải sắp xếp, đó là giờ học phụ, trong một tuần lễ chỉ học hai ngày, mỗi ngày chỉ học 30 phút tập đánh vi tính, chứ đừng để tâm say mê vi tính. Vì sự nghiệp chấm dứt sinh tử luân hồi của các con nên phải dồn hết thời gian cho vấn đề tu tập xả tâm, còn vi tính chỉ là vấn đề phụ, chỉ để soạn viết bài học mà thôi.
Hỏi 17: Kính thưa Thầy, chúng con đến tu viện nương theo Thầy để tu tập làm chủ sự sinh tử của mình. Chúng con cũng biết rằng đó là một công cuộc đầy gian nan vất vả, đòi hỏi phải có sự chuyên tâm tu tập tinh cần mới mong có kết quả khả quan. Do vậy, Thầy có dạy người tu sĩ từ khi xuất gia ở tại  tu viện không rời nữa bước cho đến khi chứng đạo mới thôi. Như vậy mới có cơ may làm chủ được sự sinh tử của mình. Vậy thì khi trong gia đình có người thân, nhất là cha mẹ bị ốm đau tai nạn... mà người tu sĩ hay được tin thì nên tư duy quán xét như thế nào cho đúng vậy Thầy?
Đáp: Các con có hiểu ý nghĩa xuất gia chưa?
Xuất gia có nghĩa là ra khỏi nhà (gia đình). Làm rõ nghĩa xuất gia có cụm từ “cắt ái ly gia”. Cụm từ này chỉ rõ khi người xuất gia thì cần phải cắt đứt tình yêu thương mọi người trong gia đình và lìa ngôi nhà mà các con từ lâu đã sinh sống.
Bởi giặc sinh tử là một điều quan trọng nhất của kiếp sinh làm người, Vì lý do này chúng ta mới ly gia cắt ái; mới xuất gia theo Phật tu hành; mới chấm dứt mọi liên hệ với những người thân trong gia đình, nhờ đó may ra các con mới làm chủ giặc sinh tử và thoát khỏi kiếp người làm nô lệ. Cho nên phải nỗ lực, kiên trì, dũng cảm tu tập để không còn làm tay sai cho bất cứ một người nào khác.
Nếu còn liên hệ với gia đình dù một chút xíu nào thì cuộc đời đi tu chỉ hoài công vô ích.
Bởi trong Phật giáo người tu sĩ quán xét nhân quả nên rất sợ ái kiết sử. Ái kiết sử là những sợi dây tình cảm vô hình, nhưng nó trói chặt con người hơn là những sợi dây lòi tói và cùm sắt.
Người tu sĩ khi xuất gia xong nghe gia đình có hữu sự thì nên quán xét lý nhân quả.
Bởi luật nhân quả ai làm nấy chịu, không có người này làm mà người kia chịu thế được.
Ví dụ: Có một người thân trong gia đình bị bệnh thì tất cả những người thân khác trong gia đình không ai có thể bệnh thay cho người thân được, mà chỉ có lấy mắt nhìn. Nhưng vì có cộng nghiệp nhân quả trong gia đình nên mọi người tâm khởi lên những nỗi ưu tư, buồn rầu, lo lắng, v.v... Nhưng dù có ưu tư, buồn rầu, lo lắng bằng cách nào thì người bệnh cũng chẳng bớt đau chút nào cả.
Sự ưu tư, buồn rầu, lo lắng đó cũng chỉ làm khổ mình chứ chẳng ích lợi gì cho ai cả. Vậy mà mọi người cứ để ái kiết sử lôi cuốn mà không chịu chấm dứt để vượt ra khỏi vòng tay nhân quả.
Một người trong gia đình trả nhân quả không đủ sao, mà lại cả gia đình đều xúm nhau trả nhân quả, có phải các con không thấy điều này sao? Các con đều có tri kiến hiểu biết sao lại mờ mịt như vậy. Bởi vậy,  con người thật là vô minh khủng khiếp. Một người khổ không muốn lại muốn nhiều người khổ. Cái gọi là hiếu hạnh từ xưa đến nay người ta sử dụng là cái hiếu hạnh hình thức, tỏ ra mình thương yêu cha mẹ cho mọi người biết khen chơi, chứ sự thật mình có gánh vác bệnh đau của cha mẹ được chưa? Có thay thế cơn đau khổ, cái chết của cha mẹ chưa? Hay chỉ về đây nhìn ngó trong khi cha mẹ đang quằn quại trong cơn đau.
Hãy tư duy như Thầy đã dạy ở trên, tất cả các pháp trên thế gian này đều vô thường, đều do duyên nhân quả mà có thân này, mà có những người thân trong gia đình. Thân này và những người thân trong gia đình, dù cha mẹ, anh chị em đều không phải là ta, là của ta, thì có lý đâu các con để ái kiết sử làm động tâm. Tâm ý của người tu sĩ đâu có rảnh rang, lúc nào cũng bảo vệ và giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự.
Vì thế, dù cho cha mẹ có bệnh đau hay chết thì hãy giữ gìn tâm bất động của các con để tiến tới tâm vô lậu. Tâm vô lậu mới là cứu cánh mình và cha mẹ, chứ tâm chưa bất động thì làm được những gì giúp đỡ cha mẹ. Khi tu tập chưa xong mà liên hệ trong hoàn cảnh nhân quả của gia đình thì tâm bất động có còn không? Và như vậy cuộc đời tu hành của  các con xuất gia để làm gì? Có ích lợi gì?
Hỏi 18: Để hành động dứt khoát. Có người cho rằng mình cứu mình chưa xong, chưa có khả năng mà đi cứu ai được? Nhân quả của ai nấy chịu. Khi nào mình tu xong có khả năng rồi thì hãy giúp đỡ sau.
Đáp: Lời quán xét và tư duy này rất đúng, bây giờ về thăm có làm gì được chăng? Lại còn làm bận rộn những người thân trong gia đình, họ không biết sắp xếp cho các con chỗ ăn, chỗ ở như thế nào cho phù hợp. Đó là làm khách cho những người thân cực khổ về mình, chứ thương yêu gì. Làm khổ mình, làm khổ nhiều người mà không thấy sao? Đã đi xuất gia tu hành rồi, còn về thăm gia đình thì làm được những gì gọi là đền ơn, đáp nghĩa? Chỉ về đó bòn rút tiền bạc, thực phẩm bánh trái của những người thân trong gia đình, để phạm giới phá giới ăn uống phi thời, mất hạnh độc cư, để tâm phóng dật chạy theo sáu trần. Cho nên, khi tu tập chưa chứng đạo thì đừng nên về gia đình, mà hãy nổ lực tu để đền công ơn sinh thành dưỡng dục.
Hỏi 19: Có người lại cho rằng tuy mình chưa có khả năng nhưng đã biết được cách thức đẩy lui bệnh tật, thì mình cũng nên bày  vẽ giúp đỡ cho người thân, may ra biết đâu cứu được, nếu không lỡ có mệnh hệ gì làm sao tìm lại được? Nhất là dù sao thì cũng an ủi được người thân ít nhiều, và như vậy cũng là đã trọn tình, v.v... Còn nếu làm ngơ thì thật vô tình! Cả nhẫn tâm nữa.
Đáp: Trí tuệ nhân quả ở đâu sao các con không quán xét mà lại tư duy quán xét theo kiểu tâm phàm phu, thế tục như vậy. Vậy các con theo Thầy tu xả tâm hay tu ức chế tâm.
Tu xả tâm mà tâm khởi niệm như vậy không quét ra cho sạch mà còn thưa hỏi linh tinh không đúng đường lối tu tập của Phật giáo tâm bất động. Khi khởi niệm như vậy thì tâm bất động đâu còn. Tâm bất động không còn thì đi tu xuất gia để làm gì? Mục đích của Phật giáo là giải thoát khỏi tâm thế tục, ái kiết sử, khỏi bị sự ràng buộc của nhân quả, khỏi bị sự sống chết chi phối từng phút, từng giây.
Khi chính bản thân mình còn chưa đủ lực làm chủ sinh, già, bệnh, chết, mà về trợ giúp cha mẹ mình thì đầu óc các con có bình thường không? Hai chữ “MAY RA” nghe sao nó mong manh như một việc làm cầu may, mà người tu sĩ không thể làm việc cầu may như vậy được. Người tu sĩ làm là làm đâu phải được đấy, làm chắc chắn 100% mới làm.
Ở đây có một cụm từ trong câu hỏi rất kêu: “An ủi, vô tình, nhẫn tâm, trọn tình, làm ngơ”. Đấy là những từ tự mình dùng nó để lừa lại tâm mình. Các con biết rất rõ các pháp có được là do nhân quả không? Mà do nhân quả sinh ra thì các pháp đều vô thường.
Mà đã vô thường thì làm sao có pháp nào là ta, là của ta. Vậy không có pháp nào là ta, là của ta thì các con an ủi ai? Vô tình với ai?
Nhẫn tâm với ai? Trọn tình với ai? Làm ngơ với ai? Các con cứ nhìn các pháp là thật có.
Có pháp nào thật ở đâu? Toàn là duyên hợp mà thành, nhưng khi hết duyên toàn gặp duyên tan mà hoại, có pháp nào bền chắc đâu?
Sao các con không quán xét tư duy để xả bỏ tất cả các pháp vô thường, các pháp nhân quả, để giữ gìn một pháp duy nhất đó là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó là một trạng thái tâm hạnh phúc tuyệt vời mà người xuất gia phải lấy đó làm cuộc sống, chứ đâu còn lấy gia đình làm cuộc sống nữa. Phải không các con?
Xuất gia là bỏ ngôi nhà thế tục đầy dẫy đau khổ, thương ghét, giận hờn, buồn phiền, lo toan, sợ hãi, v.v... để rồi vào ngôi nhà Như Lai tràn đầy sự bình an. Thế mà ở trong nhà Như Lai lại để tâm hồn mình trong ngôi nhà  thế tục, thì còn nghĩa lý gì xuất gia các con ạ!
Hỏi 20: Vậy thì, nếu người tu sĩ về nhà giúp đỡ thì có điểm hay như vậy, nhưng có điểm dở gì không? sự nghiệp tu tập có bị trở ngại lớn lắm không?
Đáp: Giúp đỡ cho nhà thế tục hay là người xuất gia chưa dứt khoát ái kiết sử.
Người xuất gia chưa dứt khoát ái kiết sử thì hay ở điểm nào? Được mọi người khen là đứa con có hiếu ư! Hay lương tâm của mình cho mình là đứa con có hiếu hạnh.
Người xuất gia còn đi tới đi lui nhà thế tục là hay lắm sao? Là để nhiễm ô thêm mùi dục lạc thế gian; là để ái kiết sử ngày càng ràng rịt thêm mà không sao cắt bỏ được, như vậy giỏi hay là dở. Sự nghiệp tu hành giải thoát rồi sẽ ra sao? Xuất gia làm chi cho uổng phí một đời tu hành. Đạo chẳng ra đạo, đời chẳng ra đời.
Xuất gia tu hành là phải có ý chí dũng mãnh dứt khoát, đời là đời, đạo là đạo, chứ không thể mượn đạo tạo đời. Biết bao người tu hành theo Phật giáo hiện giờ mượn đạo tạo đời, để sống trên mồ hôi nước của đàn na thí chủ, hèn hạ lắm các con ạ!
Hỏi 21: Có ý kiến cho rằng như vậy mới là sự áp dụng đức hiếu sinh vào đời sống thực tế.
Đáp: Xuất gia mà áp dụng đức hiếu sinh như vậy là chưa hiểu biết đức hiếu sinh. Đó là đức hiếu sinh của người thế tục, chứ đâu phải đức hiếu sinh của người xuất gia. Đức hiếu sinh của người xuất gia là phải tập tu cho mình chứng đạo. “Nhất nhơn thành đạo cửu huyền thăng”. Lời dạy này là trách nhiệm bổn phận của người xuất gia, phải làm đúng nghĩa của nó mới được gọi là hiếu sinh.
Các con đã lầm lộn, lấy hiếu sinh thế gian làm hiếu sinh xuất thế gian. Ở đây, rõ ràng có hai thế giới, có hai cuộc sống khác nhau như trời và vực, vậy mà các con cố gắng làm liền nhau thì cuộc đời tu hành của các con được những gì đây? Hay chỉ là một số kiến thức hỗn độn.
Hỏi 22: Còn nếu như người tu sĩ quyết tâm ở lại tu tập, dù cho gia đình có việc gì hệ trọng đi nữa thì có bị rơi vào vô tình, liệt cảm không?
Đáp: Không, nếu người tu sĩ ở lại không đi đâu nửa bước, lúc nào cũng ôm pháp tu tập, giữ gìn tâm luôn luôn bất động trong trạng thái “BẤT ĐỘNG, THANH THẢN, AN LẠC và VÔ SỰ”. Và như vậy người tu sĩ ấy chứng đạo. Tâm đã chứng đạo thì chỗ nào gọi  là vô cảm liệt tuệ, khi từ trường vô lậu của người chứng đạo đã làm thay đổi mọi sự đau khổ của những người thân. Còn tu chưa chứng thì về thăm chỉ lấy mắt mà nhìn, chứ làm gì cho người thân mình giảm khổ đau.
Tình thương yêu ái kiết sử là một thứ tình yêu thương làm khổ mình, khổ người chứ giúp đỡ gì được ai. Bởi vậy, các con hãy suy tư cho chín chắn, để không phí một cuộc đời tu hành quá uổng. Tu hành quý là ở chỗ biết sống đúng hạnh của người tu hành, nếu sống không đúng hạnh của người tu hành người hiểu biết sẽ cười chê, làm mang tai tiếng cho người tu hành khác. Những việc làm không đúng này tội lỗi về ai, các con có biết không?
Hỏi 23: Và như vậy, khi có sự dứt khoát ở lại tu tập thì người tu sĩ có những lợi ích gì?
Đáp: Lợi lớn lắm chớ! Chứng đạo, sự lợi ích của chứng đạo khắp trên thế gian này không có lấy vật gì so sánh được. Vậy mà mọi người không ai chịu hiểu, cứ mải mê chạy theo những hành động hiếu hạnh phàm tình thế tục, rồi đây người tu hành và cha mẹ cùng trôi lăn trong lục đạo chịu khổ đau không cùng tận. Cha mẹ không cứu con được, mà con cũng không cứu cha mẹ được, thật là vô minh, điên đảo.
Hỏi 24: Và sự tư duy phải như thế nào để lương tâm không bị ray rứt, không bị trạo hối, khi mà sau này người thân có chuyện không may.
Đáp: Nên tư duy theo những lời Thầy ở trên. Thường xuyên triển khai tri kiến giải thoát, nhất là phải hiểu rành qui luật nhân quả. Trong gia đình là một chùm nhân quả, đời trước vay nợ với nhau chưa trả xong cho nên đời này lại tiếp tục trả nữa. Cha con, chồng vợ là nợ nhân quả, các con có hiểu không? Vì thế, người xuất gia lo đóng cửa thất, không tiếp duyên ra ngoài, lúc nào cũng phòng hộ sáu căn không nên tiếp xúc với sáu trần, và nhất là hằng ngày phải siêng năng tu tập ly dục ly ác pháp. Có tu tập như vậy mới mong trả nợ nhân quả xong, còn đi tới đi lui thăm viếng cha mẹ, anh em chị thì nợ nhân quả lại chồng thêm, biết trả chừng nào cho xong, và sợi dây ái kiết sử sẽ được dịp trói chặt hơn nữa. Cho nên, người xuất gia đi ra ngoài, khỏi phạm vi tu viện là phạm nhiều giới. Nhất là sáu căn mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý tiếp xúc với sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp, không sao tránh khỏi phạm giới. Người xuất gia phải cảnh giác, đừng xem thường giới luật Phật mà phải đọa vào mọi sự khổ đau (địa ngục).
Hỏi 25: Con nhận thấy rằng đây cũng là một bài học thực tế cho bản thân của con, có khi nó cũng rất mạnh mẽ, nhưng cũng có lúc nó bị băn khoăn áy náy... Vì vậy, hôm nay con xin kính trình lên Thầy sự băn khoăn của con, ngưỡng mong Thầy từ bi khai thị để chúng con có được một sự nhận thức sáng suốt, để hành động được dứt khoát, đúng đắn mà không bị phân vân, lưỡng lự và ray rứt trong lòng... Được sự chỉ dạy của Thầy sẽ giúp cho chúng con được yên tâm tu tập hơn.
Đây cũng là dịp chúng con triển khai tri kiến bằng định vô lậu của mình. Con xin đội ơn Thầy.
Kính thư! Con, Thiện Tâm

Đáp: Con có nghe thầy trả lời những câu hỏi trên chưa? Nên lấy đó mà tư duy suy nghĩ cho tường tận. Đời, đạo không cùng một con đường, đời là đời, đạo là đạo. Hễ có đời thì không có đạo, hễ có đạo thì không có đời. Đời và đạo là hai con đường khác nhau. Đời là tâm HỮU LẬU, còn đạo là tâm VÔ LẬU, nếu có tâm hữu lậu thì không thể nào có tâm vô lậu được. Vậy nên chọn con đường nào là tùy ở các con, Thầy không có bắt buộc người nào cả, ai muốn đi con đường nào thì cứ chọn lấy mà đi, XUẤT GIA hay NHẬP GIA.