Skip directly to content

OAI NGHI TRONG ĂN UỐNG

Hỏi 1: Mật ong có được ăn và uống hay không? Nếu không thì tại sao?
Đáp: Mật ong không nên uống, vì mật ong là một loại sữa của loài ong để nuôi ong con.
Chúng ta uống mật ong là tòng phạm vào giới “không nên tham lam trộm cắp lấy của không cho”. Tội ấy rất nặng, vì đó là giới trọng: “Cướp giựt thực phẩm của loài ong”.
Uống mật ong còn thêm một tội tòng phạm nữa, đó là phá nhà cửa và giết hại loài ong. Tất cả những tội này đều là trọng tội. Vì thế chúng ta cần nên tránh xa.
Hỏi 2: Người tu sĩ khất thực có được vào các chùa tịnh xá khất thực hay không? Vì đại đa số hiện nay tất cả các chùa hay tịnh xá  đều có nhà bếp nấu ăn.
Đáp: Đi khất thực dù bất cứ nơi đâu đều đi khất thực được cả, vì là đi xin ăn, ai cho mình thực phẩm đều nhận và ăn để sống, sống để tu hành.
Hỏi 3: Người tu sĩ nam nữ, có quyền vào khất thực tại chùa của tu sĩ nữ nam hay không? Hay chỉ vào đúng chùa của phái nam hay nữ của mình?
Đáp: Bất cứ chùa nam hay chùa nữ, người đi khất thực đều có quyền đi xin ăn, chứ không phải đi nói chuyện và ở lại qua đêm thì phạm giới.
Hỏi 4: Người tu sĩ khất thực trong trung tâm thành phố, sau khi khất thực xong nên tìm chỗ nào để thọ thực. Vì thành phố ở đâu cũng có nhà, có xe. Vậy chắc phải vào công viên?
Đáp: Người khất sĩ ở các chùa hay tịnh xá trong thành phố, khi đi khất thực nên về tịnh xá hay chùa của mình mà thọ thực, có đâu lại vào công viên thọ thực, đó là làm mất vẻ mĩ quan của thành phố.
Hỏi 5: Người tu sĩ khất thực có quyền nhận tiền mua cơm chay và nước uống hay không? Hay chỉ nhận thực phẩm và nước  uống trái cây thôi, không nhận tiền. Ví dụ người tu sĩ biết một suất cơm chay là 10.000đ, vị đó chỉ nhận đúng số tiền trong ngày hôm đó chỉ mua cơm chay thôi. Ngoài ra không nhận hơn đồng nào có được không?
Đáp: Theo luật khất thực thì không nên nhận tiền và người đi khất thực cũng không có quyền vào tiệm bán cơm mua cơm, chỉ có người cư sĩ mua cúng dường, chứ mua giúp dùm cũng không nên, vì giới luật khuyên người tu sĩ không nên cất giữ tiền bạc. Không cất giữ tiền bạc thì tiền đâu mà gửi người khác mua cơm. Đã chấp nhận đời sống khất sĩ thì nên giữ gìn cho trọn vẹn, đừng để vi phạm. Các thầy nên lưu ý: là một khất sĩ thì chỉ có đi xin thực phẩm ăn mà thôi.
Hỏi 6: Đối với người tu sĩ đi xa có được chuẩn bị trước thức ăn chay cho ngày hôm đó hay hôm sau có được không, ví dụ vài gói mì ăn liền?
Đáp: Khi đi xa người khất sĩ không nên lo những điều đó, mà hãy để cho người cư sĩ hộ đạo họ lo cho, vì người tu sĩ chỉ có giữ tâm bất động, có đâu lại lo việc ăn uống quá tầm thường.
Hỏi 7: Khi đi máy bay, trên máy bay phục vụ hai xuất ăn chay, nhưng cả hai xuất ăn đều chưa đến giờ ăn, người tu sĩ có quyền giữ lại để đến giờ ăn hay không?
Đáp: Được quyền để lại trong vài giờ.
Hỏi 8: Nếu người bán sữa bò nói rằng sữa này được lấy bằng tay chứ không bằng máy, vì bò gia đình chứ không phải bò công nghiệp. Vậy thì có được uống hay không?
Đáp: Được.
Hỏi 9: Người tu sĩ chuẩn bị cơm chay khi đi đường, đến giờ ăn vị đó nên vào quán chay cùng với cư sĩ và ăn phần cơm mang theo, hay ở lại xe ăn trong xe một mình hay tìm nơi thanh tịnh?
Đáp: Nên ở trên xe một mình thọ trai.
Hỏi 10: Con nhớ có 5 loại rau không nên ăn: hành, tỏi, hẹ, nén, rau dấp cá.
Đây là năm loại rau có tác dụng nguy hiểm như thế nào đến người tu hành, người cư sĩ hoặc vị chân tu, hoặc người đang giai đoạn tu thiền?

Đáp: Năm loại rau này ăn nhiều bị kích dục, cho nên người tu theo Phật giáo dù cư sĩ hay tu sĩ cũng không nên ăn nó.
Hỏi 11: Có giới hạn số lượng ăn đối với 5 loại rau củ này không? nay là cứ thấy 5 loại  này thì nhất định không ăn một miếng nhỏ?
Ví dụ có những thức ăn chỉ thấy vài lát nhỏ của củ tỏi hay 1 lá rau dấp cá, vậy ăn vào có sao không? Nếu ngày nào trong thức ăn cũng có các loại rau trên thì không nên ăn là đúng. Còn lâu lâu gặp hay vô tình ăn thì có sao không?

Đáp: Người nấu ăn thường hay bỏ hành, tỏi để làm món ăn có mùi vị, chính những mùi vị này đã tạo sự nghiện ngập, không có mùi hành tỏi món ăn cảm thấy như nhạt nhẽo. Người tu sĩ theo Phật giáo không nên để nghiện ngập mùi vị hành tỏi, nên cố tránh xa là tốt nhất, đừng nên ăn chúng.
Cũng như trái ớt, tuy là chất cay không nằm trong các loại rau kích dục, nhưng ớt cũng là một loại gây nghiệp ngập, nên càng tránh là tốt nhất.
Hỏi 12: Hành ta, hành tây, ở đây là hành nào ăn được, hành nào không ăn được? Hành lá và hành củ, lá ăn được hay củ ăn được?
Lá tỏi và củ tỏi phần nào ăn được, phần nào không nên ăn, hay cấm hết không nên ăn phần nào cả?

Đáp: Tất cả lá và củ của hành và tỏi Tây, Ta đều không nên ăn, vì ăn thân có một mùi hôi bất tịnh nên người tu theo Phật giáo  không nên ăn là tốt nhất, dù là thực vật.
Hỏi 13: Củ tỏi được sử dụng trong y khoa chữa nhiều loại bệnh. Vậy có được uống thuốc có tỏi hay không?
Đáp: Không phải chỉ có tỏi mới làm thuốc trị bệnh, còn nhiều loại thuốc khác trị bệnh sao không uống, lại uống thuốc có tỏi?
Hỏi 14: Người tu sĩ đi khất thực phải đi như thế nào mới đúng oai nghi độc bộ, độc hành khi đi đến chỗ lấy thức ăn, và khi đi từ chỗ lấy thức ăn về thất hay đến nơi thọ thực?
Đáp: Đi trong Chánh Niệm Tỉnh Giác.
Hỏi 15: Người tu sĩ khi thọ thực có người mang thức ăn đến cúng dường thêm. Vậy người tu sĩ phải làm sao? Có được nhận thêm hay không? Có được ăn thêm hay không?
Đáp: Không!
Hỏi 16: Xung quanh thất có trồng các loại cây ăn trái như đu đủ, xoài, thơm, khóm, mãng cầu, ớt, hành, rau các loại, mít, sabôchê, nhãn, mận, v.v... đến giờ ăn hái vào ăn có phải bị dục lôi kéo có phải không? Nếu vậy khi trái chín thì nên làm gì? Hái đưa cho Ban đời sống muốn làm hay tự mình phân phát cho tất cả các tu sinh?
Đáp: Nên hái đem vào nhà bếp, không được hái ăn một mình.
Hỏi 17: Chính vì xung quanh thất tu tập mà có trồng các loại trái cây rau củ mà dễ đắm nhiễm sinh dục, nhưng vì đời sống phải có cái ăn cái mặc, tu viện phải tự mình chăm lo cho mình, chứ không phải ngồi đó xin tiền của đàn na thí chủ. Tu viện có thể dành riêng một mảnh đất trồng các loại rau quả củ được hay không? Con thấy rằng vì tu viện không có trồng rau quả củ mà cô Út phải đi chợ hằng ngày rất xa. Lúc đầu không có xe hơi phải đi bằng xe honda, mà xe hon đa thì mua đựơc bao nhiêu đâu, trong khi số lượng người ăn thì đông, trung bình 50 - 70 người.
Cho đến hôm nay sau gần 30 năm mới mua được xe hơi, đi chợ xa khoảng 30 cây số, dù có xe hơi nhưng đi chợ xa tốn thời gian, tốn tiền xăng lẫn chữa sửa xe, v.v... Mà tiền thì không làm ra được, chỉ xin Phật tử. Vậy việc đi chợ xa và có rau quả ngay trong tu viện thì trường hợp nào lợi hơn.

Đáp: Tu không còn thời gian, không có kẽ hở thì lấy thời gian đâu trồng rau cải cây trái, chỉ có những người lười biếng không tu tập nên mới có thì giờ trồng rau cải. Nơi đây, tu viện Chơn Như là chỗ tu tập, nếu ai không tu mà ngồi không ăn uống của đàn na thí chủ  thì mang nợ đàn na thí chủ sẽ làm thân trâu, ngựa, tôi, tớ, nô lệ, v.v...
Hỏi 18: Còn một trường hợp nữa, nếu như có thí chủ nào sẵn sàng lo cho từng bữa ăn cho các tu sinh từ bên ngoài đem vào thì quá dễ dàng cho tu viện, không còn ai nghĩ cực nhọc lo đi chợ nấu ăn, dọn dẹp nữa. Có được một thí chủ mà lo cho được số người đông như vậy mỗi ngày và suốt luôn thì thật là hiếm phải không thưa Thầy. Nhưng con nghĩ, vẫn có công chúa Malina thời đức Phật cúng dường mỗi ngày cho 500 vị Bà la môn. Vậy theo Thầy cách nào là tốt nhất?
Đáp: Tu sĩ thì nên nghĩ lo tu tập, chứ đừng suy nghĩ về ăn uống, Ăn uống nên để người cư sĩ người ta lo, cách nào cũng được, miễn sao mỗi ngày có một bữa ăn để sống tu hành là điều tốt nhất. Việc ai nấy làm, nhiệm vụ bổn phận của ai thì nấy lo. Tu hành chỉ có tu hành, còn việc khác để cho người khác làm. Không thể người nông dân vào văn phòng làm việc được, làm việc như vậy là làm việc không chuyên môn và việc lớn không thành công.
Hỏi 19: Tương lai tu viện hoặc các khu trung tâm an dưỡng từ thiện ra đời nhằm mục đích dạy đạo đức cho người. Người vào  học sẽ chưa quen ăn mỗi ngày một bữa, vậy thì phải làm sao thưa Thầy? Tập dần cho họ quen bằng cách cho họ uống thêm sữa vào buổi sáng, tối trong vòng 5 - 10 ngày, hoặc nói với họ khi nào quen ăn mỗi ngày một bữa rồi đến xin học? Hay có cách nào khác?
Đáp: Người học đạo đức chứ không phải người tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì cần gì phải ăn ngày một bữa?
Hỏi 20: Kiến là nỗi bất an của các tu sinh khi đến giờ ăn, Thầy có cách nào tốt nhất giúp chúng con không?
Đáp: Kiến không phải là nỗi bất an mà nỗi bất an chính là tâm con. Trên hành tinh sống này thì phải có sự sống, có kiến là có sự sống, nhưng loài kiến có nhân duyên tiền kiếp nên kiếp này mới gặp nhau, thì sao không vui mừng mà lại khởi tâm nghĩ là nỗi bất an. Vậy mục đích con tu tập để làm gì?
Để tâm được an, thì dù trong hoàn cảnh nào con cũng thấy an vui thì mới gọi là tu tập giải thoát. Tu tập như con thật là uổng một đời tu tập, phí công sức, phí tuổi đời, chẳng ích lợi gì cho mình cho người, thật đáng trách.
Hỏi 21: Có khi nào hay trường hợp nào vị tu sĩ nấu ăn hay không?
Đáp: Không, người tu sĩ nấu ăn là người tu sĩ ngoại đạo Bà la môn.
Hỏi 22: Ở các nước phương Tây không có trường hợp đi khất thực, nếu vị tu sĩ không có ai cúng dường cơm thì phải làm sao?
Đáp: Vậy đi về phương Đông mà tu tập theo Phật giáo.
Hỏi 23: Hoặc tự mình đi chợ hoặc tự mình lái xe đi chợ, hoặc tự mình nấu ăn. Vậy là tất cả đều phạm giới, có cách nào khác hay hơn phải chấp nhận khai giới ra khi lái xe, đi chợ nấu ăn?
Đáp: Không nên xuất gia, chỉ tu tập theo người cư sĩ.
Hỏi 24: Người tu sĩ Phật giáo có thích hợp sống đời sống khất thực xin ăn tại các nước phương Tây hay không? Họ phải sống làm sao để hoà đồng vào xã hội, không vi phạm pháp luật và không làm khổ mình?
Đáp: Ở phương Tây không nên xuất gia, mà nên tu tập theo người cư sĩ tại gia thì thích hợp nhất.
Hỏi 25: Đối với các cư si khi vào quán ăn chay hiện nay, thấy thực đơn toàn là tên các món ăn mặn. Ví dụ: phở bò, cá kho, gà kho, v.v... Tên thực phẩm là tên thực phẩm động  vật nhưng thực phẩm vẫn là đồ chay. Vậy cư sĩ đó phải làm sao? Không ăn hay vẫn gọi ăn? Hay chỉ gọi món không có tên.
Đáp: Cứ gọi theo thực phẩm chay tự nhiên như: Cho một dĩa cơm chay hay một tô hủ tiếu chay, v.v...
Hỏi 26: Tại Mỹ đa số trứng gà được từ gà công nghiệp, do vậy người ăn chay vẫn ăn trứng gà, vì họ nói trứng gà công nghiệp không có trống. Vậy đối với người tu thì nên ăn hay không ăn? Ăn thì bất tịnh nguy hiểm chỗ nào? Không ăn thì có lợi ích gì?
Đáp: Trứng gà công nghiệp tuy ăn không phạm tội sát sinh, nhưng chất trong trứng gà là một chất dục của gà mái tiết ra để giao hợp với gà trống mà sinh ra con, nên chất đó là chất dục. Người thế gian không ly dục ly ác pháp nên thích ăn những loại bất tịnh sinh dục.
Người tu theo Phật giáo vì biết con đường dâm dục là con đường tái sinh luân hồi nên quyết tâm đoạn trừ, thế mà còn ăn những chất dâm dục đó thì làm sao thân tâm thanh tịnh hết dâm dục được.
Vì thế người tu sĩ theo Phật giáo có mục đích chấm dứt tái sinh luân hồi. Vậy tại sao  còn thích ăn trưng gà?
Quý vị về tu viện Chơn Như tu hành để làm chủ sinh, già, bệnh, chết và chấm dứt tái sinh luân hồi, mà lại còn ăn trứng sao?
Hỏi 27: Đất chùa hay tu viện thì mênh mông, giá cả thực phẩm ngày càng tăng. Vậy tại sao trong tu viện không trồng rau củ trái cây để giảm mọi chi phí cho ăn uống và bớt sự đóng góp của thí chủ.
Đáp: Quý tu sĩ và cư sĩ về đây tu tập hay về đây để trồng rau cải, cây trái để ăn? Tu tập còn không có thời giờ tu, còn có thời giờ rảnh đâu mà đi trồng rau cải cây trái. Quý vị hãy trả lời đi? Hay là quý vị tu chơi nên còn có thì giờ rảnh rổi mà bàn chuyện trồng rau cải cây trái? Nếu quý vị tu tập như vậy thì sẽ mang nợ đàn na thí chủ, muôn đời muôn kiếp không bao giờ trả xong.
Hỏi 28: Người tu sĩ khi đi khất thực thay vì đọc bài ước nguyện thì chỉ giữ tâm thanh thản khoảng 30 giây - một phút có được hay không? Và có lợi ích gì hay không?
Đáp: Hành động giữ gìn 30” như vậy không đúng oai nghi chánh hạnh của Phật giáo. Tu trong thất giữ tâm bất động còn không được huống là đi khất thực mà giữ 30”  thì có nghĩa lý gì? Chắc là tu tập chế tạo những oai nghi mới. Tu hành đừng nên tưởng giải chế tạo những oai nghi mới, nếu cứ chế tạo như vậy thì Phật giáo sẽ đi về đâu?