Skip directly to content

Phần III: NHỮNG PHÁP CẦN TU TẬP

Kính thưa Thầy! Con có một số câu hỏi xin Thầy chỉ dạy:

Hỏi 21a: Định niệm hơi thở nhiếp tâm và an trú 30 phút, tiếp đến tu tập 30 phút tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Thưa Thầy, cả hai pháp môn này thời gian là một tiếng. Khi con tu tập như vậy thì thân tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự có thể kéo dài thời gian hơn 1 tiếng có được không?

Đáp: Được, càng kéo dài thời gian tâm bất động càng tốt, nhưng chỉ có một niệm duy nhất là tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, còn có bất cứ một niệm nào khác khởi lên là các con không chấp nhận, phải tác ý đuổi ngay liền.

Các con phải nhớ: chỉ có Tâm bất động vô lậu, đó là niệm duy nhất mà các con cần phải giữ gìn và bảo vệ, nó là chân lí của đạo Phật. Chân lí của đạo Phật không có hai, ba chân lí, mà chỉ có một chân lí này mà thôi, nếu còn có những chân lí khác là của ngoại đạo, các con cần lưu ý đừng dễ tin người khác. Thầy chỉ ước mong sao các con hiểu rõ cách thức tu tập xả tâm để chứng được tâm vô lậu, để được giải thoát hoàn toàn, để làm chủ sinh tử và chấm dứt luân hồi, để không phụ ơn Phật, ơn sinh thành dưỡng dục, ơn Thầy và ơn đàn na thí chủ.

Hỏi 21b: Con vào tu tập Định niệm hơi thở an trú trong 30 phút, tiếp đến 30 phút nữa tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, từ 1 đến 2 giờ rồi đến 3 giờ, có lúc đến 4 giờ sáng tâm con mới khởi niệm, nhưng nó vẫn tỉnh táo và sáng suốt.

Kính thưa Thầy, con theo dõi thân tâm của con nó an ổn, vô sự thì được bao lâu hay bấy lâu con không chuyển sang tu pháp khác? Như vậy con cần phải xả ra tu tập sang pháp khác không? Hay con cứ để cho thân tâm thanh thản, an lạc và vô sự như vậy? Con chờ mong Thầy chỉ dạy. Nếu không, tâm con sẽ rơi vào thụ động lười biếng, buông lung, ỷ lại vào cái sự an ổn đó.

Đáp: Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm vô lậu, nếu các con tu tập tâm ở trong trạng thái này mà kéo dài thời gian sáu giờ cho đến một ngày đêm, và từ một ngày đêm cho đến bảy ngày đêm là con đã chứng đạo A La Hán hoàn toàn. Đạo Phật chỉ có tu tập giữ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, nhờ đó tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa. Tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo. Các con có hiểu chưa? Các con đừng nghĩ rằng chứng đạo của đạo Phật là vĩ đại, là cao siêu huyền bí, là thần thông phép lực vô tận, vô biên, v.v...Không phải vậy đâu các con ạ! Tâm hết tham, sân, si, mạn, nghi là chứng đạo các con ạ!

Hỏi 21c: Con xả tâm, ly dục ly bất thiện pháp như: ngũ triền cái, dục lậu, hữu lậu, vô minh lậu và các pháp quán tư duy thân, thọ, tâm, pháp, thân ngũ uẩn đều vô thường, khổ, bất tịnh, vô ngã, v.v... Các pháp trên con đã tu tập trên một thời gian dài, thân tâm được an ổn, các chướng ngại trong tâm được giảm đi rất nhiều, đến nay con không còn tu tập các pháp đó nữa, con đã chuyển sang tu tập pháp quán thân trên quán thân trong bốn oai nghi, mỗi oai nghi con tu tập thời gian 10 phút rồi lại chuyển sang oai nghi khác. Kính  thưa Thầy, con tu tập và xả tâm như vậy có được không?

Con nghĩ nếu con không tu tập liên tục quán thân trên thân như vậy, thì tâm con dễ phóng dật, buông lung, lười biếng rồi có lúc ngủ phi thời, nên con đã tự tu tập liên tục như vậy. Ngoài ra con còn tận dụng kết hợp xả tâm, ly dục ly ác pháp trong mọi thời gian trống. Vì con muốn cho thân tâm mau chóng hoàn toàn thành thanh tịnh.

Đáp: Con tu tập pháp quán xả tâm, ly dục ly ác pháp như vậy rất đúng, không sai, rồi con tiếp tục tu tập quán thân trên thân Tứ Niệm Xứ trong bốn oai nghi để bảo vệ và giữ gìn tâm mình bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Con tu tập như vậy không sai, hãy cố gắng tiếp tục để tâm bất động được kéo dài đến khi chứng đạo mới thôi. Con đường tu theo đạo Phật bắt đầu ly dục, ly ác pháp trên pháp môn Tứ Chánh Cần, rồi kế tiếp ly dục, ly ác pháp vi tế trên pháp môn Tứ Niệm Xứ. Như vậy con đã tu tập đúng theo lộ trình của đạo Phật dạy. Con đừng sợ lạc đường, chỉ còn có thời gian bảy ngày đêm tâm bất động vô lậu là đến nơi đến chốn con ạ!

“Đường đi không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông”. Con đường tu tập cũng vậy các con ạ! Phật pháp không khó vì tu tập với những pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ, mà khó vì lòng người không bền chí, kiên trì tu tập với pháp môn Tứ Chánh Cần và Tứ Niệm Xứ. Cho nên lộ trình tu tập của Phật giáo từ thấp đến cao, từ giới đến định cụ thể rõ ràng. Vậy mà có người không hiểu, nghe nói thiền định là ôm ngay tu tập, mà không chịu khó suy tư cho chín chắn trình độ mình đang ở lớp tu tập nào? Đừng vội vàng ham tu mà tự đưa mình vào con đường rối loạn thần kinh, trở thành điên khùng thật là tội nghiệp. Các sư Nam Tông tu hành chưa làm chủ sinh tử mà dám đem pháp môn Tứ Niệm Xứ dạy người tu tập, đó là những người điếc không sợ súng, những người mù mà làm hướng đạo viên thì biết chừng nào đến nơi đến chốn.

Hỏi 21d: Con đọc lại toàn bộ kinh sách của Thầy viết, từ bộ Đường Về Xứ Phật và bốn quyển Những Lời Gốc Phật Dạy, con đã hiểu thêm pháp tu tập và các giới luật của Phật mà Thầy đã biên soạn trên các bộ sách đó. Con đang mong đợi bộ sách giới luật của Thánh tăng và Thánh ni mà thầy đã viết. Con chỉ có ước nguyện đủ duyên để thực hiện giới luật Phật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào trong giới luật.

Đáp: Con nên đọc bộ sách Văn Hóa Phật Giáo Truyền Thống, đó là bộ sách giới luật Thánh tăng và Thánh ni mà Thầy đã biên soạn gần xong, nhưng chưa đủ tiền in ra, Hiện giờ Thầy mới được giấy phép và in ấn hai tập, còn lại tám tập nữa.

Muốn đọc kinh sách giới luật thì con nên chịu khó nghiên cứu bộ sách TAM QUY. Trong sách dạy về oai nghi giới luật của đức Phật và chư Thánh tăng. Có đọc như vậy mới thông suốt những pháp ly dục, ly ác pháp của Phật và chúng Tăng ngày xưa. Một kinh nghiệm sống động mà người tu sĩ Phật giáo không thể không nghiên cứu những tập sách quý giá vô cùng mà chỉ có tu viện Chơn Như mới có.

Hỏi 22: Con có nên tham gia phát biểu ý kiến xây dựng trong Ni đoàn có lợi ích thiết thực cụ thể không? Nếu con muốn phát biểu ý kiến toàn về giới luật và oai nghi tế hạnh để chúng trong Ni đoàn cùng sách tấn nhau thực hiện, để mọi người không phỉ báng chê cười người tu sĩ. Nhưng con thấy rất khó khăn, đã mấy lần con xin tham gia góp ý cùng với các sư cô Nữ Hương, sư cô Liễu Châu, nhưng những người hoan hỉ chấp nhận thì ít, mà thấy người không hoan hỷ chấp nhận thì nhiều hơn. Như vậy con kính  thưa Thầy, con có nên tham gia nữa không?

Đáp: Rất cần tham gia góp ý kiến về giới luật, về oai nghi tế hạnh ai sai, ai đúng để cùng nhau cố gắng giữ gìn cho Ni đoàn ngày một tốt đẹp hơn. Bởi Ni đoàn được lập ra không phải chỉ là hình thức, mà để cho giới nữ có chỗ thực hiện con đường giải thoát chứng quả A La Hán, không thua gì nam giới. Đó là trách nhiệm bổn phận của mọi người trong chúng Ni phải tự giác, tự nguyện xây dựng Ni đoàn thanh tịnh và nghiêm chỉnh, để tiếng nói của người nữ về Phật pháp có giá trị to lớn, có một chân đứng vững vàng trong giáo hội. Nếu trong Tăng đoàn có người tu chứng, thì Ni đoàn cũng phải có người tu chứng. Bởi vậy, Ni chúng mỗi người phải thấy trách nhiệm và bổn phận của mình là phải giữ gìn giới luật cho nghiêm chỉnh, những oai nghi tế hạnh không được sơ sót, luôn luôn phải thực hiện một đời sống vô sự và thiểu dục tri túc. Có như vậy Ni đoàn mới sáng tỏ một góc trời của tu viện Chơn Như.

Hỏi 23: Về giới cấm người tu sĩ cất giữ tiền bạc, nhưng có số người tu sĩ vẫn còn dùng tiền bạc mua sắm gửi người cầm hộ. Như vậy thì như thế nào? Con mong Thầy chỉ dạy cụ thể, để mọi người cùng nghiêm trì cho trong chúng thanh tịnh.

Đáp: Khi thọ giới Sa di đã có giới cấm không cất giữ tiền bạc. Vậy mà các sư, các cô còn cất giữ tiền bạc mà xuất gia thọ giới làm gì? Nếu các sư các cô đã xuất gia thì xin hãy sống như Phật. Đừng cất giữ tiền bạc. Nếu ai còn cất giữ tiền bạc thì xin vui lòng trả y áo xuất gia lại cho tu viện, để mặc chiếc áo cư sĩ mà không có tội lỗi. Người xuất gia mà phạm giới là người phá hoại Ni đoàn và diệt Phật giáo. Tội lỗi ấy rất lớn. Xưa đức Phật dạy: “Phật pháp còn là giới luật còn, Phật pháp mất là giới luật mất”. Người tu sĩ phạm giới, phá giới là người tu sĩ có ý đồ phá Ni đoàn và muốn diệt Phật giáo trên hành tinh này.
Tội lỗi ấy lớn lắm, tội đọa trăm muôn ngàn kiếp trong trạng thái địa ngục, đời sống của người phá giới không bao giờ có tâm bất động, an lạc và thanh thản. Cho nên, khi xuất gia tu hành cần phải lưu ý có phạm giới luật nào không? Để cố gắng hằng ngày tự sửa sai, để giới luật ngày một thanh tịnh hơn.

Hỏi 24: Những người thường làm náo động ảnh hưởng đến sự tu tập trong chúng, chẳng hạn như: không phải giờ đã đi quét, cuốc đất và khuân khiêng các thứ đựng thực phẩm riêng của một số tu sĩ ăn thêm, tiếng tôn vang loảng xoảng, rồi cọ sát rửa ráy, dội nước tự do, rồi nói chuyện, đi lại nhộn nhịp  như một cái chợ, như người đời, như vậy có được không?

Đáp: Người xuất gia tu hành là phải giữ gìn oai nghi tế hạnh, giờ khắc phải phân minh rõ ràng, giờ nào việc ấy, không được lộn xộn, giờ lao động ra lao động, giờ học tập trên lớp là giờ học tập trên lớp, giờ tu tập là phải giờ tu tập, v.v... Chứ không được làm sai giờ, làm sai giờ là phá sự im lặng của Ni đoàn.

Người tu sĩ chỉ ăn ngày có một bữa, không ăn uống phi thời, không ăn thêm một vật gì khác như người ngoài đời, không được khua bát khua chén, thau chậu rổn rảng, không được dội nước ào ào, không được nói chuyện như cái chợ. Phải giữ gìn nơi toàn cả Ni đoàn đang trú ngụ im lặng thanh tịnh. Người nào quen tính làm ồn náo thì nên trả y áo lại cho tu viện, trở về làm người cư sĩ còn có phước báu hơn. Nếu ở trong Ni đoàn mà sinh hoạt như vậy là làm cho mọi người tu tập không được, thì tội lỗi đó phải gánh chịu những hậu quả không thể lường được, và khi Thầy về kiểm tra tu hành không kết quả thì phải ở lại lớp, không được lên lớp tu tập cao hơn.

Hỏi 25: Những tu sĩ chẳng có ý tứ giữ gìn oai nghi phạm hạnh, giới luật cho mình cho người thanh tịnh, thường tạo ra chướng ngại ác pháp, nên tự thân đã kêu gọi nhờ người khác mua các thứ cần dùng và thực phẩm để ăn thêm. Những người tu sĩ này không biết bản thân mình đã phạm giới xuất gia, mà lại còn làm chướng ngại cho những tu sĩ khác ở xung quanh, khiến họ khởi tâm tham dục về các thứ thực phẩm và đồ dùng đó. Sự thật là như vậy, kính mong Thầy chỉ dạy.

Đáp: Những người xuất gia mà không lo giữ gìn giới luật, lại còn gửi người khác mua vật dụng và thực phẩm là những tu sĩ quá sai. Nếu quý vị không chừa bỏ thì xuất gia để làm gì? Mục đích xuất gia là ra khỏi nhà sinh tử, vậy mà còn tham ăn, tham uống thì xuất gia chỉ mang thêm tội lỗi lừa đảo, dối gạt người khác. Hãy mặc chiếc áo cư sĩ ra đời rồi ăn uống, hay làm bất cứ một việc gì thì không ai lên án, còn mặc chiếc áo tu sĩ mà phạm giới ăn uống phi thời, cất giữ tiền bạc, thì đó chỉ là ma ba tuần trong Phật giáo, đội lốt tu sĩ để phá hoại Ni đoàn, phá hoại Phật giáo. Xin quý phật tử hãy cảnh giác đề phòng những loại ma ba tuần này. Họ mượn áo tu sĩ Phật giáo để làm tiền Phật tử, “ngồi mát ăn bát vàng”.

Hỏi 26: Có những tu sĩ hay đi lại, ra vào trong tu viện mang thực phẩm vào, hoặc tu sĩ có những người thân đến thăm cung cấp thực phẩm để ăn thêm. Mỗi khi có sự việc như vậy thì trong chúng lại bị động và xôn xao, chỉ vì khi có thực phẩm hay đồ dùng thì người tu sĩ ấy sẽ mang đến thất của mọi người cho một ít để ăn thêm. Hành động ấy giống như thân nhân đi thăm nuôi tù nhân trong các trại giam. Như vậy thì thế nào, cúi xin Thầy chỉ dạy?

Đáp: Người xuất gia đi tu chứ đâu phải người đi tù mà phải thăm nuôi. Khi người xuất gia tu hành thì những người trong gia đình cố khuyên người xuất gia tu hành, chứ đừng thăm viếng cho tiền, cho bạc và thực phẩm tư riêng. Đó là khiến cho người xuất gia phạm giới, và khi phạm giới thì tu hành biết bao giờ cho xong. Có đồ ăn riêng tư mà đem biếu cho bạn bè đồng tu tức là mình sai phạm lại muốn cho những bạn đồng tu của mình cũng sai phạm, một người xuống Địa ngục lại muốn lôi những người khác cùng xuống Địa ngục theo mình. Hành động làm như vậy rất động chúng, động chỗ tu hành.

Từ đây về sau quý thầy và quý sư cô có lỗi thì hãy chừa bỏ, chứ không được vi phạm. Sinh tử là một việc trọng đại cho người tu sĩ, thế mà chạy theo ăn uống là một việc nhỏ mọn mà trẻ con cũng làm được. Vậy mà người tu sĩ  còn phạm vào giới ăn uống, còn cất giữ thực phẩm và tiền bạc thì không còn chỗ nào chê trách, quở phạt. Tội ấy thật đáng khép vào tội tẩn xuất đưa ra khỏi Ni đoàn, khỏi tu viện. Ai có lầm lỗi hãy chừa bỏ không còn tái phạm nữa, chứ còn tái phạm thì không tránh khỏi tẩn xuất.

Hỏi 27: Nếu Thầy không ra những điều kiện giữ gìn giới luật trong chúng cho kịp thời về phần ly dục ăn uống, thì cứ cái đà này trong chúng chỉ tạo dục tham ăn cho nhau mà thôi, chứ chẳng có ly dục gì được cả. Hạnh tri túc biết đủ mà trong Ni chúng không có trang nghiêm thanh tịnh hạnh đó chút nào?

Đáp: Ni đoàn thành lập ra là để giúp cho các con tu hành đến nơi đến chốn, chứ không phải lập ra có hình thức, rồi ăn uống ngủ nghỉ phi thời, phá giới, phạm giới sống không tri túc thiểu dục thì còn gì là Ni đoàn.
Mục đích thành lập Ni đoàn là để giúp các con tu chứng quả A La Hán, để dựng lại chánh pháp của Phật và nói rằng người nữ vẫn tu chứng quả giải thoát. Thế mà các con sống như thế này, không thiểu dục tri túc, ăn uống phi thời, phạm giới cất giữ tiền bạc và thực phẩm trong thất, nhất là gửi tiền cho  người khác mua thực phẩm và vật dụng. Thật là tệ hại vô cùng, tội nặng không thể tha thứ được.

Hỏi 28: Trong mỗi tháng có 2 ngày: 14 và 30, là những ngày phát lồ sám hối, để các tu sĩ quỳ trước ba ngôi Tam Bảo, trước Phật, trước Thầy trước toàn bộ Ni chúng để chứng minh cho những sự việc đã làm sai quấy, vi phạm giới luật, v.v... nhưng người tu sĩ đã tự nguyện tự giác phát lồ sám hối, ăn năn xin cố gắng khắc phục sửa chữa và lần sau không còn để tái phạm nữa. Nhưng phát lồ sám hối là một lẽ, trên thực tế những tội lỗi vẫn còn nguyên không sửa chữa, mà có khi lại còn tăng thêm nữa. Đã bao lần phát lồ sám hối nhưng tật nào vẫn giữ nguyên tật nấy, không có sửa lỗi chút nào cả. Những người tu sĩ phát lồ sám hối như vậy chỉ là hình thức dối trá gạt Phật, Thầy và Ni chúng, cũng giống như các cháu thiếu nhi mẫu giáo vậy. Kính thưa Thầy! Phát lồ sám hối như vậy có lợi ích gì không? Con kính mong Thầy chỉ dạy?

Đáp: Người tu sĩ phát lồ sám hối mà không chịu sửa sai thì người tu sĩ ấy không còn là tu sĩ nữa, họ là những ma ba tuần đội lốt Phật giáo, phá hoại Phật giáo. Các con là những người tu hành chân thật quyết tìm tu  giải thoát, vì thế không nên gần gũi với những người này. Hãy báo cho Thầy biết để có một buổi hợp chúng sẽ mời họ ra khỏi Ni đoàn, vì có họ sinh hoạt trong Ni đoàn thì Ni đoàn sẽ mang tiếng xấu chung là tu sĩ ni phá giới phạm giới. Tục ngữ có câu: “Một con sâu làm rầu nồi canh”

Hỏi 29: Tất cả các nghi thức đảnh lễ Phật như thế nào cho đúng oai nghi tế hạnh và tỏ lòng cung kính một cách chân thật? Nhất là phải đúng phong cách đạo đức lễ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Sự đảnh lễ phải đơn giản như thế nào để đỡ mất thời gian quá nhiều như cách thức lạy lễ trong Ni chúng hiện tại? Lễ Phật hiện nay trong Ni chúng vẫn còn mang thể thống của giáo đoàn khất sĩ cũ. Con cúi xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Theo nghi thức đảnh lễ của người Việt Nam, phần lớn là chịu ảnh hưởng văn hóa của Trung Hoa thuộc Nho giáo, và đặc biệt nhất là dân tộc Việt Nam có riêng cách lạy lễ của dân gian bình dân đơn giản, gọn gàng cũng rất tuyệt vời. Trong giáo đoàn Chơn Như nên chọn cách đảnh lễ đơn giản gọn gàng nhất nhưng không kém phần cung kính, mà không chịu ảnh hưởng bất cứ cách lạy lễ của một nước nào. Nghi thức đảnh lễ này rất bình đẳng giữa nam cũng như nữ đều  lạy lễ giống nhau.

Trước khi đảnh lễ, người nam hay người nữ đều phải đứng trước bàn thờ Phật, tổ tiên hay đối tượng để đảnh lễ. Đứng thẳng người trước Phật đài, hai tay chắp lại để trước ngực rồi đưa lên trán cúi đầu xá, rồi đưa hai tay xuống ngực, hai chân từ từ quỳ xuống, hai bàn tay mở ra úp xuống đưa thẳng các ngón tay về phía trước, đầu cúi xuống trán chạm vào bàn tay. Sau khi trán chạm vào lưng bàn tay thì hai tay chống thân đứng dậy, nhưng hai chân vẫn quỳ, lúc bấy giờ hai tay chắp lại để trước ngực rồi nâng lên trán, đầu cúi xuống hai tay vẫn còn chắp từ từ hạ xuống theo thân cúi xuống, lạy lần thứ hai và lần thứ ba cũng vậy. Cuối cùng hai tay vẫn chắp đặt trước ngực, hai chân từ từ đứng dậy, đồng thời hai tay vẫn chắp đưa lên trán, đầu cúi xuống xá hai tay vẫn chắp nhưng từ từ hạ xuống ngực. Lạy ba lạy và xá một xá là đủ, vì lạy ba lạy là tượng trưng ba ân nghĩa lớn (TAM TRỌNG ÂN)

- Lễ thứ nhất là tượng trưng cho Trời
- Lễ thứ hai tượng trưng cho Đất
- Lễ thứ ba tượng trưng cho Tổ Tiên

Trong Phật giáo dạy ba lạy có nghĩa là TAM BẢO ÂN TRỌNG:
- Lễ thứ nhất là tượng trưng cho Phật bảo
- Lễ thứ hai tượng trưng cho Pháp bảo
- Lễ thứ ba tượng trưng cho Tăng bảo

Trong kinh sách thường nhắc đến TỨ TRỌNG ÂN:
- Ân thứ nhất: Ân cha mẹ
- Ân thứ hai: Ân sư trưởng
- Ân thứ ba: Ân Quốc Vương
- Ân thứ tư: Ân thí chủ

Vì thế, theo tục lệ cổ truyền có nơi và nhất là Nho giáo thường dạy bốn lạy là tượng trưng cho bốn ân nghĩa này vậy, nhưng Giáo Đoàn Chơn Như là theo gót chân Phật, nên lạy ba lạy đơn giản mà thôi.

Lạy bình thường thì úp lòng bàn tay xuống. Lạy sám hối thì lật ngữa lòng bàn tay lên. Lạy người còn sống thì hai bàn tay để ngang nhau. Lạy người đã chết thì hai bàn tay đưa thẳng về phía trước.

Hỏi 30: Nếu trong ni chúng có người ốm đau bệnh hoạn, như sư cô Quảng Kính có mẹ sư cô trông nom chăm sóc rồi thì trong ni chúng có nên cử người thay phiên đến nơi sư cô Quảng Kính chăm sóc không?

Đáp: Một người đã xuất gia tu hành, khi có bệnh tật thì trong tu viện quý thầy cũng như quý cô phải tự phân công chăm sóc bạn đồng tu của mình, vì quý thầy quý cô đều biết pháp đuổi bệnh, đều biết cách thức bảo vệ và giữ gìn tâm bất động trước các ác pháp và các cảm thọ, nên khi có một người bạn đồng tu bị bệnh thì quý cô quý thầy trực tiếp giúp bạn mình đầy đủ ý chí kiên cường vượt qua nghiệp lực nhân quả. Nếu để thân nhân của người ở thế gian nuôi bệnh thì người tu sĩ ấy sẽ bị đọa vào địa ngục nhanh như tên bắn. Cho nên người xuất gia có bệnh thì gia đình thân nhân đến thăm chứ không được ở lại nuôi bệnh. Vì nuôi bệnh theo kiểu thế gian thì người tu sĩ bị ái kiết sử, khi bỏ thân này vẫn còn tiếp tục tái sinh luân hồi, rất uổng phí cho một đời tu hành mà chẳng ích gì cho bản thân, chỉ vì sợi dây ái kiết sử đã đưa người tu sĩ theo luật nhân quả mà không sao tránh khỏi.

Quảng Kính nếu không có người thân nuôi bệnh thì Quảng Kính đã tự cứu mình vượt qua nghiệp lực bằng ý chí và nghị lực. Còn ở đây Quảng Kinh được người thân nhất là người mẹ nuôi bệnh mình, nên tình cảm ái kiết sử chi phối tâm không còn ý chí tự lực, nên Quảng Kính phải theo nghiệp lực nhân quả mà ra đi. Lấy kinh nghiệm của Quảng  Kính, quý thầy và quý cô hãy cẩn thận tự chủ đối trị trong khi nghiệp báo nhân quả đến thăm. Phải lưu ý những lời dạy trên đây, đừng để trường hợp xảy ra như Quảng Kính thì uổng một đời tu tập, mà còn làm ảnh hưởng không mấy tốt cho tu viện Chơn Như.

Hỏi 31: Cây rau ngót và cây rau mồng tơi con có trồng vài cây ở thất, để khi thân con quá nhiệt đi kiết, con dùng vào những ngày đó có được không? Có rơi vào dục tham ăn tăng trưởng ác pháp và phạm vào giới luật khất sĩ không? Con xin thầy chỉ dạy cho con biết.

Đáp: Đây là vần đề trồng những cây rau mát để đối trị bệnh đều được, nhưng phải tự tin vào pháp Phật sẽ đuổi tất cả bệnh ra khỏi thân tâm bằng phương pháp NHƯ LÝ TÁC Ý. Nếu đặt trọn lòng tin vào pháp Phật thì quý cô không nên trồng trọt gì cả, chỉ ngồi chơi xả tâm cho rốt ráo, để lúc nào tâm cũng bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Đó không phải là chứng đạo sao? Đó không phải là giải thoát sao?

Hỏi 32: Trong thất con có để một bình nước lọc khoảng 20 lít để uống, như vậy có bị phạm vào giới luật không? Con kính mong Thầy chỉ dạy.

 Đáp: Không, vì giữ nước sạch trong để trong thất khi nào khát nước thì uống, không khát thì thôi. Điều đó không có phạm giới luật nào cả. Chỉ giữ thực phẩm, nước uống có vị ngon ngọt thì mới phạm giới.

Hỏi 33: Ở xung quanh thất con, đất trống không cỏ nên nhiều côn trùng. Con tranh thủ nhổ cỏ, trồng cây củ mì và mấy loại cây bí đỏ, dâm bụp bao xung quanh thất, và trồng xoài, mãng cầu, cây mai, v.v... Con làm như vậy có phạm vào giới luật không? Vì con thấy chưa vào tu độc cư hoàn toàn vẫn còn đi học và lao tác quét dọn, mỗi khi con làm con lại tác ý để không làm hại đến chúng sanh. Con làm như vậy có được không? Con xin thầy chỉ dạy, con kính thưa Thầy.

Đáp: Sinh tử là một việc trọng đại, cho nên đâu cần gì phải trồng trọt. Trồng trọt là phạm giới. Trong giới luật thiểu dục tri túc mà còn suy tư trồng trọt thì đâu còn tri túc thiểu dục, tức là chưa ít muốn biết đủ. Bây giờ các con còn ở một chỗ, nhưng mai kia mốt nọ các con sẽ di chuyển nay ở chỗ này, mai ở chỗ khác. Là một du tăng khất sĩ làm sao trồng trọt được. Hiện giờ các con chỉ nên trồng cây dâm bụp làm rào xung quanh thất cho kín đáo, để phòng hộ sáu căn trong khi tu tập, nhờ đó để giữ gìn tâm bất động trước  các ác pháp và các cảm thọ.

Người tu hành chỉ có một việc mà các con cần phải làm từ ngày này sang ngày khác, đó là việc ngồi chơi xả từng niệm khởi trong tâm, từng cảm thọ trong thân và từng hôn trầm, thùy miên và vô ký trong thân và tâm. Việc làm này đòi hỏi các con phải tu tập liên tục, không có thời gian nghỉ ngơi hay làm bất cứ một việc gì khác. Cho nên các con đâu còn có thời gian trồng trọt.

Giờ lao tác làm vệ sinh các thất trong khu vực các con ở, đó có giờ khắc nhứt định vào buổi chiều hay buổi sáng hằng ngày, nên đi làm vẫn xả tâm như đang tu tập vậy. Còn trồng trọt cây trái là có sự suy tư tính toán trước rồi sau mới trồng trọt. Như vậy thì tâm các con bị động chứ làm sao bất động được. Vì thế, con không nên trồng trọt, mà phải để thời gian đó lo tu tập xả tâm là tốt nhất.

Hỏi 34: Những câu hỏi của con ở trên đều hướng vào giới luật và oai nghi tế hạnh, nhằm làm cho tăng trưởng của Ni đoàn vững mạnh và thanh tịnh, để mọi người hướng về mục đích tâm vô lậu của mình, chứ con không có ý nghĩ gì khác. Bởi vì ít hoặc nhiều lời nói và hành động của con làm và nói không làm náo động và ảnh hưởng đến  chúng, nên trong chúng cũng có thay đổi nhiều so với các câu hỏi của con ở trên. Tuy những câu hỏi này chưa thấm vào đâu, nhưng ước mong mọi người đều thực hiện tốt để không làm khổ mình, khổ Thầy, khổ cô Út và đại chúng.

Con kính chào Thầy! Con, Liễu Ngọc

Đáp: Thầy xin cảm ơn con. Con đã có những câu hỏi cụ thể, thiết thực lợi ích để xây dựng Ni đoàn nghiêm trang thanh tịnh, ngày càng thêm lớn mạnh, xứng đáng là “NI ĐOÀN CHƠN NHƯ”.

Thân thương chào các con, chúc Ni đoàn thành công tốt đẹp.

Thầy của các con.