Skip directly to content

TRẢ LỜI TUỆ HẠNH

Hỏi 1: Xưa đức Phật và Thầy tự dò dẫm để tu, nên trải qua các giai đoạn định tưởng (thiền vô sắc) như: Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Phi phi tưởng xứ, v.v... rồi mới lần lượt nhập các định và hướng tới Tam Minh. Còn ngày nay chúng con tu tập đã có Thầy chỉ rõ các pháp. Vậy chúng con tu có bị rơi vào những trạng thái định tưởng như đã kể trên, rồi mới nhập các định như Thầy và đức Phật không? Nếu chẳng may bị rơi vào định tưởng, chúng con làm sao phá được nó?
Như Thầy vẫn rơi vào định tưởng Không vô biên xứ. Sư Chân Niệm rơi vào tưởng pháp hay kiến giải và lý luận. Họ có thời gian tu sống gần Thầy cũng đã lâu, mà vẫn không phá được tưởng.

Đáp: Do không giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt, không phòng hộ mắt, tai, mũi, miệng, thân, ý, và nhất là không đầy đủ oai nghi chánh hạnh, ăn ngủ phi thời, lười biếng ít đi kinh hành, nên khi tu tập pháp môn nào cũng đều bị rơi vào các trạng thái tưởng. Trường hợp như các sư thầy CN, MT, TT, TM, v.v... phần đông quý sư thầy đều rơi vào pháp tưởng, nên khi rời khỏi tu viện Chơn Như ra thuyết pháp lung tung, lại còn tự cho mình nhập Tứ Thánh Định. Các sư thầy có biết Tứ Thánh Định là gì không? Đó là bốn loại thiền định của những bậc thánh vô lậu, khi tâm vô lậu mới nhập bốn Thánh định này. Vì vậy chỉ có những bậc thánh mới nhập được. Còn các sư thầy tâm chưa có hết tham, sân, si, mà muốn nhập những định này thì làm sao nhập được?
Tâm chưa vô lậu mà nói nhập Tứ Thánh Định là vọng ngữ.
Tâm còn tham ăn, tham ngủ, lại nữa tâm còn ham thích thuyết giảng lung tung tức là tâm còn tham danh, v.v... Như vậy rõ ràng tâm còn phàm phu tục tử, mà nói nhập Tứ Thánh Định thì ai mà tin được những lời nói này. Phải không quý vị?
Còn những người giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, không hề vi phạm những lỗi nhỏ nhặt,  nhưng lại tu tập những pháp ức chế tâm, tập trung vào một đối tượng như hơi thở, câu niệm Phật, hoặc tham công án, hay thoại đầu hoặc pháp tri vọng hay Lục Diệu Pháp Môn, thì sẽ rơi vào các loại định tưởng Không vô biên xứ tưởng, Thức vô biên xứ tưởng, Vô sở hữu xứ tưởng và Phi tưởng phi phi tưởng xứ, đó là trường hợp như Phật và Thầy đã tu tập ức chế tâm, lạc đường do không biết pháp tu tập. Các con có thấy không?
Các thầy không muốn phá pháp tưởng là vì các thầy háo danh, lầm tưởng mình đã tu chứng nên có trí tuệ. Sự thật là đã tu sai pháp nên không làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Gặp ai cũng thích nói, nói những điều đã góp nhặt từ kinh sách này đến những kinh sách khác, rồi nhồi nắn làm những bài thuyết giảng riêng của mình, chứ không ngờ mình chỉ góp nhặt những rác rưởi kiến giải của những người xưa làm kiến thức riêng của mình. Những kiến thức lượm lặt này thường rao giảng giống như một món hàng bị ế ẩm đem ra quảng cáo.
Vì ham danh nên những tu sĩ này bị tưởng pháp rất khó bỏ. Họ thường tỏ ra mình như những nhà thông thái tu tập giáo pháp Phật giáo, nên gặp ai, bất cứ ở chỗ nào họ cũng đều rao giảng.
Như con đã biết, quý sư thầy khi bị pháp tưởng sao không bỏ được? Đó là vì tâm dục chưa trừ. Cho nên họ rất thích nói nhiều, nói những gì mà họ nghĩ rằng mọi người chưa biết. Đó là cũng có ý để tỏ ra mình hay hơn mọi người, chứ thật ra mình tu tập chẳng ra gì cả.
Gặp quý sư thầy nói nhiều thì biết ngay quý sư thầy đang bị ma tưởng pháp nhập.
Hỏi 2: Có trường hợp nào khi hành giả tu tập không trải qua các giai đoạn tưởng như trên đã kể, mà nhập đựơc các định và hướng thẳng đến Tam Minh không? Kính xin Thầy từ bi chỉ dạy cho con được rõ.
Đáp: Tu tập giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh, sợ hãi trong các lỗi nhỏ nhặt, hằng ngày sống đúng những oai nghi chánh hạnh, ăn uống tiết độ, không phi thời, thường đi kinh hành nhưng lại xả tâm theo pháp Tứ Chánh Cần, thường ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp, luôn luôn giữ gìn tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự. Những người tu tập đúng như vậy thì không bao giờ nhập các định tưởng và bị các pháp tưởng. Họ sẽ thực hiện đúng tâm vô lậu và đầy đủ Tam Minh. Còn nếu họ không giữ gìn giới luật đức hạnh  nghiêm chỉnh, không phòng hộ sáu căn thì dù họ có tu tập pháp nào thì họ cũng rơi vào các pháp tưởng, nhất là nhập vào tưởng pháp thì dễ, và cũng dễ nhận ra người bị tưởng pháp vì họ nói nhiều.
Hỏi 3: Nếu hành giả khi tu tập để ý quan sát phòng hộ tâm, không để các niệm nào xen vào; thay đổi oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi liên tục để thân không bị cảm thọ tác động. Trong trạng thái này nếu hành giả trú suốt 12 tiếng không niệm, thì có nhập thẳng vào Tứ thiền hướng tới Tam Minh được không? Hay phải lần lượt trải qua các giai đoạn nhập Sơ thiền đến Tứ thiền rồi mới hướng Tam Minh? Xin thầy chỉ rõ chỗ này cho con được hiểu.
Đáp: Hầu hết mọi người hiểu biết về thiền định của Phật giáo như những người mù rờ voi. Vì thế, khi nói tu thiền thì cứ nhắm mắt đi vào ngồi thiền nhiếp tâm cho hết vọng niệm, chứ họ đâu biết rằng: khi muốn tu thiền thì tu tập phòng hộ sáu căn, luôn luôn giữ gìn những oai nghi chánh hạnh, không hề để vi phạm những lỗi nhỏ nhặt nào, và từng giây từng phút phải tu tập pháp Tứ Chánh Cần ngăn ác diệt ác pháp trong bốn oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi liên tục trong suốt ngày này sang ngày khác, mà  không có một niệm hôn trầm, thùy miên, vô ký, một niệm vọng tưởng, và tất cả cảm thọ không xen vào thì đó là trạng thái bất động thân và tâm. Đó là trạng thái tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự, đó là trạng thái chân lý của Phật giáo, là Niết bàn.
Bởi vậy, Tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự là tâm VÔ LẬU. Tâm VÔ LẬU này được kéo dài 7 ngày đêm thì tâm có đủ TỨ THẦN TÚC. Khi tâm có đủ TỨ THẦN TÚC thì muốn nhập định nào thì thân tâm đều nhập ngay định ấy, chứ không phải cần nhập theo thứ tự Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền rồi Tứ thiền. Người nào sống được trên tâm VÔ LẬU là người đã chứng quả A La Hán. Người chứng quả A La Hán là có đầy đủ Tam Minh, Lục Thông, là người giải thoát hoàn toàn, không bị nhân quả chi phối thân tâm. Vì vậy người ấy mới làm chủ được thân tâm, muốn sống, muốn chết đều tự tại.
Người tu đúng pháp của Phật, nơi tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự đã có đủ Tam Minh và Lục Thông, không cần phải nhập vào Sơ thiền, Nhị thiền rồi Tam thiền đến Tứ thiền, và cũng không cần nhập Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ.
Hỏi 4: Thầy hoan hỉ cho phép con hỏi thêm về vấn đề của Ngài Anan trong thời đức Phật. Ngài tu (nhất dạ hiền) chỉ một đêm chứng thánh quả, có đầy đủ Tứ Thần Túc. Ngài có phải trải qua các giai đoạn định tưởng không? Xin Thầy cho con biết rõ. Vì các kinh sách không có nêu lên đều này.
Đáp: Ông Anan là một người đệ tử thân cận nhất của đức Phật. Ông là thị giả của Phật, vì thế bài pháp nào ông cũng đều được nghe Phật thuyết, nhất là ông là người thông minh nghe đâu nhớ đó.
Sống bên Phật, những oai nghi tế hạnh nào của Phật ông đều thấu rõ, và như vậy ông đã từng chịu ảnh hưởng của Phật rất sâu xa về giới luật đức hạnh. Vì thế, những oai nghi chánh hạnh và giới luật ông đã nghiêm túc không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào.
Nhưng vì làm thị giả, nên ông không có thì giờ sống độc cư giữ tâm bất động, thanh thản an lạc và vô sự, nên ông chưa chứng quả A La Hán mà thôi.
Đợi đến khi đức Phật nhập diệt, ông mới được rảnh rang tu tập. Nhưng đám tang Phật vừa xong, thì ông Ca diếp kêu gọi tất cả các vị tu chứng quả A La Hán kết tập kinh sách.
Cho nên khi kết tập kinh sách chỉ có những Tỳ kheo chứng quả A La Hán mới được vào hang kết tập, còn những Tỳ kheo không chứng quả thì không được vào. Ông A Nan đang ở trong tình thế phải tu tập cấp tốc, vì ông biết rất rõ chỉ có tâm vô lậu bất động thì mới chứng quả A La Hán và đầy đủ Tam Minh, Lục Thông.
Sáng hôm sau là ngày bắt đầu kết tập kinh sách. Từ đầu hôm ông dùng cả sức lực bình sinh, cố giữ gìn và bảo vệ tâm vô lậu đó bằng cách đi kinh hành suốt đêm. Trời vừa hửng sáng là ông đã chứng Quả A La Hán, đầy đủ Tứ Thần Túc. Trong lúc đó, tất cả chúng Tỳ kheo kết tập kinh sách đã vào hang. Khi tu chứng xong thì cửa hang cũng đã đóng kín, ông Anan liền dùng thần thông vào hang kết tập kinh sách cùng chúng Thánh tăng.
Một con người như ông Anan: giới luật nghiêm túc, oai nghi chánh hạnh nghiêm trang, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, nên khi có dịp giữ gìn tâm bất động thì làm sao rơi vào các trạng thái tưởng được, chỉ còn chứng quả mà thôi.