Skip directly to content

TRẢ LỜI THẦY MINH PHƯỚC

Hỏi 1: Qua bài học “Một đêm ở bệnh viện Chợ Rẫy”, con nghĩ một người bệnh hay một bác sĩ hiện nay họ vẫn còn ý tưởng ăn thịt cá để bổ dưỡng lấy lại sức trong lúc bệnh, điều này chứng tỏ họ không hiểu nguyên nhân gốc của bệnh từ đâu? Cho nên họ tự gieo cho mình một nhân bất thiện mới thì làm sao chấm dứt bệnh được phải không, thưa Thầy?
Xã hội hiện giờ sốt xuất huyết đang tăng cao ở một số nơi (Bình Dương, Cà Mau), nên họ đưa ra giải pháp phòng chống diệt muỗi và lăng quăng... để đem lại sự bình an. Điều này đối với Phật giáo sẽ giải thích như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho con được thông suốt hơn?

Đáp: Đúng vậy, tất cả mọi người trên hành tinh này hiện nay không ai hiểu gốc bệnh của con người từ đâu sinh ra, vì thế mới bảo nhau ăn thịt cá mới có sức khoẻ, mới trị hết bệnh. Hiện nay mọi người trên hành tinh này đều ăn thịt chúng sinh, nhưng có ai tránh khỏi bệnh không?
Bởi mọi người không hiểu luật nhân quả nên làm sao hiểu nguyên nhân gây ra bệnh được. Nhân giết hại chúng sinh thì quả phải bệnh đau, đó là điều chắc chắn không thể ai chối cãi và phủ nhận được. Nhân như thế nào thì quả như thế nấy. Cho nên bệnh viện Chợ Rẫy là nơi để những người giết hại và ăn thịt chúng sinh trả quả báo.
Thời xưa cũng có muỗi, cũng có lăng quăng, nhưng người ta không có bệnh sốt xuất huyết, nhưng tại sao thời nay lại có bệnh sốt xuất huyết?
Đem thuốc độc để diệt lăng quăng và muỗi để phòng chống bệnh sốt xuất huyết là trị cái ngọn, chứ không phải trị các gốc của bệnh.
Muốn phòng chống bệnh sốt xuất huyết tận gốc thì không nên dùng thuốc diệt muỗi và lăng quăng, mà mọi người chỉ cần sống với đạo đức vệ sinh bảo vệ môi trường. Vì muỗi và lăng quăng không có tội, mà có tội là do  con người sống làm ô nhiễm môi trường, khiến cho môi trường sống bẩn thỉu. Lăng quăng và muỗi sinh ra từ trong môi trường bẩn thỉu không vệ sinh. Mọi người không học đạo đức vệ sinh nên không thấy trách nhiệm bổn phận của mình là phải giữ gìn vệ sinh công cộng. Rác rưởi ném bỏ đầy hai bên đường trông thật dơ bẩn, nhất là kinh rạch quá dơ bẩn. Lại thêm xe cộ, nhà máy phóng xuất khói bụi làm ô nhiểm bầu không khí.
Nếu bệnh sốt xuất huyết không xuất hiện thì lại phát sinh những loại bệnh khác. Ở nơi đâu ô nhiễm chất bẩn nào thì nơi đó phải phát sinh ra bệnh tật nấy. Nhất là nơi đó mọi người đều giết hại và ăn thịt chúng sinh thì lại càng bệnh đau nhiều hơn, nhất là những bệnh ngặt nghèo nan y.
Bệnh gốc do nhân quả của loài người giết hại và ăn thịt chúng sinh như trên đã nói, vì thế những nơi nào phát sinh ra bệnh này hoặc bệnh khác đều là do duyên nhân quả hội đủ như: ăn ở hung ác, sát hại sinh linh, thiếu đức vệ sinh, nên vi trùng, vi khuẩn, muỗi mòng, lăng quăng, vi rút, v.v... xuất hiện. Khi đã xuất hiện thì bệnh tật phát sinh, đó là điều chắc chắn.
Diệt muỗi, lăng quăng chỉ phòng ngừa bệnh ở ngọn, mà lại tạo thêm tội ác giết hại  và ăn thịt chúng sinh, do tội giết hại và ăn thịt chúng sinh thì lại phát sinh ra một loại bệnh khác nữa, hoặc những thảm họa khác to lớn hơn, giết hại nhiều hơn như lũ lụt, bão tố, động đất. Tất cả bệnh tật hay những thảm họa thiên tai xảy ra trên hành tinh đều do nhân quả của con người tạo nên.
Nơi đâu con người sống thiện, tròn đầy đạo đức không làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh thì nơi đó không bệnh tật, không tai ương thảm họa, còn nơi đâu sống ác làm khổ mình, khổ người và khổ chúng sinh thì nơi đó không thể nào thoát khỏi thảm họa, bệnh tật, lũ lụt, bão tố, sóng thần động đất, v.v... Những bệnh tật, thiên tai, hỏa hoạn, bão tố, lũ lụt, sóng thần động đất là sự cảnh cáo của nhân quả. Vậy mà loài người không biết, thật là mê mờ và ngu muội hết sức.
Cho nên, muốn ngăn ngừa tất cả bệnh tật thì duy nhất mọi người đừng giết hại và ăn thịt chúng sinh, và luôn luôn cần phải sống một cuộc đời đầy đủ đạo đức vệ sinh nhân bản - nhân quả.
Hỏi 2: Ở đoạn 3, “Trước khoa cấp cứu. 3 chiếc xe chở đầy nạn nhân... được đưa vào trước. Thầy dạy là thiếu đức thanh thản ý  hành. Ở lớp học khi thảo luận có một số tu sinh cho rằng dùng thiếu đức bình tĩnh thì hợp lý hơn, vì người đời thì làm gì giây phút này có thanh thản. Con thiết nghĩ Thầy dùng chính xác vì trong câu này thân nhân người bệnh vẫn giữ được hành động của mình theo nề nếp trật tự, vả lại cốt ý của bài này do giết hại và ăn thịt chúng sanh thì làm gì có được giây phút thanh thản. Con mong Thầy giải thích điểm này?
Đáp: Muốn rõ nghĩa này thì phải hiểu nghĩa của đức bình tĩnh và đức thanh thản.
Đức Bình Tĩnh chỉ cho một trạng thái tỉnh táo cấp thời trong sự việc đang xảy ra, còn Đức Thanh Thản chỉ cho một trạng thái tâm lúc nào cũng thanh thản, khi có sự việc cũng như khi không có sự việc xảy ra thì tâm thanh thản vẫn thanh thản. Đức này được thực hiện bằng đức hiếu sinh không giết hại và ăn thịt chúng sinh, luôn luôn lúc nào cũng khởi tâm thương yêu coi sinh mạng của chúng sinh như sinh mạng của mình. Còn đức bình tĩnh chỉ thực hiện được bằng đức chánh niệm tỉnh giác mà thôi.
Các tăng sinh nên lưu ý câu trả lời này, để hiểu rõ đức bình tĩnh và đức thanh thản bằng những pháp thực hành, nó rất quan trọng trong việc tu hành chứng đạo.
Những người vào bệnh viện đều là những người giết hại và ăn thịt chúng sinh, nên mọi người đều thiếu đức thanh thản là đúng.
Chính đức thanh thản xuất phát từ đức hiếu sinh không giết hại và ăn thịt chúng sinh.
Cho nên, ở đây nói đức thanh thản là nói đúng chủ đề của bài học, còn đức bình tĩnh là nói sai chủ đề.
Hỏi 3: Cũng trong câu hỏi này, giảng viên đặt ra vấn đề làm sao để thực hiện được đức thanh thản trong lúc này? Các tu sinh đồng góp ý nào là quán xét nhân nào quả nấy:
phải theo nề nếp trật tự, người nào cũng muốn người thân của mình vào trước... để có được tâm thanh thản. Đối với riêng con không phải vậy. Vì nhân giết hại và ăn thịt chúng sinh nên họ phải gặt lấy quả như hiện giờ là tâm không thanh thản. Cho nên muốn có được đức thanh thản thì họ phải chấm dứt hành động giết hại và ăn thịt. Con suy tư như thế không biết có sai lệch chăng? Xin Thầy phân giải.

Đáp: Đúng, lý phân giải của con rất đúng, mọi người chỉ đi tìm cái ngọn sinh ra đức thanh thản mà không tìm ra cái gốc sinh ra nó. Bởi muốn được tâm thanh thản, an lạc và vô sự thì năm giới cơ bản của Phật giáo phải  giữ gìn cho trọn vẹn, đừng vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Nhất là giới thứ nhất thuộc về đức hiếu sinh, vì lòng thương yêu sự sống của mình và của tất cả các loài chúng sinh. Từ lòng yêu thương đó chúng ta không còn giết hại và ăn thịt chúng sinh; cũng từ lòng yêu thương đó, chúng ta không nỡ lấy của không cho của người khác, vì thế chúng ta đã trở thành người không tham lam, trộm cắp, cướp giựt; cũng từ lòng yêu thương đó chúng ta không còn tâm nhìn ngó những người khác phái, vì vậy chúng ta sống chung tình, chung thủy một chồng một vợ mà không rơi vào thói quen trăng hoa tà dâm; cũng từ tình thương đó chúng ta không nỡ nói dối với bất cứ một ai cả, vì nói dối là không thành thật, không thành thật là gian xảo lừa đảo; cũng từ tình thương đó chúng ta không bao giờ làm khổ mình bằng cách không uống rượu, thuốc lá, thuốc lào, v.v... Như vậy, từ một giới luật đức hiếu sinh mà chúng ta không vi phạm bốn giới luật kia với một lòng tự nguyện, tự giác, chứ không ai bắt buộc. Vì chính lòng yêu thương mình, thương người, nên nó quyết tâm chừa bỏ những điều sai trái thường làm khổ cho mọi người, mọi loài.
Ý con tư duy rất đúng, chỉ có không giết hại và ăn thịt chúng sinh thì tâm mới thanh  thản, vì có bệnh đau đâu, mà không có bệnh đau thì làm sao vào bệnh viện. Nhưng khi đã vào bệnh viện thì làm sao có được tâm thanh thản. Phải không thưa quý vị?
Hỏi 4: Lạy bình thường thì úp lòng bàn tay xuống, lạy sám hối thì lật ngữa lòng bàn tay lên. Lạy người còn sống thì hay bàn tay để ngang nhau, lạy người đã chết thì hai bàn tay đưa thẳng về phía trước. Con cảm thấy thắc mắt vì bấy lâu ở bên khất sĩ chỉ lạy có một cách ngữa tay ra mà thôi, giờ đây được học nơi Thầy có sự phân biệt rõ ràng giữa lúc lạy bình thường hay lạy sám hối, lạy người đã chết hoặc lạy người còn sống phải đúng kiểu cách. Vậy xin Thầy nói lên ý nghĩa của nó để cho con thâm nhập hơn được không ạ?
Đáp: Thường mọi người lạy lễ đều bắt chước theo người xưa, người xưa lạy như thế nào thì người nay lạy như thế nấy. Chẳng ai hiểu nghĩa rõ ràng. Cho nên sự lạy lễ có nhiều cách khác nhau mà không còn ai biết ý nghĩa mỗi cách lạy như thế nào? Chỉ biết lạy là lạy, còn hỏi ý nghĩa thì chẳng biết đâu trả lời. Vì thế dân tộc Việt Nam lạy không giống dân tộc Trung Hoa, tôn giáo này lạy không giống tôn giáo khác, người địa phương này lạy không giống người địa phương khác. Hầu  hết cách thức lạy lễ đều do truyền thống từ tổ tiên. Tổ tiên theo tôn giáo nào thì lạy lễ theo tôn giáo ấy. Nhưng ý nghĩa lạy lễ không ai giải thích, và họ cũng không biết ý nghĩa đâu giải thích. Ngay cả những người lãnh đạo tôn giáo cũng không giải thích được.
Ở đây, Thầy dạy lạy lễ theo đạo đức văn hoá của dân dộc Việt Nam. Nó đã được Việt hóa từ văn hóa Phật giáo Ấn Độ, vì văn hóa này đã truyền vào đất nước Việt Nam hơn 2000 năm. Vì thế nó đã thành một phong tục văn hóa lạy lễ của dân tộc Việt Nam. Nhưng nó rất tạp nhạp, kẻ lạy như thế này người lạy như thế khác, còn ý nghĩa lạy lễ thì chẳng ai biết giải thích như thế nào cho đúng nghĩa như trên đã nói.
Một hành động đạo đức văn hóa nào nó cũng phải mang đầy đủ ý nghĩa của đạo đức văn hóa đó. Thế mà mọi người chỉ biết hành động đạo đức lễ mà không biết ý nghĩa của hành động đạo đức đó thì rất tội nghiệp, họ giống như một con vượn đang quỳ lạy làm xiếc trên sân khấu.
Cách thức lạy và mỗi lạy đều mang đầy đủ ý nghĩa của đạo đức nhân bản, lễ nghĩa rất rõ ràng và cụ thể, mà Thầy đã dạy cho các con. Hãy đọc lại những lời dạy này trong tập  sách “HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP”.
Đức lễ này có từ thời nào, có từ lúc con người có mặt trên hành tinh này. Vì đứng trước thiên nhiên quá vĩ đại nên con người quá sợ hãi khi nhìn thấy sông, núi, rừng, trời, đất bao la, thời tiết nắng, mưa, gió, bão, sấm, sét kinh hồn, v.v... Vì thế con người chỉ còn biết quỳ mọp xuống hai tay chắp lại để van xin cầu khẩn. Đó là những cái lạy đầu tiên của con người.
Hỏi 5: Được đọc qua cách thức tẩm liệm ma chay mà Thầy đã dạy, con có chỗ hoài nghi là tại sao phải dùng trà khô rải đều dưới đáy áo quan? Nó có tác dụng gì, nếu trường hợp xa chợ thì có thể làm cách khác được không?
Đáp: Trà là một loại lá cây có mùi vị dễ chịu, có tính chất sát trùng, ngừa được mọi thứ bệnh tật. Vì thế, con người thường dùng nấu nước để uống và ngừa phòng các bệnh.
Trà dùng đãi khách trong khi giao tiếp đàm đạo rất thanh lịch, khiến mọi người ưa thích.
Như trên đã nói, trà là một thứ lá cây được phơi khô. Lá cây phơi khô có tính chất hút nước và hút hơi độc, vì thế khi có người chết dùng trà tẩm liệm là để hút nước và hơi trong cơ thể người chết xông ra. Tẩm liệm  bằng trà là để ngăn ngừa bệnh tật cho những người còn sống, khi quan tài chưa chôn.
Thường những người thân trong gia đình luôn luôn trực tiếp bên quan tài người chết.
Vả lại, mùi hương của trà sẽ đánh ác và khử trùng mùi hôi thối của cơ thể con người đã chết xông ra.
Tẩm liệm cách khác đều được, đó là người ta lấy mạt cưa cây gỗ, tro bếp khô hay vỏ trấu lúa, cùng rơm rạ, v.v... đều đem tẩm liệm được. Nhưng đó là những gia đình quá nghèo, vì những chất tẩm liệm này không có tính chất khử trùng như trà. chỉ có hút nước mà thôi.
Hỏi 6: Một vấn đề khác, người chết là nam thì vải bên trái phủ trước, còn người nữ thì bên phải phủ trước. Tại sao lại có những điều khác lạ như vậy? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ.
Đáp: Các con có thấy thân người nữ và thân người nam có khác nhau không? Do có khác nhau đó mà sự tẩm liệm cũng phải có khác nhau, vì đó là thể hiện đúng luật nhân quả âm dương (Nam, Nữ). Một người không thông hiểu nghĩa lý qui luật nhân quả âm dương thì làm mọi việc theo cái hiểu biết nông cạn, thì làm sai, cũng giống như người  lạy lễ không hiểu nghĩa lý lạy lễ thì lạy sai.
Lạy sai không biết cũng giống như con vượn quỳ lạy làm xiệc vậy. Cho nên một người có đạo đức văn hóa, có sự hiểu biết sâu rộng thì phải rành luật nhân quả âm dương, vì thế nam TẢ, nữ HỮU phân minh rõ ràng, người có trí hiểu biết không dám chê trách. Còn làm mà không thông nghĩa lý đạo đức nhân quả âm dương, người ta sẽ cho rằng đó là những người thiếu văn hoá đạo đức, thiếu kiến thức học rộng hiểu xa về cuộc sống, những người như vậy chỉ là những cháu bé thơ ngây chưa biết gì.
Hỏi 7: Thắng hội Vu Lan, lễ tự tứ đã trở thành một truyền thống của Đại thừa vào ngày 15-7 ÂL, sau mùa an cư hằng năm. Vấn đề này đức Phật có dạy không thưa Thầy?
Đáp: Kinh sách Đại thừa không phải kinh sách của Phật thuyết, do các tổ tưởng giải biên soạn viết ra. “VU LAN BỒN KINH” là kính sách báo hiếu của Đại thừa.
Các con cứ suy ngẫm lời Phật dạy và các tổ dạy khác nhau như một trời, một vực. Phật dạy tự lực, còn các tổ dạy tha lực. Kinh Đại thừa là kinh tha lực thì làm sao nói Phật thuyết được. Các con có nhận thấy điều này không?
Kinh Vu Lan Bồn lấy ngày ra hạ của chư tăng, sau ba tháng an cư tu hành nên công đức tu hành của chư tăng lớn lắm. Lấy ngày ra hạ của chư tăng làm lễ trai tăng cúng dường, để báo hiếu cha mẹ nhiều đời nhiều kiếp. Nhờ công đức tu hành của chư tăng hợp lại thành một sức mạnh mở tất cả các cửa địa ngục và độ tất cả vong linh của những phật tử làm lễ trai tăng được siêu thăng, thoát khỏi địa ngục. Kinh dạy như vậy không phải tổ dạy sao? Còn Phật dạy như thế nào?
Như trên đã nói, Phật dạy tự lực, không nhờ vào công đức của ai cả: “Các con tự thắp đuốc lên mà đi, Ta chỉ là người hướng đạo”. Qua lời dạy này, con đường tu hành của Phật và Tổ khác nhau: Phật thì tự lực, còn Tổ thì tha lực. So sánh như vậy các con biết rõ lễ Vu Lan Bồn không phải Phật dạy, và ngày báo hiếu 15 tháng 7 âm lịch chính là các Tổ đặt ra, rồi dán nhãn hiệu Phật. Những điều không đúng trong đạo Phật ngày nay rất nhiều, vì các Tổ thêm thắt vào khiến cho những người đời sau gần như không còn ai biết đạo Phật chân chánh là dạy như thế nào. Các Tổ đã khéo léo phủ lên giáo lý của Phật bằng chiếc áo Đại thừa, thì còn ai biết gì về đạo Phật nữa.
Hỏi 8: Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân có  đoạn nói Phật lạy đống xương khô... Vậy bài kinh này có phải Phật thuyết không thưa Thầy?
Đáp: Kinh này cũng không phải của Phật thuyết. Vì kinh nói đức Phật đảnh lễ đống xương khô người chết. Đống xương khô người chết là một đống xương bất tịnh hôi thối. Đức Phật là một người đầy đủ trí tuệ sáng suốt, thấy biết ông bà nhiều đời nhiều kiếp theo nghiệp tái sinh có đâu ở trong đống xương mà lạy lễ. Vả lại đức Phật đã thông suốt lý nhân quả các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta, thì một người chết rồi tứ đại trả về cho tứ đại chẳng còn một cái gì cả, thì làm gì có sự đảnh lễ đống xương khô hôi thối. Thật là vô lý hết sức. Một bậc đại giác ngộ mà tâm vẫn còn phàm phu mê tín như những người vô minh lạc hậu.
Qua nghĩa lý này, chúng ta xác định Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu Ân chỉ là một loại kinh tưởng của Bà La Môn, được các tổ kết tập vào trong kinh sách Đại thừa. Trong kinh sách nguyên thủy không có những loại kinh tưởng này.
Trong kinh sách nguyên thủy, đức Phật đã bảo: “Đừng có tin! Đứng có tin....!!!” Đến 10 lần nhắc nhở chúng ta đừng có tin như  vậy. Các con nên ghi nhớ lời dạy này.
Hỏi 9: Con cũng xin hỏi thêm! Người tu sĩ Chơn Như đảnh lễ Phật, Thầy, đã nói lên được đức cung kính và tôn trọng. Vậy ngoài ra có còn đảnh lễ người khác nữa không? Ví dụ như sám hối huynh đệ hoặc cha mẹ người đã chết, v.v... mà đúng phong cách của người tu sĩ thực hiện đức cung kính và tôn trọng.
Bên Đại thừa đã nói người đi tu rồi không còn lễ lạy ông bà, cha mẹ người thế tục nữa.
Chẳng hay lời nói này có đúng chăng? Vì sao vậy, kính thưa Thầy.

Đáp: Người tu sĩ Phật giáo của tu viện Chơn Như không những lạy Phật, lạy Thầy, mà còn lạy tất cả những người khác, đó là tính khiêm hạ. Khi cần người tu sĩ Chơn Như sẵn sàng cúi mình xuống đảnh lễ mà không chút lòng áy náy, chứ chưa nói đến những người ơn của mình như: ông bà, cha mẹ, cô, bác, dì, cậu mợ, v.v... Người đi tu luôn luôn dùng đức khiêm hạ để diệt ngã, nếu không khiêm hạ thì chấp ngã, mà chấp ngã thì con đường tu theo Phật giáo biết tu học bao giờ xong. Hành động khiêm hạ là hành động tu tập xả tâm diệt ngã, cớ sao chúng ta lại không tu tập?
Người tu sĩ Chơn Như lấy đức lễ khiêm hạ  làm sự sống của mình, luôn luôn lúc nào cũng cung kính và tôn trọng mọi người khác, nhờ đó lời nói và hành động rất ôn tồn, nhã nhặn, dịu dàng, êm ái, v.v...
Bất cứ chỗ nào đúng thời thì người tu sĩ Chơn Như cung kính tôn trọng đảnh lễ.
Nhưng có một điều không đảnh lễ, đó là tượng Phật ảo tưởng, không đảnh lễ những thần thánh quỷ ma, không đảnh lễ cây đa bến nước, không đảnh lễ ông táo bình vôi, không đảnh lễ thiên thần quỷ vật, v.v...
Kinh Pháp Hoa có phẩm “THƯỜNG BẤT KHINH BỒ TÁT” dạy rằng: Bồ Tát Thường Bất Khinh thường gặp ai ông đều đảnh lễ, ông tự suy tư mọi người đều là Phật sẽ thành.
Nhờ sự đảnh lễ, Thường Bất Khinh Bồ Tát đã thành Phật. Vậy mà ở đây dạy trước khi xuất gia thì phải lạy cha mẹ xong rồi mới vào chùa xuất gia, và khi xuất gia xong thì không còn lạy cha mẹ nữa, chỉ có lễ Phật và thầy Bổn Sư của mình mà thôi.
Đại thừa dạy và phân chia giai cấp rất rõ ràng: người xuất gia là giai cấp lãnh đạo tinh thần nên không còn lạy ai, còn giai cấp người tại gia là giai cấp hạ đẳng, phải đem tiền bạc thực phẩm dâng cúng và quỳ lạy các sư thầy, xem và kính trọng họ như hàng vua chúa thời  phong kiến.
Xét như vậy, chúng ta biết ngay giới tăng lữ Đại thừa là giai cấp thống trị tinh thần, chứ không phải là một tôn giáo bình đẳng như Phật giáo Nguyên Thủy.
Hỏi 10: Phật giáo hiện giờ, những tu sĩ thường dùng từ Hoà thượng, Thương toạ, Đại đức tăng, ni, v.v... cộng với pháp danh của mình, đó có phải là cái danh hay không thưa Thầy? Đối với bậc A La Hán như Thầy có người tôn xưng là Hoà Thượng Thích Thông Lạc thì có đúng không?
Đáp: Những danh xưng trong Phật giáo thuộc phẩm cấp có cao, có thấp trong Giáo Hội, để khi nghe gọi mọi người biết ngay vị ấy ở hàng đẳng cấp nào.
Theo đẳng cấp trong hàng tu sĩ Phật giáo hiện giờ:
- Đẳng cấp thứ nhất: Người mới xuất gia tu hành thọ 10 giới gọi là SA DI. Sa di nam tiếng Phạn là SRAMANERA, và Sa di nữ là SRAMANERIKA.
- Đẳng cấp thứ hai: Người Sa di thọ cụ túc tức là thọ 250 giới được gọi là ĐẠI ĐỨC.
- Đẳng cấp thứ ba: Sau 20 năm thọ cụ túc và học tập giáo lý được Giáo Hội Phật Giáo  tấn phong gọi là THƯỢNG TỌA.
- Đẳng cấp thứ tư: Sau 60 năm thọ cụ túc giới được Giáo Hội Phật Giáo tấn phong gọi là HÒA THƯỢNG.
Tất cả những danh từ xưng hô này là DANH chứ có nghĩa lý gì. Có nhiều vị Hòa thượng chỉ có biết tụng niệm ê a mà cũng được tấn phong làm Thượng tọa, Hòa thượng.
Bởi vậy, ngoài Bắc gọi các sư thầy tu lâu cũng lên làm SƯ CỤ.
Trong đạo Phật người nào tu chứng cũng đều gọi là TRƯỞNG LÃO dù tuổi còn trẻ. Còn hiện giờ quý thầy bên Đại thừa và chánh quyền gọi Thầy là Hòa thượng là gọi theo Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam đã tấn phong.
Đối với Thầy ai gọi sao cũng được. Gọi Trưởng lão hay gọi Hòa thượng cũng được, không sao cả. Danh lợi đối với Thầy như nước chảy qua cầu. Nhưng theo Thầy nghĩ: Chỉ gọi THẦY là gần gũi, không xa cách và bình dân, nhất là gọi ba từ: “THẦY THÔNG LẠC” là đủ ý nghĩa.
Hỏi 11: Gần cả Tăng đoàn đều nhận tọa cụ mới (8 tấc vuông), con không biết cái tọa cụ cũ xử lý như thế nào? Nếu để hai tọa cụ là phạm giới tích chứa. Chính trường hợp này có vài Thầy không nhận, chỉ xài cái cũ.
Cho nên có vài ý kiến phân vân, không hòa hợp. Vậy xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được sống hoà hợp hơn, chứ không nhận thì khác chúng, mà nhận thì cái toạ cụ mới không đúng theo kích thước mà Thầy đã dạy? Con thưa hỏi thêm, một khi sống trong tập thể có thọ dụng món chi thì phải suy nghĩ việc ấy có làm động chúng không, có giúp ích gì cho sự tu tập không, thì mới nên thọ nhận?

Đáp: Tọa cụ cũ còn xài được mà nhận cái khác là phạm giới, vì có hai cái. Trong Tăng đoàn nếu ai có tọa cụ rách không còn xài được thì nên nhận cái mới. Nếu nhận cái tọa cụ mới thì cái cũ dùng làm chuyện khác như miếng vải để lau bàn ghế hay sàn nhà thì không có phạm giới. Trong Tăng đoàn khi nhận tọa cụ mới thì đồng nhận hết, những cái tọa cũ tuy còn xài được nhưng phải dùng làm việc khác như làm khăn lau. Như vậy Tăng đoàn sống hòa hợp “LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN”.
Mỗi sự việc xảy ra phải sáng suốt nhận định rõ ràng, nhất là trong Ban Điều Hành Tăng Đoàn, năm người lãnh đạo phải họp bàn rồi chỉ đạo phân phối tọa cụ cho chư Tăng và hướng dẫn họ sử dụng đúng oai nghi chánh hạnh, thì không có lỗi lầm gì cả. Và  như vậy có điều gì các con đều thông suốt.
Nên khi có một việc gì xảy ra, Tăng đoàn họp lại lấy biểu quyết là mọi việc đều xong.
Tăng đoàn phải lấy LỤC HÒA làm sự sống chung nhau; thường mọi người phải lấy ý kiến của người khác làm ý kiến của mình để sống, thì làm gì có sự tranh cãi hơn thua. Các con hãy đọc kỹ lại THANH QUI của tu viện Chơn Như mà thầy đã nhuận lại rất đầy đủ, để cùng sống chung nhau như nước với sữa, thì làm gì có người dùng tọa cụ mới người dùng tọa cụ cũ. Cho nên, khi nhận tọa cụ là trong Tăng đoàn đều nhận hết, còn không nhận thì không nhận hết. Phải sống LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN, có bất cứ vật gì đều phải chia đều nhau mà dùng, không nên người có, người không.
Hỏi 12: Người đời quá khổ đau khi có người thân trong gia đình bị lên đồng, nhập cốt (ma nhập). Họ phải chạy đôn, chạy đáo tìm thầy này đến thầy khác, hết lên núi rồi lại về chùa. Có người thì được may mắn trở lại như người thường, có người vẫn thế mãi.
Không biết họ gieo nhân gì mà gặp quả quá khắc nghiệt vậy? Nếu người tu sĩ Chơn Như gặp những người như thế sẽ chia sẽ những gì, để làm vơi bớt đi sự đau khổ của họ.
Trong khi mình tu tập chưa đến nơi đến  chốn? Mong Thầy thương xót chỉ bảo.

Đáp: Cuộc sống của con người hoàn toàn đang bị luật nhân quả chi phối và điều hành, cho nên những hiện tượng tưởng (lên đồng, nhập cốt) hoặc tai nạn, bệnh tật xảy ra đều do tiền kiếp gieo nhân nào thì đời này phải gặt lấy quả nấy. Nếu đời trước không học làm thầy cúng cầu siêu, cầu an, thầy pháp chiêu hồn luyện âm binh, đánh thiếp lên đồng nhập cốt, thầy bùa bắt ấn vẽ bùa, đọc thần chú trừ tà ếm quỷ, trừ ma trị bệnh, và thầy ngải dùng ngải nghệ mê hoặc người, làm cho người ta rối loạn thần kinh trở thành điên khùng. Nhất là quý thầy Mật tông luyện bùa đọc thần chú, tạo thành một thế giới tưởng để mê hoặc lòng người, nhờ đó nên làm tiền bất chánh. Lại thêm quý thầy phong thủy coi tuổi coi hướng, để làm ăn phát tài phát lộc.
Thật sự không phải vậy, từ xưa đến nay đã chứng minh cụ thể, mọi người làm nhà không ai mà không xem ngày giờ tốt xấu; không ai mà không coi phương hướng. Vậy mà có người giàu, có người nghèo, chứ đâu có nhờ coi ngày giờ tốt xấu và đặt phương hướng mà ai nấy đều giàu sang cả. Các vua chúa đều đem hài cốt ông cha của mình chôn vào hàm rồng để mãi mãi con cháu làm vua chúa. Điều này đã minh chứng trong lịch sử cho chúng ta  thấy, không có một giòng họ nào làm vua mãi mãi, chỉ vài ba trăm năm là có sự thay đổi giòng họ khác. Và như vậy, quý thầy phong thủy chỉ dựa vào sách dạy về phong thủy của người xưa để lại. Người xưa dựa theo quy luật nhân quả âm dương làm ra sách vở này, nhưng các Ngài không rõ luật nhân quả.
Vì quy luật nhân quả vô thường thay đổi liên tục, nếu nhân thiện thì hưởng quả an vui hạnh phúc, còn ngược lại nhân ác thì quả phải chịu nhiều điều buồn khổ. Cho nên sách phong thủy chỉ dùng cho những ông thầy lừa đảo.