Skip directly to content

TRẢ LỜI NGỌC BÌNH

Hỏi 1: Trong bữa thọ thực của chúng con có bài thí thực, lấy ba hạt cơm bỏ vào trong chung nước. Chúng con có thể thí cơm và thực phẩm thêm không? Hay chỉ thí thực một lần thôi?
Đáp: Nghi thức thí thực này là của các vị tổ sư Đại thừa, mê tín tự đặt ra để cúng những vong linh chết oan, chết chưa đến số mệnh. Trong kinh sách Nguyên Thủy không có dạy điều này, vì đức Phật dạy thế giới cô hồn, các đảng là thế giới tưởng của con người còn sống tự tạo ra (tưởng tri chứ không phải liễu tri).
Bởi vậy, các sư thầy thí thực là bắt chước theo nghi thức của kinh sách Đại thừa. Thí thực có nghĩa là cúng thực phẩm cho “cô hồn, các đảng”. Trong các chùa Đại thừa hiện nay, thường vào buổi chiều 5 giờ các thầy đều công phu tụng kinh “MÔNG SƠN THÍ THỰC” cúng cô hồn, các đảng bằng gạo và muối. Từ trong các chùa Đại thừa đã truyền thừa tư tưởng mê tín này vào dân gian, và đã ăn sâu thành một phong tục tập quán mê tín lạc hậu.
Cô hồn, các đảng là những vong linh người chết oan, chết còn trẻ, chết yểu, chết chưa tới số, chết bất đắt kỳ tử như tai nạn giao thông, tự tử thắt cổ, chết đuối, chết trong trứng nước như những thai nhi bị móc bỏ, chết như những chiến sĩ trận vong, v.v... Những kiểu chết trên đây là chết oan uổng, chết tức tối.
Qua những sự chết này, con người chưa đủ kiến thức khoa học nên khéo tưởng tượng ra những linh hồn sống lơ lửng theo cây đa bóng mát, theo chùa chiền để kiếm ăn, vì những linh hồn này chưa tới số nên không thể đi đầu thai được. Từ những tưởng nghĩ mê tín này, đã truyền thừa từ xưa đến nay, nên đã in sâu vào tư tưởng con người thành những phong tục dân gian rất khó bỏ.
Thường mỗi bữa thọ trai, sau phần tụng bài “Cúng dường” xong, thì đến phần thí thực “lấy ba hạt cơm bỏ vào trong chung nước” để trong lòng bàn tay trái, và tay mặt bắt ấn “Cam lồ” hay còn gọi là bắt ấn “Dương chi”,  bắt ấn theo hình ảnh đức bồ tát Quan Thế Âm, rồi đọc chú “Cam lồ” để biến ba hạt cơm thành ra trùng trùng hạt cơm, nhờ đó mới đủ sức bố thí cho trùng trùng những cô hồn, các đảng, tức là những vong linh chết oan, chết yểu.
Bắt ấn niệm chú như vậy chỉ có sư cô Trưởng đoàn hay người chủ lễ bữa thọ trai, chứ các ni sinh chỉ ngồi im lặng lắng nghe.
Sau khi niệm chú xong, sư cô Trưởng đoàn trao chung nước có ba hạt cơm cho người thị giả. Người thị giả đem ra cúng chim đại bàng và thí thực cô hồn, các đảng.
Theo Thầy nghĩ, chúng ta là đệ tử của Phật thì không nên làm những điều mê tín lạc hậu của ngoại đạo, mà phải tập sống như Phật. Bố thí là bố thí cho những chúng sinh còn sống, chứ không phải bố thí cho những người đã chết. Nhưng chúng ta là những người đi xin ăn (khất sĩ), thì lấy cơm đâu mà bố thí. Bố thí theo kiểu Đại thừa lấy ba hạt cơm đọc thần chú biến ra vạn triệu hạt cơm.
Đó là một hình thức lừa đảo của những pháp môn mê tín. Bố thí đúng nghĩa là phải tự làm ra thực phẩm, làm cơm gạo, chứ không làm ra thực phẩm, làm ra cơm mà bố thí thì nghĩa bố thí không đúng. Chúng ta là người xin ăn thì chỉ có chia sớt bữa ăn với những  chúng sinh khác đang đói khổ mà thôi. Chia sớt không thể cho chúng sinh ăn đồ dư thừa.
Cho nên trước khi thọ thực, sau bài tụng dâng lên lòng thành kính chư Phật, tổ tiên, ông bà và cha mẹ xong, thì mỗi tu sĩ khởi lòng thương yêu chúng sinh đang đói khổ, nên giành riêng ba hạt cơm và một ít thực phẩm, để sau khi ăn xong đem đến nơi nào có loài vật đang đói khổ như: kiến, chuột, chó, mèo hoang không ai nuôi, v.v... Còn không có chúng sinh đang đói khổ thì không nên phí thực phẩm, vì thực phẩm làm ra bằng mồ hôi nước mắt của đàn na thí chủ.
Nếu chúng ta phí phạm thực phẩm ít như ba hạt cơm cũng là phí phạm. Và như vậy cũng giống như “ăn thịt con mình”.
Phần trả lời này các con có hiểu chưa?
- Thứ nhất, các con không nên tụng kinh và niệm chú cúng chim đại bàng và thí thực cô hồn, các đảng theo lối mòn mê tín của Đại thừa.
Giáo đoàn Chơn Như càng phát triển lớn mạnh thì càng sống đúng gương hạnh của Phật, không để những sự mê tín của ngoại đạo xen vào làm mất ý nghĩa chân lý cao thượng của Phật giáo.
- Thứ hai, chung quanh thất các con có những loài vật đang đói khổ thì nên giành cơm và thực phẩm bố thí cho chúng, nhưng không được nuôi súc vật trong thất. Người tu sĩ không được nuôi con vật nào cả, chỉ những con vật hoang vô chủ, đói khát lang thang thì các con mới chia sớt cơm và ít thực phẩm bố thí cho chúng. Không được nuôi kiến, chúng đã tự kiếm ăn được, chỉ khi nào nào mưa gió chúng không đi kiếm ăn được, chúng ta mới giành một ít cơm và thực phẩm đến chỗ chúng ở bố thí.
Tốt nhất là các con đừng cúng “THÍ THỰC”, mà chỉ xướng Tăng Bạt mà thôi, vì xướng Tăng Bạt là để nhắc nhở các con tinh tấn cố gắng tu hành ngày một tốt hơn.
Hỏi 2: Mỗi tuần chúng con có một ngày thọ thực chung. Thỉnh thoảng có hôm chúng con được cúng dường thêm cháo, bún... Vậy trong khi nhận cơm và thực phẩm, chúng con có thể nhận cháo, bún luôn có được không?
Hay phải để Phật tử cúng dường như vậy?

Đáp: Khi đến nơi khất thực thì thực phẩm đã được cúng dường mỗi khẩu phần ăn của các con đều đầy đủ. Vì ăn ít hay ăn nhiều đều ghi vào danh sách của nhà bếp, nên người nhà bếp đã phân chia đầy đủ. Các con chỉ còn tự sới cơm cho đủ mình ăn trong một bữa  ăn mà thôi. Khi đang ăn, có người cúng dường thêm bún và cháo thì các con không thể nhận thêm được. Vì nhận thêm là ăn không hết, phạm vào giới tham ăn uống, trái với phạm hạnh ăn uống của người khất sĩ.
Nhận cháo hay bún là nhận ngay nơi đi khất thực, vì thế các con sẽ bớt cơm lại và nhận cháo hay bún sẽ ăn uống không thừa.
Các con là đệ tử của Phật, không nên tùy thuận phật tử cúng dường phi thời làm hại oai nghi tế hạnh trong ăn uống của người tu sĩ, vì những phật tử này đã cúng dường theo kiểu trai tăng tại các nhà cư sĩ, hay tại các chùa Đại thừa để cầu siêu các vong linh những người đã chết, hay cúng dường trong ngày cúng hội tại các tịnh xá. Sự cúng dường thêm như vậy không đúng pháp.
Trong kinh nguyên thủy dạy: Khi khất thực đủ ăn vừa đậy nắp bát lại, có người xin cúng dường thì không nhận thêm, từ chối và xin nhận của cúng dường trong ngày khác.
Đó là đúng luật đi xin ăn, còn nhận thêm là khất cái (người ăn mày đi xin), chứ không phải là khất sĩ.
Chúng ta đừng vì miếng ăn mà chấp nhận những phật tử cúng dường không đúng thời, để rồi oai nghi tế hạnh trong ăn uống của tu  sĩ giống như người thế gian.
Khi phật tử muốn cúng dường thì phải cúng dường tại nhà bếp, bất cứ thực phẩm gì cũng không được mang đến chỗ tăng, ni, nam nữ cư sĩ đang thọ thực mà cúng dường. Cúng dường như vậy không đúng cách, làm động chúng. Trong khi chúng đang tập tu, ăn uống trong oai nghi Chánh Niệm Tỉnh Giác để bảo vệ tâm bất động thanh thản an lạc và vô sự.
Cho nên ăn uống vẫn đang tu tập, chứ không phải ăn uống chạy theo ngon dở của vị giác, chạy theo món ăn ngon, món ăn cao lương mỹ vị, những món ăn thượng đẳng của vua chúa, của các nhà giàu có, của các đại gia.
Các con nên lưu ý: Ăn uống của người tu sĩ không giống như người thế tục. Trong khi ăn uống mà nói chuyện là không đúng pháp, ăn uống mà ngó qua ngó lại những người xung quanh mình là không đúng pháp. Ăn uống thì phải lắng nghe sự tỉnh thức, nhiếp tâm trong từng động tác thân hành như: mút cơm, bỏ vào miệng, nhai, nuốt... rồi còn xem xét từng tâm niệm ưa thích hay không ưa thích về những thực phẩm đang ăn để dùng tri kiến xả li tâm tham đắm.
Trong lúc chúng tăng, ni và nam nữ cư sĩ đang ăn trong sự yên lặng thanh tịnh như  vậy, mà có những phật tử mang đồ cúng dường thêm thì đó là làm động chúng, làm động người tu, làm mất sự thanh tịnh, làm mất sự tỉnh giác, thì tội lỗi ấy rất nặng. Tội phá hoại người tu. Nhưng rất tội nghiệp cho những người tu gặp ma chướng trong ăn uống.
Hỏi 3: Trong đoàn đi khất thực, khi đến nơi khất thực mọi người đều có thể đến một lượt 4, 5 người, kẻ sớt cái này, người lấy cái kia, v.v... và khất thực như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Không, đi khất thực trong đoàn thì phải giữ gìn đức trật tự, khi đến nơi nhận thực phẩm thì từng người một, người này sớt bát xong, bước ra khỏi nơi khất thực thì người khác kế tiếp bước vào, chứ không được hai, ba người, kẻ sớt thực phẩm, người sớt cơm, kẻ lấy nước, người lấy trái cây, bánh mứt, v.v... Đi khất thức như vậy là thiếu đức trật tự, tức là thiếu oai nghi tế hạnh khất thực của người tu sĩ. Khất thực như vậy là không đúng pháp, các con hãy sửa lại. Các con nên nhớ! Khi sớt bát không được nói chuyện, phải giữ gìn im lặng như thánh.
Khi người khất thực đầu tiên đã sớt bát xong thì đi đến chỗ điểm đợi. Nơi đó đứng  đợi cho đến người cuối cùng sớt bát xong thì đoàn mới chuyển mình đi về điểm đợi trước khi đi khất. Từ điểm đó mới trở về thất của mình trong im lặng, trang nghiêm và thanh tịnh.
Hỏi 4: Kính bạch thầy! Mỗi tuần chúng con có một ngày thọ bát chung nhau tại trai đường. Vậy chúng con phải ngồi và ăn như thế nào cho hòa hợp chúng và đúng oai nghi của người tu sĩ trong Ni đoàn?
Đáp: Trong ngày thọ thực chung, khi các con đi khất thực trở về trai đường phân làm hai hàng ngồi đối diện nhau, người Trưởng đoàn ngồi đầu dãy hàng thứ nhất, người Phó đoàn ngồi đầu dãy hàng thứ hai. Khi tất cả chúng ngồi xong, mỗi tu sĩ đều mở nắp bát để bánh trái cây vào nắp và khai thực phẩm trước mặt chỗ mình ngồi. Khi đã bày thực phẩm xong thì người Phó đoàn đánh ba tiếng kiểng. Tất cả chúng đều chắp tay lên trước ngực, người Trưởng đoàn đọc trước hai từ:
“Hôm... nay”... kế từ thứ ba “bữa... cơm này”...
thì tất cả chúng đều bắt đầu cùng nhau đọc “bữa cơm này, Chúng con xin thành kính”...
Khi thọ thực xong, gom lại giấy lá, vỏ trái cây bỏ vào bát đậy nắp lại cho gọn gàng để trước mặt. Khi nghe ba tiếng kiểng, các con  đều chắp tay lên trước ngực đồng tụng bài “Nhớ ơn”. Khi đọc bài nhớ ơn xong cùng nhau đồng xá, chứ không có lạy rồi đứng dậy chắp tay xá nhau. Người trưởng đoàn mang bát ra đứng đợi tại điểm đợi, khi mọi người ra nơi điểm đợi đủ mặt thì mới trở về điểm hẹn bắt đầu nơi xuất phát khất thực. Từ điểm này mọi người mới mang bát về thất rửa, nhưng luôn luôn phải giữ gìn thanh tịnh nghiêm trang, không được làm có tiếng động khua bát hay nói chuyện ồn náo, luôn luôn giữ gìn im lặng chứ không được làm mất trật tự gây tiếng động.
Hỏi 5: Ngày thỉnh nguyện phát lồ sám hối có phải là ngày làm lễ tụng kinh sám hối như trong các chùa Đại thừa không? Kính xin Thầy chỉ dạy.
Đáp: Lễ sám hối tụng kinh Hồng Danh là theo Đại thừa, còn các con lấy ngày ấy làm ngày thỉnh nguyện thì sinh hoạt không giống như Đại thừa con ạ! Ngày thỉnh nguyện phát lồ Thầy đã dạy các con trong tập sách “HỎI ĐÁP PHẬT PHÁP” rồi, các con nên đọc lại, chỗ nào không hiểu thì thưa hỏi, Thầy sẽ dạy cho.
Chúc các con tu tập xả tâm tốt!