PHẦN IV HỌC GIỚI ĐỊNH TUỆ
Phần IV: Học Giới - Định - Tuệ
TRỞ VỀ VỚI PHÁP MÔN GIỚI - ĐỊNH - TUỆ
(Giới - Định - Tuệ là con đường đạo đức Nhân bản - Nhân quả)
Sau khi đọc những tập sách “Đường Về Xứ Phật”, quý vị đã thấy rõ âm mưu thâm độc của Bà La Môn giáo có thâm ý từ xưa quyết tâm diệt Phật giáo trên hành tinh này nên đã khéo léo lồng giáo pháp của mình vào kinh sách của đạo Phật, để rồi biến Bà La Môn giáo trở thành Phật giáo phát triển bằng những bài kinh gạch nối trong các bộ kinh A Hàm, nhất là bộ kinh Tăng Nhất A Hàm để biến giáo lý chân chánh của đạo Phật thành giáo lý ngoại đạo.
Hiện giờ, giáo pháp phát triển đã được ăn sâu và ngự trị trong lòng tín đồ Phật giáo, nó trở thành một truyền thống bám chặt vào tư tưởng của con người theo kiểu cha truyền con nối (Tổ Tổ truyền nhau). Một truyền thống đã trở thành tập khí, thói quen mê tín, lạc hậu của con người khó bỏ được ngay liền.
Hiện giờ, thói quen mê tín và lạc hậu ấy đã ăn sâu vào tâm hồn của mọi tín đồ Phật giáo khiến cho người ta rất khó bỏ và có muốn bỏ đi cũng rất sợ tội đọa địa ngục, vì trong kinh sách phát triển đã hù dọa người ta như vầy:
“Nếu phật tử nào có tâm quan niệm trái bỏ kinh luật phát triển thường trụ, cho rằng không phải của Phật nói mà đi thọ trì kinh luật tà kiến và tất cả các giới của Thanh Văn, Nhị Thừa cùng ngoại đạo ác kiến, phật tử này phạm khinh cấu tội.”
Đó là những lời hăm dọa trong Bồ Tát giới “Phạm Võng” đã in thành sách do Hòa Thượng Trí Tịnh lược giảng, câu kinh trên ở trang 144. Đây là những bằng chứng rất cụ thể được in thành kinh sách giấy trắng mực đen thì không còn ai muốn bao che sự gian ác của kinh sách phát triển được.
Cuối cùng, Bà La Môn giáo quét sạch kinh sách Phật giáo chân chánh với chiêu bài “Phật Di Lặc là Giáo chủ Phật giáo thời vị lai.” Như thế, người ta thay đổi Giáo chủ của một tôn giáo như thay đổi một nhà vua trong thời phong kiến mà tất cả tín đồ Phật giáo không hề hay biết mà vẫn còn ủng hộ đấng Giáo chủ này, thật là Bà La Môn giáo rất khéo léo trong việc thay thế đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng Phật Di Lặc.
Chúng ta cũng thấy rất rõ ràng, trước khi muốn lật đổ đức Phật Thích Ca Mâu Ni, người ta đã lần lượt thay thế giáo lý của đức Phật Thích Ca Mâu Ni bằng những giáo lý của Bà La Môn và còn chế ra giới luật Bồ Tát giới, cấm tín đồ Phật giáo không được tu học theo giáo pháp nguyên gốc của Phật dạy. Vì sợ mọi người tu học theo giáo pháp này thì giáo pháp phát triển sẽ bị lộ tẩy những điều sai.
Kinh sách phát triển đã biến Phật giáo thành ba tông phái lớn ở khắp thế giới:
1- Thần giáo (Tịnh Độ Tông)
2- Huyền bí giáo (Mật Tông)
3- Hữu ngã giáo (Thiền Tông)
Với mục đích thâm độc đưa ra ba Tông phái như ba mũi tên độc nhắm bắn vào một mục tiêu là “tín đồ Phật giáo”. Cho nên toàn thể tín đồ Phật giáo không thể có một người nào thoát khỏi ba mũi tên độc này, nếu không bị mũi tên này thì lại dính mũi tên kia. Bằng chứng, tất cả tín đồ Phật giáo hiện giờ không tu Tịnh Độ thì lại tu Thiền Tông, không tu Thiền Tông thì lại tu Mật Tông.
Ba tông phái này chiếm trọn tín đồ Phật giáo. Còn Phật giáo chính gốc Nguyên Thủy thì chẳng còn ai tu nữa, mặc dù họ biết giáo lý Nguyên Thủy (gốc) của đức Phật rất rõ ràng nhưng họ chẳng quý trọng mà lại còn có vẻ xem thường, vì giáo lý đó mang tên rất thấp kém “Tiểu thừa, Nhị thừa, Phàm phu thiền, Ngoại đạo thiền”.
Những tín đồ bình dân ít học và phụ nữ thì lại rơi vào Tịnh Độ mê tín, cúng bái, cầu khẩn, tụng kinh, niệm Phật, xin xăm, bói quẻ, cầu siêu, cầu an, cúng sao, giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu, làm ma chay, cúng vong, tiễn linh, làm tuần, mở cửa mả v.v...
Những tín đồ ham mê thần thông, những sự huyền bí linh hiển thì lại rơi vào Mật Tông, chuyên bắt ấn, niệm chú, luyện bùa, trị bệnh tà ma, quỷ quái, đàng Dưới, đàng Bố, bà Thủy, Long Vương v.v...
Những tín đồ ham mê thiền định có tính cách thiết thực, cụ thể và khoa học hơn nên họ thoát ra khỏi sự mê tín dị đoan, lạc hậu của Tịnh Độ Tông và thần thông huyền bí, bùa chú của Mật Tông Tây Tạng thì họ lại rơi vào Thiền Tông bằng cách tọa thiền thọ hưởng các trạng thái của dục tưởng trừu tượng, không thực tế mà các vị thiền sư Đông Độ và các vị thiền sư Nam Tông hiện giờ đang say mê tu tập.
Các thiền sư Nam Tông mặc dù họ đang học tu theo giáo pháp Nguyên Thủy nhưng lại tu sai lời Phật dạy, lấy hơi thở hoặc dùng cơ bụng (phình xẹp), hoặc tập trung chú ý quá sức vào các hành động ngoại thân như đi, đứng, nằm, ngồi, mặc y, mang bát, ăn, uống, v.v… ức chế tâm quá độ làm cho sáu thức ngưng hoạt động để rồi tưởng thức hoạt động, khiến cho thân tâm sanh cảm giác “xúc tưởng hỷ lạc”. Các sư lầm tưởng đó là trạng thái hỷ lạc của thiền định nên cố giữ và ôm chặt các trạng thái hỷ lạc tưởng thức, gặp trạng thái này các sư đều bị chết chìm trong pháp định tưởng này.
Lối tu như vậy, các sư Nam Tông do không có thiện hữu tri thức có kinh nghiệm nhập Bốn Thánh Định và Tam Minh hướng dẫn nên lạc vào thiền tưởng giống như Thiền Đông Độ. Chứng minh cụ thể như thiền sư Nam Tông A Chaan - Chah (Thái Lan) trả lời những câu hỏi đạo, ngôn ngữ ngài giống như thiền sư Đông Độ.
Thiền Tông xây dựng một giáo lý tưởng tượng tuyệt đối “Bản thể vạn hữu” còn gọi là “Phật tánh” với những lý luận khéo léo khiến cho các nhà khoa học lầm tưởng đó là khoa học tâm linh.
Nhưng đó chỉ là những mánh khóe lừa đảo giới trí thức và các nhà khoa học. Vì thế, sự tu hành của họ cũng chẳng đi đến đâu cả, có nghĩa là họ chưa làm chủ bốn sự đau khổ của kiếp người.
Giới đức của một bậc thánh Tăng, các vị thiền sư này sống chưa đủ đức hạnh thánh và đôi khi họ cũng còn có những hành động phàm phu tục tử như những người khác. Tại sao chúng ta biết như vậy?
Xét giới luật của đức Phật dạy, về đạo đức làm người và làm thánh thì họ có những hành động đều phạm giới luật, mà lại phạm vào những giới luật làm người, làm thánh Tăng.
Ví dụ như giới cấm một vị tu sĩ không ăn uống phi thời, thế mà các vị đều ăn uống phi thời. Nếu phân tích giới này ra chúng ta thấy rất rõ:
1- Loài thú vật không có đạo đức nên ăn uống phi thời, ăn uống không có giờ giấc, ăn uống lặt vặt, lúc nào có cũng ăn được.
2- Con người có đạo đức hơn, không ăn uống lặt vặt phi thời, ăn uống có giờ giấc, có bữa ăn hẳn hoi, ngày ba bữa hoặc hai bữa ăn, ăn uống có tiết độ. Còn những người ăn uống lặt vặt, ăn uống phi thời, lúc nào cũng ăn uống được là loài cầm thú, vô đạo đức về ăn uống, không phải là con người.
3- Vị tỳ-kheo Tăng và vị tỳ-kheo Ni là thánh Tăng và thánh Ni thì ăn uống ngày một bữa vào giờ trưa (ngọ). Nếu ăn uống phi thời như người phàm phu, như loài cầm thú tức là còn tham ăn, tham uống, còn sợ thân này thiếu chất bổ dưỡng, còn thích ăn ngon, thích ăn theo ý của mình thì không thể gọi những người này là thánh Tăng và thánh Ni được, dù họ có thần thông phép tắc, tàng hình, kêu mây, gọi gió, v.v… hoặc ngồi thiền năm bảy ngày, triển khai những thứ thần thông tưởng để lừa đảo người nhẹ dạ thì chính họ là những ác quỷ chứ không phải là con người và súc sanh nữa.
Dù họ là nhà học giả có trình độ kiến thức thông suốt tam tạng kinh điển, có bằng tiến sĩ Phật học mà sống phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới của Phật, họ sống không đúng đạo đức làm thánh Tăng, thánh Ni thì không được xem họ là những người nhập lưu vào dòng thánh của đạo Phật, họ chỉ là những người còn đứng ngoài cổng chùa.
Đơn giản chỉ có một giới luật như vậy mà chúng ta đã nhận ra thánh, phàm, súc sanh và ác quỷ, còn biết bao nhiêu giới luật dạy về những đức thánh mà quý vị tỳ-kheo Tăng và tỳ-kheo Ni đã vi phạm rất nhiều thì làm sao gọi là nhập lưu vào dòng thánh của đạo Phật được.
Bà La Môn giáo xếp loại Phật giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là Nhị Thừa, là ngoại đạo, còn ba tông phái Thiền, Tịnh, Mật được gọi là Đại Thừa, Tối Thượng Thừa và còn mạo nhận là giáo lý chơn chánh của đạo Phật để dễ bề lừa đảo và đưa tín đồ Phật giáo vào con đường mê tín, lạc hậu, phi đạo đức v.v...
Hiện giờ quý vị đã thấu rõ đâu là giáo pháp của đức Phật, đâu là không phải, nhưng chắc gì quý vị đã tin chúng tôi. Cho nên những gì chúng tôi nói, quý vị cứ suy ngẫm, đừng vội tin, đúng thì tin, không đúng thì thôi, miễn sao quý vị tu hành được giải thoát là chúng tôi hoan hỷ vui mừng.
Trong thế gian này ai là người đã tu theo đạo Phật, sống đúng giới hạnh, đạt được chân lý cứu cánh, nhập Bốn Thánh Định, thực hiện Tam Minh. Nếu quan sát nhìn chung khắp trên thế giới chưa có một người nào thực hiện được thì làm sao dạy tu tập theo đường lối của đạo Phật cho đúng được. Hầu hết đều dạy tu hành sai theo kiến giải, tưởng giải của mình, đó là cách thức tu mò chứ không đúng như lời của đức Phật đã dạy trong các kinh vì không có kinh nghiệm tu hành đúng như pháp và tu đến nơi, đến chốn.
Cho nên thầy trò truyền nhau mà chẳng có người nào tu đến đâu cả, chỉ dậm chân tại chỗ rồi lý luận nào là Bồ Tát còn tạp khí; nào là tùy duyên tiêu cựu nghiệp; nào là thấy các pháp như mộng như huyễn (Nhất thiết hữu vi pháp, như mộng như bào ảnh v.v…), nào là thấy sáu trần như hoa đốm giữa hư không, v.v... đó là những danh từ lý thuyết suông mà thôi, chẳng có pháp hành nên khó thực hiện được giải thoát.
Tất cả những tập “Đường Về Xứ Phật” được đến tay quý vị và sẽ chia ra làm ba nhóm phật tử:
1- Nhóm thứ nhất cho chúng tôi còn mang bản ngã, tự cho mình là trên hết không còn ai tu hơn mình, theo như kinh sách phát triển dạy: “Người còn thấy mình tu chứng quả A-la-hán là chưa chứng quả A-la-hán; người mà hay chống đối các pháp môn khác là người chưa chứng đắc; người còn thấy cái sai cái đúng, chưa vô phân biệt là người chưa chứng đắc”.
2- Nhóm thứ hai là nhóm trung lập, ý của nhóm này khuyên chúng tôi không nên nói thẳng quá, đừng nói cái sai của người khác mà hãy nói cái gì mình đã tu và thực hành được, đừng động đến kẻ khác, chỉ dạy những gì mình biết, còn sai đúng mặc kệ họ.
3- Nhóm thứ ba, nhóm này chấp nhận và nhận xét những lời chúng tôi nói là đúng. Những cái sai không hợp lý trong kinh sách phát triển rất nhiều: những điều mê tín, những điều phi đạo đức và những lý luận lừa đảo lường gạt tín đồ không thể kể hết được. Cái lợi ích của kinh sách phát triển giúp cho mọi người thì ít, mà tai hại cho người đời thì rất nhiều nhưng khéo che đậy bưng bít khiến mọi người khó thấy được.
Cho nên, có nhiều người lầm tưởng giáo pháp kinh sách phát triển làm lợi ích cho xã hội. Nhưng sự thật không phải vậy, đó chỉ là những bức màn “Tứ Nhiếp Pháp” khéo che đậy, những thủ đoạn gian xảo, lừa đảo của giáo pháp này là để quyến rũ mọi người theo tôn giáo của mình đông đảo biến thành một lực lượng phục vụ và quên mình lăn xả, dám hy sinh cho những sự mê tín lạc hậu này. Còn làm việc từ thiện của Đại Thừa giáo có sự tích cực, đó chỉ là một hành động thế tục hóa theo trào lưu xã hội mà thôi.
Con người biết lợi dụng giáo pháp này cũng dễ làm giàu không mấy khó khăn. Bằng chứng quý thầy hiện giờ là những phú Tăng “Triệu phú, tỷ phú” chứ không còn là bần Tăng đi xin ăn như thời đức Phật. Khi được đọc những gì chúng tôi đã nói và nói thẳng thì những người chịu ảnh hưởng kiến chấp và ngoan cố của giáo pháp của kinh sách phát triển sẽ dùng những lý luận bưng bít che đậy mà giáo pháp này đã vạch sẵn từ lâu để phản ứng lại và giãy giụa trong những giờ phút hấp hối của nó khi người ta phát giác.
Dù cho các nhà kinh sách phát triển có luận như thế nào? Có khéo che đậy như thế nào thì sự thật vẫn là sự thật, như Hòa thượng Minh Châu đã nói: “Chơn lý vẫn là chơn lý”. Dù ai có nói gì thì chơn lý cũng vẫn phải là chơn lý; cái sai vẫn là cái sai, khi đã không đúng, dù muốn đúng cũng không thể đúng được. Vì đúng, phải có sự chứng minh cụ thể làm chủ được bốn sự đau khổ của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết. Phần đông, các thiền sư trong giai đoạn hiện giờ thuyết giảng lung tung, nói đông, nói tây mà chẳng biết cách nào làm chủ sanh, già, bệnh, chết.
Nếu bảo rằng “vô ngã” như trong kinh sách phát triển đã dạy thì đức Phật đâu không tự xưng: “Như Lai Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn”. Nếu bảo rằng “vô ngã” như trong kinh sách phát triển thì đức Phật không tự xưng như bài kệ đây:
“Trên trời dưới trời.
Khắp trong thế gian.
Con người duy nhất.
Vượt qua: Sanh, già, bệnh, chết”.
Còn nếu bảo rằng còn thấy cái sai cái đúng thì chưa chứng đắc thì tại sao đức Phật lại bài bác sáu mươi hai luận thuyết của ngoại đạo là những tôn giáo đồng thời và trước đạo Phật. Ngài là giáo chủ của đạo Phật, là người chứng quả A-la-hán mà Ngài lại bài bác như vậy thì Ngài là người “hữu ngã” sao? Tại sao Ngài lại tuyên bố đạo Phật là “đạo Vô Ngã”? Có mâu thuẫn chăng? Chúng tôi xin trả lời để quý vị không còn thắc mắc hữu ngã và vô ngã.
Đạo Phật chủ trương lấy thiện, diệt ác, lấy đạo đức nhân quả làm cuộc sống của mình không làm khổ mình, khổ người. Từ chỗ này chúng ta suy ra để thấy đạo Phật không mâu thuẫn “Vô ngã ác pháp, chứ không phải vô ngã thiện pháp”. Nếu chúng ta tu hành vô ngã cả thiện pháp lẫn ác pháp thì hóa ra chúng ta là cây, là đá; cây, đá là một loại vô tri, vô giác, đó là cái “vô ngã” của kinh sách phát triển chứ đạo Phật không có vô ngã như kiểu đó.
Vả lại đức Phật dạy chúng ta quán Tứ Niệm Xứ: “Vô thường, khổ, không, vô ngã”. Chữ vô ngã ở đây chỉ cho chúng ta thấu rõ thân, thọ, tâm, và pháp không có ngã, tức là trong bốn chỗ này không có cái gì là ta, của ta. Các nhà học giả đã lầm chỗ pháp hành để ly dục ly ác pháp nhập Sơ Thiền cho là “đạo Phật vô ngã”.
Nếu chúng ta tu hành để trở thành cây đá thì chúng ta tu để làm gì? Cái vô ngã đó chỉ là một lý luận suông danh từ chữ nghĩa chứ đã là con người thì không thể tu tập đạt kết quả vô ngã như vậy được, đó là một triết thuyết của tưởng thức như bao nhiêu triết thuyết khác mà các nhà triết học đã đưa ra như: Triết học hiện sinh của Krishnamurti, Triết học vô sản của Karl Marx v.v...
Còn bảo rằng ai làm sai mặc kệ họ, không nên nói ai hết thì mới gọi là người tu chứng. Những phật tử trung lập này họ hiểu rằng, khi tu hành chứng đạo là không được quyền phê phán, bài bác cái sai, cái tai hại lừa đảo, gian xảo, lường gạt mọi người bằng những thủ đoạn gian ác không lường trước được, bằng chứng giáo pháp phát triển đã dạy người bao nhiêu thứ mê tín, lạc hậu, phi đạo đức, làm hao tốn tiền của, mồ hôi nước mắt của tín đồ quá nhiều mà chẳng ích lợi gì cho họ.
Thưa quý vị, chúng tôi tu chứng là để thấy được cái sai, cái đúng của mình để sửa đổi làm cho tốt, cho thiện hơn và thấy được cái sai của Phật giáo là một tôn giáo mà chúng tôi đang theo tu, để chúng tôi chỉnh đốn lại, gạt bỏ những cái sai để làm ích lợi cho mọi người đang và sẽ tu theo đạo Phật, chứ không phải tu chứng để làm thinh như cây đá, Phật giáo sai đúng như thế nào cũng chẳng dám nói ra.
Tu chứng như vậy là tu chứng cái gì? Trong lúc tín đồ Phật giáo đặt trọn niềm tin ở quý thầy tu hành chứng đắc để làm gương sáng đạo đức và dạy họ tu hành thiền định để tiến bước trên đường giải thoát của đạo Phật.
Tu hành chứng đắc tức là người đã biết đường lối đi đến nơi đến chốn, thế mà thấy mọi người tu sai, không biết đường lối đi mà lại làm thinh không chỉ lối cho kẻ khác đi thì người tu hành đó có tốt bụng không? Có tâm từ bi không? Có thương người lạc lối đang đi sai đường gặp nhiều hiểm nguy trong rừng thẳm âm u chăng?
Trước mắt chúng ta đang thấy rõ ràng, tất cả tín đồ Phật giáo hiện giờ chẳng tiếc công, tiếc của, sẵn sàng bỏ công, bỏ sức, bỏ của để xây dựng một Phật giáo chân chánh và cao quý, nhưng không ngờ lại lầm lạc xây dựng một Phật giáo mê tín, lạc hậu, lừa đảo, phi đạo đức v.v... Người đã tu chứng đắc thấy biết đúng sai rõ ràng mà nỡ đành lòng nào nhìn ngó những tín đồ Phật giáo như vậy sao?
Xưa đức Phật đã từng bài bác cái sai của Lục Sư ngoại đạo, của Bà La Môn giáo khiến cho mọi người mới thấu rõ đâu là chánh pháp, đâu là tà pháp. Còn bây giờ, chúng tôi muốn chỉnh đốn lại những điều không đúng của đạo Phật, cái gì của đạo Phật là phải của đạo Phật, không phải là phải loại trừ ra khỏi đạo Phật thì quý vị bảo rằng chúng tôi bài bác, tự xem mình là trên hết, tức là còn mang bản ngã, còn mang bản ngã tức là chưa chứng.
Ở đây, chúng tôi không hiểu quý vị muốn nói chứng đắc là chứng đắc cái gì. Riêng chúng tôi chẳng thấy có chứng đắc gì cả.
Trên đường tu hành theo đạo Phật, chúng tôi chỉ thấy mình luôn luôn sửa sai những hành động thân, miệng, ý để từ những hành động sai đó không còn làm khổ mình, khổ người nữa, có được những hành động như vậy thì chúng tôi thấy tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.
Tâm chúng tôi như “cục đất”. Chùa to, Phật lớn không cám dỗ chúng tôi được; danh lợi, ăn ngủ, sắc dục không lôi cuốn được chúng tôi, còn bảo rằng chúng tôi chưa vô ngã thì chúng tôi vẫn thấy mình còn nguyên vẹn, có mất mát chỗ nào đâu mà gọi là vô ngã.
Chúng tôi nói những điều sai trái không đúng của Phật pháp trong kinh sách phát triển là vì giáo pháp này đã từng lừa đảo, lường gạt thầy Tổ của chúng tôi nhiều đời, nhiều kiếp, bỏ biết bao nhiêu công lao mồ hôi, nước mắt của các ngài để rồi các ngài gặt hái được những gì, “giải thoát” hay lại phải chết trong đau khổ?
Chúng tôi nói là vì ích lợi cho những người trong hiện tại đang bị lừa gạt và sẽ phí uổng một đời tu hành của họ chẳng đi đến đâu cả.
Chúng tôi nói là vì những thế hệ con người mai sau, và để con cháu của chúng ta tránh khỏi những cặm bẫy ác nghiệt của kinh sách phát triển. Nó không dạy chúng ta đạo đức làm người, đạo đức làm thánh nhân mà dạy chúng ta những điều phi đạo đức, những pháp môn mơ hồ, huyền bí, cao siêu để làm Phật, Thánh, Tiên v.v...
Trong khi chúng ta đang cần có một đạo đức làm người không làm khổ mình, khổ người, thì Phật giáo Nguyên Thủy đã có đầy đủ những pháp môn dạy về đạo đức, như vậy thì kinh sách phát triển đã dìm mất đi và biến nó trở thành một thứ đạo đức nhân quả mê tín, tạo ra cảnh địa ngục hù dọa tín đồ để lường gạt tín đồ bằng cách cúng bái, cầu xin v.v...
Mục đích của đạo Phật ra đời là nhằm giải quyết bốn sự khổ của kiếp làm người, tức là giải quyết giúp tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải đi tìm một “Phật tánh cao siêu tuyệt vời”. Vì thế pháp môn của đạo Phật là pháp môn toàn thiện, mà pháp môn toàn thiện là pháp môn dạy đạo đức không làm khổ mình, khổ người, tức là đạo đức nhân quả. Quý vị đừng lầm đạo đức nhân quả của đạo Phật là đạo đức mê tín của kinh sách phát triển.
Kinh sách phát triển đã từng xây dựng đạo đức nhân quả mê tín để lừa đảo và lường gạt những tín đồ nhẹ dạ mê tín, lạc hậu, u mê, v.v… để biến thành một nghề “thầy tụng và phù thủy”.
Người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy đã thực hiện được đạo đức nhân quả là người đã ly dục ly ác pháp; người đã ly dục ly ác pháp là người nhập Sơ thiền; người đã nhập được Sơ thiền là người nhập được bất động tâm định; người đã nhập được bất động tâm định là người đã sống trọn vẹn đạo đức nhân quả, tức là sống toàn thiện.
Chính nơi đây chúng ta đã đạt được mục đích của đạo Phật: “Ly dục ly ác pháp”. Đó là kinh sách Nguyên Thủy đã từng dạy như vậy, còn kinh sách phát triển lại dạy khác hơn: “Kiến tánh thành Phật”, chỉ thấy tánh mới thành Phật, còn không thấy tánh thì chưa thành Phật.
Tu theo đạo Phật, qua sự hiểu biết nông cạn của chúng tôi, chẳng phải tu để làm Phật mà để được thoát ra khỏi bốn sự đau khổ của kiếp làm người. Khi chúng tôi tu đến đây, chúng tôi biết rõ tâm mình bất động trước các pháp. Dù trong hoàn cảnh nào chúng tôi vẫn thấy tâm mình an vui và thanh thản vì đã sống một đời sống đạo đức không làm khổ mình, khổ người.
Như thế chúng tôi cũng hạnh phúc lắm rồi, chúng tôi không dám đòi hỏi những cái cao siêu huyền bí hơn, làm Phật, Thánh, Tiên v.v… Và cũng không dám mơ thần thông phép tắc, tàng hình biến hóa, kêu mây, gọi gió, biết chuyện quá khứ, vị lai v.v...
Còn hiện giờ ai muốn nghĩ về chúng tôi như thế nào cũng được, khen chúng tôi không mừng, chê chúng tôi không buồn vì biết khen chê đó là ác pháp, là pháp làm khổ mình, khổ người.
Chúng tôi đã sanh ra làm người, mà làm người như thế nào có ích cho mình, cho người thì chúng tôi làm, còn những điều gì lừa đảo, lường gạt và làm hại người khác thì chúng tôi không làm, dù có chết chúng tôi cũng vẫn không làm. Không làm không phải chúng tôi sợ quý vị chê cười, mạt sát, mạ nhục, chỉ trích v.v…
Còn chúng tôi làm, không phải vì những lời khen của quý vị hoặc vì danh, vì lợi do sự cúng dường của quý vị. Chúng tôi làm vì con người cần phải có một nền đạo đức công lý, công bằng và bình đẳng, cho nên trước chông gai khó nhọc, gian khổ, nhọc nhằn, dù cho có cay đắng dường nào, có vất vả đến đâu, có nguy hiểm tánh mạng như thế nào thì chúng tôi cũng chẳng sờn lòng vì sống và làm đúng đạo đức và lẽ phải.
Còn những người chưa hiểu chúng tôi, chê trách chúng tôi, nói xấu chúng tôi, chúng tôi chẳng bao giờ hờn giận họ, vì họ chưa hiểu việc làm của chúng tôi, mặc họ nói gì cũng được, dù họ có thù oán chúng tôi, đạp bằng địa cái mảnh đất Trảng Bàng hoặc đốt sạch cái rừng Trảng Bàng này thì chúng tôi cũng chẳng hề phiền trách họ, vì họ đã hiểu lầm việc tu hành và việc làm của chúng tôi mà thôi.
Điều mơ ước của chúng tôi là làm sao đem đạo đức nhân quả đến từng mọi người để mỗi người không còn làm khổ mình, khổ người nữa, thì đó là niềm vui và sung sướng nhất của chúng tôi.
Chúng tôi mong rằng, ngày nào mọi người trên hành tinh này luôn luôn sống đối xử với nhau bằng đạo đức nhân bản - nhân quả với lòng thương yêu và biết tha thứ cho nhau những lỗi lầm, không còn hành động vì mình mà làm khổ mình, khổ người, để mọi người được an vui, hạnh phúc và không bao giờ còn thấy con người còn mang bản chất loài cầm thú hung ác.
Nếu được như ước vọng của chúng tôi thì cuộc sống con người trên hành tinh này là đang sống nơi cõi Cực Lạc, Thiên Đường và sự ước mơ của con người đã thành sự thật, không còn là một giấc mộng.
Sau cùng, mong rằng chúng tôi có nói những lời nói sơ sót nào không vừa ý và bất toại nguyện của quý vị thì xin quý vị vui lòng tha thứ và chỉ dạy cho những chỗ sai lầm ấy để kỳ tái bản sau, những tập sách này sẽ được hoàn chỉnh hơn. Hẹn gặp lại quý vị sau!