Học Giới - Định - Tuệ. Kì 20 (35-39).
35. DIỆT NGÃ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thầy dạy: “Đạo Phật là Đạo diệt ngã.” Con hiểu rằng muốn diệt ngã là phải tu đức nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là để không gặp đối kháng trong đời, để khỏi hao phí lực.
Đáp: Đúng vậy, con đã hiểu đúng ý Thầy dạy phần thứ nhất (không hao phí lực).
Phần thứ hai: nhẫn nhục là tu tâm từ bi; tùy thuận là tu tâm xả; bằng lòng là tu tâm hỷ. Do thế tâm hồn con mới được an lạc thanh thản và giải thoát.
Phần thứ ba: nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng là giúp con tu tập ly dục ly các ác pháp. Ly dục ly các ác pháp tức là diệt ngã. Cho nên người tu sĩ không ly dục ly ác pháp thì không bao giờ diệt ngã được, nhưng ly dục ly ác pháp phải có những pháp hành đúng đắn, nếu không có pháp hành đúng đắn thì sẽ bị phí sức, đôi khi còn lạc vào thiền ức chế tâm, đã không có được giải thoát mà còn sanh bệnh tật rất nguy hại và hiểm nghèo.
Sự tu tập theo Phật giáo phải có thiện hữu tri thức (người đã tu xong) hướng dẫn thì sự tu tập diệt ngã xả tâm không có phí sức. Bởi vì, tu theo giáo pháp của đức Phật, rất nhẹ nhàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức. Còn tu sai không đúng pháp thì phí sức nên sanh ra lười biếng, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, mệt nhọc, tinh thần thiếu sáng suốt, lờ đờ, không tỉnh giác, hay quên trước, quên sau, lẫn lộn, v.v…
Còn tu đúng pháp thì thân tâm nhẹ nhàng, an lạc, thoái mái, dễ chịu, thích tu, siêng năng tinh tấn, không lười biếng, nhất là lúc nào tâm hồn cũng thanh thản, an lạc, hân hoan và vô sự. Tu đúng pháp thì sức khỏe dồi dào, ít bệnh tật. Tuy rằng ngày ăn một bữa cơm, không ăn uống lặt vặt, phi thời nhưng sức khỏe không bị tổn giảm.
Cho nên tu theo pháp của đức Phật liền có sự giải thoát nơi thân tâm, nếu không có giải thoát ngay liền thì đó là chúng ta đã tu sai, cần nên tu sửa trở lại cho đúng cách.
Người tu theo đạo Phật không sợ lạc lối, không sợ tu sai pháp. Vì đạo Phật xây dựng giáo lý của mình trên nền tảng đạo đức làm người, không làm khổ mình, khổ người. Vì thế mỗi hành động thân, khẩu, ý đều xuất phát đầy đủ trọn vẹn thiện pháp. Người sống trọn vẹn đầy đủ thiện pháp là người hạnh phúc nhất thế gian, do đó không còn sự khổ đau nào xâm chiếm tâm hồn họ được.
Vì vậy khi bắt đầu tu là phải sống trong thiện pháp, một thiện pháp được sống và tăng trưởng thì một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ. Một ác pháp được đẩy lui và diệt trừ thì ngay đó chúng ta có tìm thấy sự giải thoát không?
Chắc chắn là có, như vậy chúng ta tu tập theo Phật giáo làm sao sợ sai pháp được? Làm sao đi lạc lối được? Có tu là có giải thoát, có sống là có đạo đức làm người, không làm khổ mình khổ người. Phải không hỡi các con?
36. THIỂU DỤC TRI TÚC
Hỏi: Kính thưa Thầy! Thiểu dục tri túc như con hiểu là để bớt công sức tạo ra vật chất bồi đắp cho mình và bớt công sức tiêu hao vật chất mà mình thu nhận vào thân.
Đáp: Đúng vậy, con đã hiểu được phần thứ nhất thuộc về phần tiết kiệm công sức của thân và tâm. Còn phần thứ hai, thứ ba và thứ tư thuộc về tâm khiến cho tâm con buông xả mọi vật chất (các pháp trần), dù trong hoàn cảnh nào tâm vẫn thấy đủ, đó là cách thức xả tâm, diệt ngã.
1- Phần thứ nhất là tiết kiệm công sức để vun đắp năng lực cho sự xả tâm, ly dục ly ác pháp.
2- Phần thứ hai cũng thuộc về tâm, nhờ sống ít muốn, biết đủ nên tâm dần dần ly dục ly ác pháp, không còn ham muốn vật chất thế gian (các pháp) nên lúc nào tâm cũng thanh thản, an lạc và vô sự.
3- Phần thứ ba thiểu dục tri túc là một Thánh hạnh, một đức hạnh buông xả giải thoát mà người phàm phu không thể sống nổi, không thể làm được. Nhất là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một bát của một vị tỳ-kheo đệ tử của đức Phật thì ít có ai sống và làm được.
Nói đến hạnh thiểu dục tri túc là nói đến một tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không. Trên đời này không còn có một vật gì ràng buộc tâm hồn của họ được. Đi hay ở tùy thích, không có chùa to Phật lớn, không có nhà cao cửa rộng. Nhất là họ đã thoát ra khỏi kiếp nô lệ tiền bạc vì họ không cất giữ tiền bạc. Trên đời này khó mà có ai sống như họ được.
Có như vậy mới gọi là hạnh thiểu dục tri túc, ba y một bát. Nếu một người tu theo đạo Phật mà không sống hạnh thiểu dục tri túc, không ba y một bát thì cuộc đời tu hành của những người này không bao giờ tìm thấy sự giải thoát chân thật, dù trong một phút, một giây cũng không có. Tâm hồn họ còn nặng nề và đang bị trói buộc bởi các pháp thế gian (dục và ác pháp).
37. TĨNH GIÁC
Hỏi: Kính thưa Thầy! Cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo như con hiểu là để quay vào kiểm soát thân tâm, để khỏi bị đời lôi cuốn. Tất cả để bảo tồn năng lượng, năng lực tự chủ, để tới lúc đủ lực vút lên khỏi ngục tù xác thân?
Đáp: Đúng vậy, con đã hiểu được phần thứ nhất về định lực, còn phần thứ hai, thứ ba và thứ tư để Thầy sẽ giảng rõ cho con hiểu thêm:
Thứ hai là hạnh lực “Cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo,” đó là giữ gìn hành động thân, hành động lời nói và hành động suy nghĩ, làm cho oai nghi tế hạnh của con nhẹ nhàng, êm dịu, ôn tồn, nhã nhặn, những hành động đó không thể vô tình, vô ý được. Vì vậy khiến cho các con không làm khổ mình, không làm khổ người khác nữa.
Phần thứ ba là phần tỉnh thức. Khi có cẩn thận, kín đáo, dè dặt, kỹ lưỡng thì phải có sức tỉnh thức rất cao, nếu không tĩnh giác thì cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo chỉ là danh từ suông.
Như con đã biết, về vấn đề tu tập hàng đầu của đạo Phật là tu tập tĩnh giác, có tĩnh giác mới phát hiện được ác pháp và lòng tham đắm của mình, nếu không tĩnh giác mà nói tu theo đạo Phật thì chỉ hoài công vô ích. Cho nên sự tu tập tỉnh thức là một vấn đề quan trọng của đạo Phật.
Phần thứ tư là phần chánh niệm. Khi có cẩn thận, dè dặt, kỹ lưỡng, kín đáo thì tâm luôn luôn ở trong chánh niệm, không có tà niệm xen vào, tức là không có niệm ác.
Tuy những danh từ đơn giản nhưng hiểu ra để tu tập, trau dồi thân tâm là một công trình tu tập, mà còn phải biết các pháp hành đúng như pháp của Phật thì mới có kết quả tốt đẹp. Cho nên người nào có tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì ngoài đời làm ăn cũng dễ thành công, trong đạo tu hành cũng dễ thành tựu viên mãn. Vì có cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì sự tu hành dễ tỉnh thức, các chướng ngại pháp ít xâm chiếm thân tâm. Người cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo mỗi tâm niệm thiện hay ác khởi lên, người ấy dễ nhận thấy được một cách dễ dàng.
Người không có tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo, tánh tình thường thô lỗ, cộc cằn, hung dữ thì tu hành rất khó khăn và đôi khi sự tu hành chẳng đi đến đâu cả, chỉ mang tiếng tu hành chứ chẳng có ích lợi gì cho mình, cho người. Tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo rất quan trọng cho cả cuộc sống đời lẫn cuộc sống đạo.
Người tu tập tỉnh thức, tức là tu tập Thân Hành Niệm. Tu tập Thân Hành Niệm, tức là tập luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo, chứ không phải sự tập trung tâm vào bước đi hoặc mọi hành động của thân, để cho tâm không khởi niệm vọng tưởng, đó là một sự tu tập sai lầm của các cư sĩ và tu sĩ. Họ đã từng tu tập như vậy biết bao thế kỷ nay mà chẳng có ai đạt được ích lợi gì cho bản thân của mình và cho người khác.
Còn tu tập rèn luyện tánh cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo thì ngay trong sự kỹ lưỡng, dè dặt, cẩn thận, kín đáo đó trên mỗi hành động thiện hay ác của họ, liền có sự giải thoát, khiến cho thân tâm được an lạc, thanh thản và vô sự. Vì sự cẩn thận, kỹ lưỡng, dè dặt, kín đáo (tĩnh giác) trong thiện pháp (chánh niệm) nên thường ngăn chặn và diệt trừ các ác pháp (tà niệm).
38. TU TẬP CÓ ĐỐI TƯỢNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con tu tập xả tâm bằng cách: lấy người khác thường làm khó khăn, làm đối tượng tu tập buông xả, dẹp bỏ sân, si, phiền não. Nhờ tu tập như vậy lần lần thấy hết và những khó khăn được gỡ dần, bản thân con thấy an ổn hơn. Bây giờ con bắt đầu tập xả tâm nhớ thường tương tự như vậy. Con trình Thầy cách tập luyện như vậy có được không?
Đáp: Được, đó là lấy đối tượng tu tập Định Vô Lậu, rất thực tế và cụ thể. Cô Út Diệu Quang thường tạo đối tượng giúp các cháu gái tu tập Định Vô Lậu xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp này. Cách thức tu tập này rất khó, nếu là người có chí, có nhiệt tâm, có nhiệt huyết tìm đường tu hành để giải thoát đau khổ của cuộc đời thì một thời gian ngắn đã giải thoát hoàn toàn, đắc định và chứng Tam Minh không có khó khăn. Bằng ngược lại thì đau khổ nhiều, tâm thường sanh oán hận. Nếu tâm thường sanh oán hận, người này đang sống trong cảnh địa ngục và cuối cùng cuộc đời tu hành của họ cũng chẳng có ích gì cho chính bản thân họ, lại càng làm cho họ khổ đau hơn.
Lấy đối tượng tu tập Định Vô Lậu là phải thông suốt lý nhân quả, lý duyên hợp, thân ngũ uẩn, và còn phải dùng pháp hướng tâm “tâm như cục đất.” Phải tập tỉnh thức trong mọi công việc làm hàng ngày, phải thiểu dục tri túc; phải giữ gìn sáu căn: mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý không cho dính mắc sáu trần: sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp. Có tu tập như vậy kết quả giải thoát hiện tiền, mới đem lại đời sống an lạc, hạnh phúc chân thật cho chính bản thân của mình.
Tu tập có đối tượng tức là tu tập Tứ Chánh Cần, tu tập Tứ Chánh Cần có bốn phần:
1- Ngăn ngừa các ác pháp, giúp tâm không phóng dật theo các pháp bên ngoài.
2- Đoạn diệt các ác pháp, quyết tâm tận diệt các ác pháp, khi các ác pháp đã làm chướng ngại tâm làm cho tâm phiền não và khổ đau.
3- Luôn luôn giữ gìn và bảo vệ tâm trong thiện pháp, không để tâm bị ác pháp xâm chiếm.
4- Lúc nào cũng tìm mọi cách để tâm được thanh thản, an lạc và vô sự.
Tu có đối tượng là người phải có nghị lực, dũng cảm, gan dạ, kiên nhẫn, bền chí. Luôn luôn chiến đấu nhưng quyết định phải dành được phần thắng về mình, nhất định là không chịu thất bại trước các ác pháp nào cả. Người có ý chí có quyết tâm như vậy thì chắc chắn phải thành tựu viên mãn trong sự tu tập.
Tu có đối tượng tuy khó nhưng kết quả dễ nhận ra và nhận ra rõ ràng, cụ thể. Tu tập có đối tượng không sợ bị ức chế tâm, không sợ lạc vào thiền tưởng, nhưng phải tránh sự chịu đựng. Tu tập có đối tượng dễ phát triển tri kiến giải thoát, vì phải thường xuyên quán xét, tư duy, suy nghĩ, làm việc nhiều về trí óc. Phát triển tri kiến giải thoát tức là phát triển trí tuệ đạo đức nhân bản - nhân quả.
Người tu tập phát triển tri kiến giải thoát là người sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả. Nhờ đó tâm họ ly dục ly ác pháp một cách dễ dàng. Tâm ly dục ly ác pháp là tâm không phóng dật. Người tu hành tâm không phóng dật là tâm giải thoát. Như đức Phật đã dạy: “Ta thành Chánh giác là nhờ tâm không phóng dật, muôn pháp lành cũng từ nơi đó sanh ra.”
39. XẢ SẠCH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Biết bao giờ tâm con mới xả sạch?
Đáp: Nếu thấu rõ đời sống con người là khổ, khổ như thật. Trong cõi đời này không có một vật gì là của mình, là mình cả, và những vật ấy không bao giờ thường còn mãi mãi, luôn có sự thay đổi vô thường từng phút giây. Vì thế, sáng vui, chiều khóc, chiều vui, sáng khóc. Đời sống con người là vậy, vui ít, khổ nhiều, có gì là hạnh phúc đâu; có gì mà tham đắm.
Nếu một người không biết nhàm chán những sự cám dỗ của cuộc đời này để vượt ra khỏi những khổ đau của kiếp làm người mà cứ mãi đắm chìm theo dục lạc của nó thì khó mà buông xả sạch. Nếu không chịu khó thường quán xét, tư duy thì không thể nào thấu suốt lý vô thường, khổ đau và vô ngã của vạn pháp trong thế gian này thì làm sao buông xả sạch vạn pháp cho được.
Nếu tâm còn ham thích, chưa ngao ngán, chán chường cuộc sống này thì làm sao xả bỏ sạch được, nếu xả bỏ sạch không được thì cuộc đời tu hành chỉ hoài công vô ích mà thôi. Đạo Phật là đạo buông xả, có nghĩa buông xuống không dính mắc bất cứ một vật nào cả, còn dính mắc dù cho một pháp nhỏ nhất như đầu mũi kim thì cũng chưa chấm dứt sanh tử, luân hồi.
Buông xuống, không có nghĩa trốn tránh, tiêu cực trong cuộc sống, như có một số nhà học giả hiểu Phật giáo như vậy, hiểu trong tinh thần tiêu cực, thụ động. Ngược lại Phật giáo buông xuống nhưng có nghĩa là tích cực, năng nổ làm việc để đem lại cho mình cho người có một cuộc sống ấm no đầy đủ, nhưng không vì vật chất mà chà đạp, xâu xé lên nhau để chiếm đoạt về phần mình nhiều hơn. Do đó buông xuống có nghĩa là không dính mắc, chứ không có nghĩa tiêu cực không làm việc.
Nhàm chán không có nghĩa là chán đời. Ở đây có nghĩa là thấu suốt được vạn pháp không có thực thể, nên tâm không còn tham đắm và dính mắc nó nữa. Nói buông xả có nghĩa là sống một đời sống ly dục ly các ác pháp, khiến cho tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự.
Nói buông xả là nói đến một đời sống đạo đức nhân bản - nhân quả, không làm khổ mình, khổ người. Một đời sống đức hạnh tuyệt vời mà mọi người hằng mơ ước. Bởi vậy con hãy cố gắng xả cho thật sạch. Xả cho thật sạch thì tâm con được an lạc, thanh thản và vô sự. Một trạng thái vô cùng an ổn và lợi ích cho muôn vạn người và tất cả chúng sanh, chứ không ích kỷ, nhỏ mọn, hẹp hòi như cuộc sống của con người hiện nay. Con người hiện nay đang sống trên sự đau khổ của muôn loài chúng sanh nhưng vô tình họ nào có hay biết gì đâu.
Con hãy cố gắng xả cho thật sạch thì sự tu tập của con không phí bỏ vô ích một kiếp làm người. Vì những điều con muốn biết, muốn hiểu, con đều sẽ hiểu biết tất cả. Không gian và thời gian không còn chia cắt và ngăn cách đối với con nữa. Rồi con sẽ hiểu: “Con người từ đâu sanh ra và chết đi về đâu?”
Và con còn sẽ hiểu hơn nữa: “Không có con người sanh tử mà chỉ có sự thay đổi hợp, tan của môi trường sống theo định luật của nhân quả.” Hãy cố gắng tu tập buông xả con ạ! Không uổng phí công tu tập, không hoài công đâu con ạ!
“Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi!
Chớ giữ làm chi có ích gì.
Ôm vào đau khổ vô cùng tận,
Buông xuống ngay liền vạn khổ đi.”
Buông xuống đi! Hãy buông xuống đi, con sẽ thấy hạnh phúc vô cùng, vô tận. Cuộc sống của con người chỉ là một vở tuồng trên sân khấu nhân quả, có đáng gì cho chúng ta đắm mê mà không buông bỏ được, phải không hỡi con? Chỉ toàn là khổ đau, khổ đau vì tranh ăn; khổ đau vì danh lợi; khổ đau vì hơn thua, v.v... Cho nên đạo Phật ra đời dạy: “Con người bỏ xuống tất cả các ác pháp và sẽ được tất cả các thiện pháp.” Đó là một bí quyết bảo vệ môi trường sống trên hành tinh này, đem lại cho muôn loài một đời sống công bằng và công lý.