Học Giới - Định - Tuệ. Kì 15 (13-15)
13. PHIỀN NÃO TỨC BỒ ĐỀ
Hỏi: Kính Thưa Thầy, người tu có đối tượng và người tu không đối tượng, vậy người nào tu mau kết quả hơn?
Đáp: Người tu có đối tượng kết quả xả tâm nhanh hơn, còn người tu không có đối tượng kết quả chậm hơn. Nhưng phải biết nhiều khi có đối tượng tức là có chướng ngại pháp trong tâm mà không xả, chỉ có kham nhẫn chịu đựng cho nên trong lòng rất buồn phiền và đau khổ.
Đó là tu có đối tượng lại ức chế tâm thành ra tạo khổ thêm cho mình chứ không có giải thoát. Tu có đối tượng dễ nhận xét được tâm mình xả hay là ức chế rất rõ ràng, còn tu không có đối tượng nên không biết mình có xả được chướng ngại pháp trong tâm không, lúc nào cũng thấy tâm hồn mình yên tịnh, nhưng sự yên tịnh đó là sự yên tịnh không có đối tượng.
Trong đạo Phật lấy hạnh đi xin ăn từng miếng, từng nhà để sống, tức là tạo đối tượng diệt ngã xả tâm ly dục ly ác pháp. Nhờ đi xin ăn nên va chạm với mọi giới trong xã hội, do đó mới rõ thấu được tâm mình có xả hay không xả, bất động hay bị động, vì thế sự tu tập có đối tượng dễ tu tập hơn là không có đối tượng. Hạnh đi xin ăn là một pháp môn tu xả tâm có đối tượng rất tốt; hạnh đi xin ăn được mọi người cung kính khen tặng cũng nhiều, nhưng chê bai khinh bỉ cũng không ít.
Cho nên tu sĩ đạo Phật không thể sống một mình mà sống chung trong tập thể. Sống chung trong tập thể nhưng lại sống một mình. Vì phòng hộ sáu căn nên ít tiếp duyên với mọi người, để không tạo chướng ngại pháp trong tâm của người khác. Còn những người khác thường hay tạo chướng ngại pháp trong tâm của mình thì phải quán xét tư duy quét sạch những chướng ngại pháp đó ra khỏi tâm mình. Hằng ngày nên nhớ tu Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu, đó là tu trên bốn chỗ: 1- Nơi thân; 2- Nơi thọ; 3- Nơi tâm; 4- Nơi các pháp.
Hiện giờ các con tu tập quán xét về nơi các pháp nhiều nhất, pháp thiện và pháp ác. Pháp ác luôn luôn dồn dập tới tấp, nếu các con không đủ sức kham nhẫn, không đủ nghị lực chịu đựng, không đủ tri kiến giải thoát và không đủ trí tuệ nhân quả thì các con phải bỏ cuộc tu hành như các bạn của các con.
Trong bốn nơi tu tập này, các con chỉ cần tu xả được một nơi là các con đã xả được tâm tham, sân, si của mình, chứ không phải các con tu hết bốn chỗ, hoàn cảnh của các con là tu nơi các pháp. Đẩy lui chướng ngại pháp trong tâm của các con là các con đã chiến thắng các ác pháp bên ngoài. Khi các con chiến thắng các ác pháp bên ngoài là tâm các con bất động, đó là một loại thiền định mà đức Phật gọi là Bất Động Tâm Định, nó còn có một cái tên nữa là Vô Tướng Tâm Định.
Muốn chiến thắng nơi các pháp thuộc về Tứ Niệm Xứ như ở trên Thầy đã dạy:
1- Phải đầy đủ sức kham nhẫn.
2- Phải có nghị lực dũng mãnh.
3- Phải đầy đủ tri kiến giải thoát.
4- Phải có trí tuệ nhân quả.
Khi các pháp ác dồn dập tới tấp như bão tố, sóng thần, nếu chúng ta không đủ sức kham nhẫn thì chúng ta sẽ bị bão tố và sóng thần cuốn trôi đi. Muốn có đủ sức kham nhẫn để không bị bão tố và sóng thần thổi cuốn trôi thì hằng ngày chúng ta nên tu tập pháp hướng tâm:
“Tâm bất động như núi đá, khen không mừng, chê không buồn, chửi mắng, mạ nhục không giận, phải trơ trơ như tường đồng vách sắt.”
Với những câu hướng tâm này các con cần phải thuộc lòng và phải luyện tập cho có lực, khi gặp các pháp ác đến tới tấp thì các con mới đủ sức kham nhẫn vượt qua và cuối cùng các con mới xả được. Nếu là tu pháp xả tâm mà tu không đúng cách thức xả tâm, khi ở một mình thì lại bị ức chế tâm mà không biết, trường hợp như quý thầy, quý cô và quý cư sĩ thích sống độc cư, mà độc cư không trọn vẹn, độc cư không đúng cách.
Khi độc cư không trọn vẹn, không đúng cách trở thành ích kỷ, lười biếng, ăn không ngồi rồi tưởng là mình tu tập xả tâm, nhưng không ngờ lại ức chế tâm.
Các con nên lưu ý điều này trên bước đường tu tập, khi tâm còn phóng dật mà vội khép mình độc cư một trăm phần trăm thì đó là ức chế tâm. Cho nên có nhiều người nhập thất chuyên ngồi thiền, hoặc niệm Phật, hoặc niệm chú, tưởng thực hành như vậy là sẽ nhập định và khi có thiền định thì sẽ có trí tuệ.
Nhưng không ngờ sống tu một mình như vậy là ức chế tâm, ức chế tâm là rơi vào tưởng tuệ, do tưởng tuệ phát sanh nên bản ngã càng lớn, bản ngã càng lớn thì tâm tham, sân, si càng nhiều, như vậy là tu sai pháp của đức Phật, lọt vào tà pháp của ngoại đạo.
Khi tâm hết phóng dật là tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã ly dục ly ác pháp nên lúc nào tâm cũng định vào thân. Nếu thân bất động thì nó định vào sự bất động của thân, nếu thân còn động thì nó sẽ định vào sự động của thân.
Do đó khi nó định vào thân, thân đi thì nó biết thân đi, thân làm thì nó biết thân làm, thân ngồi thì nó biết thân ngồi, thân thở thì nó biết thân thở, nó biết hơi thở ra và hơi thở vô, thân nằm thì nó cũng biết thân nằm. Chỗ này các con nên lưu ý phân biệt cho rõ ràng, khi tâm không phóng dật thì tâm thanh tịnh, tâm thanh tịnh thì tâm định trên ba nơi:
1- Nếu thân đi hay làm việc gì thì tâm định nơi hành động đi hoặc nơi hành động việc làm.
2- Nếu thân ngồi, nằm thì tâm định nơi hơi thở vô, thở ra.
3- Nếu thân không hoạt động, không thở vô thở ra thì tâm định trên thân bất động của nó chứ nó không có phóng tâm chạy theo các pháp bên ngoài.
Cho nên người tu có đối tượng cũng như người tu không có đối tượng đều do sự tu tập đúng hay sai. Có đối tượng mà nén tâm chịu đựng, ôm ấp đau khổ trong lòng mà không nói ra được tức là ức chế tâm. Có đối tượng mà tu như vậy cũng không có kết quả, chỉ là làm khổ thân tâm của mình mà thôi.
Tu có đối tượng mà quyết tâm tìm đường giải thoát, nhất định xả bỏ các ác pháp gây chướng ngại cho tâm thì người ấy tu mau. Vì tâm như cục đất họ đã giải thoát trong mọi ác pháp, họ còn mang thân người nhưng tâm họ là tâm của bậc Thánh (bất động). Tu có đối tượng thì nhận được tâm mình phàm hay Thánh rất dễ dàng và cũng dễ nhận ra mình có ức chế tâm hay không rất cụ thể.
Tu không có đối tượng rất khó nhận ra tâm mình phàm hay Thánh và cũng rất khó nhận ra tu có ức chế tâm hay không. Khi mà nhận ra được thì thân tâm đã thành bệnh và phí uổng một cuộc đời tu hành. Hầu như những người tu không có đối tượng phần nhiều là tu sai, đều bị ức chế tâm như kinh sách Đại Thừa và Thiền Đông Độ dạy.
Tóm lại, tu có đối tượng mà có nhiệt tâm, quyết xả bỏ các chướng ngại pháp, thường dẫn tâm vào chỗ thanh thản, an lạc và vô sự thì tu rất nhanh, cho nên kinh dạy: “Phiền não tức bồ đề.” Nơi đâu có chướng ngại pháp thì nơi đó có giải thoát, nơi đâu có phiền não, có đau khổ thì nơi đó có giải thoát, có giải thoát tức là có tu.
Còn nơi đâu không có chướng ngại pháp thì nơi đó không có giải thoát, coi chừng bị ức chế tâm, tu mà muốn sung sướng nuông chiều, yên tịnh an ổn thì nơi đó chỉ là tránh né trốn chạy chướng ngại pháp, người tu mà cầu mong như vậy thì đi tu chỉ uổng công mà thôi, phí một đời chẳng ích gì cho mình cho người mà còn ăn bám vào người khác.
14. TU BAO LÂU NỮA MỚI DIỆT ĐƯỢC TẦM TỨ?
Hỏi: Kính thưa Thầy, con tu như vậy còn bao lâu nữa mới diệt được tầm và tứ? Vậy mong Thầy chỉ dạy.
Đáp: Qua sự trình bày tu tập “Định Niệm Hơi Thở của con,” có lúc con nhắc một, hai câu đầu rồi nương theo hơi thở cho đến hết 30 phút, đó là con đã diệt tầm và tứ trong con rồi. Nhưng con phải hiểu đó là con ức chế tâm diệt tầm tứ chứ chưa phải diệt tầm tứ chân thật.
Vì ức chế tâm diệt tầm tứ như vậy thì con sẽ rơi vào định tưởng và con sẽ gặp các trạng thái hỷ tưởng xuất hiện: rởn ốc, rùng mình, cảm giác mát mẻ, xây xẩm chút ít, thấy trong mình nặng nặng, chảy nước mắt, thấy màu đỏ, thấy ánh sáng, cảm giác rát rát ở thân, nhột nhột như ruồi hay kiến bu, kiến bò ở mặt, ở tay, ở lưng, nhưng khi rờ phủi thì không có gì hết. Có khi bị mất ngủ, có khi thân mình lúc lắc, nghiêng qua nghiêng lại, có khi hất tay hất chân như lên đồng, có khi thấy thân mình đang ngồi bay lên không, có khi gục tới gục lui, có khi xây qua xây lại, có khi há miệng, có khi miệng nói lầm thầm, v.v…
Diệt tầm tứ bằng cách ức chế tâm thì rất là nguy hiểm, tất cả những trạng thái trên đây đều do thiền ức chế tâm mà ra. Những người hành thiền không đúng đường lối của đức Phật đã dạy thì phần đông đều rơi vào những trạng thái ma tưởng này.
Cho nên trong thời đại này, người tu thì đông nhưng chẳng có người nào tu tập làm chủ sanh, già, bịnh, chết được, tâm luôn luôn còn tham, sân, si, phiền não. Chỉ vì cứ lo tu tập cho hết vọng tưởng mà không lo xả tâm tham, sân, si. Cứ thích ngồi cho nhiều giờ kéo dài trạng thái không vọng tưởng, nhưng có ích lợi gì cho mình cho người, tánh nào cũng còn tật nấy.
Ngồi cho nhiều diệt tầm tứ sạch mà giới luật chẳng ra gì, còn đắm chìm trong dục lạc ăn ngủ, còn thọ những bịnh tật khổ đau, sống bằng thuốc, bằng gạo lứt muối mè, hay phải nhịn ăn để trị bịnh.
Tu mà không có pháp làm chủ sự sống chết, cứ ngồi thiền cho nhiều, tầm tứ không có nhưng sống chết không làm chủ được thì ngồi nhiều và diệt tầm tứ có ích lợi gì. Tu như vậy cuộc sống không làm chủ được tâm, tâm luôn luôn bị động trước các chướng ngại pháp thì tu diệt tầm tứ để làm gì?
Cho nên con đừng lo diệt tầm tứ mà hãy lo xả tâm và nhập cho được Bất Động Tâm Định. Hãy cố gắng hằng ngày hướng tâm: “tâm như cục đất” để tâm con trở thành cục đất thật sự thì lúc bây giờ con đã nhập được Bất Động Tâm Định. Nhập được Bất Động Tâm Định, con sẽ đạt được lợi ích rất lớn, không làm khổ mình khổ người, tâm hồn con lúc nào cũng thanh thản, an lạc và vô sự, đó là một hạnh phúc rất lớn cho con. Con hãy cố và cố gắng hơn thì sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết sẽ đến với con trước mắt và lúc chết con biết nơi con về.
15. LÀM VIỆC BIẾT LÀM VIỆC CÓ XẢ TÂM KHÔNG?
Hỏi: Kính thưa Thầy, tại sao vừa làm việc, vừa suy tư để buông xả tâm mình, nhưng con lại tu không được hay chính hành động con làm là buông xả chăng? Có đúng như vậy không?
Đáp: Vừa làm vừa suy tư để buông xả tâm mình là tu Định Vô Lậu câu hữu Thân Hành Niệm, tức là tỉnh thức trong hành động làm việc để xả tâm.
Vừa làm vừa không suy tư, chỉ biết hành động đang làm là tu Chánh Niệm Tỉnh Giác Định. Chính hành động đang làm mà biết đang làm là tỉnh thức, chớ không phải buông xả, có tỉnh thức mới biết cái đúng cái sai, mới biết nhẫn nhục, tùy thuận, bằng lòng mà buông xả. Buông xả là tu Định Vô Lậu.
Tâm tỉnh thức trong hành động làm, tức là tâm biết mình đang làm công việc đó, không có niệm khởi hoặc tùy miên trong niệm hoặc vô ký tức là quên (quên hành động làm) thì đó mới chỉ là tỉnh thức chứ chưa xả niệm. Con nên phân biệt Định Vô Lậu và Định Chánh Niệm Tỉnh Giác (Thân Hành Niệm) khác nhau nhưng rất hỗ trợ cho nhau trên đường tu tập giải thoát nếu biết kết hợp lại.
Con nên phân biệt khi làm việc biết mình làm việc nhưng phải nhớ dùng pháp hướng tâm như lý tác ý: “Tâm như đất, không còn tham, sân, si nữa; tham, sân, si là khổ đau, là ác pháp, phải viễn ly, phải xa lìa, phải đoạn diệt không được để trong tâm nữa, nếu không xa lìa các ác pháp đó tức là ngu si.”
Vừa làm việc vừa tỉnh thức trong động, vừa làm việc cũng vừa thỉnh thoảng hướng tâm, nhắc tâm; hướng tâm, nhắc tâm càng nhiều càng tốt trong việc Chánh Niệm xả tâm.
Mục đích tu hành xả tâm tham, sân, si là phải tỉnh thức để xả tâm nhờ pháp hướng, nếu tâm đang thanh thản, an lạc và vô sự thì pháp hướng là một vai chánh trong sự tu tập xả tâm và ác pháp, chứ không phải tâm con biết hành động làm là buông xả mà chính pháp hướng tâm là buông xả.
Còn khi tâm có niệm chướng ngại pháp khởi sanh thì con phải tỉnh ngay niệm khởi đó để dùng Định Vô Lậu quán xét cho thấu suốt niệm khởi đó để hoàn toàn đẩy lui khỏi tâm con thì mới gọi là xả tâm.