Học Giới - Định - Tuệ. Kì 17 (19-24).
Hỏi: Kính thưa Thầy! Lúc này con gom tâm rất chậm từ 10 phút đến 15 phút mới gom được là tại sao?
Đáp: Gom tâm chậm là pháp hướng tâm còn yếu, tỉnh thức chưa cao và chưa biết cách thức gom tâm. Cách thức gom tâm cũng không khó khăn gì lắm, nhưng phải thường xuyên tu tập những cách sau đây:
1- Phải thường xuyên đi kinh hành, phải biết đi kinh hành đúng pháp môn, đúng cách đi kinh hành, làm mọi việc phải biết làm mọi việc, hoặc ngồi tại chỗ biết ngồi tại chỗ, trong lúc ấy thường hướng tâm nhắc:
“Tâm phải gom về thân hành, thân làm cái gì thì tâm phải biết làm cái nấy, không được phóng dật ra ngoài, không được đi lang thang, không được nghe ngóng, phải gom về thân hành cho thật chặt.” Con nên tu tập tỉnh thức bằng pháp hướng này thì kết quả con gom tâm rất nhanh.
2- Con nên theo phương pháp thở hơi thở chậm này để gom tâm. Trước khi thở hơi thở chậm con hướng tâm: “Tâm phải tập trung vào hơi thở tại nhân trung,” hướng tâm xong con hít vô chậm chậm cho đến khi không còn hít vô được thì con bắt đầu thở ra, và thở ra cũng chậm chậm cho đến khi hết thở ra được thì con thở trở lại hơi thở bình thường.
Sau khi mười hơi thở bình thường con đã thở xong thì con thở trở lại hơi thở chậm chậm và nhẹ, trước khi thở hơi thở chậm chậm thì con lại hướng tâm một lần. Cứ như thế mà con tu đến 30 phút thì xả nghỉ.
Tóm lại, khi dùng hơi thở chậm thì con gom tâm rất dễ dàng, không còn khó khăn. Nếu 10 hơi thở con thấy sức gom tâm còn yếu thì con nên tu năm hơi thở bình thường và một hơi thở chậm, khi nào tâm con gom được thì con chỉ thở hơi thở bình thường mà không cần thở hơi thở chậm và nhẹ nữa.
Con nên cố gắng tu tập rồi báo cáo cho Thầy biết để chỉnh đốn lại cho đúng. Khi tu tập đúng là có kết quả ngay liền, còn ngược lại có trạng thái nặng đầu, căng mặt thì con hãy ngưng sự tu tập và hỏi lại Thầy để tu tập cho đúng đặc tướng. Chúc con tu tập tốt và thành công.
20. TÂM BUNG RA HOẶC RƠI VÀO VÔ KÝ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Con gom tâm yên lặng chỉ 15 phút hoặc 20 phút thì tâm con lại bung ra hoặc rơi vào vô ký. Thưa Thầy có cách nào an trú trong yên lặng và đừng để rơi vào vô ký không?
Đáp: Định diệt tầm giữ tứ con tu chưa được thuần thục, phải tu trở lại, luôn luôn phải giữ tứ trong câu pháp hướng: “Tâm phải gom trong hơi thở, hơi thở chậm và nhẹ.” Trong khi ngồi tu con luôn nhắc câu trên đây, không cần đếm. Tu như vậy tâm sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký.
Còn một cách khác nữa là tâm con sẽ không bung ra và không rơi vào vô ký, con hãy đứng dậy ngay liền đi kinh hành 20 bước và ngồi xuống đếm năm hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành 20 bước, cứ thế tiếp tục tu tập mãi cho hết giờ xả nghỉ.
Tu như vậy con nên ghi nhớ trong mọi hành động khi ngồi, khi thở, khi đứng dậy, khi đi kinh hành và khi hướng tâm, con không được quên, nếu thấy mệt thì tu ít giờ trở lại, không được tu tập quá sức.
Còn một cách nữa là lúc nào con cũng đẩy lui các ác pháp trên thân, thọ, tâm và pháp của con thì tâm con tự gom vào hơi thở nên không có khó khăn, không có mệt nhọc. Đó là tâm không phóng dật
Có tu như vậy tâm con sẽ không bị bung ra và không rơi vào vô ký; tu như vậy sẽ có một sức tỉnh thức đầy đủ để xả tâm và tâm định tỉnh luôn ở trong chánh niệm tỉnh giác. Vì thế, không có dục và các ác pháp tác động vào thân tâm con được.
21. HÔN TRẦM VÀ LƯỜI BIẾNG
Hỏi: Kính thưa Thầy! Bị hôn trầm và lười biếng con phải phá như thế nào?
Đáp: Gặp bệnh này con phải hết sức chiến đấu với nó, biết có trạng thái muốn nằm ngủ thì không nên ngồi mà phải đứng dậy đi kinh hành liền không được chậm trễ, vì chậm trễ lười biếng sẽ lôi con nằm xuống và tâm con sẽ có những lý luận rất tinh vi để lôi con nằm hoặc ngồi tu rồi ngủ. Gặp bệnh này:
1- Con phải hướng tâm nơi bước chân đi và tác ý to tiếng: “Tâm phải luôn tập trung vào bước chân đi, không được xao lãng.”
2- Tìm một bài kệ, một câu thơ thường nhắc đến sự chết và tất cả sự vô thường đau khổ của thân người để cảnh giác. Từ đó con quán xét đường tu hành của con hiện giờ tu hành chưa đến đâu mà lỡ vô thường nhân quả đến thì lấy gì tiếp tục tu đây. Mất thân rồi biết còn có được thân sau nữa hay không?
Khi tư duy như vậy rồi con lại đem thân ra suy nghĩ kế tiếp về nghĩa lý vô lậu hoặc về thân vô thường, bất tịnh, vô ngã và đau khổ. Hoặc nhớ lại người cha thân yêu của mình đã mất, mình phải siêng năng tinh tấn tu tập để tìm thấy cha mình sanh về đâu. Tốt nhất muốn phá tâm hôn trầm thùy miên và lười biếng thì con nên đi kinh hành 20 bước rồi lại ngồi tu 5 hơi thở, cứ tu tập như vậy mãi chừng nào hết hôn trầm thùy miên và lười biếng thì mới thôi. Tu 5 hơi thở rồi đứng dậy đi kinh hành là phương pháp phá và diệt sạch hôn trầm tuyệt vời. Các con nên cố gắng tu tập thì sẽ chiến thắng trong tay.
Nếu hôn trầm thùy miên quá nặng thì mỗi bước đi thì mỗi tác ý to tiếng kèm theo như truyền lệnh: “Chân mặt bước! Chân trái bước!!!” Cứ mỗi lệnh là một hành động làm theo đúng lệnh. Lệnh truyền như tiếng thét. Có tu tập như vậy con mới phá được hôn trầm, vì hôn trầm rất khó phá. Đừng để gục rồi mới đi kinh hành là quá trễ, vừa thấy dạng hôn trầm là đứng dậy ngay liền, chiến đấu liền, không được xem thường nó.
Ngay từ lúc đầu phải chiến đấu tận lực thì mới mong thắng được nó. Hôn trầm thùy miên là trạng thái tâm si của con, vì vậy nó rất khó trị. Tu hành thường bị nó cản trở nên rất khó dẹp, phải bền chí kiên cường, giờ giấc phải nghiêm chỉnh. Lúc nào cũng đề cao cảnh giác trạng thái lười biếng, hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v...
22. DIỆT TẦM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Làm cách nào để diệt được tầm hết hẳn, không còn trở tới trở lui nữa?
Đáp: Muốn diệt được tầm hết hẳn trong thời gian 30 phút hoặc một giờ thì tu “định diệt tầm giữ tứ.” Lâu lâu tầm vẫn còn tái diễn là tu định diệt tầm chưa thuần. Định diệt tầm chưa thuần mà vội xả tứ nó có hai trường hợp xảy ra.
1- Tầm không dứt, thường tái diễn trở lại.
2- Tầm chưa dứt sạch mà bỏ tứ thường xảy ra vô ký.
Muốn diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền mà Sơ Thiền chưa nhập được thì làm sao diệt tầm tứ nhập Nhị Thiền. Bởi vì Nhị Thiền là bắt đầu thân định. Trong pháp tu hành về thiền định, tâm chưa định mà thân định thì không bao giờ có được, họa may có định cũng chỉ là định tưởng mà thôi.
Định ly dục ly ác pháp chưa nhập được mà lo tu tập định diệt tầm tứ thì đó chỉ là mơ mộng mà thôi. Một người nhập được chánh định thì người ấy phải sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào cả, bởi từ giới luật thanh tịnh nó mới có đủ Tứ Thần Túc. Có đủ Tứ Thần Túc thì mới diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền. Cho nên giới luật không thanh tịnh thì không bao giờ nhập Sơ Thiền được huống là Nhị Thiền
Tại sao các con không diệt được tầm tứ nhập Nhị Thiền? Tại vì tâm các con chưa ly dục ly ác pháp, nói cách khác cho dễ hiểu hơn, tại vì các con còn phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới, tâm chưa thanh tịnh giới. Lấy giới luật mà xét thì biết người nào nhập định và không nhập định rất rõ ràng và cụ thể. Dù cho họ có ngồi thiền một, hai, ba ngày hoặc bảy, tám ngày thì đó là thiền tưởng, tà thiền, chứ không phải là chánh định của đạo Phật.
Khi tâm thanh tịnh tức là tâm ly dục ly ác pháp xong thì người này tu định diệt tầm giữ tứ, tức là khi tâm họ không còn phóng dật thì họ tìm nơi gốc cây bóng mát nơi vắng vẻ, nơi không có người lai vãng, họ ngồi kiết già lưng thẳng. Và khi tâm họ bắt đầu an lạc thanh thản và vô sự thì họ dùng pháp hướng tâm: “Tâm phải diệt tầm,” đến khi ta thấy tầm không còn nữa, nghĩa là ta còn thấy rõ bốn chi thiền của Sơ Thiền: Tầm, tứ, hỷ, lạc và nhất tâm thì lúc bây giờ chúng ta mới tu định diệt tầm tứ như trên Thầy đã dạy. Phần đông người tu thiền thời nay, tu chưa xong lớp thiền này thì vội tu lớp thiền khác, tu như vậy là tu sai không có lớp lang, tu lộn xộn, tu theo kiến giải tưởng giải của người xưa, v.v...
Khi tu tập Tứ Niệm Xứ, bốn chỗ: thân, thọ, tâm, pháp được sung mãn thì Tứ Thần Túc xuất hiện. Tứ Thần Túc xuất hiện thì dùng ngay Định Thần Túc nhập các định không còn khó khăn, mệt nhọc, không còn phí sức tu tập, nhập định dễ như trở bàn tay, như lấy đồ trong túi.
23. TU ĐỊNH VÔ LẬU TRONG TẤT CẢ HÀNH ĐỘNG VÀ VIỆC LÀM
Hỏi: Kính thưa Thầy! Từ nay con tu tập Định Vô Lậu nhiều hơn, có khi ngay cả trong giờ làm việc và cả giờ tối tu Định Niệm Hơi Thở có được không thưa Thầy?
Đáp: Được, càng tu tập Định Vô Lậu càng xả tâm nhanh chóng, càng thấy kết quả nhanh hơn:
1- Thân được an vui, thanh thản.
2- Tâm bất động như cục đất trước các đối tượng.
3- Tâm được chánh định, không rơi vào tà định.
4- Pháp hướng có hiệu quả và hiệu quả mầu nhiệm siêu việt lạ lùng.
Nhưng có một điều con cần lưu ý tất cả pháp hành trong Phật giáo đều nhắm vào một mục đích duy nhất là vô lậu. Vậy lúc nào tu Định Vô Lậu để quán vô lậu; lúc nào tu Định Niệm Hơi Thở để quán vô lậu; lúc nào đi kinh hành để quán vô lậu; lúc nào làm việc để quán vô lậu; lúc nào tu Định Niệm Hơi Thở để tác ý vô lậu; lúc nào đi kinh hành để tác ý vô lậu, lúc nào làm việc để tác ý vô lậu, đó là những điều cần thiết vừa đủ để tu tập tâm vô lậu.
Nhưng phải rất thiện xảo và phải luôn nhớ đừng quên, đây là cốt lõi trên đường tu tập giải thoát của đạo Phật. Đọc trong thư con thì sự hiểu biết của con về Phật pháp chỉ mới trang bị cho sự bắt đầu những điều chân chánh để tu tập, nhưng còn áp dụng vào cuộc sống thì lại là một điều khác. Muốn có kết quả giải thoát thân tâm thì phải:
1- Thường xuyên thưa hỏi mọi tâm niệm xảy ra của mình để được thông suốt và hóa giải do người thiện hữu trí thức thân cận.
2- Phải siêng năng tu tập chánh niệm tỉnh giác trong tất cả mọi hành động và trong tất cả việc làm, không chỉ riêng tu Định Niệm Hơi Thở, mà còn phải tu luôn cả Định Vô Lậu. Nhưng phải lưu ý tỉnh giác không phải chỉ biết có tỉnh giác trong thân hành niệm nội và ngoại, mà còn phải tỉnh giác trong chánh niệm, tức là biết hành động của thân, khẩu, ý của mình đang làm việc gì thiện hay ác. Lại còn phải biết các pháp bên ngoài thiện hay ác để ngăn chặn và diệt ác pháp, còn thiện pháp thì tăng trưởng. Có như vậy mới được gọi là tỉnh giác trong chánh niệm của cuộc sống.
3- Siêng năng tu tập Định Vô Lậu, quán xét tư duy về đời sống là khổ, lòng ham muốn là khổ, nhân quả là khổ, ái dục là khổ, sân hận là khổ, nhớ thương là khổ. Thân, thọ, tâm, pháp vô thường bất tịnh là khổ. Thực phẩm bất tịnh thường ăn vào sinh ra bệnh tật, ái dục bất tịnh sinh ra dục lạc khiến tâm mê mờ tạo nhiều ác nghiệp là khổ v.v… Quán tưởng nhàm chán cuộc sống thế gian là khổ, vì vui đó rồi lại khổ đó, khổ đó rồi lại vui. Cuộc sống của con người giống như một vở tuồng trên sân khấu, không có gì bảo đảm.
4- Phải dứt khoát xả tâm cho thật sạch (tâm như cục đất) thì mới mong có sự thanh thản, an lạc và vô sự.
Đó chỉ là mới có sự bắt đầu cho một cuộc sống biết tu hành, chứ chưa phải là thấm nhuần sự giải thoát. Cho nên “hiểu biết chỉ là một sự mới bắt đầu tỉnh thức cho một điều kiện nhân quả thiện để chuyển đổi nhân quả ác.”
24. CÓ SỰ ĐIỀU KHIỂN TRONG HƠI THỞ LÀ CHƯA NHẬP ĐỊNH
Hỏi: Kính thưa Thầy! Khi hơi thở thật nhẹ, rất thông và dài nhưng cũng có sự điều khiển phải không thưa Thầy?
Đáp: Khi hơi thở thông nhẹ và dài mà còn có sự điều khiển bằng pháp hướng hoặc bằng sự vận dụng thì đó là đang tập tu nhiếp tâm, chứ không phải nhập định. Nhất là đang tu định diệt tầm giữ tứ thì mọi sự điều khiển và sự hướng tâm là rất cần thiết cho định này.
Hơi thở nhẹ, dài và thông suốt, phải coi chừng hơi thở này là hơi thở tưởng, tức là tưởng tức, khi có tưởng tức xuất hiện thì ngay liền có trạng thái khinh an. Đó là do công phu ức chế tâm mà rơi vào trạng thái của định tưởng.
Khi gặp hơi thở này thì chúng ta cố nhớ tác ý: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra,” hay “Quán tâm như đất tôi biết tôi hít vô, quán tâm như đất tôi biết tôi thở ra” hoặc “Tâm hãy ly dục ly ác pháp bất động tâm.”
Nhờ có tác ý như vậy mà phá được tưởng tức (hơi thở tưởng), và đồng thời có lợi lạc rất lớn là xả được tâm ác, lìa tham, sân, si là tâm có năng lực không tham, sân, si. Năng lực không tham, sân, si là năng lực của tâm thanh tịnh, năng lực tâm thanh tịnh tức là phương tiện điều khiển thân tâm nhập các loại định sau này.