Skip directly to content

Học Giới - Định - Tuệ. Kì 51 (85; 86; 87; 88).

85.THIỀN ĐỊNH

Lời Phật dạy:

              Này Sandha, hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có Thiền định của con ngựa chưa thuần thục.

                                                                                               (Tăng Chi Bộ Kinh, tập 4, trang 655).

Chú giải:

Người tu thiền định cần phải lưu ý lời khuyên dạy trên đây của đức Phật: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục, chớ có Thiền định của con ngựa chưa thuần thục”.

Hầu hết người tu thiền định thời nay không quan tâm đến vấn đề này, nên muốn tu thiền định là đi học thiền, tu thiền chứ họ đâu biết rằng tu thiền định như vậy là sai, tu như vậy không bao giờ nhập được thiền định. Tại sao vậy?

Vì thân tâm họ chưa thuần thục, còn đắm nhiễm dục và ác pháp tức là chưa ly dục ly ác pháp có nghĩa là giới luật chưa nghiêm túc. Bởi vậy đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”.  

Thưa các bạn! Con ngựa thuần thục và con ngựa chưa thuần thục nghĩa như thế nào?

Con ngựa thuần thục là chỉ cho tâm đã ly dục ly ác pháp, tâm đã lìa tham, sân, si, mạn, nghi. Khi tâm đã ly dục ly ác pháp thì lúc bây giờ chúng ta mới tu tập Thiền định. Cho nên đức Phật dạy: “Hãy tu Thiền với sự Thiền định của con ngựa thuần thục”. Thân tâm đã thuần thục trong giới luật thì tâm định tỉnh nhu nhuyến dễ sử dụng. Lúc bấy giờ chúng ta mới bắt đầu tu tập Thiền Định. Tu như vậy mới đúng như lời Phật dạy. Phải không các bạn?

Cho nên nền tảng thiền định của đạo Phật là giới luật mà giới luật thì phải nghiêm chỉnh; giới luật có nghiêm chỉnh thì tâm mới ly dục ly ác pháp hoàn toàn.

Do lời dạy trên đây của đức Phật mà chúng ta xét thấy những người tu theo thiền định của Phật giáo thời nay đều tu sai pháp, vì giới luật chưa nghiêm chỉnh, hạnh ly ăn, ly ngủ, hạnh sống độc cư chưa trọn vẹn mà đòi nhập thiền định thì làm sao nhập được. Các bạn chỉ tu tập thiền tưởng, chứ chánh định chánh thiền thì không thể tu tập như vậy được.

Đoạn kinh trên đây cho chúng ta thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ chưa có ai nhập Chánh định được, chỉ nhập vào Tà định của ngoại đạo mà thôi. Giới luật không tu tập, mà lại còn phá giới, phạm giới, tu như vậy cho phù hợp với thời đại thì chỉ có các nhà sư Đại Thừa và kinh sách Đại Thừa dạy chứ kinh sách Nguyên Thủy thì không có dạy như vậy.

Xét qua lời dạy trên thì thấy giáo lý Đại Thừa xem nhẹ giới luật, hướng dẫn tu sĩ đi đến con đường sai lệch: cúng bái, cầu siêu cầu an, tụng kinh, niệm Phật, niệm chú, bắt ấn, ngồi thiền ức chế tâm, v.v... Thưa các bạn! Chúng ta là những tu sĩ và cư sĩ Phật giáo sao lại không sáng suốt phân biệt pháp môn nào của Phật, pháp môn nào của ngoại đạo, của các Tổ, để tu hành tránh khỏi lầm lạc. Và như vậy vô tình chúng ta lại cố ý tiếp tay diệt sạch Phật giáo theo mưu đồ của Bà La Môn. Phải không hỡi các bạn?

Nhìn thấy các bạn tu theo kinh sách Đại Thừa, chúng tôi dựa theo lời dạy Nguyên Thủy của Phật trên đây mà khẳng định rằng: Các bạn tu tập như vậy là sai, chỉ uổng công, chẳng bao giờ nhập được Chánh định, làm chủ sanh, già, bệnh, chết và chấm dứt luân hồi. Các bạn tin hay không tin là quyền ở các bạn, nhưng điều chúng tôi quyết chắc là các bạn sáng suốt nhận định rõ ràng những gì các bạn tận mắt thấy, tai nghe và những gì chúng tôi nói. Đó là những điều chứng thực để các bạn tin hay không tin.

Thiền định của con ngựa chưa thuần thục nghĩa là gì? Con ngựa chưa thuần thục có nghĩa thân tâm của các bạn còn tham, sân, si, mạn, nghi, còn chưa ly dục ly ác pháp. Khi tâm còn tham, sân, si, mạn, nghi, chưa ly dục ly ác pháp thì đừng có tu thiền định, vì có tu thiền định cũng chỉ mất công phí sức chẳng bao giờ nhập được định, bởi vì nền tảng tu thiền định của đạo Phật là Giới luật. Có nền tảng giới luật thì tu thiền định mới bảo đảm. Tâm phải thanh tịnh ly dục ly ác pháp thì mới nên tu tập thiền định. Cho nên các bạn về tu viện Chơn Như mà không dọn mình cho trong sạch thì về đây tu hành cũng chẳng ích lợi gì.

Hạnh ăn, hạnh ngủ, hạnh độc cư chưa tròn mà về đây tu tập là tu tập cái gì? Thưa các bạn! Các bạn còn tham mê ăn, tham mê ngủ, còn thích sống nói chuyện mà các bạn về đây tu tập thì chỉ uổng công và vô ích. Ở đây không có dạy tu ăn, tu ngủ, tu nói chuyện các bạn ạ!.

Các bạn cứ nghĩ rằng cúng dường tiền bạc nhiều là để tu viện Chơn Như phục vụ về ăn uống cho các bạn, đó là các bạn đã nghĩ sai. Dù các bạn có cúng dường bao nhiêu tiền thì tu viện cũng vẫn giữ lập trường giúp các bạn ăn uống đơn giản vừa đủ sống để ly dục ly ác pháp, chứ không phải phục vụ các bạn ăn uống như trong khách sạn nhà hàng.

Khi các bạn về đây tu hành mà còn mang theo thực phẩm để ăn uống, không thực hiện đời sống bình đẳng về ăn uống trong tu viện, thì chúng tôi nói rằng các bạn chỉ tu cho có hình thức chơi chứ kỳ thực chẳng có kết quả lợi ích gì cho các bạn. Tu mà còn tham đắm ăn uống, ngủ nghỉ; tu mà còn thích hội họp nói chuyện khoe khoang sự tu tập của mình với mọi người. Vậy thì nền tảng ly dục ly bất thiện pháp là ở chỗ nào? Xin các bạn chỉ cho. Các bạn chỉ sống trong tưởng, nói thiền định tưởng, chứ kỳ thực các bạn chưa có nếm được mùi vị ly dục ly ác pháp.

Đây, các bạn hãy nghe tiếp lời dạy của đức Phật để mà suy ngẫm con đường tu hành của mình:

Này Sandha, ở đây có hạng người tâm chưa được thuần thục, khi đi đến ngôi rừng hay khi đi đến gốc cây, hay khi đến ngôi nhà trống, trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối, không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham trong tâm (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thùy miên ám ảnh, bị hôn trầm thùy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh... trú với tâm bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên.

Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước,... vào gió,... vào Không vô biên xứ,... vào Thức vô biên xứ,... vào Vô sở hữu xứ,... vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,... vào đời này,... vào đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy thiền tư. Như vậy này Sandha là người tu Thiền tư không thuần thục (không kết quả).” 

Đọc đoạn kinh này các bạn tự quan sát sự tu tập của mình là sẽ biết ngay liền sai hay đúng. Thường các bạn trình pháp đều chứng tỏ mình tu rất tốt, nhưng gặp chuyện thì biết ngay liền các bạn chưa xả tâm. Chưa xả tâm mà có thiền định gì mà thưa hỏi. Phải không hỡi các bạn?

Để thấy sự tu hành của chúng ta sai như thế nào, vậy chúng ta hãy quán xét lại đoạn kinh trên cho kỹ. Chúng ta nên xét câu thứ nhất: “Này Sandha, ở đây có hạng người tâm chưa được thuần thục”. Vậy, tâm chưa thuần thục là thuần thục cái gì?

Ở đây đức Phật muốn nói giới luật chưa nghiêm chỉnh, tâm chưa ly dục ly ác pháp.

Chúng ta xét đến câu thứ hai: “Khi đi đến khu rừng hay khi đi đến gốc cây, hay khi đến ngôi nhà trống”. Vậy, khu rừng, gốc cây, ngôi nhà trống là nghĩa gì? Ở đây có nghĩa là chọn lấy một nơi thanh vắng để sống độc cư, một mình trong cảnh cô đơn. Chúng ta quán xét đến câu thứ ba: “Trú với tâm bị dục tham ám ảnh, bị dục tham chi phối”. Vậy, dục tham ám ảnh, dục tham chi phối nghĩa là gì? Dục tham là lòng ham muốn; ám ảnh là hiện ra lởn vởn trong trí day dứt không yên; chi phối là tác dụng điều khiển. Nghĩa chung của câu tham dục ám ảnh là lòng tham muốn hiện ra lởn vởn trong trí day dứt không yên, nghĩa câu tham dục chi phối là lòng tham muốn tác dụng điều khiển, sai khiến. Nghĩa chung của đoạn này là khi ngồi lại một mình nơi thanh vắng thì lòng tham muốn khởi lên day dứt, tác động điều khiển sai khiến chúng ta làm theo ý muốn của tâm, làm cho ta mất tự chủ. Người đời không biết tu hành nên dễ bị tâm tham dục sai khiến, khiến cho cuộc đời vốn khổ đau lại càng khổ đau hơn.

Chúng ta quán xét đến câu thư tư: “Không như thật rõ biết sự xuất ly khỏi dục tham đã khởi lên. Người ấy tàng trữ dục tham trong tâm (ức chế)”. Vậy xuất ly và tàng trữ nghĩa là gì?

Xuất ly là lìa ra, bỏ ra; tàng trữ là giữ lại, nén lại. Ý nghĩa của câu này là không biết cách xuất ly dục tham, nên dục tham thường khởi lên chỉ còn có giữ gìn trong tâm nên gọi là nén tâm. Do đó dù có tu thiền định gì đi nữa thì vẫn bị sân, hôn trầm, thùy miên, trạo cử, trạo hối và các loại tưởng định khởi lên như trong đoạn kinh này dạy:

Rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán, trú với tâm bị sân ám ảnh, bị sân chi phối... trú với tâm bị hôn trầm thùy miên ám ảnh, bị hôn trầm thụy miên chi phối... trú với tâm bị trạo hối ám ảnh, bị trạo hối chi phối... trú với tâm bị nghi hoặc ám ảnh... trú với tâm bị nghi hoặc chi phối, không như thật biết ra khỏi nghi hoặc đã khởi lên.

Người ấy tàng trữ nghi hoặc vào trong (ức chế), rồi Thiền tư, Thiền lự, Thiền liên tục, Thiền quán. Người ấy Thiền tư  y chỉ vào đất, Thiền tư y chỉ vào nước,... vào gió,... vào Không vô biên xứ,... vào Thức vô biên xứ,... vào Vô sở hữu xứ,... vào Phi tưởng phi phi tưởng xứ,... vào đời này,... vào đời sau. Phàm điều gì được thấy, được nghe, được cảm giác, được thức tri, được đạt đến, được tầm cầu đến, được ý suy tư, đều y chỉ vào đấy người ấy thiền tư. Như vậy này Sandha là người tu Thiền tư không thuần thục (không kết quả).

Theo lời dạy trong kinh này: Khi giới luật không nghiêm chỉnh thì dù có tu tập cách gì cũng không có kết quả.

86. BẬC HIỀN TRÍ

Lời Phật dạy:

             Nếu gặp bậc hiền trí
             Chỉ lỗi và khiển trách 
             Như chỉ chỗ chôn vàng  
             Hãy kết thân người trí 
             Kết thân với vị ấy 
             Chỉ có lợi không hại. Kinh Pháp Cú. (VI- Panditavagga – Phẩm Hiền Trí). 

Chú giải:

Thưa các bạn! Trong cuộc đời, gặp được những bậc Hiền Trí rất khó, bởi vì những bậc ấy dám nói thẳng, dám chỉ lỗi, dám khiển trách những chỗ sai lầm của cuộc đời cũng như trong Đạo, để cho mọi người biết mà cố gắng sửa sai. Sửa đời, sửa đạo. Đời và Đạo chưa bao giờ toàn thiện, toàn mỹ cả, chỉ nhờ vào bàn tay của con người uốn nắn sửa sai những lỗi lầm thì mới có ngày được toàn thiện toàn mỹ. Việc làm này không phải một người mà phải nhiều người; nhiều người mà phải sống đoàn kết với nhau thì mới làm được; nhưng không phải làm nhanh chóng được mà phải nhiều năm tháng, trường kỳ sửa sai và uốn nắn những lỗi lầm của mình.

Bậc Hiền Trí chỉ lỗi và khiển trách chúng ta để chúng ta trở thành người tốt, người có đạo đức, thì công ơn ấy rất nặng. Phải không hỡi các bạn? 

Cũng giống như người chỉ chỗ chôn của báu, nhờ đó mà chúng ta trở thành giàu có. Do sự ích lợi này, nên Đức Phật khuyên chúng ta: 

              Nếu gặp bậc hiền trí
               Chỉ lỗi và khiển trách 
             Như chỉ chỗ chôn vàng”.

Đúng vậy, lời chỉ thẳng, nói thẳng là lời vàng ngọc, nhưng người đời không mấy ai hiểu biết, như khi có người chỉ lỗi, khiển trách mình thì sanh tâm thù oán, ghét hận, tìm cách nói xấu và còn hãm hại họ. Có đúng vậy không các bạn?

Đúng vậy, khi chúng tôi vạch trần những cái sai trong các hệ phái của Phật giáo Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và Nam Tông thì chúng tôi bị phản ứng ngay liền. Phản ứng rất mạnh. Họ không những không tiếc lời mạt sát, mạ lị chúng tôi, mà còn mượn kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông chống đối chúng tôi kịch liệt. Nhưng chúng tôi vẫn im lặng, vì biết họ đang mang nhiều kiến chấp sai lầm của Đại Thừa và Thiền Tông.

Chúng tôi nghĩ rằng: cái gì đúng là đúng, cái gì sai là sai, không thể có ai bóp méo nó được. Hiện giờ họ nói gì cũng được, thời gian sẽ trả lời với họ. Chúng tôi không có thời gian để luận bàn, vì còn phải làm biết bao công việc để chấn chỉnh lại Phật giáo, làm cho Phật giáo có một giáo trình tu học từ lớp một đến lớp tám, mà thời gian tuổi đời chúng tôi còn quá ngắn, chúng tôi có thể kéo dài thêm tuổi thọ, nhưng sợ chúng sanh cứ mãi làm ác thì không đủ phước với chánh pháp của Phật mà họ chỉ luôn hướng về tà giáo của ngoại đạo Bà La Môn Đại Thừa. Nếu như thế, dù muốn dù không buộc lòng chúng tôi phải ra đi trước khi hoàn tất giáo trình.

Do bởi chúng tôi là những người hiểu thật rõ luật nhân quả hơn ai hết; luật nhân quả linh động thay đổi từng sát na. Chúng sanh có sống thiện pháp thì mới đủ duyên với chánh pháp, còn ngược lại sống trong ác pháp thì không đủ duyên, chánh pháp không ra đời. Ngày xưa đức Phật cũng biết rõ luật nhân quả như thật, nhưng Ngài không thể bỏ chúng sanh vào Niết Bàn ngay khi vừa tu chứng. Ngày nay chúng tôi cũng vậy, phải làm hết sức mình, vì lòng yêu thương không nỡ bỏ chúng sanh lăn lộn trong sóng gió ba đào của biển nhân quả. Chúng tôi biết rất rõ điều chúng tôi đang làm là một tiếng chuông cảnh tỉnh sự sống trên hành tinh này.

Thưa các bạn! Chúng tôi vạch ra những cái sai của Phật giáo là để chúng ta cùng nhau chung lưng đấu cật để chỉnh sửa lại cho Phật giáo được tốt đẹp hơn. Từ lâu các bạn như những người mù đi trong đêm tối; chúng tôi hiện giờ là những người cầm đuốc soi đường để cho các bạn đi. Các bạn có biết chăng? Bộ sách Văn Hóa Phật Giáo gồm: Đường Về Xứ Phật, Giới Đức Làm Người, Mười Giới Đức Thánh Sa Di, Những Lời Phật dạy, Đạo đức Làm Người, Giới Đức Thánh Tăng và Thánh Ni, v.v... Đó không phải là những bó đuốc soi đường cho các bạn sao? Thế sao có một số bạn không biết ơn lại còn nặng lời cho chúng tôi dẹp sạch Phật giáo, phỉ báng, mạt sát Thầy Tổ; trong khi đó các thầy Đại Thừa và Thiền Tông phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới tan nát, khiến cho Phật giáo suy đồi, lụn bại, thế mà các bạn không có một tiếng nói để chặn đứng những hành động diệt Phật giáo này.

Thưa các bạn! Phật giáo phát triển chạy theo cho hợp thời đại theo kiểu này (Đại Thừa), thì thử hỏi từ xưa cho đến nay sự phát triển này đã mang lợi ích thiết thực gì cho con người hay chỉ đưa con người sống trong cảnh ảo tưởng, mơ hồ, trừu tượng, biến con người sống trong mê tín, lạc hậu, v.v... tiền mất, tật mang, tổn hao công sức, làm việc nhảm nhí, phi đạo đức.

Các bạn có biết chăng? Những vị Tổ, Sư, Thầy nào đã có ý đồ chủ mưu diệt Phật giáo bị chúng tôi vạch mặt chỉ tên để cho các bạn biết, thì có bạn lại có những lời lẽ cay độc và còn dùng luật nhân quả hù dọa chúng tôi: “Đọa địa ngục, mang lông đội sừng”. Chúng tôi đang cố gắng dựng lại những cái gì của Phật giáo đã bị dìm mất và ném bỏ những cái gì không phải của Phật giáo. Trong khi các bạn đang sắp chết chìm trong dòng nước giáo pháp kiến giải, tưởng giải của Bà La Môn, Đại Thừa, Thiền Tông, Mật Tông, Tịnh Độ Tông và cả Nam Tông nữa, chúng tôi đem lợi ích cho các bạn mà chỉ thấy toàn là những lời lẽ phi ơn, phi nghĩa. Như vậy có đúng không các bạn? 

Trái lại ở đây thì đức Phật khuyên:

             Hãy kết thân người trí
             Kết thân với vị ấy 
             Chỉ có lợi không hại”.  

Thưa các bạn! Các bạn nghĩ sao với những lời dạy này? Riêng chúng tôi, dám ăn, dám nói thì dám chịu về những lời nói của chúng tôi, miễn là chúng tôi làm sáng tỏ lại Phật giáo, làm cho Phật giáo tốt hơn, đem lại lợi ích an vui hạnh phúc cho cuộc sống của mọi người thì đó là niềm hân hoan, vui sướng của chúng tôi, chứ chúng tôi không màng danh, lợi và ơn nghĩa của các bạn, mong các bạn hiểu cho.

87. ĐIỀU PHỤC TÂM MÌNH

Lời Phật dạy:

              “Dạy người như thế nào?
              Hãy dạy mình như vậy.
              Khéo điều, mới điều người .
              Khó thay tự điều phục”. (Kinh Pháp Cú XII: Phẩm Tự Ngã (159).

Chú giải:

Thường ở đời người ta hay đem đạo lý này đạo lý kia ra dạy người khác, nhưng chính bản thân chưa làm đúng những đạo lý ấy. Cho nên đức Phật dạy: “Dạy người như thế nào? Hãy dạy mình như vậy”

Điều tâm là một việc làm rất khó, nếu ai có tu tập thì mới biết. Khó vô cùng khó là phải điều tâm cho đúng cách, nếu điều tâm không đúng cách thì bị ức chế tâm; ức chế tâm là tự làm khổ mình, con đường tu hành chẳng đi đến đâu cả. Điều phục được tâm mình tức là làm chủ được tâm. Làm chủ được tâm có nghĩa là tâm ham thích một việc gì thì không làm theo.

Ví dụ 1: Tâm muốn ăn, ngủ phi thời thì không làm theo ăn ngủ phi thời, đó là điều phục tâm.

Ví dụ 2: Tâm tức giận, sân hận một người nào đó, ta không làm theo như vậy, luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự, đó là điều phục tâm.

Ví dụ 3: Khi thân bị bệnh đau nhức ta giữ tâm bất động, không dao động, không hề sợ hãi, không sợ chết, không lo bệnh nặng hay nhẹ, không đi bác sĩ uống thuốc này, thuốc nọ, để trấn áp tinh thần, v.v... đó là điều phục tâm, chứ không phải điều phục tâm theo kiểu Đại Thừa và Thiền Đông Độ là tập trung tâm cho hết vọng tưởng.

Khi điều phục tâm được như vậy thì tâm được thanh thản an lạc và vô sự. Khi tâm ta sống được an lạc và vô sự thì ta mới dạy người điều phục, như kinh dạy: “Khéo điều, mới điều người. Khó thay tự điều phục”.

Bài kệ này hàm ý đức Phật dạy các đệ tử của mình, khi tu tập chứng đạo xong thì mới dạy người, còn nếu như tu chưa chứng đạo mà vội dạy người tu tập là dạy sai. Tại sao vậy?

Tại vì tâm mình còn như đống rác bẩn chưa tự điều phục được: “Khó thay tự điều phục”. Vậy mà đi dạy người là dạy làm sao? Nhưng khi biết cách điều phục tâm, tâm không còn ương ngạnh tức là tâm không còn tham, sân, si. Tâm không còn tham sân si tức là tâm bất động; tâm bất động là tâm nhu nhuyến, dễ sử dụng; tâm nhu nhuyến dễ sử dụng là tu đã xong. Chừng ấy ta mới dạy người đâu có muộn. Phải không các bạn? “Khéo điều, mới điều người. Khó thay tự điều phục”.

Mục đích tu hành của chúng ta là nhắm vào chỗ cứu mình ra biển khổ, chứ không phải làm thầy dạy người tu. Cho nên khi tu chưa xong mà dạy người thì làm sao người tu cho được. Phải không các bạn? Hai câu đầu của bài kệ trên đây xin các bạn lưu ý: Đây là lời nhắc nhở của đức Phật đối với những người tu chưa chứng mà đi giảng đạo. Phần đông các giảng sư dạy người tu rất hay, nhưng chính ông dạy ông rất dở.

Ví dụ: Các bậc tôn túc thường truyền dạy Phật tử phải giữ gìn năm giới, tám giới hoặc mười giới, nhưng trái lại các ông đều phạm tất cả các giới cấm này, không còn một giới nào mà các ông không phạm. Cho nên Phật dạy:  “Dạy người như thế nào? Hãy dạy mình như vậy”.

Ghi nhớ lời dạy trên đây các bạn hãy nhìn xem các ông giảng sư thời nay có đúng như lời chúng tôi đã nói không? Khi chú giải đến đây thì chúng tôi nhận được một câu hỏi của một cư sĩ ở tỉnh Lâm Đồng và hai bài viết của Thiền Sinh tại tu viện Chơn Như nói lên những kinh nghiệm tu hành của mình trong những lời dạy của đức Phật. Nhận thấy rất phù hợp với sự tu tập của các bạn và làm sáng tỏ những lời Phật dạy, nên chúng tôi cho vào phần phụ chú của tập sách này.

88. TÂM BẤT ĐỘNG

Lời Phật dạy:

              “Như đá tảng kiên cố 
               Không gió nào lay động 
              Cũng vậy giữa khen chê 
              Người trí không dao động”. Kinh Pháp Cú. 

Chú giải:

Người tu theo đạo Phật, mục đích đạt được là phải giữ gìn tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Cho nên trong kinh Pháp Cú dạy: 

              Như đá tảng kiên cố 
              Không gió nào lay động”.

Đúng vậy, khi tu tập tâm kiên cố như tảng đá thì tám gió thổi không động (Bát phong xuy bất động). Muốn được tâm bất động như vậy thì phải biết pháp môn nào tu tập sẽ được tâm bất động, còn ngược lại thì sẽ không đạt được.  

Trong Phật giáo duy nhất chỉ có Giới luật là giúp cho hành giả tu tập tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Trong giới luật có những pháp môn tu tập để tâm được thanh tịnh gọi là giới hành. Giới hành còn có tên là Tứ Chánh Cần. Trong Tứ Chánh Cần gồm có bốn loại định:

              1- Định Chánh Niệm Tỉnh Giác
              2- Định Sáng Suốt
              3- Định Niệm Hơi Thở
              4- Định Vô Lậu.

Nếu một người tu hành thật kỹ bốn loại định này thì giới luật sống rất nghiêm chỉnh, không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt nào. Giới luật thanh tịnh tức là tâm thanh tịnh; tâm thanh tịnh tức là tâm bất động như trong kinh Trường Bộ dạy: “Giới luật làm thanh tịnh trí tuệ, trí tuệ làm thanh tịnh giới luật”.

Như chúng ta đã biết tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ là mục đích giải thoát của Phật giáo. Vì thế trong kinh Pháp Cú cũng dạy: “Cũng vậy giữa khen chê. Người trí không dao động”. Tâm không dao động là mục đích tu hành của chúng ta, chúng ta đã hoàn tất con đường giải thoát. Xem thế chúng ta mới thấy Phật giáo lấy đạo đức nhân bản – nhân quả của con người làm hàng đầu tu tập trong các pháp.

Tóm lại bốn câu kệ này nói rõ mục đích tu chứng của Phật giáo cần phải đạt cho bằng được. Mặc dù với bất cứ một giá nào, ta cũng phải giành phần chiến thắng về mình thì mới xứng đáng là đệ tử của đức Phật, mới đem lợi ích cho mình, cho người và nhất là làm sáng tỏ lại Phật giáo không bị những lớp giáo lý của các Tổ trù dập đạo Phật từ lâu. Bởi vì chỉ cần có một người tu chứng quả A La Hán thì sẽ là một bằng chứng để chấn chỉnh lại Phật giáo. Nhưng ai tin người này?

Thưa các bạn! Nếu muốn cho mọi người tin thì phải thể hiện thần thông, nhưng thể hiện thần thông thì đức Phật không chấp nhận và cho đó là ngoại đạo dùng thần thông lừa đảo người. Vả lại mục đích của đạo Phật là chỗ tu chứng bất động tâm, chứ không phải thần thông. Vì thế đem thần thông ra bảo chứng cho Phật giáo là không đúng. Vì muốn hiểu biết điều này (chứng quả A La Hán) nên vua Ba Tư Nặc hỏi đức Phật:

“Bạch Thế Tôn! Những vị khất sĩ đi ngang qua đây muốn biết vị nào chứng quả A La Hán thì phải làm sao? Đức Phật trả lời: Nên ở gần bên họ từ một ngày đến bảy ngày, từ một tháng đến bảy tháng thì sẽ rõ”.

Như vậy, lời dạy này các bạn có hiểu ý của đức Phật không? Đó là đức Phật dạy các bạn muốn biết người nào chứng quả A La Hán thì nên quan sát họ trước mặt cũng như sau lưng có sống đúng những Đức Thánh giới hạnh không? Nếu sống đúng là chứng quả A La Hán mà sống không đúng thì chưa chứng quả, còn đang hướng đến quả A La Hán. Chỗ giới đức thanh tịnh, đó chính là tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Người nào tâm bất động thì đó là một vị Thánh đệ tử của Phật.

Cho nên bài kệ trên đây xác định mục đích tu chứng của Phật giáo rất đơn giản, tu tập không có gì khó khăn mệt nhọc, chỉ cần biết các pháp đều do qui luật nhân quả tác dụng, chứ chẳng có gì là chân thật cả, cho nên khen chê đều cũng như nhau chẳng có gì mừng vui, chẳng có gì buồn rầu. Phật giáo chỉ có bấy nhiêu đó thôi. Phải không các bạn?