Học Giới - Định - Tuệ. Kì 21 (40- 42)
40. TÂM NHƯ ĐẤT Hỏi: Kính thưa Thầy! Tâm như cục đất có xả sạch được chưa? Đáp: Tâm như cục đất là tâm con đã xả sạch, chừng đó con chẳng cần tu tập thiền định nào cả, lúc nào con cần nhập định là nhập được ngay liền, không có khó khăn, không có mệt nhọc, không có phí sức. Tâm như cục đất, đó là sự ước muốn của con. Muốn cho tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa, khi tâm không còn tham, sân, si, mạn, nghi nữa là tâm hết khổ đau. Sự ước muốn như vậy, nếu con không cố gắng khắc phục tâm mình ly tham đoạn ác pháp thì làm sao tâm thành đất được. Muốn cho tâm thành đất thì con phải tu tập Bát Chánh Đạo. Nói tu tập Bát Chánh Đạo là nói cách thức sống ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp hay nói cách khác là sống toàn thiện. Muốn sống toàn thiện thì phải có Chánh kiến, Chánh kiến tức là thấy đúng nhân quả thiện và ác, chứ không phải thấy đúng, sai, phải, trái, tốt, xấu, v.v... Trong cuộc sống, bất cứ một việc gì xảy đến, chúng ta đều phải nhìn với lòng thiện, lòng từ, lòng bi, lòng hỷ, lòng xả. Nếu chúng ta nhìn thấy bất cứ việc gì với lòng bất thiện, lòng không từ, không bi, không hỷ, không xả thì ác pháp sẽ đến với chúng ta. Và vì thế tâm chúng ta sẽ khổ đau, và như vậy tâm không thể thành đất được. Muốn tâm thành đất chúng ta phải có sự tư duy, suy nghĩ thiện và ác trong bất cứ một sự việc gì xảy ra, thiện thì chúng ta tăng trưởng để mà sống không làm khổ mình khổ người. Còn ác thì chúng ta tư duy suy nghĩ quét sạch những pháp ác ấy ra khỏi tâm, để đem lại cho tâm một sự thanh thản, an lạc và vô sự. Nhờ có tu tập được như vậy thì cuộc sống mới có an vui, hạnh phúc. Muốn tâm thành đất thì chúng ta khéo léo giữ gìn tâm không phóng dật. Giữ gìn tâm như thế nào? Muốn giữ gìn tâm thì luôn lúc nào cũng phải nhớ nhắc tâm: “Tâm không được phóng dật, phải định vào thân đi” hay “Tâm định vào hơi thở đi” hoặc “Tâm như đất lìa tham, sân, si, mạn, nghi đi.” Trong tất cả câu pháp hướng này, tùy theo mọi người mà chọn lấy cho mình một câu phù hợp với đặc tướng. Còn riêng Thầy thì câu: “Tâm không được phóng dật, phải định vào hơi thở đi” thì rất phù hợp. Tại sao vậy? Tại vì câu này có hai tác dụng: 41. ĐỘC CƯ Hỏi: Kính thưa Thầy và cô Út, xin giảng lại cho con hiểu rõ chỗ độc cư? Đáp: Mục đích của độc cư là giữ tâm chuyên nhất vào pháp hướng để tu tập, không phóng tâm ra ngoài. Người không giữ hạnh độc cư, thường để tâm phóng dật chạy theo trần cảnh bên ngoài, sanh ra trạo cử gọi là tuôn trào, khi tâm tuôn trào chạy đi nói chuyện đầu này, đầu kia, sanh ra nhiều ác pháp khiến cho mình và người khác không an để tu tập, đó là đã phá hạnh độc cư, làm hại mình hại người. Người phá hạnh độc cư được xem là người đã tu sai pháp, khiến tâm không bao giờ buông xả được. Họ chỉ nói buông xả, chứ thật ra tâm tham, sân, si, mạn, nghi vẫn còn đầy đủ. Vì thế lòng thương, ghét, thù, oán, tỵ hiềm, v.v... không mất một chút nào cả. Và cuối cùng họ còn hiểm độc, gian xảo, hung ác hơn những người chưa tu, chỉ vì họ bị ức chế tâm. Đức Phật gọi tâm này là tâm phóng dật. Người tu hành còn để tâm phóng dật thì không thể tu theo đạo Phật được, nên trở về sống đời sống thế gian, trau dồi đạo đức nhân quả thì không mang nợ của đàn na thí chủ. Người tu hành nhập thất từ một tháng đến ba tháng, rồi xả thất ra đi ta bà chỗ này đến chỗ kia... sau đó rồi trở về tu tập lại. Nếu người nào cứ tu như vậy thì suốt đời tu hành cũng chẳng tới đâu, vì luôn luôn phá hạnh độc cư. Người sống độc cư không chịu nổi là người không thể tu thiền định của đức Phật được. Người muốn sống độc cư được trọn vẹn thì phải giữ tâm trong các pháp hành thật miên mật, không được để có kẽ hở. Còn có kẽ hở thì tâm theo kẽ hở đó mà phóng ra, khiến cho chúng ta cảm thấy cô đơn vô cùng. Từ đấy tâm dễ sanh buồn chán và sự tu hành bắt đầu chểnh mảng, tâm không còn thích tu nữa. Do đó sự tu hành chỉ còn tu lấy lệ cho qua ngày. Khi sống không đúng độc cư, con bị phóng tâm chạy theo ngoại cảnh. Do đó con tu thiền dù bất cứ loại thiền nào con cũng sẽ rơi vào tà thiền. Tà Thiền ở đây có nghĩa là loại thiền không làm chủ được sự sống chết và không chấm dứt luân hồi tái sanh. Bởi hạnh độc cư rất quan trọng, nếu một người tu mà không giữ gìn trọn vẹn hạnh này thì uổng phí một đời tu, chẳng có kết quả gì. Những tu sĩ đến đây tu hành, nhìn qua hạnh độc cư là biết người tu được hay không tu được. Ngày xưa, đức Phật đã đuổi 500 vị tỳ-kheo không giữ gìn hạnh độc cư, mặc dù đó là những đệ tử của ông Xá Lợi Phất và ông Mục Kiền Liên. Gần 20 năm Thầy đón nhận những người về đây tu tập, chưa tìm thấy một người nào giữ hạnh độc cư trọn vẹn. 42. SỐNG LÀ TU Hỏi: Kính thưa Thầy, sống là tu, tu là sống như thế nào? Đáp: Thường người ta quan niệm tu hành khác với cuộc sống. Khi tu phải lìa xa cuộc sống thế gian, không có sống chung với người thế gian, nghĩa là khi đi tu thì phải cắt ái, ly gia, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cả sự nghiệp, lìa xa gia đình, những người thân, ngay cả cha mẹ và anh em dòng họ, v.v... Người tu hành phải thực hiện các pháp môn hằng ngày như: ngồi thiền, tụng kinh, niệm chú, niệm Phật, lạy hồng danh chư Phật, v.v… Những pháp môn này không phải của Đức Phật dạy mà của ngoại đạo khéo lồng vào giáo pháp của đức Phật để lừa đảo tín đồ Phật giáo. Bước vào Đạo Đế tức là bước vào một chân lý trong bốn chân lý của đạo Phật. Mà Đạo Đế là pháp hành của đạo Phật dạy chúng ta để sống trong cuộc sống với mọi người thì làm gì có dạy chúng ta ly gia, cắt ái, bỏ vợ, bỏ con, bỏ cha, bỏ mẹ, bỏ gia đình sự nghiệp, v.v… Khi bắt đầu vào tu theo pháp môn của đạo Phật thì Ngài dạy chúng ta phải sống đúng Chánh Kiến, nghĩa là hằng ngày chúng ta phải thấy và hiểu biết: Cái nào thiện thì biết là thiện, cái nào ác thì biết là ác; biết thiện thì tăng trưởng, vì thiện không làm khổ mình khổ người; biết ác thì ngăn ngừa và diệt chúng để không làm khổ mình khổ người. Người thấy và biết sống như vậy là tu tập Chánh Kiến. Sống không làm khổ mình, khổ người là tu, mà người tu tập phải sống có chánh kiến như vậy, sống có chánh kiến như vậy tức là tu tập. Như vậy đạo Phật không có dạy chúng ta tụng kinh, ngồi thiền, trì chú, cúng bái, tế lễ v.v... mà dạy chúng ta sống đúng Chánh kiến, sống đúng Chánh tư duy, sống đúng Chánh ngữ, sống đúng Chánh nghiệp, sống đúng Chánh mạng, sống đúng Chánh tinh tấn, sống đúng Chánh niệm và như vậy chúng ta sẽ sống đúng Chánh định tức là Chánh thiền định. Mà Chánh thiền định tức là bắt đầu từ Sơ Thiền cho đến Tứ Thiền. Mà Sơ Thiền tức là ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp tức là Chánh Kiến. Như vậy, không phải sống là tu hay sao? Và tu là sống không làm khổ mình khổ người thì có đúng không? Cho nên thiền định là cuộc sống mà tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ, chứ không phải thứ thiền định lìa cuộc sống “ngồi thiền.” Sự tu tập của đạo Phật không lìa cuộc sống, kẻ nào lìa cuộc sống ngồi thiền, tụng kinh, v.v... thì tu hành không bao giờ có sự giải thoát. Xa lìa cuộc sống mà sống phạm giới, phá giới thì có khác gì cuộc sống của người thế gian, thì người đó tu không đúng đạo Phật mà đang tu theo ngoại đạo. Tu theo ngoại đạo thì sẽ rơi vào tà kiến, tà niệm, tà thiền, tà định thì đời đời kiếp kiếp sẽ trôi lăn trong sáu nẻo luân hồi.
43. PHẠM HẠNH Hỏi: Kính thưa Thầy! Thân người do tâm ham muốn (dục) mà có. Do ái dục mà có sanh y. Muốn bước lên quả vị Thánh thì phải triệt tiêu ái dục, triệt tiêu ái dục thì phải triệt tiêu sanh y. Vậy triệt tiêu sanh y như thế nào? Xin Thầy chỉ dạy cho chúng con được rõ. Đáp: Muốn triệt tiêu sanh y tức là phải sống đúng đời sống giới luật của Phật, có nghĩa là sống đúng Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng. Phạm hạnh của một vị Thánh Tăng như thế nào? Chúng ta hãy nghe kinh dạy: “Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa, sống không gia đình, không nhà cửa, thiểu dục, tri túc, ba y một bát, tâm hồn trắng bạch như vỏ ốc, phóng khoáng như hư không.” Đó là một lối sống triệt tiêu sanh y, lối sống giới luật, có sống đúng giới luật thì tâm mới ly dục ly ác pháp, tâm có ly dục ly ác pháp thì mới đoạn dứt sanh y, đoạn dứt sanh y thì tâm mới bất động trước các ác pháp. Như vậy chúng ta thấy rõ ràng, muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì sanh y là cửa vào của chúng ta. Muốn bước vào cửa sanh y thì phải mở ống khóa giới luật. Cho nên giới luật là một pháp môn vô cùng quan trọng cho người mới bắt đầu tu theo đạo Phật. Nếu tu hành theo đạo Phật mà không nghiêm trì giới luật thì tu hành chẳng ích lợi gì và còn phí công vô ích, uổng một đời tu chỉ có hình thức mà thôi. Vì thế người cư sĩ tu theo đạo Phật, muốn làm chủ sanh, già, bệnh, chết thì phải Thọ Bát Quan Trai, một tháng ít nhất cũng phải có một ngày tu tập làm Phật, tức là một ngày giữ tám giới trọn vẹn. Một ngày giữ tám giới trọn vẹn là một ngày lìa xa sanh y, lìa xa sanh y tức là lìa dục, lìa ái dục tức là giải thoát. Vậy, giới luật là một pháp môn quan trọng nhất cho con đường giải thoát của đạo Phật, nếu ai tu theo đạo Phật mà phạm giới, phá giới, xem thường giới luật Phật là tu theo ngoại đạo, tu theo tà giáo thì con đường tu tập để được giải thoát sẽ còn rất xa và xa biệt mù. |
|||