Kì 8: Học Giới - Định - Tuệ
5. PHÁP MÔN TỨ CHÁNH CẦN (Định Vô Lậu câu hữu Tứ Chánh Cần) Trên bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp, hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm lúc nào chúng ta cũng phải quan sát bốn chỗ này và cảnh giác giữ gìn không cho các ác pháp tấn công vào bốn căn cứ này. Nếu vô ý để chúng tấn công thì mau mau phải diệt chúng, không để chúng sống trên các cứ điểm này dù là một giây một phút nào. Nếu chúng ta siêng năng tu tập chỉ một pháp môn này cũng làm chủ sự sống chết, chẳng cần phải tu những pháp khác. Bởi vì pháp môn này là pháp môn tu thiền định đầu tiên của đạo Phật, đó là thứ thiền xả tâm giúp cho tâm ly tham, đoạn ác pháp, đem lại một nguồn giải thoát an vui cho mình cho người, khiến cảnh thế gian thành Thiên Đàng Cực Lạc. “Khi cư sĩ Visakha hỏi Ni Sư Diandinama: - Tu thiền phải lấy pháp gì tu? Ni Sư Trả lời: - Tu thiền phải dùng pháp Định Tư Cụ.” Định Tư Cụ là Tứ Chánh Cần. Vậy chúng ta tu Định Vô Lậu câu hữu Tứ Chánh Cần tức là tu pháp thiền đầu tiên của đạo Phật như trên chúng tôi đã dạy, đó là một loại thiền rất lợi ích cho chúng sanh, khi tu là có kết quả giải thoát ngay liền như đức Phật đã xác định: “Pháp Ta thiết thực cụ thể không có thời gian, đến để mà thấy.” Ngăn ác, diệt ác pháp trên Tứ Niệm Xứ tức là chúng ta ly dục ly ác pháp, ly dục ly ác pháp là không làm khổ mình khổ người, đó là một sự tu tập để xây dựng mình có một đạo đức nhân bản. Một pháp môn thiền định tu tập để làm chủ bốn sự đau khổ của cuộc đời sanh, già, bịnh, chết, thế mà nó cũng là một pháp môn để cho con người rèn luyện tu tập trở thành một con người có đạo đức, một đạo đức cao thượng làm người không làm khổ mình khổ người. Tóm lại, Định Vô Lậu câu hữu với Tứ Chánh Cần là pháp môn có lợi ích rất lớn quét sạch lậu hoặc khiến cho người tu hành giải thoát hoàn toàn, sống trong thế gian mà tâm bất động, đó là một pháp môn cần thiết cho cuộc sống mọi người trên hành tinh này. Tứ Chánh Cần. 1- Ngăn ác (ác pháp chưa sanh, không cho sanh khởi). 2- Diệt ác pháp (ác pháp đã sanh, phải trừ diệt). 3- Sanh thiện (thiện pháp chưa sanh, làm cho sanh khởi). 4- Tăng trưởng thiện pháp (thiện pháp đã sanh thì tăng lớn). Đó là lời dạy tu tập thiền định của đạo Phật, một thứ thiền định ly dục ly ác pháp để khắc phục tâm tham ưu của hành giả để đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, làm chủ sanh già bệnh chết và chấm dứt tái sanh luân hồi. Ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp là pháp môn “Tứ Chánh Cần. Tứ Chánh Cần tức là Tấn Lực, là Định Tư Cụ, là giới hành của đạo Phật.” Đây là pháp môn vô lậu đệ nhất của đạo Phật. Khi một hành giả bước chân vào đạo Phật mà được sự hướng dẫn tu tập ngay liền pháp môn này thì chắc chắn phải thấy kết quả giải thoát không có thời gian chờ đợi. Người được hướng dẫn pháp môn này là người có duyên phước đầy đủ với đạo giải thoát sâu xa nhiều đời. Chúng tôi không đủ nhân duyên nên khi bước chân vào chùa lúc tám tuổi đời không được dạy tu hành theo pháp này, mà chỉ được thầy Tổ dạy cho hai thời công phu chiều và khuya rồi học thêm ứng phú đạo tràng, đánh đẩu, trống, mõ để tụng kinh, niệm Phật, tụng niệm đám ma chay, cầu siêu, cầu an, làm tuần làm tự, cúng vong tiễn linh, cúng sao giải hạn, xem ngày giờ tốt xấu cất nhà, dựng vợ, gả chồng, xây mồ mả và những lúc rảnh rang thì lần chuỗi niệm Phật lục tự Di Đà, v.v... Làm được những việc này các thầy Tổ cho đó là những công phu tu tập. Đến bây giờ chúng tôi mới hiểu ra thầy Tổ của chúng tôi chỉ dạy cho chúng tôi một cái nghề để sống như bao nhiêu nghề khác trong xã hội. Nhưng những nghề khác thì lương thiện, còn nghề của chúng tôi thì không lương thiện chút nào cả, nó là một nghề mê tín chuyên lừa đảo, dối gạt người để ngồi mát ăn bát vàng. Chúng tôi ở trong chùa hằng ngày mang mõ, chuông, đẩu đi tụng niệm đám ma này hết đến đám ma khác, không tụng đám ma thì lại tụng kinh cầu an, cầu siêu, làm tuần, làm tư, v.v... Quanh năm suốt tháng chúng tôi hành nghề này thấy sao mà giả dối... Chúng tôi suy tư nghĩ lại rất buồn khổ trong lòng nhưng không dám nói với ai, mà nếu hỏi đến các thầy Tổ thì bị la rầy mắng và còn bảo rằng nói bậy sẽ bị đọa địa ngục. Mãi đến khi chúng tôi được về thành phố vì chiến cuộc ở nông thôn bất an và được học thêm giáo lý của đạo Phật, chừng đó chúng tôi nghiên cứu về Thiền Tông thì thấy Thiền Tông hay quá, không dạy làm những điều mê tín, lừa đảo, mà chỉ dạy tu tập ức chế tâm cho hết vọng tưởng để thành Phật hoặc giữ tâm không niệm thiện niệm ác thì kiến tánh thành Phật. Càng nghiên cứu sách kinh Thiền Tông thì lại càng thích thú. Những lời nói và hành động của các Tổ sao mà hay quá, nhất là những công án Thiền Tông lại tạo cho chúng tôi có một sức tò mò ghê gớm, cứ nghĩ rằng Thiền Tông có một cái gì bí ẩn ghê lắm không thể dùng tri kiến, ý thức mà hiểu được. Khi thấu hiểu Thiền Tông như thế chúng tôi đặt trọn lòng tin ở pháp môn này. Từ đó chúng tôi bỏ hết toàn bộ cuộc đời, quyết tâm theo tu tập thiền do HT Thanh Từ hướng dẫn. Suốt chín năm trời tu tập, đem hết sức tu tập để ức chế tâm không cho vọng tưởng. Trong đầu niệm thiện niệm ác vắng bặt từ giờ này đến giờ khác. Lúc bấy giờ có 18 loại hỷ tưởng hiện ra (có thể gọi đó là thần thông), nhưng nhìn lại cũng không tìm thấy sự làm chủ sanh, già, bệnh, chết, tâm tham, sân, si vẫn còn. Cái đặc biệt nhất là loại thiền này khi hết vọng tưởng thì tuệ tưởng xuất hiện. Khi nó xuất hiện thì tất cả các công án đều thông suốt, thấy tánh thì rất rõ ràng vì mỗi khi động tay, động chân đều là Phật Tánh nơi đó, nhưng lại có tật thường dùng ngôn ngữ công án, vì thế nên thường xảy ra những cuộc tranh luận hơn thua, dù ai nói một điều gì thì chúng tôi cũng đều dùng công án đối đáp và vấn nạn họ. Thấy những hiện tượng lạ lùng như vậy, nên chúng tôi đành bỏ, dù khi ấy chúng tôi đã nhập được Thức Vô Biên Xứ Định. Khi tu tập không tìm được sự giải thoát nơi kinh sách Đại Thừa và Thiền Tông, chúng tôi phải tìm pháp môn khác. Sau này nhờ giới luật, chúng tôi học tập và rèn luyện sống đúng giới đức làm Người, làm Thánh của Phật giáo Nguyên Thủy. Trong khi sống đúng giới luật như vậy chúng tôi tu tập pháp môn Tứ Chánh Cần và dùng pháp hướng tâm Như Lý Tác Ý: “Ly dục ly ác pháp, tâm như cục đất, ly tham, sân, si cho thật sạch.” Chính nhờ sống đúng giới luật và tu tập như vậy, chúng tôi cảm thấy tâm mình thanh thản, an lạc và vô sự, ít phóng dật, thường thích sống độc cư một mình. Và cũng chính nhờ tu tập như vậy, tâm chúng tôi hết tham, sân, si và thường ở trong một trạng thái tâm bất động an lạc vô cùng không thể diễn tả cho các bạn hiểu được vì đó là trạng thái ly dục ly bất thiện pháp. Sau khi tu xong chúng tôi mới hiểu Giới Hành của đạo Phật không phải là pháp môn nào khác hơn là “Tứ Chánh Cần.” Tứ Chánh Cần là pháp môn ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp, chỉ có pháp môn này tu tập trên Tứ Niệm Xứ mà chúng tôi làm chủ sanh, già, bệnh, chết. Do thế đức Phật dạy: “Chư ác mạc tác. Chúng thiện phụng hành Tự tịnh kỳ ý. Thị chư Phật giáo.” 6. PHÁP MÔN TỨ VÔ LƯỢNG TÂM (Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm) Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm tức là dùng Tứ Vô Lượng Tâm tu tập để đạt được vô lậu. Ở đây, chúng tôi xin nhắc sơ lược lại cách thức dùng Tứ Vô Lượng Tâm để tâm được vô lậu. Ví dụ: Có người chửi mắng mình, mình bị chửi mắng tức là phải có nguyên nhân, như đức Phật đã dạy mọi nguyên nhân đau khổ đều do lòng tham dục, tham dục của người hoặc tham dục của mình. Biết rõ lòng tham dục của mình tạo ra sự bất mãn, tự ái, tức giận của người, do đó ta nên xả lòng tham dục của ta không được ganh đua hơn thiệt với người. Tự ái, bất mãn, tức giận là sự đau khổ của người nên ta khởi tâm thương yêu họ và cố gắng tìm mọi cách giúp đỡ tạo cho họ được an vui và không còn thù oán ta nữa, cho nên đức Phật dạy: “Lấy ân trả oán chứ đừng lấy oán trả oán.” Từ chỗ xả ly tâm tham dục đã giúp chúng ta an vui biết thương người khiến cho người không còn khổ, đó là làm mình vui và kẻ khác vui. Những việc làm như vậy gọi là tu tập từ, bi, hỷ, xả. Tu tập từ, bi, hỷ, xả từ việc lớn đến việc nhỏ, không bỏ xót một việc nào thì gọi là tu Tứ Vô Lượng Tâm. Tứ Vô Lượng Tâm còn có một cái tên nữa là Vô Lượng Tâm hành. Vô Lượng Tâm hành sẽ diệt tận khổ đau, tức là diệt tận lậu hoặc cho nên gọi là Định Vô Lậu câu hữu Tứ Vô Lượng Tâm. Tóm lại, dùng Tứ Vô Lượng Tâm để quét sạch lậu hoặc khiến cho tâm bất động trước các pháp và các cảm thọ. Trước đây chúng tôi đã giảng về Tứ Vô Lượng Tâm, nhưng chưa có nêu pháp hành rõ rệt. Bây giờ chúng tôi sẽ trình bày những pháp hành cụ thể, cũng giống như sau khi có được địa danh, bây giờ ta lấy địa chỉ rõ ràng để đi đến nơi đến chốn. Tâm ta vốn dĩ đầy ắp tham, sân, si, không phải hàng ngày cứ nói diệt tham, sân, si mà nó hết đâu. Phật nói dùng tâm từ để diệt tâm sân, nhưng tâm chưa có từ thì làm sao diệt được sân? Vậy làm thế nào để trau dồi tâm từ? Phải trau dồi tập sống với tâm như tâm Phật (rộng lớn vô bờ bến), phải tập dứt ác và thể hiện tình thương rộng lớn. Thí dụ khi người chửi ta, liệu ta có thương họ mà tha thứ cho họ được không? Hầu hết chúng ta đều nhớ lời Phật dạy lấy tâm từ để diệt lòng sân hận, nhưng có mấy ai làm được? Và làm thế nào để thể hiện tâm từ vô biên? Tu là phải thực tập, rèn luyện từng chút mới có được từ, bi, hỷ, xả. Nếu Thầy nói mà các con nghe chơi, và chẳng thực tập gì cả thì thật là uổng công, mệt sức, mất thì giờ vô ích. Khi vào đạo Phật trước tiên chúng ta nhớ là phải thông hiểu. Sau khi thông hiểu thì ta phải trau dồi (nhìn vào địa chỉ để mà đi). Thế nào là Tứ Vô Lượng Tâm? Tứ là bốn, Vô Lượng Tâm là tâm rộng lớn mênh mông phủ trùm tất cả chúng sanh, không thể nào suy lường, tính toán được. Tâm này thoát ra khỏi sự ràng buộc dây mơ rễ má của mọi tình cảm thương ghét, giận hờn, tỵ hiềm, kiêu căng, nghi ngờ, ngã mạn của phàm phu, phá vỡ mọi tà kiến, thân kiến, chấp kiến. Càng trau dồi tâm thì nó càng rộng lớn và sự hiểu biết của ta càng phát triển. Từ đó ta mới thực hiện tâm vô ngã. Nếu không có bốn tâm từ, bi, hỷ, xả thì ta khó thực hiện được tâm vô ngã. Vô lượng tâm còn có nghĩa là đẳng tâm, là tâm bình đẳng (xem người và vật như nhau). Tâm này tự nhiên, không so đo cao thấp, hơn kém mà phổ biến, ban rải khắp mọi nơi, mọi chỗ, không giới hạn. Do trau dồi tâm bình đẳng này mà làm lợi ích cho vô lượng chúng sanh thoát khổ. Tâm này có công năng mang lại cho chúng sanh vô lượng phước báo, nghĩa là không bao giờ làm phiền lòng ai. Biết rằng ở đời ai cũng có cái khổ, cái khó khăn, nên ta cần phải thường xuyên áp dụng tâm bi. Thí dụ khi có một người tức giận ta, ta hiểu là người ấy đang khổ (bởi vì tâm bình thường đâu có đau khổ). Khi thực hiện tâm bi là thực hiện ở chỗ đau khổ, tai nạn của người. Nếu thực hiện được tâm từ thì ta có thể đem lại lợi ích cho chúng sanh trong nước và các nước khác, ta sẽ sống an vui, không có chiến tranh, đau khổ. Vô lượng phải hiểu qua năm trường hợp sau đây: 1- Vô lượng nhân lành: đem lại nhân lành cho mọi người. Thí dụ khi người ta chửi mình thì mình không giận mà còn năn nỉ để họ mát dạ, không chửi nữa. Đó là ta thông cảm và giúp đỡ họ. 2- Vô lượng quả đẹp: luôn luôn đem đến sự tốt đẹp, không phiền toái, khiến cho chúng sanh nào cũng được an lành. 3- Vô lượng chúng sanh: mang lại lợi ích cho rất nhiều chúng sanh. Thí dụ trong y áo của chúng ta có đầy kiến, học tập tâm từ thì ta không nên đập giũ mạnh khiến cho chúng có thể bị thương tích và chết mất. Vì mưa gió cho nên chúng mới chạy vào nhà tìm nơi trú ẩn. Nếu ta không muốn cho chúng vào thì phải ngăn chận từ đầu. Bây giờ nó vô đầy trong nhà mà ta quét đổ hết ra ngoài mưa, hoặc đem đốt đi thì tội vô cùng. 4- Vô lượng thế giới: cả thế giới trùng trùng, điệp điệp (không gian). 5- Vô lượng đời kiếp: đời đời kiếp kiếp được an lành (thời gian). Thành phần và hành tướng của Tứ Vô Lượng Tâm: Thành phần của Tứ Vô Lượng Tâm là: Từ vô lượng, Bi vô lượng, Hỷ vô lượng, và Xả vô lượng. |
|||