Skip directly to content

Học Giới - Định - Tuệ. Kì 23 (47-49).

47. MƯỜI NĂM TU TRONG THẤT
KHÔNG BẰNG MỘT NĂM TRONG ĐỘNG

Hỏi: Về pháp môn Thân Hành Niệm, nghe lời Thầy và Út con tu tập rất ít, chỉ một hai vòng. Nhưng khi tâm con được thanh thản trước mọi hoàn cảnh, mọi đối tượng, con hết sức biết ơn Thầy và cô Út đã khéo léo rèn luyện cho chúng con.

Con hằng mong sao 100% thiền sinh của Tu viện Chơn Như đều ý thức cao ở “giai đọan ly dục ly ác pháp” mà tự giác xin cô Út dạy cho cách thực hành, thì may ra mới có điểm tựa, mới có nền móng tiến xa hơn, nhập vào Tứ Thánh Định.

Con suy nghĩ như vậy có đúng không thưa Thầy? Con còn nhớ năm nào Thầy dạy: Mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động.

Đáp: Đúng vậy, mười năm trong thất không bằng một năm tu trong động. Tu trong động có hai phần rất rõ nét:

             1- Ức chế tâm chịu đựng
             2- Xả tâm ly tham ly ác pháp

Ức chế tâm chịu đựng có nghĩa là khi gặp nhưng chuyện bất toại nguyện, bị người khác vu oan, nói xấu hoặc bị chửi mắng, mạ lị, mạt sát v.v… tâm sinh ra tức giận nhưng không dám nói thẳng ra, cứ ấm ức trong lòng, tâm hồn buồn bã, khóc than, khi gặp ai nói theo thì đem dòng tâm sự nói ra cho người khác nghe để vơi bớt nỗi khổ trong lòng.

Khi dòng tâm sự tuôn trào thì thường nói những lời phê phán và kết án người khác ác độc, làm sai không đúng, có khi lại nói xấu kẻ khác để hả cơn giận, để trả đũa lại. Điều này, tất cả mọi người tâm còn phàm phu (tâm chưa ly dục ly ác pháp) thì không tránh khỏi những điều ác pháp này. Vì thế đức Phật dạy:

            “Không nên nhìn lỗi người
             Người làm hay không làm
             Nên tự nhìn thân ta
             Có làm hay không làm.”  Kinh Pháp Cú

Lời khuyên ấy rất tuyệt vời nhưng người đời có mấy ai biết lời khuyên dạy quý báu này, nếu biết áp dụng vào đời sống hằng ngày thì tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Thật là hạnh phúc biết bao.

Trong đời tu hành của chúng ta tại Tu viện, có được một người như cô Diệu Quang cũng rất hiếm. Cô dùng tất cả những ngôn ngữ để tận tình giúp đỡ chúng ta tu tập mau giải thoát, còn nếu tu tập không buông xả thì chỉ còn có nước là rút lui êm ái, nhưng lúc nào tâm cũng tức giận, oán ghét cô Út không nguôi.

Xả tâm ly tham, ly ác pháp có nghĩa là sống và tu tập như ông Phú Lâu Na, luôn luôn thấy mọi người đều tốt, đều thương mình. Vì nghĩ mọi người khác đều tốt, đều thương yêu mình nên tâm mình không có đau khổ, không có phiền não, luôn luôn tâm thanh thản an lạc và vô sự.

Do tâm thanh thản, an lạc và vô sự nên tâm không tức giận, phiền não. Không tức giận phiền não nên không nói xấu người, Vì thế, mới gọi là xả tâm ly dục ly ác pháp, mới gọi là sinh thiện tăng trưởng thiện pháp.

48. NIỆM PHẬT KHÔNG PHẢI PHÁP MÔN XẢ TÂM

Hỏi: Con nghe những người tu Tịnh Độ nói: “Niệm Phật cũng là phương pháp xả tâm.” Có phải như vậy không thưa Thầy? Những người tu Tịnh Độ dẫn chứng rằng: Khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận buồn lo sẽ biến mất. Những người tu Tịnh Độ còn cho biết: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãi” đến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt.

Đáp: Niệm Phật là một phương pháp ức chế tâm, chứ không phải niệm Phật là phương pháp xả tâm. Nhưng mọi người đã hiểu lầm ức chế và xả tâm. Chính ngay những vị thầy dạy về pháp môn Tịnh Độ họ cũng chẳng biết pháp môn đó là pháp môn ức chế tâm huống là những tín đồ. Vậy ức chế tâm như thế nào? Và xả tâm như thế nào?

Ức chế tâm có nghĩa là nén tâm, chịu đựng, ép buộc hay bắt buộc làm cho tâm không khởi niệm (vọng tưởng) v.v…

Pháp ức chế tâm gồm có: Niệm Phật A Di Đà, niệm thần chú, biết vọng liền buông, chẳng niệm thiện niệm ác, chăn trâu, Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm, Lục Diệu Pháp Môn, Thiền Minh Sát Tuệ, tham thọai đầu, tham công án v.v… Tất cả những pháp tu trên đây đều là những pháp ức chế tâm.

Người tu Tịnh Độ hiểu lầm nên cho ví dụ: Khi đang giận, buồn, tức một điều gì đó thì cứ nhớ niệm Phật là cơn tức giận buồn lo sẽ biến mất. Đó là cách thức ức chế tâm bằng câu niệm Phật mà người tu Tịnh Độ không biết cho rằng xả tâm. Tu theo Tịnh Độ dù tu một ngàn kiếp cũng chẳng bao giờ hết tham, sân, si, chỉ vì ức chế tâm.

Xả tâm có nghĩa là trước khi xả một niệm nào trong tâm phải có sự tư duy suy nghĩ cho thấu đáo nghĩa lý của niệm đó và còn phải biết áp dụng đức hạnh của giới luật vào niệm đó để chuyển hóa niệm. Sự chuyển hóa niệm gọi là xả tâm.

Cho nên đức Phật bảo: “Tri kiến ở đâu thì đức hạnh giới luật ở đó, đức hạnh giới luật làm thanh tịnh tri kiến, tri kiến làm thanh tịnh đức hạnh giới luật.” Lời dạy trên đây là cách thức xả tâm rất tuyệt vời của kinh sách Nguyên Thủy, còn toàn bộ kinh sách Đại Thừa đều dạy ức chế tâm nên chẳng cần tư duy theo niệm, chỉ cố ức chế tâm vượt qua những lúc tâm giận hờn phiền não mà thôi.

Khi ức chế tâm thấy tâm sân không còn, tưởng là xả tâm, vì vậy tâm sân không bao giờ hết. Nếu bảo rằng niệm Phật xả tâm phiền não được thì niệm Phật cũng xả được các cảm thọ, như khi bị bệnh đau nhức nơi thân thì niệm Phật phải hết đau. Hết đau sao người niệm Phật lại đi bác sĩ nằm nhà thương nhiều như vậy? Các cảm thọ nơi thân là do bị bệnh đau nhức, đó là niệm thọ khổ của thân. Vậy niệm Phật có xả niệm thọ khổ của thân có không? Hay lại phải đi bác sĩ, vào bệnh viện như trên đã nói.

Trong thân chúng ta có bốn chỗ để xả: 1- Thân; 2- Thọ; 3- Tâm; 4- Pháp.

Nếu niệm Phật xả tâm được thì xả thân được; xả thân được thì xả thọ được; xả thọ được thì xả pháp được. Như vậy các bạn có làm được chưa? Nếu chưa làm được như vậy thì các bạn chỉ ức chế tâm mà thôi.

Trên đời ai nói gì cũng được, nhưng làm cho được thì không phải dễ, nhất là hiểu sai chữ nghĩa thì làm sao tu hành đúng được. Phải không các bạn?

Từ xưa đến nay người ta đã hiểu sai Phật pháp nên chẳng có ai tu chứng làm chủ bốn sự đau khổ. Đến giờ này các phật tử cũng còn hiểu sai là do các thầy Tổ khéo léo bưng bít che đậy, hướng dẫn một cách sai lầm. Người ta không biết pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn ảo tưởng nên bị các thầy lừa đảo như câu nói này: “Cứ niệm Phật mãi, niệm mãi” đến một ngày nào đó nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm rỗng rang sáng suốt.”

Theo lời dạy này thật là mơ hồ trừu tượng thiếu thực tế, không khoa học. Tôi xin hỏi các bạn, các bạn cứ thành thật trả lời. Vậy “vỡ ra” là vỡ ra cái gì? Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì?

Những danh từ “vỡ ra” và “tâm rỗng rang sáng suốt” là những danh từ của Thiền Tông mà Tịnh Độ Tông đã chịu ảnh hưởng rồi vay mượn, chứ Tịnh Độ Tông có biết vỡ ra là vỡ ra cái gì không? Như trên đã nói. Còn tâm rỗng rang là tâm như thế nào? Trong khi Pháp môn Tịnh Độ dạy: “Thất nhật tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật.” Vậy thì làm sao mà rỗng rang được, thật là phi lý, bắt chước mà không hiểu nghĩa cũng giống như người mù rờ voi, cũng giống như người ăn bánh mà không biết mùi vị.

Tu hành với mục đích là phải làm chủ bốn sự khổ đau của kiếp người: sanh, già, bệnh, chết, chứ tu hành đâu phải mục đích để tâm rỗng rang sáng suốt. Tâm rỗng rang sáng suốt để làm gì? Pháp môn Tịnh Độ là pháp môn ảo tưởng nên tu hành không làm chủ sanh, già, bệnh, chết, nên các Tổ Tịnh Độ chỉ còn biết cầu nguyện:

“Cầu cho tôi chết biết ngày,
Biết giờ, biết khắc, biết rày tánh linh
Cầu cho bệnh khổ khỏi mình.
In như thiền định họ Bàng thuở xưa.”

Đấy, các bạn có thấy những câu sám trên đây là một sự cầu nguyện và hy vọng chứ không đủ niềm tin vào pháp niệm Phật của mình. Vậy mà bảo niệm mãi, niệm mãi nó sẽ “vỡ ra” thì sẽ được tâm “rỗng rang sáng suốt,” chỉ bắt chước Thiền Tông nói một cách mơ hồ không thực tế.

Ngược lại pháp môn Tứ Niệm Xứ của Phật giáo Nguyên Thủy rất thực tế đẩy lui các sự khổ đau trên bốn chỗ: Thân, thọ, tâm, pháp:

          Này các tỳ-kheo, ở đây, này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trú quán thân trên thân, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp, nhiệt tâm, tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các tỳ-kheo là tỳ-kheo chánh niệm.

Đoạn kinh trên đây chứng tỏ đạo Phật có những phương pháp để khắc phục những sự khổ đau của đời người chứ không phải cầu nguyện. So sánh giữa hai pháp môn Tịnh Độ và Tứ Niệm Xứ chúng ta thấy pháp môn niệm Phật của Đại Thừa giống như một người mù dẫn một số người mù đi thật là nguy hiểm, tốn công sức, tốn của cải tài sản một cách vô ích. Chỉ sống trong ảo tưởng, mộng mơ, làm gì có sự làm chủ sự sống chết và chấm dứt luân hồi.

Tóm lại pháp môn Tịnh Độ là một pháp môn tưởng, pháp môn dạy mê tín, pháp môn lừa đảo.

49. TỨ BẤT HOẠI TỊNH

Hỏi: Kính bạch Thầy, “Tứ Bất Hoại Tịnh” là gì? Ngưỡng mong Thầy dạy lại cho chúng con được thấu suốt hơn.

Đáp: Tứ Bất Hoại Tịnh là một pháp môn tu tập làm cho thân tâm không hư hoại sự thanh tịnh. Tứ Bất Hoại Tịnh chính là pháp môn niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới của Phật giáo Nguyên Thủy. Nó không giống pháp môn niệm Phật của Đại Thừa (Tịnh Độ Tông) chuyên niệm hồng danh Phật suông.

Kính thưa các bạn! Theo như kinh Nguyên Thủy đức Phật dạy:

           1- Niệm Phật là sống như Phật, chứ không phải niệm danh hiệu Phật. (Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật)
            2- Niệm Pháp là sống đúng như Pháp, tu tập đúng như Pháp, chứ không phải tụng kinh.
           3- Niệm Tăng là sống hòa hợp như chúng Tăng, không chống trái nhau chứ không phải trai tăng cúng dàng lạy lễ các vị Tăng để cầu phước báu.
           4- Niệm Giới là sống đúng Phạm hạnh, không hề vi phạm một giới luật nào và không phạm một lỗi nhỏ nhặt nào, chứ không phải hằng tháng vào ngày 30 và ngày rằm cùng nhau tụng giới.

Bởi không tu hành nên trên chữ nghĩa các nhà học giả kiến giải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng, niệm Giới thì giải thích niệm là đọc lầm thầm trong ý như câu:

Nam Mô Phật Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni hay Nam Mô Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư Phật, Thế Tôn.” Hay niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Niệm như vậy là niệm theo kiểu Đại Thừa, niệm ức chế tâm không có nghĩa lý gì cả, không có sự giải thoát gì cả.

Ở đây đức Phật dạy niệm tức là sự tư duy Phật, Pháp, Tăng và Giới để chúng ta thấu triệt Phật, Pháp, Tăng và Giới hàm nghĩa giải thoát như thế nào. Để chúng ta noi theo đó mà thực hiện sống và tu tập đúng như Phật, như Pháp, như chúng Thánh Tăng và như Giới luật đã dạy.

Bài pháp Tứ Bất Họai Tịnh này được tu học và rèn luyện trên lớp Chánh Kiến. Do tu học trên lớp Chánh Kiến nên phải dùng nhãn căn, nhĩ căn, tỷ căn mà tu tập. Có hiểu biết và tu tập như vậy thì mới có giải thoát thật sự. Còn niệm danh hiệu Phật, tụng kinh, cúng dàng trai tăng, đảnh lễ chư Tăng và tụng Giới, dù có niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới như vậy cho đến muôn kiếp ngàn đời thì cũng chẳng có giải thoát được chút nào.

Người ta đã lầm, niệm như vậy là để nhất tâm bất loạn tức là niệm không có vọng niệm xen vào, chỉ duy nhất có câu niệm Phật mà thôi thì sẽ được vãng sanh Tịnh Độ.

Đó là hiểu theo kiến giải lầm lạc của Tịnh Độ Tông (Thất nhựt nhất tâm bất loạn chuyên trì danh hiệu A Di Đà Phật dữ chư Thánh chúng hiện tại kỳ tiền...).

Còn hiểu theo nghĩa Thiền Tông thì nhất tâm bất loạn tức là chẳng niệm thiện niệm ác, chẳng niệm thiện niệm ác bản lai diện mục hiện tiền là thiền định, là Phật tánh, nhưng tất cả những sự tu tập như vậy đều sai hết các bạn ạ!

Chỗ nhất tâm bất loạn của các bạn sẽ rơi vào thế giới tưởng của tưởng uẩn, nơi đây là mê hồn trận của tà giáo ngoại đạo. Các bạn tu hành cần nên cảnh giác nơi hang hùm nguy hiểm này.

Nếu tu tập đến đây các bạn coi chừng ức chế tâm quá độ thì sẽ bị rối loạn thần kinh trở thành nguy hiểm tánh mạng của các bạn. Sự tu sai lạc này các bạn trở thành những bệnh thần kinh, người điên khùng, người mất trí v.v… khi cười, khi khóc hay làm ra vẻ sống kỳ lạ không giống ai hết.

Đến đây các bạn đã hiểu sơ sơ về bài học của lớp Chánh kiến “Tứ Bất Hoại Tịnh.” Sau này có dịp các bạn sẽ gặp lại chúng tôi trên những giáo trình tu học của lớp này thì còn thú vị hơn nhiều.

Thân ái chào các bạn, chúc các bạn dồi dào sức khỏe, tu tập xả tâm tốt.