Học Giới - Định - Tuệ. Kì 13 (8-10)
(Định Vô Lậu câu hữu Nhân Quả)
Hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày, hằng tháng, hằng năm, lúc nào chúng ta cũng quan sát, xem xét, tư duy, suy ngẫm trên ba chỗ xuất phát nhân quả thân hành, khẩu hành và ý hành. Bất kỳ lúc nào cũng phải cẩn thận ý tứ cảnh giác và giữ gìn không để thân hành ác, khẩu hành ác, ý hành ác, luôn luôn phải thể hiện thân hành thiện, khẩu hành thiện, ý hành thiện.
1- Thân hành thiện: Là thân không giết hại chúng sanh, không ăn thịt chúng sanh, không làm đau khổ chúng sanh và phải ý tứ để thân không vô tình dẫm đạp làm đau khổ chúng sanh.
Thân hành thiện là thân không lấy của không cho dù là vật nhỏ mọn như cây kim sợi chỉ, trái cà, trái ớt, cũng không được lấy.
Thân hành thiện là thân không tà dâm, đối với người cư sĩ nghĩa là khi có vợ con hoặc có chồng con thì không được dâm dục với người khác, dâm dục với người khác sẽ làm đau khổ gia đình mình và đau khổ gia đình người khác, còn người tu sĩ thì không nên dâm dục vì dâm dục tức là thân hành ác pháp tạo ra sự khổ cho mình cho người và làm cho Phật pháp suy đồi.
2- Khẩu hành thiện: Là miệng không nói dối, luôn luôn phải nói lời chân thật, thấy, nghe sao nói vậy không được nói sai sự thật.
Khẩu hành thiện là miệng không được nói lời thêu dệt, chuyện xấu nói tốt, chuyện tốt nói xấu, chuyện sai nói đúng, chuyện đúng nói sai. Lúc nào cũng phải tránh nói chuyện phiếm, chuyện tào lao, chuyện vô ích.
Khẩu hành thiện là miệng không nói lật lọng, không nói ngược ngạo, không vu oan giáng họa cho kẻ khác.
Khẩu hành thiện là miệng không nói lời hung dữ, không chửi thề, không la mắng to, nạt nộ, hù dọa, v.v…
3- Ý hành thiện: Là ý không khởi nghĩ ham muốn một vật gì cả, ý không sân hận oán thù, ganh ghét ai cả, ý không si mê, thường sáng suốt nhận rõ mọi hành động nhân quả thiện ác để luôn luôn ý nghĩ đến điều thiện, không làm khổ mình khổ người.
Tóm lại, trên đây là tu Định Vô Lậu câu hữu với nhân quả tức là tu tập vô lậu trên đường đi lối về của nhân quả. Muốn cho các chướng ngại pháp không tác động vào thân tâm sanh ra lậu hoặc nên thường cảnh giác và giữ gìn thân, miệng, ý không cho hành động ác.
Luôn luôn phải thực hiện hành động thiện để tạo cảnh an vui cho mình cho người để tạo sự giải thoát cho mình và các pháp chướng ngại không còn tác động được thân tâm, đó là sự giải thoát của Định Vô Lậu câu hữu với Nhân Quả thiện ác.
Định Vô Lậu câu hữu với nhân quả là một pháp môn ngăn các ác pháp tuyệt vời, nếu người nào siêng năng tu tập thì thân hành, ý hành, khẩu hành không bao giờ làm khổ mình khổ người, đó là một hành động đạo đức cao thượng nhất trên thế gian này.
(Định Vô Lậu câu hữu Mười Hai Nhân Duyên)
Mười hai Nhân Duyên là gì? Mười hai Nhân Duyên là mười hai duyên sau:
1- Duyên Vô Minh.
2- Duyên Hành.
3- Duyên Nghiệp. (Duyên Thức?)
4- Duyên Danh Sắc.
5- Duyên Lục Nhập.
6- Duyên Xúc.
7- Duyên Thọ.
8- Duyên Ái.
9- Duyên Hữu.
10- Duyên Thủ.
11- Duyên Sanh.
12- Duyên Ưu Bi, Bệnh, Tử.
Mười hai duyên này kết hợp lại thành một thế giới khổ đau do duyên Vô Minh chỉ đạo, nói một cách khác cho dễ hiểu hơn là một môi trường sống có mười hai duyên hợp lại tạo thành một thế giới khổ đau của muôn loài sanh linh trên hành tinh này.
Quán mười hai nhân duyên này để phá tan cái thế giới đau khổ của chúng sanh nói chung, và nói riêng là diệt lậu hoặc của con người. Trong Giáo Án Đường Lối Tu Tập của đạo Phật chúng tôi đã giảng trạch đầy đủ, ở đây xin giảng để đi vào thực hành ngắn gọn, nhưng sẽ giúp cho chúng ta biết được lộ trình đi đúng vào quỹ đạo giải thoát của đạo Phật qua mười hai duyên này.
Ở đây chúng tôi xin nhắc nhở thêm, trong mười hai nhân duyên, Vô Minh là duyên thứ nhất. Vậy muốn phá Vô Minh thì phải có Minh, muốn có Minh thì phải đi ngõ nào vào đây?
Nếu lấy sự học làm Minh thì đó là sở tri chướng, mà sở tri chướng thì không thể nào là Minh được.
Nếu lấy chỗ thiền định để phát triển trí tuệ làm Minh thì đó là không đúng, vì tâm chưa ly dục ly ác pháp làm sao có thiền định được.
Còn nếu ức chế tâm để hết vọng tưởng gọi đó là thiền định thì sai, đó chẳng qua chỉ là một trạng thái ức chế ý thức ngưng hoạt động để tưởng thức hoạt động, và sự phát triển hiểu biết do ức chế đó gọi là tưởng tuệ, tưởng tuệ không thể nào gọi là Minh được.
Trong kinh Sonananda, đức Phật đã xác định trí tuệ rất rõ ràng: “Trí tuệ ở đâu là Giới luật ở đó, Giới luật ở đâu là Trí tuệ ở đó. Trí tuệ làm thanh tịnh Giới luật, Giới luật làm thanh tịnh trí tuệ.”
Lời dạy trên đây rất rõ ràng. Trí tuệ là giới luật, giới luật là trí tuệ, như vậy chúng ta chọn giới luật làm trí tuệ. Chọn giới luật làm trí tuệ tức là chọn đời sống phạm hạnh, chọn đời sống phạm hạnh thì phải buông xả tất cả.
Buông xả tất cả thì duyên Sanh không còn, duyên Sanh không còn thì duyên Thủ diệt, duyên Thủ diệt thì duyên Hữu diệt; duyên Hữu diệt thì duyên Ái diệt; duyên Ái diệt thì duyên Thọ diệt; duyên Thọ diệt thì duyên Xúc diệt; duyên Xúc diệt thì duyên Lục Nhập diệt; duyên Lục Nhập diệt thì duyên Danh Sắc diệt; duyên Danh Sắc diệt thì duyên Nghiệp diệt; duyên Nghiệp diệt thì duyên Hành diệt; duyên Hành diệt thì duyên Vô Minh diệt; duyên Vô Minh diệt thì Minh sanh.
Như vậy, muốn có Minh thì chúng ta bắt đầu vào giới luật, sống đúng giới luật chứ không thể ngoài giới luật đi tìm Minh mà có được, cho nên đi tìm Minh bằng sự học, bằng thiền định thì không thể có được. Nhờ có Minh mà chúng ta nhập được Chánh Định, nhờ có Chánh Định chúng ta mới thực hiện được Tam Minh, nhờ có Tam Minh chúng ta mới quét sạch lậu hoặc, do đó mới gọi là Định Vô Lậu câu hữu Mười hai Nhân Duyên.
10. TU ĐỊNH HIỆN TẠI AN LẠC TRÚ
Hỏi: Kính thưa Thầy! Định Hiện Tại An Lạc Trú con chỉ tu 30 phút thường hướng tâm: “Sáu căn phải tập trung tại tụ điểm nghe hơi thở và nhìn hơi thở.” Rồi con lại tiếp tục hướng tâm nữa: “Hơi thở phải chậm và nhẹ.” Con thấy hơi thở con càng lúc càng chậm, càng nhẹ dần. Nhờ con tu ít lại nên hôn trầm cũng bớt nhiều, tu như vậy có đúng không thưa Thầy?
Đáp: Đúng, Định Niệm Hơi Thở con tu như vậy rất tốt. Khi hơi thở nhẹ và chậm, tâm yên lặng và bám chặt vào hơi thở thì con hãy tiếp tục hướng tâm vắng lặng. Thỉnh thoảng và nhẹ nhàng thoáng hướng tâm như lý tác ý: “Nhĩ thức hãy nghe vào trong và nằm yên như ngủ, không được nghe ra ngoài.”
Nếu khoảng thời gian này con chỉ cần kéo dài 30 phút là cao nhất, không nên kéo dài thêm nữa, vì kéo dài thêm nữa con sẽ rơi vào trạng thái tĩnh lặng, và khi rơi vào trạng thái tĩnh lặng thì rất là nguy hiểm, vì từ trạng thái tĩnh lặng sẽ phát sinh sáu loại tưởng đầu tiên:
1- Xúc tưởng hỷ lạc, là một cảm giác an lạc thích thú của xúc tưởng.
2- Sắc tưởng là thấy ánh sáng hào quang hoặc thấy hình ảnh chư Phật, chư Tổ, ma quỷ v.v…
3- Thinh tưởng là nghe âm thanh hoặc tiếng nói trong tai v.v…
4- Hương tưởng là cảm giác mùi thơm bay phảng phất.
5- Vị tưởng là cảm giác nước miếng ngọt và đang tiết ra trong miệng.
6- Pháp tưởng là hiểu thông suốt 1700 công án Thiền Tông và các loại kinh tưởng Đại Thừa.
Khi hành giả tu hành gặp sáu loại tưởng này thì bản ngã to lớn vĩ đại, kiến chấp sâu dày rất khó bỏ.
Định Hiện Tại An Lạc Trú là một tên gọi chung cho bốn loại Thiền Định Vô Thượng Tâm của Phật giáo là:
1- Sơ Thiền.
2- Nhị Thiền.
3- Tam Thiền.
4- Tứ Thiền.
Khi nhập vào bốn loại thiền định này trong hiện tại có sự an lạc, cho nên gọi là Hiện Tại An Lạc Trú Định. Nhập vào bốn loại thiền định này là phải tu hai loại định Thân Hành Niệm nội (hơi thở) và Thân Hành Niệm ngoại (hành động bên ngoài của thân).
Trong bốn loại thiền định này có một loại định khó tu tập nhất, đó là Sơ Thiền. Sơ Thiền là một loại thiền xả tâm, nếu hành giả tu hành không biết, chỉ cần sơ sót là rơi vào thiền ức chế tâm thì chẳng bao giờ nhập Sơ Thiền được.
Người muốn nhập Định Hiện Tại An Lạc Trú này thì phải nghiêm trì và sống đúng giới luật không hề vi phạm một lỗi nhỏ nhặt, luôn luôn lúc nào cũng phải phòng hộ sáu căn giữ gìn mắt, tai, mũi, miệng, thân và ý của mình không cho dính mắc sáu trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp. Vả lại, còn phải chấp nhận hạnh thiểu dục tri túc, sống đúng đời sống phạm hạnh của một vị Thánh Tăng thì mới thực hiện được Hiện Tại An Lạc Trú Định.
Nếu không sống đúng một đời sống Phạm hạnh thì khó mà nhập được các loại định này vì cánh cửa Sơ Thiền đóng rất kín, nếu kẻ nào phạm giới, phá giới, bẻ vụn giới thì chỉ còn đứng ngoài cửa chứ không vào được.
Tại sao vậy? Tại vì Giới luật còn vi phạm thì thân tâm không thanh tịnh, thân tâm chưa thanh tịnh thì tâm chưa ly dục ly ác pháp, tâm chưa ly dục ly ác pháp thì không thể nào vào cửa Sơ Thiền được. Không vào cửa Sơ Thiền được thì không thể nhập Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền. Như vậy Hiện Tại An Lạc Trú Định khó mà bước vào được.
Theo sự trình bày tu tập của con là Định Niệm Hơi Thở chứ không phải Định Hiện Tại An Lạc Trú. Đó là giai đoạn thứ nhất trong sự tu tập tỉnh thức của Định Niệm Hơi Thở để tỉnh thức xả tâm ly dục ly ác pháp, khi xả tâm ly dục ly ác pháp hoàn toàn thì đó mới bắt đầu nhập vào Định Hiện Tại An Lạc Trú.
Ở đây con chỉ tu mới được phân nửa thuộc về tỉnh thức, còn phân nửa thuộc về xả tâm thì hiện giờ con phải áp dụng vào phương pháp quán xét Tứ Niệm Xứ, tức là tư duy suy ngẫm bốn chỗ: Thân, thọ, tâm và các pháp, xem trên bốn chỗ này có chướng ngại pháp hay không, nếu không chướng ngại pháp thì con nên để tâm tự nhiên biết hơi thở ra vào chứ đừng bắt buộc hay ức chế tập trung tâm vào hơi thở.
Định Hiện Tại An Lạc Trú không khó nhập, nếu một người ngộ lý mười hai nhân duyên, thông suốt thế giới các pháp đều do duyên hợp mà thành, do đó trên thế gian này không có một pháp nào thường hằng vĩnh viễn, dù cho ai muốn giữ gìn cũng không được. Có vật chất càng nhiều thì càng khổ, cho nên càng xả bỏ ra thì càng giải thoát, xả nhiều giải thoát nhiều, xả ít giải thoát ít, xả hết thì hoàn toàn giải thoát.
Vì thế, đời sống phạm hạnh của một vị Thánh Tăng chỉ còn ba y một bát, sống không nhà cửa, không gia đình, đó là giải thoát hết nên đời sống của một vị Thánh Tăng là đời sống buông xả, đời sống giải thoát.
Phần nhiều tu sĩ và cư sĩ thời nay sống Phạm hạnh bằng hình thức bên ngoài mà trong tâm thật sự chưa xả, có nghĩa là trong tâm chưa nhàm chán thế gian, chưa thấy mười hai duyên hợp thật sự nên còn ham thích cái này, cái nọ.
Tâm chưa nhàm chán các pháp thế gian thì khó mà nhập được Hiện Tại An Lạc Trú Định. Tuy rằng theo đường dây hơi thở mà nhập các loại định này, nhưng không nhàm chán các pháp thế gian thì không bao giờ nhập được.
Định Hiện Tại An Lạc Trú phải theo đường dây hơi thở mà vào, chúng ta hãy lắng nghe đức Phật dạy trong kinh Nikaya:
“Này các thầy tỳ-kheo! Ta trước khi chưa giác ngộ, chưa chứng chánh đẳng giác, còn là Bồ Tát. Này các thầy tỳ-kheo! Do Ta tu tập nhiều với pháp môn này, thân ta và con mắt không có mệt nhọc và tâm Ta được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ.”
Đoạn kinh trên đức Phật chỉ cho chúng ta thấy, do khéo tu Hiện Tại An Lạc Trú Định, thân và con mắt không có mỏi mệt, tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc và không có còn chấp thủ, nhưng phải do đường dây hơi thở mà tu tập, đường dây hơi thở mà đức Phật còn gọi là Định Niệm Hơi Thở và pháp hướng tâm.
“Do vậy này các thầy tỳ-kheo! Nếu các thầy muốn rằng: “Thân và con mắt khỏi bị mỏi mệt và tâm được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không có chấp thủ” thì Định Niệm Hơi thở vô, hơi thở ra cần phải khéo tác ý.”
Cần phải khéo tác ý hơi thở vô hơi thở ra như thế nào để thân và con mắt không có mỏi mệt, còn tâm thì được giải thoát khỏi các lậu hoặc không có chấp thủ, chấp thủ ở đây có nghĩa là ức chế vọng tưởng. Hầu hết mọi người tu về Định Niệm Hơi Thở đều không hiểu chỗ này, cho nên tu tập hơi thở thành ức chế tâm như pháp Sổ Tức Quán của Đại Thừa và Lục Diệu Pháp Môn của Thiền Đông Độ.
Chúng ta hãy trở về Định Niệm Hơi Thở trong bài kinh Xuất Tức Nhập Tức thuộc kinh Nikaya Trung Bộ: “Hít vô tôi biết tôi hít vô, thở ra tôi biết tôi thở ra,” đó là câu hướng tâm theo hơi thở để tâm không bị ức chế vọng tưởng mà được nhẹ nhàng tự nhiên hơn, cho nên thân và con mắt không có mỏi mệt, tâm thì được giải thoát khỏi các lậu hoặc, không bị ức chế.
Đây, chúng ta nghe tiếp bài kinh Xuất Tức Nhập Tức: “Quán ly tham tôi biết tôi hít vô, quán ly tham tôi biết tôi thở ra.” Do sự tu tập khéo tác ý như vậy nên sự tu tập đạt được theo ý muốn của mình.
Nếu chúng ta muốn cho tâm được thanh thản, an lạc và vô sự tức là đoạn tận vọng tưởng không còn xen vào trong tâm mà thân tâm không bị ức chế thì chúng ta cũng nương theo hơi thở và tác ý như vậy: “Do vậy này các thầy tỳ-kheo! Nếu các thầy muốn rằng các niệm, các tư duy được đoạn tận” thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải khéo tác ý.”
Nếu trong đời tu hành của chúng ta còn dính mắc một điều gì không buông xả được cũng như không nhàm chán các pháp thế gian, tâm vẫn còn ham thích thì chúng ta cũng nên dùng Hiện Tại An Lạc Trú Định mà tu tập theo pháp hướng tâm như lời đức Phật dạy:
“Do vậy, này các thầy tỳ-kheo! Nếu các thầy muốn tu tập với tưởng nhàm chán đối với các pháp không nhàm chán” thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải được tác ý.”
Nếu muốn tâm giữ gìn giới luật nghiêm túc, tâm không phóng dật, tâm ly dục ly ác pháp thì cũng phải tu Định Niệm Hơi Thở như đức Phật đã dạy:
“Do vậy, này các thầy tỳ-kheo! Nếu các thầy mong rằng ly dục ly ác pháp, các thầy sẽ chứng đạt và an trú Thiền Thứ Nhất một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh có tầm có tứ thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra cần phải được khéo tác ý.”
Nếu quý vị muốn nhập Nhị Thiền thì quý vị cũng phải nương vào hơi thở của Định Hiện Tại An Lạc Trú và khéo tác ý như lời đức Phật đã dạy:
“Do vậy, này các thầy tỳ-kheo! Nếu tỳ-kheo muốn rằng: Mong rằng làm cho tịnh chỉ tầm tứ, tôi sẽ chứng đạt và an trú Thiền Thứ Hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm, thời Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra này cần phải tác ý.”
Nếu quý vị muốn nhập Tam Thiền thì cũng phải theo đường dây hơi thở và hướng tâm như lý của Tam Thiền tác ý thì sẽ nhập Tam Thiền không mấy khó khăn như lời đức Phật đã dạy:
“Do vậy, này các thầy tỳ-kheo, nếu các thầy ước muốn rằng: Mong rằng ly hỷ trú xả, Chánh Niệm Tỉnh Giác cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, tôi chứng đạt và sẽ an trú Thiền Thứ Ba, thì Định Niệm Hơi Thở vô và hơi thở ra này cần phải tác ý.”
Nếu quý vị muốn nhập Tứ Thiền thì Định Niệm Hơi Thở vô, hơi thở ra cần phải được khéo tác ý như đức Phật đã dạy:
“Do vậy, này các thầy tỳ-kheo! Nếu các thầy ước muốn rằng: Mong rằng đoạn lạc đoạn khổ, chấm dứt hỷ ưu đã cảm thọ trước, tôi chứng đạt và an trú Thiền Thứ Tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh thì Định Niệm Hơi Thở vô và hơi thở ra này cần phải được tác ý.”
Định Hiện Tại An Lạc Trú tức là Bốn Thiền Hữu Sắc, nhưng muốn tu Bốn Thiền Hữu Sắc thì phải dùng Định Niệm Hơi Thở nhưng phải luôn luôn khéo tác ý đúng bốn trạng thái ly, từ, diệt, xả của Bốn loại thiền này.
Ví dụ: Sơ Thiền muốn đạt được thì phải ly dục ly ác pháp. Nhị Thiền thì phải tịnh chỉ tầm tứ hay nói cách khác là diệt tầm tứ. Tam Thiền thì phải ly các loại hỷ tưởng hay nói cách khác là ly hỷ trú xả. Tứ Thiền thì phải tịnh chỉ hơi thở hay nói cách khác là xả lạc, xả khổ, xả niệm thanh tịnh.
Những điều con đã trình bày ở trên là tu tập tỉnh thức trong Thân Hành Niệm nội và đã được kết quả như ý, nhưng con phải dùng sự tỉnh thức này tu Tứ Niệm Xứ, tức là con quán sát bốn chỗ thân, thọ, tâm, pháp. Nếu có niệm xảy ra trên bốn chỗ này thì con dùng Định Vô Lậu quán xét đẩy lui các chướng ngại pháp đó, nên trong Tứ Niệm Xứ đức Phật dạy:
1- Trên thân quán thân để khắc phục tham ưu.
2- Trên thọ quán thọ để khắc phục tham ưu.
3- Trên tâm quán tâm để khắc phục tham ưu.
4- Trên pháp quán pháp để khắc phục tham ưu.
Thầy xin nhắc lại, muốn tu tập Tứ Niệm Xứ thì trước tiên phải tu tập Định Niệm Hơi Thở như con đã trình bày ở trên, sau khi tu tập Định Niệm Hơi Thở đã có sức tỉnh thức thì lấy sức tỉnh thức đó áp dụng vào Tứ Niệm Xứ để khắc phục tham ưu tức là ly dục ly ác pháp. Bây giờ con quan sát lại lộ trình tu tập có ba giai đoạn đi vào Định Hiện Tại An Lạc Trú:
- Giai đoạn thứ nhất, con tu Định Niệm Hơi Thở để có tỉnh thức.
- Giai đoạn thứ hai, con dùng sức tỉnh thức của Định Niệm Hơi Thở tu Tứ Niệm Xứ để ly dục ly ác pháp, tức là con hoàn chỉnh giới luật thanh tịnh.
- Giai đoạn thứ ba, con dùng tâm ly dục ly ác pháp để nhập bốn loại thiền định hữu sắc đó là Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền, Tứ Thiền, tức là con đã hoàn chỉnh bốn thiền định Hữu Sắc.
Như vậy, ba giai đoạn này con đã tu được hai phần ba đường của đạo Phật, còn một phần nữa là xong nốt quãng đường giải thoát đó là Tam Minh.
Tóm lại, con đã tu từ 5 phút đến 30 phút tỉnh thức trong Định Niệm Hơi Thở, kết quả ấy con đem áp dụng vào Tứ Niệm Xứ để quan sát thân, thọ, tâm, pháp có chướng ngại pháp thì con nên đẩy lui. Con nên hiểu giai đoạn này là giai đoạn tu tập ly dục ly ác pháp, giai đoạn cam go nhất của người tu hành theo đạo Phật và nó cũng là giai đoạn khó khăn nhất. Cho nên phải tu tập nhiếp tâm cho được trong thân hành nội hay ngoại. Khi nhiếp tâm được chỉ trong khoảng thời gian 30 phút thì phải tập an trú cho được trong thân hành, còn nếu tập an trú chưa được thì phải trở lại tu tập Định Vô Lậu xả tâm cho thật sạch, có như vậy mới an trú được.
Sự tỉnh thức của con tu đúng pháp khi áp dụng vào Tứ Niệm Xứ thì rất dễ đẩy lui các chướng ngại pháp, đẩy lui các chướng ngại pháp tức là con đã ly dục ly ác ác pháp dễ dàng, không có khó khăn, không có mệt nhọc, còn sự tỉnh thức chưa đúng pháp thì tu tập hay quên; còn đẩy lui chướng ngại pháp khó khăn là pháp hướng chưa có đủ lực, sự an trú chưa vững chắc, nhưng con hãy bền chí hướng tâm và tu tập an trú cho được thì con sẽ đạt được kết quả như ý muốn.