Skip directly to content

Học Giới - Định - Tuệ. Kì 22 (43-46)

43. VÔ MINH

Hỏi: Kính thưa Thầy! Ngồi tu chỉ một niệm “gục” là tâm người ấy bị vô minh che đậy. Nếu trong một tháng mà tu không một niệm “gục” thì tâm người ấy đã được thanh thản. Nếu con tu mỗi lần 10 hơi thở, con xả nghỉ một phút và tiếp tục tu 30 phút, như vậy con không bị “gục.” Khi xả nghỉ tâm con có lúc nhẹ nhàng, nếu con cứ tu như vậy, con còn bị vô minh che đậy nữa không? Cầu xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Nếu con tu tập không bị “gục” và thất niệm thì con đã phá sạch vô minh, chỉ vì thời gian con tu hiện giờ còn ngắn lắm, chỉ cách khoảng 10 hơi thở xả nghỉ một phút, sức tỉnh thức chưa kéo dài được, nhưng con khéo thiện xảo tu như vậy và siêng năng không biếng trễ, niệm “gục” và thất niệm không có thì sức tỉnh thức sẽ cao độ, thời gian sẽ chiếm trọn ngày đêm, lúc bây giờ vô minh bị quét sạch.

Vốn chúng ta sanh ra ở đời mang nghiệp thân nhân quả khổ đau này do từ nơi vô minh. Nếu quét sạch vô minh thì chúng ta đã giải thoát hoàn toàn, đâu còn gì phải tu nữa. Chính vì phá vô minh mà đạo Phật dạy ta tu tập nhắm vào sức tỉnh giác. Từ Chánh Niệm Tỉnh Giác Định, Định Niệm Hơi Thở đều phải tu trên Thân Hành Niệm, lấy mọi hành động của thân tu tập để tạo sức tỉnh thức, do tu như vậy nên không bị niệm “gục.”

Nhưng con cũng nên nhớ: chỉ có giới luật nghiêm túc thì niệm “gục” mới không thăm con, như lời Phật đã dạy. Hiện giờ niệm “gục” đến thì nên dùng pháp Thân Hành Niệm mới quét sạch, ngoài pháp môn Thân Hành Niệm khó mà thắng niệm “gục.”

Tỉnh thức có thì vô minh không có, cho nên người tu còn gục và thất miệm là chưa có sức tỉnh thức. Do tu sai pháp, tu quá sức, ngồi nhiều, không đi kinh hành, không tu trong mọi hành động. Sức tỉnh thức chưa có thì vô minh còn; vô minh còn thì tham, sân, si còn; tham, sân, si còn thì ác pháp còn; ác pháp còn thì tâm dục còn; tâm dục còn thì chưa giải thoát.

Muốn phá vô minh mà hành giả cứ tìm kiếm học hỏi và nghiên cứu để được thông suốt giáo lý kinh điển thì hành giả đó chỉ là học giả, vô minh lại càng vô minh hơn. Đừng nghĩ rằng học hỏi nghiên cứu thông suốt tam tạng kinh điển là hết vô minh. Đó là một điều nghĩ sai.

Các nhà Đại Thừa, các thiền sư, các nhà học giả, họ là những người thông suốt kinh sách, lý luận sắc bén, đối đáp như gió thổi, nhưng đối với đạo Phật, họ là những kẻ vô minh, chỉ vì chưa có sức tỉnh thức, còn “gục.”

Các pháp môn tu tập thiền định của đạo Phật, được chia làm hai loại rất rõ ràng và cụ thể:

             1- Các pháp môn tu tập Tỉnh thức.
             2- Các pháp môn tu tập Chánh niệm.

Vấn đề tu tập quan trọng trong đạo Phật là phải tu tập như thế nào để phá sạch vô minh? Vì biết rõ do vô minh nên nghiệp lực của con người tiếp tục mãi tái sanh luân hồi và chịu biết bao đau khổ từ kiếp này sang kiếp khác.

Muốn chấm dứt khổ đau thì phải đoạn dứt vô minh. Vì thế đường lối của đạo Phật, bắt đầu phải tu tập pháp nào trước. Vì đức Phật là hành giả tu tập các pháp môn của ngoại đạo không đạt được giải thoát nên Ngài đã quá thông suốt. Khi dạy người tu thiền định, bắt đầu phải thực hành pháp môn trước tiên là “Thân Hành Niệm.”

Thân Hành Niệm, tức là nương theo hành động của thân nội và ngoại để tập tỉnh thức, nhờ có tỉnh thức tâm mới phá vô minh, tức là tâm luôn tỉnh thức trong Chánh niệm (Thân niệm). Nên đức Phật ghép hai danh từ này lại thành một tên thiền định của đạo Phật, “Chánh Niệm Tỉnh Giác Định.” Một loại định xả tâm diệt ngã, ly dục ly ác pháp mang đến cho hành giả từng phút, từng giây giải thoát.

Pháp môn Chánh Niệm Tỉnh Giác Định là một pháp môn trong bốn pháp môn để tu tập ngăn ác diệt ác pháp, sanh thiện tăng trưởng thiện pháp nên có tên gọi là “Tứ Chánh Cần,” một pháp môn ngăn ác, diệt ác tuyệt vời, luôn sống trong thiện pháp, an vui trong thiện pháp, khiến cho hành giả có một tâm hồn thanh thản, an lạc và vô sự.

Để tiếp tục pháp thứ hai, con đường của đạo Phật diệt ngã xả tâm, ly dục ly ác pháp, hành giả tu tập “Định Vô Lậu” để triển khai tri kiến giải thoát. Muốn tu tập Định vô lậu, hành giả phải có sự tỉnh thức khá cao, dùng sức tỉnh thức đó quán xét nhân quả trong mỗi tâm niệm, mỗi đối tượng, mỗi sự việc và mỗi hoàn cảnh. Từ đó sẽ thấy các pháp vô thường như thật, khổ như thật, vô ngã và bất tịnh như thật.

Trên đường tu tập, nếu con tu đúng như lời dạy trên đây thì phải tu tập kế tiếp những pháp môn sau đây: Định Niệm Hơi Thở và Định Sáng Suốt, vì các lọai định này rất cần thiết để đẩy lùi các chướng ngại pháp. Do đẩy lùi các chướng ngại pháp thì mới phá sạch vô minh. Nhờ đó con không còn gục và thất niệm nữa, từ đây về sau tâm hồn con thanh thản, an lạc và vô sự. Từ đó một niềm vui vi diệu của đạo Phật xuất hiện mà không tìm nơi đâu có được.

44. NHƯ LÝ TÁC Ý

Hỏi: Kính thưa Thầy, nếu con tu pháp hướng tâm như lý tác ý (ám thị) luôn không dứt “Tâm như đất,” giai đoạn đầu con tu còn vọng tưởng khi hướng tâm (ám thị), tuy vậy con vẫn ám thị luôn không dứt, như thế lâu ngày tâm con có hết tham, sân, si không? Xin Thầy chỉ dạy.

Đáp: Muốn hướng tâm như lý tác ý (ám thị) “Tâm như đất” có hiệu quả, nghĩa là tâm hết tham, sân, si thì không phải chờ hết vọng tưởng mà ở chỗ giữ gìn giới luật nghiêm chỉnh: ăn, ngủ, độc cư, sống trầm lặng một mình. Thường sống biết nhẫn nhục, tuỳ thuận, bằng lòng. Đó là vừa hướng tâm “ám thị” vừa lấy giới luật phòng hộ sáu căn, vừa sống lập đức lập hạnh. Do tu đúng như vậy thì tâm lần lượt sẽ thanh tịnh, tức là lần lượt tâm ly dục ly ác pháp cho đến thanh tịnh hoàn toàn (tham, sân, si bị quét sạch).

Phải nhớ trong đạo Phật, duy nhất pháp hướng tâm là một pháp môn mầu nhiệm tuyệt vời, nếu siêng năng tu tập và giữ đúng giới luật, đừng vi phạm một lỗi lầm nhỏ nào thì kết quả pháp hướng tâm này có đủ năng lực (đạo lực) điều khiển, truyền lệnh làm chủ thân tâm (nhân quả), giải thoát sanh, già, bệnh, chết hoàn toàn. Nếu con có đủ niềm tin ở pháp môn tác ý này thì hãy cố gắng hằng ngày đừng sao lãng, lúc nào cũng nhớ hướng tâm: “Tâm như đất ly tham, sân, si cho thật sạch, tham, sân, si là pháp ác là đau khổ.” Xưa đức Phật cũng nhờ pháp này diệt ngã xả tâm đi đến cứu cánh giải thoát hoàn toàn, thời nay Thầy cũng nhờ nó mà tâm hồn được thanh thản, an lạc. Vậy các con có đủ niềm tin chăng? Nếu đủ thì các con hãy siêng năng hằng ngày tu tập đừng nên biếng trễ tác ý.

45. THỌ HÀNH TỨ NIỆM XỨ

Hỏi: Kính thưa Thầy! Sau khi được đọc “bức Tâm thư” Thầy gửi cho các cụ, các bác. Mặc dù thơ dạy người lớn tuổi nhưng vô thường không phân biệt ai nên con cố gắng thực hành theo lời Thầy dạy là: “Luôn giữ tâm thanh thản, an lạc và vô sự.”

Thưa Thầy, trong việc tu tập Tứ Niệm Xứ suốt ngày, sao con thấy phần thọ và pháp thường tác động lên thân và tâm. Do đó con chỉ tập trung trên thân và tâm để quét hết những gì cần quét, để trở về tâm thanh thản, an lạc và vô sự. Như vậy có được không thưa Thầy?

Đáp: Được! Con tu tập như vậy cũng giống như ông Châu Lợi Bàn Đặc suốt ngày đêm ngồi quét tâm, đến khi nào quét hết chướng ngại pháp trên thân, thọ, tâm và pháp là tu xong. Ông Châu Lợi Bàn Đặc khi quét xong ông bèn ra lệch cho thân ông biến ra một ngàn ông Châu Lợi Bàn Đặc ngồi đầy rừng.

Còn chướng ngại trên bốn chỗ thân, thọ, tâm và pháp thì còn tu tập, nếu hết chướng ngại pháp là con đã tu xong. Muốn quét sạch các chướng ngại thì phải biết dùng pháp như lý tác ý và phải tập an trú cho được trên thân hành nội và thân hành ngoại. Tác ý phải đúng đối tượng của nó thì nó mới đi, còn tác ý không đúng đối tượng thì nó không đi. Tu tập như vậy gọi là tu tập chánh niệm Tứ Niệm Xứ. Con hãy lắng nghe đức Phật dạy:

Và này các tỳ-kheo, thế nào là tỳ-kheo chánh niệm? Ở đây này các tỳ-kheo, tỳ-kheo trú quán thân trên thân nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán thọ trên các thọ nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán tâm trên tâm nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm, nhiếp phục tham ưu ở đời; trú quán pháp trên các pháp nhiệt tâm tỉnh giác chánh niệm nhiếp phục tham ưu ở đời. Như vậy, này các tỳ-kheo là tỳ-kheo chánh niệm.

Ở đây, chúng ta phải hiểu chữ “chánh niệm.” Chánh niệm trên thân, thọ, tâm và pháp của chúng ta là niệm thanh thản, an lạc và vô sự. Còn tà niệm trên thân, thọ, tâm và pháp như thế nào? Tà niệm trên thân, thọ, tâm và pháp là chướng ngại pháp, là đau khổ, là buồn rầu, lo sợ, là giận hờn, thương ghét v.v…

Đức Phật thường nhắc nhở chúng ta “Phải khắc phục tham ưu ở đời.” Vậy muốn khắc phục tham ưu ở đời chúng ta phải tu tập như thế nào? Nếu thân chúng ta có những bệnh khổ đau thì chúng ta nên áp dụng pháp Thân Hành Niệm nội hay ngoại bằng phương pháp như lý tác ý.

Đây, pháp Thân Hành Niệm nội: “An tịnh thân hành tôi biết tôi hít vô, an tịnh thân hành tôi biết tôi thở ra.” Nếu ai khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh theo hơi thở đi ra thì thân sẽ hết đau. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức giận một điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào chữ Thân hành bằng chữ Tâm hành.

Đây là Thân Hành Niệm nội, khi bị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v… thì chúng ta áp dụng phương pháp như lý tác ý theo hơi thở ra, hơi thở vô như câu dưới đây: “Với tâm định tỉnh tôi biết tôi hít vô, với tâm định tỉnh tôi biết tôi thở ra.

Còn đây là pháp Thân Hành Niệm ngoại để đối trị hôn trầm, thùy miên, vô ký, hôn tịch, ngoan không v.v… thì nên áp dụng pháp môn như lý tác ý: “An tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay ra, an tịnh thân hành tôi biết tôi đưa tay vô.” Nếu ai khéo thiện xảo dùng pháp này cộng với tưởng cảm thọ của thân bệnh thì theo cánh tay đưa ra đưa vô thì thân sẽ hết bệnh. Khi tâm chúng ta phiền não hay tức giận một điều gì thì chúng ta cũng áp dụng như trên nhưng thay vào “chữ Thân hành bằng chữ Tâm hành.

Trong lúc tu tập pháp môn chánh niệm Tứ Niệm Xứ thì chúng ta phải thiện xảo về câu tác ý cũng như về thân hành, có khi thì dùng thân hành nội, nhưng cũng có khi phải dùng thân hành ngoại. Tu tập như thế nào khắc phục những tham ưu trên thân, thọ, tâm và pháp mà không còn chướng ngại thì đó là tu đúng chánh pháp.

Ở đây chúng ta đừng hiểu chánh niệm theo kiểu kiến giải của Đại Thừa là dùng thân hành ức chế tâm, có nghĩa là chỉ biết duy nhất có thân hành nội hay ngoại mà không có một niệm nào khác xen vào, đó là chánh niệm sai

46. THIỆN PHÁP

Hỏi: Và cuối câu pháp hướng con đều có thêm ba chữ “Tăng trưởng thiện” để tóm tắt nhắc con “Tứ Chánh Cần.” Con cảm nhận rằng thiện pháp đúng là vũ khí sắc bén trợ lực cho tâm xả. Có đúng như vậy không thưa Thầy?

Đáp: Đúng! Dùng câu tác ý thiện pháp vừa để chuyển ác pháp bên ngoài (nhân ác) vừa để chuyển ác pháp trong tâm (quả ác). Cho nên đức Phật dạy: “Ta không thấy một pháp nào khác, này các tỳ-kheo, có như lý tác ý lậu hoặc chưa sinh thì không sinh, đã sinh thì bị diệt mất.

Nhớ lời dạy này của đức Phật, ta nên áp dụng vào cuộc sống hằng ngày, nếu ác pháp chưa sinh thì ta nên tác ý ly tham, sân, si… Còn ác pháp đã sinh thì ngay trên ác pháp mà tác ý thiện pháp như ông Phú Lâu Na xin Phật đi độ chúng sanh ở một nước khác. Đức Phật hỏi:

             - Người dân ở nước đó, họ sẽ chửi mắng ông. Ông nghĩ thế nào?        
             - Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, chưa đến đỗi lấy đá ném con.
             - Họ lấy đá ném ông. Ông nghĩ thế nào?
             - Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, chưa đến đỗi lấy dao giết con
             - Họ lấy dao giết ông. Ông nghĩ thế nào?
             - Con sẽ thấy người dân ở nước đó còn thương con, họ lấy dao giết là vì con còn mang cái thân nghiệp có nhiều khổ đau.

Đấy, các con thấy đức hạnh giải thoát của ông Phú Lâu Na chưa? Luôn luôn thấy thiện pháp chứ không thấy ác pháp, luôn luôn thấy người tốt chứ không bao giờ thấy người xấu. Có đúng như vậy không các con? Vì vậy pháp của Phật bao giờ cũng là thiện pháp, thấy mọi người bao giờ cũng là thấy người tốt, là người thương mình, là người giúp mình v.v…

Đoạn kinh trên đây là để trả lời những ai đã hiểu lầm về Phật giáo Nguyên Thủy, cho Phật giáo Nguyên Thủy là Tiểu Thừa, là cỗ xe nhỏ tự độ không có lợi tha. Đoạn kinh trên đây có ba nghĩa:

- Nghĩa thứ nhất: người ta cho người tu theo Phật giáo Nguyên Thủy chỉ tu cho mình, ích kỷ cá nhân nên gọi là Tiểu Thừa, không độ chúng sanh như Đại Thừa vừa tu vừa độ. Theo đức Phật chủ trương, người tu chứng đạo mới được giảng đạo, còn tu chưa chứng thì không được dạy đạo. Tạo sao vậy? Tu chứng mới có kinh nghiệm dạy người, còn tu chưa chứng thì biết gì mà dạy người, giống như Đại Thừa tu chưa chứng mà dạy người cũng như người mù dẫn một đám người mù đi.

- Nghĩa thứ hai, đoạn kinh trên đây là một phương pháp xả tâm, xả tâm bằng một phương pháp nhìn đời toàn thiện pháp, toàn sự tốt đẹp, thương yêu, chứ không nhìn đời bằng đôi mắt ác pháp, bằng sự xấu xa, tức giận, căm ghét, thù hận v.v…

- Nghĩa thứ ba, bài pháp trên đây không những chỉ cho người tu chứng sống với tâm bất động thanh thản, an lạc và vô sự mà người tu chưa chứng vẫn phải lấy nó làm pháp xả tâm rất tuyệt vời.

Cho nên các con hãy lấy nó làm vũ khí chống lại bất cứ một pháp ác nào tác động trên thân tâm. Ở đây mọi người về Tu viện tu tập, ai cũng biết Tứ Chánh Cần là pháp ngăn ác diệt ác, luôn luôn sinh thiện tăng trưởng thiện. Mọi người ai cũng hiểu và cũng nói được, nhưng dưới mắt Thầy thì không ai làm được.

Cho nên gặp cô Diệu Quang cho một trận tóa hỏa tam tinh thấy toàn là ác pháp, còn thiện pháp thì chạy mất. Vì thế 27 năm trôi qua, biết bao nhiêu người về Tu viện tu tập nhưng chỉ một vài giây phút trắc nghiệm thì bao nhiêu công lao tu tập đều đổ sông, đổ biển.

Gương hạnh ông Phú Lâu Na còn đó, nó là một bài học đạo đức giải thoát tuyệt vời, nó dạy cho chúng ta cách thức đạo hạnh không làm khổ mình khổ người mà được cô Diệu Quang là một đối tượng trắc nghiệm. Tu Phật mà được có người trắc nghiệm tức là tu có đối tượng. Có như vậy mới biết mình tu tập tới đâu; có như vậy mới biết mình tu tập có giải thoát hay không giải thoát; có như vậy mới biết mình tu đúng tu sai. Phải không các con?

Tại sao Thầy lại nhắc nhở các con tu tập như ông Phú Lâu Na nhiều lần? Vì đạo Phật là Đạo Từ Bi, nhờ lòng từ bi mà các con chứng đạt chân lý tức là tâm thanh thản, an lạc và vô sự; nhờ lòng từ bi mà các con mới sống không làm khổ mình khổ người và khổ cả hai; nhờ lòng từ bi mà quả A-la-hán trong lòng bàn tay của các con. Vì thế mà Thầy thường nhắc đến vị Thánh Tăng này nhiều lần, nhất là trong tập sách Đường Về Xứ Phật tập IV này.