TRẢ LỜI THẦY PHƯỚC TỒN
Hỏi 1: Kính thưa Thầy, trong khu vực thất con đang ở có những cây rau má, cần cua, hay những cây trái như mãng cầu ta, ớt, nếu con hái cắt ăn thêm trong một bữa cơm trưa như vậy có phạm giới hay không?
Đáp: Ăn như vậy phạm vào giới LỤC HÒA. Trong lục hòa có “LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN”, tức là ăn thêm nhiều hơn người khác, nhất là phạm vào giới không ly tham. Ăn còn muốn ăn bất cứ một cái gì thêm là còn tham ăn, tham ăn mà không ly được thì không thể lìa sinh tử được. Đến giờ ăn khi đi khất thực có cái gì ăn cái nấy, nên đi hái rau hoặc ớt để ăn thêm thì phải biết tâm mình còn tham.
Dù đó là một lỗi nhỏ nhặt, nhưng các con phải nhớ lời đức Phật dạy: “PHẢI SỢ HÃI TRONG CÁC LỖI NHỎ NHẶT”.
Muốn đẩy lui các chướng ngại pháp nơi thân tâm của mình thì đừng nên phạm vào các lỗi nhỏ nhặt, nhất là giới ly tham.
Hỏi 2: Vì con nghĩ nếu không cắt, hái ăn thì nó cũng tự chết và hư rụng, còn đem lên nhà bếp thì ít quá, cũng chẳng làm được gì?
Đáp: Đó là lối lý luận để bào chữa tâm tham ăn của mình, cái tâm quá khéo léo để đánh lừa con: nào là tự chết, hư rụng; nào là quá ít, đem lên nhà bếp cũng không đủ chia ra được.
Bởi vậy, nếu không có giới luật của Phật làm cơ bản cho sự sống của tu sĩ, thì cái tâm của các con sẽ đưa các con chạy theo ngũ dục lạc phạm biết bao nhiêu là tội lỗi, nhưng lại tự xem mình là chân chất, thật thà, là oai nghi chánh hạnh. Câu hỏi trên đây của con cũng là cái tâm dối trá lừa đảo, lý luận để làm lỗi mà không biết mình có lỗi.
Hỏi 3: Trong trường hợp sau này Tăng đoàn, Ni đoàn du tăng khất sĩ đi đây đi đó, nếu vào một trụ xứ đồng ruộng rừng núi hoang vắng, có những loại rau hoang dã mọc tự nhiên không phải người ta trồng, như rau muống đồng, cần cua, rau má, v.v... Có được cắt ăn hay không?
Đáp: Được, nhưng khi cắt ăn phải chia nhau đồng đều “LỢI HÒA ĐỒNG QUÂN”. Đời sống của tăng đoàn là đời sống LỤC HÒA, các con nên nhớ điều này, đừng để vi phạm trong những lỗi nhỏ nhặt mà con đường tu hành sẽ không bao giờ ly dục ly ác pháp hoàn toàn.
Con đường tu theo Phật giáo không khó, nhưng khó là giữ gìn giới luật Phật, vì sơ xuất là bị phạm giới, phạm vào những oai nghi làm mất chánh hạnh. Tu hành theo Phật giáo hằng ngày phải tâm niệm: “SỢ HÃI TRONG CÁC LỖI NHỎ NHẶT”. Có sợ hãi như vậy mới oai nghi chánh hạnh đầy đủ.
Hỏi 4: Trong những trường hợp đi khất thực được ít, không đủ no, hoặc không có ai cho gì. Và có trường hợp nào mà người tu sĩ cắt hái, lượm (quả chín rơi rụng), đào các loại rau, quả, củ ăn mà không phạm giới không?
Đáp: Trong trường hợp đi khất thực không đủ ăn, ở trong rừng các con có quyền đi lượm trái cây hay đào lấy củ khoai để nấu ăn cho no đều được, không hề vi phạm, nhưng chỉ ăn ngày một bữa không nên ăn phi thời, vì ăn phi thời mới là phạm giới. Cho nên người tu sĩ cần phải nghiêm trì giới luật, phải sợ hãi những lỗi nhỏ nhặt. Khi tự mình làm ra thực phẩm, tuy là trái cây hay củ khoai đều phải cảnh giác trong việc ăn uống dễ phạm vào giới luật.
Hỏi 5: Con kính xin Thầy chỉ dạy, Tăng đoàn, Ni đoàn hay Cư sĩ đoàn số lượng đông hơn chục người, có dịp đi từ nơi này đến nơi khác. Vậy vấn đề giao thông trên đường như thế nào?
Đáp: Khi tăng đoàn, ni đoàn đi từ chỗ này sang chỗ khác đều do sự tổ chức trong Ban tổ chức. Ban tổ chức sẽ lo liệu xe cộ đưa từ vị trí này đến vị trí khác, mà tăng đoàn hay ni đoàn không phải bận tâm. Đến đâu đều có chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi và chỗ tu tập hẳn hoi, nghĩa là mỗi người đều có một thất riêng biệt.
Ở đây, tăng đoàn và ni đoàn là một tổ chức tập thể của tu viện Chơn Như, vì thế tăng đoàn hay ni đoàn di chuyển đến đâu đều theo sự chỉ định của tu viện Chơn Như, cho nên chỗ ăn, chỗ ở và chỗ tu tập cũng đều giống như tu viện Chơn Như cả.
Hỏi 6: Đi trên đường phố, các trục lộ, băng qua đường, xin quá giang xe một lần hơn chục người thì rất khó. Hơn nữa là khi lỡ đi đến thành phố mà đến giờ thọ trai, vấn đề tìm nơi thọ trai yên tĩnh như vườn cây thì rất hiếm và xa, như vậy Tăng đoàn và Ni đoàn có thể ngồi dưới gốc cây trên vỉa hè thọ trai có được không, hay phải làm như thế nào?
Đáp: Đó là con chưa biết cách tổ chức một tập thể nên suy nghĩ theo cá nhân. Một tập thể di chuyển từ chỗ này đến chỗ khác đều có sự hướng dẫn rõ ràng và cụ thể, chỗ nào ăn, chỗ nào ở, chỗ nào nghỉ chân. Còn nếu đi đường xa thì Ban tổ chức sắp xếp đến giờ ăn uống trên xe hoặc tìm nơi khu rừng có bóng mát gần đường. Tăng đoàn không bao giờ đi lang thang rong chơi ngoài đường phố như con nghĩ.
Hỏi 7: Những người có trách nhiệm trong đoàn, như Trưởng, Phó, Giám luật, Thư ký, Giảng viên, không phải là giờ họp, nơi họp mặt, mà gặp nhau nói chuyện trong lúc quét lá, lúc đi khất thực, lúc sau giờ học, lúc đi trên đường. Kính thưa Thầy, như vậy quý vị ấy có phạm giới độc cư không?
Đáp: Trong tu viện Chơn Như lấy hạnh độc cư làm chỗ phòng hộ sáu căn, để tu tập xả tâm ly dục ly ác pháp; để bảo vệ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự. Nếu ngoài giờ họp, giờ phát lồ thỉnh nguyện, giờ học tập và giờ tu tập, mà nói chuyện bất cứ nơi đâu đều vi phạm vào lỗi phá hạnh độc cư của mình và của người khác. Ngoại trừ trường hợp có điều kiện cần phải hội họp riêng của Ban tổ chức, thì người trong Ban tổ chức được đến thất mời họp. Nhất là thầy Giám luật được quyền đến thất mọi người để khuyên bảo đoàn viên về giới luật. Còn hoàn toàn ngoài ra không ai có quyền đến thất của người khác nói chuyện. Nếu nói chuyện một lần, hai lần đến ba lần sẽ bị mời ra khỏi tăng đoàn, do Ban tổ chức tăng đoàn lập biên bản.
Người phá hạnh độc cư là phá sự tu tập xả tâm của mình và của người khác. Cho nên kỷ luật cần phải nghiêm trị những người phá sự tu tập của chúng tăng, không nên thương hại và tha thứ những người xem thường nội qui của tu viện. Nội qui của tu viện gồm trong THANH QUI. Vậy các tu sĩ hãy theo thanh qui mà áp dụng vào đời sống tu tập hằng ngày của mình.
Hôm nay, Thanh Qui của Tu Viện đã được Trưởng Lão nhuận lại, làm rõ những oai nghi chánh hạnh của người tu sĩ để tiến tới tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự hoàn toàn. Nhờ đó tâm mới nhập TỨ THÁNH ĐỊNH, làm chủ sự sống chết.
Cho nên, trong Ban lãnh đạo tăng đoàn không có người nào lợi dụng quyền hạn của mình để phá hạnh độc cư đi nói chuyện phi thời. Mọi người trong ban lãnh đạo chỉ làm hết nhiệm vụ của mình mà Thầy đã giao phó.
Làm nhiệm vụ xong rồi còn phải lo tu tập cho mình, có thì giờ đâu đi nói chuyện tào lao.
Phải không các con?
Hỏi 8: Kính thưa Thầy, làm sao và dựa vào đâu để con nhận biết được mình trên những hành động, khẩu, ý có đức sáng suốt (minh mẫn) hay không có đức sáng suốt?
Đáp: Trường hợp để nhận ra đức Sáng Suốt của mình không khó. Chỉ khi nào con giữ gìn tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự từ một giờ đến một ngày đêm, thì ĐỨC SÁNG SUỐT của con sẽ thấy rõ ràng. Lúc bấy giờ con rất thông minh, tâm con vừa bình tĩnh trước mọi ác pháp và nhất là tất cả các cảm thọ tác động đến thân con, con chẳng còn một chút nào sợ hãi.
Đức sáng suốt có được là do từ tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự, ngoài trạng thái tâm này thì không bao giờ có đức sáng suốt.
Tâm bất động, thanh thản, an lạc và vô sự là tâm VÔ LẬU. Tâm VÔ LẬU là cứu cánh niết bàn, là trạng thái của người tu chứng quả A La Hán. Vì tâm này không còn bị năm màn ngăn che (ngũ triền cái): THAM, SÂN, SI, MẠN, NGHI, nên nó rất sáng suốt vô cùng. Trên đời này không có một vật gì che khuất nó được, người xấu nó cũng biết, người tốt nó của biết; người ác nó cũng biết, người hiền nó cũng biết. Nhưng có một điều nó không nói động chạm đến ai, ai làm sao nó cũng tùy thuận mà không hề sợ hãi bất cứ một việc gì. Tâm vô lậu là một tâm không còn dính mắc một vật gì trong thế gian này, nên nó rất tuyệt vời trong cuộc sống, nó không còn bị nô lệ cho một thứ dục lạc nào trên cõi đời này. Cho nên nó không bị những vật chất dục lạc thế gian lôi cuốn và cám dỗ, hoàn toàn tâm bất động.
Hỏi 9: Trong trường hợp kiến vào ở trong ống tầm vông của giá để thực phẩm nơi nhận cơm, và mối vào ở ăn ruột cây tầm vông trong thất cũ, con biết không có cách gì mà đuổi nó đi hết được, nếu đi ngăn chặn thì sẽ làm chết kiến mối không thể tránh khỏi. Như vậy con phải làm sao?
Con kính xin Thầy chỉ dạy: Loại mối này nó không có đùng tổ to, mà nó là loại mối đã có mặt ở giảng đường.
Đáp: Khi thấy kiến vào ở trong cây tầm vông làm kệ đựng thực phẩm của chúng tăng.
Con muốn đuổi chúng đi để tránh chúng bò lên thực phẩm, làm mất vệ sinh mà không làm tổn hại chúng, thì con nên cưa bỏ đoạn cây tầm vông đó và cho vào một nơi xa chỗ để thực phẩm, trước khi cưa con nên bịt kín lỗ ra vào của chúng, sau khi làm xong con mở lỗ cho chúng ra rồi đem bỏ chỗ khác. Khi làm cây tầm vông mới thì con nên ngăn ngừa trước bằng lấy vải nhúng đầu nhớt, cột vào chân cây tầm vông thì kiến sẽ không bò lên, nhờ đó chúng không ở trong cây tầm vông được nữa.
Thất cũ của các con cũng vậy, cây cột nào có mối, có kiến thì nên cắt bỏ thay vào cây cột mới, nhớ nên sơn một lớp chống kiến mối và ẩm mốc khi cây bị khô. Đừng nên tiếc những cây cột có kiến mối, hãy bố thí cho chúng ăn thì chúng ta không mang tội sát hại chúng, mà còn bố thí cây cột ấy cho chúng ăn thì thật là vẹn toàn, không phạm vào một giới luật nào cả, mà còn khởi được tâm giúp chúng sinh không ăn cắp, ăn trộm của người khác.
Hỏi 10: Trong lúc đang thọ thực có con mèo, chó đến xin ăn, con dùng nắp bát hoặc hộp nhựa bố thí cho chúng một ít cơm, thực phẩm, sau khi thọ trai xong con đem rửa sạch sẽ và trả hộp nhựa lại nhà bếp, như vậy có phạm lỗi hay thiếu đức gì không?
Đáp: Không phạm lỗi gì cả, mà còn thể hiện được đức bình đẳng. Thường ở đời người ta xem loài vật là một loài hạ tiện, ăn uống dơ bẩn như: ăn thịt sống những con vật này con vật khác, có khi ăn cả những con vật chết rữa hôi thối; có khi ăn cả phân người.
Bất cứ để đồ ăn chỗ nào dơ hay sạch chúng cũng ăn được. Do ăn uống như vậy nên người ta ghê gớm. Vì thế, khi chén bát hay dĩa cho chó, mèo ăn là người ta không dám đựng thực phẩm để ăn uống, dù là đã rửa sạch sẽ.
Đức Phật đã dạy: “Tất cả các pháp đều vô thường, không có pháp nào là ta, là của ta...” Thân này bất tịnh, thực phẩm hằng ngày chúng ta ăn uống đều là bất tịnh.
Vậy thì dơ sạch chỗ nào? Nhưng làm người có trí tuệ hơn loài vật, chúng ta biết giữ vệ sinh, biết phòng ngừa bệnh tật, nên chén, bát, đĩa đều rửa sạch sẽ, biết chế biến ra những thực phẩm làm giảm bớt vi trùng vi khuẩn, để cơ thể tránh những bệnh tật. Cho nên, khi cho mèo, chó ăn xong, rồi đem những nắp hộp rửa sạch sẽ, phơi khô, thì dù có đựng những thực phẩm để chúng ta ăn vẫn vệ sinh như thường. Chỉ vì chúng ta gớm nên không dám đựng thực phẫm trong những dĩa, bát hay chén cho chúng ăn.
Chúng ta hãy tập sống đức bình đẳng với các loài vật. Bởi loài chó mèo vẫn có sự sống như chúng ta.
Hỏi 11: Có tu sinh cho rằng, đồ vật của mình (con người) dùng hằng ngày mà cho chó mèo ăn như vậy sẽ bị lây, truyền nhiễm bệnh tật từ chó mèo, dù là đã rửa sạch. Vậy trong lời nói này có mang đầy đủ đức hiếu sinh và bình đẳng hay không?
Đáp: Đây cũng là lối lý luận để bào chữa cho sự ghê tởm của mình đối với loài vật. Sự thật, bệnh tật đều có sự truyền nhiễm, nhưng đều thuộc vào nhân quả. Nếu một người sống đạo đức nhân bản - nhân quả thì không có bệnh tật nào truyền nhiễm họ được. Chỉ vì đạo đức nhân bản - nhân quả đã có đức vệ sinh môi trường và thực phẩm, thì làm gì có truyền nhiễm họ. Khi họ phát hiện mèo, chó bị bệnh là họ đã ngăn ngừa và điều trị chúng, thì làm sao có bệnh truyền nhiễm.
Trong nhà có một người bị bệnh lao phổi thì chén bát, đũa, đĩa, muỗng đều được dùng riêng. Còn mèo chó cũng vậy, khi chúng bị bệnh thì chúng ta đã dùng những dụng cụ đựng thực phẩm cho chúng ăn riêng biệt, khi chúng chết hay mạnh thì đều bỏ hoặc đào lỗ chôn kín đáo những vật dụng đó. Bởi người sống có đức vệ sinh thì lo gì sợ bị truyền nhiễm. Phải không thưa quý vị? Bệnh truyền nhiễm là do người sống thiếu đức vệ sinh.
Những lời nói trên đây đã đánh mất đức hiếu sinh và bình đẳng, thật là đáng tiếc thay.
Hỏi 12: Những thực phẩm có chứa chất màu bảo quản ủ thúi lâu như: nước tương, mắm đậu, chao, bánh, nước ngọt, sữa, v.v...có độc hại gì cho cơ thể người hay không? Dù là nhà nước cho phép kinh doanh? Con kính dâng thư lên thưa hỏi Thầy.
Đáp: Tất cả thực phẩm chúng ta đang ăn hằng ngày đều có chất độc cả, cho nên nước tương, mắm đậu, chao, nước ngọt, sữa, v.v... đều có chất độc cả, nhất là những chất hóa học chống mốc. Nhưng cơ thể con người có một sức đề kháng kỳ lạ chống lại những chất độc đó, và tự cơ thể khi gặp chất độc liền chế ra một chất hóa giải chất độc đó, biến chất độc đó thành một chất bổ để nuôi cơ thể. Nếu chất độc đó quá nhiều trong cơ thể, thì cơ thể điều chế tiết ra một chất hóa giải chất độc.
Nhưng có khi chất hóa giải không đủ để hóa giải chất độc đó, vì thế cơ thể con người mới chịu bệnh tật. Cho nên người nào ưa ăn một thứ nào quá nhiều, thì sớm muộn gì cơ thể cũng sẽ bị bệnh tật. Còn mọi thứ đều ăn ít thì không sao cả, cứ để tự nhiên cơ thể sẽ điều phục các chất độc trong thực phẩm.
Đừng quá lo xa, và cũng đừng ăn uống theo kiểu ưa thích, còn ăn uống theo kiểu ưa thích là còn chạy theo dục lạc.
Đừng sợ chất độc, mà chỉ sợ cơ thể mất sức đề kháng. Cơ thể con người là một bộ máy rất tinh vi, nó đủ khả năng đương đầu với mọi loại vi trùng, vi khuẩn và tất cả những chất độc. Miễn chúng ta ăn uống có tiết độ, giữ gìn đức vệ sinh từ trong thân đến mọi vật, từ đất đá núi sông đến không khí nước uống, v.v... thì chúng ta chẳng sợ chất độc nào cả.