Skip directly to content

Hiểu Biết Thêm Chung. Kì 42 (171-176)

171. So Sánh Phật Và A-la-hán

Phật và A-la-hán giống nhau và khác nhau chỗ nào?

Phật là người đầu tiên đem giáo pháp làm chủ sinh, già, bệnh và chết ra dạy người tu tập, còn những bậc A-la-hán chỉ theo lời dạy của Đức Phật mà tu tập làm chủ sinh, già, bệnh, chết. Như vậy sự khác nhau giữa Phật và các bậc A-la-hán ở chỗ Phật là Thầy các bậc A-la-hán là học trò.

Đức Phật và các bậc A-la-hán tu hành giải thoát giống nhau không ai hơn kém ai. Đức Phật tu tập làm chủ Sinh, Già, Bệnh, Chét thì các bậc A-la-hán cũng tu tập làm chủ Sinh, Già, Bệnh, Chết như nhau. Đây chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Như Lai, này các thầy tỳ-kheo là bậc A-la-hán Chánh Đẳng Giác làm cho khởi lên con đường trước kia chưa ai làm khởi lên, đem con đường trước kia chưa được ai đem lại con đường, tuyên thuyết con đường trước kia chưa được ai tuyên thuyết con đường đó, bậc trí đạo, bậc ngộ đạo, bậc thuần thục về đạo. Còn nay, các vị đệ tử là những vị sống theo đạo tiếp tục thành tựu đạo. Này các thầy tỳ-kheo đây là sự sai biệt, sự đặc thù, sự sai khác giữa Như Lai và bậc A-la-hán, Chánh Đẳng Giác và bậc tỳ-kheo A-la-hán được giải thoát nhờ trí tu.” (124 Tương Ưng tập III)

Kinh sách phát triển cho rằng có bảy vị Phật trong thời quá khứ trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là một điều không đúng sự thật. Vì Đức Phật Thích Ca Mâu Ni đã xác định chỉ có Ngài là người đầu tiên tuyên thuyết giáo pháp Tứ Diệu Đế. Nếu có giáo pháp này trước Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì Ngài chỉ là học trò như các vị A-la-hán khác mà thôi, như vậy làm sao Ngài dám tuyên bố những lời trên đây.

Người đời sau gian xảo ghê gớm thật, dám dựng lên bảy vị Phật quá khứ để phủ lên một lớp giáo lý tưởng, mê tín, mù quáng, lạc hậu đó với mục đích để diệt sạch giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Đúng vậy, nếu chúng tôi không dựng lại giáo pháp của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni thì kinh sách Đại Thừa và kinh sách Thiền Đông Độ đã che đậy phủ đầy không còn ai biết giáo pháp của Đức Phật.

May mắn thay là nhờ Phật giáo Nam Tông còn giữ lại giáo pháp Nguyên Thủy nhưng cũng bị các sư tu tập chưa chứng đạo nên kiến giải viết ra kinh sách làm sai lạc của Phật. Do kinh sách kiến giải sai lạc của các ngài làm cho mọi người tu tập không làm chủ Sinh, Già, Bệnh, Chết mà rơi vào các trạng thái tưởng.

Ngày xưa Đức Phật cấm không cho các đệ tử tu chưa chứng thì không được thuyết giảng một mình, mà muốn thuyết giảng thì phải có Đức Phật chỉ định. Như ông A Nan chẳng hạn, mặc dù ông có trí tuệ nhớ không bỏ sót một lời nào của Đức Phật, nhưng khi ra giảng cho chúng tỳ-kheo thì Đức Phật chỉ định chứ tự mình ra giảng thì không được.

Phật giáo nghiêm ngặt như vậy, thế mà bây giờ giảng sư đâu đâu cũng có, nhưng chẳng có ông nào làm chủ Sinh, Già, Bệnh, Chết được, đó là những người mang tội vọng ngữ, dạy người tu tập mà mình tu tập chẳng ra gì, ngay cả giới luật còn vi phạm những giới trọng Ba La Di. Thật là Phật giáo đến hồi suy thoái nên mới có Ma ba tuần phá hoại Phật pháp như vậy. Thật là đau lòng!

Đứng trước cảnh Phật giáo suy thoái chúng ta biết rằng chúng sinh phước báu quá mỏng, nên Phật giáo phải chịu long đong và mất dấu.

172. Ăn Uống Theo Phật Giáo

Đối với đạo Phật vấn đề ăn uống rất là quan trọng, cho nên ăn uống cần phải tiết độ đúng cách ăn uống của Phật giáo như lời Đức Phật dạy:

“Này Hiền giả, thế nào là tiết độ trong ăn uống? Ở đây này Hiền giả, tỳ-kheo Như lý giác sát, thọ dụng các món ăn. Không phải để vui đùa, không phải để đam mê, không phải để trang sức, không phải dể tự mình làm đẹp mình mà chỉ để thân nầy được duy trì và được bảo dưỡng, để thân nầy khỏi bị thương hại, để hỗ trợ Phạm hạnh. Nghĩ rằng: “Như vậy ta diệt trừ các cảm thọ cũ và không cho khởi lên các cảm thọ mới và ta sẽ không có lỗi lầm, sống được an ổn.” Như vậy, này Hiền giả là tiết độ trong ăn uống.” (180 Tương Ưng tập 4)

Đúng vậy, người tu sĩ Phật giáo ăn không cần ngon, ăn không phải vì ưa thích, ăn phải để mập khỏe, trẻ đẹp mà ăn chỉ để duy trì sự sống, ăn để không bệnh tật, ăn để cơ thể được mạnh khỏe để tu tập để sống đời Phạm hạnh. Ăn không vì các cảm thọ lạc mà vì sự ngăn ác pháp và diệt trừ ác pháp, ăn để sống trong tâm Bất Động, để thấy được tâm thanh thản, an lạc, vô sự.

Ăn để sống làm chủ thân tâm, cho nên ăn uống tiết độ của Phật giáo không có khó khăn, mệt nhọc. Chúng ta ăn uống mục đích giải thoát, vì vậy ăn để sống chớ không phải sống để ăn. Cho nên ai cho gì thì chúng ta ăn nấy chớ không phải vì ăn mà đi chọn lựa thức ăn này thức ăn khác.

Người muốn ăn cái này, cái khác hay chọn lựa thức ăn này, thức ăn kia là không đúng người đệ tử Phật. Nếu chúng ta chịu khó nhìn sự ăn uống của một người là biết người đó tu theo Phật giáo hay tu theo ngoại đạo. Người tu theo Phật giáo thì ăn ngày một bữa vào giữa ngày, không ăn uống phi thời lặt vặt, người ăn uống phi thời lặt vặt là không phải đệ tử của Phật giáo. Nhất là những người tuyệt thực lại càng không phải là đệ tử Phật, vì Phật không có dạy tuyệt thực. Tuyệt thực là những người đệ tử của ngoại đạo Bà La Môn.

Người tu theo Phật giáo mà còn lựa chọn món ăn này hay món ăn kia là không phải đệ tử của Phật. Người tu theo Phật giáo mà còn ăn thịt chúng sinh mặc dù ăn không nghe, không thấy, không giết, không nghi, không biết cũng không phải đệ tử của Đức Phật. Đạo phật là đạo Chánh Niệm Tỉnh Giác cớ sao lại ăn không thấy, không nghe, không giết, không nghi, không biết. Rõ ràng là ngoại đạo mà dán nhãn hiệu Phật giáo để lừa đảo phật tử.

Đạo Phật là đạo từ bi khi ăn miếng thịt chúng sinh vào miệng mà không biết sao?

Ăn vô phân biệt, ăn không còn biết ngon hay dở. Đó là cánh thức tu sai Phật giáo, Phật giáo dạy ăn biết ngon mà không dính mắc chấp trước, thấy nghe cũng vậy, phân biệt rõ ràng đẹp xấu, yên tĩnh hay ồn náo đều biết rất rõ nhưng không dính mắc chấp trước âm thinh, sắc tướng, không bị động tĩnh chi phối tâm. Trước mọi cảnh thuận hay nghịch tâm luôn luôn Bất Động. Đó mới là người tu theo Phật giáo.

Cứ hở ra một chút là tâm bị động, bị chướng ngại, tâm luôn luôn bất an, người tu theo Phật giáo như vậy là theo ngoại đạo. Phật giáo không có dạy tu tập như vậy. Xin quý vị lưu ý đừng để mình tu tập sai pháp mà không biết thì thật là tội nghiệp.

173. Sa Môn

Sa Môn là dịch âm tiếng Phạn Ấn Độ của người Trung Hoa. Sa Môn với tiếng Việt là chỉ một vị tu sĩ đã thọ đầy đủ giới luật của Phật giáo. Tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ còn một số ít mới xứng đáng gọi là tu sĩ, còn phần đông thì phạm giới, phá giới, có vị còn có vợ con rất tự nhiên, xem thiên hạ chẳng ai biết gì về Phật giáo cả. Hầu hết các chùa Phật giáo cổ truyền các thầy đều có vợ con sống trong ngôi chùa như một gia đình.

Chúng ta hãy đọc lời xác định của Đức Phật, một vị tu sĩ Phật giáo phải như thế nào mới gọi là một vị tu sĩ Phật giáo: “Sa Môn là một người xa lìa ân ái, xuất gia tu hành, chế ngự các căn không nhiễm ái dục, có lòng thương xót tất cả mọi người, không làm thương tổn và giết hại chúng sinh, gặp khổ không phiền, gặp vui không mừng, nhẫn nại tâm như đất.” (Trường A Hàm tập I trang 56)

Đó là lời dạy rõ ràng như vậy mà tu sĩ thời nay xem thường những lời tâm huyết này của Đức Phật. Một vị tu sĩ Phật giáo theo như lời Đức Phật dạy có 9 điều cần ghi nhớ:

            1- Xa lìa ân ái
            2- Cạo bỏ râu tóc, đắp áo cà sa
            3- Chế ngự các căn
            4- Không nhiễm ái dục
            5- Có lòng thương xót tất cả mọi người
            6- Không làm thương tổn và giết hại chúng sinh
            7- Gặp khổ không phiền
            8- Gặp vui không mừng
            9- Nhẫn nại tâm như đất

Một tu sĩ Phật giáo phải sống đúng 9 điều Phạm hạnh mà Đức Phật đã nêu ra thì mới xứng đáng là một tu sĩ Phật giáo, còn sống không đúng thì không xứng đáng làm tu sĩ.

Cho nên căn cứ vào 9 điều trên đây mà chúng ta biết ngay người nào là tu sĩ Phật giáo và người nào không phải là tu sĩ Phật giáo. Không phải là tu sĩ Phật giáo thì họ chỉ là cư sĩ trọc đầu.

Xét 9 điều trên đây, tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ là cư sĩ trọc đầu mà thôi. Nhìn thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ số lượng thì đông nhưng mà chất lượng tu hành chẳng có gì cả thật là đau lòng xót dạ cho Giáo Hội Phật Giáo hiện giờ.

174. Nguyên Do Nào Có Sanh Tử

Muốn làm chủ sinh, già, bệnh, chết thì phải bắt đầu tìm nguyên nhân nào sinh ra sinh già, bệnh, chết. Chúng ta hãy lắng nghe Đức Phật dạy:

“Chúng sanh thật đáng thương, thường ở trong tối tăm, chịu lấy thân phận nguy khốn, nào sanh, già, bệnh, chết đến dồn dập đủ các thứ khổ não. Họ chết đây sanh kia, chết kia sanh đây, cứ duyên theo khổ ấm thân nên lưu chuyển vô cùng. Ta lúc mới hiểu rõ ngũ ấm và diệt hết sanh, già, bệnh, chết? Thì Ta lại suy nghĩ: Sanh tử đâu đến? Duyên từ đâu mà có sanh? Do tự đặt ra câu hỏi như vậy, Ta liền dùng trí tuệ quan sát nguyên do và thấy rằng, do Sanh mà có Lão Tử, như vậy Sanh là duyên của Lão Tử. (Trường A Hàm tập I trang 60)

Lời dạy trên đây của Đức Phật là lý giải một nguyên nhân sinh ra Lão Tử làm chúng ta dễ hiểu mà hiểu một cách rất rõ ràng. Do cuộc sống hằng ngày mà mọi người theo tâm ngũ triền cái và thất kiết sử, rồi từ đó con người mới có Lão Tử. Muốn không Lão Tử thì chúng ta phải sống không theo Ngũ triền cái và Thất kiết sử.

Muốn sống không theo ngũ triền cái và thất kiết sử thì chúng ta phải dùng pháp Như lý tác ý, khi tâm mỗi lần có niệm khởi thì mau mau lập tức phải tác ý liền: “Tâm Bất Động, Thanh Thản, An Lạc Và Vô Sự.” Cứ siêng năng tu tập khi có niệm khởi liền tác ý thì tâm trở về trạng thái tâm Bất Động, Thanh Thản. Tu tập như vậy chừng nào tâm không còn niệm khởi. Tâm không còn niệm khởi là tâm đã diệt sạch Ngũ triền cái và Thất kiết sử.

Dù chúng ta muốn diệt trừ một ác pháp nào thì chúng ta cũng phải dùng pháp dẫn tâm thì mới diệt trừ được ác pháp đó. Cho nên pháp Như lý tác ý rất cần thiết cho người tu tập theo Phật giáo. Ngoài pháp Như lý tác ý ra thì Phật giáo không còn có pháp nào tu tập hay hơn. Pháp môn Như lý tác ý được xem là một thanh trường kiếm của người dũng sĩ xông trận chiến thắng quân giặc, nếu không có thanh trường kiếm thì người dũng sĩ không bao giờ thắng giặc oanh liệt. Cho nên pháp Như lý tác ý nó cũng quan trọng như vậy, xin quý vị nhớ cho.

175. Nguyên Do Nào Không Có Lão Tử

Như trên đã nói chỉ có pháp Như lý tác ý thì Ngũ triền cái và Thất kiết sử sẽ bị diệt trừ. Ngũ triền cái và Thất kiết sử bị diệt trừ thì Sanh diệt trừ, Sanh diệt trừ thì Lão Tử sẽ diệt trừ, như Đức Phật đã dạy:

“Đức Phật lại tự suy nghĩ. Do những cái gì không có mà lão tử không có? Do cái gì đoạn diệt thì lão tử đoạn diệt? Rồi Ngài lại dùng trí tuệ quan sát nguyên nhân: Do sanh không có nên lão tử không có, do sanh diệt nên lão tử diệt.” (Trường A Hàm tập I trang 60)

Đúng vậy, Sanh không có thì Lão Tử không có, Sanh diệt thì Lão Tử diệt. Cho nên khi biết tu tập đúng pháp chân chánh thì làm chủ sanh, già, bệnh, chết đâu còn khó khăn nữa.

Vì chúng ta biết nguyên nhân sinh ra Lão Tử thì ngay nguyên nhân đó mà diệt trừ. Sanh là nguyên nhân sinh ra Lão Tử, vì vậy chúng ta hằng giây, hằng phút, hằng giờ, hằng ngày dùng pháp Như lý tác ý diệt trừ từng tâm niệm của Sanh thì Sanh bị diệt, tức là Ngũ triền cái và Thất kiết sử bị diệt.

176. Pháp Chân Chánh

Pháp Chân Chánh của Phật là pháp gì? Pháp Chân Chánh là pháp diệt trừ tâm Năm triền cái và Bảy kiết sử. Một lần nữa chúng tôi xin nhắc lại Năm Triền Cái và Bảy Kiết Sử.

           Năm Triền Cái gồm có:
           1- Tham triền cái,
           2- Sân triền cái,
           3- Si triền cái,
           4- Mạn triền cái,
           5- Nghi triền cái.
          
           Bảy Kiết Sử gồm có:

           1- Ái kiết sử,
           2- Sân kiết sử,
           3- Kiến kiết sử,
           4- Nghi kiết sử,
           5- Mạn kiết sử,
           6- Hữu tham kiết sử,
           7- Vô minh kiết sử.

Người ở thế gian tâm họ thường sống với tâm Ngũ triền cái và Thất kiết sử, vì thế họ sống trái ngược lại Phật giáo. Cho nên pháp của Phật giáo thì nhắm vào Năm triền cái và Bảy kiết sử để tiêu diệt chúng. Bởi vậy pháp của Phật giáo hoàn toàn đi ngược lại pháp thế gian. Khi đi ngược lại như vậy thì khó cho người thế gian chấp nhận và tu tập được nên Đức Phật dạy:

“Chánh pháp Ta vừa chứng được thật là sâu xa vi diệu, nếu vì chúng sanh mà thuyết giảng, chắc chắn họ không hiểu nổi, còn sanh tâm hủy báng nữa là khác. Nếu vì chúng sanh dâm, nộ, si mà thuyết pháp, tất nhiên họ không thừa hành, quả thật là luống công vô ích. Pháp vi diệu nầy tương phản với pháp thế gian. Chúng sanh bị dục nhiễm, ngu si che lấp nên không tin hiểu nổi.” (Trường A Hàm tập I trang 69)

Đúng vậy, trải qua hơn 2500 năm mà chẳng thấy ai tu chứng như Phật. Thật là pháp đi ngược pháp thế gian nên khó ai tu được giải thoát hoàn toàn.

Đến thời đại chúng ta hiện giờ mới có một người làm chủ được sinh, già, bệnh, chết và người ấy ra công dựng lại giáo pháp ấy để người nào hữu duyên cùng tiếp vòng tay để làm sống lại nền đạo đức nhân bản - nhân quả của Phật giáo thì đó là đem lại hạnh phúc an vui cho loài người. Nhưng khó thay, trong cuộc đời tìm cho ra được một người có quyết tâm, có ý chí dũng mãnh gan dạ, xem sự sống chết nhẹ tựa lông hồng thì mới tu tập chứng đạo.

Giải thoát ai cũng muốn tu mà lại sợ khổ; giải thoát ai cũng muốn tu mà đời không muốn bỏ. Cho nên tìm một người tu tập vì mọi người, vì Phật pháp thì khó tìm quá. Trên hành tinh hiện nay con người có hằng tỷ tỷ con người mà tìm cho ra một con người thật là khó vô cùng. Nhiều khi Thầy muốn vào Niết Bàn cho xong, nhưng không nỡ tâm nên đành phải nán ở lại một đôi ngày mà thôi.